Bản sắc văn hoá dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn - 2

trong cách viết của Cao Duy Sơn...thể hiện ở việc dùng ngôn ngữ văn chương. Ông đã biết Tày hóa tiếng Việt trên cơ sở hiểu sâu sắc và thông thạo cả hai thứ tiếng (Tày và Việt ). Ông viết bằng tiếng Việt nhưng trong đó sắc thái Tày vẫn thể hiện rõ. Trước hết là ở câu nói ngắn, gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Điều đó rất gần gũi với cách nói của người Tày, đồng thời cũng thể hiện một khẩu khí, một thái độ sống rõ ràng, dứt khoát của họ. Ông biết điểm vào những trang viết những chi tiết , những câu chữ, những từ đắt nhất, tiêu biểu, gần gũi gắn bó máu thịt với người Tày mà tiếng Việt không biểu hiện được” [50].

Trong cuốn Tuyển tập văn xuôi dân tộc và miền núi thế kỉ XX, Lâm Tiến lại chú ý tới nghệ thuật xây dựng nhân vật của Cao Duy Sơn. Ông cho rằng: Trong sáng tác của nhà văn này, “hình tượng con người lao động miền núi cao lớn, mạnh mẽ, khỏe khoắn” được thể hiện “một cách cụ thể, sinh động, tinh tế như nó vốn có”. Nhân vật của Cao Duy Sơn “thường có đời sống nội tâm phong phú, phức tạp, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lại lặng lẽ, kín đáo” [26,12].

Phạm Duy Nghĩa trong Luận án tiến sĩ Ngữ văn Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi cũng đề cập tới nghệ thuật xây dựng nhân vật của Cao Duy Sơn. Anh cho rằng, so với nhân vật của Vi Hồng thì các nhân vật của Cao Duy Sơn “phức tạp và đa diện hơn”. Nhiều nhân vật trong sáng tác của ông “đều là những mảnh vụn đời tư với tất cả cái dở dang, bề bộn, phồn tạp của cuộc đời”. “Với những thăng trầm ở mọi thân phận, các nhân vật của Cao Duy Sơn thiên về loại nhân vật số phận hơn là nhân vật tính cách, tuy là nhà văn vẫn có ý thức tạo cho mỗi nhân vật một nét cá tính và ngôn ngữ riêng”[30,115].

Một thế giới nhân vật “phân cực” trong sáng tác của Cao Duy Sơn đã được Đinh Thị Minh Hảo chỉ ra trong Luận văn thạc sĩ Ngữ vănTruyện ngắn Cao Duy Sơn. Tác giả luận văn khẳng định: Đó là “một thế giới “phân cực” thiện - ác đối kháng và một kết thúc có hậu. Trong thế giới ấy các nhân vật chính diện đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. Các nhân vật phản diện lại xấu xa về nhân cách và dị dạng méo mó về ngoại hình” [10].

PGS. TS Đào Thủy Nguyên trong bài Cội nguồn văn hóa dân tộc trong truyện ngắn Cao Duy Sơn đã rất quan tâm đến những dấu hiệu của bản sắc văn hóa dân tộc trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn. Đó là giọng văn, là ngôn ngữ, là hình ảnh con người và cuộc sống được phản ánh trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn. Về cơ bản bài báo đã bước đầu đề cập tới những vấn đề chúng tôi quan tâm giải quyết trong luận văn này.

Như vậy, có thể thấy: Vấn đề bản sắc dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, song đó mới là những ý kiến lẻ tẻ và mới chỉ dừng lại ở những nhận xét, những bài báo nghiên cứu trong phạm vi một tác phẩm, một thể loại chứ chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu. Do vậy, việc tìm hiểu Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn một cách toàn diện, hệ thống dựa trên những luận giải, minh chứng cụ thể là một điều cần thiết.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu.

- Đối tượng nghiên cứu:

Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của nhà văn Cao Duy Sơn.

- Phạm vi nghiên cứu:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

Luận văn nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm của nhà văn Cao Duy Sơn, gồm 5 tiểu thuyết và 4 tập truyện ngắn.

Tiểu thuyết: Người lang thang ( 1992).

Bản sắc văn hoá dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn - 2

Cực lạc ( 1995) Hoa mận đỏ ( 1999) Đàn trời ( 2005)

Chòm ba nhà ( 2009)

Tập truyện ngắn: Những đám mây hình người ( 2002)

Những chuyện ở lũng Cô Sầu ( 2003) Ngôi nhà xưa bên suối ( 2008)

Người chợ (2010)

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn chỉ ra và làm rõ những biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn trên cả hai phương diện: nội dung và hình thức nghệ thuật. Từ đó khẳng định phong cách riêng và đóng góp của Cao Duy Sơn cho mảng văn học dân tộc thiểu số nói riêng và nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

5. Phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp thống kê, phân loại 5.2: Phương pháp phân tích

5.3: Phương pháp khái quát, tổng hợp

5.4. Phương pháp so sánh, đối chiếu

6. Đóng góp của luận văn

Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc trong toàn bộ sáng tác của Cao Duy Sơn. Từ đó chúng tôi hướng tới một sự đánh giá đầy đủ và khách quan hơn về những thành công và hạn chế trong sáng tác của Cao Duy Sơn; Đóng góp của nhà văn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Vị trí của nhà văn trong tiến trình phát triển của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói riêng và trong lịch sử văn học Việt Nam hiện - đương đại nói chung.

7. Cấu trúc luận văn

Ngoài phần Mở đầu Kết luận, luận văn gồm ba chương:

Chương 1: Một số vấn đề lí thuyết về bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà văn Cao Duy Sơn trong dòng chảy của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện - đương đại.

Chương 2: Những mạch nguồn cảm hứng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn.

Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật thể hiện bản sắc dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn.

PHẦN NỘI DUNG


Chương 1


MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC. NHÀ VĂN CAO DUY SƠN TRONG DÒNG CHẢY CỦA VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM HIỆN - ĐƯƠNG ĐẠI

1.1. Một số vấn đề lí thuyết về bản sắc văn hóa dân tộc

1.1.1. Khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc

Văn hóa là một khái niệm đã và đang được đề cập đến rất nhiều trong cuộc sống hiện tại. Nó giữ một vị trí quan trọng trong quá trình đi lên của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Do vậy mà UNESCO đã thừa nhận “văn hóa là cội nguồn trực tiếp của phát triển xã hội, có vị trí trung tâm và đóng vai trò điều tiết xã hội” [31].

Đã có hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu luận bàn về khái niệm hay định nghĩa về Văn hoá, nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa đưa ra được một khái niệm chung nhất. Các tác giả cuốn Từ điển Tiếng Việt đã đưa ra năm cách hiểu khác nhau về Văn hóa:

1. Văn hóa là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”.

2. Văn hóa là “những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát).

3. Văn hóa là “tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát)”.

4. Văn hóa là “trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh”.

5. Văn hóa là “nền văn hóa của một thời kì lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau” [27,1100].

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc cho rằng: Cần phải có “một định nghĩa thao tác luận về văn hóa”. Vì vậy, ông đã dày công phân tích, nghiên

cứu để đưa ra một khái niệm Văn hóa mang tính tổng quát nhất: “Văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một số cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay tộc người khác [31,19].

Trong cuốn “Cơ sở văn hoá Việt Nam”, GS Viện sĩ Trần Ngọc Thêm đưa ra khái niệm: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội ” [52,10]. Có thể thấy hai khái niệm nêu trên có sự tương đồng. Theo đó, Văn hoá được hình thành từ khi con người biết sáng tạo (có nghĩa là văn hoá hình thành cùng với sự hình thành loài người). Văn hoá là tất thảy những sản phẩm vật chất (văn hoá vật thể) và tinh thần (văn hoá phi vật thể) do con người sáng tạo ra trong hành trình lịch sử.

Tháng 7 năm 1982, Hội nghị quốc tế về Văn hóa ở Mehico đã thống nhất đưa ra một định nghĩa về Văn hóa như sau: “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng”. Khái niệm này vừa nói đến văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, vừa nói đến hệ giá trị và đặc biệt là nêu lên “những nét riêng biệt …về văn hoá của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội” [31].

Có thể thấy, Văn hóa là một khái niệm rộng. Và mỗi một quốc gia, dân tộc dù lớn hay nhỏ cũng đều có bản sắc văn hóa của riêng mình. Khái niệm bản sắc văn hóa được nhà nghiên cứu Phan Ngọc khẳng định: “Nói đến bản sắc văn hóa là nói đến cái mặt bất biến của văn hóa trong quá trình phát triển của lịch sử” [31,34].

Việt Nam là một quốc gia nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, có diện tích 331.211,6km2 với 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S. Trong nền văn hóa đa dân tộc đó, mỗi dân tộc lại giữ cho mình một bản sắc văn hóa riêng. Vậy bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: Bản sắc là “màu sắc, tính chất riêng tạo thành đặc điểm chính” [27,31]. Theo nghĩa tiếng Hán: Bản là cái gốc, cái căn bản, cái lõi, cái hạt nhân của một sự vật; Sắc là thể hiện ra ngoài. Nói bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam tức là nói những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, những giá trị hạt nhân của văn hóa Việt Nam. Nói những giá trị hạt nhân tức là không phải nói tất cả mọi giá trị, mà chỉ là nói những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất, chúng mang tính dân tộc sâu sắc đến nỗi chúng biểu hiện trong mọi lĩnh vực của nền văn hóa Việt Nam: văn học nghệ thuật, sân khấu, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hằng ngày của người Việt Nam… Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Bản sắc là những nét riêng biệt, độc đáo của một dân tộc thể hiện trong nền văn hóa, nghệ thuật, trong phong tục tập quán, trong đời sống muôn màu của dân tộc” [5]. PGS.TS Trần Thị Việt Trung trong công trình nghiên cứu Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại cho rằng: “Bản sắc dân tộc là những nét riêng biệt độc đáo của một nền văn hóa, văn học bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hóa, văn minh của dân tộc được vun đắp nên qua lịch sử, tạo thành phong cách dân tộc” [56,33]. Vì nó là cái riêng độc đáo nên nhiều nhà nghiên cứu đã từng gọi nó là “chứng minh thư của riêng một dân tộc”, “giấy thông hành để mỗi con người bước ra với cộng đồng nhân loại mà không bị trộn lẫn” [60].

Trong Văn kiện hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, vấn đề bản sắc dân tộc cũng đã được đề cập tới. Nó “bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ

nước…Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo” [56,31]. Theo sự đánh giá của tác giả cuốn sách thì đây là một “quan niệm xác đáng và toàn diện nhất”.

Mỗi quốc gia, dân tộc đều có lịch sử hình thành gắn với một nền văn hóa nhất định. Do vậy mà bản sắc văn hóa dân tộc chính là “cái biểu hiện tập trung diện mạo dân tộc, cái để nhận diện một dân tộc” [25,1159]. Vì lẽ đó mà khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc là nói đến “hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo là tiếng nói dân tộc, là tâm lí, nếp tư duy, là phong tục tập quán, là hình thức nghệ thuật truyền thống” [25,1160]. Mỗi một người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật đều có ý thức chắt lọc bản sắc văn hóa dân tộc để biến nó thành cái riêng, nét riêng trong sáng tác của mình. Nhiều nhà văn dân tộc thiểu số đã rất thành công trong việc tập trung miêu tả những nét bản sắc của dân tộc mình để từ đó độc giả có thể nhận ra diện mạo dân tộc mà họ phản ánh.

Có thể nói, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một hành động thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam trong thời kì hiện nay. Bởi “chính bản sắc dân tộc đảm bảo cho dân tộc tồn tại, phát triển qua tất cả sự biến động của lịch sử. Nhờ bản sắc dân tộc, chúng ta biểu lộ được một cách toàn vẹn sự hiện diện của mình trong giao lưu với quốc tế. Giữ gìn được bản sắc dân tộc là góp phần chống lại nguy cơ đồng hóa về văn hóa. Targo đã từng nói “Có thể vượt qua thế giới lớn lao của loài người không phải bằng cách tự xóa mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của mình”. Giá trị của một dân tộc, bắt đầu từ chính bản sắc của nó. Do đó, nghiên cứu bản sắc dân tộc của một dân tộc là góp phần khẳng định sự trường tồn của dân tộc trong giao lưu văn hóa” [56,25].

1.1.2. Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác văn học

Văn học nghệ thuật là bộ phận cấu thành và rất quan trọng của văn hoá. Thực tiễn cuộc sống và nền văn hoá dân tộc là mảnh đất màu mỡ làm nảy sinh và nuôi dưỡng văn học nghệ thuật, đến lượt mình văn học nghệ thuật làm phong

phú, sâu đậm thêm bản sắc dân tộc của văn hoá. Vậy bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác văn học được biểu hiện qua những phương diện nào? Nghiên cứu và đánh giá về vấn đề này, các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định: Bản sắc văn hóa dân tộc được biểu hiện ở đề tài, chủ đề và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Bản sắc văn hóa được biểu hiện ở đề tài, chủ đề của tác phẩm văn học. Đề tài và chủ đề là những yếu tố quan trọng để người nghệ sĩ thể hiện chiều sâu tư tưởng của tác phẩm, đồng thời nó cũng góp phần thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn.

Hiện thực và con người là những yếu tố cơ bản của đề tài. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc thể hiện bản sắc dân tộc trong tác phẩm văn học. Cho nên có thể nói có bao nhiêu hiện tượng đời sống dân tộc thì có bấy nhiêu đề tài phản ánh về cuộc sống, con người, thiên nhiên, văn hóa…của dân tộc. Thông qua những hiện tượng được phản ánh trong tác phẩm người ta có thể nhận biết được nét riêng của mỗi dân tộc. Thiên nhiên của đất nước Việt Nam có đầy đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông và mỗi mùa đều có những nét đẹp riêng. Đây là vẻ đẹp của mùa xuân:

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

( Nguyễn Du, Truyện Kiều) Nhưng mùa xuân của đất nước Ba Lan lại hoàn toàn khác:

Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan

Đường bạch dương sương trắng nắng tràn

( Tố Hữu, Em ơi...Ba Lan)

Sắc xanh của cỏ cây đã trở thành gam màu chủ đạo của mùa xuân ở đất nước Việt Nam. Hình ảnh trăm hoa đua nở cũng khiến cho mùa xuân Việt Nam mang một nét riêng so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nét riêng ấy đã tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/10/2023