CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.1. Lý do chọn đề tài
“Văn hóa doanh nghiệp” là một khái niệm không còn mới mẻ đối với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Nó tạo nên một nét riêng cho mỗi doanh nghiệp và là một trong những tiêu chí để người lao động đánh giá chọn lựa công việc. Trong mỗi doanh nghiệp, mỗi một người lao động có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mức độ nhận thức... khác nhau sẽ tạo ra một môi trường làm việc đa dạng. Bên cạnh đó, trước sự cạnh tranh gay gắt và xu thế toàn cầu hóa, doanh nghiệp để có thể tồn tại và phát triển phải liên tục nhận thức và cải tiến cho phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Ngày nay, khi thế giới ngày càng phẳng, thì việc cạnh tranh không chỉ dựa vào vốn tiền tệ, khoa học kỹ thuật công nghệ và tài nguyên thiên nhiên, mà còn dựa vào yếu tố con người. Một doanh nghiệp ngày càng phát triển là một doanh nghiệp phải duy trì được một đội ngũ nguồn nhân lực giỏi, tài năng cam kết gắn bó lâu dài với tổ chức. Nhưng để làm được việc đó, doanh nghiệp cần phải xây dựng và duy trì một môi trường làm việc tích cực, một văn hóa làm việc tốt nhằm tạo điều kiện cho nhân viên phát huy tối đa năng lực bản thân, toàn tâm toàn lực làm việc cho doanh nghiệp.
Trong vài thập kỷ qua, văn hóa doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Saeed và Hassan (2000) đã chỉ ra rằng văn hóa doanh nghiệp có khả năng ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm các hoạt động giao tiếp và thực hiện công việc trong tổ chức. Nhìn lại chặng đường mà Nhật Bản đã đi qua sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản từ một nước thất bại nặng nề mà chỉ sau chưa đầy nửa thế kỷ đã trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới. Và nguyên nhân chính dẫn đến thành công to lớn của Nhật Bản chính là họ chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà đối tượng chính là xây dựng một đội ngũ nhân viên trung thành tận tụy suốt đời với sứ mệnh của doanh nghiệp.
Một vài năm gần đây, ngành ngân hàng là một trong những ngành đang trải qua nhiều biến cố nhất. Số lượng nhân viên giỏi “nhảy việc” trong các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam ngày càng tăng. Và một trong nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này là do nhân viên không đồng ý về chế độ lương thưởng hay sự không công bằng của lãnh đạo. Chính vì lẽ đó mà đề tài “Ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa doanh nghiệp đến sự gắn bó với tổ chức của nhân viên tại các Ngân hàng TMCP TPHCM” ra đời nhằm tìm hiểu rò hơn mối quan hệ giữa văn hóa doanh nghiệp và sự cam kết gắn bó với tổ chức của nhân viên để từ đó định hướng và xây dựng một môi trường văn hóa trong Ngân hàng tích cực nhằm làm tăng hiệu quả công việc và giúp nhân viên an tâm cam kết gắn bó lâu dài cùng với sự phát triển của Ngân hàng.
1.2. Mục tiêu nghiên cứu
Có thể bạn quan tâm!
- Ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa doanh nghiệp đến sự gắn bó với tổ chức của nhân viên tại các Ngân hàng TMCP TPHCM - 1
- Mối Liên Hệ Giữa Văn Hóa Doanh Nghiệp Và Cam Kết Gắn Bó Với Tổ Chức
- Các Bước Tiến Hành Nghiên Cứu.
- Tổng Hợp Mô Tả Thống Kê Các Thuộc Tính Của Mẫu Khảo Sát.
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Mục tiêu nghiên cứu chính của đề tài là nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa doanh nghiệp đến sự cam kết gắn bó với tổ chức của nhân viên. Theo các mục tiêu cụ thể như sau:
1. Xác định và đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa doanh nghiệp đến sự cam kết gắn bó với tổ chức của nhân viên.
2. Đề xuất một số hàm ý trong quản trị và giải pháp nhằm tăng mức độ gắn bó của nhân viên đối với tổ chức.
1.3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Các yếu tố văn hóa doanh nghiệp và sự ảnh hưởng của nó đến sự gắn bó tổ chức của nhân viên
Phạm vi nghiên cứu: Một số Ngân hàng TMCP tại khu vực TP. HCM.
Đối tượng khảo sát: Các nhân viên hiện đang công tác tại một số Ngân hàng TMCP ở khu vực TP. HCM
1.4. Phương pháp nghiên cứu của luận văn
1.4.1. Nguồn dữ liệu
Đề tài sử dụng chủ yếu nguồn dữ liệu điều tra từ các nhân viên của một số ngân hàng TMCP TPHCM
1.4.2. Phương pháp thực hiện
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng với 2 bước cụ thể sau
- Nghiên cứu định tính được tiến hành bằng cách thảo luận tay đôi với các đối tượng tham gia thảo luận là cấp quản lý của nhân viên. Thông tin thu thập được từ nghiên cứu định tính nhằm mục đích phát triển và điều chỉnh thang đo để đưa vào nghiên cứu chính thức.
- Nghiên cứu định lượng được tiến hành thông qua việc khảo sát bằng bảng câu hỏi chính thức. Sau đó, tiến hành xử lý số liệu bằng các phương pháp kiểm định sơ bộ (Cronbach’s Alpha, EFA) và kiểm định hồi quy.
Bài nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS để xử lý và phân tích dữ liệu.
1.5. Kết cấu luận văn
Kết cấu chính của luận văn bao gồm có 5 chương như sau:
Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU - giới thiệu tổng quan về vấn đề nghiên cứu, mục tiêu, đối tượng và ý nghĩa của nghiên cứu
Chương 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU – tóm tắt lý
thuyết về văn hóa doanh nghiệp và sự cam kết gắn bó với tổ chức. Từ đó xây dựng mô hình nghiên cứu và phát triển các giả thuyết nghiên cứu
Chương 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU – thiết kế nghiên cứu, xây dựng qui trình nghiên cứu, mô tả việc triển khai nghiên cứu và thu thập dữ liệu.
Chương 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU – trình bày các kết quả phân tích bằng phần mềm SPSS
Chương 5: HÀM Ý GIẢI PHÁP –đưa ra các kết luận, hàm ý trong quản trị nhằm làm tăng mức độ cam kết gắn bó của nhân viên với tổ chức dưới tác động của các khía cạnh văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời nêu lên các hạn chế của luận văn cũng như đề xuất các hướng nghiên cứu mới tiếp theo.
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1. Khái niệm văn hóa
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau.
Theo Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như vì mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương tiện, phương thức sử dụng toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống, và đòi hỏi của sự sinh tồn.”
Édouard Herriot, một khoa học và chính khách viện sĩ Viện hàn Lâm Pháp có câu nói bất hủ về văn hóa như sau “Văn hóa là cái còn lại khi người ta quên đi tất cả, là cái còn thiếu sau khi người ta đã học tất cả”. Như vậy văn hóa là một bản sắc của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia không ai có thể dể dàng quên được.
Theo UNESCO, “Văn hóa là một phức thể, tổng thể các đặc trưng, diện mạo về tinh thần, vật chật, tri thức, linh cảm… khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, xóm làng quốc gia, xã hội… Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà cả những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng…”
“Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần mà loài người tạo ra trong quá trình lịch sử” (Dương Thị Liễu và cộng sự, 2009, trang 10)
2.2. Văn hóa doanh nghiệp
2.2.1. Các quan niệm về văn hóa doanh nghiệp
Mỗi một tổ chức đều sở hữu riêng những giá trị văn hóa khác nhau. Hầu hết các tổ chức đều không tự ý thức là phải tạo nên một nền văn hóa nhất định của
riêng mình. Văn hóa của tổ chức thường được hình thành một cách vô thức, dựa trên những tiêu chuẩn của người đứng đầu hay những người sáng lập ra tổ chức.
Trong lý thuyết về hành vi tổ chức, văn hóa doanh nghiệp thường được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau bởi nhiều tác giả và các nhà nghiên cứu khác nhau.
Theo quan điểm của Luthans (1992), “Văn hóa doanh nghiệp bao gồm các chuẩn mực đạo đức, hệ thống giá trị, niềm tin và bầu không khí tại môi trường làm việc của công ty”.
Hay như quan điểm về văn hóa tổ chức của Saeed và Hassan (2000), “Văn hóa tổ chức được thừa nhận như là một quan niệm có sức thuyết phục mà miêu tả nhiều khía cạnh của một môi trường làm việc”.
Dương Thị Liễu và cộng sự (2009, trang 260) định nghĩa“Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ những nhân tố văn hóa được doanh nghiệp chọn lọc, tạo ra, sử dụng và biểu hiện trong hoạt động kinh doanh, tạo nên bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp đó”
Một định nghĩa khác của tổ chức lao động quốc tế: “Văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các giá trị, các tiêu chuẩn, thói quen và truyền thống, những thái độ ứng xử và lễ nghi mà toàn bộ chúng là duy nhất đối với một tổ chức đã biết”
“Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi thành viên trong doanh nghiệp cùng đồng thuận và có ảnh hưởng ở phạm vi rộng đến cách thức hàng động của từng thành viên trong hoạt động kinh doanh, tạo nên bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp đó” (Đỗ Thị Phi Hoài và Đỗ Khắc Hưởng, 2009, trang 19).
2.2.2. Đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp luôn tồn tại khách quan: Văn hóa luôn tồn tại ngoài sự nhận biết của chúng ta. Nơi nào có con người, có gia đình, có xã hội là có văn hoá. Văn hoá không có nghĩa là cái đẹp. Nếu ta nhận thức được văn hóa, xây dựng nó thì nó phát triển lành mạnh. Có thể có văn hoá đồi trụy đi xuống, văn hoá phát triển đi lên, văn hoá mạnh hay văn hóa yếu, chứ không thể không có văn hoá. Tồn
tại khách quan là đặc điểm chung của văn hóa doanh nghiệp cũng như bất kỳ loại hình văn hoá nào khác. Văn hoá tồn tại khi có một nhóm người cùng sống và làm việc với nhau và văn hóa doanh nghiệp vẫn tồn tại và phát triển dù ta không tác động vào chúng.
Văn hoá doanh nghiệp được hình thành trong một thời gian khá dài: Tức là VHDN mang tính lịch sử
Văn hoá doanh nghiệp mang tính bền vững, văn hoá doanh nghiệp có tính giá trị: là sự khác biệt của một doanh nghiệp có văn hoá với một doanh nghiệp phi văn hoá. Giá trị văn hoá của doanh nghiệp có giá trị nội bộ; giá trị vùng; giá trị quốc gia; giá trị quốc tế. Doanh nghiệp càng tôn trọng và theo đuổi những giá trị chung cho những cộng đồng càng rộng lớn bao nhiêu thì vai trò của nó càng lớn bấy nhiêu.
Văn hoá doanh nghiệp mang tính hệ thống, thống nhất, tương tự như đặc tính của văn hóa nói chung.
2.2.3. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là nguồn lực tạo ra lợi thế cạnh tranh : Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đó chính là nguồn lực, là lợi thế so sánh khi khách hàng phải quyết định lựa chọn các đối tác khác nhau. Văn hóa doanh nghiệp là cơ sở duy trì và phát triển mối quan hệ khách hàng, tạo ra tâm lý tin tưởng cùng hợp tác liên kết lâu dài và bền vững. Văn hóa doanh nghiệp tạo ra sự chuyên nghiệp trong mọi suy nghĩ và hành động của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp góp phần thu hút nhân tài, tăng cường sự gắn bó giữa người sử dụng lao động với người lao động và giữa nội bộ người lao động.
Văn hóa doanh nghiệp tạo nên bản sắc của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến việc hoạch định chiến lược và cùng đồng hành phát triển theo doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp thông qua việc chọn lọc thông tin thích hợp (áp dụng kinh nghiệm, mô hình phù hợp), đặt ra những
nguyên tắc, tiêu chuẩn theo giá trị của doanh nghiệp. Hoạch định chiến lược đúng sẽ giúp cho các thành viên phát huy được ở mức cao nhất vai trò của họ trong doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có văn hóa mạnh tức là đã tạo ra được sự thống nhất và tuân thủ cao của mọi thành viên đối với tổ chức, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển của tổ chức (văn hóa doanh nghiệp xác định luật chơi).
Văn hóa doanh nghiệp tạo nên sự ổn định của tổ chức: văn hóa doanh nghiệp như một chất keo kết dính các thành viên trong tổ chức đó, văn hóa doanh nghiệp tạo nên sự cam kết chung, vì mục tiêu và giá trị của bản thân doanh nghiệp.
2.2.4. Các khía cạnh của Văn hóa doanh nghiệp
Theo hai tác giả Recardo và Jolly (1997), văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị và niềm tin mà được hiểu và chia sẻ bởi các thành viên trong một tổ chức. Một nền văn hóa giúp để định hình và xác định các hành vi ứng xử của các thành viên và các chính sách trong tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp được đo lường dựa trên tám khía cạnh, cụ thể như sau:
a. Giao tiếp
Số lượng và các hình thức giao tiếp. Các thông tin gì được giao tiếp và giao tiếp bằng cách nào.
b. Đào tạo và Phát triển
Cam kết của nhà quản trị về việc cung cấp các chương trình đào tạo nghiệp vụ nhằm phục vụ cho nhu cầu công việc, nhu cầu phát triển hiện tại hay tương lai của nhân viên. Đồng thời cũng là sự cam kết của các nhà quản trị cung cấp các cơ hội phát triển trong tổ chức.
c. Phần thưởng và Sự công nhận
Các hành vi nào thì được thưởng, hình thức thưởng nào được sử dụng, đối tượng nhận phần thưởng là cá nhân hay nhóm, những tiêu chuẩn để thăng chức và mức độ mà tổ chức phản hồi về mức độ hoàn thành công việc của từng nhân viên.
d. Ra quyết định
Quyết định được hình thành như thế nào, các mâu thuẫn được giải quyết ra sao, nên quyết định nhanh hay chậm, và việc ra quyết định là tập trung hay phân quyền.
e. Chấp nhận rủi ro
Sự sáng tạo và cải tiến được đánh giá cao, việc chấp nhận rủi ro được khuyến khích. Tổ chức khuyến khích nhân viên đưa ra các ý tưởng hay sáng tạo mới mẻ nhằm cải tiến quy trình làm việc.
f. Định hướng Kế hoạch
Hoạch định chiến lược dài hạn hay ngắn hạn, định hướng kế hoạch tương lai. Các tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu nào được chia sẻ với nhân viên. Nhân viên cam kết ở cấp độ nào để đạt chiến lược của doanh nghiệp và các mục tiêu khác của tổ chức.
g. Làm việc nhóm
Khía cạnh này liên quan đến các vấn đề đó là tầm quan trọng, hình thức, và sự hiệu quả của làm việc nhóm trong tổ chức. Điều này bao gồm tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các phòng ban khác nhau, sự tin tưởng giữa các bộ phận chức năng hay các đơn vị khác nhau, và mức độ hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện công việc.
h. Các chính sách quản trị
Khía cạnh này đo lường sự công bằng và nhất quán với các chính sách được thực thi, sự ảnh hưởng của phong cách quản trị đối với nhân viên và mức độ nhà quản trị cung cấp một môi trường làm việc an toàn cho nhân viên.
Nhìn chung, văn hóa doanh nghiệp chính là nền tảng cho các hành vi và hoạt động của mỗi cá nhân trong tổ chức. Đồng thời văn hóa doanh nghiệp cũng là sản phẩm và tài sản riêng của mỗi doanh nghiệp.