Cấu Thành Của Vi Phạm Pháp Luật Về Bảo Hiểm Xã Hội

hoặc có khả năng nguy hiểm cho xã hội. Khi xác định một VPPL thì hành vi nguy hiểm cho xã hội là không thể thiếu. Không có hành vi nguy hiểm của con người thì không thể có VPPL. Hành vi đó có thể thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động của các chủ thể pháp luật. Pháp luật không điều chỉnh những suy nghĩ tình cảm hay những đặc tính cá nhân khác của con người cho dù nó có nguy hiểm cho xã hội hay không.

Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi VPPL trong lĩnh vực BHXH thể hiện ở việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ BHXH qua vi phạm các nghĩa vụ phát sinh do luật định liên quan đến quan hệ đóng, hưởng và quản lý hoạt động BHXH, ... Mức độ gây thiệt hại cho quan hệ BHXH của các hành vi VPPL trong lĩnh vực BHXH phụ thuộc chủ yếu vào các nhóm yếu tố sau: Mức độ thiệt hại đã gây ra hoặc đe dọa gây ra cho quỹ BHXH được tính thành tiền và mức độ thiệt hại được xác định bằng số lượng hồ sơ sai phạm, số lượng người lao động bị thiệt hại do hành vi vi phạm, khoảng thời gian mà hành vi vi phạm diễn ra, ...

Thứ hai: Trái pháp luật xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ.

VPPL không những phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà hành vi đó còn phải trái pháp luật, xâm phạm tới các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ. Do vậy, những hành vi trái với các quy định của các tổ chức xã hội, trái với tập quán, đạo đức và các tín điều tôn giáo nhưng không trái các quy định pháp luật thì không bị xem là VPPL. Tính trái pháp luật cũng là một đặc tính không thể thiếu của hành vi VPPL.

Hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT có thể được thể hiện dưới các hình thức: Chủ thể thực hiện những hành vi bị pháp luật đóng BHXH, BHTN, BHYT cấm (ví dụ: Cố ý báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT);

chủ thể không thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện (ví dụ: không tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động theo quy định) hoặc chủ thể sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép, ... Tính trái pháp luật hình sự được hiểu là một dấu hiệu mà trong đó có nội dung chính được quy định trong luật hình sự; theo đó, tội phạm trong lĩnh vực BHXH chỉ có thể là các hành vi nguy hiểm cho xã hội gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho quan hệ BHXH đã được quy định trong Luật Hình sự.

Thứ ba: Có lỗi của chủ thể

Dấu hiệu trái pháp luật chỉ là dấu hiệu bên ngoài của hành vi VPPL. Để xác định VPPL cần xem xét cả mặt chủ quan của hành vi mà ở đây mặt chủ quan là yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi. Lỗi là yếu tố chủ quan thể hiện thái độ của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật.

Cũng như mọi hành vi VPPL nói chung, hành vi VPPL trong lĩnh vực BHXH cũng đòi hỏi phải có dấu hiệu có lỗi. Lỗi của hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH là sự phủ định chủ quan các đòi hỏi về nghĩa vụ của pháp luật BHXH được đặt ra cho các bên tham gia quan hệ BHXH, đó có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.

Thứ tư: Chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 91 trang tài liệu này.

Năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể do nhà nước quy định. Thông thường nhà nước chỉ quy định những người có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mới phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Đối với những người do mất năng lực nhận thức hoặc khả năng lựa chọn, điều khiển hành vi của mình ở thời điểm khi thực hiện hành vi thì họ cũng không có năng lực trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật. Theo đó, chủ thể thực hiện các hành vi VPPL trong lĩnh vực BHXH có thể là người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức BHXH hoặc cá nhân, tổ chức liên quan khác có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện hành vi.

1.1.2. Cấu thành của vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội ở Việt Nam - 3

Cấu thành VPPL là những dấu hiệu đặc trưng của một VPPL cụ thể. Trong phạm vi Luận văn, tác giả đi sâu phân tích khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của vi phạm trong lĩnh vực BHXH.

Thứ nhất: Khách thể của VPPL là quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng bị hành vi trái pháp luật xâm hại tới.

Các quan hệ xã hội trong lĩnh vực BHXH được pháp luật bảo vệ và trở thành khách thể, đó là quan hệ giữa các chủ thể: Nhà nước, cơ quan BHXH, người sử dụng lao động và người lao động, ... Quan hệ này được hình thành, duy trì và phát triển là nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi trực tiếp cho người lao động, qua đó đảm bảo cho sự ổn định của xã hội.

Quan hệ xã hội trong lĩnh vực BHXH chỉ có thể duy trì và phát triển để thực hiện chức năng xã hội tốt đẹp đó khi các chủ thể thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, tuy nhiên xuất phát từ chính nghĩa vụ và quyền lợi của các bên trong quan hệ BHXH đã dẫn tới nguy cơ các chủ thể không tuân thủ nghĩa vụ ở những mức độ khác nhau. Chính bởi tầm quan trọng của vấn đề an sinh xã hội đối với sự ổn định xã hội và phát triển của nền kinh tế xã hội mà các quan hệ trong lĩnh vực BHXH đã được coi là khách thể bảo vệ của pháp luật.

Thứ hai: Mặt khách quan của VPPL là những dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan của VPPL. Yếu tố mặt khách quan của vi phạm trong lĩnh vực BHXH gồm trước hết là hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội, bên cạnh đó còn có thể là thủ đoạn vi phạm, thời gian vi phạm...

Hành vi khách quan của vi phạm trong lĩnh vực BHXH tuy đa dạng nhưng có cùng tính chất là vi phạm nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực

hiện các quy định của pháp luật về BHXH, đó có thể là không làm, làm không đúng yêu cầu của pháp luật BHXH hoặc làm những việc mà pháp luật BHXH không cho phép.

Về hậu quả nguy hiểm cho xã hội: Hậu quả của vi phạm trong lĩnh vực BHXH trước hết là thiệt hại về vật chất gây ra cho quỹ BHXH. Thiệt hại này được thể hiện dưới dạng bị chiếm đoạt, bị thất thu (không thu được hoặc không thu đủ) hay bị thất thoát. Vi phạm trong lĩnh vực BHXH còn có thể gây ra thiệt hại cho người lao động, đó là thiệt hại đe dọa gây ra đối với lợi ích trước mắt (các quyền được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, chế độ BHYT, BHTN) và những quyền lợi lâu dài mà người lao động được hưởng khi hết tuổi lao động (quyền được hưởng lương hưu và chế độ tử tuất).

Thứ ba: Chủ thể của VPPL là cá nhân, tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp lý và đã thực hiện hành vi trái pháp luật.

Trong lĩnh vực BHXH, chủ thể VPPL là cá nhân thường là người thuộc đối tượng tham gia BHXH, riêng về chủ thể tham gia BHXH bắt buộc được quy định là: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; Cán bộ, công chức, viên chức; .... và người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Ngoài ra còn có chủ thể đặc biệt của vi phạm trong lĩnh vực BHXH còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong hệ thống BHXH (có

hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hoặc làm trái quy định trong khi thực hiện hoạt động BHXH).

Thứ tư: Mặt chủ quan của VPPL là trạng thái tâm lý bên trong của chủ thể khi thực hiện hành vi trái pháp luật. Nó bao gồm các yếu tố: Lỗi, động cơ, mục đích VPPL.

Dấu hiệu lỗi ở vi phạm trong lĩnh vực BHXH cũng bao gồm 2 hình thức lỗi là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Tuy nhiên, trong khi lỗi của chủ thể ở nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH được giới hạn chỉ là lỗi cố ý thì ở nhóm hành vi vi phạm liên quan đến quản lý và thực hiện hoạt động BHXH, lỗi của chủ thể có thể là cố ý và cũng có thể là lỗi vô ý (trong các trường hợp hành vi khách quan thể hiện sự thiếu trách nhiệm của những người có chức vụ, quyền hạn). Mục đích vi phạm của nhiều vi phạm thuộc nhóm này là mục đích tư lợi, trước hết là ở nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH cũng như ở một số hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, trong đó có thể có động cơ có tính “tập thể” như để tăng nguồn vốn của đơn vị hoặc tăng thu nhập một cách không chính đáng cho thành viên trong đơn vị…

1.1.3. Phân loại vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của vi phạm pháp luật, vi phạm pháp luật về BHXH được chia thành các loại sau:

1.1.3.1. Vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm)

Trong những năm gần đây, vi phạm pháp luật về BHXH có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, điển hình là tình trạng chậm đóng, nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tiếp tục xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Nghiêm trọng hơn có nhiều đơn vị nợ BHXH trong thời gian dài hoặc cá biệt có đơn vị chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động trong việc hưởng các chế độ BHXH.

Mặc dù đã có quy định trong Luật BHXH cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định tội danh cụ thể đối với những hành vi bị coi là tội phạm về BHXH nên thực tế không xử lý được. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 03 tội danh liên quan đến lĩnh vực này, đó là tội gian lận BHXH, BHTN; tội gian lận BHYT và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động [19, Điều 214 - 216].

1.1.3.2. Vi phạm pháp luật hành chính

Hoạt động thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm là hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực BHXH.

Việc xử lý hành chính được áp dụng đối với các hành vi vi phạm chưa đến mức độ nghiêm trọng. Đối với chủ thể vi phạm là cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan không phải là cán bộ, công chức thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại điều phải bồi thường theo quy định. Do vậy, qua công tác thanh tra khi phát hiện hành vi vi phạm không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ xử lý về hành chính đối với hành vi vi phạm đó, ngoài ra có thể kiến nghị xử lý về kinh tế và kiến nghị xử lý về trách nhiệm, áp dụng các biện pháp quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính [15, Điều 46].

1.1.3.3. Vi phạm kỷ luật Nhà nước

Trách nhiệm kỷ luật là trách nhiệm pháp lí áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức do vi phạm kỷ luật, vi phạm quy tắc hay nghĩa vụ trong hoạt động công vụ hoặc vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thông qua hoạt động thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm, thanh tra tài chính hoặc thanh tra chuyên ngành có liên quan, nếu chủ thể vi phạm là cán

bộ, công chức, viên chức thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ công chức [12, Điều 78-79], Luật Viên chức [14, Điều 52] nếu gây thiệt hại phải thực hiện việc bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước [20] và các văn bản hướng dẫn.

1.1.3.4. Vi phạm dân sự

Việc khởi kiện ra Tòa các đơn vị vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH còn ít so với các đơn vị vi phạm, bên cạnh đó việc tổ chức thi hành án chưa hiệu quả. Thực tế trong các vụ kiện đòi nợ của BHXH Việt Nam, mặc dù các đơn vị đều thừa nhận nợ nhưng việc thu hồi tiền nợ còn gặp nhiều khó khăn.

Từ ngày 01/01/2016 khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành, tổ chức công đoàn được trao quyền khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Tuy nhiên, việc khởi kiện của tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn, không phát huy được hiệu quả như mong đợi do quy định về việc ủy quyền của người lao động, quyền khởi kiện của các tổ chức Công đoàn còn nhiều bất cập.

1.2. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

1.2.1. Khái niệm xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

Xử lý VPPL là việc xem xét, quyết định áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lí đối với các cá nhân, tổ chức VPPL.

Theo đó, xử lý VPPL về BHXH là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân, tổ chức VPPL về BHXH.

1.2.2. Các hình thức truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

Các hình thức truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các VPPL về BHXH

được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015; Luật Xử lý VPHC và Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Cán bộ công chức, ...

Khi phát hiện hành vi VPPL trong lĩnh vực BHXH, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt VPHC, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Thứ nhất: Trách nhiệm hành chính

Các hình thức xử phạt VPHC trong lĩnh vực BHXH bao gồm: Phạt cảnh cáo và phạt tiền, trong đó: Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức VPHC không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi VPHC do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện; cảnh cáo được quyết định bằng văn bản [15, Điều 22]. Đối với hình thức phạt tiền, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực BHXH, BHYT là 75 triệu đồng đối với cá nhân, mức phạt tối đa đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân [15, Điều 24, Khoản 1, điểm d và khoản 2]. Hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH được quy định tại văn bản có liên quan [6, Điều 38 - 40].

Thứ hai: Trách nhiệm hình sự

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra khi hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng, vi phạm có dấu hiệu tội phạm tức là có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Các vi phạm về BHXH đã được đề cập trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Lần đầu tiên nhóm tội danh về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT đã được đưa vào

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/07/2022