Vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định, thực trạng và giải pháp ngăn chặn, khắc phục - 2

Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) cơ bản là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai... Lợi ích giữa Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.

Trong tình trạng chung của hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên địa bàn tỉnh Nam Định tình hình vi phạm pháp luật về đất đai vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Số lượng hộ sử dụng đất không hợp pháp do vi phạm pháp luật đất đai tồn tại nhiều năm trước đến nay vẫn chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm (theo kết quả rà soát của UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2014 thì số hộ sử dụng đất không hợp pháp tồn tại từ đầu những năm 1990 đến năm 2012 chưa được xử lý khoảng 46.000 hộ), do đó chưa tạo lập được mặt bằng pháp lý trong quản lý, sử dụng đất đai. Bên cạnh đó vi phạm pháp luật đất đai mới phát sinh ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định không được ngăn chặn kịp thời, xử lý không nghiêm, nhiều nơi đã dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, làm mất ổn định an ninh nông thôn.

Nhằm ổn định trật tự xã hội, thực hiện có hiệu quả Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu cấp bách đặt ra là cần có giải pháp xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp sử dụng đất không hợp pháp đã tồn tại từ nhiều năm qua; đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đất đai mới phát sinh, lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai; tạo ra chuyển biến rõ rệt trong quản lý, sử dụng đất đai, đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp, kỷ cương theo hướng hiện đại.

Xuất phát từ những phân tích nêu trên và qua thực tiễn công tác tại địa phương, tác giả lựa chọn đề tài “Vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định, thực trạng và giải pháp ngăn chặn, khắc phục” để nghiên cứu, viết luận văn Thạc sĩ luật học của mình.

2. Tình hình nghiên cứu

Đất đai là vấn đề luôn mang tính thời sự nên được cả xã hội quan tâm. Trong khoa học pháp lý, thời gian qua đã có nhiều công trình khoa học của các tác giả công tác tại các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý tiến hành ít nhiều có nội dung liên quan tới đề tài luận văn, cụ thể:

- Sách chuyên khảo:

+ TS. Nguyễn Văn Thanh và Luật gia Đinh Văn Minh (chủ biên), "Một số vấn đề đổi mới cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở Việt Nam", Nxb.Tư pháp, Hà Nội. 2004;

+ ThS. Nguyễn Thế Thịnh (chủ biên), "Công tác dân vận trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân", Nxb.Tư pháp, Hà Nội. 2007;

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

+ TS. Trần Văn Sơn, "Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo", Nxb.Tư pháp, Hà Nội. 2007;

+ Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ), "Khiếu nại, tố cáo hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam hiện nay", Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2012;

Vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định, thực trạng và giải pháp ngăn chặn, khắc phục - 2

+ Xây dựng quy chế phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp lên Trung ương (Đề tài do ông Nguyễn Tiến Bình - Phó Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, năm 2008);

- Luận án, luận văn:

+ Ngô Mạnh Toan, "Hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam", Luận án Tiến sỹ Luật học, khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2007;

+ Lê Văn Thành, "Áp dụng pháp luật trong quản lý nhà nước về đất đai của UBND thành phố Hồ Chí Minh hiện nay", Luận án Tiến sỹ Luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, năm 2012;

+ Trần Anh Hùng, "Thủ tục giải quyết khiếu nại về đất đai của các cơ quan hành chính nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh", Luận văn Thạc sỹ Luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, năm 2007;

+ Lê Hồng Oanh Ngọc, " Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại về đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội", Luận văn Thạc sỹ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, năm 2009;

+ Nguyễn Thị Lệ Hằng, "Giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai của UBND cấp huyện tỉnh Khánh Hòa", Luận văn Thạc sỹ Luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, năm 2010;

+ Phạm Thị Hồng Uyên, "Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tôn giáo trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay", Luận văn Thạc sỹ Quản lý hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia, năm 2011;

+ Nguyễn Thị Thu Hằng, "Giải quyết khiếu nại về đất đai tại các khu công nghiệp của các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh Bắc Giang hiện nay", Luận văn Thạc sỹ Luật học, khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2011;

- Bài đăng trên các tạp chí:

+ Kiều Văn Chung, " Mấy vấn đề xung quanh việc hoàn thiện quyết định giải quyết khiếu nại về đất đai", Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2003;

+ ThS. Nguyễn Thị Mai Lê, “Cụ thể hóa mức xử phạt vi phạm hành chính đất đai”, Tạp chí Tài chính số 12/2014;

+ Đề tài khoa học cấp Bộ, Thanh tra Chính phủ, "Hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở Việt Nam", Hà Nội. 2004.

Các công trình khoa học trên đã đề cập từng khía cạnh của quản lý nhà nước về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, do đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu trực tiếp về quản lý và xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đây cũng là lý do tiếp theo để tác giả lựa chọn nghiên cứu đề tài này.

3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn

3.1. Mục tiêu

Luận văn làm rõ những vấn đề lý luận về vi phạm pháp luật đất đai và đặc

điểm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trên cơ sở đó, đưa ra quan điểm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết vi phạm trong lĩnh vực đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Nam Định; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, luận văn có những nhiệm vụ cụ thể sau:

- Phân tích, làm rõ khái niệm, đặc điểm vi phạm pháp luật đất đai; nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai;

- Đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật đất đai và kết quả xử lý, giải quyết vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định;

- Đề xuất, kiến nghị các giải pháp xử lý, khắc phục và ngăn chặn vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

- Luận văn tập trung nghiên cứu các hành vi vi phạm pháp luật đất đai nói chung và trên địa bàn tỉnh Nam Định nói riêng;

- Thực tiễn hoạt động xử lý, giải quyết các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định, từ đó tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục và ngăn chặn trong thời gian tới.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu tình hình vi phạm và xử lý, giải quyết các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định;

- Thời gian: Giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 1987 có hiệu lực thi hành (từ ngày 08/1/1988) đến nay.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý luận của việc nghiên cứu đề tài là những luận điểm trong học thuyết Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý hành chính nhà nước; các quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về quản lý và giải quyết các vi phạm pháp luật đất đai.

Các phương pháp được tác giả sử dụng trong luận văn gồm: Phương pháp phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp; phương pháp lịch sử; phương pháp hệ thống; phương pháp so sánh...

Trong chương 1, để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về vi phạm pháp luật đất đai, luận văn sử dụng phương pháp hệ thống, so sánh, phân tích nhằm làm rõ thêm khái niệm và đặc điểm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Bằng việc sử dụng phương pháp thống kê, so sánh, phân tích..., chương 2 của luận văn đánh giá những ưu điểm, hạn chế của hoạt động giải quyết, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định trong những năm qua. Ở chương 3, sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để đưa ra các giải pháp nhằm xử lý, khắc phục và ngăn chặn các hành vi vi pháp pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định nói riêng và cả nước nói chung.

6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của luận văn

Góp phần hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung về vi phạm pháp luật đất đai và hệ thống pháp luật về đất đai của Nhà nước ta;

Tìm hiểu và nghiên cứu thực tiễn vi phạm về đất đai và hoạt động xử lý, giải quyết các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định trong những năm qua; tìm ra căn nguyên làm phát sinh vi phạm pháp luật đất đai và dự báo xu hướng của các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định để có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn trong thời gian tới.

Là công trình có sự gắn kết giữa phân tích lý luận với tổng kết thực tiễn địa phương, luận văn là nguồn tư liệu tham khảo cho lãnh đạo chính quyền các cấp và những người làm công tác quản lý đất đai của tỉnh Nam Định trong tổ chức và thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm khắc phục và ngăn chặn các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn; góp phần tăng cường quản lý đất đai, khai thác với hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phục vụ thiết thực công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh nhà.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo; kết cấu của luận văn gồm 03 chương:

Chương 1. Vi phạm pháp luật đất đai và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai.

Chương 2. Thực trạng vi phạm pháp luật đất đai và xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Chương 3. Phương hướng, giải pháp nhằm xử lý, khắc phục và ngăn chặn vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Chương 1

VI PHẠM PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI


1.1. Vi phạm pháp luật đất đai

1.1.1. Vi phạm pháp luật

Vi phạm pháp luật là một hiện tượng tiêu cực của xã hội, trong bất kì một xã hội nào thì VPPL cũng bị nhà làm luật coi là hành vi bất hợp pháp nên về nguyên tắc chủ thể thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Theo GS.TSKH Lê Văn Cảm: “VPPL là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến các lợi ích được bào vệ bằng ngành luật tương ứng hoặc trái với các quy định được quy định trong ngành luật ấy, do người có năng lực trách nhiệm pháp lý và đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý thực hiện một cách có lỗi” [22, tr.537].

Như vậy, một VPPL nói chung có các đặc điểm sau:

Thứ nhất, VPPL luôn là hành vi khách quan xác định của con người (hành động hoặc không hành động). Các quy định của pháp luật đặt ra để điều chỉnh các hành vi xử sự của con người chứ không phải điều chỉnh suy nghĩ hoặc những đặc tính cá nhân khác của con người nếu như những đặc tính đó chưa biểu hiện thành các hành vi cụ thể của họ;

Thứ hai, VPPL là hành vi trái pháp luật của con người, xâm hại đến các quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ. Hành vi trái pháp luật là hành vi không phù hợp với những quy định của pháp luật, thể hiện trên ba khía cạnh: không thực hiện những gì mà pháp luật yêu cầu; sử dụng vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép và thực hiện những gì mà pháp luật cấm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những gì mà pháp luật không cấm, không bảo vệ thì dù có làm trái cũng không bị coi là trái pháp luật, không phải là VPPL;

Thứ ba,VPPL là hành vi có lỗi của chủ thể thực hiện. Có thể nói, mọi VPPL đều là hành vi trái pháp luật nhưng ngược lại không phải mọi hành vi trái pháp luật đều là VPPL. Chỉ những hành vi trái pháp luật nào được chủ thể thực hiện có lỗi

một cách cố ý hoặc vô ý mới bị coi là VPPL. Dấu hiệu trái pháp luật chỉ là dấu hiệu bên ngoài của hành vi, con yếu tố lỗi là dấu hiệu bên trong của hành vi đó. Lỗi là yếu tố không thể thiếu được để xác định VPPL. Nếu hành vi trái pháp luật được thực hiện do những điều kiện, hoàn cảnh khách quan và chủ thể hành vi đó không thể ý thức được hoặc không còn cách xử sự nào khác tốt hơn thì hành vi đó không thể coi là có lỗi, không thể là VPPL;

Thứ tư, chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật đó phải là người có năng lực chịu trách nhiệm pháp lý. Nghĩa là họ có khả năng gánh chịu hậu quả pháp lý do nhà nước áp dụng trong trường hợp VPPL.

* Các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật

VPPL tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống xã hội, làm mất ổn định xã hội. Do đó, một VPPL được nhận diện là yếu tố quyết định cho cơ quan chức năng xử lý. VPPL gồm bốn yếu tố cấu thành: Mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể của vi phạm pháp luật. Thiếu một trong những yếu tố này thì sẽ không tồn tại một vi phạm pháp luật trong thực tế. Việc xác định từng bộ phận này là cơ sở quan trọng để truy cứu trách nhiệm pháp lý, nhờ đó mà tìm ra được mối quan hệ giữa chúng với nhau, xác định được các biện pháp trách nhiệm pháp lý tương ứng, tìm ra nguyên nhân của vi phạm pháp luật, và còn đánh giá được mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy mà ta có thể thấy việc phân tích các yếu tố làm cơ sở để đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm pháp luật là rất quan trọng.

- Mặt khách quan của VPPL

Là những biểu hiện bên ngoài của VPPL, gồm:

+ Hành vi trái pháp luật: Để truy cứu trách nhiệm pháp lý cần phải xác định được trên thực tế đã xảy ra hành vi trái pháp luật nghĩa là có sự kiện pháp lý xảy ra trên thực tế, sự kiện đó do hành vi của con người gây nên và nó trái pháp luật.

+ Sự thiệt hại của xã hội: Là những tổn thất về vật chất hoặc tinh thần mà xã hội phải gánh chịu. Mức độ nguy hiểm của hành vi được biểu hiện qua mức độ thiệt hại của xã hội do hành vi đó gây ra. Nếu không có thiệt hại xảy ra hoặc nguy cơ xảy ra sự thiệt hại đối với xã hội thì hành vi đó không có tính nguy hiểm cho xã hội.

Xem tất cả 143 trang.

Ngày đăng: 30/08/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí