dường như sự gần gũi với Thạch Lam khi cảm nhận được sự lặp lại đơn điệu, buồn tẻ của nhịp thời gian lên số phận và cuộc đời các nhân vật của mình.
Chúng ta thử nhìn vào cuộc sống của hai nàng Quỳnh và Giao trong
Tỏa nhị kiều
“ Tôi biết hai cô không có việc gì làm. Họ chẳng mấy lúc đi chơi. Họ để cho ngày tháng qua. Họ là hai cái cây - họ lại còn thua hai cái cây, bởi vì còn ra hoa, ra trái, chứ đời con gái của họ, họ biết làm gì? Không sắc, không duyên, và cũng không tiền; chỉ có hiền lành…” (Tỏa nhị kiều).
Thời gian trong nhịp điệu cuộc sống đến mức tẻ ngắt của hai nàng Quỳnh và Giao trong Tỏa nhị kiều có sự đồng điệu thời gian trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam trong buổi chiều, đêm nào cũng thấy bằng ấy hoạt động, bằng ấy con người, bằng ấy tâm trạng giống hệt nhau…Cũng giống như nhân vật Liên trong Một đời người sẽ sống cho đến hết cuộc đời với những ngày đi làm nhà máy và có thể bị đối xử tàn tệ, bị chửi rủa, đánh đập không có chút ánh sáng. Cô chấp nhận cuộc sống ấy mà không dám vượt ra ngoài nó và coi như đó là số phận của mình. Tâm trong Cô hàng xén là cuộc đời của con người nhẫn nại với chuỗi ngày bất di bất dịch. Cái nhịp điệu cũ mòn nhẫn nại ấy đan xen vào cuộc đời cô. Ngay đến cái sự kiện xáo trộn nhất là Tâm đi lấy chồng cũng không làm thay đổi lắm những nhịp điệu, những tháng ngày rong ruổi với đôi đòn gánh trên vai với những gánh hàng xén “cả cuộc đời nàng…toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ.”
Chúng ta đã biết thời gian tuyến tính thì không thay đổi. Thời gian trong vũ trụ thì muôn đời vẫn cứ thế. Chỉ có con người là cảm nhận về thời gian khác nhau mà thôi. Là một nghệ sĩ, thời gian vũ trụ càng bị đồng hóa và khúc xạ qua cái nhìn chủ quan của Xuân Diệu. Có thể nhìn nhận một điều, Xuân Diệu là con người của thời gian hiện tại. Hiếm khi ông cho nhân vật của mình ru ngủ, tiếc thương quá khứ hay mịt mù hướng đi của tương lai. Cuộc sống của ông là ở hiện tại với những cuộc đời con người cũng rất thực tại. Đó là thời gian, là cái chu trình, cái nhịp sinh học tác động lên tất cả mọi người
dù muốn hay không. Vì thế nó đến và trôi qua trong sự nuối tiếc. Và Xuân Diệu là người thấy nuối tiếc nhất, xót xa nhất khi thời gian trôi qua:
“ Dậy, dậy, tôi ơi! Kỷ niệm chực biến! Hình bóng em nhỏ sắp tan! Thôi, em đi, ta ở, ta dậy, em về; thà xa nhau trong chút bóng trăng tàn, để phút ly biệt còn đượm phấn xanh, chứ không chịu chia phôi giữa bụi bặm ồn ào, làm mất cả thiêng liêng của nỗi luyến tiếc. Hỡi em Tuổi Nhỏ, giã từ, từ giã! Ly biệt, biệt ly! Níu em nói chưa dứt lời, em đã đi mất!
Ta ở lại một mình. Thời gian đẩy sau lưng, cuộc đời kéo trước mặt, chân trái rời xa thời nhỏ, chân trước bước vào thời nào đây? Ta nuốt đắng cay, cười gượng mà để cho hoa tàn, mà mong có trái đậu; hôm nay ta xua tuổi nhỏ để khỏi chậm chân trong cuộc thế; một mai sự dời dẫu dãi, lúa gặt, việc xong, chạy đi tìm em, em tan mất rồi!
Thời gian lạnh lắm, cái gì vào đó mà còn được đâu! Hôm nay còn gặp tuổi nhỏ năm ngoái, năm sau tuổi nhỏ chắc đã mờ bóng; vài năm sau nữa, ôi thôi, em chết thực rồ! Nhớ mà thỉnh thoảng về thăm anh, em nghe; chớ vội tan trong thời giờ, mà để anh già cỗi. Giã từ.
Có thể bạn quan tâm!
- Người Nghệ Sĩ Là Người Có Tâm Hồn Thành Thật, Trái Tim Đa Tình
- Phản Ánh Thiên Nhiên, Cảnh Vật Tươi Đẹp, Tràn Đầy Sức Sống
- Thời Gian Luôn Chuyển Động Và Thay Đổi Không Ngừng
- Triết Lí Về Tình Yêu, Hạnh Phúc Trong Cuộc Sống
- Quan Niệm Về Tuổi Trẻ - Mùa Xuân Của Cuộc Đời
- Kết Cấu Trong Truyện Ngắn Trữ Tình Của Xuân Diệu
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Em Tuổi Nhỏ! Xa nhau rồi, giờ lại gặp nhau; gặp nhau thêm lần này, lần sau có gặp nhau chăng nữa? Bao giờ mới đến lần sau? Em chịu về thăm anh chăng? Ngày mai soi gương, có tình cờ thấy hai ta chung một bóng?” (Giã từ tuổi nhỏ).
Đối với ông, đã là thời gian sống, sống mãnh liệt, sống hưởng thụ thật sự cuộc đời này thì tất nhiên phải là thời gian gắn với mùa xuân và tuổi trẻ, gắn với cái hiện tại, cái hữu hiệu, cái nhỡn tiền nhưng làm sao có thể kéo dài được tuổi trẻ và những giây phút hiện tại. Quan niệm sống của Xuân Diệu tất nhiên mâu thuẫn với sự trôi chảy của thời gian, lời văn của ông vì thế mà “vội vàng”, “giục giã”:
“Gấp đi em, mau đi em, hoa ở tuổi em mới thật là hoa, để nâng niu hôn hít, thêm dăm tuổi nữa đi hoa chỉ trồng cho đẹp nhà, hãnh diện với khách qua đường...Mau đi em, gấp đi em cái vốn ngây thơ khô cạn. Thế nào
rồi việc đời cũng đến. Gấp đi em, hãy chuyện trò cũng tạo hóa, mau đi em vơ vẩn cho nhiều” (Giao lại).
Càng thấy được bước thời gian tồn tại và chi phối vạn vật, biến tất cả từ thời tươi sang thời phai. Xuân Diệu càng cố níu kéo thời gian. Lý giải quan niệm của Xuân Diệu về thời gian, chúng ta có thể thấy sở dĩ ông lại luôn níu kéo, nuối tiếc thời gian đến như vậy là vì:
Đối với Xuân Diệu, điều đó đã trở nên ám ảnh nhà thơ với những trăn trở từ thuở thiếu niên, thôi thúc tác giả sáng tạo bền bỉ để giành trọn cuộc đời cho sáng tạo chân chính. Cuộc đời lao động nghệ thuật chăm chỉ của Xuân Diệu để lại một di sản nghệ thuật đồ sộ. Động lực thôi thúc ông làm được điều to lớn ấy có phải chăng xuất phát từ nỗi trăn trở mà ông có từ thuở thiếu niên; Xuân Diệu sợ chết. Cái chết là nỗi ám ảnh lớn trong tâm khảm của nhà thơ khiến ông luôn lo sợ về sự thay đổi trôi chảy của thời gian .
Mặt khác, Xuân Diệu luôn khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời nên ông rất nhạy cảm với những chuyển biến của đất trời và sự di chuyển của thời gian bằng những cảm nhận rất tinh tế. Tác giả ý thức được sự trôi chảy, một đi không trở lại của thời gian.
Bên cạnh đó, Xuân Diệu một mặt vừa tiếp thu tư tưởng của cổ nhân, mặt khác, bằng những liên tưởng độc đáo, bằng tâm hồn nhạy cảm, Xuân Diệu lại ý thức “dòng thời gian” kéo theo sự lụi tàn của thiên nhiên và cuộc sống. Xuân Diệu không hề nuôi giấc mộng lên tiên, không than khóc với quá khứ, chạy trốn lên chốn bồng lai tiên cảnh hay vũ trụ siêu thoát cùng thăm thẳm hư vô. Con người ấy “chân hóa rễ để hút màu dưới đất”. Ông sống với thực tại và coi thực tại là cõi duy nhất xứng đáng để thưởng thức mọi khát vọng và lạc thú ở đời. Với cái tôi tiểu tư sản và mang trong mình sức trẻ, Xuân Diệu đòi hỏi được có tình cảm, tình yêu và cuộc sống vật chất. Vì thế Xuân Diệu lo sợ cái quy luật tàn tạ của đời sống và lo sợ nhịp thời gian chảy trôi, luôn luôn “ vội vàng”, cuống quýt”.
2.3.2 Thời gian - sự song hành và đối lập của “thời tươi” và “thời phai”
Trên cái gốc là lòng ham yêu, ham sống, những cảm xúc về thời gian của Xuân Diệu trong cả các sáng tác thơ và văn đều hiện lên rất rõ nét, thậm chí ám ảnh ông. Chính vì quan niệm thời gian một đi không trở lại nên Xuân Diệu ít khi nhìn thời gian theo sự vận động một chiều của nó: quá khứ - hiện tại - tương lai. Chính vì luôn coi thời gian là “kẻ thù đáng gờm nhất” (theo cách nói của Nguyễn Đăng Mạnh), đồng thời là “đại lượng tiêu cực, là kẻ thù với hạnh phúc và tuổi xuân”
(Trần Đình Sử), cho nên trong cả những trang thơ và trong văn xuôi của mình, đối với Xuân Diệu, thời gian có hai thì: “ thời tươi” và “thời phai”.
Nếu trong những trang thơ, chúng ta hơn một lần bắt gặp khoảng “thời phai” này :
“Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”
( Vội vàng )
Thì trong những trang văn của ông ta cũng thấy ông phản ánh “thời tươi” và “thời phai” rất sâu sắc.
Xuân Diệu đã sớm nhận ra rằng tuổi trẻ con người là “thời tươi” và nó không quay trở lại bao giờ :
“Em có mười sáu tuổi chỉ một lần, em không có đến hai lần cái tuổi hai mươi, em chẳng bao giờ có lại tuổi mười tám. Em chỉ có một tuổi vui…”(Giã từ tuổi nhỏ).
Chính vì ý thức được sự trôi chảy của thời gian nên Xuân Diệu đã nhìn ra sự tàn tạ của chiếc giường qua năm tháng. Ông chia thời gian – quãng đời sống của cái giường ra làm hai chặng, như hai phần của cuộc đời con người- như quá trình lên dốc và xuống dốc gắn với thời tươi - lúc chiếc giường được trọng dụng và thời phai- khi chiếc giường đã cũ kĩ và bị bỏ đi (Truyện chiếc giường).
Quãng thời gian đẹp đẽ nhất của chiếc giường thật giống với cô gái trẻ còn duyên “kẻ đón người đưa”. Cái giường đẹp bởi gắn với thời tươi sắc mà Xuân Diệu đã đặt cho đúng một từ nhưng ý nghĩa thật chính xác “mới” :
“…Xưa kia, tôi đẹp, tôi mới. Tôi lại đẹp nhất, mới nhất, không một kẻ nào cùng loài có thể sánh được kiểu tối tân của tôi. Suốt tỉnh nhỏ, người ta đều biết đến tiếng cái giường ở tiệm đồ gỗ X. Bao nhiêu người thèm thuồng đã đến mặc cả…bao nhiêu người đã trầm trồ” (Truyện cái giường).
Và nay, khi thời gian đi qua, thời tươi qua đi, chiếc giường bắt đầu tàn tạ. Nó xuống cấp dần, cũ kĩ, hỏng hóc và cuối cùng bị vứt bỏ. Thời phai của nó đã đến:
“ Bây giờ tôi cũ, tôi xấu, tôi hư. Những hình dáng thuở trước tân thời, bây giờ lại cổ hủ. Tôi đã thấy những chiếc chiếu dần dà rách, những cái gối dần dà mềm nhũn, những cái chăn dần dà mòn thủng, những cái màn hư hỏng từng miếng một, để lọt muỗi vào. Chiếu, chăn, màn, gối lần lượt tiếp nhau vào cõi tan nát; cái giường ở lại làm sân khấu cho sự đổi thay…Tôi càng cũ đi, sự hư hỏng càng đến gấp, cũng như một người càng già, những sự yếu đuối càng rủ nhau ùa đến thật nhanh. Ðoạn sau này, mỗi tháng đem đến một sự xiêu vẹo, mỗi ngày một sự mòn mỏi, rồi bỗng chốc hiện ra nào mộng hư, nào chốt gãy, nào ván thủng, chân què. Rồi tôi run lên như một kẻ già, gỗ kêu răng rắc như một ông cụ rũ xương; tôi lòng khòng yếu đuối, mọt đến ăn tôi, cọt kẹt suốt đêm ngày...” (Truyện cái giường).
Như vậy, chỉ từ câu chuyện về cái giường, từ một sự vật tưởng chừng vô tri vô giác, Xuân Diệu lại cho người đọc cảm thấy xót xa vì sự trôi chảy của thời gian. Cùng với ngày tháng qua, Xuân Diệu đã cho chúng ta thấy được sự vật bị bào mòn tàn tạ đến thế nào.
Vì thế, trong quan niệm của Xuân Diệu đã bộc lộ rõ sự phũ phàng của thời gian. Nó là tác nhân của sự tàn lụi, tàn phai của vạn vật cũng như của đời người. Sự thay đổi vị trí từ quan trọng đến vô dụng của chiếc giường đã tố cáo mãnh liệt độ phai tàn phôi pha mà vạn vật đều phải sợ :
“ Hai người chủ càng năm càng phát đạt, sự giàu sang cứ đến rất đều nhịp, lòng người bởi thế cũng đều nhịp mà tùy thời. Người ta mấy mươi lần bắt tôi đổi chỗ, mang từ phòng này sang phòng khác, đặt hết lối dọc đến lối ngang. Ban đầu tôi là chỗ nằm của ông chủ bà chủ, Rồi năm năm sau, một cái giường nguy nga tráng lệ đến làm bật hẳn sự hèn kém của tôi. Tôi thành chỗ nằm của những người khách đến ở vài ngày. Rồi tôi lại được thành chỗ nằm của một bọn trẻ con, chúng mình nhẹ song những cách tàn phá của chúng thì rất nặng. Chúng trèo lên mình tôi, và đi guốc, đi giầy lên, và nhảy nhót đùng đùng, và đánh lộn nhau ầm ĩ. Từ nhà trên tôi đã xuống nhà giữa, rồi tôi lại xuống nhà dưới, rồi cuối cùng tôi lại xuống nhà bếp, hứng lấy khói bụi mồ hóng, làm chỗ ngủ cho đầy tớ. Rồi thì đầy tớ cũng không thèm tôi nữa: tôi thì quá già mà họ lại giàu thêm. Cuối cùng, họ đẩy tôi vào đây, tôi sẩy vào đây. Khi họ mang tôi lên vai vứt ra khỏi cuộc đời, bao nhiêu xương xóc của tôi đã kêu to lên một lần cuối cùng, và tôi biết rằng tôi đã hết” (Truyện cái giường).
Nói tóm lại, chúng tôi nhận ra rằng trong văn xuôi Xuân Diệu, phạm trù thời gian được biết đến với những yếu tố sau:
Thời gian đã không còn là một công cụ nghệ thuật mà còn trở thành đối tượng phản ánh, đối tượng nhận thức. Thời gian trở thành một lực lượng để đối địch lại sự tồn tại của con người. Thời gian không phải là thời gian tuyến tính mà thời gian là sự cử động. Nó trôi chảy, một đi không trở lại. Cho nên Xuân Diệu luôn nuối tiếc và muốn níu kéo bước thời gian.
Thời gian diễn ra trong sự phôi pha, ngắn ngủi của sự vật, gắn với hai thì “thời tươi” và “thời phai”. Sự xuân sắc, tươi tắn hay tàn tạ phôi pha của sự vật và con người đều gắn với thời gian. Vì vậy, Xuân Diệu muốn nhắn nhủ mỗi người hãy biết nâng niu và trân trọng thời gian của mình.
2.4 Quan niệm về tình thương con người và tình yêu đôi lứa
2.4.1 Mở rộng tâm hồn về phía những kiếp người cùng khổ, đói nghèo, tủi nhục
Văn học giai đoạn 1930-1945 thường đề cập đến hai vấn đề của những người dân Việt Nam thời kì đó nói chung và những người nông dân nghèo
khổ thời bấy giờ, về chuyện cái ăn cái mặc, về cái đói và cái nghèo mà như nhiều người gọi là “Cái đói” và “Miếng ăn”. Trong nền văn học giai đoạn này, ta bắt gặp hình ảnh và số phận của những con người bế tắc, thậm chí đi vào đường cùng như số phận của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám ; bi kịch tha hóa của họ trong Chí Phèo của Nam Cao hay bi kịch sống mòn của những tiểu tư sản trí thức như Thứ trong Sống mòn, Hộ trong Đời thừa của Nam Cao. Tất cả họ đều có số phận tăm tối, mịt mù và bế tắc.
Cái đói và miếng ăn khiến các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 nhìn người nông dân Việt Nam bằng những cái nhìn bi quan, chán nản. Dường như trong sáng tác của họ (Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng…), cái đói cái nghèo như một sợi dây trói vô hình thít chặt lấy số phận những người nông dân lam lũ. Vì cái đói, miếng ăn họ buộc phải gắn số phận mình vào hai ngã rẽ: một là cái chết đau đớn vật vã để bảo toàn danh dự, nhân phẩm và cái nhân tính còn sót lại, hai là bị phá sản và đi vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa. Và như lời Vũ Ngọc Phan cũng đã nói khi đọc tác phẩm của Nguyên Hồng: “Ông đã tả những cảnh nghèo, cảnh khổ của mấy hạng người sống ngoài rìa xã hội một cách bình tĩnh không xen lấy một lời bình phẩm để mặc cho những việc ông tả tự gây lấy cho người đọc những cảm tưởng vui buồn, vì riêng những việc ấy đã hùng hồn rồi.”
Cùng phản ánh thế giới hiện thực khách quan những năm 1930-1945 ấy, song khác với những nhà văn hiện thực, luôn đề cập những vấn đề nóng bỏng và bức xúc của xã hội một cách trực tiếp, sinh động những áp bức bất công cùng những thối nát, mục ruỗng trong xã hội, các nhà văn lãng mạn lại đi vào những vấn đề nhỏ nhặt rất thường nhật của cuộc sống. Và trong dòng chảy ấy, Xuân Diệu cũng hướng ngòi bút của mình phản ánh những con người bình dân, những người nghèo trong xã hội. Dù được biết đến nhiều với tâm hồn trẻ trung của nhà thơ “tình yêu và tuổi trẻ”, song trái tim rộng mở yêu thương và tâm hồn nhạy cảm của Xuân Diệu còn hướng tới những kiếp người, những mảnh đời và cuộc đời của những con người bất hạnh, nghèo đói.
Nếu các nhà văn hiện thực nhìn nhận và đánh giá và miêu tả cuộc sống qua lăng kính chủ quan của mình bằng con mắt “tả chân”, “tả thực” thì các nhà văn lãng mạn lại lấy cảm hứng trữ tình làm cảm hứng bao trùm mà cốt lõi của nó là sự cảm thông, sẻ chia, lòng thương cảm. Có lẽ thế mà Xuân Diệu đã nói: “Bao giờ lòng thương cũng có duyên cơ ở trên đời cùng cực, đau đớn, khốn khổ, rách rưới, cô đơn này …”(Thương vay).
Tình thương của nhà văn được thể hiện một cách gián tiếp thông qua hình ảnh một bà lão nghèo trong một buổi chiều muộn “cả mình đen, chỉ cái nón xám. Tuy nhiên tôi cũng đoán được những miếng vải vá nơi cổ áo dài lỗ đổ không toàn màu”. “ Một bà già. Lưng khòm chân chậm. Mắt bà lão mở lim dim, mà bóng thì mờ thế này, thế có khác gì nhắm? Tay xách một cái rổ, không thấy được những thức gì trong ấy. Có chỉ là rổ không. Còm. Dáng đi run. Lặng thinh, lẽ lặng thinh, không có một tiếng. Như ngủ. Lặng thinh” (Thương vay).
Lúc này Xuân Diệu đã hóa vào nhân vật trữ tình “tôi” để xót xa thay cho thân kiếp già nua, tàn tạ, nghèo khổ của bà cụ già. Cái bóng của bà trong buổi chiều gợi lên trong lòng tác giả nỗi buồn về nhân tình thế thái. Phải chăng nhà thơ của những xúc cảm “thức nhọn giác quan” và sống cho hiện tại bỗng thấy cái vệt tối trong đời sống của con người: Đó là cái buổi chiều tà buồn bã mang trong nó cũng là những con người có số phận khổ cực, tăm tối.
Thật ra “thương vay” là tình cảm của rất nhiều nhà văn lãng mạn lúc bấy giờ. Tự thương cảm về thân phận số kiếp con người là tâm trạng chung của nhiều nhà văn trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945. Nếu đối với các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa, ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người thường nằm ở các phạm trù đạo đức. Cái nhìn về số phận con người của các nhà văn hiện thực thường đặt con người ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa lương thiện và bất lương (Chí Phèo của Nam Cao), những vấn đề phản ánh mâu thuẫn giai cấp giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giữa mong muốn khát khao lớn lao và thực tế cuộc sống tầm thường (Sống mòn của Nam Cao) thì đối với nhiều nhà văn lãng mạn, mâu thuẫn đó được phản ánh thông qua