Xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện Ngân hàng - 2

DANH MỤC HÌNH

Hình 2.1: Biểu ghi được tải về CSDL của Trung tâm 62

Hình 2.2: Minh họa trường tóm tắt trong biểu ghi của Trung tâm 78

Hình 2.3: Giao diện ILIB có biểu ghi tải về trường 650 85

Hình 2.4: Giao diện ILIB 4.0 có kết quả tự làm trường 650 88

Hình 2.5: Giao diện phần mềm ILIB 4.0 95

Hình 2.6: Giao diện tra cứu trên Cổng thông tin 97

Hình 2.7: Biểu ghi MARC21 cho loại hình tài liệu Sách 99

1. Tính cấp thiết của đề tài

MỞ ĐẦU

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đặc biệt là sự phát triển có tính chất cách mạng của công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo nên những ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và hoạt động thông tin - thư viện nói riêng. Khoa học kỹ thuật phát triển đã tạo tiền đề cho sự chuyển đổi xã hội từ một xã hội căn bản dựa trên công nghiệp chế tạo sang xã hội dựa trên sản xuất và sử dụng thông tin và tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người đã dẫn đến việc hình thành xã hội thông tin. Xã hội thông tin là xã hội mà ở đó không chỉ diễn ra quá trình chuyển dịch từ sản xuất sang dịch vụ mà còn là sự thay đổi từ một xã hội sản xuất vật phẩm sang xã hội sản xuất thông tin và tri thức.

Trong xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức thì thông tin, tri thức là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, thông tin được sử dụng như một nguồn lực kinh tế. Trong xã hội đó, nhu cầu thông tin trong xã hội liên tục gia tăng, thư viện không chỉ đóng vai trò là nơi lưu giữ sách theo quan niệm truyền thống mà thư viện là nơi lưu trữ và truyền tải thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời cho bạn đọc, là cầu nối giúp con người nắm bắt được thông tin mình cần trong một thời đại “bùng nổ thông tin”. Nhiệm vụ của các cơ quan thông tin - thư viện là thu thập, xử lý thông tin và tạo ra các sản phẩm thông tin, tổ chức các dịch vụ thông tin để thông tin đến được với người dùng tin một cách thuận tiện, kịp thời, đầy đủ và chính xác nhất.

Xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện Ngân hàng - 2

Để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu tin của người dùng tin, bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, phát triển vốn tài liệu thì chất lượng công tác xử lý tài liệu cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng bởi xử lý tài liệu là một khâu quan trọng trong chu trình thông tin tư liệu. Việc xử lý tài liệu tốt sẽ giúp cho việc tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả đồng thời giúp cho việc tổ chức, sắp xếp tài liệu trong kho cũng như các nguồn thông tin trên máy tính điện tử theo cấu trúc logic khoa học, chặt chẽ. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, không một cơ quan thông tin - thư viện nào có thể thu thập hết được nguồn thông tin để đáp ứng nhu cầu tin đa dạng của người dùng tin. Vì thế, tiến

hành chuẩn hoá công tác xử lý tài liệu là cơ sở để các cơ quan thông tin - thư viện có thể chia sẻ, trao đổi dữ liệu với nhau trong phạm vi quốc gia, khu vực và thế giới. Chính vì vậy, hoạt động xử lý tài liệu luôn luôn được các cơ quan thông tin - thư viện đặt lên hàng đầu.

Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện Ngân hàng (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là thư viện nằm trong hệ thống thư viện các trường đại học của Việt Nam, là thư viện đầu ngành trong cung cấp các tài liệu chuyên ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng, kế toán... Với vai trò là “giảng đường thứ hai” của sinh viên, Trung tâm luôn nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu tin, tạo môi trường thân thiện đối với người dùng tin. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, Trung tâm được đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực con người và đặc biệt là đầu tư xây dựng nguồn lực thông tin. Vì thế, lượng tài liệu gia tăng nhanh chóng về số lượng và loại hình. Cùng với đó, công tác xử lý tài liệu của Trung tâm cũng từng bước được nghiên cứu đổi mới và chuẩn hoá. Các chuẩn nghiệp vụ được áp dụng, trong công tác xử lý hình thức là chuẩn AACR2, khổ mẫu MARC21; trong xử lý nội dung, chuẩn DDC áp dụng cho công tác phân loại,… Năm 2010, phần mềm thư viện điện tử ILIB4.0 được đưa vào sử dụng, làm thay đổi theo hướng hiện đại hóa toàn bộ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm. Với việc áp dụng phần mềm này, hầu như toàn bộ các công đoạn, quy trình trong công tác xử lý tài liệu đã có sự thay đổi, khác hơn so với quy trình xử lý tài liệu trước đây. Bên cạnh đó, việc tiến hành một số khâu công tác mới nhằm tạo thêm các điểm truy cập cho tài liệu, phục vụ công tác tra cứu dễ dàng, nhanh chóng cũng đã được triển khai.

Việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ hiện đại cùng với việc triển khai các chuẩn nghiệp vụ mới đã đặt ra cho công tác xử lý tài liệu của Trung tâm những yêu cầu mới. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng, đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu, mặt tồn tại và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xử lý tài liệu của Trung tâm là một vấn đề cấp thiết.

Từ những lý do trên, tôi đã chọn đề tài “Xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện Ngân hàng” làm đề tài Luận văn tốt nghiệp của mình.

2. Tình hình nghiên cứu theo hướng đề tài

Theo hướng nghiên cứu của đề tài, đã có một số công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng, điều tra nghiên cứu thực tiễn xử lý tài liệu tại một số các cơ quan thông tin - thư viện cụ thể như:

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Tìm hiểu công tác xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội (2002) của tác giả Trần Thị Quý.

Luận văn thạc sỹ Nâng cao chất lượng xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin

- Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội (2005) của tác giả Đồng Đức Hùng đề cập đến công tác mô tả thư mục trong đó trình bày vai trò của mô tả thư mục, ứng dụng MARC21 và AACR2 trong công tác biên mục, thực trạng công tác mô tả thư mục, công tác phân loại, định từ khóa và kiểm soát tính nhất quán trong mô tả thư mục, phân loại, định từ khóa.

Luận văn thạc sỹ Nâng cao chất lượng xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin

- Thư viện Trường Đại học Dân lập Hải Phòng (2009) của tác giả Bùi Thị Kim Oanh đề cập đến công tác tổ chức xử lý tài liệu, công tác xử lý hình thức, xử lý nội dung và phần mềm, cơ sở vật chất phục vụ cho xử lý tài liệu.

Nghiên cứu về công tác xử lý nội dung tài liệu có một số công trình nghiên cứu như:

Luận văn thạc sỹ Nâng cao chất lượng xử lý nội dung tài liệu tại Thư viện Tạ Quang Bửu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (2009) của tác giả Đinh Thuý Quỳnh đề cập cụ thể các vấn đề phân loại, làm tóm tắt, định từ khóa, chủ đề .

Luận văn thạc sỹ Công tác xử lý nội dung tài liệu tại Thư viện trường Đại học Ngoại thương Hà Nội: thực trạng và giải pháp (2011) của tác giả Nguyễn Thị Thanh Ngần đề cập đến quy trình xử lý tài liệu, công tác phân loại, làm tóm tắt, định từ khóa; các yếu tố ảnh hưởng đến xử lý tài liệu.

Luận văn thạc sỹ Nâng cao chất lượng xử lý nội dung tài liệu tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2013) của tác giả Nguyễn Ánh Hồng đề cập đến công tác phân loại, định từ khóa, làm tóm tắt và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng xử lý tài liệu.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các chuẩn trong xử lý tài liệu cũng có các công trình nghiên cứu như:

Luận văn Thạc sỹ Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xử lí tài liệu tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội của tác giả Phạm Thị Hòa (2011).

Luận văn Thạc sỹ Nghiên cứu việc áp dụng các chuẩn trong xử lý thông tin tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Hà Nội của tác giả Lê Thị Thành Huế (2010).

Ngoài ra, cũng đã có nhiều bài viết đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành về công tác xử lý tài liệu. Tuy nhiên, đây là những công trình đề cập đến một hoặc một số nội dung của công tác xử lý tài liệu hoặc tại các cơ quan thông tin - thư viện khác, không đề cập đến công tác xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Học viện Ngân hàng.

Đối với đề tài về Trung tâm Thông tin – Thư viện Học viện Ngân hàng, đã có một số công trình như:

Khoá luận tốt nghiệp Ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện Ngân hàng (2010) của tác giả Trần Thị Phương đề cập đến quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm.

Đề án Khai thác hiệu quả Hệ thống Thư viện Học viện Ngân hàng (2011) của tác giả Nguyễn Thị Ngọc, Vũ Quỳnh Nhung trong đó đề cập đến thực trạng và giải pháp cho các vấn đề chung từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nguồn lực thông tin đến các hoạt động chuyên môn của Hệ thống thông tin - thư viện Học viện Ngân hàng.

Đề án Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ đào tạo theo tín chỉ tại Học viện Ngân hàng (2013) của tác giả Thạch Lương Giang,… đề cập đến thực trạng và giải pháp cho việc xây dựng và quản trị các cơ sở dữ liệu: cơ sở dữ liệu nội sinh (CSDL thư mục, toàn văn), ngoại sinh phục vụ đào tạo theo tín chỉ tại Học viện Ngân hàng.

Trong rất nhiều các đề tài, công trình nghiên cứu về công tác xử lý tài liệu, chưa có đề tài nào nghiên cứu về công tác xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Học viện Ngân hàng.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1 Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở tìm hiểu thực trạng của công tác xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Học viện Ngân hàng, đưa ra những phân tích đánh giá, thấy được những ưu điểm, hạn chế cũng như những khó khăn, thuận lợi, đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xử lý tài liệu, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện.

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Để thực hiện mục tiêu trên, Luận văn tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu lý luận về công tác xử lý tài liệu trong hoạt động thông tin - thư viện.

- Nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, các đặc điểm của Trung tâm Thông tin – Thư viện Học viện Ngân hàng như quá trình hình thành, phát triển; cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, đặc điểm vốn tài liệu, đặc điểm người dùng tin và nhu cầu tin.

- Nghiên cứu quy trình xử lý tài liệu, công tác mô tả thư mục, công tác phân loại, làm tóm tắt, định chủ đề, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xử lý tài liệu.

- Tổng kết, đánh giá những mặt đạt được và những hạn chế trong công tác xử lý tài liệu và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Học viện Ngân hàng.

4. Giả thuyết nghiên cứu

Trong mỗi thư viện trường đại học, nếu công tác xử lý tài liệu được chú trọng thì chất lượng hoạt động thông tin - thư viện sẽ tăng lên, góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

5.1 Đối tượng nghiên cứu

Hoạt động xử lý tài liệu của Trung tâm Thông tin – Thư viện Học viện Ngân hàng bao gồm: công tác mô tả thư mục, công tác phân loại, làm tóm tắt, định từ khóa, định chủ đề; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xử lý tài liệu.

5.2 Phạm vi nghiên cứu

Về không gian: Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện Ngân hàng

Về thời gian: Từ năm 2006 đến nay

6. Phương pháp nghiên cứu

6.1 Phương pháp luận

Sử dụng phương pháp nghiên cứu theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Quán triệt quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác sách báo, thư viện; các chỉ thị và nghị quyết của Đảng và Nhà nước về đường lối phát triển sự nghiệp thông tin - thư viện.

6.2 Phương pháp cụ thể

- Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu: các tài liệu tham khảo về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài.

- Phương pháp thống kê: dùng phương pháp thống kê, xử lý số liệu từ các phiếu điều tra người dùng tin.

- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi đối với các đối tượng NDT của Trung tâm.

- Phương pháp phỏng vấn các đối tượng NDT, cán bộ thư viện.

- Phương pháp quan sát thực tế hoạt động của công tác xử lý tài liệu, hoạt động của thư viện và người dùng tin.

7. Ý nghĩa khoa học và ứng dụng của đề tài

7.1 Về mặt khoa học

Luận văn khẳng định tầm quan trọng của công tác xử lý tài liệu đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thông tin - thư viện, đặc biệt trong xu thế hội nhập, chia sẻ nguồn lực thông tin như ngày nay.

7.2 Về mặt ứng dụng

Luận văn phản ánh công tác xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Học viện Ngân hàng hiện nay, phân tích đánh giá về ưu, nhược điểm của công tác xử lý tài liệu, từ đó đưa ra các giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng công tác xử lý tài liệu giúp Trung tâm hoạt động hiệu quả hơn phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường.

8. Bố cục của Luận văn

Ngoài phần lời nói đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung của Luận văn bao gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin

- Thư viện Học viện Ngân hàng.

Chương 2: Thực trạng xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện Ngân hàng.

Chương 3: Giải pháp, khuyến nghị nâng cao chất lượng xử lý tài liệu tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện Ngân hàng.

Xem tất cả 156 trang.

Ngày đăng: 02/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí