Các Yếu Tố Cấu Thành Vi Phạm Pháp Luật Đất Đai

+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và sự thiệt hại của xã hội, nghĩa là hành vi nào thì thiệt hại đó, thiệt hại phải do hành vi trái pháp luật đó gây ra nếu không xác định được mối quan hệ nhân quả này thì phải khẳng định thiệt hại của xã hội không phải do hành vi trái pháp luật trực tiếp gây ra mà có thể do nguyên nhân khác.

Ngoài ra, mặt khách quan của VPPL còn bao gồm: Không gian, thời gian, địa điểm, phương tiện thực hiện hành vi VPPL.

- Mặt chủ quan của VPPL

+ Lỗi: Lỗi là trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi cũng như hậu quả của nó. Lỗi được xem như thước đo của trách nhiệm pháp lý, nó biểu hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với xã hội, bao gồm: lỗi cố ý (lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp), lỗi vô ý (lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi vô ý do cẩu thả)

+ Động cơ, mục đích VPPL: Được hiểu là cái thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật và kết quả cuối cùng mà trong suy nghỉ chủ thể mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Chủ thể của VPPL

Chủ thể của VPPL là cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp lý. Nếu chủ thể đó là cá nhân thì cần xem xét người đó đã đạt độ tuổi phải chịu trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực vi phạm không, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hay không, trạng thái tâm lý của họ khi thực hiện hành vi đó như thế nào.

- Khách thể của VPPL

Khách thể của VPPL là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng bị hành vi trái pháp luật xâm hại. Tính chất của khách thể cũng phản ánh mức độ nguy hiểm của hành vi VPPL

Chủ thể thực hiện hành vi VPPL tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm sẽ bị xử lý bằng các loại trách nhiệm pháp lý hình sự, hành chính, dân sự hoặc trách nhiệm pháp lý kỷ luật. Trong đó, trách nhiệm pháp lý hình sự là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất được áp dụng đối với trường hợp vi phạm mà mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn các loại trách nhiệm pháp lý còn lại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

1.1.2. Vi phạm pháp luật đất đai

1.1.2.1. Khái niệm vi phạm pháp pháp luật đất đai

Vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định, thực trạng và giải pháp ngăn chặn, khắc phục - 3

Việc quản lý và sử dụng đất phải được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai, tuy nhiên một lượng không nhỏ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý đất trong quá trình thi hành công vụ đã có những hành vi VPPL đất đai như: Vi phạm về hồ sơ hồ sơ và mốc địa giới hành chính; vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; vi phạm quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất…Ngoài ra, người sử dụng đất cũng có những hành vi VPPL đất đai cũng rất phổ biến như lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất, sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng đất sai quy định của pháp luật… Để có cơ sở nhận diện và xử lý các hành vi VPPL đất đai trước hết cần làm rõ VPPL đất đai là gì.

Trên cơ sở phân tích các nội hàm của VPPL nói chung chúng ta có thể đưa ra khái niệm VPPL đất đai như sau: Vi phạm pháp luật đất đai là hành vi trái pháp luật đất đai, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ về đất đai được pháp luật về đất đai bảo vệ.

1.1.2.2. Đặc điểm của vi phạm pháp luật đất đai

VPPL đất đai là một loại VPPL vì vậy nó mang đầy đủ các đặc điểm của VPPL nói chung như đã phân tích ở phần trên, ngoài ra có các đặc điểm riêng sau đây:

Thứ nhất, hành vi VPPL đất đai là hành vi xác định của con người xâm hại đến quan hệ pháp luật được pháp luật đất đai bảo vệ;

Thứ hai, chủ thể thực hiện hành vi VPPL đất đai là những chủ thể liên quan đến quản lý, sử dụng đất gồm chủ thể sử dụng đất và chủ thể đặc biệt là những cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý đất. Có thể phân chia chủ thể của VPPL đất đai thành 03 nhóm chính sau:

- Nhóm chủ thể là người có hành vi VPPL về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai;

- Nhóm chủ thể là người sử dụng đất sử dụng đất trên lãnh thổ Việt Nam;

- Nhóm chủ thể là tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ ba, khách thể mà VPPL đất đai xâm hại đến là sự quản lý, sử dụng đúng đắn đất đai theo quy định của Nhà nước. Các hành vi VPPL đất đai rất đa dạng, phong phú nhưng tựu chung lại nó xâm hại việc quản lý đúng đắn của Nhà nước về đất đai (quản lý về giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất; quản lý về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý về vấn đề thu hồi, trưng thu, trưng dụng đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư…) và xâm hại đến quyền sử dụng đất hợp pháp của các chủ thể có quyền (lấn chiếm đất, chiếm dụng đất trái phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định; thu hồi, trưng dụng, hỗ trợ, bồi thường tái định cư đối với những chủ thể bị áp dụng sai quy định…)

1.1.2.3. Các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật đất đai

* Thứ nhất, mặt khách quan của VPPL đất đai

Hành vi VPPL đất đai rất phong phú, mỗi giai đoạn xã hội khác nhau pháp luật quy định các loại hành vi bị coi là VPPL đất đai khác nhau.

Theo quy định Điều 5 của Luật Đất đai năm 1987, các hành vi bị nghiêm cấm khá đơn giản bao gồm: việc mua, bán, lấn, chiếm đất đai, phát canh thu tô dưới mọi hình thức, nhận đất được giao mà không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, tự tiện sử dụng đất nông nghiệp, đất có rừng vào mục đích khác, làm huỷ hoại đất đai [23].

Cũng về hành vi VPPL đất đai, Điều 6 Luật đất đai 1993 cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm khá đơn giản: Nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích được giao, huỷ hoại đất [24].

Đến Luật Đất đai 2003, các hành vi nghiêm cấm đã được sửa đổi, bổ sung đặc biệt Nhà nước đã dự liệu đến những hành vi VPPL đất đai của chủ thể quản lý đất đai. Điều 15 quy định: Nhà nước nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai; không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; huỷ hoại đất; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi

sử dụng các quyền của người sử dụng đất; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất.

Nhà nước nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý đất đai [25].

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, Luật đất đai 2003 đã bộc lộ nhiều nội dung không còn phù hợp. Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

- Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai;

- Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố;

- Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích;

- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất;

- Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này;

- Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai;

- Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật;

- Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật [27].

* Về hậu quả của vi phạm pháp luật đất đai

Do ý nghĩa, vai trò quan trọng của đất đai đối với đời sống xã hội và phát triển kinh tế nên vi phạm pháp luật đất đai thường gây ra tổn thất lớn về kinh tế, có tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.

- Về mặt kinh tế, đất đai luôn là tài sản có giá trị lớn; do hành vi vi phạm về

đất đai sẽ dẫn đến một diện tích đất đai nhất định bị chiếm hưởng mà Nhà nước bị thất thu các khoản nghĩa vụ tài chính; những khoản thu này thường có giá trị lớn.

Mặt khác, đối với nhiều trường hợp VPPL đất đai chủ thể vi phạm xây dựng nhà cửa, công trình gắn liền với đất, khi phải xử lý buộc tháo dỡ sẽ gây ra tổn thất lớn về kinh tế cho chủ thể đã đầu tư xây dựng công trình, cũng chính là gây tổn thất cho xã hội. Tại thành phố Nam Định trong tháng 7 năm 2014, UBND thành phố phải tiến hành xử lý cưỡng chế tháo dỡ 10 căn hộ do một số cá nhân xây dựng trái phép trên đất chiếm dụng của Nhà nước tại phường Thống Nhất, với giá trị ước tính trên 3 tỷ đồng [38]. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cộng thêm sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở nên khi vi phạm xảy ra chính quyền cơ sở né tránh, ngại áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế tháo dở công trình; dẫn tới một số lượng lớn hộ sử dụng đất không hợp pháp tích tụ qua nhiều năm chưa được xử lý; gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định.

- Về mặt xã hội: VPPL đất đai tác động tiêu cực rất lớn đến ổn định xã hội. Bởi lẽ, đất đai luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, luôn thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng dân cư, nhất là ở nông thôn. Mặt khác, các hành vi VPPL đất đai luôn hướng tới đối tượng là một khu đất cụ thể, nó luôn hiện hữu trước mắt của cộng đồng. Chính vì thế, VPPL đất đai trong những năm qua có tính phổ biến và là một trong những nguyên nhân chủ yếu của các khiếu kiện trong đời sống xã hội.

Cụ thể, theo thống kê của Thanh tra Chính phủ thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo về đất đai luôn chiếm trên 80% đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ở tỉnh Nam Định trung bình là 85%, có năm hơn 90% hầu hết các vụ khiếu tố đông người kéo dài đều xuất phát từ vi phạm pháp luật đất đai của chính quyền cơ sở. Nhiều điểm nóng về an ninh nông thôn xuất phát từ khiếu kiện đông người về đất đai mà căn nguyên đều từ vi phạm pháp luật đất đai của chính quyền cơ sở (điển hình là điểm nóng về an ninh nông thôn ở huyện Giao Thủy của tỉnh Nam Định vào năm 2000 với 16/22 xã, thị trấn đồng loạt khiếu kiện đông người; trong đó tố cáo UBND xã, thị trấn bán đất trái phép là nội dung chính; kết quả là Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết, sau 2 năm mới giải quyết tạm thời ổn định) [38].

Ngoài ra, VPPL đất đai không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, giảm uy tín của bộ máy nhà nước và ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý đất đai của Nhà nước mà còn xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các chủ thể sử dụng đất.

Thứ hai, mặt chủ quan của VPPL đất đai:

Chủ thể VPPL đất đai là tổ chức, cá nhân có lỗi trong việc thực hiện hành vi VPPL đất đai; lỗi có thể là do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.

Chủ thể quản lý đất đai, bằng nhiệm vụ quyền hạn của mình có trường hợp biết là sai nhưng vẫn vi phạm do yếu tố chủ quan, nể nang hoặc ngại va chạm. Thậm chí do tư lợi hoặc tâm lý làm cho xong việc, có trường hợp do “bệnh” thành tích mà cố tình làm sai.

Đối với các chủ thể sử dụng đất, VPPL đất đai có thể do thiếu hiểu biết, hoặc do nhu cầu cá nhân buộc phải vi phạm. Ví dụ như trên địa bàn Nam Định, nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển mạnh, chính lý do này mà việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất tồn tại rất nhiều và chiếm tỉ lệ lớn trong số trường hợp VPPL đất đai. Trong các trường hợp VPPL này, chủ yếu người dân ý thức tôn trọng pháp luật chưa cao, biết tự ý chuyển mục đích sử dụng đất là sai nhưng vì lợi nhuận vẫn làm.

Thứ ba, chủ thể VPPL đất đai:

Chủ thể vi phạm pháp luật đất đai đa dạng; bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; các công chức nhà nước; bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trên lãnh thổ Việt Nam. Có thể phân chủ thể của vi phạm pháp luật đất đai thành 03 nhóm chính sau:

Nhóm thứ nhất, nhóm chủ thể là tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai.

Theo quy định tại Điều 96 Luật Đất đai năm 2013 thì nhóm chủ thể này bao gồm 03 loại chủ thể sau:

- Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai;

- Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai;

- Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý; [27]

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Đất đai năm 2013 thi tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý bao gồm:

+ Tổ chức được giao quản lý công trình công cộng, gồm công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm;

+ Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư;

+ Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng;

+ Tổ chức được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền [27].

Nhóm thứ hai, nhóm chủ thể là người sử dụng đất sử dụng đất trên lãnh thổ Việt Nam

Bao gồm hộ gia đình, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi chung là cá nhân); cơ quan, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gọi chung là tổ chức); cơ sở tôn giáo, có hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất đai.

Nhóm thứ ba, nhóm chủ thể là tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai trên lãnh thổ Việt Nam

Bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai.

Thứ tư, khách thể của vi phạm pháp luật đất đai:

Khách thể của vi phạm pháp luật đất đai là quan hệ xã hội được pháp luật về đất đai bảo vệ nhưng bị hành vi trái pháp luật xâm hại tới.

Do đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt; là nguồn vốn và nguồn nội lực to lớn của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội; nên khách thể của vi phạm pháp luật đất đai cũng khá đa dạng.

Tóm lại, vi phạm pháp luật đất đai là hành vi của các chủ thể có năng lực chịu trách nhiệm pháp lý, gồm các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai; các công chức nhà nước; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai có lỗi; được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính về đất đai.do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

1.1.3.4. Các loại vi phạm pháp luật đất đai theo quy định của pháp luật

Đất đai là một đối tượng đặc thù do đó VPPL đất đai rất đa dạng về hành vi và phức tạp về mức độ nguy hiểm cho xã hội. Theo quy định của pháp luật, VPPL đất đai bao gồm các loại vi phạm sau:

- Tội phạm vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai;

- Vi phạm pháp luật về đất đai đối với người có hành vi vi phạm pháp luật đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai;

- Hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất đai;

- Hành vi vi phạm hành chính trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai.

a- Tội phạm vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì: Tội phạm vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai.

- Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009: Người nào lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Xem tất cả 143 trang.

Ngày đăng: 30/08/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí