mỗi dân tộc dù lớn hay nhỏ (theo nghĩa số lượng người) đều có bản sắc riêng của mình. Sự đậm nhạt của bản sắc tùy thuộc vào truyền thống văn hóa và lịch sử tồn tại của dân tộc ấy, nó cũng chịu ảnh hưởng của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội hiện tại. Bản sắc của người Tây Nguyên có lẽ không khó để nhận ra. Nhưng tính cách của họ có những điểm gì nổi bật? Hiện nay, chưa có công trình nào nghiên cứu về tính cách của con người bản địa Tây Nguyên, để khái quát điều đó thật không đơn giản vì khu vực này có rất nhiều tộc người sinh sống. Tuy nhiên trên bình diện chung, họ có nhiều nét tương đồng xuất phát từ môi trường tự nhiên núi rừng, từ môi trường xã hội đậm tính nhân văn, từ những giá trị chung của văn hóa truyền thống.
Điểm dễ nhận thấy nhất khi tiếp xúc với người Tây Nguyên là họ rất ít nói. Trước những sự kiện quan trọng họ thường im lặng. Im lặng do đó đã trở thành một đặc tính nổi bật mà các nhà văn không thể không đề cập đến khi khắc hoạ tính cách con người Tây Nguyên. Nguyên Ngọc viết: “Người Tây Nguyên vốn rất ít nói. Họ im lặng như núi rừng. Khi vui, khi buồn, khi giận đều vậy”[26, tr. 176]. Vì sao người Tây Nguyên ít nói? Tác phẩm văn chương phản ánh và lý giải vấn đề này như thế nào?
Cùng với hành động, ngôn ngữ là một cơ sở quan trọng để tìm hiểu tính cách nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật tồn dưới hai dạng: âm thanh và im lặng. Sự im lặng đúng thời điểm có giá trị biểu hiện nhiều khi hơn cả lời nói trực tiếp, bởi vì nó chứa đựng những chiều sâu của tư duy mà lớp vỏ ngôn ngữ khó bóc hết. Nhà văn Tô Hoài đã rất thành công trong việc diễn tả ngôn ngữ im lặng của Mỵ trong đêm bị trói bên đống lửa trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Trong Hòn Đất, Anh Đức cũng đem đến cho độc giả một sự xúc động rất lớn về chị Sứ trong đêm trăng bị giặc trói trước hang Hòn qua ngôn ngữ im lặng của chị, v.v…Sự im lặng trong những giây phút hệ trọng chính là “đêm trước” của bão giông nên nó thường mang theo những tia chớp mạnh mẽ của tâm trạng. Nhà
văn bao giờ cũng khai thác tâm trạng nhân vật ở mức sâu xa nhất để có thể miêu tả một cách toàn diện đặc điểm của tính cách nên không thể không chú ý khai thác ngôn ngữ im lặng của nhân vật.
Trong Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc đã nhiều lần miêu tả sự im lặng của anh hùng Núp và của đám đông làng Kông Hoa như là một nét tính cách của người Tây Nguyên. Núp là con chim đầu đàn trong phong trào kháng Pháp, với vai trò ấy anh nói rất nhiều, và cũng rất nhiều lần anh im lặng trước những sự kiện hệ trọng. Trong đêm dân làng Kông Hoa họp ở nhà rông bàn chuyện có đánh Pháp được không, mọi người bàn tán xôn xao, riêng Núp thì im lặng: “Không khí nhà rông trở nên ồn ào. Kẻ nói Pháp cũng là người, bắn nó cũng phải chảy máu. Người nói nó như hòn đá, như cái cây, nó là Giàng. Trên trời nó đi cũng được, dưới nước nó đi cũng được, đánh trúng nó, nó không có máu...Chỉ còn một mình Núp chưa tin. Bàn tay to và đen nắm trùm cả đầu ống điếu còn nóng, Núp nhìn lửa, nói như nói với chính mình: Để coi thử đã...”[26, tr. 235]. Sau sự im lặng ấy, Núp đã một mình kiên quyết hành động (phục bắn cho bằng được một lính Pháp) để biết rõ kẻ thù là người hay là Yàng. Trước những nỗi đau của đồng bào mình Núp cũng thường im lặng:“ Bà Hu lại oà lên khóc nữa: - Chị Lã bị Pháp hiếp, bây giờ nó còn giam trong đồn. Núp đứng im rất lâu, nghẹn trong cổ không nói được gì cả”[26, tr. 332]. Tình thương yêu dân làng của Núp thể hiện rõ trong những phút im lặng đau đớn. Và chính sự im lặng của bão giông ấy đã thổi bùng ngọn lửa căm thù, thôi thúc Núp tiến lên phía trước để giành lấy tự do cho đồng bào. Chính những giây phút im lặng đã bộc lộ hết phẩm chất cũng như chiều sâu tâm cảm của nhân vật. Bởi vì im lặng cũng có ngôn ngữ của nó. Ngôn ngữ của im lặng có sức khám phá lớn.
Người Tây Nguyên vốn hiền lành và ít nói nên khi miêu tả chân dung nhân vật, các tác giả rất chú ý đến đặc điểm này. Khắc hoạ chân dung Y Kơ Bin (Kỷ niệm Tây Nguyên- Nguyên Ngọc), nhà văn viết: “Anh vạm vỡ và im lặng
như một hòn núi. Cũng như một hòn núi mang trong mình bao nhiêu con suối dào dạt mà vẫn im lặng và bí mật”[30, tr. 320]. Sự im lặng đã trở thành nét đẹp riêng của con người Tây Nguyên. Ngay cả trong tình yêu, Y Kơ Bin cũng chỉ nói bằng sự im lặng: “Y Kơ Bin nhìn thẳng vào mắt Nèn hồi lâu, im lặng...Lần nào gặp chị Nèn, Y Kơ Bin cũng nhìn như thế. Chị Nèn không chịu nổi cái nhìn đó”[30, tr. 327]. Sự im lặng của Y Kơ Bin là sự im lặng của tình cảm dâng trào được gửi vào ánh mắt nên “Nèn không chịu nổi”. Kpa Kơ Lơng (Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông- Nguyên Ngọc) mười ba tuổi đã học được cách im lặng: “Mười ba tuổi em đã biết không được khóc. Phải nín lặng để lắng nghe cho hết, để nhìn rõ tội ác quân thù”[30, tr. 249]. Khi xin vào du kích, em chỉ nói một câu: “Anh Bờ Lang! Anh phải cho Kơ Lơng vào du kích, Kơ Lơng muốn đánh giặc”[30, tr. 250]. Nhưng vì chưa đủ tuổi, em không được đồng ý. Kơ Lơng im lặng hành động (ba lần lập chiến công) để chứng minh mình đủ khả năng làm du kích. Sự im lặng của Kơ Lơng chất chứa nỗi căm hờn của mối thù Pắc Dố cùng cái chết đau đớn của người cha. Nỗi lòng ấy chỉ có thể được bộ lộ qua hành động quả cảm. Càng im lặng, Kơ Lơng càng hành động quyết liệt để rồi trở thành người anh hùng danh tiếng lẫy lừng của Tây Nguyên.
Có thể bạn quan tâm!
- Vẻ Đẹp Hình Thức Của Người Tây Nguyên
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 14
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 15
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 17
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 18
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 19
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, Bin (Lạc rừng- Trung Trung Đỉnh) thường có những câu nói ngô nghê dễ thương với đồng đội. Nhưng lúc đối diện với kẻ thù, anh không nói gì: “Khi có tình hình căng thẳng, Bin trở thành một con người khác, cậu rất ít nói”[5, tr. 47]. Dù ít nói nhưng Bin là người luôn tiên phong trong mọi công việc và vô cùng gan góc trước kẻ thù. Ngôn ngữ chậm chạp nhưng đánh giặc thì Bin nhanh như một con sóc. Khi bị kẻ thù uy hiếp, già Đim (Pui Kơ Lớ- Khuất Quang Thụy): “đốt lên một đống lửa nhỏ, hai cha con ngồi im lìm như hai tảng đá bên bếp lửa cho tới nửa đêm”[32, tr.29]. Ma H’Bai (Gia đình Ma H’Bai- Y Điêng cũng là một con người rất ít nói, anh chỉ nói bằng công việc: “Ma H’Bai là người lâu nay ít nói mà anh chỉ thể hiện ý nghĩ, lới
nói của mình bằng kết quả công việc mình làm”[8, tr. 9]. Sự im lặng của người Tây Nguyên chất chứa những năng lượng tình cảm rất lớn, và năng lượng ấy sẽ được bộc lộ qua hành động. “Ngôn ngữ” giá trị nhất của họ là hành động.
Hình ảnh đám đông im lặng cũng xuất hiện khá nhiều trong Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Hơ Giang, Lạc rừng…Những khoảng im lặng này thường xuất phát từ những tình tiết gay cấn nhất, phức tạp nhất, hệ trọng nhất. Những lúc như thế con người Tây Nguyên thường im lặng. Họ im lặng để suy tư, để cân nhắc. Và họ cũng im lặng như là một cách đối phó trong những tình huống cụ thể. Trước tình hình giặc Pháp xâm lược mà người Tây Nguyên không có cách gì đánh lại chúng vì không tìm lại được gươm ông Tú: “Không có gươm ông Tú, đất nước khổ đến khi nào mới thôi?...Lửa cũng suy nghĩ, nó thấp ngọn xuống. Cả nhà rông im lặng”[26, tr.232]. Hoặc khi nghe bọn Pháp nói lũ làng Kông Hoa nên về theo Pháp, Pháp cho lại tất cả rìu rựa. Pháp còn cho thêm mỗi người một bát muối, một cái rựa nữa thì: “Người Kông Hoa nghe, cúi đầu suy nghĩ, không ai nói gì cả”[26, tr. 305]. Và khi Núp nói mọi người phải lên trên núi Chư Lây cao hơn nữa, tìm cái chỗ tốt hơn nữa, làm cái làng mới, làm cái rẫy tốt, làm nhiều bẫy đá hơn nữa, đánh Pháp chờ muối bok Hồ thì họ cũng: “Chín mươi người đứng lặng im”[26, tr. 305]. Theo Pháp để được sung sướng hay theo Núp để phải chịu đựng sự đói rách? Mỗi người Kông Hoa im lặng để tự ồn ào, tự tranh luận với chính mình. Và hành động của họ đã thay câu trả lời: “Lũ làng hốt tro xong, lặng lẽ, lần lượt đi theo bok Pa. Tảng đá lớn ở đầu làng sừng sững nhìn từng người đi qua, như chào từng người, như đếm từng người: một...hai...ba...bốn...đủ cả chín mươi người...”[26, tr. 306]. Không nói lời nào nhưng họ lại có sự đồng tâm rất cao. Phải chăng đã có một cuộc đối thoại trong im lặng, hoặc tâm thức cộng đồng đã giúp họ hiểu nhau?
Trong tác phẩm Rừng xà nu, chúng ta cũng bắt gặp những giây phút im lặng của “lũ làng” Xô Man. Cả làng Xô Man cũng im lặng trước câu chuyện bi
thương của Tnú do cụ Mết kể lại: “Tất cả đều im lặng. Chỉ còn có tiếng vòi nước đầu làng lanh tanh trộn lẫn tiếng mưa đêm gõ đều trên vòm lá cây. Tnú cũng im lặng”[26, tr. 146]. Sau ba năm đi lực lượng trở về thăm làng, Tnú chất chứa biết bao nhiều tình cảm với “tiếng chày giã gạo”, với “máng nước đầu làng”, với “bà cụ Leng, ông già Tâng, anh Pre, chị Blom”, nhưng tác giả Nguyễn Trung Thành vẫn không để anh nói lời nào; chỉ đến cuối tác phẩm, người đọc mới nghe anh nói bằng việc kể lại những chiến công. Buôn Tría (Chuyện người buôn Tría- Y Điêng) có người cũ về thăm, dân làng tới chia vui, nhưng ai nấy đều im lặng: “Người lên nhà đông thêm. Ai lên nhà cứ lên, ai uống rượu cứ uống. Nhưng ai nấy đều im lặng”[8, tr. 35]. Có thể nói, im lặng đã trở thành một lối ứng xử, một thói quen giao tiếp không thể thiếu trong đời sống của người Tây Nguyên.
Sự im lặng của người Tây Nguyên có sức lan truyền đến độ, những người Kinh sống với họ một thời gian cũng bị “nhiễm bệnh” im lặng. Nhân vật Tôi (Cô gái Xà Niêng- Vũ Hạnh) khi sống bên ông Chúp cũng trở nên ít lời: “Chúng tôi sống bên nhau nhiều ngày ở giữa rừng sâu và đã quen sự ít lời. Như tất cả đồng bào Thượng, ông Chúp thích sự câm lặng hơn là tiếng nói”[15, tr.17]. Anh bộ đội trong Tháng Ninh Nông của Nguyên Ngọc sống với người Tơ Trá một thời gian rồi cũng trở thành người im lặng: “Tôi cất tiếng chào anh, anh chỉ ngửng nhìn lên, khẽ gật đầu, rồi lại cúi xuống, chăm chú nhìn bếp lửa, không trả lời… Anh lại ngửng lên, lần này rút tẩu thuốc ra khỏi mồm, nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi gật đầu, vẫn không nói gì. Tôi không ngạc nhiên. Người Tây Nguyên vốn rất ít nói. Họ im lặng như núi rừng. Khi vui, khi buồn, khi giận đều vậy. Không có cái lối vồ vập ôm chầm nhau”[26, tr. 176]. Nhân vật Anh bộ đội trong truyện ngắn Đêm nguyệt thực của Trung Trung Đỉnh cũng lấy một cô gái Bana và sống ở làng Plei-Ok, anh trở thành một người Bana chính cống, và anh cũng rất ít nói: “…Thoáng có mùi rượu. Từ lúc vào tới
giờ, anh chưa hề nói với tôi một lời nào, ngoài câu “gì đấy” bằng tiếng Kinh”[5, tr. 139]. Im lặng là một cách đón tiếp của người Tây Nguyên, họ thường không mừng rỡ vồ vập, ôm chầm lấy nhau như người Kinh. Những người Kinh khi mới tiếp xúc có vẻ khó chịu với cách tiếp đón này, nhưng sống nhiều với họ rồi cũng sẽ ảnh hưởng lối ứng xử im lặng ấy.
Không ồn ào vồ vập mà chỉ lắng sâu vào đáy lòng để rồi bùng phát thành hành động cụ thể. Nói nhiều mà làm ít là điều tối kỵ của những dân tộc vốn không lấy ngôn ngữ làm cứu cánh. Toàn bộ phẩm chất của con người chỉ được bộc lộ qua hành động, chỉ có hành động mới là “ngôn ngữ” đáng tin cậy nhất, nên người Tây Nguyên không cần nói nhiều, không muốn nói nhiều. Vốn rất trẻ về mặt tâm hồn, người Tây Nguyên có một niềm tin ngây thơ về con người. Niềm tin ấy thể hiện ở sự chân tình, thể hiện trong đôi mắt biết nói. Và đôi mắt là một phương tiện giao tiếp đặc biệt. Nó quan trọng hơn nhiều so với ngôn ngữ.
Núi rừng ngàn đời im lặng, nhưng chỉ cần lắng nghe một chút sẽ thấy được âm thanh của nó là không bao giờ dứt. Núi rừng chất chứa bao nhiêu điều kỳ diệu trong một thứ ngôn ngữ đặc biệt, chỉ có những người được sinh ra từ nó mới thấu hiểu và ứng xử đúng. Người Tây Nguyên im lặng như núi rừng, nhưng chỉ cần lắng nghe một chút sẽ thấy được những tiếng sóng dạt dào của tình cảm. Chỉ có những người thật sự yêu họ mới hiểu sự im lặng ấy. Hiểu để rồi ứng xử đúng với núi rừng tức là ứng xử đúng với người Tây Nguyên.
2.6 Con người có tư chất nghệ sĩ
Vật chất và tinh thần, hiện thực và lãng mạn là những phạm trù tưởng chừng như đối lập nhau nhưng thực ra lại hết sức biện chứng. Con người tồn tại trước hết là ở tính vật chất của nó, nhưng lớn lên, trưởng thành bởi những giá trị tinh thần. Giá trị vật chất là phương tiện để vươn đến giá trị tinh thần. Đến lượt mình, giá trị tinh thần sẽ chi phối giá trị vật chất một cách hợp lý nhất, để con
người có thể tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống. Đời sống tinh thần phong phú sẽ giúp con người thoát khỏi không gian chật hẹp của hiện thực vốn trần trụi và nhiêu khê. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận giá trị của hiện thực. Hiện thực nhiều khi cũng phong phú và hấp dẫn không kém sự lãng mạn. Yếu tố lãng mạn, xét cho cùng bao giờ cũng xuất phát từ hiện thực, cho nên thế giới lãng mạn thường mang bóng dáng của thế giới hiện thực. Nếu hiện thực là bờ cát trắng thì lãng mạn là những con sóng. Bờ cát sẽ cô đơn biết nhường nào nếu không có sóng vỗ về. Con người sẽ cô đơn biết nhường nào nếu chỉ giam mình trong bốn bức tường của hiện thực, nhất là những hiện thực đen tối của thói ích kỷ và lòng tham. Khi ấy, lãng mạn như chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa và thổi vào đó những cơn gió mát rượi, con người sẽ lấy lại sự cân bằng tâm lý để mà sống tốt hơn. Tùy theo quan điểm của từng người mà họ sống thiên về vật chất hay thiên về tinh thần. Tùy theo những giá trị tinh thần có được mà con người sẽ sống thiên về hiện thực hay thiên về lãng mạn. Theo cách nói đơn giản nhất, hiện thực là cơm, lãng mạn là rượu. Người Tây Nguyên có thể thiếu cơm ăn chứ không bao giờ thiếu rượu uống. Con người Tây Nguyên là con người lãng mạn, là những người có phẩm chất nghệ sĩ.
Thiên nhiên hoang dã với bao nhiêu bí ẩn kỳ thú như màn sương mỏng phủ trong tâm hồn con người Tây Nguyên. Con người luôn đứng trong thế chênh vênh giữa thực và hư, giữa “cô gái rừng” và “cô gái làng”. Sự giằng co, níu kéo giữa hai thế giới ấy khiến con người không thể chỉ sống với hiện thực mà phải dành thời gian cho một cuộc sống phi hiện thực, tràn đầy sự lãng mạn. Sự lãng mạn đã làm nên chất nghệ sĩ. Chất nghệ sĩ được hấp thụ trong sự phong phú của những thiên sử thi, của những điệu nhạc rừng tuôn chảy từ thuở hồng hoang.
Chất nghệ sĩ ấy thể hiện trước hết ở khả năng âm nhạc. Người Tây Nguyên có một chất giọng rất khỏe, đặc biệt có một tình yêu âm nhạc mãnh liệt.
Jacques Dournes nhận xét: “Người Tây Nguyên rất nhạy cảm với nhịp điệu, với sự hài hòa, với cái chung; giai điệu luôn nghèo, chẳng quan trọng lắm đối với họ. Nhưng những yếu tố đó đã đủ làm cho họ trở thành một nhạc sĩ. Họ có năng khiếu nhạc- họ có thể nghe nhạc hàng nhiều giờ- họ ham thích và có cảm quan âm nhạc” [59, tr. 234]. Tâm hồn phong phú thường nhạy cảm với nhịp điệu, nhất là khi nhịp điệu của núi rừng luôn vỗ về cảm xúc của con người. Điều đó khiến người Tây Nguyên rất thích hát. Tiếng hát, tiếng đàn không bao giờ ngừng vang lên trong đời sống, vì vậy nó cũng rất phong phú trong những trang văn xuôi về Tây Nguyên. Những tiểu thuyết của Nguyên Ngọc, Y Điêng, Trung Trung Đỉnh; các truyện ngắn của Ngọc Anh, H’Linh Niê, Thu Loan… thường miêu tả tiếng hát và dẫn những bài hát dân gian hoặc bài hát ứng tác vào truyện. Các nhà văn phản ánh đặc điểm này như là một bổ sung cho bức chân dung người Tây Nguyên được hoàn thiện hơn. Và nó cũng góp phần làm rõ hơn tính cách của nhân vật- những nhân vật luôn được xây dựng với ý thức ngợi ca. Trong Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc rất chú ý miêu tả lĩnh vực âm nhạc và xem đó như là một âm thanh nhẹ nhàng thanh thoát vút lên giữa bao bộn bề loảng xoảng của vũ khí và của lòng căm thù. Tám bài hát trong tác phẩm như tám khe nước hoà thành một dòng suối ngọt ngào chảy giữa rừng núi dữ dội của cuộc chiến không cân sức giữa làng Kông Hoa đói rách với thực dân Pháp dồi dào lương thực và vũ khí.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của làng Ma Hơ Giang trong tác phẩm Hơ Giang của Y Điêng cũng vô cùng khốc liệt. Nhưng không vì thế mà tiếng hát không ngừng cất lên trong sinh hoạt của đồng bào. Gia đình Ma Hơ Giang đến thăm nhà Ma Soa để chuẩn bị làm lễ cưới cho Hơ Giang và Y Soa, Mí Y Soa và Mí Hơ Giang nói chuyện với nhau bằng lời hát: “Anh ơi, chị ơi! Chúng ta đâu phải xa vời. Chị cán thì em lưỡi. Buôn ta cách nhau chỉ một con đồi. Bến nước chúng ta chung một dòng suối. Em đến đây không phải chuyện này, chuyện nọ.