Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 15


sức nghĩa tình. Người Tây Nguyên xưa không lấy sự giàu sang để làm mục đích cho cuộc đời, họ “làm vừa đủ ăn, thiếu đôi chút cũng chả sao, còn thì giờ để mà chơi: đó là hạnh phúc”[27, tr. 10]. Có lẽ vì vậy mà họ không bị những giá trị vật chất chi phối, họ có thể sống thảnh thơi trong tình nghĩa buôn làng, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người. Đó là cơ sở của lối sống nhân ái nghĩa tình, luôn yêu thương đùm bọc nhau, san sẻ mọi niềm vui nỗi buồn trong tình cảm cộng đồng gắn kết. Hãy một lần đến với người Tây Nguyên, ngay cả hôm nay, chúng ta sẽ cảm nhận được tình cảm cao đẹp của những người còn rất nghèo về vật chất. Rất có thể sau đó, niềm tin về sự tốt đẹp của con người sẽ trỗi dậy trong ta. Nụ cười luôn nở trên môi, ché rượu luôn đầy, tấm lòng luôn rộng mở…; hãy cùng họ đi vào hành trình của tình yêu, tất nhiên phải xuất phát từ tình yêu thật sự của mình.

2.4 Con người cộng đồng

Những tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên thành công nhất, để lại tiếng vang nhiều nhất, cho đến nay, vẫn là những tác phẩm thuộc đề tài chiến tranh cách mạng của những nhà văn- chiến sĩ. Tư tưởng yêu nước, tinh thần hy sinh để giải phóng cho dân tộc bao trùm và chi phối gần như tuyệt đối sự sáng tạo của nhà văn. Điều đó giải thích vì sao nhân vật trung tâm của văn học thời kỳ này là những con người mang tính tổng hợp cho cộng đồng và luôn thiên về ý chí, tức là những con người luôn sống trong ánh hào quang của tinh thần cách mạng, là hiện thân của thời đại và lịch sử dân tộc. Tính cộng đồng của người Tây Nguyên trong văn xuôi giai đoạn này không thể không bị chi phối bởi tư tưởng “điển hình” vốn rất được đề cao lúc bấy giờ. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, xã hội Tây Nguyên trước đây chưa có sự phân hóa giai cấp nên có tính cộng đồng rất cao. Và đó là nhân tố quan trọng nhất để các nhà văn khái quát một đặc điểm nổi bật của con người Tây Nguyên.


Con người Tây Nguyên tồn tại không phải với tư cách con người cá nhân mà với tư cách con người cộng đồng. Họ bị ràng buộc trong mối liên hệ sinh tử với cộng đồng. Những người có tội, bị loại ra khỏi cộng đồng, tức là bị loại khỏi đời sống. Cở sở của tính cộng đồng ấy là gì? Theo Jacques Dounes thì “Do cộng đồng huyết thống, nhiều làng là những thị tộc gia đình. Chính từ đó hình thành tính cộng đồng của người Tây Nguyên, biểu hiện bằng tính tương trợ vô tư, bằng việc vần đổi công thường xuyên, việc bình quân trong phân phối, v.v…”[82, tr. 255]. Theo chúng tôi, đây chỉ là một cơ sở, cái quan trọng hơn chính là tư liệu sản xuất còn khá khiêm tốn, khả năng chế ngự tự nhiên còn hạn chế cho nên con người phải dựa vào nhau để tồn tại, một sự tồn tại trên cơ sở của lẽ công bằng. Cũng không thể không tính đến chế độ xã hội còn ở thời kỳ tiền giai cấp: “Ô, đánh giặc, đánh hết, làm rẫy, làm hết. Pháp đặt chủ làng để bắt xâu bắt thuế cho Pháp, mình không ai bắt xâu thuế, đặt chủ tịch làm chi...Không ai muốn làm ông quan đâu”[26, tr 262]. Một phát biểu rất hồn nhiên của dân làng Kông Hoa đã cho ta hiểu được cơ sở chế độ xã hội của tính cộng đồng ở người Tây Nguyên.

Tính cộng đồng thể hiện trước hết ở tinh thần vì cộng đồng. Trong chiến đấu, tinh thần ấy được phát huy cao độ, và đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất để họ đứng vững trước sức mạnh của kẻ thù. Tính cách của con người Tây Nguyên trong các tác phẩm khá giống nhau về những nét cơ bản, đó đều là những con người luôn yêu thương hết mình, chiến đấu quên mình vì cộng đồng. Núp trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc luôn cảm thấy “thương lũ làng chưa nhiều, Núp làm việc chưa nhiều, bây giờ Núp phải thương lũ làng nhiều hơn nữa, làm việc nhiều hơn nữa...”[26, tr. 285]. Kơ Lơng (Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông- Nguyên Ngọc) nhận lấy mũi tên A- kam gia truyền từ tay cụ Xớt là để “trả thù cho cha, cho sông núi Gia rai”[30, tr. 253]. Tnú (Rừng xà nu- Nguyễn Trung Thành) đi lực lượng cũng vì mục


đích giết hết bọn thằng Dục để che chở cho làng. Hơ Giang (Hơ Giang- Y Điêng) trước họng súng kẻ thù, chị sẵn sàng chết chứ không thể bỏ dân làng: “Tôi sẽ không đi đâu hết. Ở đây là cái rẫy, là buôn làng của chúng tôi. Tôi rất thương đồng bào, anh em chúng tôi”[7, tr. 308]v.v…Từ lý tưởng vì cộng đồng như thế dẫn đến tính cách anh hùng của họ cũng là cái anh hùng có tính khái quát cho cả cộng đồng chứ không phải là anh hùng cá nhân. Tất cả những người anh hùng Tây Nguyên trong các tác phẩm đều có tính chất của nhân vật sử thi. Họ đều là những con người có trách nhiệm cao với cộng đồng, có lòng căm thù và yêu thương đúng đắn; họ hành động vì quyền lợi của cộng đồng, vì sự tồn vong của cộng đồng. Họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để phụng sự quyền lợi cộng đồng. Họ là sự tổng hợp sức mạnh cũng như trí tuệ của cộng đồng. Họ đại diện cho ý chí và tình cảm của buôn làng. Họ cũng có cá tính nhưng là cá tính nằm trong phẩm chất chung, không vượt ra ngoài khuôn khổ của đạo đức và văn hóa cộng đồng. Bởi vậy ta có thể nhìn thấy đặc tính cộng đồng thông qua con người cá nhân.

Tuy nhiên con người cộng đồng thể hiện sinh động nhất ở hình tượng con người tập thể. Trong các tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên, bên cạnh những hình tượng cá nhân mang tính tổng hợp cao, hình tượng con người tập thể khá nổi bật. Trong rất nhiều tác phẩm của Nguyên Ngọc, Y Điêng, Trung Trung Đỉnh; hình tượng “người làng” được xây dựng như là một yếu tố làm nổi bật tinh thần bất khuất của người Tây Nguyên trong chiến đấu. Như trên đã nói, do nền văn hóa Tây Nguyên là văn hóa cộng đồng nên con người Tây Nguyên luôn tựa lưng vào nhau để mà sống, mà chiến đấu. Trong tác phẩm Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, hình tượng “chín mươi người Kông Hoa” được lặp lại hai mươi lăm lần. Nó gợi lên hình ảnh một tảng đá vững chắc trước bão giông. Từ ngày họ bỏ làng theo Núp chạy Pháp, chín mươi người ấy không lúc nào rời xa nhau trong mọi hoàn cảnh. Ta bắt gặp họ leo núi chạy Pháp: “Chín

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.


mươi người lại đi trong núi thành một hàng dài...Chín mươi người leo đá lội suối, người già cũng đi, con nít cũng đi”[26, tr. 303]. Đói khát, khổ cực đến mấy cũng không thể chia cắt được họ, họ kề bên nhau chịu đựng gian khổ và quyết tâm chống Pháp tới cùng. Có khi cả chín mươi người phải chịu đói xơ xác: “Buổi sáng nay, Núp leo lên hòn đá cao giữa làng Bông Pra vừa cháy, nhìn chín mươi người đói xơ xác đứng quanh anh”[26, tr. 305]. Dẫu đói gạo đói muối đến vàng mắt xanh da, họ cũng không bao giờ từ bỏ con đường đã chọn, họ vẫn quyết tâm theo Núp: “Chín mươi người đi, lầm lì, leo đá, lội suối, người già cũng đi, con nít cũng đi, người có mang cũng đi, con vắt cắn chảy máu, không cần. Con mòng chích đau, không kêu. Đi thôi, đi theo anh Núp”[26, tr. 304. Đi theo anh Núp là đi theo lẽ phải, đi theo tự do, chính điều đó đã gắn kết họ lại với nhau, chín mươi người như một. Và nó đã tạo nên một sức mạnh tinh thần sẵn sàng vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt nhất. Gian khổ cùng chịu, hạnh phúc cùng hưởng là một lối sống có tính truyền thống của người Tây Nguyên. Chín mươi người của làng Kông Hoa đã cùng nhau vượt qua không biết bao nhiêu khổ cực, nhưng họ cũng có những phút giây hạnh phúc, khi nhận được rìu rựa của người Kinh, của Bok Hồ gửi cho thì “Trên chín mươi khuôn mặt tự nhiên nở bao nhiêu nụ cười, có nụ cười của chị phụ nữ như một cái hoa trắng của cây kơ- bông, có nụ cười của ông cụ già mất hết cả răng rồi, có nụ cười của thằng con nít, nó vừa cười vừa đưa tay lên vẫy Núp”[26, tr. 378]. Niềm hạnh phúc ít ỏi nhưng vô cùng lớn lao ấy đã làm cho chín mươi người Kông Hoa không suy giảm trước sự hủy diệt của kẻ thù mà ngày càng lớn mạnh hơn: “Tám năm trước có chín mươi người cắn răng bỏ con suối tốt này đi lên núi Chư Lây, đánh Pháp. Bây giờ họ đã trở về với con suối lớn rồi. Không phải là chín mươi người nữa. Bây giờ đã đông hơn nghìn người”[26, tr. 458-459]. Sự lớn mạnh của hình tượng con người tập thể trong tác phẩm Đất nước đứng lên biểu hiện sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên.

Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 15


Hình tượng con người tập thể biểu hiện phổ biến trong cuộc sống chiến đấu, đó là điều khá hiển nhiên đối với tất cả các dân tộc. Khi không còn chiến tranh, con người tập thể lập tức biến mất, nhường chỗ cho con người cá nhân, đến độ hình thành nên một chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Có những người, trong chiến đấu họ “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”(thơ Tố Hữu), nhưng trong cuộc sống hòa bình thì sẵn sàng “chết” vì một chiếc ghế chốn quan trường. Đối với người Tây Nguyên, điều đó rất xa lạ. Có nhiều người đánh giặc xong là trở về với buôn làng, hòa mình vào dòng chảy cộng đồng. Cảm thức văn hóa cộng đồng đã chi phối mạnh mẽ nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của từng cá nhân, từng gia đình. Trong buôn làng Tây Nguyên, một nhà có chuyện vui là cả làng vui, một nhà buồn là cả làng chia sẻ. Nếp sinh hoạt ấy dần dần hình thành một lẽ sống lấy cộng đồng làm trung tâm, lấy nguyện vọng cộng đồng làm thước đo nguyện vọng cá nhân. Do đó, con người cá nhân bị che khuất bởi con người cộng đồng. Ngay cả già làng là người có tiếng nói quyết định đối với mọi chuyện trong làng nhưng những quyết định ấy không bao giờ đi ngược lại với hội đồng già làng, mà hội đồng già làng là đại diện cho tâm nguyện của cả làng. Dễ hiểu vì sao anh hùng Núp được tôn vinh là người già làng của cả Tây Nguyên. Tnú của làng Xô Man cũng vậy, anh về làng không phải để thăm riêng cụ Mết- người đã cưu mang anh, cũng không phải thăm Dít- cô em vợ của anh; mà anh thăm cả làng, vì vậy cả làng đã kéo đến với anh: “Dân làng lũ lượt kéo tới nhà cụ Mết. Các cô gái dụi tắt đuốc ở cầu thang trước khi bước vào nhà. Các bà cụ cầm cả cây đuốc còn cháy rực đi thẳng vào...các ông cụ thì chưa bước lên cầu thang đã nói oang oang...”[26, tr. 142-143]. Y Kla (Lửa rừng- Vũ Hạnh) sau một thời gian dài lưu lạc, ngày trở về, cả làng đón cô trong niềm vui vô bờ: “Hỡi dân Nước Chò! Các người đón mừng con gái của buôn trở về với buôn. Không gì vui hơn tìm lại của quí mà ta đã mất. Có gì quí hơn người của buôn ta đâu? Chúng ta chia nhau miếng ăn miếng uống, chia nhau chỗ nằm trong cái hang


chật hẹp…Rồi một ngày kia chúng ta sẽ xây dựng buôn Nước Chò rộng lớn, đẹp đẽ hơn”[12, tr.380]. Trong truyện ngắn Tháng Ninh Nông của Nguyên Ngọc, ta cũng bắt gặp hình ảnh đoàn người Tơ Trá cùng nhau tắm gội trong dòng suối cội nguồn: “Cả làng vứt bỏ lại hết mọi thứ mà công cuộc tiến hóa hàng vạn hay hàng triệu năm đem lại cho con người...cả làng theo người già làng kéo nhau đi vào rừng thật sâu”[26, tr. 182]. Và ở đó cả cộng động cùng trở về cuộc sống nguyên thủy. Có thể nói, không khí cộng đồng luôn bao trùm trong mọi sinh hoạt cũng như lễ hội ở Tây Nguyên. Bản chất của lễ hội là tinh thần cộng đồng, tinh thần cộng đồng càng lớn thì sự hòa nhập càng tuyệt đối. Người Tây Nguyên đến với lễ hội để hòa tan trong niềm vui cộng đồng: “…Hai ba cô gái cùng một lúc kéo tôi dậy múa. Tôi nắm tay các cô, vừa múa vừa hát, đùi sát đùi, tay nắm tay, ngực sát ngực như thể cả lũ chúng tôi là một cơ thể, một sự chuyển động, không phải ý tứ, nhập nhằng”[5, tr. 251]. Nỗi khắc khổ của cuộc sống lao động luôn hằn trên gương mặt của người Tây Nguyên, nhưng điều đó hoàn toàn biến mất khi người ta sống trong niềm vui cộng đồng. Đến với cộng đồng là đến với một giá trị sống đích thực, được sống bằng tất cả niềm yêu thương tha thiết nhất, lớn lao nhất; nên họ sẵn sàng đem tất cả những gì mình có cho niềm hân hoan cộng đồng được đi đến chốn tận cùng của nó, để rồi sau đó lại miệt mài nương rẫy cho những mùa vui sau.

Tại sao tính cộng đồng của người Tây Nguyên tồn tại rất lâu dài, ngay cả khi mà cuộc sống của họ đã nhuốm màu kim tiền? Đó là nhờ vào lẽ công bằng. Công bằng là một lý tưởng mà mọi xã hội văn minh đều hướng tới, nhưng để đạt được điều đó không phải dễ. Chẳng phải thế mà luật pháp của mọi quốc gia đều hướng tới việc bảo vệ sự công bằng. Nhưng nhiều khi, người ta dùng mỹ từ “công bằng” để che đậy cho sự bất công, thói xu nịnh, lòng tham lam và cả sự tàn nhẫn… Khi sự công bằng bị nhạo báng thì chủ nghĩa cá nhân vị kỷ được mơn trớn và con người ngày càng bị đánh mất nhân phẩm.


Luật pháp đối với người Tây Nguyên trước đây hoàn toàn không có, và ngày nay cũng rất mơ hồ. Họ chỉ có luật tục, tức là sự qui định của phong tục tập quán. Mà phong tục tập quán là của Yàng đề ra nên được con người tuân thủ một cách nghiêm ngặt, họ sợ Yàng trừng phạt hơn là sợ tòa án. Chính vì vậy mà lẽ công bằng được được tôn trọng đến mức người ta sẽ sẵn sàng chết nếu vi phạm. Truyện ngắn Nước mắt gỗ của Khuất Quang Thụy đem đến cho chúng ta hiểu về điều này ở Tây Nguyên. Truyện kể về ông già Đinh Pai sau khi dự lễ hội về đã phát hiện phần thịt được chia của mình ít hơn phần thịt của các thành viên trong cộng đồng một miếng. Điều này thật khủng khiếp đối với người Tây Nguyên. Bởi vì nó là của Yàng phân phát. Đinh Pai nghĩ rằng chắc mình phạm tội gì đây nên bị Yàng phạt, mà Yàng phạt một người cũng đồng nghĩa cả làng sẽ bị tai họa. Để cứu dân làng, để bảo vệ sự công bằng đã từng làm nền tảng cho sự tồn tại của cộng đồng, già Đinh Pai đã chọn cái chết. Cái chết ấy nhằm loại bỏ mầm mống của sự bất công và cảnh tỉnh mọi người luôn giữ lấy tài sản quí báu của cộng đồng, đó là lẽ công bằng.

Trong nhiều tác phẩm, lẽ công bằng được đề cập đến như là một cơ sở quan trọng của tính cộng đồng. Cụ Mết (Rừng xa nu- Nguyễn Trung Thành) được huyện thưởng nửa lon muối, về làng “cụ chia đều cho mỗi bếp một phần”. Tnú về thăm, cho cụ một muỗng muối, cụ cũng “chia cho mỗi người mấy hạt”. Việc “chia đều”, đã trở thành nguyên tắc. Nếu các tộc người khác khi giao tiếp với người Tây Nguyên không hiểu nguyên tắc này sẽ dễ gây ra điều phiền toái. Truyện ngắn Chớp trên đỉnh Kon Từng của Trung trung Đỉnh nói rõ hơn vấn đề này. Trở lại thăm làng Bung, Bình mang theo ba chai rượu A-ra-rát để góp vui với bà con. Vốn đã từng sống rất lâu với người Bana nên anh hiểu nếu không khéo sẽ làm mất lòng mọi người, cho nên: “Tôi có sáng kiến, để mọi người cùng được hưởng cái hương vị lạ, đem đổ vào các ghè, mỗi ghè một ít…Thế là vui vì có công bằng. Bà con Bana rất chuộng sự công bằng”[6, tr.


249]. Không chỉ có người Bana mà mọi tộc người Tây Nguyên đều đề cao sự công bằng bởi vì chế độ xã hội, phong tục tập quán của họ rất giống nhau. Truyện Pui Kơ Lớ của Khuất Quang Thụy cũng đề cập đến tính công bằng trong nếp sống của người Jrai: “Đây là muối Book Hồ cho cả làng, nhà ta ăn một mình không tốt đâu. Để ta mang muối này đến trao cho già Kênh. Già sẽ chia cho cả làng cùng ăn. Người Gia Rai từ thuở ông bà tới nay sướng khổ đều có nhau, hoạn nạn đều có nhau. Có cái hội cả làng cùng vui. Có con thú ác cả làng cùng đánh”[32, tr.15]. Vậy đấy, ở một nơi được xem là còn mông muội mà đã xây dựng được sự công bằng với tinh thần thượng tôn gần như tuyệt đối. Khi sự công bằng ngự trị thì cái đẹp được tôn vinh, những giá trị đích thực của cuộc sống có quyền tồn tại. Một trong những giá trị tồn tại lâu dài nhờ vào sự công bằng đó là tính cộng đồng.

Xây dựng hình tượng con người cộng đồng, các nhà văn một mặt đã đi vào quĩ đạo chung của văn học cách mạng thời kỳ 1945-1975; mặt khác, nó là một yếu tố quan trọng để làm nổi lên bản sắc của đời sống Tây Nguyên. Cái bản sắc được tạo nên từ thế giới quan thần linh chủ nghĩa, từ quan niệm sống thiên về các giá trị tinh thần, từ môi trường lao động nương rẫy, từ môi trường xã hội còn ở thời kỳ tiền giai cấp… Hình ảnh con người cộng đồng không chỉ nổi bật trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù, nó cũng nổi bật trong cuộc sống đời thường thông qua lao động, đặc biệt là thông qua mùa “ăn năm uống tháng”. Tính cộng đồng ấy là biểu hiện rõ nhất của sự cộng cảm, cộng mệnh, cộng cư…; tạo nên cho con người Tây Nguyên một sức mạnh lớn lao để vươn tới những điều tốt đẹp mà các xã hội càng văn minh càng khao khát.

2.5 Con người “im lặng như núi rừng”

Mỗi một dân tộc có bản lĩnh đều tạo ra được tính cách của dân tộc mình. Tính cách là những nét riêng độc đáo làm nên bản sắc dân tộc. Nếu hình thức tạo nên diện mạo thì tính cách sẽ tạo nên bản sắc. Thực tế đời sống cho thấy,

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/05/2022