Sử Dụng Các Motif, Các Thể Loại Truyền Thống Một Cách Linh Hoạt

Chương 3

CÁC PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG SÁNG TÁC CỦA NÔNG VIẾT TOẠI


Nghệ thuật biểu hiện bản sắc dân tộc trong sáng tác văn học được biểu hiện trên nhiều phương diện, trong giới hạn của luận văn chúng tôi chỉ đề cập đến việc sử dụng các motif, các thể loại truyền thống và ngôn ngữ sáng tác.

3.1. Sử dụng các motif, các thể loại truyền thống một cách linh hoạt

Với đặc điểm đi thẳng lên từ văn học dân gian, nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói chung, văn học các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói riêng chịu ảnh hưởng của văn học dân gian rất rò rệt.

3.1.1. Sử dụng motif

Hiện nay khái niệm motif đang được các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều trong tìm hiểu văn học và được nhiều tác giả vận dụng trong sáng tạo văn học Trong Folklore, Motif là thuật ngữ chỉ bất kì một phần nào mà ở một tiết (item) của folklore có thể phân tích ra được… motif truyện kể đôi khi là những khái niệm rất đơn giản, thường gặp trong truyện kể truyền thống. Có thể đó là những tạo vật khác thường, như thần tiên, phù thủy, rồng, yêu tinh, người mẹ ghẻ ác nghiệt, con vật biết nói… có thể đó là những thế giới kì diệu, hoặc ở những nơi mà ở đó ma thuật luôn luôn có hiệu lực, là tất cả những vật thiêng có phép và những hiện tượng khác thường” [dẫn theo37, tr.70].

Có ý kiến hiểu motif như một công thức vào thưở ban đầu của xã hội loài người, nó là sự lí giải của con người về những sự vật, hiện tượng xảy ra trong hiện thực khách quan. Motif là một công thức có tính ước lệ của cốt truyện, là yếu tố hạt nhân hoặc yếu tố hợp thành của cốt truyện, lặp đi lặp lại và có ít nhiều bất thường.

Motif là một đơn vị trần thuật đơn giản nhất có quan hệ giữa đề tài và cốt truyện. Motif có thể là yếu tố của tác phẩm trải qua một quá trình nó sẽ phát triển thành cốt truyện, đề tài được coi là sự kết hợp của những motif. Cốt truyện được hình thành từ một loạt motif được gài lồng trong các thành phần của cốt truyện. Tập hợp những mẫu truyện có chung một cốt kể tức là chung một hệ thống motif sẽ tạo thành một type.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Trong sáng tác của Nông Viết Toại, sự ảnh hưởng của văn học dân gian qua phương diện motif thể hiện ở type truyện về người mồ côi, đây là type truyện phổ biến với cốt truyện xoay quanh số phận của mồ côi. Mồ côi là nạn nhân chủ yếu trong đời sống, khi chế độ công xã nguyên thủy bị tan rã, kiểu gia đình theo chế độ mẫu hệ được thay thế bằng gia đình phụ quyền, xuất hiện chế độ tư hữu từ đó tạo nên mâu thuẫn, sự phân biệt giai cấp với kẻ giàu người nghèo, hệ quả là làm xuất hiện một loạt những con người nhỏ bé với số phận bất hạnh như người em út, người con riêng, người mồ côi… trong đó nhân vật mồ côi là nhân vật trung tâm.

Thông qua việc trao đổi với tác giả và qua khảo sát chúng tôi nhận thấy nhân vật mồ côi trong sáng tác của Nông Viết Toại đều có tích truyện từ trong truyện kể dân gian về nhân vật mồ côi của dân tộc Tày vùng Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn. Trong xã hội của người dân tộc Tày trước đây, nhân vật mồ côi được coi là thành phần dưới đáy của xã hội mang trong mình thân phận thấp hèn sẵn có, không gia đình, không của cải và không có địa vị xã hội. Nhân vật mồ côi thường là những em nhỏ bất hạnh khi sinh ra đã sớm mất đi tình cảm của người cha, hơi ấm của người mẹ, tuổi thơ không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn của tình huyết thống gia đình mà sớm phải ném vào cuộc mưu sinh của người lớn trong thân phận “lục pjạ” (con nuôi), thân phận đứa con riêng với bao cay đắng tủi hờn.

Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại - 10

Đứa con riêng là câu truyện về nhân vật mồ côi nữ, mẹ mất sớm nên sau ba năm mãn tang cha em lấy thêm vợ hai và sinh được một đứa con gái chung. Nhà nghèo nên hàng ngày người cha phải đi làm thuê làm mướn, người vợ ở nhà trông nom con cái và quán xuyến việc nhà. Trong cảnh dì ghẻ con chồng, đứa con riêng luôn bị đối xử thậm tệ, cũng từ đây những mâu thuẫn xung đột giữa dì ghẻ và con riêng của chồng bắt đầu nảy sinh trong phạm vi gia đình. Đây là mối xung đột điển hình nảy sinh trong chế độ gia đình phụ hệ của người Tày. Vai trò của những nhân vật trưởng thành rất quan trọng đối với những đứa trẻ mồ côi khi mẹ đẻ của chúng mất sớm.

Những đứa con côi là câu truyện về nhân vật mồ côi nam có cha là người trần và mẹ là tiên trên trời. Khi trở về chốn bồng lai tiên cảnh hai anh em mồ côi cha gặp phải hoạn nạn đã xảy ra ở trần gian nên người mẹ đã quyết định cho chúng quay trở lại trần gian và căn dặn hai anh em nghe lời để có được cuộc sống viên

mãn. Người anh cá tính luôn làm trái với lời mẹ dặn chọn theo dòng nước đục và phải chịu lấy khổ đau, người em chọn con nước trong và gặp được nhiều hạnh phúc. Nhưng khi người em vào rừng đón anh trở về chung sống mâu thuẫn giữa hai anh em bắt đầu nảy sinh.

Kết cấu cho truyện mồ côi bất hạnh đều là những câu truyện kết thúc có hậu, nhân vật mồ côi ban đầu gặp phải những éo le, mâu thuẫn, xung đột gia đình nhưng đều là những con người có lòng dũng cảm, thông minh có tinh thần, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, khi kết thúc câu truyện nhân vật mồ côi sẽ được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn mang màu sắc lí tưởng và là sản phẩm của trí tưởng tượng với quan niệm “Ở hiền gặp lành”.

Những mâu thuẫn, xung đột gia đình trong truyện Đứa con riêng được tác giả phản ánh gay gắt với nhân vật phản diện trong type truyện này là những người làm chủ, có địa vị trong gia đình luôn tìm cách để hãm hại nhân vật mồ côi với nhiều hình phạt nặng nề. Trong truyện Những đứa con côi nhân vật phản diện lại là người anh luôn tìm mọi cách hãm hại để chiếm đoạt lấy cuộc sống tốt đẹp của người em nhưng cuối cùng nhân vật phản diện đã phải nhận hình phạt thích đáng về mình với quan niệm “Ở ác gặp ác, ác giả ác báo”.

Trong truyện Đứa con riêng có sự giúp đỡ của nhân vật thần kì ở cả hai dạng thức đặc biệt đó là các dạng thức hóa thân của người mẹ đã chết hiện về và nhân vật trợ giúp là các loài vật cụ thể. Mỗi khi gặp phải khó khăn do người dì ghẻ gây ra, nhân vật mồ côi lại nhận được sự chỉ giúp của con quạ - biểu tượng này trong quan niệm của người Tày chính là vong hồn, hiện thân của người mẹ quay trở lại trợ giúp cho người con, và cuối câu truyện là sự giúp đỡ của con hổ mà từ đó nhân vật mồ côi có được cuộc sống sung túc. Trong truyện Những đứa con côi, nhân vật trợ giúp thần kì xuất hiện với một dạng thức đó là con chó mực chín đuôi, chính là hóa thân của phần ngọn cây chuối chín bẹ mà người em đã vớt lên theo lời mẹ dặn khi qua sông và đặc biệt truyện là sự xuất hiện cây gậy thần của mụ quỷ với nhiều phép thuật. Mối liên hệ mang màu sắc kì ảo này thể hiện quan niệm và khát vọng của tác giả trong đời sống dân gian bênh vực cho những thân phận nhỏ bé, tạo tiền đề cho những nhân vật mồ côi có thêm sức mạnh tiếp tục đấu tranh chống

lại cái ác, cái xấu và mong ước về một cuộc đời tốt đẹp sẽ đến với những con người bất hạnh nhưng lương thiện.

Trong sáng tác của Nông Viết Toại về nhân vật mồ côi, có những nhân vật mồ côi tích cực và cả những nhân vật mồ côi tiêu cực. Ở type truyện về người mồ côi tích cực, khi mà xã hội đã phát triển kéo theo sự phân hóa giai cấp rò rệt như dân tộc Tày thì nhân vật mồ côi thường gắn với số phận người con riêng là điều rất hợp lẽ. Nhân vật mồ côi khi đi làm con nuôi bị đối xử rất bất công, kiểu truyện này rất gần gũi với kiểu truyện cổ tích về người con riêng Tấm Cám của người dân tộc Việt do sự giao lưu, tiếp nhận văn hóa giữa các vùng miền, giữa các dân tộc và sự tương đồng về hoàn cảnh xã hội. Ở type truyện có sự xuất hiện của nhân vật mồ côi tiêu cực, đó là những ham muốn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lòng ích kỉ, đố kị, muốn chiếm đoạt về mình những gì tốt đẹp nhất. Ở kiểu truyện này kết thúc được đẩy đi một bước xa hơn kiểu truyện về người con riêng, người anh độc ác cuối cùng phải đón nhận cái chết nhưng lại được người em - nhân vật mồ côi tích cực cứu sống và tha thứ để giữ mối tình huyết thống.

Motif bắt trước không thành công cũng xuất hiện trong câu truyện Đứa con riêng ở dạng thức thứ hai, nhân vật mồ côi được đem vào trong rừng sống đơn độc nhưng với sự thông minh, chịu khó, hòa nhã cuối cùng đã nhận được sự giúp đỡ của các loài vật và có cuộc sống đầy đủ. Mụ dì ghẻ cũng cho đứa con của mình làm theo nhưng với bản tính tham lam, ác độc, lười biếng nên đã nhận về mình cái chết đầy đau đớn. Motif đoàn tụ trong truyện về những đứa con côi cũng có sự khác biệt về cách thức và hình ảnh thể hiện. Ở một vài truyện khác trong kho tàng truyện kể dân gian miền núi phía Bắc nói chung đó là sự xuất hiện của những tín hiệu để giúp cho nhân vật nhận ra nhau và đoàn tụ nhưng truyện về những đứa con côi của Nông Viết Toại lại là hình ảnh bữa cơm đoàn tụ của gia đình hai anh em mồ côi.

Bên cạnh đó là sự xuất hiện của kiểu nhân vật mồ côi đi làm con nuôi nhưng nhận được nhiều tình cảm từ gia đình, cha mẹ nuôi. Trong xã hội người Tày những năm tháng đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh trường kì với nhiều mất mát về con người, hình tượng người con nuôi xuất hiện nhiều trong đời sống và được tái hiện lại chân thực trong văn học. Truyện ngắn Bặng nậu bjooc phông - Như nụ hoa nở là câu truyện về nhân vật nữ mồ côi có hoàn cảnh gia đình éo le nên phải đi làm con

nuôi, nhưng nhân vật nữ mồ côi được gia đình cha mẹ nuôi đối xử rất tốt chăm sóc, yêu thương vô bến bờ, đùm bọc cho người con nuôi như chính người con đẻ thực sự của mình. Kết cấu truyện cũng là một kết thúc có hậu nhưng kiểu truyện về người mồ côi là nữ của Nông Viết Toại không có những mâu thuẫn xung đột giai cấp hay xung đột gia đình, kiểu truyện này cũng không có những nhân vật phản diện đại diện cho cái xấu, cái ác, cũng không có sự xuất hiện của những yếu tố kì ảo tâm linh để bênh vực cho thân phận mồ côi mà nổi lên ở câu truyện này là bài học về cái tình giữa con người với con người, yêu thương, chở che, giúp đỡ lẫn nhau trong quan niệm về cuộc sống của người dân tộc Tày.

Bên cạnh đó trong đời sống của người dân tộc thiểu số miền núi sinh hoạt nghệ thuật dân gian là một nhu cầu tất yếu trong đó các đạo cụ, nhạc cụ là một yếu tố không thể thiếu vắng, góp phần làm cho đời sống văn hóa thêm phong phú. Việc sử dụng hình ảnh nhạc cụ đặc trưng cho thấy thái độ trân trọng và nhắc nhở các thế hệ biết giữ gìn vốn văn hóa quý báu của dân tộc được tìm thấy trong các cốt kể về chính các nhạc cụ. Người dân tộc Tày được biết đến với cây đàn tính, hình ảnh cây đàn tính được sử dụng trong tác phẩm chính là tượng trưng cho tiếng nói tâm hồn của dân tộc với âm thanh trong trẻo mượt mà, rất êm ái du dương. Cây đàn tính được làm từ quả bầu khô, cây dâu và dây tơ xe đã trở thành biểu tượng văn hóa nghệ thuật của người dân tộc trong thể loại thần thoại Tày với truyện Pựt Luông tạo ra vẻ đẹp trần gian. Trong quan niệm của người Tày Xưa, cây đàn tính là hóa thân của người con gái thứ chín của Pựt là vị thần tối cao đã sinh ra vạn vật, sinh ra con người và tạo ra vẻ đẹp cho trần thế, nàng đã dạy cho con người biết hát, lượn, chơi đàn, thổi sáo, hi sinh bản thân mình tạo ra một cây đàn tính, mỗi khi tiếng đàn phát ra rất kì diệu làm cho con người say mê quên ăn quên ngủ sinh lười nhác nên Pựt cắt dây đàn chỉ để lại ba dây như ngày nay. Trong sáng tác của Nông Viết Toại cây đàn tính xuất hiện với tần số cao từ những buổi liên hoan văn nghệ đến những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, thông việc sử dụng loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Tày, Nông Viết Toại không những giới thiệu đến bạn đọc hình ảnh đã được hình tượng hóa, thiêng liêng hóa của dân tộc mà qua đó thể hiện niềm tự hào, tình yêu của mình đối với nhạc cụ dân tộc.

Trong kho tàng văn hóa dân gian của người dân tộc Tày còn có một hình thức phản ánh rất độc đáo đời sống tình cảm trong giao lưu ngôn ngữ, sinh hoạt lễ hội giữa các nam thanh nữ tú mang những sắc thái thẩm mĩ bước đầu đó chính là phuối pác. Phuối pác có nghĩa là truyền miệng, nó mang trong mình những đặc trưng của ứng tác, đó là những lời nói không được chuẩn bị trước mà người sử dụng thường trực tiếp ứng khẩu với những câu nói theo kiểu có vần làm cho lời nói mang trong nó một chất thơ rất độc đáo

“Khỏi lẩn bấu pền bài / Phuối lộn lạo hảo lai them giá / Mì cằm hâư phít xá / Pỉ noọng cỏi cạ cỏi slon / Lẩn tuyện tức Mỵ bấu lẹo háp lẹo còn / Mền thai đúc pền phon nhằng đo mầư lẩn” (Lẩn tuyện tức Mỵ)

Dịch nghĩa:

“Tôi kể chưa nên chuyện / Nói còn lẫn lộn nhiều / Có lời nào không phải / Mọi người hãy bảo ban / Kể chuyện đánh Mỹ không hết gánh / Xương chúng hóa vôi vẫn chưa hết chuyện” (Kể chuyện đánh Mỹ)

Lối nói có vần này luôn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt của người dân tộc Tày, không chỉ xuất hiện ở trong những ngày cưới hỏi mà nó còn hiện hữu ngay trong những cuộc gặp gỡ và chia tay của những đôi trai gái tại nhiều địa điểm. Khi còn là những chàng trai cô gái trong độ tuổi yêu đương thế hệ các nhà thơ dân tộc Tày đã được gặp gỡ, làm quen với lối nói thơ này nên nó rất quen thuộc và đã phần nhiều tác động đến sáng tác thơ của họ. Ban đầu khi chưa đi sâu vào sáng tác, Nông Viết Toại đã được hấp thụ một cách tự nhiên lối nói thơ của dân tộc, ông yêu thích sưu tầm và ghi chép lại những bài phuối pác của dân tộc mình và chịu những ảnh hưởng rất rò rệt của lối nói thơ theo kiểu diễn ngôn dân gian ấy ngay trong những ngày đầu sáng tác.

Có thể thấy rằng nền văn học của mỗi quốc gia đều có những gia tài văn học dân gian đồ sộ và mỗi dân tộc trong những quốc gia đó đều giữ cho mình một kho tàng riêng rất sống động với những nhóm truyện, motif độc đáo, với những hình ảnh văn hóa đại diện cho cả cộng đồng. Hòa trong một dòng chảy chung lại có những kho tàng riêng cho thấy đời sống văn hóa tinh thần đa dạng phong phú của một tộc người với rất nhiều giá trị quý báu.

3.1.2. Sử dụng các thể loại truyền thống

Thể loại văn học là phương thức tái hiện đời sống và thể thức cấu tạo văn bản, thể loại là khái quát hóa đặc điểm của một nhóm lớn tác phẩm có cùng thuộc tính về nội dung, hình thức, phương thức biểu hiện tác phẩm của một thời đại, một giai đoạn, một dân tộc hay một nền nghệ thuật thế giới. Thể loại tác phẩm văn học là khái niệm chỉ quy luật loại hình tác phẩm, trong đó ứng với một loại nội dung nhất định là một loại hình thức nhất định tạo cho tác phẩm một hình thức tồn tại chỉnh thể. Trong mỗi thể loại có sự thống nhất, quy định lẫn nhau giữa các yếu tố đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng và hình thức nhân vật, hình thức kết cấu, hình thức lời văn. Nói đến thể loại là nói đến một nguyên tắc tổ chức tác phẩm, phương thức thể hiện thực tại, loại hình giao tiếp thẩm mĩ.

Khi viết về một đề tài, mỗi tác giả sẽ sử dụng những thể loại khác nhau. Cùng viết về một đề tài nhưng cũng có những lựa chọn thể loại khác, khi viết về người phụ nữ trong kháng chiến Nguyễn Thi viết về chị Út Tịch - người phụ nữ cùng chồng, đồng bào cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương với thể kí qua bài “Người mẹ cầm súng”, thì Tố Hữu viết về người mẹ ở hậu phương qua tâm hồn của người lính trong tác phẩm “ Bầm ơi” với thể thơ lục bát truyền thống

“Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều / Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe! / Con đi trăm núi ngàn khe / Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm / Con đi đánh giặc mười năm / Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”

Cùng với song thất lục bát thì thể thơ lục bát là một thể loại thơ chính của Việt Nam. Ở nước ta thể thơ lục bát đã được sử dụng và lưu truyền từ hàng trăm năm nay thấm đẫm tâm hồn con người đất Việt vì nó là thể thơ trong ca dao, đồng dao, và các bài hát ru. Ngày nay thể thơ lục bát vẫn được các thế hệ nhà thơ ưa chuộng vì dễ làm, giản dị về quy luật. Có thể từ hai câu trở lên trong đó cứ hai câu ghép lại thành một cặp câu, các cặp câu gồm một câu sáu tiếng (câu lục) và một câu tám tiếng (câu bát) và xen kẽ câu lục câu bát sau đó mới đến các cặp đôi khác. Với số câu trong bài không giới hạn, thông thường bài thơ được bắt đầu với câu lục, kết thúc bằng câu bát nhưng cũng có khi kết thúc bằng câu lục để tạo nên sự bỏ lửng.

Lấy văn học nghệ thuật làm công cụ để phục vụ cho chính trị, với mỗi một nhiệm vụ Nông Viết Toại lại sử dụng linh hoạt một thể thơ khác nhau sao cho trúng

cái đích hướng đến mà không theo một khuôn mẫu cố định nào. Khi thì tự sự, lúc thì kể chuyện, lại có cả kí sự đặc tả sao cho đạt hiệu quả cao, một trong những số đó phải kể đến thể thơ lục bát đã được Nông Viết Toại vận dụng một cách triệt để

“Yên Lạc có cái cầu treo / Em sang chẳng rủ anh theo sang cầu / Dòng sông không rộng mà sâu / Bỏ anh đứng đó mà cầu vẫn treo” (Cầu treo)

Trong văn chương bình dân, đối với người xưa thể thơ lục bát hầu như là thể thơ độc nhất được sử dụng trong kho tàng ca dao của dân tộc, đây cũng là thể thơ được dùng trong các lối hát dân gian như quan họ, hát đưa đò, hát ru, hát chầu văn, hát phường vải, hát chèo, hò… trong văn chương bác học thể thơ lục bát cũng đã trở nên vững vàng khi được sử dụng trong những tác phẩm bằng Hán văn và đã trở nên thông dụng trong những tác phẩm sáng tác bằng chữ Nôm ở các đời Trần Lê. Có tác giả từng nhận định “Nước ta là một đất nước thơ”, chính nhờ sự đóng góp một phần không nhỏ của thể thơ lục bát và việc vận dụng thể thơ dân tộc trong sáng tác như một truyền thống của Nông Viết Toại đã nói lên tình yêu quê hương đất nước, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc góp phần làm cho dân tộc ta là một dân tộc thơ, đất nước ta là một đất nước thơ.

Bên cạnh thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc thì thể thơ cổ phong, là một thể thơ xuất hiện trước thời nhà Đường không có luật lệ nhất định cũng được tác giả vận dụng rất linh hoạt nhưng đây không phải thể thơ thuần túy đặc thù của dân tộc mà là thể thơ vay mượn thông dụng nên chúng tôi sẽ không đề cập tới trong luận văn này mà chỉ nhắc đến những thể thơ truyền thống của dân tộc.

Khi còn thơ ấu Nông Viết Toại đã được gia đình cho theo học Hán văn với nhà thơ Tày Cao Bằng Hoàng Đức Hậu, nổi tiếng sáng tác bằng ba ngôn ngữ Hán, Tày và quốc ngữ. Nông Viết Toại đã sớm bộc lộ những phẩm chất của một học trò ưu tú, ông đã lĩnh hội và sớm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ những sáng tác thơ từ người thầy của mình. Thơ ông đã bắt được cái hồn thơ của nhà thơ Hoàng Đức Hậu, thể lưu thủy trong thơ Tày đã được ông vận dụng và mở rộng ra thêm một giới hạn mới

“Cá tày pi tày ké, / Mẻ mé củng bấu nhằng. / Sloong slam cần noọng ỷ, / Bấu chằng chắc mòn lăng. / Chằng tức chuyệt slấc Phan, / Nước mẩt lẻ rườn tan. / Lủc

lèo pây bộ đội, / Nâư cẳm cá cỏi an.” (Pây bộ đội)

Xem tất cả 108 trang.

Ngày đăng: 29/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí