chọn của chúng tôi là chấp nhận một cách có sàng lọc, như một sự cần thiết, những ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại từ thế giới bên ngoài, và đồng thời lưu giữ, như một hệ thống bất biến, những truyền thống nghệ thuật bản địa bằng cốt cách và tinh thần của chúng” [120, tr.7].
Năm 2002, tác giả Xu Gan xuất bản cuốn Nghệ thuật Sắp đặt, công trình nghiên cứu chuyên biệt về loại hình nghệ thuật mới này, Trần Hậu Yên Thế - Hà Thị Tường Thu - Phạm Trung Nghĩa dịch, tư liệu Viện Mỹ thuật, Hà Nội. Cuốn sách đã chỉ ra những vấn đề nổi bật của nghệ thuật đương đại, qua đó người đọc có thể thấy Nghệ thuật Sắp đặt mô phỏng người đương đại, biểu hiện tôn giáo của xã hội đương đại hay nói chung chính trị là tiêu điểm của nghệ thuật đương đại. Nghệ thuật Sắp đặt có khả năng biến cái tầm thường thành nghệ thuật, đi sâu vào đời sống cộng đồng, có thể trở thành một công cụ giáo dục đắc lực, và hơn thế nó còn có vai trò là hành vi thương mại trong thời đại kinh tế hóa toàn cầu. Đồng thời, tác giả Xu Gan nhận định: “Khoa học công nghệ cao: Kho vũ khí mới của Nghệ thuật Sắp đặt”. Hơn nữa, ông đã phân chia thành 9 đặc trưng cơ bản của Nghệ thuật Sắp đặt và kết luận: “Đặc trưng của Nghệ thuật Sắp đặt là tính cởi mở, tính tự do và tính mơ hồ, nên chúng ta chỉ có thể nhận biết nó, nghiên cứu nó trong sự vận động, phát triển và diễn biến của nó. Hàm nghĩa và chức năng của nó đồng bộ với xã hội đương đại, thay đổi từng giờ từng phút” [117, tr.50].
Năm 2004, đồng tác giả Gill Perry - Paul Wood xuất bản công trình nghiên cứu mang tính lý luận Themes in Contemporary Art, Đại học Yale, cung cấp cho người đọc nhiều thông tin có giá trị học thuật, từ định nghĩa về Nghệ thuật Sắp đặt cho tới các chủ đề nghệ thuật đương đại được phân chia một cách khoa học. Nội dung cuốn sách vô cùng phong phú, các loại hình nghệ thuật như Sắp đặt, trình diễn, video art, nhiếp ảnh...đều được nghiên cứu sâu. Đáng chú ý là chương 5, tác giả Kristine Stiles đã đi sâu vào nghiên cứu ba loại hình nghệ thuật Trình diễn, Sắp đặt và Video art. Qua đó, từng loại
hình nghệ thuật lần lượt được định nghĩa, giới thiệu nguồn gốc hình thành, tác phẩm và tác giả tiêu biểu từng thời kỳ... Đồng thời, trong phần định nghĩa về Nghệ thuật Sắp đặt, tác giả cũng lưu ý “cần phân biệt giữa Nghệ thuật Sắp đặt định trường (Site Specific Installtion) và Nghệ thuật Sắp đặt định trường (Non Site Specific Installation), ở chừng mực nào đó, nó có thể là tác phẩm độc lập không mang đặc trưng vật lý cụ thể của nơi trưng bày” [122, tr.187]. Tóm lại, đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình nghệ thuật đương đại, được nhóm học giả quốc tế thực hiện. Do đó, kết quả nghiên cứu của công trình này là nguồn thông tin có độ tin cậy khoa học cao, là tài liệu tốt cho luận án có thể tham khảo và sử dụng.
Năm 2010, tác giả Wang Shaoquiang chủ biên, xuất bản cuốn Installation Art, Nxb. Sandu, dày 232 trang, chủ yếu giới thiệu cho người đọc tư liệu ảnh phong phú về Nghệ thuật Sắp đặt của các nghệ sĩ quốc tế, châu Á có hai quốc gia được giới thiệu là Nhật Bản và Australia. Toàn bộ “Album” ảnh Nghệ thuật Sắp đặt được chú thích đầy đủ tên tác phẩm, tên nghệ sĩ và lời giới thiệu ngắn gọn về từng tác phẩm.
Ngoài ra, NCS tham khảo các công trình nghiên cứu, nguyên bản tiếng Anh như: Queensland Art Gallery (1999), Beyond the Future; Melissa Chiu - Benjamin Genocchio (2010), Contemporary Asian Art; Jean Robertson - Craig Mc Daniel (2010), Themes of Contemporary Art - Visual Art after 1980; Jonathan Harris (2011), Globalization and Contemporary Art;...
1.1.3. Đánh giá chung
Sau khi trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu ở ngoài nước, hệ thống tài liệu cho thấy đã có rất nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về Nghệ thuật Sắp đặt của các học giả uy tín trên thế giới đã được xuất bản. Do đó, nguồn tài liệu về này rất phong phú, đa dạng, từ nghiên cứu lý luận cho đến giới thiệu tác phẩm, nghệ sĩ tiêu biểu trên thế giới, của các tác giả ở phương Đông và phương Tây thực hiện. Đây là điểm thuận lợi cho NCS có
Có thể bạn quan tâm!
- Yếu tố truyền thống trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 - 1
- Yếu tố truyền thống trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 - 2
- Tình Hình Nghiên Cứu Ở Ngoài Nước
- Lý Thuyết Nghiên Cứu Và Luận Điểm Khoa Học
- Khái Quát Về Nghệ Thuật Sắp Đặt Việt Nam
- Biểu Hiện Yếu Tố Truyền Thống Qua Hình Thức Tác Phẩm
Xem toàn bộ 236 trang tài liệu này.
được cái nhìn hệ thống, toàn diện về lịch sử hình thành Nghệ thuật Sắp đặt trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, đặc trưng tư tưởng nghệ thuật, thái độ thẩm mỹ của nó gắn liền với triết học hậu hiện đại, cũng như những tác phẩm, nghệ sĩ tiên phong, tiêu biểu. Qua đó, NCS có cơ sở để xây dựng khái niệm về Nghệ thuật Sắp đặt, liên hệ, so sánh trong quá trình nghiên cứu luận án.
Về tình hình nghiên cứu ở trong nước, do lịch sử phát triển của Nghệ thuật Sắp đặt ở Việt Nam chưa dài, nên số lượng công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước còn nhiều hạn chế. Tuy đã có một sách, bài viết, đề tài nghiên cứu ở trong đã xuất bản về Nghệ thuật Sắp đặt liên quan đến di sản, thẩm mỹ truyền thống, song chưa có đề tài nào nghiên cứu hệ thống, toàn diện, chuyên sâu về YTTT trong NTSĐVN giai đoạn 1995 - 2018. Thực tiễn sáng tác NTSĐVN giai đoạn này đã có những thành tựu ở trong nước và quốc tế, với sự đóng góp phần đáng kể của YTTT, tạo nên đặc điểm riêng biệt về thị giác và giá trị văn hóa, lịch sử bản địa. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn còn những khoảng trống lý luận cùng một số vấn đề nghiên cứu khoa học còn bỏ ngỏ, đòi hỏi đề tài luận án Yếu tố truyền thống trong Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 tiếp tục giải quyết và tạo nên kết quả nghiên cứu mới, chuyên sâu, chuyên biệt.
Quá trình hệ thống các tài liệu nghiên cứu, liên quan đến YTTT và Nghệ thuật Sắp đặt, NCS đã từng bước nắm bắt được một số vấn đề nhận thức lý luận có tính chất nền tảng khoa học và phương pháp luận cho việc nghiên cứu nghệ thuật. Qua đó, hình thành khung lý thuyết phù hợp để tiếp cận vấn đề nghiên cứu, làm sáng tỏ biểu hiện YTTT trong hình thức và chủ đề tác phẩm Sắp đặt Việt Nam, đồng thời chỉ rõ đặc điểm, giá trị văn hóa nghệ thuật, vai trò, vị thế và xu hướng tiếp cận, khai thác di sản trong NTSĐVN trong giai đoạn tới. Để giải quyết những vấn đề vừa nêu, chỉ sử dụng lý luận Mỹ thuật học, Sử học mỹ thuật đơn thuần là không đủ, mà đòi hỏi phải thiết lập một hệ thống lý thuyết đa dạng hơn, trong đó vận dụng lý thuyết Tiếp biến
văn hóa, luận điểm của Triết học, Ký hiệu học với phương pháp tiếp cận liên ngành xuyên suốt đề tài luận án.
1.2. Cơ sở lý luận
Trong phần này, luận án xây dựng các khái niệm, giới thuyết đối tượng nghiên cứu, lý thuyết áp dụng và luận điểm sử dụng nhằm chỉ ra mục đích, hiệu quả của lý thuyết áp dụng tiếp cận đối tượng nghiên cứu của luận án.
1.2.1. Khái niệm
Khái niệm yếu tố truyền thống
Cuốn Từ điển Tiếng Việt, (2012), danh từ yếu tố (element) được định nghĩa là: “Bộ phận cấu thành một sự vật, sự việc, hiện tượng” [73, tr.494]. Như vậy, yếu tố được hiểu đơn giản là một thành phần tạo nên sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, phụ thuộc vào từng sự vật, hiện tượng, lĩnh vực cụ thể mà yếu tố hiện diện ở dạng vật chất, hữu hình hoặc tồn tại ở dạng tinh thần, trừu tượng.
Cụm từ truyền thống có nguồn gốc chữ latin là Traditio (hành vi lưu truyền), mới chỉ xuất hiện trong từ điển Hán - Việt, (1931), và được dùng phổ biến từ sau năm 1945. Trước đó, cụm từ “cổ truyền” được sử dụng để biểu đạt nghĩa tương đương với từ truyền thống dùng phổ biến hiện nay. Trong Cuốn Từ điển Tiếng Việt, (2012), cụm từ truyền thống được định nghĩa là: “Thói quen hình thành lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác [73, tr.1347].
Cuốn Cơ sỏ lý luận văn học (2013), của tác giả Đỗ Văn Khang, Nxb. Thông tin và Truyền thông, cho rằng: “truyền thống là hiện tượng nối dài những thành tựu đã có..., là sự tiếp tục phát huy cái tốt đẹp, cái đặc sắc độc đáo của quá khứ vào trong hiện tại và trong tương lai” [45, tr.48].
Truyền thống trong Từ vị ngôn ngữ Pháp của Littré được tác giả R. Aileau trích dẫn trong bài viết “Khái niệm truyền thống”, do Đoàn Văn Chúc dịch từ tiếng Pháp, đã phân định cụm từ truyền thống với bốn nghĩa chính:
1. Sự giao một cái gì đó cho một người nào đó; 2. Sự lưu truyền những sự kiện lịch sử, những thuyết tôn giáo, những truyền thuyết, từ thế hệ này sang thế hệ nọ bằng con đường truyền khẩu và không có bằng cớ chính thức và thành văn; 3. Đặc biệt, trong giáo hội Giatô, sự lưu truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác sự hiểu biết những điều thuộc về đạo và không hề có thánh thư; 4. Tất thảy những gì người ta biết hoặc làm theo truyền thống, tức là bằng một sự lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ nọ nhờ lời nói hay làm mẫu [130].
Truyền thống chính là cái đương đại của quá khứ. Do vậy, giá trị văn hóa, nghệ thuật đương đại ngày nay còn đọng lại chính là truyền thống của ngày mai. Một tác giả người Ba Lan từng phát biểu đầy tính logic triết học, đại ý: “Ngày hôm nay là ngày hôm qua ngày hôm qua là ngày mai”.
Như vậy hiểu một cách chung nhất, truyền thống thuộc cái đã hình thành trong quá khứ, được lưu giữ và truyền lại đời sau. Trong đó, mỗi châu lục, quốc gia, tộc người, dòng họ, gia đình...lại có những truyền thống mang bản sắc riêng, gắn liền với văn hóa, lịch sử bản địa. Đối với người Việt, khi nói đến truyền thống là hàm nghĩa về văn hóa vật thể và phi vật thể nói chung, tinh hoa nghệ thuật nói riêng của cha ông để lại trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Do đó, YTTT dân tộc là thành tố làm nên sản phẩm vật chất và tinh thần do người Việt sáng tạo, kết tinh trí tuệ và tình cảm của dân tộc với giá trị được kiểm chứng qua thời gian, khẳng định chỗ đứng trong tâm thức cộng đồng và lưu truyền trong đời sống xã hội.
Khái niệm Nghệ thuật Sắp đặt
“Installation Art” là thuật ngữ được cấu tạo từ hai danh từ tiếng Anh: Installation có nghĩa là sự lắp vào, gắn vào, đặt vào, ráp vào, dàn dựng..., trong lĩnh vực máy tính, Installation có nghĩa là sự cài đặt; Art có nghĩa phổ thông là nghệ thuật. Thuật ngữ này mang tính quốc tế, phổ biến toàn cầu, dùng để chỉ một loại hình nghệ thuật, manh nha xuất hiện từ thập kỷ 1920 gắn
liền với tên tuổi của Marcel Duchamp, phát triển mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu vào thập kỷ 1960, 1970. Ở Việt Nam, thuật ngữ Installation Art đã được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật chuyển ngữ, tác giả Lê Thanh Đức dịch là “Nghệ thuật dàn dựng”; tác giả mang bút danh K.C, trong bài viết “Marcel Duchamp và nghệ thuật ý niệm, lắp đặt” đăng trên báo Văn hóa & Thể thao, đã dịch Installation Art là “Nghệ thuật lắp đặt”; tác giả Phạm Hà Hải dịch là “Xếp đặt”. Năm 1992, tác giả Nguyễn Quân chuyển ngữ thành “Nghệ thuật Sắp đặt” như tên gọi dùng phổ biến hiện nay.
Trên thế giới và ở Việt Nam, đã có một số công trình nghiên cứu, nhiều nhà lý luận đưa ra những khái niệm, định nghĩa về Nghệ thuật Sắp đặt. Nhìn chung, các khái niệm, định nghĩa đều có điểm thống nhất là chỉ ra đặc trưng của Nghệ thuật Sắp đặt với việc tổ hợp hiện vật trong không gian, thời gian thực, tính tương tác. Mỗi khái niệm, định nghĩa lại có những điểm riêng biệt, dưới đây là một số khái niệm, định nghĩa về Nghệ thuật Sắp đặt.
Tác giả Kaprow phát biểu: “Nghệ thuật Sắp đặt là không gian, sự tham dự của người xem cũng như sự tương tác giữa tác phẩm và người thưởng thức. Nghệ thuật Sắp đặt sẽ trở thành làn da thứ hai cho chủ thể xã hội đương đại, chủ thể này sẽ trao cho tác phẩm một ý nghĩa chỉ khi nó bước chân vào trong tác phẩm” [97, tr.31].
Tác giả Lawra S.G. Conklin định nghĩa, Xu Gan trích dẫn: “Nghệ thuật Sắp đặt là thị giác hóa cảm nhận nội tâm của con người, hiển thị dưới dạng không gian ba chiều trong một thời gian thật và không gian thật” [117, tr.15].
Tác giả Kristine Stiles, trong cuốn Themes in Contemporary Art,
định nghĩa:
Nghệ thuật Sắp đặt dò xét những điểm giao cắt thuộc thị giác, tri giác và bối cảnh của những vấn đề, đồ vật, không gian và chất liệu... Sắp đặt có thể cố định hoặc tạm thời, đặt ở bên trong hoặc không gian bên ngoài, và thường liên kết với những bối cảnh kiến
trúc hoặc môi trường tự nhiên. Chúng thường là địa điểm đặc biệt, hoặc được xác định bởi một vị trí. Nghệ thuật Sắp đặt đòi hỏi người xem có cái nhìn vượt thoát những đồ vật đơn thuần để tìm hiểu bối cảnh mà trong đó tác phẩm được tạo dựng, trưng bày và đón nhận...Nghệ thuật Sắp đặt có thể là một phương tiện có khả năng giao tiếp chỉ với những người đã am hiểu những ám hiệu của nó trong một bối cảnh đặc biệt” [122, tr.186].
Trong cuốn Nghệ thuật Sắp đặt, phần Nghệ thuật Sắp đặt là gì, tác giả Xu Gan nhận xét: “Nghệ thuật Sắp đặt diễn giải định tính không chuẩn xác những ám thị thần bí, nó thừa nhận nhận thức của con người là tương đối, những vấn đề bất khả tri không có cách gì thâm nhập mới là tuyệt đối” [117, tr.2]. Đồng thời, ông đã chỉ ra 9 đặc trưng cơ bản của Nghệ thuật Sắp đặt, và kết luận rằng: “Đặc trưng của Nghệ thuật Sắp đặt là tính cởi mở, tính tự do và tính mơ hồ, nên chúng ta chỉ có thể nhận biết nó, nghiên cứu nó trong sự vận động, phát triển và diễn biến của nó” [117, tr.50].
Tác giả Trần Hậu Yên Thế, trong tham luận “Installation: Nghệ thuật lắng nghe tiếng nói đồ vật”, viết: Có thể coi mỗi Installtion Art như là một công án thiền đòi hỏi ta làm quen với sự trầm tư nơi đồ vật... Cái đích nhắm đến của nghệ sỹ làm Nghệ thuật Installation là tạo nên một không gian ý niệm, một trường tư tưởng” [106, tr.166,167]. Tác giả tham luận nhấn mạnh đến hai đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật này là tổ hợp đồ vật và không gian ý niệm mà nghệ sĩ tạo lập trong tác phẩm. Do đó, loại hình nghệ thuật này đòi hỏi ở công chúng sự chiêm nghiệm cá nhân và nền tảng tri thức rộng lớn.
Nghệ thuật Sắp đặt phá vỡ tất cả ranh giới nghệ thuật truyền thống nên việc đưa ra khái niệm, định nghĩa về loại hình nghệ thuật này chỉ có tính chất tương đối. Định nghĩa một cách rành mạch, chính xác đối với loại hình nghệ thuật là điều vô cùng khó khăn, bởi lẽ đặc trưng của loại hình nghệ thuật này là thu nạp tất cả từ đồ vật làm sẵn, vật liệu phế thải, công nghệ cho đến các
loại hình nghệ thuật khác như Đồ họa, Video Art, ánh sáng, âm thanh...để kiến tạo tác phẩm. Xugan, tác giả công trình nghiên cứu Nghệ thuật Sắp đặt từng kết luận: “con người đã từ bỏ ý định định nghĩa nghệ thuật cho thật chính xác, Nghệ thuật Sắp đặt cũng không ngoại lệ” [117, tr.50].
Tuy nhiên, qua hệ thống tài liệu, nguồn sách, báo tham khảo, trên cơ sở tạm thời thống nhất một cách thức để làm việc, có thể rút ra khái niệm riêng về Nghệ thuật Sắp đặt như sau: Nghệ thuật Sắp đặt là loại hình nghệ thuật thị giác hóa cảm nhận nội tâm của con người với đặc trưng cơ bản là tổ hợp hiện vật, tổ chức không gian, thời gian thực, nhằm biểu đạt ý niệm, tư tưởng nghệ thuật. Người tương tác là một phần của tác phẩm. Căn cứ vào đặc trưng không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa và không gian trưng bày, có thể chia Nghệ thuật Sắp đặt thành hai loại: định trường và phi định trường.
Khái niệm Nghệ thuật Sắp đặt định trường
Nghệ thuật Sắp đặt định trường (Site Specific Installation Art) là loại Nghệ thuật Sắp đặt có yếu tố không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa là thành phần tạo nghĩa cốt lõi cho nội dung tác phẩm. Khi di chuyển tác phẩm ra khỏi không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa, ý nghĩa của tác phẩm Sắp đặt sẽ thay đổi. Không gian đặc trưng trong loại Sắp đặt này là không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa, được hình thành bởi các thành tố như: văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử, đặc địa, kiến trúc cổ.
Khái niệm Nghệ thuật Sắp đặt phi định trường
Nghệ thuật Sắp đặt phi định trường (Non Site Specific Installation Art) là loại Nghệ thuật không phụ thuộc vào yếu tố không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa. Mối quan hệ của tác phẩm Sắp đặt loại này với không gian chỉ dừng ở không gian trưng bày thông thường. Khi di chuyển tác phẩm Sắp đặt đến không gian trưng bày thông thường khác, nghĩa của nội dung tác phẩm Sắp đặt sẽ không thay đổi. Không gian đặc trưng trong loại Sắp đặt này là không gian trưng bày thực.