Lý Thuyết Nghiên Cứu Và Luận Điểm Khoa Học


Xác định khái niệm và giới thuyết YTTT trong NTSĐVN

Đặc thù của lịch sử nghệ thuật Việt Nam, có thể khẳng định rằng: trước khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương, nền nghệ thuật của người Việt được tạo dựng và phát triển rực rỡ trên cơ sở nền tảng nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống, gắn liền với những chất liệu bản địa. Vốn cổ truyền thống của người Việt vì thế mà rất phong phú, đa dạng. Hầu hết các tác phẩm Sắp đặt có YTTT thường tiếp cận truyền thống bằng cách sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp các hiện vật mỹ thuật truyền thống (tranh, tượng, họa tiết, phù điêu, kiến trúc cổ); đồ thủ công truyền thống (guốc, nón, quạt, mã, đồ chơi dân gian); các chất liệu được mặc định là truyền thống, bản địa (tre, gỗ, rơm rạ, giấy, vải, gốm); không gian di sản (đình, chùa, đền, miếu, thành quách, kiến trúc cổ). YTTT biểu hiện qua các chủ đề gắn liền với giá trị tinh thần, tư tưởng dân tộc như tín ngưỡng, ký ức, phản biện xã hội, khai thác từ các tích cổ, truyền thuyết, sự kiện lịch sử với đặc điểm mang tính tượng trưng, ước lệ, tính biểu cảm dân gian, tính xung đột giữa tryền thống với hiện đại. Nói cách khác, tác phẩm Sắp đặt Việt Nam tiếp cận, khai thác YTTT từ di sản vật thể và phi vật thể để xây dựng hình thức và chủ đề tác phẩm. Như vậy, YTTT trong NTSĐVN giai đoạn này, được giới thuyết gồm các thành tố như: tạo hình, trang trí dân gian, không gian di sản, chất liệu bản địa biểu hiện qua hình thức tác phẩm Sắp đặt Việt Nam; các yếu tố tín ngưỡng, ký ức, phản biện xã hội biểu hiện qua chủ đề của tác phẩm Sắp đặt Việt Nam. Các YTTT này có đặc điểm nổi bật mang tính tượng trưng, ước lệ, tính biểu cảm dân gian, tính xung đột giữa truyền thống với hiện đại, có giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc tiêu biểu. Các yếu tố khác không thuộc đối tượng giới thuyết của đề tài sẽ không phải là trọng tâm khảo sát, nghiên cứu.

Qua những khái niệm, luận điểm đã trình bày, luận án có thể đưa ra khái niệm YTTT trong NTSĐVN như sau: YTTT là thành phần xây dựng tác phẩm Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam. YTTT thuộc trạng thái tinh thần do người Việt sáng tạo, lưu truyền trong tâm thức, đời sống cộng đồng, mang đặc


điểm và giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc. YTTT được biểu hiện trong NTSĐVN thông qua sự kết hợp của các yếu tố tạo hình, trang trí, không gian di sản, chất liệu bản địa, chủ đề tín ngưỡng, ký ức, phản biện xã hội, khơi gợi sự liên tưởng, tưởng tượng về vẻ đẹp thẩm mỹ và giá trị tinh thần, tư tưởng dân tộc. Qua đó, tác động đến tư duy, tình cảm của người thưởng thức, làm cho họ cảm thấy tự hào, nhận biết sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa nghệ thuật truyền thống vốn có trong hình thức biểu hiện mới, hướng tới cuộc sống nhân văn, giàu tính sáng tạo, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và đời sống xã hội đương đại.

Nói ngắn gọn, YTTT là thành tựu mang giá trị vật chất và tinh thần do người Việt sáng tạo, lưu truyền từ đời này sang đời khác. YTTT là thành phần kiến tạo tác phẩm. Trong NTSĐVN, Yếu tố truyền thống biểu hiện qua tạo hình, trang trí, hiện vật thủ công, chất liệu bản địa và chủ đề của tác phẩm, góp phần chuyển tải thông điệp truyền thống tới người thưởng thức nghệ thuật qua cách thức biểu hiện mới trong đời sống đương đại.

Một số thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến đề tài luận án

Tạo hình (Plastic): “Là sự sáng tạo mọi hình tượng nghệ thuật; theo nghĩa hẹp, tạo hình là sự sáng tác, sự khắc họa những đặc trưng về hình thể trong điêu khắc, hội họa, các ngành mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc” [69, tr.129]. Mục giới thiệu thuật ngữ trong cuốn Art Foundamentals - Theory and Practice, thuật ngữ plastic được định nghĩa là: “1. Sử dụng các yếu tố để tạo cảm giác về không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều. 2. Các loại hình nghệ thuật có không gian ba chiều như kiến trúc, điêu khắc, gốm...” [127, tr.3]. Hiểu một cách đơn giản, tạo hình là sáng tạo và xây dựng hình tượng, ký hiệu, biểu tượng bằng các yếu tố và ngôn ngữ đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật. Ví dụ: tạo hình trong tranh, tượng; tạo hình sân khấu...

Bố cục (Composition): “Sự sắp xếp kích thước và tương quan của những đường nét, hình dáng, màu sắc các vật thể trong một tác phẩm” [69,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 236 trang tài liệu này.


tr.20]. Trong cuốn Art Foundamentals - Theory and Practice, thuật ngữ composition được định nghĩa là: “sắp xếp hoặc cấu trúc các yếu tố nghệ thuật theo nguyên tắc tổ chức nhằm tạo nên một tổng thể” [127, tr.46]. Như vậy, bố cục có nghĩa là sự sắp xếp các yếu tố tạo hình theo một trật tự để biểu hiện ý tưởng và hiệu quả nghệ thuật theo ý đồ của chủ thể sáng tạo.

Yếu tố truyền thống trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 - 5

Khối (Volume): “Không gian ba chiều chiếm giữ bởi một vật thể hoặc được giới hạn bởi những bề mặt” [69, tr.82]. Khối được hiểu là vật thể choán chỗ trong không gian ba chiều, nó có thể là khối đặc hoặc rỗng. Ví dụ: tượng, công trình kiến trúc, hiện vật trong tác phẩm Sắp đặt. Tương tự, trong cuốn Art Foundamentals - Theory and Practic, thuật ngữ volume được định nghĩa là: “khối lượng có thể đo lường, xác định được hoặc vật thể chiếm chỗ trong không gian ba chiều” [127, tr.4].

Họa tiết (Motif): “Hình vẽ đã được quy thức hóa” [69, tr.75]. Trong cuộc sống, họa tiết được hiểu là những kiểu hình trang trí đặc trưng, quen thuộc được sử dụng lặp đi lặp lại. Thuật ngữ motif cũng được hiểu là: “một đơn vị hoặc hoa văn riêng biệt được thiết kế lặp lại trong toàn bộ bố cục, tạo nên một đặc điểm nổi trội” [127, tr.46]. Ví dụ: họa tiết trang trí đường kỷ hà, chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn; họa tiết mây, hoa lá trang trí diềm bia...

Trang trí (Decorative): “Nghệ thuật làm đẹp, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của con người” [69, tr.132]. Thuật ngữ decorative còn được định nghĩa là: “bổ sung hoặc làm phong phú nhưng quan trọng hơn là trong nghệ thuật nhấn mạnh bản chất hai chiều của tác phẩm hoặc bất kỳ yếu tố nào của nó” [127, tr.150]. Trang trí được hiểu là cách thức làm đẹp bề mặt sản phẩm, hiện vật, không gian trên mặt phẳng hai chiều. Trong nghệ thuật, trang trí đã trở thành một ngành nghệ thuật độc lập. Ví dụ: trang trí sân khấu, trang trí bìa sách, trang trí mặt nạ nhân vật Tuồng, Chèo...

Cách điệu (Stylization): “Sự chắt lọc từ những đường nét, hình thể đặc trưng nhất của một đối tượng có thật” [69, tr.30]. Thuật ngữ cách điệu còn có


nghĩa là: “xây dựng thành hình tượng nghệ thuật bằng cách chọn và làm nổi bật những nét tiêu biểu về tính cách [127, tr.144]. Nói cách khác, hình thể, đường nét được thể hiện theo ý chủ quan của chủ thể sáng tạo, dựa trên cơ sở gợi ý từ hiện thực khách quan, tự nhiên. Ví dụ: mây, hoa lá... cách điệu.

Tượng trưng (Symbolized): “Dùng một sự vật cụ thể có hình thức hoặc tính chất thích hợp để gợi ra sự liên tưởng đến một cái trừu tượng nào đó” [69, tr.1384]. Trong Từ điển Ngôn ngữ học, thuật ngữ tượng trưng cũng mang hàm ý tương tự. “Ví dụ: chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình” [73, tr.1384]. Như vậy, có thể hiểu thuật ngữ tượng trưng là một thủ pháp nghệ thuật, thường sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ, màu sắc có sức gợi liên tưởng đến một hiện tượng, sự việc, đối tượng khác, giàu giá trị nghệ thuật, văn hóa và có nghĩa tương đương. Trong nghệ thuật tuồng truyền thống, màu sắc, đường nét trang điểm trên khuôn mặt diễn viên thể hiện rõ đặc điểm, tính cách của của nhân vật nóng tính, cương trực hay điềm đạm, nho nhã, chính diện hay phản diện; chuyển động bước đi hình chữ chi hay đường thẳng thể hiện nhân vật đó là quan tướng hay quan văn...

Ước lệ (Represented): “Quy ước trong biểu hiện nghệ thuật” [69, tr.1395]. Thuật ngữ ước lệ có hàm nghĩa tương tự ở Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học. Như vậy, ước lệ được hiểu theo nghĩa rộng là những quy ước cảm tính, thậm chí trừu tượng được ngầm thống nhất trong nghệ thuật, và trong quan niệm của một cộng đồng. Ví dụ, trong nghệ thuật sân khấu chèo, không gian, thời gian, hành động (phi ngựa) đều mang tính ước lệ cao. Trong Nghệ thuật Sắp đặt, yếu tố ước lệ cũng được thể hiện rõ rệt qua màu sắc, không gian (hiện thực - ước lệ).

Dân gian (Folk): Được sáng tạo ra và lưu truyền tự nhiên, rộng rãi [69, tr. 325]. Tương tự, Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, thuật ngữ dân gian cũng định nghĩa là: “phạm vi đông đảo dân thường trong xã hội; được sáng tạo ra và lưu truyền rộng rãi trong dân gian” [73, tr.325]. Trong cuộc


sống, dân gian được hiểu là các giá trị vật chất và tinh thần do tập thể sáng tạo, làm ra và lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng. Các sản phẩm dân gian thường không có tên tác giả cụ thể, không có bản quyền sở hữu của một cá nhân, mọi người đều có thể tự do sử dụng, sáng tạo theo ý muốn. Ví dụ tranh Đông Hồ, Hàng Trống, chạm khắc đình làng, cây Nêu, Hội làng, chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, dân ca, đồ mã...

1.2.2. Lý thuyết nghiên cứu và luận điểm khoa học

1.2.2.1. Lý thuyết Tiếp biến văn hóa (Acculturation)

Qua khảo sát thực tiễn, Nghệ thuật Sắp đặt giai đoạn 1995 - 2018 mang đậm YTTT, các yếu tố này biểu hiện qua tạo hình, trang trí, không gian di sản, chất liệu bản địa, chủ đề tín ngưỡng, ký ức, phản biện xã hội, mang đặc điểm, giá trị văn hóa nghệ thuật riêng biệt. YTTT trong NTSĐVN không chỉ mang lại ấn tượng thị giác mạnh mà còn biểu đạt giá trị nổi bật, tạo nên một sắc thái riêng biệt, có thể nhận diện qua hình thức và chủ đề của tác phẩm.

Để giải quyết vấn đề nghiên cứu trong luận án, đòi hỏi phải có những hệ thống lý thuyết làm xương sống nhằm soi chiếu, phân tích, giải mã, so sánh, đánh giá đối tượng nghiên cứu. Cụ thể, luận án sẽ áp dụng hệ thống lý thuyết và luận điểm của Tiếp biến văn hóa, Ký hiệu học, vận dụng phương pháp tiếp cận liên ngành để có thể xem xét đối tượng nghiên cứu từ nhiều góc nhìn tham chiếu.

Lý thuyết Tiếp biến văn hóa đã được các học giả phương Tây quan tâm từ đầu thế kỷ XX với các công trình nghiên cứu của nhiều nhà xã hội học, triết học, nhân học, tâm lý học như William Isaac Thomas, Florian Witold Znaniecki, Robert Redfield, Ralph Linton, Melville Jean Herskovits, David L. Sam, John W. Berry... Năm 1938, tác giả người Mỹ Melville Jean Herkovits đã công bố công trình nghiên cứu Tiếp biến văn hóa - Nghiên cứu về các mối quan hệ văn hóa (Acculturation - The study of cutural contacs), Nxb. Augustine, New York. 4. Ngoài ra còn có rất nhiều học giả quốc tế cũng đã


công bố công trình nghiên cứu về Tiếp biến văn hóa với ý nghĩa không ngừng được bổ sung, mở rộng.

Nguyên lý cơ bản của lý thuyết Tiếp biến văn hóa là xem xét kết quả tiếp xúc văn hóa để phát hiện ra những dấu ấn có được từ sự tác động tương hỗ của yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh. Bên cạnh đó, nhà nhân học xuất sắc người Pháp Claude Levi - Strauss (1908 - 2009) đã đưa ra luận điểm về “tính đa dạng của các nền văn hóa” với sự nhìn nhận tính đa dạng văn hóa như là di sản chung của nhân loại, cần được bảo vệ, kế thừa và sáng tạo trong mọi thời đại, được giới khoa học thế giới thừa nhận, trở thành định hướng toàn cầu.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, lý thuyết Tiếp biến văn hóa đã được nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực giới thiệu. quan tâm và ứng dụng. Năm 2014, tác giả Nguyễn Thừa Hỷ viết bài “Tiếp biến văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn lý thuyết hệ thống”, đăng trên tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (82), tác giả cho rằng: Tiếp biến văn hóa là một thuật ngữ, một khái niệm khoa học được “các nhà dân tộc học phương Tây sử dụng đầu tiên vào khoảng năm 1880”. Nội dung cơ bản của khái niệm này là “tiếp xúc” và “biến đổi” về văn hóa, được hiểu là: “một quá trình biến đổi kép về văn hóa và tâm lý xảy ra do kết quả của sự tiếp xúc giữa hai hoặc nhiều nhóm văn hóa và những cá nhân thành viên của những nhóm văn hóa đó” [38, tr.93].

Năm 2018, tác giả Nguyễn Văn Kim chủ biên cuốn Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. Nội dung công trình nghiên cứu này gới thiệu cho người đọc một bức tranh khá đầy đủ về tiến trình lịch sử về tiếp biến và hội nhập của văn hóa Việt Nam, từ góc nhìn đa dạng về kinh tế, chính trị, văn hóa cho đến hệ thống thiết chế văn hóa, chiến lược phát triển văn hóa trong công cuộc hội nhập hiện nay. Đồng thời, công trình cũng giới thiệu một số kinh nghiệm tiếp biến và hội nhập văn hóa ở một số quốc gia, qua đó Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi. Công trình đã


dẫn nhiều cách định nghĩa về thuật ngữ tiếp biến văn hóa, theo tạp chí International Journal of Intercultural Relation (2005): “Tiếp biến văn hóa là một quá trình biến đổi kép về văn hóa và tâm lý xảy ra do kết quả của sự tiếp xúc giữa hai hoặc nhiều nhóm văn hóa và những cá nhân thành viên của hai nhóm văn hóa đó”; hoặc định nghĩa ngắn gọn trong Từ điển American Heritage Dictionary (2009): “Tiếp biến văn hóa là sự biến đổi về của một nhóm người hoặc một cá nhân do kết quả đem lại bởi sự tiếp xúc với một nền văn hóa khác” [48, tr.46]. Tóm lại, hiểu một cách đơn giản, tiếp biến văn hóa là chuỗi quan hệ nhân quả, do tiếp xúc, đối thoại dẫn tới tiếp biến giữa hai hay nhiều nền văn hóa tạo thành.

Cuốn sách này cũng giới thiệu các hình thức tiếp biến văn hóa như: phản tiếp biến (acculturative opposition); đề kháng văn hóa (cultural resistance); tiếp biến mềm dẻo (flexible acculturation); tiếp biến hỗn dung văn hóa (cultural syncrtism); tiếp biến lai tạo văn hóa (hybridization)...

Văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm toàn bộ sản phẩm vật chất và tinh thần do con người tạo ra nhằm phục vụ cuộc sống con người. Nghệ thuật nói chung và Nghệ thuật Sắp đặt nói riêng là một bộ phận thuộc văn hóa nhân loại. Nghệ thuật Sắp đặt là sản phẩm của đời sống, là tấm gương phản chiếu xã hội đương đại. Khi nghiên cứu đối tượng này, cần xem xét nó trong mối quan hệ với nhiều nhân tố khác, có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến nghệ thuật như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, và tâm lý sáng tạo của nghệ sỹ và nhu cầu của người thưởng thức... Do đó, áp dụng lý thuyết Tiếp biến văn hóa để xem xét quá trình tiếp xúc, tiếp nhận và biến đổi của NTSĐVN là yêu cầu cần thiết khi nghiên cứu đề tài này. Nói cách khác, các tác phẩm Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam có YTTT giai đoạn này sẽ được nhìn nhận và tiếp cận từ kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa, của quá trình tác động tương hỗ giữa yếu tố nội sinh (YTTT) bản địa và yếu tố ngoại sinh (hình thức hiện đại) quốc tế.


Liên hệ với văn hóa Việt Nam cho thấy, một phần do địa chính trị quan trọng, nền văn hóa của chúng ta là kết quả của văn hóa bản địa tiếp biến đa dạng với văn hóa Đông, Tây, là văn hoá hỗn dung, tích hợp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam là sản phẩm tiếp biến văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế giao lưu, hội nhập quốc tế. Tiếp xúc của mỹ thuật hiện đại Việt Nam với thế giới, được tác giả Thái Bá Vân tổng kết: “1. Cuộc tiếp xúc với nghệ thuật Pháp, qua trường Mỹ thuật Đông Dương trước đây; 2. Cuộc tiếp xúc với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, qua Trung Quốc và Liên Xô là chủ yếu; 3. Cuộc tiếp xúc hiện nay, với một thế giới mở rộng và đổi khác về nhiều ranh giới và tính chất” [111, tr.65]. Như vậy, Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam thuộc cuộc tiếp xúc thứ ba này, mang đặc trưng nghệ thuật hậu hiện đại, vượt qua các chuẩn tắc thẩm mỹ truyền thống với hình thức biểu hiện mới.

Áp dụng lý thuyết Tiếp biến văn hóa là cần thiết nhằm làm sáng tỏ quá trình từ tiếp nhận, giao lưu, đối thoại cho tới tiếp biến văn hóa nghệ thuật. Chỉ rõ quá trình biến đổi của NTSĐVN, sự kết hợp giữa YTTT với hiện đại, giữa quốc tế với địa phương, giữa toàn cầu với dân tộc, phản ánh hơi thở đời sống đương đại Việt Nam, là yêu cầu thiết thực đối với vấn đề nghiên cứu. Áp dụng lý thuyết Tiếp biến văn hóa với phương pháp tiếp cận liên ngành, đề tài sẽ từng bước làm sáng rõ sự tiếp biến của NTSĐVN diễn ra như thế nào bởi tác động từ bối cảnh chính trị, kinh tế trong nước; hình thức tiếp biến; tác động của thời đại công nghệ thông tin; xu hướng giao lưu, hội nhập quốc tế...), làm cơ sở cho bước nghiên cứu tiếp theo.

Hệ thống tư liệu này giúp cho NCS có được một cái nhìn tổng quát về vấn đề văn hóa nói chung, vấn đề tiếp biến, giao lưu, hội nhập văn hóa ở Việt Nam nói riêng. Nhóm công trình nghiên cứu kể trên cung cấp lượng thông tin phong phú, các phương pháp tiếp cận văn hóa học của các học giả quốc tế và trong nước qua nhiều góc nhìn khác nhau khi vận dụng vào luận án.

Xem tất cả 236 trang.

Ngày đăng: 23/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí