xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Nhu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhãn hiệu nổi tiếng sẽ càng cần hơn bao giờ hết. Chúng ta cần phải có những động thái cụ thể và hiệu quả hơn trong công tác lập pháp cũng như trong quá trình áp dụng pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng để tạo lập môi trường pháp lý an toàn nhằm tạo sự tin cậy và an tâm đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề này đối với sự phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tác giả đã mạnh dạn lựa chọn đề tài "Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam" với mong muốn có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn áp dụng, từ đó đưa ra những kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trong nước về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng để phù hợp với tình hình mới.
2. Tình hình nghiên cứu
Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung cũng như bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đang thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều cơ quan, ban ngành, các nhà khoa học cũng như các cơ sở đào tạo luật. Đã có rất nhiều các cuộc hội thảo được tổ chức liên quan đến vấn đề này như: Hội thảo về hiệp định TRIPS, Hội thảo về các đối tượng sở hữu công nghiệp mới ở Việt Nam… Nhiều bài viết, giáo trình, công trình khoa học như: "Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ" của tập thể tác giả do TS. Phùng Trung Tập chủ biên, NXB Công an nhân dân năm 2008; "Quyền sở hữu trí tuệ" của Lê Nết, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 2006; "Các qui định của pháp luật về sở hữu công nghiệp" NXB chính trị quốc gia 2001…
Nhãn hiệu nổi tiếng được đề cập ở các mức độ khác nhau trong các tạp chí của một số tác giả như: "Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Châu Âu và Hoa Kỳ" của ThS. Phan Ngọc Tâm, (Tạp chí khoa học pháp lý, số 4/2006); "Một số vấn đề về nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng" của Nguyễn
Như Quỳnh, (Tạp chí Luật học số 2/2001); "Về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng" của Trần Việt Hùng, (Tạp chí hoạt động khoa học số 11/2007). Khóa luận tốt nghiệp của Nguyễn Minh Hằng (2008): "Một số vấn đề về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong pháp luật Việt Nam".
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu, các bài viết trên chỉ đề cập đến việc bảo hộ nhãn hiệu thông thường ở trong nước, hoặc đã có sự so sánh việc bảo hộ nhãn hiệu với một số nước phát triển trên thế giới mà chưa có một công trình nghiên cứu ở cấp độ thạc sĩ phân tích một cách có hệ thống việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Do đó, tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học thực tiễn của luận văn này hoàn toàn có tính thời sự. Luận văn chỉ ra quy định của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng đồng thời có sự liên hệ bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở một số nước trên thế giới. Từ đó nhằm hoàn thiện khung pháp luật và cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, góp phần bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đề tài "Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam" là một đề tài độc lập, mang tính thời sự. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đề tài không có sự kế thừa mà ngược lại, để hoàn thành luận văn này, tác giả phải sưu tầm, học hỏi kiến thức cũng như kinh nghiệm trong các công trình khoa học có liên quan đã công bố và các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành.
3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là những vấn đề lý luận và thực tiễn việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời có sự tham khảo bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng của một số nước trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam - 1
- Khái Niệm Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Nhãn Hiệu Nổi Tiếng
- Khái Niệm Quyền Shcn Đối Với Nhãn Hiệu Nổi Tiếng
- Sơ Lược Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Của Hệ Thống Pháp Luật Về Bảo Hộ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Tại Việt Nam
Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.
Mục đích nghiên cứu của luận văn là trên cơ sở kế thừa và phát triển các công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước làm rõ nội dung các quy
định pháp luật trong nước về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, kết hợp với thực tiến và có liên hệ với một số nước, từ đó đánh giá, đưa ra những kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam.
4. Cơ sở lý luận và các phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận của luận văn là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền sở hữu công nghiệp, cũng như các thành tựu của các chuyên ngành khoa học pháp lý như: lịch sử pháp luật, lý luận về nhà nước và pháp luật, luật Dân sự, luật Sở hữu trí tuệ, triết học, những luận điểm khoa học trong các công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo và các bài viết đăng trên tạp chí của các nhà khoa học.
Phương pháp nghiên cứu của luận văn là sử dụng kết hợp các phương pháp như: phương pháp lịch sử cụ thể, phương pháp luật học so sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê. Đồng thời, việc nghiên cứu đề tài còn dựa vào các văn bản pháp luật của Nhà nước, các Hiệp định cũng như các thông tin trên mạng Internet.
5. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu một cách tổng thể những quy định của pháp luật hiện hành về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng và Điều ước quốc tế có liên quan, đồng thời có tham khảo pháp luật của một số nước trên thế giới về lĩnh vực này.
6. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận văn
Từ mục đích nghiên cứu của đề tài, luận văn tập trung vào giải quyết những vấn đề sau:
1) Phân tích và đánh giá một cách có hệ thống và toàn diện những vấn đề lý luận về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng
2) Phân tích và đánh giá những qui định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
3) Tìm hiểu thực trạng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam, từ đó xem xét tính phù hợp, hiệu quả của những quy định đó, đồng thời đưa ra kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát chung quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
Chương 2: Những quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chương 3: Thực trạng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam.
Chương 1
KHÁI QUÁT CHUNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG
1.1. KHÁI NIỆM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG
1.1.1. Khái niệm quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu công nghiệp
1.1.1.1. Khái niệm quyền sở hữu trí tuệ
Lịch sử phát triển của loài người đã chứng minh hoạt động sáng tạo của con người là một trong những nhân tố chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ con người đối với sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá, xã hội đã được nhận thức tương đối thống nhất trong phạm vi quốc gia cũng như trên phạm vi toàn thế giới. Hoạt động sáng tạo của con người tuy mang tính chất vô hình nhưng lại chứa đựng giá trị vật chất, tinh thần vô cùng to lớn; sản phẩm của hoạt động đó được thừa nhận là tài sản trí tuệ. Chế định sở hữu các tài sản trí tuệ được gọi là sở hữu trí tuệ (SHTT) và quyền SHTT là một trong những quyền không thể thiếu của con người, đòi hỏi phải có sự bảo hộ từ phía Nhà nước và cộng đồng quốc tế.
Theo Điều 2 Công ước Stockholm 1967 về việc thành lập Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), SHTT bao gồm các quyền liên quan tới:
1. Các sản phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học;
2. Sự trình diễn của các nghệ sĩ, các chương trình phát và truyền thanh, phát và truyền hình;
3. Các sáng chế trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người;
4. Các phát minh khoa học;
5. Kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn thương mại;
6. Chống cạnh tranh không lành mạnh;
7. Các quyền khác là kết quả của hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật.
Trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, khái niệm quyền SHTT được qui định tại Điều 3 khoản 2 chương 2, theo đó:
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, thiết kế bố trí (topography) mạch tích hợp, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá, thông tin bí mật (bí mật thương mại), kiểu dáng công nghiệp và quyền đối với giống thực vật [17].
Như vậy, có thể hiểu quyền SHTT bao gồm quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng. Quyền tác giả đề cập đến quyền của người sáng tạo trí tuệ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học. Quyền tác giả bảo hộ chủ sở hữu quyền đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học… nhằm chống lại việc sao chép, sử dụng hình thức của tác phẩm nguyên gốc đã được bảo hộ. Các đối tượng có thể được bảo hộ quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc, tạo hình, phát thanh, truyền hình… Quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng sáng tạo chứ không bảo hộ nội dung các ý tưởng đó.
Quyền SHCN đề cập đến người sáng tạo trí tuệ liên quan đến các đối tượng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và thương mại, bao gồm: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thuật ngữ "sở hữu trí tuệ" và "quyền sở hữu trí tuệ" chính thức được sử dụng lần đầu tiên trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995. Mặc dù không được định nghĩa trực tiếp song cấu trúc
và nội dung phần thứ sáu BLDS có thể cho chúng ta hiểu về quyền SHTT như sau: Quyền SHTT là một chế định pháp lý gồm quyền tác giả và quyền SHCN được pháp luật qui định và bảo hộ. Đó là một loại hình quyền sở hữu đặc biệt mà đối tượng là các sản phẩm sáng tạo do lao động trí óc con người tạo ra, là sản phẩm trí tuệ con người. BLDS 2005 đã bổ sung thêm đối tượng của quyền SHTT là quyền đối với giống cây trồng.
Luật SHTT năm 2005 đã đưa ra khái niệm: "Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng" (Khoản 1, Điều 4)
Như vậy, quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với những tài sản trí tuệ do con người sáng tạo. Đó là độc quyền được trao cho một người, một nhóm người hoặc một tổ chức để khai thác, sử dụng, định đoạt những sản phẩm của hoạt động sáng tạo trí tuệ.
1.1.1.2. Khái niệm quyền sở hữu công nghiệp
Trên thế giới, pháp luật về SHTT đã manh nha hình thành vào thời kỳ Trung cổ ở các nước Châu Âu. Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, đã xuất hiện một hình thức "đặc ân" do vua chúa ban cho nhà sáng chế nhằm khuyến khích tạo ra sáng chế mới. Người tạo ra sáng chế được độc quyền khai thác chính sáng chế do mình tạo ra trong một thời hạn nhất định. Đây chính là tiền thân của hệ thống bảo hộ sáng chế ở Châu Âu trước đây. Đến cuối thế kỷ 16 hình thức này trở nên không còn phù hợp. Năm 1623, Nghị viện Anh thông qua đạo luật về độc quyền theo đó mọi hình thức độc quyền bị xoá bỏ trừ độc quyền sáng chế. Hình thức bảo hộ của Nhà nước đối với sáng chế được thực hiện thông qua việc cấp văn bằng độc quyền sáng chế. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên khởi đầu cho hệ thống văn bằng sáng chế của Anh và các nước Âu - Mỹ khác.
Luật nhãn hiệu hàng hoá đầu tiên trên thế giới được ban hành tại Pháp năm 1857. Theo luật này, quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa thuộc về người thực hiện sớm nhất một trong hai việc: (1) sử dụng nhãn hiệu; (2) đăng ký nhãn hiệu theo qui định của pháp luật. Nếu một người đăng ký một nhãn hiệu nhưng thời điểm sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của người đó lại sau người thứ hai thì quyền đối với nhãn hiệu thuộc về người thứ hai.Về sau, các nước khác cũng ban hành Luật nhãn hiệu hàng hoá: Italia (1868), Bỉ (1879), Mỹ (1881), Anh (1883), Đức (1894), Nga (1896)... trong đó qui định việc xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hoá thông qua thủ tục đăng ký bảo hộ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá [20].
Hiện nay, các đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật kinh doanh.
Theo Điều 1 Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp được ký kết ngày 20/3/1883 và được sửa đổi vào năm 1967 thì Công ước không trực tiếp đưa ra định nghĩa cụ thể về quyền SHCN mà chỉ qui định về các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ bao gồm: "Sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh".
Sau hơn một thế kỷ, cho đến nay danh sách các đối tượng sở hữu công nghiệp đó được bổ sung thêm một số đối tượng mới, đó là:
- Bí mật kinh doanh;
- Thiết kế bố trí mạch tích hợp.
Công ước Paris đã xác định rõ cách hiểu về SHCN, theo đó SHCN được hiểu theo cách rộng nhất, cho tất cả các ngành sản xuất công nghiệp, thương mại, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp khai thác và tất cả các sản