Các Phương Pháp Đánh Giá Tình Trạng Dinh Dưỡng Trẻ Em


Ngược lại mắc các bệnh nhiễm trùng là nguy cơ gây SDD ở trẻ, thậm chí liên quan đến cả suy dinh dưỡng bào thai [117]. Người ta đã thấy mối liên quan giữa từng đợt tiêu chảy của trẻ với tăng tình trạng thấp còi ở trẻ [117]. Các quá trình nhạy cảm với nhiễm trùng như vậy sẽ làm cản trở sự phát triển bình thường của trẻ do giảm lượng ăn vào, giảm hấp thụ và sử dụng các chất dinh dưỡng, giảm độ dài của xương bởi sự cản trở hệ thống và tại chỗ của sự phát triển bình thường [122]. Những trẻ không có biểu hiện lâm sàng của bệnh nhiễm trùng nhưng sống trong những điều kiện nghèo nàn, hệ thống miễn dịch luôn phải đáp ứng với tác nhân gây bệnh. Do đó những chất dinh dưỡng dành cho sự phát triển bình thường đã phải chuyển sang sử dụng cho đáp ứng miễn dịch và làm giới hạn khả năng đạt chiều dài của trẻ [121].

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiều cao lúc hai tuổi của trẻ là một chỉ số dự đoán sự phát triển con người tốt nhất. Những thiệt hại mà trẻ phải chịu đựng trong những năm đầu của cuộc đời sẽ dẫn tới sự phát triển không đầy đủ ở trẻ một cách vĩnh viễn [124]. Chiều cao của trẻ đạt được chịu ảnh hưởng bởi gen di truyền và môi trường sống thông qua các giai đoạn phát triển. Người ta thấy mối liên quan tuyến tính giữa phát triển chiều cao kém với SDD bào thai và sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời [124]. Khi một trẻ thấp còi lớn lên thành một phụ nữ có chiều cao thấp có nhiều khả năng sinh ra trẻ nhẹ cân dưới 2500 gam hay còn được gọi là nhẹ cân sơ sinh (NCSS). NCSS lại là một yếu tố nguy cơ cao tới SDD thấp còi và trẻ lại có chiều hướng nhỏ hơn khi trở thành người lớn, vì vậy hậu quả của thấp còi có thể được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác [85], [117], [121]. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ 1 cm tăng ở trẻ sơ sinh sẽ liên quan đến tăng 0,7 đến 1 cm khi trẻ trưởng thành. Cứ 1cm cao hơn của bà mẹ sẽ làm tăng chiều dài sơ sinh tới 0,5 cm. Chiều cao của trẻ khi trưởng thành liên quan chặt chẽ tới chỉ số z-score (chiều cao theo tuổi) khi trẻ được hai tuổi [124].

SDD ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ mà nguyên nhân là không phát triển đầy đủ chức năng của hệ thần kinh cũng như não bộ của trẻ. Khi trẻ bị SDD kéo dài sẽ làm tăng ảnh hưởng xấu tới não bộ do sự thay đổi cấu trúc và chức năng [124]. Nghiên cứu tại Guatermala và Zimbabwe cũng như ở Việt Nam đã cho thấy mối liên quan giữa SDD với kết quả học tập và nhận thức ở trẻ [32], [124]. Mối liên quan giữa thấp còi và kém phát triển trí tuệ nhận được sự chú ý ngày càng tăng vì tầm quan trọng đáng báo


động của nó. Một quần thể trẻ thông minh sẽ đảm bảo tương lai khỏe mạnh của một quốc gia nói chung [121] [124]. Nơi nào có tỷ lệ thấp còi cao có thể được hiểu là không có đủ lương thực thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điều này thường liên quan đến đói nghèo và không công bằng xã hội. Những điều kiện này đã làm cho trẻ không có khả năng phát triển đầy đủ [80], [90], [109], [121].

1.1.3. Thiếu máu thiếu sắt


-Thiếu máu: Thiếu máu là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu vì bất kể lý do gì. Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu thường gặp nhất, có thể kết hợp với thiếu axít folíc, nhất là trong thời kỳ bà mẹ mang thai. Đối tượng có nguy cơ thiếu máu là trẻ em và phụ nữ có thai [12].

- Thiếu máu thiếu sắt: Thiếu sắt nghiêm trọng sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu. Khi thiếu chất sắt tạo hồng cầu, nồng độ Hb giảm xuống dưới mức tối ưu. Khi các mức Hb cá thể thấp dưới hai độ lệch chuẩn (-2SD) của phân phối nồng độ Hb trung bình trong một quần thể người dân bình thường với cùng giới tính và độ tuổi đang sinh sống tại độ cao tương tự thì cá thể đó được coi là bị thiếu máu thiếu sắt. Do thiếu máu là chỉ số thông thường nhất đề sàng lọc thiếu sắt nên cụm từ thiếu sắt, thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu, đôi khi được sử dụng thay thế nhau [128].

- Nguyên nhân thiếu máu: Thiếu dinh dưỡng và sắt qua thức ăn từ ngoài vào, giảm hấp thu sắt do có một số chất cản trở hấp thu sắt như phytates, cancium, tanin, phốt phát [65]. Nguyên nhân khác tan máu xảy ra với bệnh sốt rét; thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase; các khuyết tật bẩm sinh di truyền về sự tổng hợp hemoglobin và thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, B12, C và acid folic; cơ thể bị mất máu như nhiễm giun móc, xuất huyết khi sinh con và chấn thương cũng có thể dẫn đến thiếu sắt và thiếu máu. Thiếu vitamin A gây ra ức chế quá trình bình thường về trao đổi chất sắt có thể dẫn đến thiếu máu [128]

- Nhóm có nguy cơ cao với thiếu máu: Nhóm có nguy cơ cao với thiếu máu là nhóm phụ nữ mang thai (PNMT) hoặc phụ nữ sau sinh, nữ độ tuổi sinh đẻ, trẻ em có cân nặng sơ sinh (CNSS) thấp, trẻ SDD, trẻ vị thành niên [11]. Trẻ SDD thiếu sắt, thiếu máu thiếu sắt là do chế độ ăn không đủ về số lượng và đa dạng thực phẩm động vật


cũng như thực vật dẫn đến thiếu sắt. Khi trẻ SDD hồi phục có nhu cầu sắt cao cho phát triển và tạo mô cơ.

- Chẩn đoán thiếu máu và phân độ thiếu máu theo khuyến cáo của TCYTTG [128]:


- Hb từ 11g/dl trở lên: bình thường


- Hb từ 10g/dl - dưới 11 g/dl: thiếu máu nhẹ


- Hb từ 7g/dl - dưới 10g/dl: thiếu máu vừa


- Hb dưới 7 g/dl: thiếu máu nặng


- Hậu quả của thiếu máu [128]: Biểu hiện sớm của thiếu sắt chức năng bao gồm sức khỏe yếu, mệt mỏi kéo dài, da xanh xao. Thiếu máu sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, hành vi, sự phát triển thể chất của trẻ, tình trạng miễn dịch và bệnh lý nhiễm trùng và ảnh hưởng xấu đến sử dụng các nguồn năng lượng cơ bắp làm giảm khả năng sinh lý và hiệu suất làm việc của tất cả các nhóm tuổi. Đặc biệt bà mẹ thiếu máu trong thời kỳ mang thai sẽ tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ, thai chết lưu, tử vong sơ sinh và sinh non. Người bị thiếu sắt sẽ suy yếu chức năng tiêu hóa và thay đổi mô hình sản xuất hóc môn và chuyển hóa [128].

- Phòng chống thiếu máu: Bổ sung viên sắt cho các đối tượng có nguy cơ cao như PNMT, cải thiện chế độ ăn với thực phẩm giàu sắt từ nguồn động vật, giám sát và dự phòng các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng, tăng cường sắt vào thực phẩm như sữa, bột mì, các loại bánh, nước mắm...[65]. Tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng (GDDD) và kế hoạch hóa gia đình đóng một vai trò quan trọng trong phòng và kiểm soát thiếu máu [121].

1.1.4. Các phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em


1.1.4.1. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em theo các chỉ số z-score


Có nhiều chỉ số nhân trắc để đánh giá tình trạng SDD ở trẻ em. Đó là các chỉ số chiều cao, cân nặng, chu vi cánh tay, nếp gấp cơ tam đầu và nhị đầu, vòng đầu. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là các chỉ số chiều cao và cân nặng của trẻ. Theo đó, các số đo chiều cao cân nặng của trẻ sẽ được sử dụng để tính toán các chỉ số cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao [129]. Để xác định tỷ lệ SDD của trẻ em trong một quần thể, người ta so sánh các chỉ số nói trên với các chỉ số tương ứng


của quần thể chuẩn. Năm 2006 TCYTTG đã chính thức khuyến cáo sử dụng quần thể chuẩn (WHO Child Growth Standards) để đánh giá TTDD của trẻ, thay thế cho quần thể NCHS (National Center for Health Statistics) đã được sử dụng trước đó vì lý do quần thể NCHS đã không mô tả được sự thay đổi phát triển rất nhanh ở giai đoạn sớm của trẻ nhỏ [129]. WHO Child Growth Standards là kết quả của một nghiên cứu được bắt đầu từ năm 1997 đến năm 2003 bởi TCYTTG với mục tiêu phát triển một chuẩn quốc tế mới để đánh giá sự phát triển thể chất, TTDD và theo dõi sự phát triển của tất cả trẻ em từ 0 đến 5 tuổi. Nghiên cứu này là một dự án đa quốc gia dựa vào cộng đồng với sự tham gia của 8440 trẻ từ các quốc gia Brazil, Ghana, Ấn Độ, Na Uy, Oman và Mỹ. Chuẩn mới mô tả sự phát triển bình thường của trẻ dưới điều kiện môi trường tối ưu và có thể sử dụng để đánh giá TTDD của trẻ em ở bất kỳ nơi nào, bất kể dân tộc, tình trạng kinh tế xã hội và tập quán nuôi dưỡng [129]. Tại Việt Nam Viện Dinh Dưỡng cũng đã sử dụng quần thể chuẩn này từ năm 2006.

TCYTTG khuyến cáo sử dụng các chỉ số z-scores để đánh giá TTDD ở trẻ. z- score được tính bằng công thức:


Như vậy ta có các chỉ số z-score tương ứng với các chỉ số nhân trắc bao gồm chiều cao theo tuổi z-score viết tắt (HAZ), cân nặng theo tuổi z-score (WAZ), cân nặng theo chiều cao z-score (WHZ). Ba chỉ số này so sánh chiều cao cân nặng của một trẻ với giá trị trung bình của quần thể chuẩn được nuôi dưỡng tốt cùng tuổi và cùng giới. Chỉ số HAZ được sử dụng để đo lường tình trạng SDD mạn tính ở trẻ. Chỉ số WHZ sử dụng để đo lường SDD cấp tính ở trẻ và chỉ số này có thể thay đổi rất nhanh. Chỉ số WAZ bị ảnh hưởng bởi SDD cấp tính và mãn tính. Một trẻ được coi là SDD nhẹ cân, SDD thấp còi và gày còm khi các chỉ số z-score tương ứng WAZ, HAZ, WHZ dưới -2 [53], [129].

1.1.4.2. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng cá nhân và quần thể


1.1.4.2.1. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng cá nhân [53]


Bảng 1. 1: Phân loại suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo các chỉ số z-score


Z-score

WAZ

HAZ

WHZ

Trên 2



Thừa cân, béo phì

Từ -2 đến +2

Không SDD

Không SDD

Không SDD

Dưới -2

Nhẹ cân

Thấp còi

Gày còm

Dưới -3

Nhẹ cân nặng

Thấp còi nặng

Gày còm nặng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

Xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình truyền thông đa dạng tại tuyến y tế cơ sở trong phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh Khánh Hòa - 3

1.1.4.2.2. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng quần thể theo TCYTTG


Bảng 1. 2: Đánh giá mức độ suy dinh dưỡng ở trong cộng đồng [65]



Tiêu chí

Mức độ suy dinh dưỡng của cộng đồng theo tỷ lệ phần trăm (%)

Thấp

Trung bình

Cao

Rất cao

Thấp còi

<20

20-29

30-39

≥40

Nhẹ cân

<10

10-19

20-29

≥30

Gày còm

<5

5-9

10-14

≥15

1.1.5. Tình hình suy dinh dưỡng và thiếu máu ở trẻ em


1.1.5.1. Tình hình suy dinh dưỡng và thiếu máu ở trẻ em trên thế giới


1.1.5.1.1. Tình hình suy dinh dưỡng


Trên toàn thế giới thấp còi ảnh hưởng 165 triệu trẻ dưới 5 tuổi chiếm 26% tổng số trẻ em vào năm 2011, giảm tới 35% khi so sánh với năm 1990 (253 triệu trẻ thấp còi). Năm 2011 tỷ lệ thấp còi cao nhất ở châu Phi 36% , Địa Trung Hải 35,5% sau đó là châu Á 27% và vẫn là một vấn đề y tế công cộng. Hơn 90% các trường hợp thấp còi sống ở châu Phi và châu Á. Tại châu Á năm 2011 tỷ lệ thấp còi ở Trung Á 36,4%, Đông Nam Á 27,4%, Tây Á 18% [123]. Nói một cách khác tỷ lệ thấp còi ở các nước đang phát triển là 28,4%, trong khi đó tại các nước phát triển tỷ lệ này là 7,2% [123].


SDD thể nhẹ cân ảnh hưởng tới 101 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 16% vào năm 2011, giảm 36% so với năm 1990 (ước tính 159 triệu trẻ em SDD nhẹ cân) [123]. Mặc dù tỷ lệ thấp còi và nhẹ cân giảm trên toàn cầu kể từ năm 1990 đến nay, nhưng quá trình giảm này vẫn chưa đủ. Hàng triệu trẻ em khác vẫn có nguy cơ SDD. Năm 2010 tỷ lệ nhẹ cân cao nhất ở khu vực châu Á 20%, sau đó đến châu Phi 17,9%, Địa Trung Hải 14,2% và cuối cùng là châu Mỹ Latin 3,5%. Tỷ lệ nhẹ cân ở các nước đang phát triển là 17,8%, trong khi đó tại các nước phát triển tỷ lệ này là 2,3% [123]. SDD gày còm trên toàn thế giới ảnh hưởng tới 43 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 7% năm 2011, tăng 24% khi so sánh với năm 1990 [123].

Mặc dù tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu giảm, nhưng quá trình giảm đã không đồng đều. Tại Bangladesh tỷ lệ nhẹ cân năm 1990-2007 giảm từ 64% đến 41,3%, thể thấp còi từ 76,7% đến 43,2%. Tại Indonesia trong giai đoạn 1990-2007 tỷ lệ SDD nhẹ cân giảm từ 31% - 19,6%. Thể thấp còi từ 42,4% - 28,6% vào năm 2004 và tăng lên đến 40,1% vào năm 2007. Tại Trung Quốc từ năm 1992-2002 tỷ lệ nhẹ cân là 15,3% giảm đến 6,8%, thấp còi từ 37,6% đến 21,8% [135]. SDD ảnh hưởng tới tất cả các nhóm tuổi, nhưng phổ biến ở nhóm người nghèo và những người không tiếp cận được đầy đủ với giáo dục, y tế, nước sạch và hệ thống xử lý chất thải tốt [117].

1.1.5.1.2. Tình hình thiếu máu và chiến lược phòng chống thiếu máu


Thiếu máu thiếu sắt là một trong những rối loạn dinh dưỡng phổ biến và thông thường nhất trên thế giới, cũng như ảnh hưởng đến số lượng lớn trẻ em và phụ nữ ở các nước đang phát triển. Khoảng 52% PNMT ở các nước đang phát triền, 23% ở các nước phát triển thiếu máu [128].

TCYTTG đã tiến hành phân tích các số liệu thiếu máu được thu thập bởi Hệ thống Thông tin về Vi chất Dinh dưỡng và Vitamin (VMNIS) tại các quốc gia ở tất cả các châu lục từ năm 1993-2005. Kết quả cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới là 47,4%, cao nhất ở châu Phi 64,6%, châu Á 47,7%, vùng biển Caribe 39,5%, châu Âu 16,7%, trong khi đó Bắc Mỹ 3,4% [104]. Nghiên cứu ở Brazin cho thấy tỷ lệ thiếu máu của trẻ em từ 0-60 tháng tuổi là 40,9%, nông thôn có tỷ lệ cao hơn ở thành thị (51,4% so với 39,6%). Tỷ lệ thiếu máu cao nhất gặp ở nhóm tuổi từ 6- 23 tháng (61,8% so với 31,0%) [110].

Các yếu tố nguy cơ gây thiếu máu ở trẻ em cũng đã được tìm thấy bao gồm thiếu ăn, cai sữa sớm, tần suất sử dụng nhóm thực phẩm giàu đạm thấp, cho ăn dặm


không đúng cách, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, không tẩy giun, trình độ văn hóa bà mẹ thấp [26], [37], [50]. Vì các lý do trên TCYTTG khuyến cáo chiến lược phòng chống thiếu máu thiếu sắt tập trung vào 4 điểm chính sau: Giảm đói nghèo, tăng tiếp cận với bữa ăn đa dạng thực phẩm, tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) và vệ sinh môi trường, thúc đẩy chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tốt hơn và thực hành cho trẻ ăn đúng. Đây cũng là những yếu tố cơ bản sử dụng cho bất kỳ chương trình PCSDD nào [128]. TCYTTG khuyến cáo sử dụng phân loại ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của thiếu máu trong quần thể dựa vào tỷ lệ ước tính dưới đây [128]:

Bảng 1. 3: Phân loại ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của thiếu máu


Phân loại ý nghĩa sức khỏe cộng đồng

Tỷ lệ thiếu máu

Tình trạng trầm trọng

Từ 40% trở lên

Tình trạng trung bình

Từ 20% đến dưới 40%

Tình trạng nhẹ

Từ 5 đến dưới 20%

Bình thường

Dưới 5%

1.1.5.2. Tình hình suy dinh dưỡng và thiếu máu ở trẻ em Việt Nam


1.1.5.2.1. Tình hình suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi


Việt Nam là một trong 34 quốc gia có tỷ lệ SDD cao trên thế giới. Ước tính năm 2010 Việt Nam có 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân, 2,1 triệu trẻ SDD thể thấp còi và 250 ngàn trẻ SDD thể gày còm. Tỷ lệ thừa cân béo phì là 4,8% [70]. SDD trẻ em khác nhau giữa các vùng sinh thái. Tây Nguyên có tỷ lệ SDD cao nhất, sau đó đến đồng bằng Trung Du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ duyên hải miền Trung và thấp nhất là Nam Bộ [70] (xem bảng dưới đây)


Bảng 1. 4: Phân bố tình trạng SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi theo các vùng sinh thái



Khu vực sinh thái

Nhẹ cân (Tỷ lệ %)

Thấp còi (Tỷ lệ %)

Gày còm (Tỷ lệ %)

Đồng bằng trung du miền núi phía Bắc

22,1

33,7

7,4

Bắc trung bộ duyên hải miền Trung

19,8

31,4

7,6

Tây Nguyên

24,7

35,2

8,1

Nam Bộ

10,7

19,2

5,2

Năm 2010 Việt Nam vẫn có tới 20 trên 63 tỉnh thành có tỷ lệ SDD nhẹ cân trên 20%, ở mức cao, 31 tỉnh có tỷ lệ SDD thấp còi trên 30% ở mức cao, 2 tỉnh có tỷ lệ thấp còi trên 40% ở mức rất cao. Trong 15 năm qua trung bình hàng năm tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm 1,3% [74]. Trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng vitamin A, chủ yếu là thiếu vitamin A tiền lâm sàng (dưới 0,7 milimol/l) 14,2%, thiếu hụt iode 22,9% [74]. Kết quả các nghiên cứu cũng cho thấy nhóm tuổi có tỷ lệ SDD thấp còi tăng cao nhất là nhóm từ 6 đến 24 tháng tuổi. Tỷ lệ thấp còi ở trẻ 0-11 tháng tại Việt Nam 14,2%, nhưng ở nhóm tuổi 12-23 tháng tỷ lệ này tăng lên đến 23,7%, từ 24-36 tháng 24,7%; 36-47 tháng 26,1%; 48-59 tháng 22,6% [74].

1.1.5.2.2. Tình hình thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi


Trong những năm qua, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi, PNMT và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ tại Việt Nam có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tỷ lệ thiếu máu năm 1995 và năm 2000 ở các đối tượng trẻ dưới 5 tuổi, PNMT, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ trên toàn quốc đã giảm một cách tương ứng như sau: 45,3% xuống 34,1%; 52,7% xuống 32,2%; 40,2% xuống 24,3% [48]. Năm 2010 tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi 29,2 %;, PNMT 36,5%, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ 28,8% [74]. Theo vùng sinh thái, tình trạng thiếu máu cao nhất ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc miền Trung, miền núi phía Bắc, thấp nhất ở đồng bằng sông Hồng, và đồng bằng sông Cửu Long khu vực thành thị [74]. Nghiên cứu tại Quảng Trị huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa tỷ lệ thiếu máu ở trẻ 6-36 tháng tuổi 43,5% [55]. Tại Thái Nguyên thiếu máu ở trẻ 5-8 tháng tuổi có tỷ lệ rất cao 74,6% [27]. Như vậy tuổi của trẻ càng nhỏ, tỷ lệ thiếu máu càng cao.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/11/2022