Cách Xử Lý Của Nguyễn Du Đối Với Nhóm Thơ Từ Khắc Họa Nhân Vật Trong Kim Vân Kiều Truyện


Bên cạnh dòng khuynh hướng nghiên cứu trên, còn có một khuynh hướng nghiên cứu khác, đó là hướng tới vấn đề luân lý tác phẩm. Ta có thể kể tới những bài thơ, phú vua tôi của Minh Mệnh, Tự Đức vịnh Truyện Kiều. Các bài này thường khai thác tấm gương đạo đức của nàng Kiều, xem như Nguyễn Du viết Truyện Kiều để ca ngợi đạo đức Nho giáo. Đào Thái Tôn đã chứng minh khá thuyết phục là vua tôi nhà Nguyễn không đề vịnh Truyện Kiều của Nguyễn Du mà chỉ vịnh tác phẩm của Thanh Tâm tài nhân.

Trước cách mạng tháng 8/1945, một số nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều để gửi gắm tâm sự hoài Lê của ông. Trần Trọng Kim viết: “Cụ là một người trung thần mà gặp buổi Lê suy, cũng như Kiều là một người trinh nữ mà gặp cơn gia biến. Dù cụ có muốn trung với Lê hoàng, song nhà đổ một cây chống sao cho nổi, khác gì Kiều muốn thủ nghĩa với Kim Trọng, song cuộc cha thế phải bán mình. Bạch diện đối với hồng nhan đã chịu chung một số kiếp thì quyển Truyện Kiều có phải để than người bạc mệnh mà thôi đâu, hay là để cho tác giả nhân đó tự than mình nữa”. [36, tr. 345]. Ý kiến của Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu cũng tương tự: “Truyện Kiều có thể coi là một câu chuyện tâm sự của Nguyễn Du tiên sinh. Cái tự sự ấy là cái tự sự của một bầy tôi trung mà vì cảnh ngộ không thể giữ trọn được chữ trung với cựu chủ. Tác giả vốn tự coi mình như một cựu thần của nhà Lê, mà gặp lúc quốc biến không thể trọn chữ trung với Lê Hoàng, lại phải ra thờ nhà Nguyễn. Tâm sự thật không khác gì Thúy Kiều đã đính ước với Kim Trọng mà vì gia biến phải bán mình cho người khác, không giữ được chữ trinh với tình quân. Bởi vậy tác giả mới mượn truyện nàng Kiều để ký thác tâm sự của mình” [19, tr. 369-370]. Đây là cách đọc khá phổ biến của người xưa, thường quan niệm sáng tác là để gửi gắm tâm sự cá nhân của mình.


Komatsu Kiyoshi trong Bài bạt Kim Vân Kiều, do Đoàn Lê Giang dịch, đã viết: “Đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Du, một vị quan lớn của triều Nguyễn đã sáng tạo ra tập thơ trữ tình vĩ đại Kim Vân Kiều. Đó là bài bi ca thê thiết về cuộc đời một người con gái, đã sống với ảo não và đau khổ, với thành thực và thất vọng, với tình yêu và sự chịu đựng. Đó là tiếng kêu thống thiết về số phận của con người, số phận của một người phụ nữ, sống trong một quy luật cân bằng không cưỡng lại được giữa nhân duyên kiếp trước với định mệnh kiếp này. Cuộc đời Kiều là một chiếc thuyền nát phiêu bạt giữa vòng xoáy của cuộc đời đầy những đau khổ và bất an. Và phải chăng đó cũng là hình ảnh của tác giả, phóng chiếu trong tấm gương lòng mình đầy lo sợ phập phồng. Nguyễn Du, một vị quan lớn đã 2 lần được cử làm đại diện cho vương triều Nguyễn đi sứ Bắc Kinh, nhưng cuộc đời cuộc ông là một trang sử buồn liên miên những hối hận, những bất đắc chí và cô độc. Kết cục thì vị đại sứ thi nhân này đã mượn dáng vẻ của người con gái là nàng Kiều để hát lên nỗi lòng thương tổn của mình. Tuy nhiên không chỉ dừng lại là tập thơ trữ tình đầy bi kịch về một tâm hồn thi sĩ hoang liêu được diễn tả thông qua bài bi ca về nàng Kiều, mà phải chăng đó còn là dự cảm của Nguyễn Du về số phận của dân tộc An Nam dưới ách thống trị của ngoại bang?” [30]. Vậy theo Komatsu Kiyoshi, qua hình ảnh Thúy Kiều, Nguyễn Du không chỉ gửi gắm tâm sự về cuộc đời riêng mà còn thể hiện niềm dự cảm về số phận dân tộc dưới ách thống trị ngoại bang.

Sau cách mạng, phương pháp nghiên cứu xã hội học đóng vai trò chủ đạo. Giới nghiên cứu tập trung nhấn mạnh ý nghĩa xã hội, giá trị chống phong kiến và tìm giá trị khách quan của Truyện Kiều. Nguyễn Lộc cho rằng: “Thực ra cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều sâu sắc và có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn nhiều. Có thể nói, Truyện Kiều là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại nhà thơ đang sống, trong đó Nguyễn Du muốn làm nổi bật


sự đối lập gay gắt giữa quyền sống của con người, nhất là người phụ nữ với sự áp bức của chế độ phong kiến lúc suy tàn” [36, tr. 346]. Cách hiểu này mở đường cho nhiều kiểu suy luận khác nhau, dễ đi xa khỏi tư tưởng có thật của tác giả.

Những năm cuối thế kỷ XX, việc xác lập triết lý Truyện Kiều đã theo hướng tôn trọng hơn các suy nghĩ của chính tác giả, dựa vào chính các từ ngữ và khái niệm đã được tác giả sử dụng trong tác phẩm để đoán định.

Nguyễn Đăng Na viết: “Đành rằng, “tân” là “mới”, nhưng “thanh” đâu phải là “tiếng than khóc”, “tiếng nói”, “tiếng kêu”, ...Về mặt từ loại, “thanh” trước hết là danh từ. Ngoài nghĩa âm thanh (do vật phát ra), “thanh” còn dùng để chỉ âm nhạc. Chúng ta hẳn rất quen từ “thanh sắc”. Nhưng “thanh” còn một nghĩa hết sức quan trọng đối với tác phẩm của Nguyễn Du. Đó là nghĩa dùng để chỉ về thơ ca, ngâm vịnh... Vậy “tân thanh” là gì? Có 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất: những khúc nhạc mới sáng tác, hoặc âm nhạc tươi mới, mỹ lệ... Nghĩa thứ hai liên quan đến Nhạc phủ. Nguyễn Du tuy không sáng tác nhạc khúc nhưng không phải vì thế “tân thanh” ở đây hoàn toàn không liên quan gì đến âm nhạc” [35, tr. 1604 - 1605] và “chính Thanh Tâm cũng dùng khái niệm “tân thanh” với nghĩa là thi học - thơ phú, tài học về thơ ca” [35, tr. 1607].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.

Trần Đình Sử cho rằng Kim Vân Kiều truyệnlà một truyện thuộc loại hình thử thách tính cách còn Truyện Kiều nghiêng về cốt truyện số phận: “Khi cảm nhận Truyện Kiều, người đọc nói chung đều cảm nhận khía cạnh số phận là chính... Cốt truyện Truyện Kiều thấm đẫm tính bi kịch? Nhưng tính cách và số phận không tách rời. Truyện Kiều là tiểu thuyết về số phận tính cách. Nhiều người đã chỉ ra rất đúng, bi kịch của Kiều cũng gắn với mặc cảm bạc mệnh của Kiều” [54, tr. 207-208]. Theo ông, Truyện Kiều chịu ảnh hưởng của thể loại ngâm khúc mà “Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, những người sáng tác khúc


Cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện - 10

ngâm, là những người mở đầu cho khuynh hướng văn học nhân đạo: thức tỉnh ý thức về quyền sống và số phận con người; cất lên tiếng kêu đau thương oán hận thương thân, xót mình thống thiết của những người trong cuộc. Đó là tiếng kêu của thế hệ, của thời đại” [54, tr. 71 - 72] và “Trong Chinh phụ ngâm khúc Cung oán ngâm khúc phát lộ tư tưởng hồng nhan bạc mệnh, tạo vật đố tài, tài mệnh tương đố,... mà thực chất trong chiều sâu của nó là thân mệnh tương đố - chủ đề Nguyễn Du khơi sâu trong kiệt tác của mình” [54, tr. 74].

Phan Ngọc xác định triết lý Truyện Kiều trong sự so sánh với Kim Vân Kiều truyện, theo ông Kim Vân Kiều truyện không xây dựng trên lý thuyết “tài mệnh tương đố” mà là “tình” và “khổ”, còn đối với Truyện Kiều Nguyễn Du đã thay đổi chủ đề từ tình và khổ sang tài và mệnh. Theo ông, Nguyễn Du không vay mượn tư tưởng này từ Trung Quốc nhưng rõ ràng ra thấy quan niệm này thiếu căn cứ. Về ảnh hưởng của chủ đề tư tưởng Kim Vân Kiều truyện tới Truyện Kiều, Trần Đình Sử nhận xét: “Kim Vân Kiều truyện có chủ đề hồng nhan bạc mệnh, có phong lưu vận sự bất hủ, nhưng chủ yếu có nét mới là ai oán đoạn trường... Chính đó là yếu tố gợi ý để Nguyễn Du sáng tạo ra Đoạn trường tân thanh đầy xót thương và đau đớn” [54, tr. 60 - 61]. Đồng thời, ông cho rằng: “Truyện Kiều không chỉ có chữ tài, chữ tâm, mà còn có chữ thân,... Truyện Kiều là một truyện thương thân, xót thân, thấm thía nhất” [54, tr. 112], từ đó ông khái quát: “Nguyễn Du đã chuyển chủ đề tình khổ sang tâm khổ, thân khổ, chuyển tài mệnh tương đố sang thân mệnh tương đố. Thương thân chứ không phải thương tài, tiếng thương chứ không phải câu chuyện bất hủ! Đó là linh hồn mới của Truyện Kiều, là “hồn Trương Ba” mà cốt truyện cũ của Thanh Tâm tài nhân chỉ là “xác cha hàng thịt”, làm cho tác phẩm hết sức gần gũi thân thiết với mọi tâm hồn Việt Nam” [54, tr. 114-115]. Như vậy, ông cho rằng Nguyễn Du không theo triết lý gốc của nguyên bản là “tài mệnh tương đố” mà đã phát triển


chủ đề truyền thống của văn học dân tộc, từ ca dao dân ca đến thơ cổ điển để nêu lên vấn đề “thân mệnh tương đố”.

K.c.Leung, nhà nghiên cứu người Hàn Quốc đã cho rằng: “Quan hệ giữa tài và nỗi bất hạnh của Kiều trong Truyện Kiều được nhấn mạnh hơn rất nhiều so với Kim Vân Kiều truyện... tài ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của Nguyễn Du đến nỗi trong văn bản của ông, chính “tài” và “sắc” của Kiều đã thu hút Từ Hải, trong khi Kim Vân Kiều truyện cái hấp dẫn Từ Hải lại chính là tinh thần “hiệp” bao dung của Thúy Kiều” [35, tr. 641]

Trần Ngọc Vương lại dựa vào loại hình nhà nho tài tử để cắt nghĩa “tài mệnh tương đố”. Nhà nho truyền thống sống theo mô thức: hành hay tàng, xuất hay xử. Những nhà nho này “thị tài và đa tình”, tức là mang hai yếu tố không truyền thống: “Nếu ở giai đoạn đầu, các tác giả - đồng thời cũng là những nhà nho tài tử - còn tìm cách tự thể hiện thông qua việc thể hiện chân dung người khác, thì càng về sau, phương diện tự ý thức và tự biểu hiện càng có vị trí ưu thắng... Càng tự biểu hiện mình một cách trực tiếp, người tài tử càng cảm nhận những giới hạn mà họ phải chịu đựng một cách rõ rệt. Số phận nếu đã định cho người hồng nhan là bạc mệnh thì cũng dành cho người tài tử cảnh đa cùng” [67, tr. 137].

Nguyễn Phạm Hùng cho rằng: “Tư tưởng nghệ thuật căn bản của Nguyễn Du trong tác phẩm này là đấu tranh cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Ông ca ngợi những con người “tài tình” của mọi thời đại, và ông cho rằng họ phải có quyền được sống, được hưởng hạnh phúc... Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam, không có ai phản ánh một cách sâu sắc và thuyết phục bằng Nguyễn Du về vai trò của Phật giáo đối với việc cứu người trong những hoạn nạn. Có thể Nguyễn Du đến với nhà Phật là do bế tắc trong hiện thực. Từ “tư tưởng Tài Tình” với thái độ “thương người tiếc tài”, Nguyễn Du đi đến “tư tưởng chữ Tâm” nhưng là với thái độ bảo vệ Tài Tình tuyệt đối.


Đây là một chuyển biến tư tưởng hết sức quan trọng của Nguyễn Du... Ngay từ khi bắt tay vào viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã hình dung thấy cái đích phải đến của nàng là như vậy. Có thể có người cho rằng đây là một sự khiên cưỡng của ông, hay là một tấn bi kịch bất đắc dĩ. Nhưng tôi cho rằng, đây là một sự lựa chọn từ khi Nguyễn Du để cho nàng Kiều bước chân vào cuộc đời này. Từ cái buổi chiều xuân định mệnh trong khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời “Cỏ non xanh rợn chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa” để Kim Kiều gặp gỡ, và nhất là từ cái đêm “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đi tìm hạnh phúc của cô gái 15 tuổi ấy, bàn chân cô bắt đầu bước trên con đường đời đầy chông gai và bất trắc. Bàn chân ấy còn phải đi hết chặng đường 15 năm oan khổ mới đến được cái đích của cuộc đời, là chốn cửa Thiền... Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện rõ triết lý Phật giáo trong việc giải quyết vấn đề số phận con người... Đây là một tác phẩm xuất sắc về đường đi và cái đích mà con người hữu tình trong “hội đoạn trường” cần phải đến trong cái xã hội vạn ác. Đúng là Nguyễn Du muốn “thả một bè lau” để đưa Thúy Kiều vượt qua bể khổ để đến với bến bờ hạnh phúc” [27].

Qua việc khảo sát cách dùng chữ “tài” trong Truyện Kiều, Trần Nho Thìn cho rằng: “Nội dung của vấn đề tài mệnh ở Truyện Kiều được tập trung trong hai từ tài sắc tài tình” [61, tr. 283]. Triết lý Truyện Kiều không phải là tư tưởng sách vở mà bắt nguồn từ thực tế quan sát số phận của một tầng lớp kỹ nữ ả đào lấy tài nghệ, văn chương, nhạc họa làm lẽ sống và trở nên khá phổ biến trong thời đại Nguyễn Du. Trong các xã hội phụ quyền phương Đông xưa, người phụ nữ tài sắc lại thường bất hạnh vì chính tài sắc của họ và trong văn học Việt Nam, đề tài về số phận bất hạnh của người phụ nữ tài sắc là đề tài khá phổ biến trong thế kỷ XVIII và XIX. Câu chuyện “tài sắc” ở Truyện Kiều không thể nhìn cô lập mà phải đặt trong tương quan với vấn đề “tài tình”. Hai phạm trù “tài tình” này phải được lý giải trong bối cảnh


rộng lớn của văn hóa Việt Nam thế kỷ XVIII và XIX. Đặc biệt, nằm trong phạm vi của triết lý “tài mệnh tương đố” chỉ có tài theo nghĩa “tài tình”, tài tình của Truyện Kiều thực chất là sự gắn bó giữa cảm xúc và nghệ thuật. Xét các sự kiện văn hóa của thời kỳ này, ta thấy thực ra vấn đề tài mệnh tương đố (hiểu tài không tách rời tình) có căn nguyên xã hội sâu sắc. Đây là hiện tượng có thực của xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVIII trở đi gắn liền với hiện tượng ả đào đã xuất hiện thành một tầng lớp xã hội đông đảo. Cuộc đời và tài năng của Thúy Kiều rất giống với cuộc đời và tài năng của một người kỹ nữ, ả đào. Ông khẳng định: “Cảm hứng tài tử giai nhân vốn sâu đậm trong các truyện thơ bác học cùng thời như Hoa Tiên, Sơ kính tân trang trở nên mờ nhạt trong Truyện Kiều, nơi diễn ra câu chuyện thê thảm về thân phận bất hạnh của nàng Kiều như một kỹ nữ... Đằng sau những ngôn từ có vẻ thần bí về hồng nhan bạc mệnh, tạo vật đố toàn, tài mệnh tương đố là những vấn đề có thực của văn hóa xã hội nước ta thế kỷ XVIII – XIX. Nguyễn Du đã lựa chọn “Kim Vân Kiều truyện”, một cốt truyện có sẵn rất phù hợp với việc diễn đạt những vấn đề của thời đại mình” [61, tr. 301]. Ông cho rằng: “Vấn đề tài tình được đặt ra trong Truyện Kiều còn phản ánh một phương diện khác của văn hóa và văn học Việt Nam thời đại Nguyễn Du. Không chỉ có các kỹ nữ ả đào mà cả nhiều nhà thơ đã lấy thơ nhạc làm lẽ sống, lấy cái hay cái đẹp của nghệ thuật làm mục đích, đã biết đến một thứ “văn chơi” bên cạnh thứ văn “vị đời”... [61, tr. 301]. Ông nhấn mạnh: “Tài tình ở Truyện Kiều thực chất là sự gắn bó giữa xúc cảm và nghệ thuật. Khi nói đến chuyện tài mệnh tương đố “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”, “Hại thay mang lấy sắc tài mà chi”, Nguyễn Du đã nghĩ đến những người nghệ sĩ của thời đại mình, những người theo đuổi thứ văn chương nghệ thuật và coi trọng cảm xúc. Quan sát lịch sử văn hóa xã hội nước ta từ cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX có thể thấy những nghệ sĩ ấy chính là các kỹ nữ, các cô đào hát với những thân phận đặc biệt. Những người


nghệ sĩ ấy cũng là các nhà thơ như Nguyễn Du” [61, tr. 310]. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh “qua mệnh đề “người cùng thì thơ hay”, các nhà nho thời Nguyễn Du đã suy ngẫm về thân phận của những nhà thơ theo lý tưởng tài tình, những nhà thơ theo đuổi cái đẹp của văn chương nghệ thuật” [61, tr. 313].

Qua việc khái quát các quan niệm khác nhau của các nhà nghiên cứu về tư tưởng Truyện Kiều, cách dùng chữ “tài” và cách xử lý các bài thơ từ của Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, chúng tôi đồng tình với quan niệm của Trần Nho Thìn: “Nội dung của vấn đề tài mệnh ở Truyện Kiều được tập trung trong hai từ tài sắc tài tình” [61, tr. 283], nằm trong phạm vi của triết lý “tài mệnh tương đố” chỉ có tài theo nghĩa “tài tình” và “tài tình” của Truyện Kiều thực chất là sự gắn bó giữa cảm xúc và nghệ thuật. Theo chúng tôi, chủ đề tư tưởng, triết lý của Truyện Kiều Kim Vân Kiều truyện khác nhau là do thực tiễn văn hóa xã hội và hướng quan tâm của hai tác giả khác nhau. Và việc gửi gắm tâm sự của bản thân tác giả một phần lại là nét khác biệt về mặt thể loại của Truyện Kiều so với Kim Vân Kiều truyện. Nếu như Thanh Tâm tài nhân dùng những biến cố trong cuộc đời Kiều làm sáng rõ phẩm chất đạo đức cao đẹp theo khuôn khổ đạo đức Nho giáo của nàng thì ngược lại, Nguyễn Du lại nhấn mạnh tới bất hạnh của tài sắc, tài tình qua thân phận một kỹ nữ.

3.3. Cách xử lý của Nguyễn Du đối với nhóm thơ từ khắc họa nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện

Như trên chúng tôi đã khẳng định, Thanh Tâm tài nhân dẫn thơ từ đan xen vào Kim Vân Kiều truyện không chỉ nhằm phô trương tài năng thơ ca của nhân vật mà còn nhằm thể hiện tư tưởng và khắc họa nhân vật. Khi vay mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện để sáng tạo Truyện Kiều, Nguyễn Du đã lược bỏ hoàn toàn 48 bài thơ từ và dựa vào 44 bài thơ từ còn lại, lúc lướt qua, lúc

Xem tất cả 149 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí