Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 18


những Ma Trang Lơn, Núp, Kpa Kơ Lơng đứng lên lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Nhân dân Kông Hoa (Đất nước đứng lên- Nguyên Ngọc) kiên quyết đánh Pháp đến cùng là để được “Tự do đi làm rẫy, tự do đi bắt cá dưới suối, đi săn con thú trên rừng...”[26, tr. 297]. Nhân dân Xô Man (Rừng xà nu- Nguyễn Trung Thành) đồng khởi là để cho “tiếng chày giã gạo của các mẹ các chị đêm đêm vẫn vang lên…”[26, tr. 137]. Nhân dân làng Ma Hơ Giang (Hơ Giang- Y Điêng) kiên quyết phá ấp chiến lược là để cho “dân làng rộng cẳng lên núi săn bắn, xuống suối bắt cá”[7, tr. 192] v.v… Chính ý thức tự do ấy đã nhanh chóng hướng họ đến với Cách mạng bằng tinh thần cao nhất.

Có thể nói làng Kông Hoa trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc là hình ảnh thu nhỏ của Tây Nguyên anh hùng. Núp là sự hội tụ sức mạnh của núi rừng Tây Nguyên. Nói đến Tây Nguyên anh hùng người ta sẽ nghĩ ngay đến Núp. Xây dựng nhân vật lý tưởng từ một nguyên mẫu của đời thường, Nguyên Ngọc đã gặp rất nhiều thuận lợi trong việc phản ánh cuộc chiến đấu của các dân tộc Tây Nguyên. Núp là biểu tượng của một dân tộc anh hùng. Nguyên Ngọc say sưa ca ngợi Núp như là ca ngợi chính sự hùng vĩ và đẹp đẽ của núi rừng Tây Nguyên. Núp ban đầu đánh Pháp là vì chúng đã “làm chết người Bana mình nhiều quá...làm cho mẹ khổ”[26, tr 223]. Khi phong trào cách mạng lan rộng đến Tây Nguyên, được tiếp xúc với anh Cầm, anh Thế; nhận thức của Núp về kẻ thù, về cuộc đấu tranh của dân tộc được rõ ràng hơn.

Chiến công đầu tiên tạo nên bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của người Tây Nguyên về kẻ thù đó là Núp đã bắn thằng Pháp chảy máu. Núp rất muốn đánh Pháp nhưng vẫn còn bán tín bán nghi trước những tin đồn Pháp không có máu, Pháp là Yàng. Anh đã quyết tâm đi cho tới An Khê để xem tường tận bọn Pháp. Trở về nhà, anh đã một mình mai phục bắn thằng Pháp, và anh đã nhìn thấy nó cũng chảy máu. Có thể nói hành động bắn thằng Pháp chảy


máu có ý nghĩa lớn về mặt quân sự bởi vì nó đã giúp Núp tập hợp được dân làng Kông Hoa và các làng lân cận đánh Pháp.

Núp và làng Kông Hoa đánh Pháp trong sự thiếu thốn trăm bề: thiếu gạo, thiếu muối, thiếu cái sắt để phát rẫy và làm vũ khí. Trong hoàn cảnh Núp và thanh niên Kông Hoa chỉ có ná nên không thể bắn lại rất nhiều loại súng của Pháp. Pháp đã bắt đi rất nhiều người Kông Hoa. Nhiều người muốn về đầu hàng Pháp, riêng Núp thì nói chắc như đinh đóng cột: “Tôi không biết về đầu nó đâu”[26, tr. 248]. Và anh cùng với dân làng đã tạo ra một thứ vũ khí vô cùng độc đáo, đó là “vũ khí rừng”. Trong chiến tranh, nhân dân ta đã tự tạo ra rất nhiều vũ khí lợi hại, nhưng khi đọc Đất nước đứng lên, chúng ta phải thán phục cách tạo vũ khí và cách đánh giặc rất Tây Nguyên của anh hùng Núp và dân làng Kông Hoa: “Chông trên trời là những cây lồ ô dài, vót nhọn, cột lủng lẳng trên cây cao, khắp hàng nửa cây số trong rừng. Chông dưới đất tức là hầm chông. Núp còn lựa những cây to, chặt gần đứt gốc, rồi cắm thật nhiều chông vào thân cây. Khi nào Pháp tới, giật giây, cây gãy, ngã xuống, chông trúng vào Pháp ngay...”[26, tr. 289]. Cách tạo vũ khí và cách đánh giặc rõ ràng mang đặc trưng của con người gắn bó với núi rừng. Trong thiếu thốn, họ đã bộc lộ trí thông minh, sự mưu trí của mình.

Vì những dụng cụ làm rẫy của dân làng bị Pháp lấy hết, lại gặp hạn hán, lại phải chạy làng liên miên, làng Kông Hoa không có gạo, không có muối ăn, đói đến vàng cả mắt. Lúc đầu nhà Núp còn gạo, anh nhịn cơm để cứu Ghíp, Ngứt khỏi đói. Nhưng “Đói càng ngày càng nặng. Cả ngày không còn ai trong làng. Ba bốn người từng tốp đi lang thang trong rừng, tìm củ mài, tìm rau, tìm lá cây ăn”[26, tr. 295]. Để khỏi đói cơm, Núp đã tiên phong làm rẫy tháng giêng, anh nói: “Đi chặt cây làm rẫy thôi, bok Pa ạ…Tôi đi làm trước, giàng có bắt, bắt tôi chết trước. Giàng cho sống thì sang năm cả làng làm rẫy sớm hết”[26, tr.311]. Rẫy của Núp được mùa to và “cả làng ai nấy đều đi theo Núp


làm rẫy tháng giêng cả rồi. Năm nay làng no”[26, tr. 312]. Hành động làm rẫy tháng giêng của Núp là một hành động dũng cảm bởi vì anh đã dám phá bỏ tập tục canh tác lâu đời của người Tây Nguyên. Và với hành động ấy, anh đã tạo ra một bước ngoặt văn hóa, anh đã làm giảm uy quyền của thần linh hàng ngàn đời nay đã trói buộc tâm linh của người Tây Nguyên. Anh cũng làm cho mọi người tin ở sức lực của chính bản thân mình. Để khắc phục tình trạng đói muối, Núp đã vận động mọi người ăn tro tranh thay muối: “Ăn tro tranh khổ lắm. Tôi cũng biết khổ. Nhưng ăn tro tranh chỉ khổ một đời mình thôi. Còn ăn muối Pháp khổ hết đời mình, đời con mình khổ nữa, đời cháu mình khổ nữa...Hàng tháng nay dân Kông Hoa phải ăn tro tranh thay muối”[26, tr. 282-283]. Nhưng không thể ăn mãi tro tranh, Núp phải đi vào rừng tìm một thứ gì có thể thay được muối. Anh đã tìm được trái lô-pang, “trái lô-pang ăn hơi mặn, chan chát, đỡ hơn tro tranh nhiều”[26, tr. 316]. Có thể nói tất cả những khó khăn thiếu thốn về vật chất và tinh thần của làng Kông Hoa kháng chiến đã được Núp giải quyết một cách hết sức tốt đẹp bằng trí tuệ v lịng can đảm của mình. Đó là cơ sở vững chắc cho cuộc cuộc chiến đấu lâu dài mà Núp đã khới dậy thành ngọn lửa, và anh quyết không bao giờ để tắt ngọn lửa đấu tranh trong lòng người dân Kông Hoa và cả Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

Người Tây Nguyên vốn thật thà, khi họ đã quí một người nào đó là họ đặt trọn niềm tin vào người ấy. Trái tim và khối óc của Núp đã thực sự chinh phục các dân tộc ở Tây Nguyên. Điều này đã tạo thuận lợi để Núp thực hiện thành công chủ trương của “người Đảng” trong việc đoàn kết các làng Bana cũng như các dân tộc Tây Nguyên cùng nhau đánh Pháp. Trong công cuộc đánh Pháp, Núp đã lập được rất nhiều chiến công. Nhưng có lẽ chiến công làm người đọc thú vị nhất là anh đã một mình vào tận sào huyệt của địch cứu đủ ba mươi người Kông Hoa thoát khỏi tay giặc mà không phải mất một viên đạn nào. Chiến công thứ hai mang đậm dấu ấn của “trí tuệ Tây Nguyên” là Núp đã chỉ


Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 18

huy đội du kích đánh giặc bằng “vũ khí rừng” trong một thế trận xứng đáng đưa vào sách quân sự. Trong bất cứ một trận đánh nào Núp cũng là người tiên phong. Anh thường nói:“Có chết, tôi chết trước”. Đó cũng là tinh thần chung của những người chiến sĩ cộng sản dấn thân vì sự tồn vong của dân tộc.

Những chiến công của Núp đã khẳng định tinh thần cách mạng kiên cường của anh. Con đường trưởng thành của Núp cũng là con đường của “Đất nước đứng lên”. Sự trưởng thành của Núp là sự lớn mạnh của cách mạng. Vẻ đẹp cao cả của anh hùng Núp là vẻ đẹp của lý tưởng cách mạng. Sức mạnh của anh bắt nguồn từ sức mạnh của cộng đồng. Cùng với Núp có bok Pa, bok Sung, Ghíp, Xíp, Liêu, mẹ Núp...Bok Pa luôn là người dẫn đầu chín mươi người đi lên núi đánh Pháp: “Chín mươi người đi. Đi đầu là bok Pa...”[26, tr. 285]. Bok Sung thì thường kể chuyện Gươm ông Tú cho lũ thanh niên ở nhà rông để khơi dậy truyền thống bất khuất của dân tộc. Ghíp luôn tin tưởng và hành động của Nup và tuyệt đối làm theo lời Núp. Liêu thì làm tất cả mọi công việc để chồng rảnh tay đánh giặc. Mẹ Núp thì sẵn sàng nhịn ăn cho anh lấy cơm cứu đói dân làng v.v...Có thể nói rằng, để tạo ra một người anh hùng như Núp, làng Kông Hoa đã có bao nhiêu người yêu nước và anh hùng kết thành sức mạnh, thành động lực để Núp tiến về phía trước. Thiên nhiên, núi rừng Tây Nguyên cũng tiếp cho Núp sức mạnh. Núp là hội tụ những gì đẹp đẽ nhất của Tây Nguyên bất khuất.

Nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành cũng khá tiêu biểu cho con người anh hùng Tây Nguyên. Vì mồ côi nghèo khổ và sống trong tình thương của dân làng Xô Man, Tnú đã sớm yêu người cách mạng. Giặc khủng bố, giết hại người làng dã man, chúng “treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng; giết bà Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng”[26, tr. 184] cũng không ngăn cản được Tnú làm liên lạc cho anh Quyết. Tuy còn nhỏ nhưng ý thức trách nhiệm của Tnú rất cao. Những khi liên lạc hay tiếp tế cho anh Quyết, Tnú


thường “ở lại luôn ngoài rừng ban đêm. Để cán bộ ở lại ngoài rừng một đêm, bụng dạ không yên được. Lỡ giặc lùng ai dắt cán bộ chạy”[26, tr. 194]. Phẩm chất anh hùng của Tnú bộ lộ ngay từ khi còn nhỏ. Anh Quyết dạy cho Tnú và Mai học chữ. Mai học giỏi hơn, Tnú thì hay quên. Để trừng trị cái đầu hay quên của mình, Tnú “cầm một hòn đá, tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng”[26, tr.

150. Đó là cách hành xử của một con người gan dạ. Chữ thì hay quên nhưng đường đi thì nhớ lạ lùng. Điều này phù hợp với cách lý giải của Jacques Dournes “Các dân tộc không có chữ viết có trí nhớ tốt hơn các dân tộc có chữ viết”:

Tnú hay quên chữ nhưng đi đường núi thì nó sáng lạ lùng. Nó liên lạc cho anh Quyết từ xã về huyện. Không bao giờ nó đi đường mòn. Giặc vây các ngã đường, nó leo lên một cây cao, nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi, lọt tất cả các vòng vây. Qua sông, nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh nhất mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình [26, tr. 151].

Phẩm chất anh hùng của Tnú lớn lên theo tội ác ngày càng dã man của kẻ thù. Ngọn lửa căm thù bọn thằng Dục của Tnú càng ngày càng bùng cháy dữ dội, nhất là khi anh chứng kiến kẻ thù hành hạ tàn nhẫn vợ con: “Anh đã bứt hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy...Hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn...”[26, tr. 158]. Cũng như bao nhiêu người cộng sản kiên trinh khác, khi bị giặc bắt và tra tấn bằng cách tẩm nhựa xà nu vào giẻ quấn lên mười đầu ngón tay Tnú rồi đốt, anh cũng không hề kêu van:“… Tnú không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy! Không! Tnú sẽ không kêu! Không!”[26, tr. 161]. Sau này Tnú đã dùng chính mười ngón tay cụt ấy bóp chết kẻ thù với một ý thức rất rõ ràng là “Chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục cả”[26, tr. 165]. Tnú là sản phẩm được nung từ lò lửa cách mạng, Tnú được nuôi dưỡng trong dòng sữa của


buôn làng, núi rừng. Cũng như Núp, Tnú hội tụ trong mình mọi phẩm chất tốt

đẹp của người dân Xô Man, là cây xà nu lớn trong rừng xà nu.

Từ làng Kông Hoa đến làng Xô Man, từ Núp đến Tnú đã có sự trưởng thành trong ý thức giác ngộ cách mạng của con người Tây Nguyên. Do qui mô tác phẩm nên hành động của Tnú không phong phú như của Núp, nhưng không phải vì thế mà nhân vật Tnú đơn giản hơn nhân vật Núp. So với Núp, nhân vật Tnú chứa đựng những chuyển biến trong nhận thức của nhà văn về tinh thần đấu tranh của người Tây Nguyên. Đó cũng chính là sự trưởng thành của ý thức chống kẻ thù xâm lược để bảo vệ buôn làng của họ. Có thể thấy bản chất xảo quyệt của Mỹ Ngụy trong Rừng xà nu tinh vi hơn của giặc Pháp trong Đất nước đứng lên. Với kẻ thù nham hiểm, độc ác hơn, hành động manh động của Tnú sẽ chỉ chuốc lấy hậu quả bi thương: mẹ con Mai chết, Tnú thì bị giặc đốt cháy mười đầu ngón tay bằng nhựa xà nu. Lời của cụ Mết: “Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo” là một lời dạy được rút ra từ những trải nghiệm đau thương.

Trong tác phẩm Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông của Nguyên Ngọc, phẩm chất anh hùng của Kơ Lơng (cũng là nhân vật có thật) được kết tụ từ lòng căm thù, tinh thần quả cảm của cha ông. Tiếp bước con đường của cha, Kơ Lơng lấy nỗi đau của cha, của đồng bào mình làm làm sức mạnh chiến đấu. Cũng như Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, Kơ Lơng căm hận giặc đến độ “mười ngón tay của Kơ Lơng bóp vào nhau muốn nát ra”[30, tr. 152]. Lòng căm thù giặc cao độ đã đưa đến hành động mạnh mẽ: “Kơ Lơng chạy về nhà, rút một mũi tên trên giàn bếp, kẹp cái ná chạy ra, nhằm vào một thằng lính gác đường...ngón tay cái Kơ Lơng lẫy sợi dây cung không hề rung. Mũi tên lao ra...”[30, tr. 152]. Kơ Lơng ý thức rất rõ tương quan giữa ta và địch nên anh đã sáng tạo ra lối bắn xâu táo, tiết kiệm từng viên đạn cho cuộc chiến đấu lâu dài:


Bắn trật thì nhất định Kơ Lơng không thể bắn trật rồi. Đối với một người du kích Gia rai, bắn trật là một điều xấu hổ lớn. Nhưng mỗi viên đạn chỉ hạ được một thằng thì uổng lắm...Kơ Lơng kê súng trên một gốc cây, nổ một phát đúng vào một hàng lính đứng dọc trước mặt. Viên đạn đầu tiên trong đời Kơ Lơng xâu luôn một hàng năm tên giặc, giết chết cả năm”[30, tr. 255] v.v...

Trí thông minh, sự sáng tạo của Kơ Lơng trong chiến đấu đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp anh hùng của con người Tây Nguyên. Vẻ đẹp ấy còn thể hiện ở tinh thần hy sinh: “…Nhưng em rút rồi ai chặn giặc cho các anh lui. Lúc đó em bị thương rồi. Em ở lại, em chết cũng được, em còn nhỏ, em làm được ít việc. Các anh phải sống, các anh là cán bộ, làm được nhiều việc cho dân tộc mình”[30, tr. 257]. Đối với Kơ Lơng, được chiến đấu, được giết giặc, được hy sinh cho đồng bào là một niềm vui lớn, một nguồn hạnh phúc lớn. Tinh thần hy sinh vì cách mạng cũng đã được chị Nèn (Kỷ niệm Tây Nguyên- Nguyên Ngọc) phát huy một cách cao đẹp. Khi giặc tràn vào làng, Nèn đã chấp nhận hy sinh thân mình chứ không thể để mất số gạo của dân làng đóng góp để tiếp tế cho bộ đội. Cô du kích Y Kla (Lửa rừng- Vũ Hạnh) dùng lửa rừng để thiêu cháy một trung đội Pháp, và chị thanh thản nhìn ngọn lửa trên cơ thể mình.

Tinh thần cách mạng cao đẹp của người Tây Nguyên cũng được nhà văn Y Điêng khái quát trong tiểu thuyết Hơ Giang. Những ngày Mỹ Ngụy lập ấp chiến lược là những ngày vô cùng ngột ngạt của buôn Ma Hơ Giang. Vốn thích tự do “vô rừng đốt rẫy, xuống suối bắt cá”, dân làng đã biết cùng nhau vô hiệu hóa tên gián điệp Ma Lóa, vận động một số anh lính Ngụy vốn là người Êđê cùng với người làng phá toang ấp chiến lược. Trong cuộc chiến đấu ấy, cô gái xinh đẹp Hơ Giang bằng ý thức cách mạng cũng như sự mưu trí, gan dạ của mình đã lãnh đạo đội du kích giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Và khi bị địch bắt, Hơ Giang sắn sàng hy sinh chứ nhất quyết không theo giặc, chị nói:


“Tôi không đi đâu hết. Trước khi làm điều này, chúng tôi đã hứa với nhân dân là sống chết cũng ở đây. Ở đây là cái rẫy, buôn làng của chúng tôi”[7, tr. 308]. Tình yêu quê hương của Hơ Giang hình thành từ những buổi xuống suối lấy nước, vô rừng đốt rẫy làm nương, từ những đêm trai gái làng hát đối đáp, từ những đêm nghe kể khan… Tình yêu ấy đã đốt lên ngọn lửa trong mắt chị khi nhìn kẻ thù.

Ngọn lửa cách mạng của người Tây Nguyên cũng được Trung Trung Đỉnh thổi bùng lên trong tiểu thuyết Lạc rừng. Cũng như Kông Hoa, Xô Man, làng Đê Chơ Rang không chấp nhận đầu hàng giặc, họ lánh vô núi, sống trong những hang đá thiếu thốn đủ thứ, máy bay Mỹ lúc nào cũng oang oang: “Các chiến sĩ cộng quân Bắc Việt, hãy trở về với chánh nghĩa Quốc gia…”[5, tr. 70]. Nhưng với phẩm chất anh hùng và ưa tự do, dù bom địch “hết đợt này đến đợt khác chồng lên nhau”, họ phải chạy hang liên tục, nhưng họ không thể và không bao giờ đầu hàng. Trong những con người anh hùng Đê Chơ Rang, Bin là anh du kích đáng yêu nhất, anh có vẻ ngây thơ trong suy nghĩ nhưng đánh địch thì gan dạ không ai sánh bằng. Ngoài nhân vật Bin, Trung Trung Đỉnh cũng xây dựng nhiều nhân vật anh hùng Tây Nguyên rất ấn tượng như Phiêng trong Người trong cuộc, Kơpá Thin trong Ngày vui đến muộn, H’Ngươn trong Đêm trắng, H’Noanh trong H’Noanh, chị tôi v.v…

Xây dựng con người anh hùng Tây Nguyên, các nhà văn tập trung vào việc phát hiện và mô tả những nhân vật thanh niên- những cây gỗ trắc gỗ lim của núi rừng, họ sẵn sàng “cầm ngang ngọn giáo” để gìn giữ quê hương. Để tạo ra một hình ảnh Tây Nguyên anh hùng, nhà văn đã có ý thức xây dựng các thế hệ anh hùng nối tiếp nhau trùng trùng lớp lớp như cây rừng làm nền tảng vững chắc cho công cuộc bảo vệ đất nước. Con người anh hùng Tây Nguyên luôn tồn tại ở ba thế hệ: người già, thanh niên và thiếu niên, hết thế hệ này đến thế hệ khác liên tiếp đứng lên đối chọi với kẻ thù.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/05/2022