Ảnh hưởng của chất lượng sống trong công việc đến sự hài lòng và kết quả công việc: Nghiên cứu nhân viên ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh - 2


CHƯƠNG I TỔNG QUAN

1.1 Giới thiệu lý do chọn đề tài

Quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đang diễn ra rất nhanh chóng. Nó đòi hỏi mỗi quốc gia cũng như mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực không ngừng để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh nhằm tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh như đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng, quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi phí… thì biện pháp nâng cao kết quả công việc của người lao động cũng là mối quan tâm của tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, ngành nghề, hình thức sở hữu.

Khi nghiên cứu các nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả công việc của nhân viên, đa phần các nhà quản trị doanh nghiệp và cả các nhà nghiên cứu đều chủ yếu tập trung vào ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về năng lực chuyên môn đến kết quả công việc. Họ lập luận rằng những nhân viên được đào tạo bài bản, có kết quả học tập tốt, có thâm niên công tác, có năng lực chuyên môn càng cao thì làm việc sẽ có hiệu quả tốt hơn so với những người không được đào tạo bài bản, có kết quả học tập, thâm niên và năng lực chuyên môn kém hơn.

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, có một số nhân viên tuy không được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành nhưng họ lại làm việc tốt hơn so với những người được đào tạo bài bản, đúng ngành nghề nhờ thông minh, nhanh nhạy với công việc. Và có những người chỉ có kinh nghiệm làm việc 3-4 năm nhưng lại có khả năng làm tốt hơn những người đã làm công việc đó trong 10-15 năm. Vậy năng lực chuyên môn là nhân tố quan trọng nhưng không phải là nhân tố duy nhất quyết định kết quả công việc của người lao động.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng không phải chỉ có năng lực chuyên môn mới là yếu tố quyết định đến kết quả công việc của nhân viên, chất lượng sống trong công việc (Quality of Work Life-QWL) cũng được xem là yếu tố tác động nhiều đến kết quả công việc của nhân viên.


Vì vậy, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa chất lượng sống trong công việc của người lao động đến sự hài lòng trong công việc và kết quả công việc, nhằm tìm ra mức độ ảnh hưởng của chất lượng sống trong công việc đến sự hài lòng trong công việc và kết quả công việc, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao kết quả công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là một vấn đề quan trọng và cần thiết.

Ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tài chính. Các hoạt động và nghiệp vụ của nó đều được thực hiện thông qua con người. Công việc tại ngân hàng được xem là vô cùng căng thẳng, chứa đựng nhiều rủi ro, giờ làm việc thường rất dài. Để làm việc tốt trong ngành ngân hàng, các nhân viên cần có nhiều kỹ năng như giao tiếp, phân tích, tổng hợp, kỹ năng toán học, kỹ năng kế toán, làm việc tập thể…và phải có sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng là lĩnh vực hoạt động liên quan đến tiền do đó bản tính trung thực là yêu cầu tiên quyết đối với các nhân viên làm việc tại đây. Ngoài ra, sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối luôn phải là tôn chỉ hoạt động của những người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, bởi vì một sai sót nhỏ về con số có thể mang lại những hậu quả thật khó lường. Do đó, khi đã có được một đội ngũ nhân viên đáp ứng các yêu cầu trên thì bất kỳ một ngân hàng nào cũng mong muốn duy trì đội ngũ nhân sự hiện có của mình và làm cho họ gắn bó lâu dài với tổ chức đặc biệt là các nhân sự có năng lực cao. Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế thế giới cùng với sự ra đời của hàng loạt các ngân hàng trong nước và việc hội nhập của các ngân hàng nước ngoài đã làm cho cuộc cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên gay gắt hơn. Chính vì thế, việc quan trọng hơn hết của các nhà lãnh đạo ngân hàng là giữ chân những nhân viên hiện tại bởi sự ổn định về nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí trong việc tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện… Bài toán chung của các ngân hàng hiện nay là phải nâng cao kết quả công việc, tạo động lực để nhân viên làm việc hiệu quả và có sự gắn bó lâu dài với ngân hàng. Vì vậy, việc xác định mức độ ảnh hưởng của chất lượng sống trong công việc đến sự hài lòng trong công việc và kết quả công việc của nhân viên ngân hàng là một vấn đề cần thiết.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.


Nghiên cứu lựa chọn khu vực TP. Hồ Chí Minh là nơi thực hiện khảo sát, vì đây là trung tâm kinh tế lớn, phát triển nhanh của cả nước, tập trung nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực với quy mô khác nhau. Đây cũng là nơi tập trung đông dân cư và thu hút được một lượng lớn lao động của cả nước với nhiều trình độ khác nhau. Những đặc điểm kể trên là điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành nghiên cứu, thu thập số liệu khảo sát. Đồng thời, do TP. Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế - tài chính lớn nên kết quả nghiên cứu ít nhiều có thể mang tính chất đại diện và cũng góp phần giúp chúng ta có cái nhìn tương đối tổng quát hơn về ảnh hưởng của chất lượng sống trong công việc đến kết quả công việc của nhân viên.

Ảnh hưởng của chất lượng sống trong công việc đến sự hài lòng và kết quả công việc: Nghiên cứu nhân viên ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh - 2

Xuất phát từ những lý do trên, tác giả chọn đề tài “Ảnh hưởng của chất lượng sống trong công việc đến sự hài lòng và kết quả công việc: Nghiên cứu nhân viên ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh”.

1.2 Mục tiêu nghiên cứu

Xác định các thành phần của chất lượng sống trong công việc (Quality of Work Life – QWL).

Xác định mức độ tác động của các thành phần của chất lượng sống trong công việc đến kết quả công việc và sự hài lòng trong công việc của nhân viên ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh.

Đề xuất một số hàm ý rút ra từ kết quả nghiên cứu nhằm gia tăng sự hài lòng và kết quả công việc của nhân viên ngân hàng.

1.3 Phạm vi và đối tượng nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu:

Nghiên cứu được thực hiện tại các Ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là chất lượng sống trong công việc và các thành phần của chất lượng sống trong công việc, sự hài lòng trong công việc, kết quả công việc và mối tương quan giữa chúng.


Đối tượng khảo sát:

Đối tượng khảo sát của đề tài là các nhân viên ngân hàng bao gồm các nhân viên văn phòng làm việc tại các bộ phận kế toán, hành chính, tín dụng, giao dịch, thẩm định, xây dựng cơ bản, công nghệ thông tin… tại Hội sở, các Chi nhánh và các Phòng giao dịch tại các ngân hàng) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

1.4 Phương pháp nghiên cứu:

Đầu tiên, nghiên cứu dựa vào lý thuyết chất lượng sống trong công việc, sự hài lòng trong công việc, kết quả công việc cùng với các nghiên cứu đã có mà lựa chọn thang đo tương ứng. Sau đó, nghiên cứu được thực hiện thông qua hai giai đoạn: Nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức.

Nghiên cứu sơ bộ:

Các nghiên cứu sơ bộ này được thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm mục đích xây dựng và hoàn thiện bảng phỏng vấn. Tác giả tiến hành đọc tài liệu, sách báo liên quan đến đề tài, dựa vào các nghiên cứu đã được tiến hành tại thị trường có tính chất tương đồng để tiến hành xây dựng thang đo cho phù hợp với đặc thù của loại hình kinh doanh ngân hàng. Sau đó, tiến hành sử dụng bảng câu hỏi để khảo sát thử trên 30 đối tượng là nhân viên ở một số ngân hàng trên địa bàn TP.HCM để tiếp nhận phản ứng của bộ phận nhân viên này, tiếp tục điều chỉnh thang đo sơ bộ. Bước này nhằm kiểm định mức độ hợp lý của các khái niệm và thang đo nghiên cứu.

Nghiên cứu chính thức:

Nghiên cứu chính thức cũng được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, dùng kỹ thuật thu thập thông tin trực tiếp bằng bảng câu hỏi phỏng vấn. Nghiên cứu chính thức này cũng được tiến hành tại TP. Hồ Chí Minh. Mục đích của nghiên cứu này nhằm thu thập, phân tích dữ liệu khảo sát, khẳng định lại các thành phần cũng như giá trị và độ tin cậy của thang đo chất lượng sống trong công việc, và kiểm định mô hình lý thuyết.

Phương pháp độ tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng để đánh giá thang đo. Các thang đo được đánh giá thông qua hệ số Cronbach Alpha, phân tích nhân tố EFA, kiểm định các mô hình hồi quy bội bằng phần mềm SPSS 16.0


1.5 Ý nghĩa thực tiễn của đề tài

Đề tài góp phần xác định các nhân tố của chất lượng sống trong công việc có tác động tích cực lên sự hài lòng trong công việc và kết quả công việc của nhân viên ngân hàng để từ đó hỗ trợ các nhà lãnh đạo ngân hàng đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao kết quả công việc cho nhân viên của mình. Đồng thời, nghiên cứu cũng là tài liệu tham khảo hữu ích trong việc xây dựng những công cụ đo lường chất lượng cuộc sống công việc, sự hài lòng trong công việc và kết quả công việc của nhân viên trong các lĩnh vực khác.

1.6 Kết cấu của đề tài

Kết cấu của nghiên cứu này gồm 5 chương, bao gồm:

Chương 1: Tổng quan: trình bày khái quát cơ sở nghiên cứu, mục tiêu, phạm vi, phương pháp, đối tượng, ý nghĩa thực tiễn và kết cấu của đề tài nghiên cứu. Tóm lại, phần này luận văn sẽ trình bày lý do, mục tiêu, cách làm và lợi ích của nghiên cứu này.

Chương 2: Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên: trình bày và phân tích những lý thuyết liên quan tới chất lượng sống trong công việc, sự hài lòng và kết quả công việc. Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình và các giả thuyết cho nghiên cứu.

Chương 3: Thu thập và xử lý dữ liệu: trình bày cách thức, phương pháp thực hiện thu thập thông tin, phương pháp phân tích dữ liệu, đưa ra thang đo chính thức của đề tài.

Chương 4: Kết quả nghiên cứu: trình bày các phân tích để kiểm định mô hình và kiểm định các giả thuyết.

Chương 5: Kết luận: nêu lên các ý nghĩa và kết luận chính của đề tài, hàm ý chính sách cho doanh nghiệp, những hạn chế của đề tài và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.

Qui trình nghiên cứu được trình bày trong Hình 1.1.


Hình 1.1 Qui trình nghiên cứu


Mục tiêu: Đo lường ảnh hưởng của chất lượng sống trong công việc đến sự hài lòng và kết quả công việc của nhân viên ngân hàng tại TP.HCM

Lý thuyết liên quan: Thang đo chất lượng sống trong công việc, sự hài lòng trong công việc, kết quả công việc

Khảo sát thử: (n=30) Để hiệu chỉnh từ ngữ trong bảng câu hỏi để đưa ra bảng câu hỏi khảo sát chính thức


Định lượng chính thức (phỏng vấn trực tiếp, n=200)


- Mã hóa, nhập liệu

- Làm sạch dữ liệu

- Thống kê mô tả

- Cronbach’s Alpha

- Phân tích EFA

- Phân tích hồi quy

- Các phân tích khác


Viết báo cáo

(Nguồn: tác giả)


CHƯƠNG II

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Chương I đã giới thiệu tổng quan về lý do hình thành đề tài, mục tiêu nghiên cứu, phương pháp và phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa thực tiễn của đề tài. Chương II trình bày những nội dung lý thuyết làm cơ sở cho nghiên cứu này: chất lượng sống trong công việc, sự hài lòng trong công việc và kết quả công việc. Chương này cũng trình bày mô hình nghiên cứu và xây dựng các giả thuyết nghiên cứu.

2.1 Chất lượng lượng sống trong công việc

Khái niệm chất lượng sống trong công việc (Quality of Work Life - QWL) có nguồn gốc từ hơn ba thập kỷ trước đây, song hầu như rất ít được chú ý, tại thời điểm này, chất lượng sống trong công việc chỉ tập trung vào sức khỏe và chế độ lương bổng cho người lao động. Đến những năm 1990, các học giả và các học viên mới bắt đầu tiếp tục quan tâm và nghiên cứu về QWL, và từ đó khái niệm này đã được xem xét để trở thành yếu tố cần đổi mới, có vai trò quan trọng đối với tổ chức và điều hành bộ máy nhân sự. Theo Gorden, Judith R (1987), chất lượng sống trong công việc đã phát triển như một khía cạnh quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả và năng suất của tổ chức. QWL là một thuật ngữ đa chiều, thể hiện sự cung cấp một sự cân bằng tốt trong đời sống công việc cho nhân viên.

Mặc dù không có một định nghĩa chính thức về chất lượng sống trong công việc, các học giả và các nhà tâm lý học đồng ý chung chung rằng chất lượng sống trong công việc là một khái niệm gắn liền với phúc lợi của nhân viên, nó khác với sự thỏa mãn trong công việc, ở chỗ sự thỏa mãn trong công việc được hiểu là một trong những kết quả của QWL. QWL không chỉ ảnh hưởng đến sự thỏa mãn trong công việc, mà còn ảnh hưởng đến sự thỏa mãn trong những lĩnh vực khác của cuộc sống như đời sống gia đình, đời sống xã hội, đời sống tài chính… Do đó, trọng tâm của QWL bao hàm cả sự thỏa mãn trong công việc. QWL bao gồm: sự ảnh hưởng của nơi làm việc đến sự thỏa mãn với công việc, sự thỏa mãn trong những lĩnh vực khác của cuộc sống ngoài công việc, sự thỏa mãn với cuộc sống nói chung, hạnh phúc cá nhân… (Sirgy, 2001).


Danna và Griffin (1999) xem QWL như một hệ thống các khái niệm bao gồm: sự thỏa mãn trong cuộc sống (nằm trên cùng của hệ thống phân cấp), sự thỏa mãn trong công việc (nằm cấp giữa hệ thống phân cấp), và sự hài lòng ở một số khía cạnh cụ thể trong công việc như hài lòng với thu nhập nhận được, hài lòng với quan hệ đồng nghiệp, hài lòng với quan hệ với cấp trên,…

Trong nghiên cứu của Chang & Tang năm 2009, QWL là việc đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhân viên, bao gồm nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu được ứng dụng và phát triển các kỹ năng của bản thân…

Từ quan điểm của Mesut (2006), QWL được định nghĩa như là một phương pháp hoặc là một cách tiếp cận có sử dụng những kỹ thuật đặc biệt để cải thiện và thay đổi hiệu quả công việc. QWL là quan điểm cá nhân đối với công việc của họ, như là, tin tưởng lẫn nhau, sự đánh giá cao, công việc trọng yếu, và tính chất phù hợp của công việc trong môi trường làm việc được các nhà quản lý cung cấp cho nhân viên của mình.

Trong thời gian gần đây, khái niệm chất lượng sống trong công việc đã ngày càng phổ biến hơn. Câu hỏi được đặt ra là tại sao chất lượng sống trong công việc lại trở nên quan trọng. Theo nghiên cứu của Greenhaus (1987), có một số bằng chứng cho thấy rằng một nhân viên hạnh phúc là một nhân viên hiệu quả, một nhân viên hạnh phúc là một nhân viên tận tâm và trung thành.

Đồng thời với nghiên cứu của mình, các tác giả cũng đã đưa ra vai trò và chức năng của QWL đối với hiệu quả của tổ chức, cụ thể như sau:

Xem tất cả 123 trang.

Ngày đăng: 02/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí