1.1.2. Khái niệm bảo đảm các quyền con người của phạm nhân bằng pháp luật
Trong lời nói đầu Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã khẳng định "Điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bằng pháp luật" [18]. Quyền con người dù là quyền tự nhiên hay quyền pháp lý thì để đảm bảo trong thực tiễn cũng cần có pháp luật. Con người cùng với các quyền con người luôn là đối tượng phản ánh của hệ thống pháp luật. Và cũng chỉ có thông qua pháp luật các quyền con người mới được ghi nhận, bảo vệ và thúc đẩy một cách có hiệu quả nhất. Quyền của phạm nhân cũng vậy, nhưng cụ thể bảo vệ quyền của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự là như thế nào ?
Từ góc độ tổ chức Nhà nước, PGS. TS. Đinh Văn Mậu cho rằng quyền con người được bảo đảm:
a) Thông qua mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân do pháp luật quy định; b) Thông qua hệ thống các cơ quan quyền lực Nhà nước như cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, Tòa án và Viện kiểm sát; c) Bằng việc hoàn thiện tổ chức Nhà nước như đổi mới tổ chức thực hiện thẩm quyền Quốc hội, cải cách nền hành chính Nhà nước, cải cách tư pháp và nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong cơ chế thị trường và dân chủ hóa xã hội [31, tr.82- 111].
PGS. TS Trần Ngọc Đường cho rằng những bảo đảm pháp lý trong việc thực hiện quyền con người bao gồm:
Hệ thống thống nhất về mặt pháp lý cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý thông qua hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước, thông qua hệ thống cơ quan hành pháp, thông qua hệ thống cơ quan tư pháp, thông qua mặt trận Tổ quốc Việt
Nam; thông qua mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân; thông qua hành vi hợp pháp và trình độ văn hóa pháp lý của mỗi cá nhân công dân [21, tr.111-178].
Việc bảo vệ và tôn trọng các quyền con người của phạm nhân chính là thành quả của loài người trong các cuộc đấu tranh bền bỉ, với phương châm mọi người bị mất tự do đều được đối xử nhân đạo và tôn trọng đối với nhân phẩm vốn có của con người [28, Điều 10]. Ở Việt Nam, việc nhận thức, ghi nhận và bảo vệ trên thực tế các quyền của phạm nhân là thể hiện qua lịch sử phát triển của pháp luật quốc gia. Đồng thời việc bảo vệ các quyền này luôn được đề cập trong những quan điểm, tư tưởng, chỉ đạo:
Trong đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, phải kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm; coi trọng các biện pháp phòng ngừa; xây dựng chương trình quốc gia về phòng ngừa tội phạm, có ngân sách dành cho chương trình đó. Thực hiện nghiêm các hình phạt do luật định đối với kẻ phạm tội; đồng thời tích cực giáo dục kết hợp với dạy nghề và tổ chức lao động sản xuất, cải thiện các điều kiện giam giữ để cải tạo, cảm hóa phạm nhân, tạo điều kiện đưa họ trở lại làm ăn lương thiện. Ngăn chặn và nghiêm trị các hành vi ngược đãi, ức hiếp người bị giam [2].
Tăng cường và đổi mới công tác cảm hóa, giáo dục giúp đỡ những người phạm tội được đặc xá, tha tù, người mắc tệ nạn xã hội tại cộng đồng và tại các trại giam, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng với những hình thức phù hợp. Quan tâm hỗ trợ những người lầm lỗi đã cải tạo tốt để sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng [3].
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo đảm quyền con người của phạm nhân theo pháp luật Việt Nam - 1
- Bảo đảm quyền con người của phạm nhân theo pháp luật Việt Nam - 2
- Quyền Được Bảo Đảm Mức Sống Tiêu Chuẩn Đầy Đủ (Điều Kiện Sống)
- Quyền Liên Lạc Với Bên Ngoài, Vấn Đề Giam Kín Và Biệt Giam
- Bảo Vệ Quyền Của Phạm Nhân Ở Cộng Hòa Liên Bang Đức
Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.
Từ ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng của pháp luật thi hành án hình sự là nhằm bảo vệ các quyền và tự do của con người và của công dân với tư cách là
những giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại. TSKH. GS Lê Cảm đã đưa ra khái niệm:
Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật thi hành án hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền là sự điều chỉnh đầy đủ về mặt lập pháp, sự thực thi chính xác về mặt hành pháp và sự đảm bảo tối đa về mặt tư pháp các quy định của pháp luật thi hành án hình sự để làm cho các quy định đó phù hợp với các nguyên tắc và các quy phạm tương ứng của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự, được tuân thủ, chấp hành và áp dụng một cách nghiêm chỉnh, thống nhất và triệt để bởi các cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng như những người có chức vụ của các cơ quan này trong thực tiễn thi hành án hình sự, đồng thời góp phần tạo nên lòng tin của công dân vào sự nghiêm minh của pháp chế, tính minh bạch và sự bình đẳng của pháp luật, sức mạnh và uy tín của bộ máy công quyền, tính nhân đạo và dân chủ của XHDS và nhà nước pháp quyền [10, tr.406-407].
Từ các quan điểm khác nhau về bảo vệ và đảm bảo thực hiện quyền con người trong Nhà nước Pháp quyền, trong hệ thống Tư pháp hình sự nói chung và trong pháp luật thi hành án hình sự nói riêng ta có thể rút ra đặc điểm việc bảo vệ quyền của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự như sau:
Trước hết trong quá trình lập pháp, quyền của phạm nhân phải được ghi nhận đầy đủ trong pháp luật, quá trình thực thi pháp luật phải đảm bảo chính xác và tuân thủ chặt chẽ những quy định.
Bảo vệ quyền của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự chính là việc thực hiện những nguyên tắc, những thừa nhận chung trong pháp luật thi hành án hình sự như nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc nhân đạo,... nhằm
đảm bảo sự phù hợp với pháp luật quốc gia và các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyển của phạm nhân.
Bảo vệ quyền của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự là làm cho những quy định của pháp luật thi hành án hình sự về quyền của phạm nhân được tuân thủ, chấp hành, áp dụng một cách triệt để, nghiêm minh, thống nhất thông qua các cơ quan thi hành án hình sự.
Bảo vệ quyền của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự còn nhằm mục đích tạo dựng niềm tin trong nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp chế, minh bạch, bình đẳng của pháp luật và sự uy tín của bộ máy nhà nước nói chung và cơ quan thi hành án hình sự nói riêng.
Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định buộc phạm nhân phải chịu sự quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành có ích cho xã hội. Từ những quan điểm trên cho thấy: Phạm nhân là các công dân có vị trí pháp lý đặc biệt. Chính vị trí này là cơ sở để các cơ quan thi hành án phạt tù áp dụng các biện pháp cưỡng chế và giáo dục đặc thù đối với họ, nhằm mục đích giáo dục họ trở thành người lương thiện. Việc họ bị giam giữ trong trại giam không có nghĩa chỉ là để trừng phạt, bảo đảm an toàn cho xã hội mà mục đích chủ yếu là giáo dục họ trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các qui tắc của cuộc sống XHCN, ngăn ngừa họ phạm tội.
Bảo đảm quyền của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự phải là nội dung được quy định trong luật có tính khả thi và được thực hiện có hiệu quả trên thực tế.
Từ những đặc điểm trên có thể đưa ra khái niệm "Bảo đảm quyền con người của phạm nhân theo pháp luật là sự điều chỉnh, ghi nhận đầy đủ trong quá trình lập pháp, sự đảm bảo thực thi chính xác trong hành pháp, tư pháp và được tuân thủ, thực hiện một cách có hiệu quả trên thực tế các quyền của người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn và tù chung thân”.
1.2. Những nhóm quyền con người của phạm nhân cần được bảo đảm
Trong thực tiễn công tác tổ chức thi hành hình phạt tù, việc hiểu rò người đang chấp hành hình phạt tù có những quyền gì, những quyền gì của công dân họ bị tước bỏ hoặc bị hạn chế và nghĩa vụ thế nào có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cơ quan thi hành án. Điều quan trọng được thể hiện ở chỗ, nó không chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức, mà còn thể hiện trong việc vận dụng các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, giáo dục người phạm tội hướng tới mục đích trả về cho xã hội những con người hoàn lương. Đồng thời trên cơ sở đó tiến hành các biện pháp quản lý, giáo dục, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Có thể khái quát các quyền cơ bản của phạm nhân cần được bảo vệ thành 6 nhóm quyền sau:
An toàn về thân thể và tôn trọng nhân phẩm: bao gồm cấm tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo; việc nhập trại và phân loại phạm nhân; bảo đảm an toàn, trật tự an ninh;
Quyền được bảo đảm mức sống tiêu chuẩn đầy đủ (điều kiện sống): bao gồm nơi ở, lương thực, thực phẩm, chỗ ngủ;
Quyền về y tế: bao gồm quyền của phạm nhân tiếp cận dịch vụ y tế; điều kiện vệ sinh;
Sử dụng thời gian trong trại giam hữu ích nhất: việc lao động, giáo dục, văn hóa, tôn giáo, học nghề, chuẩn bị cho việc tái hòa nhập;
Quyền liên lạc với bên ngoài, vấn đề giam kín và biệt giam;
Quyền khiếu nại;
Các tiểu mục dưới đây sẽ lần lượt phân tích, làm rò thêm về các nhóm quyền này. Cũng cần lưu ý rằng, ở đây chủ yếu khái quát những quyền cơ bản của mọi phạm nhân, đối với một số nhóm phạm nhân đặc biệt, yếu thế hơn (chưa thành niên, phụ nữ, người nước ngoài,...) cũng có một số mối quan tâm
đặc thù đã được các văn bản pháp luật quốc tế nêu lên (chẳng hạn như trong Phần II của QTTCTT, trong Các Quy tắc của Liên hợp quốc bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do -1990, Các Quy tắc đối xử đối với phạm nhân nữ và các biện pháp không giam giữ đối với phụ nữ phạm pháp - 2010,...).
1.2.1. An toàn về thân thể và tôn trọng nhân phẩm
1.2.1.1. Cấm tra tấn
Điều 5 của Tuyên bố chung về quyền con người của Liên Hợp Quốc (UDHR) quy định rằng không ai phải chịu đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục. Quy định này được cụ thể hóa trong Công ước về các quyền chính trị và dân sự của Liên Hợp Quốc (ICCPR), Công ước chống tra tấn (1984) và một số văn kiện pháp lý khác.Quyền này là một trong số ít các quyền tuyệt đối mà các quốc gia không thể đặt ra bất kỳ giới hạn nào đối với quyền này. Trong mọi hoàn cảnh, không thể tạm đình chỉ hay ngưng áp dụng quyền này.
Nghĩa vụ đối xử nhân đạo với những người bị tước tự do bao gồm việc tuân thủ các quy định về cấm tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc sử dụng họ vào các thí nghiệm y tế hay khoa học mà trái với ý muốn của họ, theo như quy định ở Điều 7 ICCPR (đoạn 3). Đối xử nhân đạo và với sự tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước tự do là một nguyên tắc cơ bản về quyền con người trong tố tụng hình sự mà đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Các quốc gia thành viên phải áp dụng nguyên tắc này như một yêu cầu tối thiểu, không phụ thuộc vào nguồn lực sẵn có của quốc gia và không mang tính phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào (đoạn 4).
Công ước chống tra tấn (CAT), tại Điều 1, đưa ra định nghĩa tra tấn là: bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi
mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và khổ đau đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với, hoặc có liên quan đến, các biện pháp trừng phạt hợp pháp.
Đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục (hạ thấp nhân phẩm)(cruel, inhumane, and degrading treatment - được gọi tắt là CIDT) thường được coi là gây ra mức độ đau đớn thấp hơn so với tra tấn. Trong thực tế, người ta thường căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của sự đau đớn về thể chất hay tinh thần, cộng với các yếu tố khác (thời gian, không gian,...) để phân biệt giữa tra tấn và CIDT. Khoản 1 Điều 16 của CAT cũng đã xác định:
Mỗi quốc gia thành viên cam kết ngăn ngừa trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình những hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục khác mà chưa đến mức tra tấn như định nghĩa ở Điều 1, khi những hành vi này do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức thực hiện, hoặc do xúi giục, đồng tình hay ưng thuận.
Trong ICCPR, tại Điều 7, cũng đã chi tiết hóa quyền được bảo vệ khỏi bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục. Điều 7 ICCPR nêu rò không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục; không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó. Một số khía cạnh liên quan đến nội dung Điều 7 ICCPR đã được Ủy ban Nhân quyền (HRC, cơ quan giám sát việc thực thi ICCPR) phân tích, đầu tiên là trong Bình luận chung số 7 (thông qua tại kỳ họp lần thứ 16 năm 1982 của Ủy ban),
và sau đó được sửa đổi và bổ sung trong Bình luận chung số 20 (thông qua tại kỳ họp lần thứ 44 năm 1992 của Ủy ban).
Để bảo vệ cá nhân, trong đó có các phạm nhân khỏi bị tra tấn, theo Công ước chống tra tấn, các quốc gia có những nghĩa vụ chính sau đây:
Phải thực thi các biện pháp phòng ngừa tra tấn. Khẳng định tra tấn không thể được biện minh trong mọi hoàn cảnh (quyền được bảo vệ chống lại tra tấn là một quyền không thể bị giới hạn), kể cả khi có chỉ đạo của cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền - Điều 2.
Cấm trục xuất các cá nhân đến một quốc gia nơi mà có bằng chứng để cho rằng họ sẽ có nguy cơ bị tra tấn (nguyên tắc này được gọi là không trao trả) - Điều 3.
Phải xác định tra tấn là các tội phạm trong pháp luật quốc gia và trừng phạt thủ phạm tra tấn - Điều 4.
Phải xác lập thẩm quyền pháp lý phổ quát, truy tố hoặc dẫn độ thủ phạm của tra tấn để truy cứu tại quốc gia khác - Điều 5.
Phải thực thi thẩm quyền pháp lý phổ quát như nêu tại Điều 5 (điều tra, giam giữ, thẩm vấn, xét xử, coi tra tấn là loại tội phạm có thể dẫn độ) - Điều 6 đến 8.
Phải phổ biến thông tin về cấm tra tấn, tập huấn, đào tạo cho các lực lượng thực thi pháp luật và những người khác về lĩnh vực này - Điều 10.
Phải thường xuyên rà soát các quy định về thẩm vấn và chế độ giam giữ nhằm chống lại tra tấn - Điều 11.
Bảo đảm điều tra nhanh chóng và khách quan các hành vi tra tấn đã xảy ra - Điều 12.
Bảo đảm nạn nhân của tra tấn quyền có khiếu nại được giải quyết, được bảo vệ và bồi thường - Điều 13 - 14.
Cấm sử dụng lời khai có được do tra tấn - Điều 15.