Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại - 12

tiếng nói mất thì dân tộc ấy cũng sẽ dần phai nhạt và biến mất với thời gian. Trong quá trình vận động của lịch sử, các dân tộc luôn có sự giao lưu hợp tác về nhiều mặt dẫn tới sự giao thoa về mặt ngôn ngữ. Những năm tháng kháng chiến, cách mạng lùi về miền núi là nơi định cư lâu đời của các dân tộc thiểu số để xây dựng cơ sở tiếp tục kháng chiến, lực lượng tham gia phong trào cách mạng quay trở lại miền núi kháng chiến chủ yếu là người Kinh không biết tiếng dân tộc thiểu số và ngược lại nên việc sử dụng xen kẽ tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ trong cuộc đối thoại trên giữa các nhân vật rất phù hợp với quy luật nhưng qua việc sử dụng xem kẽ hai ngôn ngữ cho thấy Nông Viết Toại đã rất tài tình trong việc lựa chọn ngôn ngữ, với lối dẫn dắt truyện tự nhiên người đọc không nhận thấy bất kì cái dấu kết nối vụng về của sự đan xen ngôn ngữ. Tuy có một khoảng cách không nhỏ trong bất đồng tiếng nói của các nhân vật nhưng bằng sự tài hoa trong việc lựa chọn sử dụng ngôn ngữ mà các nhân vật của Nông Viết Toại có một sự thấu hiểu ngầm với nhau rất độc đáo.

Ngôn ngữ của dân tộc Tày là tiếng Tày, tiếng Tày có vị trí quan trọng và được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân bản xứ song do hạn chế về mặt ngôn ngữ, ngôn ngữ dân tộc Tày còn thiếu nhiều từ mô tả về kinh tế, văn hóa, chính trị… nên dân tộc Tày phải vay mượn từ tiếng Hán mà đặc biệt ngôn ngữ phổ thông là tiếng Việt để diễn đạt được một cách trọn vẹn như: hội Việt Minh, đội văn công văn nghệ, khu tự trị, đồng chí đội trưởng, quân cách mạng, quân giải phóng, quân khu, ủy ban hành chính, trụ sở ủy ban kháng chiến hành chính, bệnh viện Bắc Kạn… những địa danh như: Đồng Đăng, Lạng Sơn, Hàng Buồm, Hà Nội, Trung Quốc, Nghệ An, Hồng Gai, Vĩnh Linh, Cồn Cỏ, Hòa Bình, Tây Bắc, Việt Bắc… trong truyện Bặng nậu bjooc phông - Như nụ hoa nở, với những thủ tục ngôn ngữ hành chính mang tính pháp lí bắt buộc nhà văn cũng tuyệt đối sử dụng trung thành như

“Việt Nam dân chủ cộng hòa / Độc lập, tự do, hạnh phúc” [43, tr.37].

Tuy nhiên, Nông Viết Toại không buộc chặt ngôn ngữ của mình vào một sự ràng buộc về khuôn khổ gây sự khô cứng cho sáng tác mà ông còn có sự linh hoạt trong việc vận dụng ngôn ngữ hành chính một cách mềm mại, những từ có trong từ

điển ngôn ngữ dân tộc Tày cũng sẽ được sử dụng xen kẽ ngôn ngữ phổ thông trong lối kể như “Đảng lao động Việt Nam xiên pi” [43, tr.41]. Dịch nghĩa: “Đảng lao động Việt Nam muôn năm”.

Trong quá trình phát triển của mình tất cả các ngôn ngữ đều có các yếu tố vay mượn từ ngôn ngữ khác mà cùng với thời gian nó làm cho kho từ vựng của mỗi dân tộc bị biến đổi đi nhiều. Có những yếu tố bị mất đi nhưng cũng có nhiều yếu tố được giữ lại và nhiều yếu tố được sinh ra với sức sống mạnh mẽ đã trở nên thông dụng trong đời sống hàng ngày. Trong sự giao thoa ngôn ngữ ấy ngoài việc vay mượn, tiếp thu ngôn ngữ của một dân tộc khác thì dân tộc Tày lại có điều kiện nhìn lại ngôn ngữ của dân tộc mình để từ đó nhìn nhận lại các giá trị truyền thống của dân tộc. Việc tiếp thu nền ngôn ngữ của một dân tộc khác còn mở ra một chiến lược mới cho nền ngôn ngữ dân tộc bước vào thời kì hội nhập để tiếp nhận những giá trị tiến bộ của ngôn ngữ đồng thời cũng là sự kế thừa và phát huy những yếu tố sức mạnh nội sinh của dân tộc nên việc vay mượn này rất phù hợp với thực tiễn, nó làm cho ngôn ngữ Tày trở nên phong phú, có sức sống mãnh liệt, bền bỉ hơn bao giờ hết và không bị hòa tan trong xu thế mới.

Bên cạnh những ngôn ngữ hành chính bắt buộc và ngôn ngữ vay mượn thì trong truyện Ngần muộc - Bạc trắng, cũng có sự đan xen gài lồng giữa ngôn ngữ Tày với ngôn ngữ dân tộc Dao “Ố! Mòi ôi nhoàn pẹ, nhoàn pẹ” [43, tr.87]. Dịch nghĩa: “Ối! mày ơi bạc trắng, bạc trắng”. Vùng Việt Bắc vốn là địa bàn cư trú lâu đời của dân tộc Tày, Nùng thuộc dòng ngôn ngữ Tày - Thái và các nhóm dân tộc thiểu số khác. Trong lịch sử cư trú và phát triển, vùng đất nơi đây có sự giao thoa của nhiều văn hóa dân tộc, mỗi dân tộc lại có một màu sắc văn hóa riêng nhưng đa dạng và luôn có sự tiếp biến chọn lọc các nền văn hóa của tộc người khác nhưng nổi lên trong đó phải kể đến ngôn ngữ dân tộc Tày. Là dân tộc thiểu số có số lượng dân số lớn nhất nên ngôn ngữ Tày có một lực lượng người sử dụng nhiều tạo nên một sức mạnh ngôn ngữ trường tồn với phạm vi sử dụng rộng rãi nên đã trở thành ngôn ngữ trung tâm trong đời sống các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc. Mỗi một dân tộc đều có ý thức bảo tồn ngôn ngữ của mình, các dân tộc khác đều sử dụng ngôn ngữ của mình làm ngôn ngữ chính trong sinh hoạt văn hóa nhưng ngôn ngữ Tày đã nổi

lên trở thành ngôn ngữ được nhiều dân tộc tìm hiểu và sử dụng phổ biến bên cạnh tiếng nói của dân tộc mình như một ngôn ngữ phổ thông được sử dụng chung trong giao lưu văn hóa với một cộng đồng người dân tộc thiểu số khác.

Ngoài ra, sáng tác của Nông Viết Toại còn có một điểm nhấn nhỏ trong việc sử dụng ngoại ngữ trong truyện Vằn đắp - Chiều ba mươi

“Hô lê manh! Hô lê manh!...vi-vơ la- fờ- răng – xờ! moa anh-xiêng-mi-li-te- rơ. I-xi dăm-bông dăm bông” [43, tr.112].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Dịch nghĩa:

“Giơ tay lên! Giơ tay lên… nước Pháp muôn năm! Tôi là cựu chiến binh, ở đây có chân giò ướp, chân giò ướp”.

Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại - 12

Việc sử dụng ngoại ngữ trong cuộc đối thoại với dung lượng ngắn cho thấy sự hiểu biết sâu rộng trong kiến thức của Nông Viết Toại. Tuy ngắn gọn, không quá phô trương, nhưng nó giúp cho Nông Viết Toại phát triển câu truyện theo đúng ý đồ nghệ thuật của ông. Như đã nói ở phần trước của luận văn, Nông Viết Toại chủ yếu lấy sáng tác văn học nghệ thuật để phục vụ chính trị nên việc sử dụng ngoại ngữ không chỉ đem đến cho người đọc kiến thức về mặt ngôn ngữ mà còn cả những dấu ấn của lịch sử. Việc vận dụng ngoại ngữ đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử của dân tộc ta trong những năm Pháp thuộc, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, mở nhiều trường lớp sử dụng tiếng Pháp nhằm cai trị đất nước ta lâu dài. Không chịu khuất phục trước sự xâm lược của kẻ thù, dân tộc ta đã vận dụng thời cơ học hỏi để tìm hiểu thêm về một nền văn hóa với quan niệm “Muốn chiến thắng phải hiểu kẻ thù nói gì”. Đứng trước âm mưu nô dịch nền văn hóa, dân tộc ta đã tạo nên một bức tường lớn để chống lại sự xói mòn văn hóa với sự xuất hiện của rất nhiều bộ phận am hiểu văn hóa và sử dụng thông thạo tiếng Pháp. Điều đó giúp cho dân tộc ta nhận định đúng về kẻ thù của mình để xây dựng nên một đường lối kháng chiến đúng đắn.

Trong giai đoạn hiện nay bên cạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật thơ Nôm Tày thì những sáng tác của Nông Viết Toại chủ yếu sử dụng ngôn ngữ phổ thông nhưng bằng tư duy và tính cách dân tộc nên những sáng tác của ông vẫn

mang đậm dấu ấn cội nguồn văn hóa Tày, góp phần tạo nên một màu sắc mới cho văn hóa Tày giữa dòng hiện đại

“Lâu rồi mới có dịp thăm quê / Cảnh cũ ngày nay mới mọi bề / Đường cái Phảc Giang đều thảm nhựa / Mái gianh thôn xóm gạch thay tre / Ti vi lắm sóng

nhìn không chán / Xe máy chưa bằng phóng cũng ghê / Cháu nhỏ chen nhau chào lễ phép / Hỏi nhau: Cụ ấy tận đâu về” (Thăm quê)

Bài thơ gợi cho chúng ta liên tưởng đến những câu thơ của Hạ Tri Trương thời Đường của Trung Quốc trong bài Hồi hương ngẫu thư. Đó là những cảm nhận trên đường cáo lão về quê của một vị quan đi xa hơn nửa đời người mới quay trở lại nên quê hương hiện lên rất xa lạ. Quê hương trong cảm nhận của Nông Viết Toại hiện lên trong con mắt của một người con bình dị nên rất gần gũi, thân thuộc, chính sự gắn bó với quê hương dân tộc mà cái ý thơ của Nông Viết Toại mộc mạc, giản dị, giàu bản sắc và thân thuộc hơn rất nhiều quê hương của Hạ Tri Trương

“Vẩn vơ vơ vẩn tuổi già / Như cầm chiếc vé sân ga chờ tàu / Chờ tàu chẳng mấy mong tàu / Thời gian chờ đợi càng lâu càng mừng” (Chờ tàu)

Với Nông Viết Toại, thời gian không làm mất đi ở ông sự gắn bó, tình yêu quê hương đất nước mà nó càng trở nên mãnh liệt và thôi thúc ông trong những trang viết của mình. Thời gian trôi đi làm cho vạn vật đổi thay, nó điểm trên mái tóc một màu trắng mang dấu ấn của tuổi già nhưng tâm hồn Nông Viết Toại vẫn tươi nguyên và căng tràn sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Tác giả dùng hình ảnh chờ tàu, con tàu tâm tưởng của thời gian trong quỹ thời gian hữu hạn của đời người với lối tư duy ví von so sánh mang đậm dấu ấn tâm hồn của người dân tộc Tày. Đó là một tâm hồn mang trong mình niềm khát khao sự sống mãnh liệt để được tiếp tục cống hiến cho cách mạng, cho cuộc đời bằng một sự nghiệp thơ văn chân chính.

Ngôn ngữ là chất liệu chính của tác phẩm văn học, qua ngôn ngữ người đọc có thể hiểu được đối tượng, phạm vi mà tác phẩm văn chương phản ánh đồng thời cũng hiểu được quan niệm tư tưởng của nhà văn. Trong vai trò của một cán bộ văn hóa tuyên truyền, khi mà tiếng phổ thông chưa được sử dụng phổ biến tại địa phương, việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ như một tất yếu nhằm hướng tới đối tượng người dân tộc Tày bản địa một cách linh hoạt nhất. Việc sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ

đẻ hay gài lồng tiếng mẹ với ngôn ngữ phổ thông hoặc những ngôn ngữ khác đã cho thấy nỗ lực của Nông Viết Toại, ở đây chúng tôi không nhắc đến việc nhà văn có sử dụng thông thạo tiếng phổ thông hay không nhưng việc sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ đã cho thấy ý thức của Nông Viết Toại trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc để thể hiện cá tính dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc Tày.

Tóm lại, Nông Viết Toại là nhà văn sáng tác bằng song ngữ nhưng chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ, thành công mà các sáng tác của ông đem lại đã đưa tác phẩm vượt ra khỏi phạm vi khu vực miền núi tỏa lan tỏa rộng ra khắp cả nước và được bạn đọc đón nhận. Với việc sử dụng song ngữ vào trong các sáng tác của mình Nông Viết Toại không chỉ giới thiệu đến bạn đọc trong nước bản sắc văn hóa dân tộc Tày, lưu giữ những giá trị truyền thống mà những sáng tác của ông còn là nguồn tư liệu quý giá về kho ngôn ngữ hiện nay đã bị mai một đi nhiều.

3.2.2. Sử dụng thành ngữ, tục ngữ mang sắc thái dân tộc bản địa

Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, xúc tích, phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng về lịch sử xã hội hoặc thể hiện triết lí dân gian của dân tộc. Thành ngữ là những cụm từ mang ngữ nghĩa cố định và độc lập riêng rẽ với từ ngữ mà nó sử dụng, thành ngữ thường được sử dụng trong việc tạo thành những câu nói hoàn chỉnh. Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó.

Đến với tài sản văn thơ của Nông Viết Toại, người đọc sẽ bắt gặp vốn sống rất đa dạng phong phú qua tác phẩm “Ca dao tục ngữ Tày”, tập hợp, đúc kết những kinh nghiệm trong thực tiễn của người dân thông qua tư duy trực quan sinh động. Không những vậy Nông Viết Toại còn vận dụng rất thành công những câu thành ngữ, tục ngữ Tày vào trong sáng tác của mình rất độc đáo gắn với hồn điệu của dân tộc Tày và đóng góp một phần làm cho tác phẩm của ông giàu bản sắc dân tộc.

Trong những trang viết của mình Nông Viết Toại đã sử dụng những câu tục ngữ, thành ngữ thuần Tày để nói về hoàn cảnh điều kiện sống của con người. Khi nói về sự nghèo túng của nhân vật tác giả sử dụng thành ngữ:“Đoóng nhằng hơn

quắng” [43, tr.96]. Dịch nghĩa: “Trụi hơn đít quắng”. Trong thành ngữ của dân tộc Việt có câu “Rách như tổ đỉa”, theo quan niệm của dân gian giàu nghèo được thể hiện ở cơm ăn áo mặc hàng ngày vậy thì rách tả tơi như tổ đỉa thì làm sao được coi là giàu sang phú quý. Nếu làm phép so sánh ta thấy Nông Viết Toại sử dụng hình ảnh con quắng là một loài bọ cánh cứng, thân không có lông, bóng lộn chuyên đi đục măng non để kiếm cái ăn hàng ngày thì làm sao được coi phú quý sang giàu. Vì vậy khi nói tới những nhân vật “Không biết tự lượng sức mình” khi mà cái đói còn bủa vây lấy đời sống của họ mà lại muốn chơi trội, Nông Viết Toại cho rằng đó là:“Cần lẻ ái kin cải, mì mưn ái dủng slip mưn” [30, tr.96]. Dịch nghĩa: “Thứ người có tính bóc ngắn cắn dài, có một đồng mà muốn tiêu mười đồng”. Văn hóa ứng xử của người dân tộc Tày được hình thành trong quá trình giao tiếp, cái đẹp trong văn hóa ứng xử luôn được gìn giữ qua nhiều thế hệ tuy nhiên một nét tâm lí chung rất phổ biến ở người dân tộc Tày là ngại nói thẳng thắn về những tính cách xấu và luôn tìm cách che giấu những thói hư tật xấu của mình, Nông Viết Toại đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế trong văn hóa ứng xử khi nói tới thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của con người coi thường, khinh bỉ người khác và gọi đó là hành động: “Đi kin đip mác tha?” [43, tr.98]. Dịch nghĩa: “Dám ăn tươi nuốt sống con mắt?”. Cái xấu tự bao giờ đã xuất hiện trên mọi góc cạnh của đời sống, tác giả đã vận dụng thành ngữ dân tộc để phản chiếu chân thực những thói xấu còn tồn tại, phê phán và điều chỉnh văn hóa trong lối ứng xử của con người.

Trong những giai đoạn lịch sử nhất định thành ngữ, tục ngữ đã luôn bám sát và phản ánh một cách khách quan chân thực những vấn đề của hiện thực cuộc sống với những mục đích khác nhau. Ở thời kì cách mạng tục ngữ, thành ngữ thường đề cập đến những vấn đề lớn của xã hội, đó là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nên nó mang trong mình vận mệnh của dân tộc với những khẩu hiệu mang tính tuyên truyền. Trong giai đoạn ấy, vẫn còn đó những cái xấu tồn tại ở nhiều lứa tuổi, nhiều thời điểm luôn rình rập kéo con người ta ra khỏi nền tảng đạo đức truyền thống, nhà văn đã thẳng thắn dùng những câu thành ngữ tục ngữ để chĩa mũi nhọn phê phán vào một bộ phận tay sai quan lại đảo ngược lại mọi giá trị truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc, đánh mất cả nhân hình nhân tính chấp nhận cúi đầu làm thân trâu

ngựa cho kẻ thù quay lại tiếp tay áp bức bóc lột chính đồng bào mình để tư lợi cho bản thân “Xằng chắc fầy mẩy nặm lụ nặm đắp fầy! Nặm noòng lẻ pja kin mẩt, tọ nặm bốc lẻ mẩt kin pja” [43, tr.23]. Dịch nghĩa: “Chưa biết lửa đốt cháy nước hay nước làm tắt lửa! nước lũ thì cá ăn kiến, nhưng nước cạn thì kiến ăn cá”. Câu nói gợi nhớ đến hình ảnh con cá và con kiến trong bài “Cá ăn kiến, kiến ăn cá” như một thông điệp mà tác giả gửi đến những kẻ bán nước cầu vinh và niềm tin vào chân lí “Sông có khúc, người có lúc”, cái xấu cũng không bao giờ tồn tại mãi được và chiến thắng luôn thuộc về chính nghĩa.

Trong quá trình phát triển, mỗi một dân tộc đều hình thành nên một sản phẩm văn hóa đặc trưng cho riêng mình gắn với tự nhiên và con người, chính sự khác biệt trong điều kiện tự nhiên và môi trường sống đã quy định nên những nền văn hóa khác nhau được phản ánh qua những câu thành ngữ, tục ngữ. Người dân tộc Tày là chủ nhân của vùng thiên nhiên miền núi với nghề nông nghiệp trồng trọt chăn nuôi từ lâu đã hình thành nên lối nhận thức chịu sự chi phối bởi tư duy trực quan sinh động. Khi nói đến phúc và họa trong cuộc sống người kinh thường có câu “Là phúc thì không phải họa, là họa thì không tránh được” thì người dân tộc Tày lại sử dụng lối nói ví von với hình ảnh con đường quen thuộc “Ái quá tàng luông lẻ quá, quá chang tổng lẻ quá. Chập xe lẻ chập, chập cần lẻ chập. Chập cần củng bấu lọ phiến lọ ni” [43, tr.31]. Dịch nghĩa: “Muốn qua đường cái thì qua, qua giữa ruộng thì qua. Gặp xe thì gặp, gặp người thì gặp. Gặp người cũng không biết trốn biết chạy”. Trong cuộc sống con người luôn có những biến cố thăng trầm giữa họa và phúc, đời người phúc họa khó lường trước, trong phúc đôi khi ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng đôi khi chính trong cái họa này mà con người tránh được nhiều cái rủi ro khác lớn hơn nên khi gặp phúc đừng cho là mãi mãi và gặp họa cũng đừng bi quan vào cuộc sống bởi vì mọi sự vật hiện tượng đều có mối quan hệ nhân quả “Bấu mì slưa hac mì lòi lỏ?” [30, tr.65]. Dịch nghĩa: “Không có hổ thì làm sao có vết được?”. Cơ hội gặp nhiều điều phúc lành trong cuộc sống là do con người tạo ra nhưng nó đều có nguồn gốc, để gặp được điều phúc lành không phải là khó mà cái chính là nắm bắt được nguyên nhân sâu xa mới giúp ta nhìn nhận đúng về bản thân để tìm ra hướng đi đúng một cách triệt để không bị rơi vào sự bế tắc trong hành

động “Hẳm mạy táng táo khẩu rẩy” [43, tr.23]. Dịch nghĩa: “Chặt cây khác đổ vào rẫy nhà mình”.

Ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, con người thì cũng có dăm ba bảy hạng với những quan điểm, lối sống trái ngược nhau. Có những tấm gương người tốt luôn tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, thật thà, tốt bụng đến mức “Kin nặm cắt nhằng kẹo” [43, tr.16]. Dịch nghĩa: “Uống nước lã mà còn nhai”, có những con người tốt đến cực đỉnh nhưng cũng có những con người xấu đến tận đáy, con chú con bác trong nhà nhưng trong lòng luôn tồn tại những mục đích không tốt đó là “Ăn cần slẩy khôn” [43, tr.21]. Dịch nghĩa: “Loại người trong ruột toàn lông”, luôn đặt lợi ích của cá nhân lên hàng đầu bất chấp mọi khuôn phép trong gia đình với nhiều đồn thổi, điều tiếng trong cuộc sống “Tởi cần hết kin bấu dà đảy pác thiên hạ” [43, tr.97]. Dịch nghĩa: “Đời người làm ăn không che được miệng lưỡi thiên hạ”. Nhưng cũng có những nhân vật lí trí, chấp nhận ngậm bồ hòn làm ngọt để giữ gìn sự yên bình cho mái ấm chứ nhất quyết không vạch áo cho người xem lưng, tố cáo chồng để được thỏa cơn tức nhưng lại ôm lấy những điều tiếng vì họ hiểu được rằng xấu chàng thì hổ ai qua câu nói “Cảng oóc mà. Phua mjề pậu phua mjề lầu tò thư tò đá căn táng mì lăng đây. Pậu tồn pây tẩư xậư pây nưa củng tố lầu thư tiểng lóa. Đây phua pậu, xẩu phua lầu” [43, tr.66]. Dịch nghĩa: “Nói ra thì vợ chồng người ta vợ chồng mình có mắng chửi nhau thì cũng chẳng tốt đẹp gì cả. Người ta đồn thổi mình lại mang tiếng xấu. Tốt chồng người, xấu chồng mình”. Ngôn ngữ trong đời sống muôn hình muôn vẻ, đôi khi con người ta có những bất đồng không tìm được sự thấu hiểu trong tiếng nói chung dẫn tới: “Lạo cảng cằn nà lạo lòa kha cáy” [43, tr.106]. Dịch nghĩa:“Ông nói gà bà nói vịt”, thậm chí có những con người lại tự cho rằng mình có thể biết hết mọi việc trên thế gian này, xuất quỷ nhập thần: “Nẳng pỉnh phầy hăn hải” [43, tr.50]. Dịch nghĩa: “Ngồi ở trong bếp mà nhìn thấy biển rộng”. Kẻ thì đồn thổi, người thì chọn cho mình một lối sống im lặng để đối phó với những biến động của thời cuộc nhưng những nét tính cách ấy chỉ tồn tại ở một bộ phận nhỏ mà nó không đại diện cho tâm hồn của con người dân tộc Tày miền núi mà cái làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Tày nằm ở những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời đã được dân tộc định hình trong đời sống của nhiều thế hệ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/07/2022