Thông qua bảng số liệu 3.3. cho thấy, phần lớn các vụ án được xét xử phúc thẩm là y án, chiếm tỉ lệ trên 50% tổng số vụ án có kháng cáo, kháng nghị đưa ra xét xử phúc thẩm, cụ thể số lượng án giữ nguyên án sơ thẩm là 733 vụ, chiếm tỉ lệ 60,93% tổng số vụ đưa ra xét xử phúc thẩm.
Đối với trường hợp sửa án sơ thẩm, tỉ lệ ở mức trung bình, với 239 vụ/292 bị cáo, chiếm tỉ lệ 19,86% trên tổng số vụ đưa ra xét xử phúc thẩm. Theo số liệu cũng cho thấy, từ 2018, khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực, tỉ lệ sửa án sơ thẩm có giảm xuống thấp hơn. Điều đó cho thấy, phần nào BLTTHS năm 2015 cũng mang lại hiệu quả xét xử sơ thẩm ở Đồng Nai, Nguyên nhân của các án sơ thẩm bị sửa, chủ yếu là do Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá, vận dụng chưa đúng các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ TNHS. Đồng thời, các bản án bị sửa đều chủ yếu theo hướng giảm nhẹ hình phạt, rất ít các trường hợp sửa theo hướng tăng nặng [36].
Đối với thẩm quyền hủy án sơ thẩm của Tòa cấp phúc thẩm, qua bảng số liệu thì tổng số vụ bị hủy là 35 vụ, chiếm tỉ lệ 0,29% trên tổng số vụ đưa ra xét xử phúc thẩm. Số liệu cũng cho thấy, từ 2018 đến 2010, tỉ lệ hủy án giảm qua từng năm, tuy tỉ lệ giảm không nhiều. Đa số các vụ án bị hủy chủ yếu do có vi phạm trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, thu thập chưa đầy đủ các chứng cứ chứng minh vụ án hình sự [36].
Đối với số vụ án đình chỉ xét xử phúc thẩm: năm cao nhất là 2019 với 77 vụ 99 bị cáo, năm thấp nhất là 2016 với 37 vụ, 60 bị cáo. Qua tìm hiểu nguyên nhân đình chỉ xét xử phúc thẩm, chủ yếu do các bị cáo đang bị tạm giam tại Trại giam Công an thành phố Biên Hòa và Trại Tạm giam B5 Công an tỉnh Đồng Nai có tâm lý muốn kéo dài thời gian tạm giam tại các nơi này, nên kháng cáo để kéo dài thời gian tạm giam, để được gần gia đình và thuận lợi gặp gỡ khi thăm nuôi [36].
Nhìn chung, kết quả xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai đã đạt hiệu tương đối cao. Qua xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, TAND tỉnh Đồng
Nai đã thực hiện đúng các quy định của BLTTHS, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã kịp thời phát hiện những vi phạm và sửa chữa những thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm.
Tác giả xin nêu một số vụ án điển hình mà Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa, hủy bản án để khắc phục sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm.
Vụ án Trần Thanh Việt cùng đồng phạm, phạm tội “Đánh bạc”: Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 88/2020/HSST ngày 27/8/2020 của TAND huyện Nhơn Trạch đã áp dụng khoản 1 Điều 321; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS, xử phạt Trần Thanh Việt 08 tháng tù.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã phát biểu quan điểm: Ngày 31/3/2009 Trần Thanh Việt bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xử phạt 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về tội “Đánh bạc”. Tuy nhiên, số tiền bị cáo Việt sử dụng vào việc đánh bạc trong lần phạm tội này dưới năm triệu đồng, theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội và mục 5 Công văn số 256/TANDTC-PC của TAND Tối cao thì bị cáo đương nhiên được xóa án tích. Mặt khác, bị cáo Việt chấp hành xong hình phạt án treo năm 2011, đến ngày 04/01/2019 Việt đã chấp hành xong phần án phí và hình phạt bổ sung của bản án. Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại tiểu mục 10 mục I Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao thì Việt cũng đương nhiên được xóa án tích. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm nhận định hành vi phạm tội của bị cáo đã phạm vào tình tiết tăng nặng “tái phạm” nên đã áp dụng điểm h khoản 2 Điều 52 Bộ luật Hình sự khi quyết định hình phạt đối với bị cáo là có sai phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, gây bất lợi cho bị cáo. Vì vậy, căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Đồng Nai và một phần kháng cáo của bị cáo,
sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 88/2020/HSST ngày 27/8/2020 của TAND huyện Nhơn Trạch theo hướng không áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS và giảm nhẹ một phần hình phạt tù cho bị cáo Việt.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Quy Định Của Pháp Luật Việt Nam Về Xét Xử Phúc Thẩm Vụ Án Hình Sự Trước Khi Ban Hành Bộ Luật Tths Năm 2015
- Xét Xử Phúc Thẩm Trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2003
- Thực Tiễn Xét Xử Phúc Thẩm Các Vụ Án Hình Sự Ở Đồng Nai
- Yêu Cầu Đặt Ra Cho Việc Xét Xử Phúc Thẩm Trong Cải Cách Tư Pháp
- Các Giải Pháp Về Tổ Chức Bộ Máy, Chức Năng, Nhiệm Vụ Của Tòa Án Nhân Dân
- Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 10
Xem toàn bộ 95 trang tài liệu này.
Tại phần tuyên án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Đồng Nai, tuyên sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 88/2020/HSST ngày 27/8/2020 của TAND huyện Nhơn Trạch. Áp dụng khoản 1 Điều 321 và điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), xử phạt bị cáo Trần Thanh Việt 06 tháng tù [36].
Như vậy, có thể thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định chưa đúng về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, dẫn đến bản án chưa đúng với tính chất, mức độ phạm tội của hành vi phạm tội. Tòa án cấp phúc thẩm đã kịp thời sửa bản án sơ thẩm.
Vụ án Nguyễn Quang M cùng đồng phạm phạm tội đánh bạc: Khoảng 20 giờ 00 phút ngày 17/4/2018 bị cáo Nguyễn Quang M cùng với Lê Tấn Q, Mai Ngọc U, Vò Thành N, Vò Minh T1, Nguyễn Hoàng H, Nguyễn Trọng H1, cùng nhau tham gia đánh bạc bằng hình thức “Lắc tài xỉu” tại ấp B, xã T, huyện V. Bị cáo Nguyễn Quang M mang theo số tiền 1.800.000 đồng, sử dụng 100.000 đồng đánh bạc và thắng bạc, M nghỉ đánh bạc ra vòng nằm, ván tiếp theo đang lắc bạc chưa mở thì Công an bắt quả tang, M bị thu giữ số tiền
1.900.000 đồng. Tổng số tiền công an thu tại chiếu bạc là 5.560.000 đồng và số tiền các con bạc dùng vào đánh bạc là 2.576.000 đồng. Về tội danh, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 321 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật. Cấp sơ thẩm nhận định “Bị cáo Nguyễn Quang M đã có một tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” chưa được xóa án tích lại tiếp tục tham gia đánh bạc nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, bị cáo chỉ đánh một ván liền kề 100.000 đồng, đã tự ý chấm dứt hành vi đánh bạc nên bị cáo chỉ chịu trách nhiệm trách
nhiệm hình sự chung với số tiền thu trên chiếu bạc là 5.560.000 đồng. Do đó, xét thấy bị cáo có nơi cư trú rò ràng và không cần thiết cách ly để cải tạo nên áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền là đủ sức răn đe” [36].
Việc cấp sơ thẩm đánh giá bị cáo M đã có một tiền án, phạm tội mới với lỗi cố ý trực tiếp nhưng khi xử phạt thì xử phạt bị cáo cải tạo không giam giữ là chưa cân nhắc hết đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chưa đánh giá thái độ chấp hành pháp luật, khả năng tự cải tạo, tu dưỡng của bị cáo. Vì như đã xác định, trước khi thực hiện hành vi phạm tội này bị cáo đã bị xử phạt 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Sau khi chấp hành bản án, bị cáo không lấy đó làm bài học để tu dưỡng bản thân mà trong thời gian chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội mới với lỗi cố ý. Điều này thể hiện bị cáo có ý thức pháp luật kém, hình phạt trước đối với bị cáo không đủ răn đe, giáo dục cải tạo bị cáo. Cấp sơ thẩm không đánh giá điều này lại quyết định hình phạt cải tạo không giam giữ là chưa phù hợp khi đánh giá căn cứ quyết định hình phạt theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự.
Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKS, sửa bản án theo hướng áp dụng tình tiết “tái phạm” và xử phạt bị cáo 06 tháng tù.
2.3.2. Một số tồn tại và vướng mắc trong thực tiễn xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự ở tỉnh Đồng Nai và nguyên nhân
2.3.2.1. Một số tồn tại trong thực tiễn xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự ở tỉnh Đồng Nai
Qua nghiên cứu các báo cáo tổng kết, báo cáo thống kê cũng như một số bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm của TAND trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tác giả nhận thấy bên cạnh những kết quả đạt được, trong xét xử phúc thẩm hình sự của TAND tỉnh Đồng Nai vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan, từ
những hạn chế, bất cập của pháp luật tố tụng hình sự và từ nguyên nhân chủ quan từ phía HĐXX. Có thể rút ra một số bất cập, hạn chế sau:
Thứ nhất, về những vi phạm chủ yếu của cấp sơ thẩm:
Một là, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo không được cấp sơ thẩm phát hiện, điều tra thu thập đầy đủ, do đó, tại phiên Tòa phúc thẩm ghi nhận và xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ một phần hình phạt hoặc cho hưởng án treo… như vụ án Nguyễn Quang M cùng đồng phạm phạm tội đánh bạc hoặc bản án 88/2020/HSST của TAND huyện Nhơn Trạch phân tích ở tiểu mục 2.3.1 nêu trên [36].
Hai là, một số trường hợp, mức án do HĐXX đã tuyên có sự chênh lệch so với đề nghị của VKS. Mức hình phạt mà HĐXX áp dụng đối với bị cáo là quá nhẹ, quá nặng hoặc cho bị cáo hưởng án treo không đúng, nên có kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm xét xử theo quan điểm của Viện kiểm sát.
Ba là, vận dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của Tòa án cấp sơ thẩm thiếu chính xác, chưa phù hợp quy định pháp luật, không có căn cứ.
Thứ hai, về phạm vi xét xử phúc thẩm: HĐXXPT Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ yếu xem xét trong nội dung kháng cáo, kháng nghị mà ít xem xét việc áp dụng phạm vi xét xử phúc thẩm ngoài nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nhiều vụ án hình sự có kháng cáo, kháng nghị ở Đồng Nai thì đối với các vụ án có kháng cáo giảm nhẹ hình phạt, Hội đồng XXPT chỉ xét các nội dung chính liên quan đến bị cáo có kháng cáo, kháng nghị mà không xét cho các bị cáo khác.
Thứ ba, về tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng là bị cáo không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Khi Tòa án cấp phúc thẩm muốn triệu tập thì khó xác định tư cách của họ. Trường hợp triệu tập họ đến phiên tòa với tư cách người làm chứng thì nếu họ khai sai sự thật, theo quy định tại Điều 66 BLTTHS thì có thể truy cứu TNHS, nhưng điều này lại không hợp lý, vì bị cáo là người tham gia thực hiện hành vi phạm tội, pháp luật tố tụng không bắt buộc họ phải khai báo. Quy định chưa rò ràng này làm giảm hiệu quả của xét xử phúc thẩm.
Thứ tư, về quyền kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại. Hiện nay quy định của pháp luật TTHS tại Điều 357 thì chỉ quy định bị hại có quyền kháng cáo tăng hình phạt, tăng mức bồi thường thiệt hại…Điều này gây khó khăn cho HĐXXPT trong trường hợp người đại diện hợp pháp của họ nếu họ là người có nhược điểm về thể chất tinh thần thì phải xử lý như thế nào? Quy định này cũng chưa đảm bảo quyền kháng cáo của những người này và làm giảm hiệu quả của xét xử phúc thẩm.
Thứ năm, hạn chế về số lượng thẩm phán: Từ năm 2016 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên biên chế đã phân bổ cho Tòa án hai cấp ở Đồng Nai là 404 biên chế, trong đó Tòa án hai cấp 102 biên chế (41 Thẩm phán), Tòa án huyện 302 biên chế (153 Thẩm phán). Đến cuối năm 2018, Tòa án tối cao bổ sung thêm 24 biên chế Thẩm phán (nhưng không tăng biên chế chung). Tính đến nay, tổng biên chế của Tòa án hai cấp là 339 người trong đó có 191 thẩm phán, 120 thư ký, 06 thẩm tra viên (thiếu 65 biên chế trong đó thiếu 27 Thẩm phán) [36].
Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai hiện có 81 biên chế, bao gồm 01 Thẩm phán cao cấp, 37 Thẩm phán trung cấp, 02 Thẩm tra viên, 31 Thư ký viên, 10 chức danh khác và 5 hợp đồng lao động. So với biên chế được phân bổ (102) Tòa án tỉnh thiếu 21 biên chế, trong đó thiếu 03 Thẩm phán Trung cấp [37].
Số lượng án thụ lý tại Tòa án tỉnh tăng cao với tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi đó biên chế của Tòa án tỉnh thiếu và không được bổ sung kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay thiếu thư ký giúp việc nên Thẩm phán phải tự thực hiện các bước về thủ tục tố tụng.
Trên đây là một số hạn chế, thiếu sót về pháp luật và về số lượng, chất lượng đội ngũ Thẩm phán.
2.3.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trong công tác xét xử phúc thẩm vụ án hình sự ở tỉnh Đồng Nai
Thứ nhất, do địa bàn Đồng Nai là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, người dân cả nước về đây làm việc và sinh sống tạo áp lực lớn cho công tác
quản lý ở địa phương. Hàng năm, số lượng án hình sự xảy ra nhiều, các vụ án ngày càng phức tạp, trong khi biên chế của Tòa án chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.
Thứ hai, quy định của BLTTHS còn một số bất cập như: về quyền kháng cáo của bị hại và người đại diện hợp pháp của họ, về địa vị pháp lý của bị cáo không bị kháng cáo, kháng nghị khi được triệu tập tham gia tố tụng, về quyền hạn sửa án sơ thẩm đối với vấn đề về bồi thường thiệt hại…
Thứ ba, một số nội dung còn vướng mắc về nghiệp vụ những chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn kịp thời, nên khi giải quyết vụ án còn có quan điểm không thống nhất, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết vụ án.
Thứ tư, nhận thức về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS, về án treo… của một số Thẩm phán cấp sơ thẩm chưa thống nhất, nên vận dụng còn thiếu sót, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn còn phải sửa nhiều vụ án Tòa cấp sơ thẩm vận dụng chưa chính xác, dẫn đến hàng năm phải thụ lý giải quyết một số lượng lớn vụ án hình sự bị kháng cáo, kháng nghị.
Thứ năm, việc giải quyết nhiều vụ án kéo dài do bị hoãn, lí do hoãn nhiều trường hợp chỉ muốn kéo dài thời gian xét xử. Việc cấp kinh phí Thừa phát lại thiếu và không kịp thời, do đó việc tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án qua đường bưu điện hầu hết là bưu điện trả về nên mất nhiều thời gian…
Thứ sáu, Thẩm phán còn có tâm lý thận trọng, sợ trách nhiệm do quy định trách nhiệm của người tiến hành tố tụng khi án bị sửa, bị hủy.
Thứ bảy, chế độ chính sách đối với Thẩm phán cũng như cho hoạt động xét xử còn chưa bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ với tính chất đặc thù của ngành Tòa án.
Tiểu kết Chương 2
Trong Chương 2 của luận văn, tác giả đã nêu khái quát về xét xử phúc thẩm vụ án hình sự được quy định trong các văn bản pháp luật trước khi ban hành BLTTHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015, đồng thời tác giả đã nêu được thực trạng thụ lý, xét xử phúc thẩm các VAHS của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai giai đoạn từ 2016-2020, qua đó đã nghiên cứu và phân tích những thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc của TAND tỉnh Đồng Nai khi áp dụng luật tố tụng hình sự trong quá trình xét xử phúc thẩm. Những phân tích, đánh giá của chương 2 luận văn là cơ sở để tác giả đưa ra các yêu cầu, giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự.