Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái - 1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

...........................................


NGUYỄN THỊ MƠ


YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI


LUẬN VĂN THẠC SĨ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam


Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái - 1

Người hướng dẫn: PGS.TS. Lê Quang Hưng


Hà Nội, 12/2013


MỞ ĐẦU‌

1. Lý do chọn đề tài

Trong đời sống văn học nhân loại hiện nay, thể loại tiểu thuyết vẫn giữ vai trò chủ công. Nó thường được xem là cái “máy cái”, là “cột sống của nền văn học hiện đại”, và đặc biệt, thể loại nàycó vai trò “quyết định căn cốt của diện mạo văn học” như một nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Trong những khúc ngoặt của đời sống, thường thì truyện ngắn đáp trả nhạy bén hơn trong các thể loại văn xuôi…nhưng tạo nên những chấn động trong cao trào văn học thì phải là tiểu thuyết” [60, tr.182]. Do đó, để xem xét, đánh giá một nền văn học hay một giai đoạn văn học, người ta thường xem xét trước những thành tựu của thể loại tiểu thuyết trong nền văn học, giai đoạn văn học ấy.

Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, nền văn học Việt Nam đứng trước yêu cầu phải đổi mới và thực sự đã có nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống văn học, toàn diện cả về lí luận, phê bình, sáng tác lẫn thói quen tiếp nhận. Cùng với các thể loại văn học khác, tiểu thuyết cũng không ngừng vận động để tự làm mới mình, đáp ứng yêu cầu mới của thời đại, của đời sống văn học và của đông đảo độc giả đương đại. Lúc này, yếu tố kì ảo xuất hiện như một phương tiện quan trọng giúp nhà văn thoát khỏi sự lệ thuộc vào hiện thực giản đơn, phản ánh hiện thực đa chiều, phức tạp, bất khả giải. Yếu tố kì ảo xuất hiện trong nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Phạm Hải Vân, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Ngô Tự Lập, Võ Thị Hảo...Điều đó đã góp phần tạo ra xu hướng cách tân trong nền văn xuôi Việt Nam đương đại. Các nhà văn đã mang vào văn học hơi thở của cuộc sống và con người hiện đại. Để làm được điều đó, trước hết họ phải tự làm mới chính mình.Cùng với quan niệm mới mẻ về hiện thực là một văn phong táo bạo, những sáng tác đậm chất kì ảo xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống văn học hiện nay. Yếu tố kì ảo cũng chính là một trong những gam màu chủ đạo làm nên bức tranh đầy mê hoặc và lôi cuốn trong những sáng tác của nhà văn hiện đại.


Là một cây bút của văn học đương đại, Hồ Anh Thái cũng không nằm ngoài quỹ đạo của sự tìm tòi đổi mới trên. Yếu tố kì ảo phủ lên văn chương Hồ Anh Thái một bầu không khí siêu thực, hư ảo, huyền hồ vừa độc đáo vừa quyến rũ. Đây cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thành công cho những sáng tác của ông. Xuất phát từ sự ấn tượng trước một văn phong mới lạ, độc đáo của một nhà văn có tài, chúng tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài “Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái” làm đối tượng nghiên cứu với hi vọng đóng góp một phần nhỏ vào việc tìm hiểu các sáng tác của Hồ Anh Thái. Chúng tôi cũng hi vọng qua một hiện tượng cụ thể để có một cái nhìn toàn diện hơn về văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay.

2. Lịch sử vấn đề

Hồ Anh Thái sinh ngày 18 tháng 10 năm 1960 tại Hà Nội, nguyên quán Nghệ An, theo học bậc Đại học ngành Quan hệ Quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia viết báo và làm công tác ngoại giao ở nhiều quốc gia Âu

- Mỹ, đặc biệt là Ấn Độ. Hiện nay, ông là Tiến sĩ ngành Văn hóa phương Đông, công tác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Hồ Anh Thái thành danh khá sớm. 17 tuổi, bước vào làng văn với truyện ngắn Bụi phấn gây ấn tượng cho những người biên tập bởi sự từng trải, vốn hiểu biết trong tác phẩm; 24 tuổi, đoạt giải thưởng văn xuôi 1983 - 1984 của báo Văn nghệ với truyện ngắn Chàng trai ở bến đợi xe, 26 tuổi, nhận giải thưởng văn xuôi 1986 – 1990 của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng,… Tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra (1987), Người đàn bà trên đảo (1988), tập truyện Mảnh vỡ của đàn ông (1993),… là những tiếng vang ông tạo được tiếp liền sau đó. Từ năm 2000 cho đến nay, Hồ Anh Thái không ngừng làm mới mình bằng phong cách khác so với quãng thời gian trước, và tiếp tục gây dư luận bằng rất nhiềutiểu thuyết, tập truyện ngắn, tản văn: Tự sự 265 ngày (2001), Cõi người rung


chuông tận thế (2002), Bốn lối vào nhà cười (2004), Mười lẻ một đêm (2006), Đức Phật, nàng Sivitri và tôi (2007), Namaskar! Xin chào Ấn Độ (2008), Hướng nào Hà Nội cũng sông (2009), SBC là săn bắt chuột (2011), Dấu về gió xóa (2012), Người bên này trời bên ấy (2013)…Hồ Anh Thái là một cây bút khá “đều tay” và bút lực dồi dào với gần 30tiểu thuyết và tập truyện ngắn đã xuất bản. Tác phẩm của ông, từ rất sớm, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ..., tái hiện nhiều kiếp người, cảnh người trong nhiều thời điểm và tình huống để qua đó nói lên cảm nhận sâu sắc về nhân sinh. Hơn nữa, Hồ Anh Thái là người có nhiều tìm tòi, cách tân thể loại nhằm tạo sự phù hợp, hiệu quả theo cảm quan của mình.

Sự xuất hiện của yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam từ sau năm 1975 nói chung và trong những sáng tác của Hồ Anh Thái nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, tuy vậy, vẫn chưa có nhiều công trình chuyên khảo nào, mà chủ yếu rải rác trên các bài báo, tạp chí và một số Luận án, Luận văn tốt nghiệp. Phần lớn các công trình đều tập trung chú ý đến vị trí, vai trò của yếu tố kì ảo trong tổ chức nghệ thuật của tác phẩm cũng như hiệu quả nhận thức và sức mạnh thẩm mĩ của nó.Trước hết là loạt ý kiến đề cập về yếu tố kì ảo trong văn xuôi nước ta từ sau năm 1975. Những ý kiến này tuy không trực tiếp nghiên cứu tác phẩm Hồ Anh Thái nhưng ít nhiều có liên quan tới vấn đề mà chúng tôi khảo sát.

Trong bài viết Tìm hiểu các dạng truyện kì ảo trong văn học trung đại và cận đại Đông Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi từ việc đi tìm “khái niệm truyện kì ảo” trong văn học phương Tây đến “truyện kì ảo Trung Hoa” (chí quái, truyền kỳ, chí dị), đã đặt ra mục tiêu “xác lập diện mạo “tryện truyền kì trong văn học cổ cận đại Việt Nam” [16, tr.170].Ông đặc biệt chú ý đến văn học Trung Quốc, bởi với tư cách là văn hóa kiến tạo vùng, văn học nói chung


và truyện kì ảo Trung Quốc nói riêng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn học Viễn Đông và Việt Nam. Ông đã có lý khi cho rằng quan điểm tiếp cận các dòng truyện kì ảo phương Tây sẽ “đóng góp cho ta những kinh nghiệm bổ ích để tiếp cận và phân loại truyện kì ảo Việt Nam” [16, tr.172]. Tuy vậy, dung lượng của một bài nghiên cứu đã không cho phép tác giả đủ điều kiện để hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đặt ra bởi trọng tâm của bài viết hầu như dành cho việc vẽ lại lược đồ truyện kì ảo thế giới, truyện kì ảo Việt Nam với Nguyễn Dữ, Thế Lữ, Đỗ Huy Nhiệm chỉ là những nét vẽ phác thảo. Dù sao, bài viết cũng cung cấp cho chúng tôi những cứ liệu đáng quý để dựng lại và chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt của yếu tố kì ảo trong văn học Việt nam đương đại đặt trong mối quan hệ với vă học kì ảo truyền thống cũng như truyện kì ảo thế giới.

Cũng trong công trình Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học[16], TS.Vũ Thanh có bài Dư ba truyện truyền kỳ, chí dị trong văn học Việt Nam hiện đại. Tác giả đã tìm ra “dấu vết” của yếu tố “kì” trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đến từ sự hợp lưu của hai dòng truyền thống và hiện đại, Đông và Tây, và sự trở lại của nó sau năm 1975 ở các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài. Nhà nghiên cứu đã tập trung tái hiện diện mạo truyện kì ảo giai đoạn đầu thế kỉ còn giai đoạn sau này chưa được đầu tư tương xứng.

Trong bài viết khác, Những biến đổi của yếu tố kỳ và thực trong truyện ngắn truyền kỳ Việt Nam, Vũ Thanh đã cho rằng: “Cái kì vốn là một phạm trù của mỹ học Trung Hoa cổ, là đặc thù tư duy một giai đoạn lịch sử. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Viễn Đông đều chứa đựng trong nó những yếu tố kì lạ” [72, tr.13]. Tác giả khẳng định yếu tố “kì” trong vai trò một phương thức nghệ thuật: “Trong truyện truyền kì các tác giả sử dụng yếu tố kì không phải chỉ với chức năng là vỏ bọc, che đậy dụng ý sâu xa của nhà văn mà còn với tư cách là một bút pháp nghệ thuật mang tính đặc trưng của thể


loại. Các tác giả phản ánh hiện thực qua cái kì lạ” [72, tr.14]. Như vậy, chỉ qua truyện truyền kỳ, một hình thức tự sự của văn học trung đại, tác giả đã nhận ra khả năng to lớn của cái kì trong việc phản ánh, mô tả hiện thực một cách có ý thức, đầy chủ động.

Trong những năm gần đây, vấn đề huyền thoại được đặt ra và thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định sự tương đồng giữa “kì ảo” và “huyền thoại” trong văn học hiện đại. Từ tháng 10/1994 đến hết năm 1995, trên tuần báo Văn nghệ đã diễn ra cuộc tranh luận học thuật sôi nổi và thú vị xung quanh mối quan hệ giữa văn học và lịch sử, văn học và huyền thoại, huyền thoại và vô thức...với những tên tuổi như Đỗ Minh Tuấn, Lại Nguyên Ân, Trần Duy Châu, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Hào Hải, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Tri Nguyên...Ngoài ra, rải rác trên Tạp chí văn học và nhiều công trình nghiên cứu khác cũng có các ý kiến về vấn đề này của Hoàng Trinh, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trung Đức, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu, Đặng Anh Đào, Trần Lê Bảo, Lê Nguyên Cẩn, Bùi Việt Thắng, Trần Thị Mai Nhi...Các tác giả có những quan điểm khác nhau nhưng đều đồng nhất khi xem huyền thoại hiện đại không phải là một thể loại văn học. Bởi những phẩm chất kế thừa từ thần thoại, huyền thoại hiện đại không phải do tập thể quần chúng xây dựng nên hoặc do trí tưởng tượng của nhân dân sáng tạo ra mà là con đẻ tinh thần của nhà văn. Từ đó, huyền thoại được coi là thủ pháp nghệ thuật tích cực của các nhà văn thế kỉ XX. Theo các tác giả, “huyền thoại với tư cách là những câu chuyện về điều huyền bí thì nó không chỉ có ở trong quá khứ, trong thần thoại mà còn có mặt trong đời sống hiện tại và tương lai, khi nào còn có nhà văn lấy cái “kì dị” làm mục tiêu sáng tác” [6, tr.55]. Bản thân huyền thoại hiện đại bao giờ cũng là “một hệ thống kí hiệu thẩm mĩ đặc biệt”, ở đó cái huyền hoặc, hư ảo không còn là những yếu tố gây hoang mang cho người tiếp nhận mà lại càng


kích thích trí tưởng tượng bay bổng của người đọc, tạo ra sự đa dạng, mới mẻ trong văn xuôi hôm nay. Về mặt lí luận, “huyền thoại là một hệ thống tín hiệu dùng thủ pháp kết hợp hư thực để nhận thức, phản ánh cuộc sống...Đan xen cái không thực và không thể xảy ra vào cái có thực và có thể xảy ra tạo thành một hệ thống sự việc vừa lạ lùng, vừa chân thực” [35, tr.44]. Với huyền thoại hiện đại, “cái có tính huyễn hoặc là cần thiết để tiếp cận hiện thực” [39, tr.35].

Với bài viết Huyền thoại và sức sống của huyền thoại trong văn chương xưa và nay, Nguyễn Trường Lịch sau khi lược thuật một số yếu tố huyền thoại trong văn học thế giới và Việt Nam trước đây như một hình thức nghệ thuật phổ biến đã nhận xét: “Thời gian gần đây, trên văn đàn đã xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm sử dụng yếu tố huyền thoại. Nằm trong số những sáng tác được giải ở các cuộc thi truyện ngắn, tiểu thuyết hàng năm đã thấp thoáng một vài tác phẩm chứa đựng những nét kì ảo hoang đường của dân gian và đã đem lại cho người đọc nhiều điều mới mẻ, thú vị. Có lẽ phải kể đến Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phạm Hải Vân cùng một số cây bút trẻ khác đã tỏ ra có ít nhiều thành công trên lĩnh vực này” [47, tr.22]. Đồng thời, ông cũng khẳng định: “Hiện thực cuộc sống luôn hiện hữu sinh động với muôn hình nghìn vẻ, không thể dùng hình thức đơn điệu để phản ánh. Cái kì ảo là một trong những yếu tố góp phần làm phong phú thêm cách tiếp cận hiện thực” [47, tr.22]. Cũng như tác giả Vũ Thanh, Nguyễn Trường Lịch tiếp cận cái kì ảo, huyền thoại ở phương diện thủ pháp nghệ thuật: “Đối với nhà văn, huyền thoại không tồn tại tự nó, họ dùng chúng như những hình tượng hoang đường để khắc hoạ quan niệm của con người về cái thế giới mà nhà văn mô tả chứ không phải để giải thích những hiện tượng nào đó cũng như diễn biến của chúng” [47, tr.23]. Tìm hiểu sâu về nhân vật huyền ảo, trong bài viết Nhân vật huyền ảo trong truyện ngắn đương đại, tác giả Lê Thị Hường sau khi khẳng định nhân vật huyền ảo là sản phẩm của kiểu sáng tác huyền


thoại – một thủ pháp nghệ thuật đặc trưng, đã nhận xét: “Nhân vật huyền ảo xuất hiện trong truyện ngắn hôm nay với tần số cao. Loại nhân vật này mang rõ đặc điểm của quan niệm con người thần thoại – nghĩa là nhân vật thường không có chân dung, không ngôn ngữ, tồn tại phụ thuộc vào thời gian, không gian, không già, không chết. Nhân vật thường mang một năng lực và sức mạnh khác thường có thể làm được mọi việc” [33, tr.24].

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã “đánh đồng” khái niệm huyền thoại và kì ảo. Thực chất, giữa hai khái niệm này có mối quan hệ tương đồng, nhưng vẫn có những sự khác biệt. Chúng tôi sẽ làm rõ hơn mối quan hệ giữa khái niệm cái kì ảo với huyền thoại trong chương I của Luận văn khi đi sâu tìm hiểu khái niệm cái kì ảo.

Trong những năm qua, một số Luận án, Luận văn tốt nghiệp đã tìm đến yếu tố kì ảo – huyền thoại như mảnh đất còn mới mẻ và nhiều hứa hẹn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau 1975 đến nay (Phùng Hữu Hải), Yếu tố kì ảo trong tác phẩm văn xuôi sau 1975 (Đỗ Hải Ninh), Phương thức huyền thoại hoá và sự biểu hiện đời sống tâm linh trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 (Đỗ Thu Hương), Chất huyền thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Bùi Thị Hồng Lê), Bút pháp huyền thoại hóa trong sáng tác của Phạm Thị Hoài (Nguyễn Tuấn Anh). Trong số đó, nổi bật là công trình Luận án Tiến sĩ của Bùi Thanh Truyền với đề tài: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam [101]. Với công trình dày 215 trang, Bùi Thanh Truyền đã khảo sát tương đối toàn diện và tổng quan về yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam trên các khía cạnh: Sự đổi mới quan niệm văn học, sự đổi mới thế giới hình tượng (nhân vật, thời gian, không gian) và sự đổi mới phương thức tự sự (cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ). Từ đó ông đã khẳng định sự hiện diện của yếu tố kì ảo trong văn học hôm nay như là một trong những thủ pháp quan trọng và độc đáo tạo nên sự thành công của văn

Xem tất cả 118 trang.

Ngày đăng: 28/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí