ẨN DỤ TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU - 12


Nhận thức được bao điều quý giá trong cuộc sống, trong tư tưởng và tình cảm của con người thời đại thông qua cách nói ngầm ẩn tế nhị. Bao khó khăn trong cuộc sống thường nhật được nhà thơ kí thác qua cách nói bóng gió mà thâm thúy, sâu sắc lẽ đời. Nào là:

Dòng đời cứ chảy, tan bèo bọt

(Đêm cuối năm).

Việc đời sóng lớn, gió to

Lái cho vững lái, chèo cho mạnh chèo

(Ngày và đêm) Ngày mai...ai biết xa gần

Biển đời sóng gió, mấy thân nổi chìm

(Xuân hành 92) Cuộc sống đâu chỉ hương thơm, chim hót Bão giông qua, trời đất lại tươi màu

(Ta lại đi) Rác rưởi thì cùng nhau quét dọn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Lẽ nào cỏ dại lại là hoa ?


ẨN DỤ TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU - 12

(vạn xuân)

Hình ảnh: bèo bọt, sóng lớn, gió to, biển đời sóng gió, hương thơm, chim hót, bão giông, rác rưởi, cỏ dại, hoa... là những ẩn dụ chỉ khó khăn, trở ngại mà con người phải ý thức được để vượt qua. Hiện thực cuộc sống vốn trần trụi, nhiều thô ráp... Thế nhưng, hiện thực ấy được truyền tải qua những ẩn dụ thật kín đáo mà thấm thía trong lời thơ đầy cảm xúc. Nó làm cho người đọc giảm bớt được cái căng thẳng, ngộp thở trước thế sự, giảm phần nào âu lo để vững tin hơn vào nghị lực của con người. Tố Hữu chuyển nhận thức của


ông về cuộc đời cho người đọc thông qua cách nói ẩn ý của thơ ca. Như vậy, ẩn dụ tu từ đã hoàn thành được chức năng nhận thức của mình qua ngôn ngữ biểu đạt.


TIỂU KẾT


Thơ Tố Hữu vừa hùng tráng vừa tha thiết, vừa sảng khoái vừa xót xa, vừa yêu thương vừa căm giận. Tất cả những cung bậc trữ tình ấy đã chứa trong nó vẻ đẹp và sức hấp dẫn của nghệ thuật ngôn từ. Tố Hữu dùng ẩn dụ trong việc thể hiện cảm xúc, xây dựng hình tượng. Bao cung bậc cảm xúc được ông ký thác trong những ẩn dụ vừa quen thuộc vừa mới lạ. Ẩn dụ đã tạo ra sự liên tưởng phong phú và đa dạng. Ngôn ngữ trong thơ đã chuyên chở hình thức biểu hiện theo cách cảm, cách nghĩ và lối tư duy của cá nhân nhà thơ…Trong thơ Tố Hữu, sự tinh tế trong việc lựa chọn hình thể ngôn từ không chỉ gắn với đặc điểm ngôn ngữ mà còn phản ánh cách nhìn, cách đánh giá và tình cảm của ông.

Thông qua các ẩn dụ, nhà thơ đem tới cho người đọc những nhận thức sâu sắc về cuộc đời, về cách mạng… Ở đó, có hiện thực cuộc sống cách mạng của dân tộc qua các chặng đường tranh đấu. Thế giới tâm hồn phong phú, tinh tế và khó nắm bắt của con người cũng được bộc lộ hết sức ý nhị và sâu lắng. Thế giới tinh thần ấy hiện lên trong những đường nét, sắc màu và hương thơm đầy quyến rũ. Ở đó, những điều trừu tượng, khô khan cũng được "mềm hóa" qua cách nói bóng bẩy, xa xôi mà gần gụi. Tất cả thế giới hiện thực trong thơ ông mà ta nhận thức được một cách sâu sắc là nhờ tài năng của Tố Hữu trong sử dụng các ẩn dụ tu từ.

Tố Hữu truyền đến người đọc niềm say mê cái đẹp qua những hình ảnh ẩn dụ tu từ độc đáo. Cái đẹp của tư tưởng hòa quyện trong ngôn từ, hình tượng. Hai phương diện thẩm mỹ ấy cứ đan cài, xuyên thấm trong nhau để làm nên sức hấp dẫn của thơ ca. Tố Hữu ca hát về mình, ca hát về nhân dân đất nước mình với những cung bậc tinh tế. Viết về nhân dân bằng


chính thứ ngôn ngữ được chắt lọc trong nhân dân, lấy từ nguồn suối ngọt ngào của ca dao…Cứ thế, lý tưởng cách mạng thấm sâu trong quảng đại quần chúng, trở thành sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ nhân dân ta trong chiến đấu và xây dựng.

Thơ Tố Hữu thể hiện đầy đủ các chức năng cơ bản của ẩn dụ tu từ. Như các nhà thơ trữ tình khác, ông vận dụng triệt để lợi thế của ẩn dụ tu từ trong việc thể hiện thế giới tình cảm sâu kín của con người. Các chức năng trên không đứng riêng lẻ, độc lập mà chúng đan lồng và hòa quyện trong nhau để làm trọn vẹn "sứ mệnh" của mình trong ngôn ngữ thơ ca. Cái này là cơ sở hình thành cái kia, chức năng này là tiền đề của chức năng kia. Có thể nói, Tố Hữu có biệt tài trong việc khai thác các yếu tố nghệ thuật dân tộc truyền thống mà ẩn dụ tu từ là một minh chứng.


KẾT LUẬN


1. Nói đến Tố Hữu, người ta nghĩ ngay đến nhà thơ thời sự thành công nhất trong nền thơ hiện đại - nhà thơ của lý tưởng cộng sản. Thơ ông có chất men lửa nồng nàn, có sức thanh lọc tâm hồn và kêu gọi con người trong tranh đấu. Góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh của thơ Tố Hữu là ở thế giới ngôn ngữ thơ. Tố Hữu là "nhà thơ đã vận dụng âm điệu và âm hưởng của tiếng Việt một cách hết sức tài tình" [42, tr. 98]. Đặc biệt, ông đã "sử dụng lối ví von rất quen thuộc của ca dao (…) Thông thường thì là ví von gián tiếp hơn, theo lối mà ngày nay chúng ta gọi là ẩn dụ" [33, tr. 801]. Về cơ bản, Tố Hữu không cố công tìm tòi ngôn ngữ mới mà dồn sức cho việc tu từ, sử dụng đắc địa vốn từ ngữ vốn đã rất phong phú của đời sống, của thơ ca dân gian, cổ điển…của dân tộc. Tài năng của nhà thơ được thể hiện ở công phu lựa chọn chữ, lựa chọn ngôn từ của đời sống, "đặt" nó đúng chỗ để phát huy đến tận cùng hiệu quả ngữ nghĩa, ngữ âm của nó

Biện pháp tu từ ẩn dụ mà Tố Hữu đã sử dụng trong thơ hết sức sáng tạo, không rập theo khuôn mẫu. Hình ảnh trong thơ ông vừa mang bóng dáng của ca dao, vừa có cái gì hiện đại, mới lạ, nói được những tư tưởng lớn của thời đại, những cái rất mới trong đời sống và tâm hồn con người Việt Nam. Nhiều phát hiện nghệ thuật ẩn nấp đằng sau cái ước lệ nghệ thuật. Cái mới mẻ, tân kì thường kín đáo. Ông đã đưa vào trong thơ mình hơi thở nóng hổi của cuộc sống với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc. Những nét sinh hoạt bình thường, những cảnh sống hằng ngày, cái muôn màu muôn vẻ trong suốt cũng như còn ẩn kín của cuộc đời, những vấn đề sống chết, công tác, tình yêu, hạnh phúc, cái đẹp… âm vang vào thơ

2. Kết quả khảo sát và nghiên cứu ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu cho thấy nhà thơ đã sử dụng nhiều loại ẩn dụ. Mỗi loại ẩn dụ đều mang một sắc thái, thể hiện âm hưởng và phong cách riêng của nhà thơ. Đứng từ đỉnh cao


của lý tưởng cách mạng mà nhìn đón cuộc sống, những trang thơ của Tố Hữu dù dài, rộng không gian, phức tạp lòng người thì vẫn là những gì quen thuộc, vẫn là những hiện thực gần gũi. Là nhà thơ trữ tình chính trị, biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Tố Hữu đã đưa người đọc vào thế giới thơ vừa sôi sục tính chiến đấu, vừa ngọt ngào âm hưởng thanh bình với giọng thơ đằm thắm của dân ca.

Kết quả thống kê cho thấy, ẩn dụ tu từ đã xuất hiện 612 lần trong các tập thơ được Tố Hữu sáng tác ở các thời kỳ khác nhau. Nhà thơ đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt nhiều loại ẩn dụ tu từ: ẩn dụ hình tượng, ẩn dụ tượng trưng, ẩn dụ bổ sung và các biến thể của ẩn dụ là nhân hóa và vật hóa. Các loại ẩn dụ này được Tố Hữu sử dụng ở những mức độ khác nhau: ẩn dụ hình tượng được sử dụng nhiều nhất với 284 lần, các biến thể của ẩn dụ như nhân hóa và vật hóa cũng được sử dụng với tần số cao (257 lần), ẩn dụ bổ sung được sử dụng 53 lần, ẩn dụ tượng trưng chỉ xuất hiện có 28 lần. Biện pháp ẩn dụ tu từ dưới bàn tay người nghệ sĩ tài ba đã làm nên những vần thơ có sức cảm lạ thường. Thông qua các ẩn dụ tu từ, nhà thơ đã gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của người chiến sĩ cách mạng, phản ánh không khí hào hùng của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Tựu trung, sáng tác của Tố Hữu đều nói về lý tưởng cộng sản, cho dù ông có tả cảnh hay tả tình, kể chuyện mình hay chuyện người…Thơ ông là tâm hồn, là tình cảm của một nhà thơ trữ tình chính trị hàng đầu của Việt Nam.

3. Trong thơ ca, ẩn dụ tu từ là một phương thức xây dựng hình tượng, đồng thời thể hiện cảm xúc của con người về thế giới hiện thực. Ẩn dụ có nhiệm vụ truyền tải nhận thức, suy nghĩ và tình cảm của nhà thơ thông qua cách nói giàu hình tượng. Vì thế, nó không đơn giản là sự sao chép hiện thực, mà qua hiện thực thể hiện những suy ngẫm, những cung bậc khác nhau trong tâm hồn. Ẩn dụ tu từ thường thiên về gợi hơn tả, tạo nên những cảnh huống cho nhận thức và sự suy ngẫm. Có thể khẳng định rằng, bằng cách sử dụng ẩn dụ tu từ một cách sáng tạo và linh hoạt, Tố Hữu đã thổi hồn vào những vật vô


tri làm cho chúng trở nên sống động, có tâm hồn. Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu mang lại những đặc trưng riêng, thể hiện thế giới nghệ thuật riêng…

Thông qua ngôn ngữ thơ, những con đường khác nhau trong cách nhìn thế giới bằng ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả được phát lộ. Sáng tạo được ẩn dụ tu từ hay sẽ tạo được hiệu quả thẩm mỹ mới. Nó mời gọi bạn đọc suy ngẫm, khám phá cánh cửa của thế giới tưởng tượng, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận. Nhờ có ẩn dụ tu từ mà những vấn đề khô cứng, khó diễn đạt (vấn đề chính trị, đấu tranh cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội…) cũng trở nên mềm mại và uyển chuyển.

Đọc thơ Tố Hữu, chúng ta cảm nhận được sự mượt mà của giai điệu, sự trong sáng của ngôn từ, sự phong phú của ý nghĩa. Chính các loại ẩn dụ tu từ đã tạo nên hiệu ứng này. Ẩn dụ tu từ là nhân tố quan trọng, là linh hồn của thơ Tố Hữu. Không chỉ là sự gửi gắm tâm hồn người nghệ sĩ, là phương tiện thể hiện những vấn đề của cá nhân nhà thơ mà nó còn thể hiện được những vấn đề của xã hội, của thời đại và dân tộc.

Hình ảnh ẩn dụ trong thơ Tố Hữu có sự thống nhất một số nét tính chất riêng như: là những hình ảnh thuộc về thế giới tự nhiên có tầm vóc lớn lao, kỳ vĩ, mang màu sắc sử thi, huyền thoại; những hình ảnh mang thuộc tính bền vững, có giá trị vĩnh cửu; những hình ảnh tràn đầy cảm xúc trạng thái mạnh mẽ, say mê, trẻ trung, giầu nhiệt huyết. Những tính chất nhất quán này của các hình ảnh ẩn dụ không chỉ thể hiện những nét sáng tạo riêng của ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu mà từ đó còn cho thấy đặc điểm nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu.

4. Trong địa hạt thơ ca nói chung, ẩn dụ tu từ thường đảm nhiệm một số chức năng: chức năng biểu cảm, chức năng xây dựng hình tượng, chức năng thẩm mỹ và chức năng nhận thức. Các chức năng này cũng được thể hiện đầy đủ trong thơ Tố Hữu. Bằng cách lựa chọn, sắp xếp các đơn vị từ vựng một cách đa dạng, Tố Hữu đã vận dụng triệt để lợi thế của ẩn dụ tu từ trong việc thể hiện thế giới tình cảm sâu kín của con người.


Yếu tố tạo nên dư âm cho bài thơ, cái làm nên sức sống, sức ngân vang trong lòng độc giả là hết sức quan trọng. Ẩn dụ tu từ là một phương thức nghệ thuật quan trọng để thể hiện sức truyền cảm, sự lắng đọng và sức sống vĩnh hằng của thơ. Tố Hữu đã thành công khi sử dụng ẩn dụ tu từ với tư cách là biện pháp nghệ thuật đắc dụng. để làm nên những vần thơ sống động và có hồn. Những vần thơ đó đã làm xao động trái tim người đọc, làm cho họ nhớ thương, xao xuyến và thổn thức với niềm vui và nỗi đau cuộc đời.

Tố Hữu đã vận dụng một cách sáng tạo ẩn dụ tu từ trong sáng tác của mình và đã thành công khi tạo một phong cách riêng, độc đáo: "Đọc thơ Tố Hữu, người ta cảm thấy một dấu hiệu riêng như nét mặt của những bài thơ, làm cho thơ Tố Hữu không trộn lẫn được với thơ người khác, cảm thấy một thứ nhạc tâm tình bàng bạc thấm lấy các câu thơ nhiều khi thành một thứ "thi tại ngôn ngoại" của Tố Hữu" [11, tr. 121].


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Nguyễn Tuấn Anh (2001), Văn học Việt Nam hiện đại, nhận thức và thẩm định, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. N.D. Arutjunova, Ẩn dụ ngôn ngữ. Cú pháp và từ vựng, Tài liệu dịch của Hà Quang Năng.

3. Arístotle (1999), Nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn học, Hà Nội.

4. Diệp Quang Ban (chủ biên), Đỗ Hữu Châu (2000), Tiếng Việt 10, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Võ Bình, Lê Anh Hiền, Cù Đình Tú, Nguyễn Thái Hòa (1982), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Nguyễn Phan Cảnh (2001), Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

7. Đỗ Hữu Châu (1962), Giáo trình Việt ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8. Đỗ Hữu Châu (1981), Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9. Đỗ Hữu Châu (1997), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

10. Đỗ Hữu Châu, Đinh Trọng Lạc, Đặng Đức Siêu (1994), Tiếng Việt 10 - ban khoa học xã hội, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

11. Xuân Diệu (1960), Phê bình - giới thiệu thơ, Nxb văn học, Hà Nội.

12. Hữu Đạt (1996), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

13. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

14. Phan Cự Đệ (1961), Văn học Việt Nam 1930 - 1945, Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

15. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà Nội.

16. Hà Minh Đức (1979), Giới thiệu Tố Hữu - tác phẩm, Nxb Văn học, Hà Nội.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/04/2022