Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu - 2

hát tình yêu và dân caTiếng hát làm dâu, tuy nhiên được tác giả dân gian kể lại chi tiết và cụ thể hơn rất nhiều. Tác giả Phan Nhật cũng khẳng định sự kế thừa các yếu tố nội dung và thi pháp từ dân ca trong quá trình hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu là một quá trình tất yếu dựa trên nền tảng nội sinh của chính nền văn học. Tuy nhiên phần này Phan Nhật mới chỉ dừng lại ở những nhận định mang tính chất khái quát mà chưa đi sâu vào cụ thể, phân tích và khảo sát toàn diện. Trong bài viết, tác giả Phan Nhật cũng có đề cập đến phương thức sáng tác và lưu truyền cũng như một vài nhận xét đánh giá của ông với truyện thơ Tiếng hát làm dâu. Những nhận xét đó là những trăn trở của ông về mảng nghiên cứu, tìm hiểu truyện thơ Tiếng hát làm dâu nói riêng và toàn bộ văn học dân gian Mông nói chung còn là một khoảng trống, còn nhiều câu hỏi cần được giải đáp trong những công trình nghiên cứu tiếp theo.

Tuy có giá trị đặt nền tảng cho một vấn đề nghiên cứu khoa học rất có giá trị về truyện thơ Tiếng hát làm dâu cũng như văn học dân gian Mông, cùng sự hình thành của nó, song, tác giả Phan Nhật mới chỉ dừng lại ở bài viết này, vấn đề nghiên cứu mà ông đưa ra cho đến nay vẫn chưa có một nhà nghiên cứu văn học dân gian nào tiếp bước. Đó là một thiệt thòi đối với văn học dân gian Mông so với các nền văn học khác.

3. Đối tượng nghiên cứu, mục đích nghiên cứu và phạm vi nghiên cứư:

Trong luận văn này, chúng tôi tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu.

Đôí tượng nghiên cứu, mục đích nghiên cứu của luận văn là sự ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu.

Phạm vi nghiên cứu: Dân ca dân tộc Mông, truyện thơ Tiếng hát làm dâu và truyện thơ dân tộc Mông.

4. Phương pháp nghiên cứu:

Để thực hiện mục đích nghiên cứu của đề tài đã được xác định ở trên, chúng tôi sử dụng kết hợp các phương pháp sau:

Phương pháp nghiên cứu địa lí- lịch sử: Chúng tôi sử dụng phương pháp địa lí lịch sử để tiến hành nghiên cứu những yếu tố quy định bản sắc văn hóa đặc trưng của người Mông cũng như tìm ra những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phong phú,

đa dạng trong văn hoá tinh thần của đồng bào từ đó làm cơ sở để xác định những yếu tố dân ca Mông ảnh hưởng đến sự hình thành, vận động, phát triển của truyện thơ Tiếng hát làm dâu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.

Phương pháp thống kê: Phương pháp này được sử dụng để hệ thống các bài dân ca và các dẫn chứng có trong các bài dân ca dân tộc Mông, một trong những nguồn tư liệu quý giá để tiến hành nghiên cứu và chứng thực cho vấn đề nghiên cứu.

Phương pháp so sánh: Chúng tôi sử dụng hai tiểu loại so sánh là so sánh tương đồng và so sánh dị biệt. So sánh những nét tương đồng của yếu tố văn hoá dân gian có trong thực tế và trong tác phẩm, so sánh dị biệt của những yếu tố đó được thể hiện trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu như thế nào và nó có dụng ý nghệ thuật gì, có tác dụng gì trong bước chuyển biến của nội tại tác phẩm.

Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu - 2

5. Cấu trúc luận văn:

Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, luận văn được triển khai theo ba chương:

Chương 1: Truyện thơ và cơ sở của mối quan hệ giữa dân ca dân tộc Mông và truyện thơ Tiếng hát làm dâu.

Chương 2: Sự tiếp nhận nội dung thẩm mĩ dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu.

Chương 3: Sự chuyển hóa các yếu tố thi pháp dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu.

Cuối cùng là phần tài liệu tham khảo và phụ lục.

NỘI DUNG‌‌

CHƯƠNG 1

TRUYỆN THƠ VÀ CƠ SỞ CỦA MỐI QUAN HỆ GIỮA DÂN CA DÂN TỘC MÔNG VÀ TRUYỆN THƠ TIẾNG HÁT LÀM DÂU


1.1. Khái niệm truyện thơ và sự hình thành truyện thơ trong văn học dân gian

1.1.1. Khái niệm truyện thơ

Văn học dân gian là một loại hình văn học có thể được coi là thủy tổ của các nền văn học trên tất cả các quốc gia trên thế giới. Văn học dân gian với những đặc trưng của nó như tính tập thể, tính truyền miệng, tính thống nhất hữu cơ của các thành phần ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, cùng với sự tồn tại về hình thức sinh hoạt nghệ thuật gắn liền với cuộc sống lao động của nhân dân… đã đi sâu vào thế giới tinh thần của đông đảo cộng đồng. Văn học dân gian Việt Nam cũng vậy. Ra đời từ khi xã hội còn sơ khai, ngay từ khi có sự xuất hiện của con người trong xã hội công xã nguyên thủy, văn học dân gian Việt Nam đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân lao động. Văn học dân gian Việt Nam là người bạn đồng hành của quần chúng nhân dân trên đồng ruộng, trên đồi nương, trên những dòng sông bao la đỏ nặng phù sa… Văn học dân gian Việt Nam cùng với mười hai loại hình của nó đã trở thành chứng nhân của lịch sử, góp phần không nhỏ trong việc bộc lộ thế giới quan cũng như bộc lộ tâm hồn, bộc lộ những khát vọng cháy bỏng của nhân dân lao động.

Văn học dân gian Việt Nam ra đời từ khi dân tộc ta còn chưa có chữ viết. Vì vậy, hình thức lưu truyền chủ yếu để bảo tồn được mảng nghệ thuật ngôn từ này là hình thức truyền miệng cùng với hình thức diễn xướng. Chính vì vậy, hiện nay chưa thể khẳng định được chúng ta đã tìm và phân loại một cách đầy đủ, chính xác văn học dân gian. Nhìn chung, với công sức nghiên cứu nhiều năm của nhiều thế hệ đồng thời dựa vào đặc trưng của từng vùng miền, các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đã tạm chia nền văn học khởi nguyên này thành mười hai loại hình. Mỗi một loại hình có những chức năng, đặc trưng và khoảng thời gian xuất hiện khác nhau.

Trong mười hai loại hình của folklore, truyện thơ là một trong những loại hình kế thừa nhiều đặc trưng của các loại hình khác. Khái niệm truyện thơ trong SGK Ngữ Văn lớp mười – một tài liệu chính thống được chọn lọc giảng dạy- được định nghĩa là tác phẩm tự sự dân gian bằng thơ, giàu chất trữ tình, phản ánh số phận và khát vọng của con người khi hạnh phúc lứa đôi và sự công bằng xã hội bị tước đoạt [1, tr.18]. Như vậy có thể khẳng định hai yếu tố cấu thành nên truyện thơ là yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình. Yếu tố tự sự làm nên cốt truyện cho truyện thơ, làm nên tình tiết và hành động của các nhân vật, còn yếu tố trữ tình là hình thức nghệ thuật được chọn lọc, được thể hiện thay thế các cách kể đơn thuần khác. Về mảng đề tài của truyện thơ theo cách hiểu trên thì truyện thơ chủ yếu khai thác trên hai lĩnh vực số phận khát vọng của con người trong xã hội đã có bước tiến mới. Xã hội có sự phân chia giai cấp rõ rệt chứ không còn tồn tại dưới hình thái xã hội công xã nguyên thủy.

1.1.2. Các nhóm truyện thơ tiêu biểu

Truyện thơ là một loại hình văn học dân gian ra đời sau các loại hình văn học khác, như đã nói ở trên, loại hình văn học này ra đời khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp, tầng lớp rõ rệt, thậm chí có thể ra đời khi sự mâu thuẫn của các giai cấp xã hội không được giải quyết. Tất nhiên, đã là một loại hình văn học dân gian, thì tự thân truyện thơ đã bao chứa trong nó nhiều mảng đề tài khác nhau, nhiều hình thức diễn xướng khác nhau, nhiều nét văn hóa của các vùng miền khác nhau. Vì thế, việc phân loại truyện thơ cũng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau tạo nên các nhóm truyện thơ tiêu biểu.

1.1.2.1. Phân loại truyện thơ dựa trên tiêu chí không gian địa lí và không gian văn hóa cộng đồng

Với tiêu chí phân loại truyện thơ là dựa vào không gian địa lí và không gian văn hóa cộng đồng, các tác giả nghiên cứu văn học dân gian cho rằng, truyện thơ là thể loại văn học được ưa chuộng của các đồng bào dân tộc thiểu số. Xét về quá trình nghiên cứu truyện thơ, có thể thấy rằng các dân tộc thiểu số là tác giả của những tập truyện thơ đồ sộ, có nhiều ảnh hưởng trong nền văn học Việt Nam. Đại gia đình các dân tộc Việt Nam theo các tài liệu chính thống có khoảng 54 dân tộc anh em, còn theo các tài liệu nghiên cứu hiện nay có khoảng hơn 60 dân tộc anh em, như vậy

khối lượng truyện thơ dân gian chưa được khai thác, tìm hiểu còn rất nhiều. Bên cạnh một vài dân tộc đã có công bố về truyện thơ thì hầu hết còn lại là một ẩn số, đòi hỏi các nhà nghiên cứu cần đào sâu tìm tòi hơn nữa. Đối với dân tộc Việt- dân tộc chiếm đa số cán cân dân số nước ta- hiện nay chỉ tìm thấy truyện thơ Nôm có tác giả, xuất hiện trong khoảng thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX, chứ chưa tìm thấy một tác phẩm truyện thơ dân gian hoàn chỉnh nào. Vì những điểm hạn chế như vậy, cho nên nếu phân chia truyện thơ theo tiêu chí này, chúng ta chỉ có thể có những kết quả tương đối với những dân tộc đã công bố những tác phẩm truyện thơ dân gian được tìm thấy. Trong tác phẩm nghiên cứu Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 21 của NXB Khoa học Xã hội năm 2008 do GS.TS Nguyễn Xuân Kính chủ biên [12, tr.15 -81] đã điểm lại việc sưu tầm, công bố truyện thơ các dân tộc thiểu số theo từng dân tộc đã cho thấy từ năm 1957 đến 2008 đã có truyện thơ của tám dân tộc được sưu tầm, công bố và xuất bản. Đó là truyện thơ của tám nhóm dân tộc sau:

- Nhóm truyện thơ dân tộc Tày.

- Nhóm truyện thơ dân tộc Thái.

- Nhóm truyện thơ dân tộc Mường.

- Nhóm truyện thơ dân tộc H’Mông.

- Nhóm truyện thơ dân tộc Chăm

- Nhóm truyện thơ dân tộc Ba Na.

- Nhóm truyện thơ dân tộc Giáy.

- Nhóm truyện thơ dân tộc Sán Chay.

1.1.2.2. Phân loại truyện thơ dựa trên tiêu chí phương thức diễn xướng, lưu truyền và nguồn gốc kế thừa

Với tiêu chí phân loại truyện thơ dựa trên căn cứ phương thức diễn xướng, lưu truyền và nguồn gốc kế thừa, tác giả Võ Quang Nhơn trong Văn học dân gian Việt Nam do tác giả Đinh Gia Khánh chủ biên [9,tr.783] đã phân loại truyện thơ dân gian thành bốn nhóm cơ bản:

- Nhóm truyện thơ gắn với sinh hoạt nghi lễ dân gian.

- Nhóm truyện thơ kế thừa truyền thống tự sự của truyện cổ dân gian các dân tộc.

- Nhóm truyện thơ kế thừa truyền thống trữ tình của thơ ca dân gian các dân tộc.

- Nhóm truyện thơ thiên về khuynh hướng thuyết giáo đạo đức của truyện Nôm Việt.

1.1.2.3. Phân loại truyện thơ theo đề tài, chủ đề, tư tưởng và mô-típ văn học

Với tiêu chí phân loại truyện thơ như trên, tác giả Phan Đăng Nhật, năm 2004 có bài Truyện thơ, in trong cuốn sách Truyện thơ Tày nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại của Vũ Anh Tuấn [34] đã chia truyện thơ thành ba nhóm tiêu biểu:

- Truyện thơ về tình yêu.

- Truyện thơ về người nghèo khổ.

- Truyện thơ về chính nghĩa.

1.1.3. Sự hình thành truyện thơ trong văn học dân gian Việt Nam

1.1.3.1. Sự hình thành thể loại truyện thơ dựa trên nguồn gốc nội sinh trong quá trình phát triển văn hóa tộc người [34]

Trở lại với định nghĩa truyện thơ, chúng ta thấy rằng truyện thơ là một thể loại tự sự dân gian bằng thơ, truyện thơ rất giàu chất trữ tình, tác dụng của nó là dùng để phản ánh số phận và khát vọng của con người khi hạnh phúc lứa đôi và công bằng xã hội bị tước đoạt. Như vậy, về bản chất truyện thơ là một loại hình văn học dân gian, đặc trưng cốt yếu nhất của truyện thơ là yếu tố tự sự. Về điểm này, truyện thơ có sự kế thừa yếu tố tự sự trong các loại hình văn học dân gian khác như: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười… Tuy nhiên yếu tố tự sự trong truyện thơ lại được kể ở một hình thức đặc biệt, kể bằng thơ chứ không phải văn xuôi. Điều đó cho thấy truyện thơ đã kế thừa yếu tố trữ tình trong các thể loại ca dao, dân ca, hò, vè, tục ngữ, câu đố...đặc biệt là trong ca dao, dân ca và lựa chọn nó trở thành hình thức nghệ thuật biểu hiện mục tiêu nghệ thuật.

Đó là xét về mặt nghệ thuật biểu hiện, còn nếu xét về mặt giá trị nội dung, chúng ta thấy rằng truyện thơ có mục đích phản ánh số phận và khát vọng của con người khi hạnh phúc lứa đôi và công bằng xã hội bị tước đoạt. Điều đó chứng tỏ, truyện thơ ra đời khi con người không còn sinh hoạt dưới hình thái ý thức xã hội của mô hình công xã nguyên thủy. Con người không còn dùng văn học dân gian như một hình thức nghệ thuật để lí giải những hiện tượng tâm linh hay những hiện tượng thiên nhiên thường gặp trong thần thoại, truyền thuyết. Con người cũng

không dừng lại việc thể hiện ước mơ của mình về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong những kết thúc có hậu của truyện cổ tích, những hình tượng anh hùng ca của sử thi hay trong những câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn, bao hàm nhiều ý nghĩa. Con người không còn hát than thân vô định bằng những bài ca dao có tính hình tượng trừu tượng mà đã dùng hẳn một thể loại văn học dân gian mới, đáp ứng trực tiếp được mong ước của mình với những bất công của xã hội đương thời. Đó là truyện thơ với những con người cụ thể, những số phận cụ thể, với những mâu thuẫn xã hội gay gắt được đưa ra để giải quyết. Con người không còn an phận như trong ca dao, trong dân ca mà đã có những bước tiến mới trong ý thức hệ, dẫn đến tinh thần phản kháng xã hội bất công, ngang trái cùng với những khát vọng cháy bỏng làm thế nào để thay đổi cuộc đời và số phận của mình. Mặt khác, ở tất cả các dân tộc có truyện thơ phát triển, chúng ta thường thấy, sự xuất hiện với tần suất lớn của các nghệ sĩ dân gian như Mo, Then, Tảo, Pụt, Chí Xáy, Xổng Lì...đó chính là những người nghệ sĩ góp phần diễn xướng truyện thơ và làm phát triển truyện thơ theo chiều hướng lựa chọn hình thức biểu hiện trữ tình cho phù hợp với không gian diễn xướng.

Về vấn đề hình thành truyện thơ, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, tác giả Phan Đăng Nhật cho rằng “truyện thơ ra đời do nhu cầu lịch sử- xã hội của thời đại của nó. Lúc bấy giờ trong xã hội của các dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa tình yêu chân chính của đôi lứa với đòi hỏi khắt khe, lạnh lùng, nhiều khi tàn bạo của gia đình và xã hội, mâu thuẫn giữa kẻ nghèo khó và kẻ giàu sang, mâu thuẫn giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Lúc này vấn đề thân phận của con người được đặt ra và đòi hỏi phải đáp ứng thỏa đáng” [34, tr.401].

Tóm lại, về phần hình thành truyện thơ dựa trên nguồn gốc nội sinh có nhiều cách giải thích, song về cơ bản có thể tóm lược lại là do:

- Nhu cầu xã hội của con người đòi hỏi một hình thức văn học có dung lượng lớn, đủ để thỏa mãn thị hiếu thẩm mĩ của họ trong lĩnh vực thơ ca.

- Có một kho tàng văn học dân gian phong phú với nhiều thể loại làm tiền đề cho thể loại truyện thơ ra đời.

- Có một đội ngũ nghệ nhân dân gian đông đảo trong việc diễn xướng truyện thơ, góp phần truyền bá và tác động vào sự phát triển của thể loại này.

- Có những mâu thuẫn xã hội trầm trọng mà con người không thể tìm được hướng giải quyết dựa trên những thể loại văn học cũ, cần hướng tới một thể loại mới nhằm đáp ứng được những mâu thuẫn trong đời sống tâm lí.


1.1.3.2. Sự hình thành thể loại truyện thơ dựa trên nguồn gốc ngoại sinh trong quá trình tiếp biến văn hóa tộc người [34]

Nếu xét đến quá trình hình thành truyện thơ dựa trên yếu tố ngoại sinh, tức là do những ảnh hưởng từ các nền văn học, các nền văn hóa khác đến từ các dân tộc khác, có lẽ phải kể đến sự ảnh hưởng mạnh mẽ của hai yếu tố Nho giáo và Phật giáo. Trong Văn học dân gian do Đinh Gia Khánh chủ biên, tác giả Võ Quang Nhơn đã cho biết những lập luận của mình về vấn đề này. Ông cho rằng: “...Đồng thời còn có yếu tố khá quan trọng không thể không chú ý tới khi xét đến sự tiến triển của quá trình văn hóa xã hội ở các dân tộc ít người: đó là sự chi phối, sự ảnh hưởng của môi trường xã hội – văn hóa ở miền xuôi lên, ngày càng mạnh mẽ, ngày càng thấm sâu hơn vào đời sống của nhân dân các dân tộc. Ngoài ra sự giao lưu văn hóa với các dân tộc láng giềng ngày càng được mở rộng và đẩy mạnh hơn, do các biến động của lịch sử, đặc biệt là việc truyền bá đạo Phật, đạo Bà-la-môn, đạo Hồi và theo đó là nền văn hóa của các tôn giáo ấy. Những đổi mới về mặt xã hội đó, những tác động về mặt văn hóa đó tất nhiên dẫn đến sự nảy sinh những nhu cầu mới trong sinh hoạt tinh thần ở các dân tộc anh em.” [9, tr.782-783].

Hoặc theo ý kiến phân tích về mô thức ảnh hưởng trong quá trình hình thành truyện thơ dân gian các dân tộc, GS.TS Kiều Thu Hoạch trong bài viết Về truyện thơ của người Thái ở Vân Nam- Trung Quốc, có ý kiến nhận định – tổng hợp vấn đề này như sau: “...Hấp thu các yếu tố văn hóa ngoại lai, lấy một tác phẩm cụ thể nào đó làm khuôn hình, rồi dung hợp, nhào nặn những truyền thống văn hóa của tộc người Thái và các tộc người khác, và các vùng văn hóa khác trên cơ sở đó sáng tạo thành một truyện thơ mới. Trong đó, tư tưởng, chủ đề, lý tưởng thẩm mỹ, bối cảnh văn hóa – lịch sử, nhân vật, tình tiết, kết cấu, thủ pháp biểu hiện đều được sáng tạo lại để trở thành một truyện thơ hoàn toàn địa phương hóa – Thái hóa.” [8, tr. 905].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/10/2023