Nhận Thức Chung Về Bảo Vệ Quyền Con Người Trong Giai Đoạn Khởi Tố, Điều Tra Vụ Án Hình Sự

Như vậy, bảo vệ quyền con người trong TTHS là việc các CQTHTT thực hiện những biện pháp, hoạt động, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật TTHS nhằm bảo đảm quyền con người của các chủ thể tham gia quan hệ TTHS mà chủ yếu và quan trọng nhất là người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo.

1.2. Nhận thức chung về bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự

Pháp luật TTHS có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quy định pháp luật bảo vệ quyền con người, thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền con người thông qua việc “chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”, hướng tới mục đích “góp phần bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật XHCN, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” [21, tr.9]. Những định hướng trên được quán triệt và thể hiện ở tất cả các quy định của Bộ luật TTHS, tạo thành hệ thống các quy phạm làm cơ sở cho việc bảo vệ quyền con người, điều chỉnh hoạt động của các CQTHTT, NTHTT, trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án, tạo thành hệ thống các quy phạm làm cơ sở cho việc bảo vệ quyền con người.

Dưới góc độ khoa học cũng như thực tiễn tư pháp, quá trình giải quyết một vụ án hình sự bao gồm nhiều bước, tương ứng với chức năng nhất định trong hoạt động tư pháp hình sự của từng loại chủ thể tiến hành tố tụng có thẩm quyền nhằm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do luật định, có thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc. Căn cứ chức năng, chủ thể tiến hành, nội dung tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ở Việt Nam, có thể chia quá

trình TTHS thành các giai đoạn tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Khởi tố, điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên mà trong đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật TTHS, tiến hành việc xác định có (hay không) các dấu hiệu của tội phạm trong hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó và tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự, phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên và trên cơ sở đó quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự hoặc kết luận điều tra và đề nghị VKS truy tố bị can trước pháp luật.

Bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự là một bộ phận của bảo vệ quyền con người, cụ thể hoá, hiện thực hoá các quy định của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người nói chung, là bảo vệ quyền con người trong TTHS ở giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự nói riêng. Nói cách khác, bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự là một bộ phận của bảo vệ quyền con người trong TTHS. Quan điểm, mục tiêu, yêu cầu về bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự được quy định trong Bộ luật TTHS và các văn bản pháp luật TTHS, thống nhất với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu về bảo vệ quyền con người trong TTHS cũng như trong các lĩnh vực pháp luật, phạm trù xã hội khác. Hình thức, biện pháp bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự gắn liền với các hoạt động, hành vi, trình tự, thủ tục TTHS được thực hiện trong quá trình khởi tố, điều tra của CQĐT, cơ quan

khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (sau đây gọi tắt là CQĐT), VKS.

Có thể chia giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự thành hai phân đoạn: khởi tố và điều tra.

Trong phân đoạn khởi tố, các cơ quan có thẩm quyền có nhiệm vụ sử dụng các biện pháp do Bộ luật TTHS quy định để xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm, trên cơ sở đó các cơ quan này sẽ ra một trong hai quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Việc khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm nói chung và các tội xâm phạm quyền công dân nói riêng có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ quyền con người. Chính vì vậy, Bộ luật TTHS quy định rất đầy đủ, chặt chẽ về căn cứ, cơ sở của việc khởi tố vụ án và không khởi tố vụ án hình sự cũng như thẩm quyền, trình tự, thủ tục ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định không khởi tố vụ án và việc kiểm sát khởi tố vụ án hình sự.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

Trong phân đoạn điều tra, CQĐT có trách nhiệm tiến hành đầy đủ các hoạt động, biện pháp, trình tự, thủ tục TTHS để thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội, làm sáng tỏ tất cả sự thật khách quan của vụ án và những vấn đề khác có liên quan, làm cơ sở cho việc truy tố, xét xử của VKS, Toà án (TA). Đồng thời thông qua hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội trong từng vụ án cụ thể và kiến nghị các biện pháp phòng ngừa với các cơ quan và tổ chức hữu quan. VKS có trách nhiệm kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động điều tra vụ án, đảm bảo yêu cầu về căn cứ, tính hợp pháp, tính cần thiết của mọi hoạt động, hành vi, trình tự, thủ tục điều tra. Đặc biệt là các hoạt động, hành vi, trình tự, thủ tục tố tụng do CQĐT tiến hành có liên quan trực tiếp đến quyền con người như khởi tố bị can, bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét…

Bảo vệ quyền con người của người tham gia quan hệ TTHS trong giai đoạn khởi tố, điều tra bao gồm hai nội dung. Nội dung thứ nhất là bảo vệ các quyền con người đã, đang, có khả năng bị hành vi tội phạm xâm hại – chống lại sự xâm hại các quyền con người của nạn nhân tội phạm. Nội dung thứ hai là bảo đảm, không xâm hại các quyền con người của người tham gia quan hệ TTHS trong giai đoạn khởi tố, điều tra. Tức là chống lại sự xâm hại, khôi phục quyền con người bị đe doạ xâm hại, đã, đang bị xâm hại làm phát sinh quan hệ TTHS của chủ thể và trong khi thực hiện chức năng ngăn chặn tội phạm, bảo vệ, chống lại sự xâm hại quyền con người, khôi phục công lý, chứng minh tội phạm, người phạm tội, hậu quả của tội phạm… không xâm hại các quyền con người của chủ thể tham gia quan hệ TTHS. Hai nội hàm này của yêu cầu bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra là hai mặt thống nhất, phản ánh bản chất nhân đạo, văn minh của nền TTHS nước ta.

Bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự - 5

Chủ thể quyền con người - đối tượng được bảo vệ quyền con người bằng các quy định pháp luật TTHS trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự gồm những người bị tình nghi phạm tội – người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can) và người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án… Bảo vệ quyền con người trong giai đoạn này là việc CQĐT, VKS thực hiện những việc làm bảo đảm cho các chủ thể này được thực hiện và có điều kiện cần và đủ để thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật TTHS.

1.2.1. Nội dung bảo vệ quyền con người đối với người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự Bảo vệ quyền con người đối với người bị buộc tội trong giai đoạn khởi

tố, điều tra vụ án hình sự

Người bị buộc tội trong giai đoạn khởi tố, điều tra bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can trong vụ án.

Người bị bắt là chủ thể tham gia tố tụng có đặc điểm riêng biệt, khác với các chủ thể tham gia tố tụng khác. Trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự, người bị bắt có thể là đương sự chưa bị khởi tố bị can, sẽ bị tạm giữ hoặc đã bị khởi tố bị can, sẽ bị tạm giam. Trường hợp chưa bị khởi tố bị can, sau khi bị bắt - chính thức tham gia tố tụng với tư cách là người bị bắt – chủ thể này sẽ trở thành – có tư cách tham gia tố tụng – người bị tạm giữ. Nếu đã bị khởi tố bị can, sau khi bị bắt, chủ thể này sẽ trở thành – có tư cách tham gia tố tụng – người bị tạm giam. Tư cách tố tụng, các quyền tố tụng, trong đó có quyền con người của người bị bắt phát sinh từ thời điểm bị bắt. Việc xác định thời điểm kết thúc tư cách tố tụng của người bị bắt là vấn đề pháp lý phức tạp, chưa có quy định cụ thể và đang còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Xuất phát từ yêu cầu nghiên cứu về quyền con người và bảo vệ quyền con người của người bị bắt, chúng tôi đồng ý rằng thời điểm một người bị bắt kết thúc tư cách tham gia tố tụng là người bị bắt và bắt đầu (chuyển sang) tư cách là người bị tạm giữ, tạm giam khi việc bắt người đó đã kết thúc và đã thực hiện trong thực tế việc tạm giữ, tạm giam đối với người đó bằng việc giao người đó cho nhà tạm giữ, trại tạm giam. Điều 83 Bộ luật TTHS quy định sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, CQĐT phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Đối với người bị bắt theo quyết định truy nã, CQĐT tiếp nhận người bị bắt phải lấy lời khai và thông báo ngay cho CQĐT đã ra quyết định truy nã. Trường hợp xét thấy CQĐT đã ra quyết định truy nã không thể tiếp nhận ngay người bị bắt thì CQĐT tiếp nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo cho CQĐT đã ra quyết định truy nã. Ngay sau khi nhận được thông báo, CQĐT đã ra quyết định truy nã

có thẩm quyền bắt phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được VKS cùng cấp phê chuẩn cho CQĐT nhận người bị bắt. CQĐT nhận người bị bắt phải giải ngay người bị bắt đến trại tạm giam gần nhất. Theo quy định này, thời gian một người tham gia tố tụng với tư cách là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang không quá 24 giờ kể từ thời điểm bị bắt. Thời gian một người tham gia tố tụng với tư cách là người bị bắt trong trường hợp bắt người theo quyết định truy nã chưa được xác định cụ thể mà là “ngay sau khi lấy lời khai”. Thời gian một người tham gia tố tụng với tư cách là người bị bắt trong trường hợp bắt bị can để tạm giam cũng chưa được xác định cụ thể và bắt đầu từ thời điểm CQĐT thi hành lệnh bắt, kết thúc khi người đó được giao cho nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Thời gian tham gia tố tụng của người bị bắt có thể trong thời hạn 24 giờ, có thể rất ngắn nhưng cũng có thể kéo dài do chưa được quy định cụ thể. Trong thời gian này, người bị bắt có các quyền gì? Bộ luật TTHS năm 2003 không quy định quyền của người bị bắt. Theo chúng tôi người bị bắt là người bị tạm thời hạn chế quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm thân thể. Các quyền tố tụng khác, trong đó có các quyền con người không bị hạn chế, tước đoạt. Bảo vệ quyền con người của người bị bắt là bảo vệ quyền được sống, chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm các điều kiện cần và đủ để người bị bắt thực hiện các quyền nhân thân, quyền dân sự, quyền chính trị không bị hạn chế, tước đoạt. Cụ thể, người bị bắt có quyền được biết lý do mình bị bắt; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; được trình bày lời khai; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; khiếu nại về việc bị bắt, quyết định, hành vi tố tụng của CQTHTT, NTHTT, yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi, quyền im lặng...

Bảo vệ quyền con người của người bị tạm giữ là đảm bảo những điều kiện cần và đủ để người bị tạm giữ thực hiện được các quyền của mình. Điều 48 BLTTHS quy định: người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn

cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ. Người bị tạm giữ có quyền: được biết lý do mình bị tạm giữ; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Tương tự như đối với người bị tạm giữ, bảo vệ quyền con người của bị can là đảm bảo những điều kiện cần và đủ để bị can thực hiện các quyền của mình. Điều 49 Bộ luật TTHS quy định bị can là người đã bị khởi tố về hình sự. Bị can có quyền: được biết mình bị khởi tố về tội gì; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật TTHS; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trách nhiệm bảo vệ quyền của người bị buộc tội trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự thuộc về CQĐT, VKS. Việc ra quyết định khởi tố, phân công điều tra và các quyết định khác, việc tổ chức điều tra, tiến hành các hoạt động, trình tự, thủ tục điều tra trong giai đoạn này do CQĐT thực hiện. VKS kiểm tra, giám sát toàn diện, liên tục mọi hoạt động, trình tự, thủ tục điều tra. Trong đó một số quyết định liên quan trực tiếp quyền con người của người bị buộc tội do VKS phê chuẩn, yêu cầu thực hiện. Điều 23 Bộ luật TTHS quy định: VKS thực hành quyền công tố trong TTHS, quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước TA. VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật

trong TTHS có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các CQTHTT, NTHTT và NTGTT, áp dụng những biện pháp do Bộ luật TTHS quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của những cơ quan hoặc cá nhân này. VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Bảo vệ quyền con người đối với người bị buộc tội bao gồm các nội dung, yêu cầu sau:

- CQĐT, VKS phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bị tạm giam thực hiện được những quyền của mình theo quy định của Bộ luật TTHS.

- CQĐT, VKS khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, kiểm sát điều tra không được xâm phạm quyền con người và chỉ được thực hiện những biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế mà pháp luật TTHS quy định. Pháp luật TTHS Việt Nam quy định khá chặt chẽ về căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú…; các biện pháp cưỡng chế hình sự khác như khám người, khám chỗ ở… Tất cả các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế hình sự trên chỉ được thực hiện khi có căn cứ và theo đúng trình tự, thủ tục luật định. CQĐT, VKS không được phép lạm dụng, áp dụng tùy tiện các biện pháp này. Xu hướng chung của TTHS là hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, đồng thời mở rộng căn cứ, điều kiện áp dụng các biện pháp khác “mềm hơn”, tác động nhỏ nhất đến các quyền con người như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. CQTHTT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế TTHS khi cần thiết, để đảm bảo phát hiện, xử lý tội phạm song chỉ khi có đủ căn cứ và không thể áp dụng biện pháp khác ít nghiêm khắc hơn.

Xem tất cả 145 trang.

Ngày đăng: 16/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí