Khái Niệm Quyền Shcn Đối Với Nhãn Hiệu Nổi Tiếng

cách rộng rãi...". Định nghĩa này đã bộc lộ một số bất cập trong cách hiểu cũng như là trong quá trình áp dụng pháp luật. Theo như định nghĩa trên, một nhãn hiệu nổi tiếng phải đáp ứng được hai yếu tố là "được sử dụng liên tục" và "được biết đến một cách rộng rãi". Quy định như vậy là không rõ ràng. Thứ nhất, nếu "liên tục" dưới góc độ thời gian là liên tiếp, kế tiếp mà không có sự gián đoạn thì một nhãn hiệu phải được sử dụng trong khoảng thời gian là 10 năm, 20 năm hay lâu hơn mới được coi là "liên tục"? Thứ hai, một nhãn hiệu như thế nào thì được coi là có "uy tín" để được biết đến "rộng rãi". Đối với sản phẩm hàng hóa, "uy tín" được tạo nên bởi những yếu tố nào và nếu "được biết đến rộng rãi" là nói tới số lượng người biết đến trong nước hay ngoài nước.

Luật SHTT năm 2005 ra đời đã đưa ra khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng "nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam" (Điều 4).

Qui định trên đã khắc phục được nhược điểm của định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng trong Nghị định 06, thứ nhất, nhãn hiệu nổi tiếng phải là nhãn hiệu, tức là nó phải đáp ứng yêu cầu bảo bộ của nhãn hiệu. Thứ hai, định nghĩa này đã đưa ra phạm vi nổi tiếng, có nghĩa là trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Việc qui định phạm vi này sẽ rút ra một hệ quả, nếu một nhãn hiệu rất nổi tiếng trên thế giới, tuy nhiên nếu người tiêu dùng Việt Nam không biết đến, thì nhãn hiệu này sẽ không được coi là nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó để khắc phục sự thiếu sót của Nghị định 06, lần đầu tiên Luật đã đưa ra các tiêu chí để công nhận một nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật SHTT.

1.1.2.3. Khái niệm quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu là một tài sản trí tuệ quý giá, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh và phát triển thị trường của một doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đó thực hiện sản xuất hàng hoá hay cung cấp dịch

vụ. Theo thời gian, cùng với sự phát triển kinh doanh, uy tín của nhãn hiệu ngày càng được bồi đắp, dẫn đến giá trị của nó ngày càng tăng tiến, nhất là khi nhãn hiệu trở thành nổi tiếng và được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Một kết quả tất yếu đối với các nhãn hiệu nổi tiếng là sự thu hút của khách hàng lớn hơn, thị phần cũng lớn hơn so với các nhãn hiệu bình thường, vì vậy sự xâm phạm quyền (dù vô tình hay hữu ý) đối với các nhãn hiệu nổi tiếng sẽ trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn. Ngoài ra những hành vi nhái lại hay lợi dụng các nhãn hiệu nổi tiếng cho công việc kinh doanh ở các ngành hàng khác với các nhãn hiệu đó cũng sẽ gây tổn thất về uy tín cho các nhãn hiệu này. Do đó, vấn đề bảo hộ hữu hiệu nhãn hiệu nổi tiếng và coi việc tạo cho chúng sự bảo hộ đặc biệt hơn.

Nhãn hiệu nổi tiếng là tài sản của chủ sở hữu. Tuy nhiên, nó là một loại tài sản đặc thù, khác các loại tài sản khác, mang tính vô hình. Chủ sở hữu không thể trực tiếp thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng định đoạt bằng các hành vi mang tính vật lý. Chủ sở hữu sẽ thực hiện quyền năng của mình thông qua một cơ chế pháp lý đặc thù, đó là "quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng". Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Nghĩa là quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ một cách tự động. Khi phát sinh tranh chấp, chủ sở hữu sẽ phải đưa ra các tài liệu chứng minh nhãn hiệu của mình là nổi tiếng theo các tiêu chí qui định tại Điều 75 Luật SHTT. Với việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có quyền như: độc quyền sử dụng nhãn hiệu cho các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình; được quyền chuyển giao quyền sử dụng cũng như chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu cho người khác; được quyền ngăn cấm bên thứ ba đưa ra thị trường các sản phẩm có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình cũng như quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng được hiểu là việc Nhà nước bằng công cụ pháp luật của mình ghi nhận quyền của sở hữu đối với nhãn hiệu nổi tiếng đồng thời qui định cơ chế xác lập quyền và cơ chế thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

1.1.2.4. Phân biệt nhãn hiệu nổi tiếng với nhãn hiệu thường

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Như trên đã phân tích nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu đó có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó…và dấu hiệu đó phải có khả năng phân biệt. Còn nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Như vậy, giữa nhãn hiệu thường và nhãn hiệu nổi tiếng có sự giao thoa với nhau, đều là nhãn hiệu. Cả hai đều phải thỏa mãn điều kiện bảo hộ điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu. Đồng thời nhãn hiệu thường và nhãn hiệu nổi tiếng đều là công cụ phân biệt hàng hóa, dịch vụ giúp người tiêu dùng định hướng trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, có thể thấy sự khác nhau giữa nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu qua một số căn cứ sau:

- Về căn cứ xác lập quyền

Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam - 4

Quyền SHCN đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký hoặc công nhận đăng ký quốc tế trên cơ sở qui định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng phát sinh tự động không cần thủ tục đăng ký. Chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng sẽ chứng minh nhãn hiệu của mình là nổi tiếng theo các tiêu chí được qui định tại Điều 75 Luật SHTT năm 2005.

- Về phạm vi bảo hộ

Phạm vi bảo hộ về mặt thời gian của nhãn hiệu nổi tiếng rộng hơn nhãn hiệu thông thường. Thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu thường được xác định theo hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thông thường là

10 năm và có thể gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm. Thời hạn bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ vô thời hạn.

Phạm vi bảo hộ về loại hàng hóa, dịch vụ thì nhãn hiệu thường chỉ bảo hộ hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký bảo hộ. Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng rộng hơn phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu thường. Nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ bảo hộ hàng hóa, dịch vụ cùng loại mà còn bảo hộ trong tương quan với sản phẩm, dịch vụ không cùng loại nếu việc sử dụng nhãn hiệu đó gây nhầm lẫn cho người sử dụng hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Như vậy, pháp luật dành cho nhãn hiệu nổi tiếng sự bảo hộ cao hơn. Vì những lợi ích mà nhãn hiệu nổi tiếng mang lại cho chủ sở hữu, đồng thời nhãn hiệu nổi tiếng cũng là niềm tự hào của quốc gia. Hơn nữa, xây dựng một nhãn hiệu nổi tiếng không phải là điều dễ dàng nếu như nó không đáp ứng được các tiêu chí mà pháp luật đưa ra.‌


1.2. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

1.2.1. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới

Cách đây 3000 năm, những người thợ thủ công Ấn Độ đã từng chạm khắc chữ ký của mình trên các tác phẩm nghệ thuật trước khi gửi tới Iran. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã bán hàng hóa mang nhãn hiệu của mình tại Địa Trung Hải từ 2000 năm trước và cùng thời gian đó hàng ngàn nhãn hiệu đồ gốm La Mã khác nhau đã được sử dụng, kể cả nhãn hiệu FORTIS mà sau này trở nên nổi tiếng đến nỗi bị sao chép và làm giả. Nhờ việc kinh doanh phát đạt thời Trung Cổ mà việc sử dụng các dấu hiệu để phân biệt hàng hóa của các

thương gia và các nhà sản xuất đã khá phát triển. Tuy vậy, tầm quan trọng về mặt kinh tế của chúng vẫn còn hạn chế [12].

Các nhãn hiệu hàng hóa bắt đầu đóng một vai trò quan trọng với công cuộc công nghiệp hóa và từ đó đã trở thành một yếu tố quan trọng trong thế giới hiện đại của thương mại quốc tế và nền kinh tế thị trường. Công nghiệp hóa và sự phát triển của hệ thống kinh tế thị trường cho phép các nhà sản xuất và các thương gia cạnh tranh đưa đến người tiêu dùng sự lựa chọn đa dạng hàng hóa chủng loại. Thường nếu không có sự khác biệt rõ ràng đối với người tiêu dùng, chúng chỉ khác nhau về chất lượng, giá cả và các đặc tính khác. Rõ ràng người tiêu dùng cần được hướng dẫn, giúp họ suy xét các lựa chọn và đi đến quyết định lựa chọn riêng cho mình trong số hàng hóa cạnh tranh. Do vậy, hàng hóa cần phải đặt tên. Phương tiện để đặt tên hàng hóa trên thị trường chính là nhãn hiệu hàng hóa.

Công ước Paris:

Nhằm đảm bảo cho nhãn hiệu được bảo hộ rộng khắp trên phạm vi quốc tế, theo sáng kiến của Pháp, Công ước Paris về bảo hộ Sở hữu công nghiệp được ký kết ngày 20/3/1883 tại Paris, được xem xét lại tại Brussels năm 1900, tại Washington năm 1911, tại La Hay năm 1925, tai Luân đôn 1934, tại Lisbon năm 1958, tại Stockholm năm 1967 và được sửa đổi vào năm 1979. Tính đến 1/8/2007 Công ước pari đã có 171 nước thành viên. Việt Nam trở thành thành viên công ước pari từ 8/3/1949. Công ước paris ra đời khiến cho trở ngại do yếu tố lãnh thổ quốc gia không còn, công ước paris đã quy định một số nguyên tắc chung đối với hệ thống bảo bộ quyền Quyền Sở hữu công nghiệp mà các thành viên phải tuân thủ, khiến cho hệ thống này giảm các khác biệt và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các chủ thể xác lập quyền bên ngoài nước xuất xứ. Đó là nguyên tắc đối xử quốc gia; quyền ưu tiên; một số nguyên tắc chung đối với hệ thống bảo hộ quyền SHCN mà các nước thành viên phải tuân thủ; và các qui định về hành chính phục vụ cho việc thi hành Công ước.

Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã lần đầu tiên đề cập đến nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng tại Điều 6bis. Tuy nhiên, Công ước lại không hề đưa ra một định nghĩa chính thức và rõ ràng về "nhãn hiệu nổi tiếng". Chỉ có một căn cứ duy nhất để xác định một nhãn hiệu hàng hóa trở nên nổi tiếng, đó là sự chấp nhận hay thừa nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia nơi nhãn hiệu được đăng ký hay quốc gia nơi sản phẩm được sử dụng.

Hiệp định TRIPS:

Cùng với sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định TRIPS đã được ký kết ngày 15/4/1994 và bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1//1995.

Khác với điều ước đa phương trước đây về quyền SHTT, mục đích chính của Hiệp định TRIPS là thông qua việc quy định những tiêu chuẩn, những biện pháp và thủ tục tối thiểu mà các nước thành viên của Hiệp định phải có nghĩa vụ tuân theo, từ đó thiết lập một khung pháp lý thống nhất, có hiệu quả trong việc bảo hộ toàn diện quyền SHTT trong đó có quyền sở hữu công nghiệp.

Hiệp định TRIPS quy định các tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc bảo hộ tất cả các đối tượng SHTT. Nhưng điều quan trọng nhất đó là Hiệp định TRIPS là điều ước quốc tế đầu tiên quy định hệ thống các biện pháp chế tài trong đó có những biện pháp chế tài khẩn cấp nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm và những biện pháp chế tài nhằm ngăn chặn không để các hành vi xâm phạm tiếp diễn. Các biện pháp chế tài này không có trong Công ước Paris.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Hiệp định TRIPS và Công ước Paris được thể hiện trong Điều 2.1. Hiệp định này bắt buộc tất cả các thành niên WTO phải tuân thủ các điều từ Điều 1 đến Điều 12 và Điều 19 của Công ước Paris được sửa đổi năm 1967 tại Stockholm.

Liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng, theo những quy định của Hiệp định TRIPS vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nhìn chung dựa trên các nguyên tắc được ấn định bởi Công ước Paris với những sự thay đổi và bổ sung phù hợp,

cụ thể: 1) Không chỉ nhãn hiệu nổi tiếng mà áp dụng cho cả nhãn hiệu dịch vụ nổi tiếng; 2) Việc xác định nhãn hiệu có nổi tiếng hay không phải xem xét danh tiếng của nhãn hiệu đó trong bộ phận công chúng có liên quan, kể cả danh tiếng tại nước thành viên tương ứng nhờ hoạt động quảng cáo nhãn hiệu;

3) Một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng có thể coi là xâm phạm nhãn hiệu này kể cả trường hợp hàng hóa, dịch vụ được sử dụng không trùng với hàng hóa, dịch vụ của nhãn hiệu nổi tiếng nếu có nguy cơ làm hiểu lầm là có sự liên quan với chủ nhãn hiệu nổi tiếng và có nguy cơ gây tổn hại cho chủ thể này.

Pháp luật một số nước trên thế giới:

Bên cạnh các điều ước quốc tế nói trên, chúng ta cũng có thể tìm thấy các quy định về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, chẳng hạn: Đạo luật về Nhãn hiệu hàng hóa năm 1938 và sau đó được sửa đổi bởi Đạo luật Nhãn hiệu hàng hóa năm 1994 của Vương quốc Anh, Đạo luật Lanham năm 1946 của Hoa Kỳ (được sửa đổi bởi Đạo luật Liên bang về Sự mờ nhạt nhãn hiệu hàng hóa năm 1995), Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa của Hàn Quốc, Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa và Bộ luật về Sở hữu trí tuệ của Pháp, Luật nhãn hiệu hàng hóa Canada năm 1985… Tuy nhiên, pháp luật của không ít quốc gia đã không đưa ra được một hệ thống các tiêu chí cụ thể để xác định "nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng". Do vậy, trên thực tế khái niệm này sẽ được xác định bởi các Tòa án hay các cơ quan có thẩm quyền trong từng vụ việc cụ thể.

Theo luật về nhãn hiệu hàng hóa của Nga năm 1992, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng cũng như những vụ việc, tình huống liên quan đến việc chủ sở hữu nhãn hiệu yêu cầu sự công nhận đối với nhãn hiệu nổi tiếng ở Nga sẽ được xem xét bởi Phòng Patent tối cao (Supreme Patent Chamber) [32].

Ở Trung Quốc, thông qua các quy định hiện hành của Luật Nhãn hiệu hàng hóa và các quy định hướng dẫn thi hành Luật Nhãn hiệu hàng hóa, lần

đầu tiên Trung Quốc thừa nhận một cách chính thức nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng trong hệ thống pháp luật của họ dù rằng Trung Quốc đã chính thức trở thành thành viên của công ước Paris từ rất sớm. Luật Nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc đã đưa ra một định nghĩa về nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng hơi khác so với các nước khác. Cụ thể, nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký mà nó có một bộ phận khách hàng thực tế và được coi là nổi tiếng trong bộ phận công chúng liên quan. Như vậy, một nhãn hiệu hàng hóa có thể là nhãn hiệu nổi tiếng ở các nước khác nhưng chưa được đăng ký ở Trung Quốc thì sẽ không được xem là nhãn hiệu nổi tiếng để được hưởng chế độ pháp lý về bảo hộ theo Luật Nhãn hiệu hàng hóa của nước này [32].

Theo pháp luật Hoa Kỳ, những thành công mà Hoa Kỳ đạt được cho đến nay là nhờ những chính sách và chiến lược đúng đắn trong việc kích thích quảng cáo và nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp. Đó là một sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nói riêng và hệ thống các chính sách về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Chính sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật này đã tạo được một nền tảng cơ bản và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nền kinh tế.

Việc thực thi pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Hoa Kỳ hiện nay chủ yếu dựa trên những quy định của Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa năm 1946 mà nó còn được biết đến với tên gọi Đạo luật Lanham. Thế nhưng Đạo luật này lại không đề cập một cách cụ thể đến nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng. Đến năm 1995, Nghị viện Hoa Kỳ mới thông qua một Đạo luật mới, Đạo luật Liên bang về sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa (FTDA). Đạo luật này được ban hành nhằm bổ sung, sửa đổi Đạo luật về Nhãn hiệu hàng hóa năm 1946, cụ thể là sửa đổi nội dung của Điều 43, quy định về sự đền bù hay bồi thường cho việc làm lu mờ đối với nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng. Đạo luật sửa đổi này đã mô tả các yếu tố để xác định một nhãn hiệu hàng hóa là phân biệt và nổi tiếng, đồng thời cũng đưa ra định nghĩa chính xác về thuật ngữ "sự lu mờ"

Xem tất cả 126 trang.

Ngày đăng: 22/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí