Cảm Hứng Về Thân Phận Con Người, Về Tâm Hồn Và Tính Cách Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số

văn để cho ra đời những sản phẩm tinh túy của tinh thần. Cho đến nay, Cao Duy Sơn đã có chín đầu sách (5 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn). Tất cả các tác phẩm của Cao Duy Sơn đều tập trung vào khai thác đề tài miền núi, cảm hứng chủ đạo được lấy từ tình yêu mến Cô Sầu - vùng đất chôn rau cắt rốn của nhà văn.

Sau khi trình làng truyện ngắn đầu tiên, Cao Duy Sơn đã thi vào trường viết văn Nguyễn Du. Đến năm 1992, ông tốt nghiệp trường này với cuốn tiểu thuyết Người lang thang. Ngay sau khi ra đời, Người lang thang đã gây được sự chú ý và nhận được hai giải thưởng liên tiếp: Giải A của Hội đồng văn học Dân tộc và Miền núi - Hội Nhà văn Việt Nam và Giải Nhì của Hội Hữu nghị Việt - Nhật. Hai giải thưởng ấy là minh chứng cho tài năng của ngòi bút Cao Duy Sơn, đồng thời nó cũng như một ngọn lửa, âm ỉ chứ không bùng cháy, nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương trong lòng người con của đất cô Sầu. Bởi sau khi tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, Cao Duy Sơn…thất nghiệp. Ông không khác gì nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao phải lăn lộn với cuộc sống để lo gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Có khi ông tưởng như mình đã “từ bỏ giấc mộng văn chương với đủ các lí thuyết, sách vở Tây Tàu cùng vô số những kinh nghiệm mà trong suốt bốn năm học trường Nguyễn Du các thầy truyền đạt” [17]. Nhưng rồi chữ nghĩa vẫn cứ đeo bám ông như một cái “nghiệp”. Vậy nên hai năm sau sự ra đời của Người lang thang, tức là vào năm 1994, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết Cực lạc. Không gian bao trùm cuốn sách là thế giới vùng đất Cô Sầu. Nơi ấy có biết bao số phận hẩm hiu, bất hạnh. Mỗi một nhân vật có một cảnh đời riêng. An xinh đẹp nhưng bạc mệnh bởi sự tham lam và tàn nhẫn của lão Khóa và Sáng Và. Mạc phải sống nửa kiếp người nửa mê nửa tỉnh…Nhưng vượt lên trên hết là tấm lòng, là một cái tâm trong sáng của những nhân vật như Mạc, An, Pồn, Mụ Nhẹo, lão Khần. Đó cũng chính là niềm tin của tác giả vào cuộc đời và con người.

Tiếp tục bám lấy vùng đất cổ Cô Sầu để khai thác, năm 1996, Cao Duy Sơn trình làng tập truyện ngắn Những chuyện ở lũng Cô Sầu. Tập truyện đã

nhận được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1999. Cuốn sách này “mang một hương vị riêng biệt của vùng rừng xanh núi đỏ với những số phận vừa bi thương vừa hào hùng nhưng lại thấm đẫm chất nhân văn cao cả” [36,5]. Như đang trong tầm “sung mãn” của sức lực và tài năng, Cao Duy Sơn đánh dấu sự có mặt của mình trên văn đàn qua sự xuất hiện khá liên tục những đứa con tinh thần. Năm 1999 có tiểu thuyết Hoa mận đỏ. Năm 2002 có Những đám mây hình người (Giải B của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam). Năm 2006 có Đàn trời (Giải A của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2007). Và ngay sau đó một năm, ông cho ra mắt độc giả tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối. Cuốn sách dày 190 trang và lấy của ông bốn năm (từ 2002 đến 2006) miệt mài sáng tạo. Tập sách gồm có bảy truyện nhỏ, tên truyện đầu tiên được chọn làm nhan đề cho cả tập, bởi nó “nói thay cho cả tập truyện về sự tiếc nuối một cái gì tốt đẹp đã qua mất rồi” (Cao Duy Sơn). Có thể nói với sự ra đời của Ngôi nhà xưa bên suối, Cao Duy Sơn đã “thực hiện một cuộc hành hương tinh thần tìm về những vẻ đẹp xưa của núi Phja Phủ, của lũng Cô Sầu với ước mơ cháy bỏng: giới thiệu được vùng quê nghèo khó ấy, ghi danh nó trong văn học” [1]. Với những giá trị mà tập sách đem lại, năm 2008, nó là tập truyện ngắn duy nhất được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Và năm 2009, nó đã vượt qua rất nhiều những cuốn sách khác để đại diện cho nền văn chương Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Văn học ASEAN. Nhà văn đón nhận giải thưởng đó trong niềm “xúc động, hạnh phúc và vinh dự” (Cao Duy Sơn). Cùng lúc với vinh dự ấy, nhà văn Cao Duy Sơn cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết gần 500 trang với 50 chương mang tên Chòm ba nhà. Tác phẩm tập trung nói về đề tài chiến tranh, về những người bạn cùng San

- nhân vật chính của truyện, lớn lên ở xóm chòm ba nhà, về tuổi thơ non nớt đã phải chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến, về những con người sinh ra không kịp lớn... Thông qua Chòm ba nhà, nhà văn muốn nói: “Sự tham lam của chiến tranh sẽ chỉ mang lại sự tàn khốc và bất hạnh. Hãy biết quý trọng lấy từng ngày

sống trên thế gian này”. Tiếp tục làm cái công việc cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa, cuối năm 2010 Cao Duy Sơn cho ra mắt tập truyện ngắn Người chợ. Vẫn là viết về những con người của Cô Sầu nhưng xen vào đâu đó là những trầm tư, chiêm nghiệm về cuộc đời và con người của chính tác giả.

Với thái độ sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc và chân chính, mỗi khi ngồi vào bàn, Cao Duy Sơn “viết là viết, cặm cụi như một nhu cầu tự thân, nhọc nhằn vô cùng” [17]. Mỗi năm ông chỉ viết được chừng hai truyện ngắn, thời gian còn lại thì viết đôi chương tiểu thuyết. Ông cho biết: “Ngay cả khi câu chuyện đã xong rồi thì tôi cũng phải nghiền ngẫm xem truyện của mình nó có giống những cái mình đã viết trước đó chưa, thứ hai nữa là nó có giống của ai không” [17]. Bởi vậy mà sáu giải thưởng văn học cao quý trao cho ông chính là một sự ghi nhận của nền văn học nước nhà dành cho tinh thần trách nhiệm và trái tim nhân ái của ông trong lao động sáng tạo nghệ thuật.

Có thể nói, ở thời điểm này, Cao Duy Sơn được đánh giá là một nhà văn tiêu biểu nhất của mảng văn học dân tộc thiểu số. Thủy chung như nhất với đề tài miền núi, mỗi ngày qua đi, Cao Duy Sơn vẫn đang miệt mài “tích lũy, khám phá để “mã hóa” những vỉa tầng văn hóa nguyên bản, nét hồn nhiên của người dân tộc đưa vào những trang văn” [17]. Người con của lũng Cô Sầu dù ở nơi đâu, vào thời điểm nào cũng dồn tài năng và tâm huyết cho miền quê cổ kính ấy. Bởi vậy “mỗi tác phẩm của Cao Duy Sơn là một sự tìm tòi, khám phá, phát hiện mới, độc đáo về con người miền núi, giúp người đọc ngày càng tiếp cận sâu sắc, đầy đủ, rõ ràng hơn cuộc sống dân tộc đậm đà bản sắc văn hóa này” [50].

Chương 2


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

NHỮNG MẠCH NGUỒN CẢM HỨNG MANG ĐẬM BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG SÁNG TÁC CỦA CAO DUY SƠN


Bản sắc văn hoá dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn - 5

Cảm hứng là “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm” [11,38]. Những mạch nguồn cảm hứng trong sáng tác của Cao Duy Sơn khá phong phú nhưng chúng tôi chỉ tập trung vào một số cảm hứng mang đậm bản sắc dân tộc sau:

2.1. Cảm hứng về thân phận con người, về tâm hồn và tính cách đồng bào dân tộc thiểu số

Cảm hứng chủ đạo trong hầu hết các tác phẩm văn chương là cảm hứng về con người. Nguyễn Văn Siêu gọi đó là những tác phẩm “nghệ thuật vị nhân sinh”. Thứ văn chương ấy vì con người mà lên tiếng. Muốn vậy người nghệ sĩ phải là người đứng trong lao khổ để hứng lấy mọi vang động của đời. Cao Duy Sơn đã sống và gắn bó sâu sắc với cuộc sống của những người dân miền núi để đưa họ vào những trang văn một cách chân thực, hồn nhiên như nó vốn có.

2.1.1. Con người với số phận bất hạnh

Trên những trang văn của Cao Duy Sơn, nỗi buồn dường như nhiều và dài hơn niềm vui và hạnh phúc. Mỗi mảnh đời được ông khai thác ở nhiều góc độ khác nhau nhưng tựu chung lại đều gặp nhau ở sự bất hạnh. Đưa những số phận ấy trở thành hình ảnh khá trọng tâm trong sáng tác của mình, nhà văn không phải chỉ thấy nỗi khổ của đồng bào dân tộc mà sâu sắc hơn là tái hiện được chân xác cuộc đời của họ. Qua đó thể hiện được tình yêu thương, sự cảm thông và trân quý của nhà văn dành cho những số phận bất hạnh trong cuộc đời. Bởi đến với những sáng tác của Cao Duy Sơn, người đọc có thể nhận ra được

niềm hân hoan, say mê, …nỗi đau đớn, khắc khoải, mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình” [4] của nhà văn .

Trong cuộc sống, mỗi con người thường phải đối mặt với những nỗi khổ riêng, hoặc là vật chất, hoặc là tinh thần. Đồng bào dân tộc thiểu số, do nhiều nguyên nhân mà cuộc sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Cao Duy Sơn lại không chú ý tới nỗi khổ vật chất mà chủ yếu đi sâu phản ánh những nỗi khổ tinh thần của họ. Bởi những diễn biến cũng như trạng thái tâm lí của nỗi khổ vật chất giản đơn hơn rất nhiều so với nỗi khổ tinh thần. Hơn nữa, lối sống trọng nghĩa tình của người miền núi khiến họ xem nhẹ của cải vật chất. Đôi khi, chính lối sống ấy đã kéo họ vào những nỗi buồn dằng dặc không thể tìm một lối ra. Bất hạnh cuộc đời cũng được tạo ra từ đó. Những con người hình hài nhỏ bé nhưng có khi phải mang trong tim những nỗi đau tinh thần quá lớn.

Mỗi cuộc đời trong sáng tác của Cao Duy Sơn mang một nỗi đau riêng: đau vì tình yêu lỡ dở, vì tình người li tan, vì nợ ân nợ nghĩa… Và không thể nói nỗi đau nào sâu hơn, ám ảnh hơn. Có những mảnh đời nỗi đau chồng lên nỗi đau. Đó là cuộc đời của Thim trong Người săn gấu. Nỗi đau lần thứ nhất đến với Thim khi chú bé 12 tuổi. Ấy là khi người cha chú “đã đẩy lùi con thú bằng sức mạnh kì diệu nhưng ông đã không thoát ra được trong những chiếc vuốt cong nhọn hoắt của nó, người và gấu cùng lao xuống đáy vực hun hút” [36,11]. Vậy là Thim trở thành đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, “sống một mình trong một túp lều lẻ loi cuối bản”. Thời gian qua đi nhưng nỗi đau và sự ám ảnh vẫn còn đó. Đến giờ nhắm mắt lại Thim thấy cảnh tượng ấy vẫn hiện ra rõ lắm. Nghị lực và tình người bản đã giúp cậu bé Thim năm nào trở thành chàng trai khỏe mạnh và dũng cảm. Những tưởng nỗi đau mất mát năm xưa sẽ được bù đắp, nhưng không mười năm sau ngày ấy Thim lại rơi vào nỗi đau mất mát lần thứ hai. Lần thứ nhất, Thim mất một tình thương thì lần thứ hai anh mất một tình yêu. Những tục lệ của xã hội phong kiến miền núi đã cướp Phón ra khỏi vòng tay của Thim. Gửi lại “một thời trẻ trung chát đắng” ở Pác Miều, Thim

gia nhập quân đội và chinh chiến khắp các chiến trường. Thời gian không thể xóa đi kí ức và nỗi đau về một “mối tình như cánh hoa đầu tiên mới nhú”, ông già Thim dành phần đời còn lại của mình để đi tìm và mong một lần được gặp lại người con gái năm xưa. Quá khứ là những nỗi đau vẫn cứ bám riết tháng ngày hiện tại khiến số phận con người không thoát khỏi sự cô đơn và những ám ảnh hằn sâu trong kí ức.

Mối tình dang dở của Khơ và Dình trong Hoa bay cuối trời cũng khiến cho số phận nhân vật rơi vào những trái ngang, ân hận giày vò. Ngày được nghe những lời yêu thương Khơ nói, Dình đã hạnh phúc đến chừng nào. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, bệnh tật đã cướp đi sự sống của đôi chân nàng. Nó cũng cướp luôn ước mơ về một mái ấm gia đình hạnh phúc đang rạo rực trong trái tim người con gái hồn nhiên, yêu đời ấy. Đau đớn làm sao cái ngày buộc phải nói dối người thương rằng mình đã phụ tình chàng để rồi một mình ôm trọn nỗi xót xa cho số phận. Những trái ngang của số phận khiến biết bao con người phải mang trong mình những vết thương lòng mà thời gian không thể là một phương thuốc hữu hiệu. Lão Sinh và mú Ếm (Chợ tình) cũng vậy. Thương yêu nhau là thế mà lại đôi người đôi ngả để đến giờ, lão đã ngoài tám mươi, nỗi buồn đã nguôi ngoai nhưng “thương nhớ vẫn hằn sâu trong ngực”. Thương nhớ và đớn đau đã hóa thành lòng chung thủy. Chỉ có gốc cây sau sau và đôi giày vải năm xưa đồng hành cùng tấm lòng của lão, minh chứng cho sự vững bền của một tình yêu! Nỗi đau của một tình yêu bị khước từ cũng xót xa không kém sự chia lìa trong tình yêu. Ngày tình yêu của Ngấn (Người lang thang) không được Diên đón nhận, Ngấn thấy như có “một mũi tên găm vào ngực, mỗi ngày thêm nhức nhối”. Nỗi buồn dâng đầy trong đáy mắt, anh “không hình dung nổi mình sẽ sống ra sao, nếu cuộc đời này vắng Diên” [35,51]. Tình yêu dù dang dở bởi nguyên nhân nào cũng khiến con người gánh chịu những mất mát, tổn thương, những đớn đau nhức nhối hằn sâu trong tâm tưởng.

Trong sáng tác của Cao Duy Sơn còn có những số phận bất hạnh bởi sự xa lánh, ghẻ lạnh của người đời. Ò Lình (Nơi dây không một bóng người) không may mắn được tạo hóa ban cho một hình thể bình thường như những ai được gọi là con người. Ngày nó được sinh ra, “cái thân thể trần truồng đỏ hỏn đó phủ một lớp lông màu vàng, ướt nhớp nháp” [27,71]. Nó đã “mang hình hài một con khỉ” và “bị câm từ lúc mới lọt lòng”. Bất hạnh tiếp theo mà Ò Lình phải đón nhận là sự chối bỏ hết sức nhẫn tâm của chính người cha đã sinh ra nó. Ông ta không một lần nhìn mặt đứa con rồi nhờ bà đỡ làm Phly Piài (chôn sống đứa trẻ sinh ra không bình thường) chính nó. Việc phủ nhận tàn nhẫn sự có mặt của Ò Lình trên cõi đời này của người cha là một mắt xích quan trọng trong chuỗi thái độ phản ứng tương đồng của cả bản Luông. Vì thế mắt xích ấy đứt kéo theo cả dây chuyền xa lánh, xua đuổi con người bất hạnh ấy. Nhưng khát vọng sống của con người là vô cùng mạnh mẽ. Thế nên người mẹ bất hạnh kia đã ôm con chạy trốn xã hội loài người bất nhân, ghẻ lạnh. Mười bốn năm sống “giữa đại ngàn không một bóng người qua lại” những tưởng cứ lặng lẽ trôi qua trong cô đơn và đói khổ nhưng không, cái khát khao được hòa nhập, vui đùa, được sống như những đứa trẻ mà Ò Lình nhìn thấy - “một lũ trẻ đang nô đùa quanh một căn nhà thưng gỗ khang trang” - sống dậy mãnh liệt trong nó. Nó đã quên bẵng điều mẹ dặn và bước qua cái ranh giới ngăn cách giữa rừng hủi và xã hội loài người. Bước qua rồi mà không thể tới được và sống được trong xã hội ấy. Đây mới là đỉnh điểm của những bất hạnh mà Ò Lình phải gánh chịu. Không nỗi đau nào đau hơn và sâu hơn khi phải chạy trốn sự xua đuổi của cả xã hội! Sự vô tình của cuộc đời và con người đã đẩy số phận Ò Lình tới một kết thúc hết sức thương tâm. Khi tiếng nói đầu tiên được cất lên thì đó cũng là khi chấm dứt một cuộc đời lắm trái ngang và bất hạnh.

Số phận của Hoán trong truyện ngắn Thằng Hoán cũng nhiều lắm những đắng cay, cơ cực. Bất hạnh thứ nhất anh phải gánh chịu là từ chính bản thân anh bởi tạo hóa đã cho anh một ngoại hình không hoàn chỉnh. Bất hạnh

thứ hai và cũng chính là bất hạnh chủ yếu của cuộc đời anh do người đàn bà đẹp như bông hoa Kim Anh rực rỡ gây ra. Người đàn bà ấy là Làn Dì - vợ anh. Làn Dì ngoại tình với tay thợ cả đã đẩy gia đình anh vào cảnh gãy nát, đã đem đến cho Hoán một đứa con không phải của anh. Nhưng bản tính nhấn hậu của người miền núi là điểm tựa vững chắc để anh đón nhận đứa trẻ kia và yêu thương nó chân thành. Tình yêu ấy cứ lớn dần theo những thăng trầm, gian khó của cuộc sống. Thế nhưng, lòng người xốc nổi, vô tình đã một lần nữa đẩy Hoán đến tận cùng của nỗi đau: Làn Dì trở về để đón đứa con đi. Nỗi đau ấy khiến cái lưng gù của anh “gập xuống như sắp gãy hẳn”. Anh “cảm thấy mình như đang bị rơi xuống khe vực thăm thẳm giá buốt” [36,170] và lặng người đi “như một tảng đá mồ côi”: “Thôi thế là hết…Mìn ơi, con ơi, từ nay bố sẽ không còn nhìn thấy con nữa” [36,171]. Ý nghĩ đó làm trái tim anh vỡ ra từng mảnh vụn nhưng lại bộc lộ rõ phẩm chất của người dân tộc: lúc nào cũng chấp nhận hi sinh, thua thiệt về mình để không làm tổn thương người khác. Đứa con là chỗ dựa tinh thần của Hoán nhưng cũng là máu thịt của Làn Dì. Hoán hiểu nỗi xa xót của người mẹ xa con nên anh chấp nhận để con đi trong đau đớn, bàng hoàng. Nỗi đau của Hoán cũng nhức nhối như nỗi đau của thầy Hạc trong Ngôi nhà xưa bên suối. Không ích kỉ, không tàn nhẫn, điều đó đã nâng đỡ những nỗi đau thẳm sâu trong tâm hồn Hoán (Thằng Hoán), thầy Hạc (Ngôi nhà xưa bên suối), Tài Pẩu (Hoa mận đỏ)… nói riêng và trong con người nói chung.

Dường như mỗi trang văn của Cao Duy Sơn là mỗi trang đời bởi ở đó có biết bao số phận éo le, trắc trở. Điều đó khiến độc giả, khi đến với sáng tác của Cao Duy Sơn, cảm thấy như ông đang nói hộ những ước mơ, những khát khao, đang giãi bày những xót xa, những giông bão trong tâm hồn của những con người bé nhỏ, bình dị đang sống lặng thầm ở miền sơn cước. Những trang viết của ông đã mở ra một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống nơi vùng cao - nơi còn đó bao số phận bất hạnh, tủi cực. Kể về cuộc sống của con người miền núi nhưng những tác phẩm của cao Duy Sơn “đã vượt ra khỏi ranh giới địa phận

Xem tất cả 123 trang.

Ngày đăng: 17/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí