Tiền Đề Chủ Quan: Quan Niệm Văn Học Của Hồ Anh Thái


gieo mầm. Đây là một thể loại độc đáo của văn xuôi tự sự trung đại.Ngay bản thân tên gọi “truyền kỳ” đã bao hàm yếu tố kì ảo, bất thường.Bởi truyền kỳ là những truyện kì lạ được lưu truyền trong dân gian. Đỉnh cao của truyện truyền kỳ Việt Nam là tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Tiếp thu những tinh hoa của truyện truyền kỳ nhà Đường và cái kỳ vốn có sẵn trong kho tàng dân gian truyền thống Nguyễn Dữ đã tạo nên những tác phẩm thực sự có giá trị Cái chùa hoang ở Đông Triều, Chuyện kì ngộ ở trại Tây, Chuyện câygạo…Tác giả đã xây dựng một thế giới trong đó có sự lẫn lộn giữa cái thực và cái ảo. Nhưng điều quan trọng là cái ảo ở đây không hề xa lạ, hay như một cứu cánh trước những bất lực của con người mà cao hơn đó là nằm trong ý thức của nhà văn. Cái kì xuất hiện giúp cho hiện thực được phản ánh ở chiều sâu và nổi lên một cách sắc nét. Những điều mà nhà văn không được phép nói hay không muốn nói một cách trực tiếp đã được cái kì nói hộ sâu sắc, thấm thía hơn. Chính Vũ Thanh đã nhận ra đặc trưng đó: “Trong truyện truyền kỳ các tác giả sử dụng yếu tố kì không phải chỉ với chức năng là vỏ bọc che giấu dụng ý sâu xa của nhà văn mà còn với tư cách một bút pháp nghệ thuật mang tính đặc trưng của thể loại. Tác giả phản ánh hiện thực qua cái kì lạ” [72, tr.14]. Nếu như thần thoại sử dụng cái kì ảo một cách vô thức, cổ tích mượn cái kì ảo để thoả mãn những ước mơ thì truyện truyền kì là một bước tiến đáng kể. Cái kì ảo trở thành phương tiện nghệ thuật nhằm chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực một cách đắc lực của nhà văn.

Cái kì ảo không hề chết khi bước sang thế kỉ XX. Mệnh đề đó vẫn đúng khi soi vào văn học dân tộc. Thế kỷ XX, chúng ta nhận ra dư ba của truyện truyền kỳ, chí dị, trong văn học Việt Nam hiện đại và dường như cái vòng sóng ấy càng về sau càng mạnh mẽ hơn.Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đến trước Cách mạng tháng Tám tồn tại nhiều tác phẩm mang đậm màu sắc Liêu Trai, ma quái mang âm hưởng rõ nét của truyện truyền kỳ: Kim Ba chí dị


(Kim Ba), Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ),…Ngay nhan đề, các tác giả đã tự nhận làm môn đệ của Bồ Tùng Linh người khai sinh tập truyện truyền kỳ nổi tiếng: Liêu Trai chí dị. Ngoài ra còn có các tác phẩm: Tân liêu trai (Phong Ngạn), Thần hổ, Ai hát giữa rừngkhuya (Đái Đức Tuấn),Ngậm ngải tìm trầm (Thanh Tịnh). Nói đến văn học thế kỷ XX không thể không nhắc đến Nguyễn Tuân – Một phong cách lạ và độc đáo. Ngay cả trong lĩnh vực của cái kì ảo, truyện ngắn của ông cũng có những đóng góp giá trị. Màu sắc huyền hồ, kì ảo, ma quái phủ lên một số trang viết của Nguyễn Tuân như: Khoa thi cuối cùng, Trên đỉnh non Tản, Chùa Đàn. Sự báo oán của người đàn bà đối với hai anh em ông Đầu xứ, thế giới tiên cảnh trên đỉnh non Tản và cây đàn ma quái, linh ứng trong Chùa Đàn là những biểu hiện của cái kì ảo trong văn Nguyễn Tuân. Với những tác phẩm đậm màu sắc Liêu Trai, tác giả đã định danh bằng một từ rất đắt, “yêu ngôn”.Nhìn chung cái kỳ ảo trong tác phẩm nửa đầu thế kỷ XX hầu như vẫn mang những đặc trưng của truyện truyền kỳ, đóng vai trò của một phương thức nghệ thuật độc đáo tuy nhiên có khác là nó được thể hiện qua bút pháp và tâm tình của người hiện đại.

Sau Cách mạng tháng Tám, văn học nước ta bước vào một quỹ đạo mới, mang đặc trưng của một nền văn học cách mạng. Văn học trở thành một mặt trận, góp phần vào cuộc đấu tranh sống còn của dân tộc.Mọi biểu hiện của chủ nghĩa bi quan, hoài nghi, mê tín đều bị gạt bỏ.Cái kì ảo nghiễm nhiên mất chỗ đứng và lùi vào hậu trường. Tuy nhiên, rải rác trong một số tác phẩm ở các đô thị miền Nam vẫn có yếu tố kì ảo, tiêu biểu là Bút máu (Vũ Hạnh). Đây chính là quãng ngưng đọng, đứt đoạn của dòng chảy kì ảo như đã đề cập ở trên.

Chiến thắng 1975 được xem là dấu mốc chấm dứt giai đoạn chiến tranh vệ quốc triền miên, mở ra thời kỳ phát triển mới của dân tộc và đồng thời cũng mở ra một chặng đường mới cho văn học Việt Nam. Đổi mới văn học sẽ khó


thành hiện thực nếu không có sự hậu thuẫn có tính chất quyết định là xu hướng dân chủ hoá. Sau 1975, đặc biệt từ giữa những năm 80 trở lại, dân chủ hoá là xu thế lớn nhất của xã hội và đời sống tinh thần con người và nó cũng trở thành xu hướng vận động bao trùm văn học Việt Nam. Xu hướng này được cụ thể trong đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng, sau đó là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về “Đổi mới và nâng cao trình độ quản lý văn học nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới”, và trong cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện văn nghệ sĩ Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 10

– 1987; tất cả những điều đó tạo thành luồng gió mát thổi vào đời sống văn học nghệ thuật nước ta, mở ra thời kỳ đổi mới của văn học Việt Nam trên tinh thần “đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật”, tạo tiền đề tư tưởng cho xu hướng dân chủ hoá trong văn học được khơi thông và phát triển mạnh mẽ. Phải nói rằng, “tự do sáng tác” đã trở thành sức mạnh kích thích sự sáng tạo của nhà văn rất lớn, tình trạng như Nguyễn Minh Châu nói: “Viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh” đến nay đã không còn, đề tài được mở rộng không bị trói trong yêu cầu “tất cả vì tiền tuyến” như trước mà bao trùm tất cả lĩnh vực, từng ngõ ngách của đời sống. Chiến tranh cũng được nhìn nhận lại tới tận những góc khuất của nó. Chiến tranh trong văn xuôi lúc này không chỉ là mặt phải của tấm huân chương, rực rỡ và tươi sáng mà còn là mặt trái của nó với nhiều xù xì, góc cạnh, và chủ yếu được nhìn nhận từ số phận cá nhân, vấn đề cá nhân.Trong số những đại diện tiêu biểu phải kể đến Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, hay Người sót lại của rừng Cười của Võ Thị Hảo,… Tinh thần dân chủ cũng đã cho nhà văn tư thế mới, là người phát ngôn cho ý thức xã hội nhưng dưới góc độ cá nhân, bằng tiếng nói của cá nhân mình, và tác phẩm văn học trở thành phương tiện

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.


tự biểu hiện, là nói nhà văn phát biểu tư tưởng, quan niệm của mình về xã hội và con người.

Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái - 4

Có thể kể thêm một số điều kiện thuận lợi nữa, như: sự đổi mới trong đánh giá về vai trò, chức năng của văn học, về quan hệ giữa văn học và hiện thực, hay những tác phẩm văn học phương Tây (không kể văn học cổ điển châu Âu đã được giới thiệu từ trước) được dịch và giới thiệu rộng khắp,… cũng đưa lại cho văn học nhiều ảnh hưởng tích cực. Song chúng tôi vẫn cho rằng sự thức tỉnh của ý thức cá nhân trong đời sống mới và xu hướng dân chủ hoá trong sáng tác văn học là hai nhân tố chính đưa lại sự thay đổi về cách đánh giá và thể hiện con người của nhà văn; từ đó kéo theo sự thay đổi từ đề tài, chủ đề, kết cấu cốt truyện, nhân vật, cho đến ngôn ngữ, giọng điệu, cũng như xuất hiện một số thủ pháp nghệ thuật khác.

Sau 1975, văn học trở về với cuộc sống đời thường, khai thông cho nguồn mạch của cái kì ảo.Trong những năm qua, văn học mở rộng cửa đón nhận sự trở lại của cái kì ảo một cách nhiệt thành cởi mở. Quan sát sự trưởng thành của nền văn học sau 1975, chúng tôi cảm nhận rằng cái kỳ ảo lớn hơn trước cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, chúng tôi không thể liệt kê được tất cả, chỉ tập trung vào những hiện tượng nổi bật như Nguyễn Huy Thiệp (Chảy đi sông ơi, Con gáithuỷ thần, chùm truyện “Những ngọn gió Hua Tát”…), Võ Thị Hảo (Tim vỡ, Nàng tiên xanh xao…). Phạm Thị Hoài (Thiên sứ, Tiệm may Sài Gòn), Lưu Minh Sơn (Bến trần gian), Phạm Hải Vân (Điếu cày, Thợ may), Hoà Vang (Nhân sứ, Sự tích một ngày đẹp trời), Hồ Anh Thái với các truyện ngắn và tiểu thuyết…Về chất lượng, cái kì ảo trong văn học sau 1975 đã tìm đến những phương thức biểu hiện phong phú, đa dạng và độc đáo. Tìm tòi những phương thức mới, các nhà văn làm cho cái kì ảo xuất hiện không hề đơn điệu mà sống động, hấp dẫn. Những ngọn gió Hua Tát với mười truyện trên bản nhỏ của Nguyễn Huy Thiệp được bao phủ trong sương


mờ cổ tích. Trở về, khai thác những motif quen thuộc trong kho tàng văn học dân gian, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên những câu chuyện xinh xắn, cổ xưa nhưng ẩn bên trong là đời sống nhân sinh nhức nhối. Song song với sự đổi mới về phương thức biểu hiện, cái kì ảo đảm đương thêm những sứ mệnh mới, nếu như trước đây nhà văn ta quen với lối “tả thực” thì giờ đây cái kì ảo ra đời thể hiện sự đổi mới trong phương thức phản ánh. Qua lăng kính kì ảo hiện thực trở nên đa chiều, đầy rẫy những sự bất trắc, ngẫu nhiên. Nhờ cái kì ảo, hiện thực được soi chiếu gián tiếp làm tăng thêm độ khái quát và chiều sâu triết lí cho tác phẩm. Có thể khẳng định, sự trở lại của cái kì ảo là một dấu hiệu đáng mừng. Chúng ta chờ đón những thành tựu tiếp theo của văn học đương đại trên cơ sở phát huy truyền thống.

Tìm hiểu cái kì ảo trong bầu trời chung của văn học Việt Nam và thế giới chúng tôi muốn khẳng định đây là một dòng chảy liên tục và có tính quy luật phổ quát. Tuy nhiên trong xu thế chung đó, mỗi dân tộc, mỗi cá nhân sẽ tìm cho mình một con đường đi riêng để khẳng định sự tồn tại, vị thế của mình. Ở Luận văn này, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu một hiện tượng cụ thể: cái kì ảo trong văn chương Hồ Anh Thái.

1.2.2 .Tiền đề chủ quan: Quan niệm văn học của Hồ Anh Thái

1.2.2.1. Sự mở rộng quan niệm về hiện thực và đối tượng phản ánh của văn học

Sau 1975, đặc biệt là sau năm 1986, văn học đã có nhiều thay đổi hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước. Nhà văn quan tâm nhiều tới những cách thức biểu đạt mới lạ ngoài nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực. Theo dòng chảy này, yếu tố kì ảo đã xuất hiện trở lại mạnh mẽ, trở thành một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt để nắm bắt hiện thực, chứng tỏ được sức sống mãnh liệt, dồi dào của nó. Theo Nguyên Ngọc “chất liệu cũ là chất liệu truyền thống đã quen thuộc và có tính chất thuận, chất liệu mới ngồn ngộn, phức tạp hơn nhiều, nó có nhiều mặt, nhiều chiều lẫn lộn và trong đó có một số khá


hơn những chiều nghịch…đặc biệt, các chiều nghịch hình như được tập trung khai thác nhiều hơn” [16, tr.82], bởi các chiều nghịch thường mới lạ và hấp dẫn hơn. Chính sự hiện diện của chất liệu mới này mà đã đặt văn học trước cuộc nhận đường lần thứ ba, kéo theo sự thay đổi của tư duy nghệ thuật, cảm hứng chủ đạo của văn học, cũng như hình thức tác phẩm, ngôn từ nghệ thuật…và nhất là trong quan niệm về hiện thực của văn học hôm nay.

Nguyên nhân chủ yếu của sự chuyển biến trong quan niệm về hiện thực, tính hiện thực của văn học xuất phát từ phía đội ngũ nhà văn. Với họ, hiện thực lúc này không đồng nghĩa với tính có thật, giống như thật, mà cao hơn thế, nó là “vẻ đẹp huyền thoại của sự tái hiện tự nhiên theo cách nhìn độc đáo của nhà văn về sự vật” [16, tr.176]. Biên độ hiện thực trong quan niệm của người cầm bút đã được mở rộng hơn, được soi chiếu từ nhiều góc độ tạo điều kiện để họ có thể thâm nhập vào địa hạt mới mẻ, phù hợp với cá tính sáng tạo và óc tưởng tượng phong phú của mình.

Đặt trong sự thay đổi về cái nhìn hiện thực của văn chương đương đại, Hồ Anh Thái cũng trình bày một quan niệm riêng, độc đáo về hiện thực: Quan niệm về hiện thực cũng là những gì ta thấy, ta nghe, ta trải nghiệm là chưa đủ. Hiện thực còn là cái ta cảm nữa.Những gì tồn tại ở thế giới bên ngoài đều có thể tìm thấy ở thế giới bên trong mỗi người, ở trong tâm và trí của họ.Cả một đời sống tâm linh cũng là hiện thực.Gần với quan niệm này của Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập cũng quan niệm “Ngay cả hiện thực cũng chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ hỗn loạn, vô tận, giấc mơ với những đường bay của mê lộ” [44, tr.28]. Sự thay đổi quan niệm về hiện thực đã giúp các nhà văn có điều kiện khám phá mọi phương diện của cuộc sống, đi sâu vào những góc khuất của hiện thực khách quan và hiện thực tâm hồn để có thể thoải mái liên tưởng, sử dụng yếu tố kì ảo như một thủ pháp đắc lực để tá hiện hiện thực này.


1.2.2.2. Quan niệm “Tiểu thuyết như một giấc mơ dài”

Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Hoàng Lan Anh, trên Người lao động cuối tuần, Hồ Anh Thái đã chia sẻ: “Với tôi, tiểu thuyết như một giấc mơ dài, nó vừa thuộc về thế giới này nhưng lại như ở đâu đó xa xôi lắm. Tôi thường ví nó là một giấc mơ mà khi tỉnh dậy, người ta vừa mừng rơn như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng, lại vừa tiếc nuối vì phải chia tay với những điều mà đời thực không có. Nếu tôi chỉ dùng phương pháp hiện thực thuần túy thì cũng sẽ không có giấc mơ ấy đâu, vì như thế là tự làm nghèo trang viết của mình” [81, tr.248]. Với quan niệm này, Hồ Anh Thái đã xác lập cho mình một cái nhìn vượt qua lối mòn tư duy coi văn học như là tấm gương phản ánh hiện thực một cách giản đơn, thứ “hiện thực thô sơ”. Giống như Hòa Vang, Hồ Anh Thái không thừa nhận sự độc tôn của phương pháp thuần túy hiện thực mà nhấn mạnh vào khả năng tưởng tượng tự do, phóng túng, mở rộng đến vô cùng biên độ của hiện thực. Và ông cũng thừa nhận bản thân chịu ảnh hưởng tư tưởng của triết gia Ấn Độ Vivekananda khi bàn về nghệ thuật: “Thế giới này nhỏ bé lắm, người ta phải thêm vào đó một chút tưởng tượng”.

Nhìn lại cái “quan niệm một thời về chủ nghĩa hiện thực thô sơ”, Hồ Anh Thái cho rằng: “Thật quá mà đâu phải đã đến gần hiện thực”, đồng thời cũng không che giấu mong muốn được đọc và viết “những tác phẩm của sức tưởng tượng phi thường, tạo dựng được những tình huống khác lạ, những cảm xúc mê đắm, những nhân vật không chịu mặc đồng phục” [82, tr.12]. Chính quan niệm này, đã dẫn Hồ Anh Thái đến với cái kì ảo, tận dụng nó như một thủ pháp đắc địa để tạo ra sự quyến rũ cho những trang viết của mình.

1.2.2.3. Quan niệm về sự lao động nghiêm túc của nhà văn

Hồ Anh Thái cũng có những quan niệm về lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, đòi hỏi sự sáng tạo và độc đáo của chính bản thân trên mỗi trang văn chứ không phải là thứ lao động tài tử, nghiệp dư. Ông không trông chờ


vào “hứng” mà có “lịch làm việc” rõ ràng: “Việc công sở bận rộn, nhưng mỗi ngày tôi phải đều đặn viết ít nhất hai tiếng. Người viết chuyên nghiệp phải thế, ngồi vào bàn và anh phải có đủ kỹ năng để huy động cảm hứng. Chờ cảm hứng tự dẫn thân đến là một thái độ lao động nghiệp dư và có chút thần bí hóa nghề văn” [81, tr.249]. Chính thái độ viết văn nghiêm túc và có trách nhiệm như thế, Hồ Anh Thái đã luôn có sự tìm tòi, sáng tạo trên mỗi trang văn của mình. Ông đã khẳng định: “Hiện thực và không gian nghệ thuật của mỗi cuốn sách đòi hỏi một cách xử lý riêng, một giọng điệu riêng, một văn phong riêng. Tôi tránh lặp lại người khác và lặp lại chính mình.Tôi cho rằng, người có phong cách chính là không khư khư bám lấy một phong cách cố định, bất biến.Có phong cách tức là phải đa giọng điệu, dù anh có đổi giọng đến thế nào thì vẫn là trên cái nền tảng văn hóa của anh, trên tầm nhìn của anh vào thế giới nhân sinh mà thôi. Cho rằng thay đổi giọng điệu sẽ làm loãng phong cách của chính mình là một cách hiểu đơn giản và làm cho người sáng tạo lười biếng, ngại làm mới mình” [81,tr.246].

Như vậy, trong chương I, từ việc nỗ lực tìm ra một cách hiểu chung về cái kì ảo, cũng như làm rõ nó với một số khái niệm liên quan, tìm hiểu một cách tổng quan yếu tố kì ảo trong diễn trình văn học thế giới và Việt Nam, cùng với những quan niệm của nhà văn Hồ Anh Thái, chúng tôi đã cố gắng đưa ra một cách hiểu nhất quán về cái kì ảo, làm kim chỉ nam cho Luận văn. Đồng thời, thấy được yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái có một tiền đề khách quan và chủ quan vững chắc. Đó cũng chính là cơ sở lý thuyết và thực tiễn giúp chúng tôi đi sâu tìm hiểu dạng thức tồn tại của cái kì ảo trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái ở chương 2.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 28/09/2023