Cách Xử Lý Của Nguyễn Du Đối Với Thơ Và Từ Trong Kim Vân Kiều Truyện‌


Chương 3. CÁCH XỬ LÝ CỦA NGUYỄN DU ĐỐI VỚI THƠ VÀ TỪ TRONG KIM VÂN KIỀU TRUYỆN

3.1. Quan điểm nghiên cứu nghệ thuật tả nội tâm của Nguyễn Du trong

Truyện Kiều của các nhà nghiên cứu

Ở thế kỷ XIX, ngay khi Nguyễn Du còn sống, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, tả cảnh, tả tình của ông đã được đánh giá rất cao. Vũ Trinh, người bạn, người anh em gắn bó với Nguyễn Du, khi đọc đoạn biệt ly của Thúy Kiều, đã thán phục tài tả cảnh, tả tình, tả người của nhà thơ: “Tả biệt xứ, tả tư xứ, phàm tam ngũ xứ, các biệt nhất dạng, toàn vô nhất bút quá điệp. Chân thị văn chương vô tận tàng cao thủ” [42, tr.18 - 19]. Về sau, Đào Nguyên Phổ đã phân tích rõ hơn về nghệ thuật sáng tạo của Nguyễn Du: “Nói về tình thì miêu tả được những nỗi hợp tan sướng khổ, mà tình không rời cảnh. Nói về cảnh thì diễn tả được những thứ tuyết hoa trăng gió mà cảnh hợp với tình. Mực dường muốn múa, bút dường muốn bay. Câu văn hình như biết nói, chữ viết hình như biết kể, khiến người xem phải cười, phải khóc, phải vui, phải buồn, đọc đi đọc lại hàng nghìn lần, càng thuộc càng say, không bao giờ chán” [41, tr. 184]. Nói như vậy để thấy ngay từ khi Truyện Kiều mới ra đời, các nhà nghiên cứu đã đặc biệt chú ý tới nghệ thuật tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du.

Sang thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu cũng đặc biệt chú ý tới nghệ thuật tả nội tâm của Nguyễn Du. Dương Quảng Hàm (1943): “Tả cảnh thì theo lối phác họa mà cảnh nào cũng linh hoạt khiến cho người đọc cảm thấy cái thi vị của mỗi cảnh và cái tâm hồn của mỗi vai ở trong cảnh ấy. Tả người thì vai nào rõ ra tính cách vai ấy, chỉ ra vài nét mà như vẽ thành bức truyền thần của mỗi vai khám phá được tâm lý của vai ấy... văn tả tình thì thật là thấm thía, thiết tha làm cho người đọc phải cảm động” [19, tr. 374]. Như vậy, ông vẫn


chỉ bình nghệ thuật tả nội tâm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều theo những gì tâm đắc chứ chưa đào sâu tìm hiểu cụ thể.

Nguyễn Huệ Chi trong Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành đã đề cập tới những yếu tố Nguyễn Du dùng để diễn tả nội tâm nhân vật trong Truyện Kiều. Thứ nhất là trữ tình ngoại đề, bao gồm: trữ tình theo dòng hồi tưởng của nhân vật, trữ tình thông qua âm thanh của tiếng đàn, trữ tình gói trong lời bình xen vào trần thuật. Thứ hai là chất thơ trong Truyện Kiều. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò yếu tố thiên nhiên: “Với việc khắc họa thiên nhiên, Nguyễn Du không phải chỉ xây dựng một bức tranh phong cảnh. Ông có tâm hồn của một người từng tắm mình trong nguồn suối thi vị của cảnh trí thơ Đường để chuyển tải nó vào sáng tạo của riêng mình. Mặc dầu thế, vẻ đẹp thơ mộng của Đường thi chỉ chiếm một phần trong cái nhìn thiên nhiên của ông. Phần lớn hơn, ông tái tạo một thiên nhiên thứ hai, được cá thể hóa, gắn vào đó tâm trạng của nhân vật, biến đổi theo nhân vật, mỗi nơi một khác, làm nên không gian trữ tình để từ trong đó nhân vật có một chiều kích mới mẻ và khiến cho nhân vật gần lại với chúng ta, như đang giao tiếp với chúng ta, dắt chúng ta bước vào khung cảnh của câu chuyện lúc nào không hay. Thiên nhiên ở đây là chủ thể thứ ba làm cầu nối giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. Đó chính là thiên nhiên của tiểu thuyết, không phải loại tiểu thuyết cổ mượn phong cảnh như một công thức sáo mòn để đưa đẩy, chuyển đoạn cho câu chuyện kể, mà là tiểu thuyết với nghĩa hôm nay” [7].

Trong số các công trình nghiên cứu về nghệ thuật tả nội tâm nhân vật của Truyện Kiều, chúng tôi đặc biệt chú ý tới hai công trình của Phan Ngọc (Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều) và Trần Đình Sử (Thi pháp Truyện Kiều).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.


Trong công trình nghiên cứu của mình, Phan Ngọc khẳng định Truyện Kiều là tác phẩm mẫu mực đầu tiên của những tiểu thuyết phân tích tâm lý vĩ đại mà ta biết được và đưa ra những chứng cứ để chứng minh cho luận điểm trên. Đầu tiên, Phan Ngọc khẳng định mọi việc Nguyễn Du làm đều để giúp tác giả phân tích tâm lý các nhân vật. Theo ông, Nguyễn Du xây dựng các nhân vật trong Truyện Kiều là những con người cô độc, các nhân vật này thường tự tách mình ra làm hai và nếu như con người trong văn học cũ là con người nhất phiến thì nhân vật trong Truyện Kiều có cả một quá trình diễn biến của tính cách. Thứ hai, ông cho rằng để tả nội tâm nhân vật, Nguyễn Du dùng ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ thiên nhiên.

Cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện - 9

Theo ông, ngôn ngữ tác giả xuất hiện khắp nơi, thay đổi tất cả, tổ chức lại tất cả và lối tự sự trong Truyện Kiều “trên một nửa là tự sự kiểu mới, không thể có trong Kim Vân Kiều truyện, cũng không có truyền thống tiểu thuyết cũ. Đó là lối tự sự nhằm mục đích phân tích nội tâm nhân vật, hành vi của anh ta, tức là trái hẳn lối tự sự khách quan mà ta vẫn quen thấy trong truyền thống cũ” [37, tr. 121]. Ông cũng cho rằng khi nhân vật xuất hiện Nguyễn Du đi ngay vào nội tâm và đưa ra ngay cách đánh giá của mình và tự mình phân tích nội tâm nhân vật độc lập với việc tự sự. Ngoài ra, ông còn khẳng định cái mới của Nguyễn Du đưa vào là sử dụng ngôn ngữ tác giả để phân tích, lý giải sự kiện về mặt tâm lý, nhằm nêu lên những tâm lý khác nhau trong cùng một hoàn cảnh và Nguyễn Du không chỉ phân tích tâm lý nhân vật mà còn phân tích tâm lý của mình.

Ông đặc biệt nhấn mạnh Nguyễn Du “tiến hành phân tích tàn nhẫn với bất kể nhân vật nào”. Theo ông, ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều là ngôn ngữ tâm trạng, có cú pháp riêng, có từ vựng riêng, không lặp lại ở một người nào khác. Nó có “cấu trúc chặt chẽ, có sự diễn biến nội tại, rất logíc, lại được


giải thích bằng ngôn ngữ của tác giả cũng hết sức khớp với cái logic ấy” [37, tr. 142].

Về ngôn ngữ thiên nhiên, ông khẳng định thiên nhiên có tác dụng lớn trong việc tả nội tâm nhân vật trong Truyện Kiều: “Khi nào tâm trạng nhân vật có nhiều điều khó bộc lộ, thì thiên nhiên xuất hiện. Sở dĩ thế, là vì ngôn ngữ con người có những hạn chế của nó... Khi con người cô độc, bị tách ra khỏi sự giao tiếp xã hội để giao tiếp với nội tâm của mình, lúc đó ngôn ngữ con người bị lép vế hẳn” [37, tr. 153-154]. Ông cho rằng ngôn ngữ thiên nhiên không những nói lên sự thay đổi của tâm trạng, tính lưu chuyển của đời sống nội tâm của con người mà còn nói lên tiếng nói của ly biệt, nhớ mong, lo lắng, đợi chờ và còn nhắc nhở quá khứ.

Trong Thi pháp Truyện Kiều, Trần Đình Sử đã chỉ ra, phân tích khá rõ ràng, chi tiết về nghệ thuật tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

Về mô hình tự sự của Truyện Kiều, theo ông, Nguyễn Du “đã đổi thay mô hình tự sự của Thanh Tâm tài nhân, từ mô hình kể ngôi thứ ba, khách quan, kèm bình luận đánh giá thiên về lý trí, sang mô hình tự sự ngôi thứ ba mang tính cảm thụ cá nhân, kèm theo bình luận, đánh giá thiên về cảm xúc. Mô hình ấy chưa từng có trong truyền thống truyền kỳ và tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Đó là một sáng tạo đột xuất trên cơ sở tổng hợp truyền thống tự sự và trữ tình dân tộc như các khúc ngâm, thơ trữ tình và truyền thống thi ca trữ tình Trung Quốc như thơ luật Đường, thơ tự sự như Trường hận ca,...” [54, tr. 199]. Ông nhấn mạnh: “Ở đây mỗi truyện, tức là một sự kiện đều được kể một cách hoàn chỉnh từ đầu tới cuối, từ cảnh đến tình, khiến người đọc được hình dung rõ rệt, khúc chiết. Đó là những sự kiện dệt nên Truyện Kiều, là tế bào của Truyện Kiều” [54, tr. 203].


Về vai trò của người kể chuyện trong việc thể hiện nội tâm nhân vật, ông nhấn mạnh: “Người kể chuyện Truyện Kiều là một người được cá tính hoá, hơn thế, lời kể chuyện được kịch tính hóa. Đây là người kể theo ngôi thứ ba (“nó kể”) thuộc loại “biết hết”, nhưng tự giới hạn mình trong tầm nhìn như của một nhân vật... Đặc biệt là người kể chuyện trong Truyện Kiều đồng thời là nhà thơ trữ tình. Do thay đổi trọng tâm trần thuật sang thế giới tấm lòng của nhân vật, chứ không phải sự kiện bên ngoài, Nguyễn Du đã sử dụng chủ yếu không phải là kinh nghiệm tự sự Trung Hoa mà là truyền thống trữ tình lâu đời. Nguyễn Du đã huy động tối đa các thủ pháp trữ tình để miêu tả tình cảm của nhân vật” [54, tr. 125 - 126]. Trần Đình Sử cũng nhấn mạnh tới lối bình luận của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, đó là lối bình luận khác hẳn tiểu thuyết Trung Hoa: “Ở Truyện Kiều bình luận nặng về cảm xúc, nó gần với lời than, lời lên án, lời ai oán của người cùng đứng trong cuộc. Lời bình luận đó hòa điệu với chất trữ tình của tác phẩm” [54, tr. 198].

Theo Trần Đình Sử, sự tập trung vào thế giới tấm lòng đã làm thay đổi cấu trúc tự sự của Truyện Kiều. Trong cấu trúc nhân vật Truyện Kiều, thế giới bên trong chiếm ưu thế so với sự biểu hiện hành động bên ngoài, lời nói bên trong chân thật và sinh động hơn lời đối đáp bên ngoài. Cảnh và vật bên ngoài có xu hướng nội tâm hóa, đối thoại bên ngoài có xu hướng độc thoại hóa. Thời gian sự kiện gấp khúc tạo điều kiện bộc lộ nhân vật trong những cơn khủng hoảng nội tâm và việc đi sâu khám phá cái bây giờ cho phép lý giải tính quá trình của tâm lý. Nguyễn Du thường khắc họa nhân vật trong những tương phản tâm lý với các nhân vật khác và tập trung tái hiện nhân vật qua những cơn say sưa đắc ý liều lĩnh lo âu.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của không gian nghệ thuật đối với việc tả nội tâm nhân vật trong Truyện Kiều. Truyện Kiều là tiểu thuyết lưu lạc, kể về cuộc đời ba chìm bảy nổi của Thúy Kiều nên đặc điểm của nó là sự xuất hiện


liên tục của nhiều không gian xa lạ. Sau mỗi biến cố, nhân vật lại bị ném vào không gian mới đầy xa lạ và nhiều hiểm họa. Trong không gian lưu lạc, chí hướng của con người là hướng về quê cũ và nhớ về cội nguồn. Theo ông, Kiều của Thanh Tâm tài nhân rất ít có cảm thức lưu lạc, chỉ có cảm giác sinh hoạt thông thường nhưng cảm giác phiêu dạt, trôi nổi, lênh đênh là thường trực trong Kiều của Nguyễn Du và cảm thức này có được là do ảnh hưởng của thơ Đường. Và không gian trước lưu lạc tuy là không gian bình ổn, vững chãi nhưng cũng là không gian cấm cung giam hãm mà Kiều phải vượt qua để ra đi theo tiếng gọi của hạnh phúc nên Truyện Kiều đồng thời là tiểu thuyết giải thoát. Với hai không gian này, Nguyễn Du đã biểu hiện hết các cung bậc tình cảm chân thật của con người đương thời và con người nói chung.

Theo ông, thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều cũng góp phần đắc lực vào việc tả nội tâm nhân vật. Thời gian sự kiện trong Truyện Kiều có nhịp gấp khúc, chồng chéo, sự kiện này chưa xong sự kiện khác đã tới, gối đầu lên nhau, chồng chất xô đẩy nhau khi tai họa cũng như khi hạnh phúc. Thời gian gấp khúc này một mặt phản ánh tính chất dang dở, không trọn vẹn, oan trái của nhiều tiến trình đời sống nói chung và của Kiều nói riêng, mặt khác lại tô đậm tính chất vô lý tàn nhẫn phũ phàng của các thế lực đen tối. Vì thế xây dựng tương quan thời gian với sự kiện tạo thành nhịp điệu thời gian nhanh chậm ứng với cảm xúc của nhân vật trong tác phẩm là một sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du. Ông biết dừng lại ở yếu tố bây giờ - thời điểm hiện tại của sự biến, khám phá ý nghĩa phong phú của nó. Đây là biểu hiện hiếm thấy trong truyện Nôm Việt Nam.

Về chất thơ trong Truyện Kiều, Trần Đình Sử viết: “Tấm lòng thương đời, thương người mênh mông được thể hiện trong một cấu trúc tự sự giàu chất thơ với những hình thức đặc thù của lời trần thuật và ngôn ngữ thơ, làm cho chất thơ được kết tinh và biểu hiện nổi bật” [54, tr. 233]. Chất thơ của Truyện


Kiều trước hết là chất thơ ở trong cảnh vật, cảnh vật là phương tiện nội tâm hóa. Thứ hai, chất thơ trong Truyện Kiều còn thể hiện trong việc trực tiếp miêu tả tình cảm cá thể của nhân vật. Ông nhấn mạnh câu thơ đối đã trở thành phương tiện miêu tả cảm xúc, trạng thái của nhân vật và tâm trạng của người kể chuyện... Nhưng những chỗ không có đối ngẫu, không có lặp lại vẫn tràn đầy chất thơ bởi đó là do lời trần thuật là lời của một chủ thể trữ tình, một chủ thể khi thì hoà nhập với ý thức chủ quan của nhân vật, khi thì trực tiếp phát biểu cảm thán.

Ngoài ra, Trần Đình Sử còn nhấn mạnh vai trò của độc thoại nội tâm: “Độc thoại nội tâm đã làm cho lời trần thuật chủ thể hóa. Nhà thơ không giản đơn là kể chuyện, tả cảnh, mà miêu tả ý thức nhân vật.... Nguyễn Du không chỉ kể chuyện, mà còn tái hiện ý thức, cái nhìn của nhân vật làm cho Truyện Kiều chìm trong dòng ý thức, tình cảm chủ quan thấm đẫm chất thơ trữ tình... Không chỉ lời trần thuật chủ thể hoá, mà đối thoại của nhân vật cũng được độc thoại hóa” [54, tr. 244] và chính độc thoại nội tâm làm cho diện mạo tinh thần của các nhân vật chính trở nên nổi bật, sắc nét”.

Qua việc nghiên cứu tác phẩm, tổng hợp quan điểm nghiên cứu nghệ thuật tả nội tâm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, chúng tôi nhận thấy rằng: điều quan trọng cốt lõi tạo nên sự sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều chính là điểm nhìn trong tự sự. Khi vay mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện, do đặc điểm thể loại truyện thơ viết theo thể lục bát nên Nguyễn Du không thể dẫn thơ Đường hay từ khúc vào văn bản như tiểu thuyết, do mục đích và cảm hứng sáng tác của Nguyễn Du là tô đậm bi kịch tài sắc của Thúy Kiều nên sự kiện chỉ là cái cớ để ông trữ tình và bao giờ ông cũng tìm cách phân tích nội tâm và tô đậm bi kịch của nhân vật. Chính vì thế, trong tác phẩm của mình, lúc thì ông bỏ hẳn thơ từ trong Kim Vân Kiều truyện, lúc thì ông chuyển tình ý của các bài thơ từ thành thơ của Truyện Kiều và sáng tạo nên những câu thơ riêng


cho phù hợp. Lúc này, các bài thơ không còn độc lập nữa mà trở thành những đoạn tả nội tâm nhân vật có điểm nhìn từ trong nhân vật nhìn ra. Hơn thế nữa, cách trần thuật của ông không đơn giản theo diễn biến bề ngoài của sự kiện như Thanh Tâm tài nhân mà tuân theo diễn tiến của cảm giác, ấn tượng và cảm xúc của nhân vật. Vì vậy, trong Truyện Kiều, ngoài diễn tiến sự kiện bên ngoài như Kim Vân Kiều truyện, chúng tôi còn nhận thấy một tiến trình tâm lý nhân vật bên trong, hết sức logic và chặt chẽ. Tiến trình tâm lý này được thể hiện rõ nét ở những lần Thúy Kiều nhớ nhà và những lần nàng cố gắng vượt thoát khỏi thực tại đau khổ để vươn tới hạnh phúc.

Đặc biệt, chúng tôi cũng nhận thấy Nguyễn Du chú trọng khắc họa cảm xúc, tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều khi làm thơ và đánh đàn hơn rất nhiều Thanh Tâm tài nhân. Theo Trần Nho Thìn trong Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, đó là hai thứ tài ở Kiều mang nội dung cụ thể, tức là được nàng phô diễn thực sự và đều là những môn nghệ thuật thể hiện cảm xúc. Đó là những xúc cảm tự nhiên nhất, không có sự kìm nén nhưng cũng là hai môn nghệ thuật chủ yếu của các ca kỹ, các ả đào.

3.2. Cách xử lý của Nguyễn Du đối với bài từ Điệu Nguyệt nhi cao thể hiện tư tưởng tác phẩm Kim Vân Kiều truyện

Trong thế kỷ XIX, các nhà Nho thường nhắc tới cảm hứng về “tài mệnh tương đố” của Truyện Kiều. Nguyễn Quý Thích, một người bạn của Nguyễn Du, khi viết lời đề từ cho Đoạn trường tân thanh, đã nhắc tới “tài tình” và “bạc mệnh”. Phạm Quý Thích, Tiên phong Mộng Liên đường chủ nhân, Chu Mạnh Trinh,.... cũng đều cảm nhận là “tài mệnh tương đố”:

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy Tân thanh đáo để vị thuỳ thương

(Tổng vịnh Truyện Kiều - Phạm Quý Thích)

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/02/2023