Biểu đồ:
Biểu đồ 3.1: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2009-2015 (%) 61
Biểu đồ 3.2: Tỷ lệ lạm phát thời kỳ 2009-2015 62
Biểu đồ 3.3: Tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu 65
Biểu đồ 3.4: Các tỷ lệ nhóm an toàn vốn 72
Biểu đồ 3.5: Các chỉ tiêu nhóm khả năng sinh lời 75
Biểu đồ 3.6: Tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2010-2014 76
Biểu đồ 3.7: Các chỉ tiêu nhóm khả năng thanh khoản 77
Biểu đồ 3.8: Các chỉ tiêu chất lượng tài sản, mức độ thâm hụt 79
Biểu đồ 3.9: Tỷ lệ nợ xấu của các NHTMCP Việt Nam giai đoạn 2010-2015 80
Biểu đồ 4.1: Số lượng ngân hàng có/không có nguy cơ vỡ nợ cao 92
Hình:
Hình 1.1: Các mô hình chủ yếu trong nghiên cứu cảnh báo vỡ nợ 8
Hình 2.1: Nơron nhân tạo 53
Hình 2.2: Sơ đồ cây quyết định dạng đơn giản 55
Hình 2.3: Đường bao dữ liệu (DEA) 57
Hình 2.4: Khung nghiên cứu 59
Hình 4.1: Đồ thị các biến e2, e4 100
Hình 4.2: Đồ thị các biến d3, a2, a3 100
Hình 4.3: Mạng nơ ron với 10 nút ẩn 108
Hình 4.4: Cây quyết định 112
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, nó được coi là “hệ thống huyết mạch” của cả nền kinh tế. Tuy nhiên hoạt động ngân hàng cũng luôn chứa đựng nhiều rủi ro, rủi ro là một yếu tố không thể tách rời quá trình hoạt động của các ngân hàng thương mại trên thị trường. Rủi ro vỡ nợ ngân hàng có thể gây ra những tổn thất to lớn cho nền kinh tế hơn bất cứ rủi ro của các loại hình doanh nghiệp nào khác và chi phí cho việc khắc phục hậu quả là rất lớn. Cảnh báo sớm rủi ro vỡ nợ sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ của các ngân hàng, giảm thiểu tổn thất cho người gửi tiền, cho ngân hàng, cho các tổ chức bảo hiểm tiền gửi và nền kinh tế. Khi một ngân hàng yếu kém bị vỡ nợ nó có thể sẽ tạo ra sự đổ vỡ dây truyền trong hệ thống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của hệ thống ngân hàng. Do đó việc phát hiện sớm các ngân hàng gặp khó khăn, có nguy cơ vỡ nợ cao cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn khủng hoảng hệ thống ngân hàng, giữ vững sự ổn định của thị trường tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ XX và phát triển mạnh trong giai đoạn 1991-1996, tiếp theo là giai đoạn 2006-2010. Sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhiều NHTMCP đã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán vào cuối năm 2011. Đó là lý do chính cho sự ra đời của Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá XI) khẳng định: “Một trong ba trọng tâm tái cấu trúc kinh tế là cơ cấu lại hệ thống tài chính, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng”. Để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công thì việc quan trọng đầu tiên cần làm là phân loại, nhận diện chính xác các ngân hàng yếu kém có nguy cơ vỡ nợ cao.
Cho đến nay trên thế giới đã có nhiều lý thuyết và mô hình về cảnh báo vỡ nợ, khủng hoảng như: phân tích phân biệt đơn biến, mô hình phân tích phân biệt đa biến (MDA), mô hình Logit (LA), Probit (PA),… Gần đây các phương pháp, mô hình
thuộc nhánh sử dụng các kỹ thuật thông minh như mạng nơron (ANN), cây quyết định (DT), mô hình nhận dạng các đặc điểm (TR), thuật toán di truyền,... đã được áp dụng trong nghiên cứu cảnh báo vỡ nợ và hứa hẹn nhiều kết quả tốt. Các nghiên cứu cũng cho thấy mỗi phương pháp, mô hình đều có những ưu, khuyết điểm riêng và ngay trong một mô hình khi áp dụng ở các quốc gia khác nhau, các khu vực khác nhau cũng có các biến thể khác nhau, điều đó phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Đã có nhiều mô hình được xây dựng với sự trợ giúp của công nghệ máy tính tiên tiến nhằm giải thích nguyên nhân cũng như dự báo, ngăn ngừa vỡ nợ, khủng hoảng. Tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra các cuộc vỡ nợ các ngân hàng, các tổ chức tài chính với quy mô và ảnh hưởng ngày càng lớn mà người ta không dự báo được, do vậy việc xây dựng các mô hình cảnh báo vỡ nợ vẫn luôn cần được quan tâm, bổ sung, hoàn thiện. Những biến động rất lớn về kinh tế - xã hội, tính không dự báo được của các sự kiện tự nhiên, kinh tế xã hội làm cho việc sử dụng các phương pháp truyền thống, phương pháp hiện tại nhiều trường hợp không còn phù hợp nữa.
Xuất phát từ các lý do trên, nghiên cứu sinh chọn đề tài: “Xây dựng mô hình cảnh báo nguy cơ vỡ nợ đối với các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam” làm luận án tiến sỹ kinh tế (chuyên ngành Toán kinh tế) để góp phần giải quyết một vấn đề mà lý luận và thực tiễn đang đặt ra.
2. Mục đích nghiên cứu của luận án
Mục đích nghiên cứu của luận án là
- Xây dựng và lựa chọn hệ thống các chỉ tiêu sử dụng trong việc đánh giá nguy cơ vỡ nợ của các NHTMCP.
- Xây dựng mô hình thực nghiệm cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của các NHTMCP Việt Nam.
- Đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ vỡ nợ của các NHTMCP Việt Nam.
Câu hỏi nghiên cứu:
- Trong điều kiện của Việt Nam, những nhân tố nào có thể đặc trưng cho khả năng vỡ nợ của ngân hàng; các nhân tố, các chỉ tiêu nào ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào tới nguy cơ vỡ nợ của các NHTMCP Việt Nam?
- Các ngân hàng có các đặc thù riêng ảnh hưởng đến khả năng vỡ nợ, sự khác biệt này giữa các ngân hàng được xác định như thế nào?
- Phương pháp, mô hình nào nên đề xuất áp dụng cho các NHTMCP Việt Nam?
- Hàm ý về chính sách rút ra từ mô hình?
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là nguy cơ vỡ nợ, mô hình xác định nguy cơ vỡ nợ của các NHTMCP Việt Nam.
- Phạm vi nghiên cứu
Luận án nghiên cứu về các NHTMCP Việt Nam gồm 35 NHTMCP trong đó bao gồm cả các NHTMCP mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối như BIDV, MHB, Vietcombank, Vietinbank. Khoảng thời gian nghiên cứu là từ năm 2010 đến năm 2015.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để phù hợp với nội dung, yêu cầu và mục đích nghiên cứu đã đặt ra, luận án sử dụng phương pháp phân tích định lượng và phân tích định tính. Một số mô hình được sử dụng là mô hình hồi quy Logit với dữ liệu mảng, mô hình mạng nơ ron và cây quyết định để xây dựng mô hình cảnh báo nguy cơ vỡ nợ cho các NHTMCP Việt Nam.
Luận án sử dụng các số liệu được thu thập từ các báo cáo của NHNN, các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các NHTMCP thời kỳ 2010-2015.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
- Luận án xây dựng cơ sở lý luận cho mô hình cảnh báo nguy cơ vỡ nợ các NHTMCP.
- Luận án xây dựng, lựa chọn hệ thống các chỉ tiêu sử dụng trong cảnh báo vỡ nợ ngân hàng. Xác định được các nhân tố, các chỉ tiêu ảnh hưởng tới nguy cơ vỡ nợ của các NHTMCP.
- Lượng hóa tính đặc thù của từng ngân hàng ảnh hưởng tới khả năng vỡ nợ.
- Xây dựng được mô hình cảnh báo vỡ nợ cho các NHTMCP.
- Đề xuất một số giải pháp giảm nguy cơ vỡ nợ cho các NHTMCP dựa trên các phân tích của luận án.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, bảng biểu và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận án được chia làm 5 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan các nghiên cứu về vỡ nợ ngân hàng Chương 2: Cơ sở lý luận về vỡ nợ ngân hàng thương mại
Chương 3: Thực trạng hoạt động, nguy cơ vỡ nợ của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam giai đoạn 2009-2015
Chương 4: Xây dựng mô hình cảnh báo nguy cơ vỡ nợ các NHTMCP Việt Nam. Chương 5: Kết luận và kiến nghị chính sách.
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ VỠ NỢ NGÂN HÀNG
Chương 1, luận án trình bày khái niệm vỡ nợ, vỡ nợ ngân hàng thương mại. Qua việc tổng quan các nghiên cứu vỡ nợ, vỡ nợ ngân hàng tiêu biểu trên thế giới và ở Việt Nam, tác giả cũng chỉ ra khoảng trống nghiên cứu và đề ra mục tiêu nghiên cứu.
1.1. Khái niệm vỡ nợ, vỡ nợ ngân hàng thương mại
Hiện tượng “phá sản” hay “vỡ nợ” đã có từ lâu nhưng nó được nói đến nhiều trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt với nhau, các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả tồn tại và phát triển còn các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, không thể thanh toán các nghĩa vụ tài chính thì vỡ nợ, phá sản. Sự vỡ nợ của doanh nghiệp dẫn đến sự xung đột lợi ích của các chủ thể tham gia vào các quan hệ kinh tế. Việc xác định rõ khái niệm này là cơ sở để Nhà nước, các chủ thể trong nền kinh tế có thể can thiệp một cách có ý thức vào hiện tượng này nhằm hạn chế tối đa những hậu quả tiêu cực và khai thác những mặt tích cực của nó.
Theo từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ (1988, tr.790) viết rằng “ phá sản là lâm vào tình trạng tài sản chẳng còn gì, và thường là vỡ nợ, do kinh doanh bị thua lỗ, thất bại; vỡ nợ là tình trạng doanh nghiệp, cá nhân lâm vào tình trạng bị thua lỗ, thất bại liên tiếp trong kinh doanh, phải bán tài sản để trang trải công nợ, mà cũng có thể không trang trải được hết”. Trong luận án này tác giả sử dụng thuật ngữ ‘vỡ nợ’.
Theo hiệp ước Basell II (2008), nguy cơ vỡ nợ được xem như sự kiện hoặc sự cố liên quan đến những chủ thể vay, khi ít nhất một trong các khả năng sau đây xảy ra:
- Không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn hoàn trả hay là tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, bao gồm vốn vay và tiền lãi phải trả.
- Không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tín dụng khi quá hạn trên 90 ngày.
- Giá trị tài sản nhỏ hơn vốn vay.
Dưới giác độ pháp lý theo văn bản luật mới nhất, luật phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19/6/2014 quy định: “ Vỡ nợ là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố vỡ nợ”, luật cũng chỉ rõ: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn
thanh toán”. Luật phá sản số 51/2014/QH được xem là văn bản pháp lý đầy đủ nhất về phá sản, vỡ nợ doanh nghiệp.
Vỡ nợ ngân hàng thương mại
Về mặt kỹ thuật, vỡ nợ ngân hàng là một tình trạng trong đó một NH không thể đáp ứng được trách nhiệm thanh toán cho những người gửi tiền và không có đủ khoản tiền dự trữ theo như đòi hỏi phải có (Mishkin, 1999, tr.270). Do tính chất quan trọng của các TCTD trong đó có ngân hàng đối với nền kinh tế nên việc vỡ nợ của TCTD được quy định riêng ở mục 2, điều 155 của Luật các TCTD số 47/2010/QH12 ra ngày 16/6/2010 nêu rõ “Sau khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn lâm vào tình trạng vỡ nợ thì TCTD đó phải làm đơn yêu cầu toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố vỡ nợ theo quy định của pháp luật về vỡ nợ”. Cũng theo điều 146 chương VIII, luật các TCTD 2010, mục kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể, thanh lý TCTD có nêu: “NHNN xem xét, đặt các TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi TCTD lâm vào một trong các trường hợp sau
+ Có nguy cơ mất khả năng chi trả.
+ Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán.
+ Khi số lỗ lũy kế của TCTD lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.
+ Hai năm liên tục bị xếp hạng yếu kém theo quy định của NHNN.
+ Không duy trì được tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 130 của luật Này trong thời gian một năm liên tục”.
Như vậy việc vỡ nợ của các TCTD, các ngân hàng ở Việt Nam được quy định và giám sát rất chặt chẽ.
Hậu quả của vỡ nợ ngân hàng
Sự vỡ nợ của các NHTM gây ra sự mất vốn của các cổ đông ngân hàng, sự tổn thất cho người gửi tiền (nếu không được chi trả bảo hiểm tiền gửi đầy đủ), nếu qui mô vỡ nợ lớn hơn nó có thể tạo phản ứng đổ vỡ dây chuyền hệ thống NH, kéo theo khủng hoảng tài chính. Hậu quả của nó rất dai dẳng gây ra suy thoái kinh tế và làm kiệt quệ nguồn vốn đầu tư nhất là ở các nước đang phát triển (Lê Khương Ninh, 2015). Ví dụ điển hình là chi phí khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm
1997 (bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ngân hàng và tiền tệ) lên tới 200 tỷ đô-la Mỹ, trong đó người gửi tiền và Chính phủ gánh chịu. Trong lịch sử đã xảy ra nhiều vụ vỡ nợ các ngân hàng lớn trên thế giới. Bảng 1.1 nêu một số cuộc khủng hoảng ngân hàng điển hình từ năm 1980.
Bảng 1.1: Một số cuộc khủng hoảng ngân hàng điển hình
Địa bàn | Sự kiện | Nguyên nhân | |
1 | Châu Mỹ La-tinh (1980-1983) | Hơn 70 ngân hàng bị giải thể hoặc cần cứu trợ. Quốc hữu hoá ngân hàng quy mô lớn diễn ra ở Mexico, Uruguay, Chile và Peru. | Lãi suất giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt ở Hoa Kỳ, cùng với sự xấu đi của môi trường kinh tế vĩ mô trong nước. |
2 | Hoa Kỳ (1988-1992) | 1300 ngân hàng vỡ nợ. Chi phí khắc phục là 180 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 3% GDP). | Bùng nổ thị trường bất động sản cùng việc gỡ bỏ một số quy định đối với lĩnh vực tài chính khiến các TCTD thực hiện các khoản cho vay quá rủi ro. |
Hoa Kỳ (2007-2009) | Khủng hoảng tự dẫn đến vấn đề thanh khoản ở hệ thống ngân hàng do nhu cầu đối với các loại chứng khoán phái sinh giảm sâu. Các loại tài sản tài chính khó định giá bị mất giá do áp dụng các quy định kế toán mới. | Bùng nổ bong bong nhà đất khiến cho thị trường cho vay sụp đổ, làm cho nhu cầu đối với các loại chứng khoán phái sinh giảm sâu. | |
3 | Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển (1991) | Chính phủ kiểm soát ba ngân hàng lớn chiếm đến 31% tổng lượng tiền gửi. | Tự do tài chính dẫn đến bùng nổ cho vay, cùng với lãi suất tăng ở Đức nên chất lượng các khoản cho vay không thể kiểm soát. |
4 | Khủng hoảng tài chính Châu Á (1997) | Khủng hoảng ngân hàng và tiền tệ. Nợ xấu tăng đột biến ở Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Malaysia, dẫn tới nhiều vụ sáp nhập các NH. | Sự mở rộng thị trường vốn quốc tế, cùng sự định giá quá cao đồng nội tệ dẫn đến việc vay và cho vay quá mức. |
Có thể bạn quan tâm!
- Xây dựng mô hình cảnh báo nguy cơ vỡ nợ đối với các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam - 1
- Tổng Quan Các Nghiên Cứu Vỡ Nợ, Vỡ Nợ Ngân Hàng Trên Thế Giới
- Tóm Tắt Một Số Nghiên Cứu Cảnh Báo Vỡ Nợ, Vỡ Nợ Nh Trên Thế Giới
- Các Nghiên Cứu Về Dự Báo Vỡ Nợ, Vỡ Nợ Ngân Hàng Ở Việt Nam
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
Nguồn: Amri và Kocher (2012)