như trách nhiệm của mình đối với người thân trong gia đình, cũng như đối với cộng đồng xã hội. Đặc biệt, khi nền kinh tế - xã hội có bước phát triển mới thì đạo đức gia đình và các mối quan hệ ứng xử cũng có sự biến đổi một cách nhanh chóng, nhiều chuẩn mực đạo đức cũ mất đi, chuẩn mực đạo đức mới được thiết lập như các chuẩn mực về tình yêu, hôn nhân tự nguyện, về quan hệ ứng xử gia đình bình đẳng, dân chủ..., nhưng việc giáo dục các chuẩn mực đạo đức mới này trong một số gia đình chưa được chú trọng. Do đó, trong nhiều gia đình, tình trạng gia trưởng, trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại. Điều này không những đi ngược với các chuẩn mực đạo đức hiện đại mà còn là nguyên nhân dẫn tới các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình (bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới…).
Dựa trên Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình ngày 29/3/2017 và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 8/12/2017, đặc biệt là dựa vào kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình do các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh ĐBSH đề ra thì các nội dung cần quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các gia đình trong giáo dục đạo đức, đó là: Về vai trò, vị trí của gia đình và ý nghĩa của việc giáo dục đạo đức gia đình: Những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của gia đình cần được quan tâm giáo dục như: Giáo dục nền nếp gia đình, trên kính dưới nhường, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; giáo dục tình yêu thương, sự gắn bó, thủy chung trong quan hệ vợ chồng; giáo dục lòng thương yêu, sẻ chia, hòa thuận giữa anh, chị, em trong gia đình và cách ứng xử tình nghĩa, có văn hóa của các thành viên gia đình với cộng đồng xã hội... Đồng thời, những giá trị đạo đức gia đình mới và nhân văn hiện nay cần được tiếp thu vào nội dung giáo dục gia đình như: quyền dân chủ, bình đẳng và quyền được tôn trọng trong gia đình; tuyên truyền, giáo dục gắn với việc phê phán, cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức gia đình, đặc biệt là sự coi nhẹ các giá trị đạo đức gia đình truyền thống; những vấn đề mới phát sinh trong đời sống xã hội hiện nay tác động tiêu cực đến giáo dục đạo đức gia đình, như: Lối sống thực
dụng, ích kỷ; mặt trái của khoa học công nghệ; các tệ nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, mại dâm...).
Để nâng cao nhận thức cho các hộ GĐ về tầm quan trọng và những nội dung cần thiết trong giáo dục đạo đức gia đình thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở, người thường xuyên và trực tiếp nắm bắt được tình hình, đặc điểm của từng gia đình, hiểu được thực trạng giáo dục đạo đức của từng gia đình, từ đó có cách thức tuyên truyền phù hợp để đạt hiệu quả cao; Tuyên truyền thông qua sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố. Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh…; tuyên truyền giáo dục đạo đức gia đình thông qua hình thức nói chuyện chuyên đề, thông qua các cuộc thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình, đặc biệt là tuyên truyền lồng ghép vào các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh của dư luận xã hội, tuyên truyền thuyết phục các gia đình làm tốt việc giáo dục đạo đức cho các thành viên; Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng: cần phối hợp tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin như đài phát thanh, đài truyền hình (đặc biệt trên đài phát thanh địa phương của các xã, phường, tổ dân phố), intenet, báo chí…, về vai trò của giáo dục đạo đức gia đình và những phẩm chất đạo đức cần được giáo dục trong gia đình (được quy định trong Tiêu chí xây dựng GĐVH hoặc trong Bộ tiêu chí ứng xử gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra); xây dựng chuyên mục về gia đình và giáo dục đạo đức gia đình với lịch phát sóng cố định ở khung giờ thuận lợi nhất để thu hút được sự quan tâm của đông đảo các thành viên gia đình; tuyên dương những tấm gương gia đình điển hình, cũng như phê phán những gia đình chưa làm tốt việc giáo dục đạo đức cho con cháu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng xã hội.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chính vì vậy, trong quá trình nâng cao nhận thức về giáo dục đạo đức gia đình ở vùng ĐBSH cần chú ý đến đặc trưng, tính đa dạng này để có phương pháp giáo dục đạt hiệu quả. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ vừa là những người đứng đầu, vừa là chủ thể chính của
hoạt động giáo dục đạo đức gia đình đối với các thành viên. Chính vì vậy, cần phải phát huy vai trò“làm gương” của ông bà, cha mẹ đối với con cháu. Người lớn, người đứng đầu gia đình cần là tấm gương sáng về nhân cách đạo đức, có những hành vi đúng mực đối với mọi người xung quanh. Bởi vì, sẽ rất khó để con cái nghe theo những lời hay ý đẹp do bố mẹ dạy dỗ khi bản thân họ lại có những hành xử đi ngược với điều đó. Do đó, để các gia đình làm tốt việc giáo dục đạo đức cho các thành viên thì cần phải thực hiện tốt việc làm gương của người đứng đầu gia đình. Điều này đòi hỏi các bậc cha mẹ cần chú trọng hoàn thiện nhân cách bản thân, làm gương tốt về mặt đạo đức cho con cái, đặc biệt đối với người phụ nữ, người mẹ - người thầy đầu tiên của con cái; tấm gương cao cả, đức hy sinh, chia sẻ, yêu thương, đùm bọc của người mẹ là ngọn nguồn của sự giáo dục và nuôi dưỡng những phẩm chất đạo đức cao đẹp.
Mọi cách thức giáo dục đạo đức trong GĐ chỉ có hiệu quả khi nó chuyển thành quá trình tự giáo dục, tự tu dưỡng của mỗi thành viên. Do đó, hoạt động giáo dục đạo đức trong gia đình cần phát huy được tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thay đổi bản thân theo hướng tích cực, rèn luyện đức “nhân”, đức “nghĩa”, đức “hiếu” và lối sống có trách nhiệm, vì những người xung quanh. Để phát huy khả năng tự rèn luyện và tu dưỡng của mỗi thành viên thì việc giáo dục đạo đức trong các gia đình ở vùng ĐBSH cần tạo ra môi trường tự lập và tôn trọng sự tự lập, giáo dục sự tự chịu trách nhiệm của mỗi thành viên, tránh cách giáo dục theo hướng bao bọc, chiều chuộng và thụ động theo kiểu “cha mẹ dạy gì con cái phải nghe”…, có như vậy mới phát huy được tính tự rèn luyện của mỗi cá nhân trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Có thể bạn quan tâm!
- Quan Điểm Cơ Bản Nhằm Phát Huy Ảnh Hưởng Tích Cực Và Hạn Chế Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Đạo Đức Nho Giáo Đối Với Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Vùng
- Đẩy Mạnh Phát Triển Kinh Tế, Văn Hóa Tạo Điều Kiện Phát Huy Ảnh Hưởng Tích Cực Và Hạn Chế Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Đạo Đức Nho Giáo Đối Với
- Nâng Cao Hiệu Quả Quản Lý Nhà Nước Về Gia Đình Gắn Với Phát Huy Ảnh Hưởng Tích Cực, Hạn Chế Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Đạo Đức Nho Giáo Đối
- Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 20
- Tiêu Chuẩn Danh Hiệu “Gia Đình Văn Hóa” (Điều 4)
- Tiêu Chuẩn Danh Hiệu “Tổ Dân Phố Văn Hóa” Và Tương Đương (Điều 6)
Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.
Giáo dục đạo đức GĐ là “chiếc nôi” đầu tiên hình thành nhân cách con người. Nhưng để hoạt động giáo dục này đạt kết quả cao thì không thể tách rời với hoạt động giáo dục trong nhà trường và xã hội. Gia đình là nơi đầu tiên con cái được cha mẹ giáo dục những chuẩn mực đạo đức ứng xử đối với mọi người xung quanh, với những MQH trong gia đình bằng tình yêu thương, bằng đạo đức nhân nghĩa, bằng lòng hiếu kính; gia đình cũng là môi trường đầu tiên những
đứa trẻ được uốn nắn về nền nếp gia phong, kính trên nhường dưới, hòa thuận với anh chị em trong gia đình, từ rất sớm các bé trai được giáo dục đức “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”; các bé gái được giáo dục đức “công, dung, ngôn, hạnh”; con cái được giáo dục đạo “hiếu” với cha mẹ; vợ chồng được dăn dạy về sự thủy chung, tình nghĩa; anh em trong gia đình được giáo dục về tình thương yêu, đùm bọc... Đây là nền tảng hình thành và hoàn thiện nhân cách cá nhân. Tuy nhiên, ngoài thời gian ở nhà với gia đình thì hiện nay, thời gian trẻ em ở trường ngày càng nhiều, đôi khi còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Đặc biệt, do áp lực của công việc xã hội, một bộ phận gia đình hầu như không có thời gian chăm sóc, dạy đỗ con cái. Vì thế, việc hoàn thiện nhân cách thông qua vai trò giáo dục của nhà trường càng được thể hiện rõ. Do đó, để nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên thì gia đình cần chủ động gắn kết thường xuyên với nhà trường, nắm bắt được tình hình của con cái thông qua sự phản hồi của nhà trường, đặc biệt là sự biến đổi về tình cảm, tâm lý, tính cách của con cái. Về phía nhà trường, cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên thông qua nội dung và chương trình giáo dục đào tạo theo phương châm “Tiên học lễ hậu học văn”; tổ chức các hoạt động ngoại khóa và các chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống; phát huy vai trò làm gương của thầy, cô giáo trong giáo dục đạo đức, lối sống người học; đặc biệt là thường xuyên và tích cực liên hệ, phối hợp với gia đình trong giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên.
“Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Do đó, quá trình nâng cao nhận thức giáo dục đạo đức gia đình không thể tách rời với môi trường xã hội. Bởi vì, môi trường xã hội không chỉ là nơi kiểm chứng chất lượng của giáo dục trong gia đình và nhà trường, mà còn là nơi bổ sung làm phong phú thêm những gì còn thiếu. Vì thế, để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục đạo đức gia đình thì các địa phương cần khắc phục các tệ nạn xã hội, tạo ra môi trường xã hội lành mạnh; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, thường xuyên tích cực phối hợp với gia đình, nhà trường trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức công dân.
Thứ hai, đẩy mạnh giáo dục hệ chuẩn mực đạo đức gia đình văn hóa trên cơ sở kết thừa có chọn lọc giá trị đạo đức gia đình truyền thống.
Yêu cầu cơ bản về đạo đức mới trong gia đình được thể hiện một cách rõ ràng thành những chuẩn mực có tính nguyên tắc trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo hành gia đình, trong Tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình..., nhằm hướng đến xây gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Để các chuẩn mực này đi vào đời sống hiện thực trong các mối quan hệ gia đình thì cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, đặc biệt chú trọng kết hợp yếu tố hiện đại với yếu tố truyền thống trong giáo dục đạo đức gia đình.
Quyền dân chủ, bình đẳng và quyền được tôn trọng là những chuẩn mực đạo đức mới, những giá trị hiện đại cần được giáo dục trong các mối quan hệ gia đình. Sự bình đẳng giữa vợ và chồng có ý nghĩa rất lớn đối với giáo dục gia đình, từ cách ứng xử của vợ chồng với tư cách là bậc làm cha mẹ sẽ tạo cho con cái những quan niệm đúng đắn về quyền dân chủ, bình đẳng và quyền được tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình. Có thể nói, quyền bình đẳng và sự tôn trọng giữa vợ và chồng đang trở thành nét văn hóa mới trong GĐVH: bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, cùng nhau chia sẻ công việc, tạo điều kiện cho nhau phát triển... Đây là yếu tố khởi đầu nhưng cũng là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển gia đình hiện nay. Để đạt được điều này, đòi hỏi người chồng trong gia đình cần nhận thức đúng đắn về quyền bình đẳng giới, về quyền và trách nhiệm chia sẻ với vợ các công việc chung trong gia đình; đồng thời bản thân người vợ cũng cần thấy được quyền và trách nhiệm của mình, chủ động đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng và sự cam chịu trước những hành vi bạo lực, mất dân chủ của chồng. Giữa cha mẹ và con cái cũng cần giáo dục mối quan hệ bình đẳng, dân chủ. Cha mẹ cần bảo đảm quyền bình đẳng, dân chủ của các con, cần học cách lắng nghe ý kiến của con, không lấy uy quyền của cha mẹ để áp đặt con, nhưng cũng không dung túng với những hành vi bất hiếu, hỗn hào của con. Trong quan hệ anh em, cần giáo dục quyền bình đẳng giữa anh - chị-
em trong gia đình, không có sự phân biệt đối xử trong phân chia quyền lợi và nghĩa vụ giữa anh em trai với chị em gái, giữa anh cả và các em.
Cùng với những giá trị đạo đức hiện đại thì trong giáo dục đạo đức gia đình cần chú ý nhiều hơn nữa đến việc phát huy những giá trị đạo đức truyền thống (trong đó có đạo đức Nho giáo) vào xây dựng các mối quan hệ đạo đức gia đình. Đặc biệt, trước những vấn đề cấp bách đặt ra từ sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức gia đình hiện nay (xem mục 3.3.4), càng đòi hỏi cần phải phát huy những giá trị truyền thống này. Cụ thể:
- Trong quan hệ vợ chồng, để thực hiện được tiêu chí của GĐVH - “Vợ chồng bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ nhau tiến bộ. Không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; thực hiện bình đẳng giới; vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan” (Phụ lục 2) thì ngoài việc phát huy quyền dân chủ, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, các gia đình cần giáo dục con cháu biết trân quý và lưu giữ giá trị của chữ “tình”, chữ “nghĩa”, chữ “thủy chung” trong quan hệ vợ chồng; tôn trọng, yêu thương nhau, cùng nhau chia sẻ những công việc trong gia đình và chăm sóc con cái, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong công việc xã hội; lấy cảm thông, nhường nhịn để giải quyết bất đồng, mâu thuẫn trong cuộc sống.
- Trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cần giáo dục đức “từ” của cha mẹ đối với con cái, đạo “hiếu” của con cái đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Cha mẹ phải yêu thương, chăm sóc, có trách nhiệm với con cái, bên cạnh đó cha mẹ cũng cần chia sẻ, cảm thông đối với con cái, hiểu được tâm lý lứa tuổi, tính cách riêng của từng đứa con, có sự đối xử công bằng và bình đẳng giữa những đứa con trong gia đình. Với thái độ gần gũi, tôn trọng, thấu hiểu và khoan dung của cha mẹ trong dạy dỗ con cái sẽ góp phần giữ gìn không khí vui vẻ, thương yêu, và củng cố nền tảng đạo đức trong mỗi gia đình. Đồng thời, trong mối quan hệ giữa con cái đối với cha mẹ, cần giáo dục con cái lòng hiếu thảo, sự biết ơn và kính trọng cha mẹ, quan tâm đến nhu cầu và nguyện vọng của cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu. Đặc biệt, trước thực tế còn hạn chế về chính sách phúc lợi xã hội đối với người già hiện nay, thì việc giáo dục đạo hiếu trong
gia đình sẽ góp phần khắc phục tình trạng người già cô đơn, không nới nương tựa, thiếu sự quan tâm chăm sóc của con cái. Đó là hai mặt tạo nên tình nghĩa giữa cha mẹ và con cái.
- Trong quan hệ anh - chị - em, cần chú trọng giáo dục sự hòa thuận, đoàn kết. Coi trọng gia đình, coi trọng tình nghĩa anh chị em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cần giáo dục và giữ gìn. Nhưng hiện nay, do tác động mặt trái của nền KTTT với lối sống thực dụng, đề cao lợi ích kinh tế, đã làm cho quan hệ anh em trong gia đình ĐBSH phần nào bị mai một. Vì thế, giáo dục sự hòa thuận, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa anh - chị - em trong gia đình là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý, không nên đặt lợi ích của người thân, anh em trong gia đình, họ hàng lên trên lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng - đây là điều cần tránh trong giáo dục đạo đức gia đình hiện nay.
Để hoạt động giáo dục đạo đức trong gia đình ĐBSH đạt hiệu quả cao thì các gia đình cần có phương thức kết hợp hiệu quả. Cần kế thừa và phát huy những điểm tích cực, khắc phục những điểm hạn chế, tiêu cực của đạo đức GĐTT và đạo đức gia đình hiện đại trong giáo dục đạo đức gia đình. Kết hợp giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại gắn với hạn chế những điểm tiêu cực, phát huy những điểm tích cực trong đạo đức GĐTT và hiện đại sẽ tránh được những hủ tục, những quan điểm và chuẩn mực đạo đức lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn xã hội và gia đình hiện nay; đồng thời góp phần khắc phục những quan điểm về gia đình và đạo đức gia đình hiện đại, coi trọng thái quá quyền tự do cá nhân dẫn đến phá vỡ sự gắn kết gia đình, vật chất trở thành thước đo để đánh giá đạo đức giữa các thành viên, đi ngược với thuần phong mỹ tục, với bản sắc dân tộc và truyền thống gia đình. Các gia đình cần có sư linh hoạt trong quá trình kết hợp giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại vào trong quá trình giáo dục đạo đức, tránh máy móc, rập khuân. Bởi, cần tùy vào từng thời điểm thích hợp, với từng gia đình và từng thành viên có tính cách riêng biệt, từng MQH cụ thể trong GĐ…, thì việc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện tại trong giáo dục GĐ là rất cần thiết để đem lại hiệu quả.
Thứ ba, phát huy vai trò chủ thể của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho các thành viên
Trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH, các gia đình không chỉ là đối tượng chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài như hệ thống chủ trương chính sách nhà nước, môi trường xã hội... mà còn là chủ thể trực tiếp tác động và chi phối quá trình xây dựng GĐVH. Trong giáo dục đạo đức GĐ cũng vậy, hoạt động giáo dục sẽ không có hiệu quả nếu chỉ dựa vào sự nỗ lực của chính quyền địa phương hay của cộng đồng mà bản thân các thành viên trong GĐ (nhất là những người đứng đầu, có uy tín trong gia đình) không nỗ lực cố gắng và phát huy tinh thần trách nhiệm. Do đó, cần phát huy vai trò “chủ thể”, tính chủ động, tích cực và trách nhiệm của từng thành viên gia đình trong quá trình tự giáo dục bản thân và giáo dục các thành viên. Đặc biệt, thực tế xã hội hiện nay cho thấy, trong một số GĐ đang tồn tại hiện tượng “cha không ra cha, con không ra con, vợ không ra vợ, chồng không ra chồng”, các thành viên trong gia đình thiếu tu dưỡng bản thân, không làm tròn trách nhiệm của mình trong gia đình, trật tự nền nếp gia đình bị đảo lộn, gây bất ổn đối với xã hội. Vì thế, để hoàn thành được các tiêu chí của GĐVH - Gia đình “Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả” (Phụ lục 2) thì ngoài các chính sách tuyên truyền, thuyết phục hoặc cưỡng chế thực hiện dựa trên quy định pháp luật thì cần phải phát huy vài trò chủ thể của các GĐ, của từng thành viên trong quá trình giáo dục và tự giáo đạo đức. Chỉ khi phát huy được vai trò tích cực và chủ động của chủ thể này thì quá trình xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH mới thực sự hiệu quả và bền vững.