Các Biện Pháp Bảo Đảm Tính Hiệu Lực, Hiệu Quả Trong Việc Thực Thi Các Quy Định Của Bốn Công Ước Geneva Và Hai Nghị Định Thư Bổ Sung

hoảng loạn, tâm thần. Chính vì thế, việc bảo vệ những đối tượng này là cần thiết vô cùng. Đối với phụ nữ, họ phải được bảo vệ chống lại sự cưỡng hiếp, buộc làm gái mại dâm hay mọi hình thức ô nhục khác. Đối với phụ nữ có thai hoặc có con còn nhỏ thì được đối xử đặc biệt, trong trường hợp chịu hình phạt tử hình thì các bên xung đột cố gắng tránh tuyên hình phạt này. Đối với trẻ em, trẻ em phải được tôn trọng, chăm sóc, giúp đỡ đặc biệt và chống mọi hình thức làm nhục, chống lại sự lôi kéo, ép buộc vào lực lượng vũ trang. Đồng thời, các bên phải thi hành mọi biện pháp để đảm bảo trẻ em dưới 15 tuổi không tham gia chiến sự.

2.4. Các biện pháp bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của bốn Công ước Geneva và hai Nghị định thư bổ sung

2.4.1. Các biện pháp quốc gia

* Trách nhiệm chuyển nội dung các văn kiện sang ngôn ngữ quốc gia và chuyển hóa nội dung văn kiện vào hệ thống pháp luật quốc gia [45, tr.460]:

Việc quy định trách nhiệm này được thể hiện ở trong bốn Công ước và Nghị định thư (I) với nội dung là các quốc gia thành viên phải chuyển tất cả các Điều ước nhân đạo từ ngôn ngữ quốc tế sang ngôn ngữ quốc gia mình, chuyển các nội dung cơ bản của bốn Công ước và hai Nghị định thư bổ sung vào trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là chế tài hình sự để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nghiêm trọng. Yêu cầu này là điều kiện tất yếu để các nước có thể thực hiện Luật Geneva vào trong từng quốc gia và là bước đầu tiên để giúp cho người dân, binh lính, người lãnh đạo tiếp cận với các nội dung của luật.

* Phổ biến, giáo dục nội dung của Công ước và hai Nghị định thư đối với người đứng đầu nhà nước, binh lính thuộc lực lượng vũ trang, cán bộ y tế, toàn thể nhân dân

Nội dung này được quy định ở bốn Công ước và hai Nghị định thư với

nội dung là các quốc gia thành viên phải cam kết sẽ phổ biến càng rộng càng tốt, trong thời bình cũng như trong thời chiến nội dung Công ước ở nước mình, trước hết là chương trình huấn luyện quân sự, sau đó nếu có điều kiện thì xây dựng chương trình giáo dục dân sự, các khóa đào tạo. Như vậy, đối tượng để phổ biến và giáo dục là toàn thể nhân dân trong đó bao gồm binh lính, thường dân, cán bộ y tế, người lãnh đạo… Đặc biệt theo Điều 6, khoản 1, Nghị định thư (I) các quốc gia cần nỗ lực để đào tạo những cán bộ tư vấn pháp lý có mặt trong trường hợp cần thiết để tư vấn và hướng dẫn phù hợp với nội dung Công ước. Từ đó, hình thành trong toàn thể nhân dân thói quen pháp lý hành động và xử lý vi phạm theo nội dung Công ước.

* Xử lý vi phạm bằng hệ thống pháp luật của quốc gia thành viên:

Với việc thể chế những nội dung của Luật Geneva vào pháp luật quốc gia, quốc gia là chủ thể duy nhất sử dụng những quy định của luật áp dụng trên thực tế để xét xử và trừng trị những nghi can vi phạm theo đúng pháp luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

* Ngoài ra, các quốc gia còn là chủ thể trực tiếp xây dựng các khu vực an toàn và bệnh viện, thiết lập các khu trung lập hóa, phân biệt rõ ràng mục tiêu quân sự và mục tiêu dân sự để mục đích bảo vệ dân thường và tài sản văn hóa, đồng thời, đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích các biểu tượng, ký hiệu của Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế. Từ đó thúc đẩy việc bảo vệ quyền con người trong chiến tranh.

2.4.2. Trách nhiệm của một số quốc gia bảo hộ, tổ chức trong việc hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân chiến tranh

Bảo vệ quyền con người trong bốn Công ước Geneva về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh - 10

2.4.2.1. Quốc gia bảo hộ và các tổ chức thay thế

Sự tham gia của quốc gia bảo hộ ngay khi bắt đầu xảy ra xung đột được quy định rất rõ tại Điều 8 chung của Công ước (I), (II), (III), Điều 9 Công ước

(IV) và Điều 5 Nghị định thư (I). Nước bảo hộ bắt đầu làm nhiệm vụ của mình khi có sự đồng ý của các bên xung đột. Hoạt động của quốc gia bảo hộ

là nhằm mục đích “làm cho công dân của quốc gia đề nghị bảo hộ được đối xử đúng theo những quy định của pháp luật quốc gia sở tại và theo đúng các quy định của các điều ước quốc tế” [45, tr.482]. Trong trường hợp không có sự thống nhất của ba bên: quốc gia có lợi ích và công dân được bảo hộ, quốc gia hiện đang giam giữ công dân hay đang chiếm đóng lãnh thổ quốc gia kia và quốc gia được đề nghị là quốc gia bảo hộ thì thông thường Ủy ban chữ thập đỏ sẽ là tổ chức làm nhiệm vụ thay thế quốc gia bảo hộ.

Nhiệm vụ của các quốc gia bảo hộ là đảm bảo sự tôn trọng và thi hành công ước đồng thời đảm bảo quyền lợi của các bên xung đột thông qua các hoạt động cụ thể như: thăm và giữ liên lạc đối với những đối tượng được bảo vệ, đặc biệt là những tù nhân; giám sát các hoạt động trợ giúp nhân đạo; đứng ra làm trung gian giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên…

Như vậy, về nguyên tắc, quốc gia bảo hộ giữ một vị trí quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên xung đột nói chung, cùng với Ủy ban chữ thập đỏ tạo ra một cơ chế giám sát giữa các bên.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi xảy ra chiến sự, kể từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay chỉ có 5 cuộc xung đột vũ trang có sự tham gia của nước bảo hộ và các quốc gia bảo hộ chỉ có vai trò trong việc bảo vệ nhân viên ngoại giao, trụ sở và tài liệu của cơ quan ngoại giao, chuyển phát tài liệu.

2.4.2.2. Thúc đẩy sự tôn trọng các quy định của Công ước và hai Nghị định thư thông qua ủy ban điều tra nhân đạo quốc tế

Ủy ban Điều tra nhân đạo quốc tế được thành lập theo Điều 90 Nghị định thư (I). Phạm vi hoạt động của Ủy ban là cuộc xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế và chỉ những quốc gia nào thừa nhận thẩm quyền của Ủy ban mới có quyền yêu cầu Ủy ban thực hành nhiệm vụ này. Nhiệm vụ là tiến hành các cuộc điều tra đối với những thông tin hoặc cáo buộc sự vi phạm, bao gồm những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và những vi phạm nghiêm trọng

đối với bốn Công ước Geneva và Nghị định thư (I). Mục đích của cuộc điều tra là tìm kiếm, phát hiện, xác minh sự thật, thực chất của vi phạm sau đó trình lên các quốc gia có liên quan một báo cáo hoạt động điều tra, được bí mật đối với công chúng. Đồng thời đưa ra khuyến nghị, đề nghị các quốc gia thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Geneva thúc đẩy sự tôn trọng, ý thức trách nhiệm cao từ các quốc gia.

2.4.2.2. Hoạt động của Phòng thông tin quốc gia, Cơ quan thông tin Trung ương

Hoạt động tìm kiếm nạn nhân chiến tranh đóng vai trò vô cùng quan trọng để bảo vệ quyền của tù binh, người bị thương, bị ốm, bị đắm tàu hay kiều dân… đồng thời giúp đỡ gia đình tìm được người thân. Nếu không có sự trợ giúp của trung tâm này thì hàng vạn binh lính, người bị thương bị ốm tản tác trên chiến trường sẽ không ai quan tâm, chăm sóc, đến khi chết hoặc mất tích thì không được chôn cất, người thân không biết tin tức, ví dụ trong chiến tranh Việt Nam (1930- 1945), do chưa có hoạt động này nên hiện tại rất nhiều người lính vẫn chưa tìm được hài cốt.

Để tạo điều kiện cho việc bảo vệ quyền của người bị thương, bị ốm, bị đắm tàu, tù binh được chăm sóc một cách kịp thời để có thể đảm bảo sức khỏe, được cung cấp dịch vụ y tế hoặc đảm bảo được an táng và trở về quê hương thì tại Điều 122 Công ước (III) và Điều 33 Nghị định thư (I) yêu cầu các bên phải lập ra Phòng thông tin chính thức được lập ở các quốc gia hoặc các bên trung lập, các nước không tham chiến (nếu các bên có thỏa thuận) để thu thập thông tin bao gồm: tên, họ, cấp bậc, số hiệu, sinh quán và ngày sinh đầy để, nước mà tù binh thuộc quyền, tên bố mẹ, tên, họ và địa chỉ người cần phải báo cho biết, địa chỉ nhận thư từ, những thông tin liên quan đến việc cầm giữ tù binh, việc di chuyển, phóng thích, hồi hương tù binh, việc tù binh trốn, tù binh nằm viện, tù binh chết, tình trạng sức khỏe người bị ốm, bị thương, bị

đắm tàu, tù binh. Các bên phải thỏa thuận thành lập Cơ quan tù binh Trung ương về tù binh và đặt ở một Nước trung lập thu thập tất cả các thông tin liên quan đến tù binh, người bị thương bị ốm qua Phòng thông tin, các kênh chính thức hoặc kênh tư nhân và chuyển tin tức đến nước nguyên quán càng sớm càng tốt. Và các bên xung đột phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cơ quan này thực hiện nhiệm vụ. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, tình trạng binh lính Mỹ bị mất tích không tìm được xác, gia đình không nhận được tin tức gì về họ. Cụ thể, theo sự ghi chép của Thông tấn xã Việt Nam, “có khoảng

2.585 lính Mỹ đã bị mất tích trong các cuộc chiến tranh ở khu vực Đông Nam Á, trong đó, 1.925 trường hợp ở Việt Nam, 569 trường hợp ở Lào, 81 trường hợp ở Campuchia, và 10 trường hợp trong lãnh hải của Trung Quốc” [41]. Như vậy, với việc quy định bổ sung trong Nghị định thư (I) về vấn đề mất tích, các bên có nghĩa vụ thông báo cho nhau những thông tin liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, thỏa thuận cho phép các đội tìm kiếm, nhận dạng và thu nhặt người bị chết có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với binh lính tử trận cũng như giúp đỡ người thân của họ tìm được hài cốt.

2.4.2.3. Hoạt động của Ủy ban hội chữ thập đỏ quốc tế

Có thể nói hoạt động của Ủy ban hội Chữ thập đỏ quốc tế nói chung và hội Chữ thập đỏ quốc gia nói chung là cơ quan hoạt động có hiệu quả nhất trong việc bảo vệ quyền của những đối tượng được bảo hộ. Là tổ chức được thành lập năm 1863, hoạt động mở rộng trên phạm vi toàn thế giới để cung cấp trợ giúp nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực vũ trang và thúc đẩy sự hoàn thiện pháp luật bảo vệ nạn nhân chiến tranh. Những quy định của bốn Công ước và hai Nghị định thư về hoạt động của ICRC bao gồm: hoạt động cứu trợ như phân phát những đồ cứu trợ, đến thăm tù binh cũng như các hoạt động giám sát thông qua việc đi thăm tất cả những nơi có tù binh, đặc biệt là nơi giam giữ, tạm giam hoặc nơi tù binh lao động, đồng thời tổ

chức các cuộc hội thảo, đối thoại quốc tế nhằm tăng cường sự tuân thủ của các quốc gia đối với luật Nhân đạo nói chung và Luật Geneva nói riêng

2.4.3. Xử lý vi phạm cá nhân bằng chế quy chế của cơ quan xét xử hình sự quốc tế

Trong chiến tranh, những vi phạm nghiêm trọng về Công ước và hai Nghị định thư do cơ quan tòa án quốc gia xét xử. Tuy nhiên, trong các vụ việc như vụ diệt chủng Polpot – Polpot đã lãnh đạo giết hại 1.5 tới 2.3 triệu người trong giai đoạn (1975 – 1978) trong tổng số 8 triệu người bao gồm các đối tượng: “nhà sư Phật giáo, những tri thức có ảnh hưởng phương Tây, người tàn tật, người dân tộc thiểu số với những hành vi rất dã man như: đánh họ chết bằng những thanh sắt, bằng cuốc, chôn sống, từ chối viện trợ nhân đạo gây nạn đói” [40]. Hoặc tiêu biểu ở phương Tây là vụ diệt chủng dã man, vô nhân tính của chế độ Hitle đối với người Do Thái với những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như thí nghiệm trên cơ thể gây đau đớn về thể xác và tinh thần. Những hành vi như vậy có một đặc điểm chung là do sự lãnh đạo của những người đứng đầu nhà nước – những người nắm quyền lực cao nhất đất nước gây ra thì tòa án quốc gia không thể trừng trị họ được. Chính vì thế cần phải có một cơ chế xét xử hình sự quốc tế để xử lý các hành vi đặc biệt nghiêm trọng của các cá nhân. Các tòa án hình sự lâm thời cho Nam Tư cũ (11/02/1993) và tòa án hình sự quốc tế lâm thời cho Rwanda (08/11/1994) đã truy tố và trừng trị những hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva nói riêng và Luật Nhân đạo quốc tế nói chung nhưng thẩm quyền giới hạn về mặt lãnh thổ và chỉ mang tính chất tạm thời, sau khi vụ việc được giải quyết hai tòa án này giải thể. Chỉ có tòa án hình sự quốc tế là cơ quan xét xử hình sự quốc tế độc lập và thường trực, trừng trị các loại tội: tội diệt chủng, tội phạm chống lại nhân loại, tội phạm chiến tranh và tội xâm lược với nguyên tắc không áp dụng quyền miễn trừ cho những người đứng đầu hay là quan chức cao cấp của nhà nước, thành viên cơ quan lập pháp.

Như vậy, cơ chế này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chấm dứt những hành vi vi phạm để góp phần vào việc duy trì và gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Đồng thời, cơ chế này tạo tính răn đe và ngăn ngừa những vi phạm tương tự xảy ra và tạo một khuôn phép cho hành động của người đứng đầu nhà nước. Từ đó, có thể hạn chế được những vi phạm quyền con người xảy ra trên diện rộng với những hành vi vô nhân đạo.

2.5. Đánh giá tính hiệu quả về các quy định bảo vệ quyền con người của nạn nhân chiến tranh

* Quy định pháp lý về bốn Công ước và hai Nghị định thư bổ sung về cơ bản đã trở thành khung pháp lý cơ sở cho việc bảo vệ quyền con người

Về cơ bản, pháp luật đã quy định đầy đủ các đối tượng được bảo hộ có những quyền gì, trong chiến tranh, các bên tham chiến không được làm gì để quyền con người được đảm bảo. Và có quy định chủ thể như quốc gia, quốc gia bảo hộ, tổ chức nhân đạo quốc tế có quyền và trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ quyền của các đối tượng được bảo hộ. Đặc biệt, pháp luật đã quy định các tội cụ thể vi phạm trong chiến tranh với hệ thống cơ quan tư pháp quốc gia và hệ thống cơ quan hình sự quốc tế để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng.

* Một số đối tượng còn chưa được bảo vệ

+ Luật chưa bảo vệ một số đối tượng sau: lính đánh thuê (vì đặt ra tiêu chuẩn quá cao khiến thực tế họ là “lính đánh thuê” nhưng lại “không phải là lính đánh thuê” theo Công ước), lính biệt kích, gián điệp.

+ Hiện nay xuất hiện lực lượng vũ trang phi chính phủ với sự hiện diện xuyên quốc gia như mạng lưới Al – Queda sẽ được xác định là xung đột thuộc vào loại nào xung đột mang tính chất quốc tế hay không mang tính chất quốc tế và khi họ bị bắt làm tù binh thì họ có được hưởng quy chế tù binh hay không là vấn đề đang tranh cãi. Cụ thể, nhà nước Mỹ cho rằng việc đối xử những tù binh chiến tranh của lực lượng Taliban và Al Qaeda tại Vịnh

Guantanamo ở Cuba là không được hưởng sự bảo hộ của Công ước Geneva với nguyên nhân họ bị chỉ định là “chiến binh bất hợp pháp” [59] và không tuân thủ tập quán chiến tranh. Việc chưa quy định rõ ràng vấn đề này trong luật dẫn tới việc áp dụng luật theo ý chí chủ quan của các quốc gia, nhiều khi dẫn tới những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

+ Trong thời đại hiện nay, vũ khí hiện đại với tính chất hủy diệt hàng loạt ngày càng phát triển tạo ra một nguy cơ to lớn khi chiến tranh kết thúc. Hậu quả là hàng vạn, hàng nghìn người bị thương, bị dị tật vĩnh viễn, không những vậy, thế hệ thứ hai, thứ ba bị dị dạng, sinh ra lẽ ra được hưởng quyền con người vốn dĩ tự nhiên ban tặng nhưng vì chiến tranh, họ vĩnh viễn mang dị tật với tất cả sự tự ti, tổn thương và bất hạnh. Nhưng trong Luật Geneva chưa hề có quy định những vấn đề khi chiến tranh kết thúc chưa có điều khoản để bảo vệ và chữa trị cho họ như thế nào cũng như quy định trách nhiệm của quốc gia tham chiến đã gây ra tình trạng này. Ví dụ: trong vụ việc Việt Nam kiện Hoa Kỳ về hậu quả chất độc màu da cam, tòa án liên bang Hoa Kỳ kết luận: “bên nguyên đơn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mối quan hệ giữa bệnh tật của họ với chất dioxin, không có căn cứ pháp luật quốc tế, các công ty hóa chất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của chính phủ Mỹ nhưng chính phủ Mỹ lại có quyền miễn tố” [46].

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 21/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí