Quan Điểm Xây Dựng Văn Hóa Trách Nhiệm Cho Công Chức Hành Chính Trong Thực Thi Công Vụ


Đánh giá về tác động của quá trình này, Kofi Annan, cố Tổng thư ký Liên hiệp Quốc (1997 - 2006) đã khẳng định: “Toàn cầu hoá đang làm cho chúng ta xích lại gần nhau hơn theo nghĩa tất cả chúng ta đều phải chịu ảnh hưởng từ những hành động của nhau, chứ không phải theo nghĩa tất cả chúng ta đều sử dụng những lợi thế của nó và cùng nhau chia sẻ gánh nặng. Trái lại, chúng ta đã để toàn cầu hoá làm cho chúng ta tách xa nhau ra hơn do hố ngăn cách ngày càng lớn về mức độ của cải và quyền lực giữa các nước khác nhau và ngay trong từng nước” [8]. Để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức của quá trình này, đòi hỏi trước hết ở tầm vĩ mô, Chính phủ mỗi nước phải có sự nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ về bản chất cũng như quy luật của nó, qua đó có sự định hướng một cách rò ràng về chiến lược hành động của mình.

Là một quốc gia có đà phát triển mạnh và đang ngày càng khẳng định tốt vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa. Để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức mà toàn cầu hóa mang lại, đòi hỏi Việt Nam phải có sự nỗ lực thay đổi ở tất cả các mặt. Về mặt thể chế, Việt Nam cũng phải từng bước cải cách để hệ thống thể chế của Việt Nam để có thể phù hợp với thông lệ quốc tế. Về mặt QLNN và cung cấp dịch vụ công, Việt Nam cũng phải có sự thay đổi để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, điều này xuất phát từ hai nguyên nhân: đối tượng có nhu cầu sử dụng dịch vụ công ngày càng đa dạng hóa (dịch vụ công không chỉ phục vụ cho nhu cầu của công dân và tổ chức trong nước mà nhu cầu của công dân và tổ chức nước ngoài đối với dịch vụ công của Việt Nam ngày càng gia tăng); yêu cầu của người dân ngày càng cao, do họ có cơ hội được tiếp cận với nhiều nền hành chính tiên tiến khác nhau.

Thứ hai, sự phát triển vô cùng nhanh chóng và mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ: Khoa học kỹ thuật và công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa; quyết định khả


năng cạnh tranh của các cơ quan, doanh nghiệp. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã làm thay đổi thói quen sống, thói quen làm việc và thói quen giao tiếp của con người. Khoa học kỹ thuật và công nghệ được ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Ngay trong lĩnh vực hành chính công, khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng đã hình thành nên những mô hình, những khái niệm mới, như: Chính phủ điện tử hay tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đây cũng là những mô hình mà Chính phủ Việt Nam đang tổ chức triển khai để đưa vào phục vụ nhân dân, tổ chức.

Thứ ba, vai trò ngày càng quan trọng của truyền thông đại chúng. Có thể nói, thế kỷ XXI là thế kỷ của thông tin, cá nhân/tổ chức nào nắm được thông tin, cá nhân/tổ chức đó sẽ có lợi thế cạnh tranh. Các phương tiện truyền thông đại chúng là một trong những kênh quan trọng để truyền tải thông tin đến mọi tầng lớp xã hội, có vai trò cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã làm nên một mạng lưới truyền thông đại chúng rộng khắp, làm thế giới trở nên “phẳng” hơn, xóa bỏ mọi biên giới trong lĩnh vực thông tin. Con người chỉ cần thông qua một thao tác click chuột, có thể nắm bắt được tất cả các tin tức mà mình quan tâm trên thế giới. Điều này đã giúp cho trình độ dân trí ngày càng cao, họ nhận thức tốt hơn về quyền và nghĩa vụ của bản thân, họ cũng có hiểu biết nhiều hơn về tất cả những vấn đề đang tồn tại và diễn ra xung quanh mình. Chính vì vậy, đòi hỏi và trông đợi của cá nhân đối với xã hội cũng ngày càng nhiều hơn. Đây là một trong những yếu tố có tác động mạnh mẽ đến nền hành chính công của mỗi quốc gia.

Bên cạnh đó, truyền thông đại chúng có vai trò định hướng dư luận rất lớn, qua đó có tác dụng điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, dưới sự bùng nổ của truyền thông và mạng xã hội, các vấn đề liên quan đến chất lượng cung cấp dịch vụ công được cập nhật hàng ngày, chính điều này đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của nền hành chính công trong những năm qua.


Thứ tư: xu hướng cải cách hành chính công của các quốc gia trên thế giới. Nâng cao chất lượng hoạt động của nền hành chính luôn là mục tiêu hướng tới của bất kỳ Chính phủ nào. Chính vì vậy, Chính phủ các nước luôn không ngừng cải cách và hoàn thiện nền hành chính nhằm hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tổ chức, công dân, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội. Theo tác giả Nguyễn Thị Hồng Hải (2014), một số xu hướng chủ yếu của nền hành chính công trong thế kỷ XXI bao gồm: Sử dụng hệ thống quản lý thực hiện công việc theo định hướng kết quả; Áp dụng các yếu tố của thị trường trong hoạt động của các cơ quan HCNN; Xây dựng một bộ máy hành chính hoạt động theo nhu cầu; Tăng cường sự tham gia của nhân dân; Sử dụng các mối quan hệ hợp tác hơn là cơ cấu thứ bậc trong hoạt động hành chính [32].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 194 trang tài liệu này.

Tác giả Phạm Đức Toàn (2016) lại cho rằng, một số xu hướng chính trong cải cách công vụ trên thế giới hiện nay bao gồm: tuyển dụng trên cơ sở thực tài; Quản lý Công Mới; Tiếp cận chính phủ một cách tổng thể; Nâng cao trách nhiệm giải trình; Quản lý tài chính công: sử dụng tốt các nguồn lực để tạo ra kết quả tốt; Tăng cường vai trò làm chủ và sự tham gia của các bên liên quan; Phân quyền [86].

Nhìn chung, qua phân tích của các tác giả đều cho thấy một xu thế chung, đó là các nước đều quan tâm đến việc cải cách nền hành chính, nền công vụ theo hướng đánh giá cao vai trò của các bên có liên quan, trong đó có đội ngũ công chức; nâng cao trách nhiệm giải trình của nền công vụ; tăng cường sự tham gia của nhân dân; coi trọng kết quả hoạt động của nền hành chính, nền công vụ. Xu hướng chung này đã có những tác động nhất định đến nền hành chính của mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Văn hóa trách nhiệm của công chức hành chính trong thực thi công vụ ở Việt Nam hiện nay - 18

Thứ năm, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, khi Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định con đường đổi mới đất nước, cho đến nay Việt Nam đã có những bước chuyển


mình lớn trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Năm 2009, Việt Nam chính thức vượt qua ngưỡng thu nhập thấp, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình theo cách phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB). Cơ cấu kinh tế Việt Nam đã có sự dịch chuyển đáng kể: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thay đổi tỷ trọng từ 23,24% (năm 2001) xuống còn 13,96% (năm 2019); khu vực công nghiệp và xây dựng thay đổi từ 38,13% (năm 2001) xuống 34,49% (năm 2019); khu vực dịch vụ từ 38,63% (năm 2001) lên 41,64% (năm 2019) (Nguồn do nghiên cứu sinh tổng hợp từ trang Web của Tổng cục thống kê - truy cập ngày 11/7/2020).

Sự thay đổi cơ cấu kinh tế đã làm đa dạng hóa nhu cầu dịch vụ công của công dân và tổ chức; đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân qua đó thúc đẩy trình độ dân trí. Do đó, người dân ngày càng hiểu biết hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, điều này khiến cho người dân có những đòi hỏi cao về chất lượng hoạt động của nền hành chính, nền công vụ.

Thứ sáu, chủ trương của Đảng về việc cải cách hành chính và xây dựng nhà nước pháp quyền. Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền: “Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Với quan điểm này, tất cả các đối tượng trong xã hội đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, mọi mối quan hệ trong xã hội đều được giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật. Quan hệ giữa các cơ quan QLNN, mà đại diện là đội ngũ công chức hành chính với công dân cũng được xác lập trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật. Cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, xin - cho đã không còn phù hợp. Điều này đòi hỏi đội ngũ công chức hành chính phải có sự thay đổi từ nhận thức đến hành vi để có thể đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Cải cách hành chính cũng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước kể từ sau Đại hội VII đến nay. Một trong những mục tiêu quan


trọng nhất của chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 mà Chính phủ đã đặt ra đó là: nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, công dân; lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân làm thước đo cho hiệu quả hoạt động của nền hành chính, nền công vụ. Bên cạnh đó, “nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC” đã được Chính phủ xác định là một trong sáu nội dung trọng tâm trong chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020. Chính phủ cũng đặt ra những quyết tâm rất mạnh mẽ thông qua các chương trình hành động cụ thể để thực hiện hiệu quả chương trình này. Vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của chương trình cải cách hành chính - đội ngũ công chức hành chính không thể đứng ngoài chương trình này.

Thứ bảy, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những chủ trương lớn khác của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đó là đẩy mạnh và nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, coi việc “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” [94]. Nền tảng chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xây dựng nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ. Điều này đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới cách thức tư duy trong quản lý và điều hành xã hội. Nền kinh tế số đã làm thay đổi một cách căn bản cách thức vận hành của xã hội, cách thức tiếp cận và tư duy của con người. Cách thức vận hành của nền hành chính cũng cần phải được thay đổi cho phù hợp với xu thế chung của xã hội. Mô hình Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trở thành xu thế tất yếu, điều này đòi hỏi đội ngũ công chức, những người đại diện cho các cơ quan HCNN cũng cần phải có sự thay đổi, cả về năng lực, trình độ để có thể tiếp cận với các mô hình vận hành mới; cả về thái độ và cách thức phục vụ để có thể thích ứng trong quá trình TTCV trên cơ sở yêu cầu của nhiệm vụ, không bị ảnh hưởng, tác động bởi các mối quan hệ xã hội được thiết lập trực tiếp giữa công chức với người dân, tổ chức.


4.2. Quan điểm xây dựng văn hóa trách nhiệm cho công chức hành chính trong thực thi công vụ

4.2.1. Xây dựng văn hóa trách nhiệm của công chức hành chính trong thực thi công vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của một nền công vụ tiên tiến, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả

Đảng ta đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”.

Đội ngũ công chức hành chính là những người trực tiếp thực hiện các hoạt động công vụ; chất lượng, hiệu quả nền công vụ phụ thuộc vào chất lượng và tinh thần trách nhiệm của công chức hành chính trong quá trình TTCV; đồng thời chất lượng, hiệu quả nền công vụ chính là tấm gương phản chiếu chất lượng của đội ngũ công chức hành chính.. Nếu một nền công vụ có đội ngũ công chức hành chính chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, năng lực tốt, nắm bắt và tiếp cận được các kiến thức và kỹ năng tiên tiến, hiện đại, có tinh thần trách nhiệm cao thì nền công vụ đó sẽ có cơ hội để trở thành một nền công vụ tiên tiến, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam luôn hướng tới việc xây dựng nền công vụ tiên tiến, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, vì nhân dân và phục vụ nhân dân. Chính vì vậy tất cả các hoạt động trong nền công vụ của nước ta đều phải hướng tới mục tiêu này, đặc biệt, yếu tố con người, yếu tố then chốt của nền công vụ càng phải quán triệt sâu sắc định hướng này. Việc xây dựng đội ngũ công chức hành chính nói chung và việc nâng cao trách nhiệm TTCV của công chức hành chính nói riêng cần phải hướng tới việc đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu của nền công vụ trong giai đoạn tới, mà cụ thể đó là yêu cầu về việc xây dựng một nền công vụ tiên tiến, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.


4.2.2. Xây dựng văn hóa trách nhiệm của công chức hành chính trong thực thi công vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính ở nước ta

Cải cách tổng thể hành chính là một trong những yêu cầu cấp bách nhằm thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta. Chương trình tổng thể cải cách HCNN giai đoạn 2011 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt và các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, thực hiện. Một trong những trọng tâm, những mục tiêu hướng tới của Chương trình cải cách hành chính nhà nước đó là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Các dịch vụ hành chính được cung cấp bởi đội ngũ công chức hành chính, chính vì vậy chất lượng dịch vụ hành chính phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố liên quan đến đội ngũ công chức hành chính, trong đó có yếu tố về trách nhiệm TTCV.

Để Chương trình cải cách hành chính nhà nước đạt được các mục tiêu đã đề ra, không thể bỏ qua vai trò của đội ngũ công chức hành chính, đội ngũ công chức hành chính vừa là chủ thể, vừa là khách thể của chương trình cải cách hành chính nhà nước. Nói đội ngũ công chức hành chính là chủ thể của chương trình này, vì chính họ là những người trực tiếp triển khai chương trình, trực tiếp thực hiện chương trình, vận hành chương trình. Chương trình có đạt hiệu quả, đạt được các mục tiêu đã đề ra hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng vận hành, thực hiện chương trình của đội ngũ công chức hành chính. Đội ngũ công chức hành chính là khách thể của chương trình cải cách hành chính nhà nước, vì chính bản thân họ cũng là một trong những nhân tố cần tác động, cần được thay đổi để có thể đạt được các mục tiêu khác của chương trình.

Có thể thấy, đội ngũ công chức hành chính có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính nhà nước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay cũng như trong những năm tiếp theo. Do đó, khi bàn về vấn đề nâng cao trách nhiệm VHTN trong TTCV của công chức hành chính, cần quán triệt sâu sắc quan điểm định hướng: trách nhiệm TTCV của công chức hành chính


phải nhằm hướng tới việc đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước ở nước ta.

4.2.3. Xây dựng văn hóa trách nhiệm của công chức hành chính trong thực thi công vụ nhằm đáp ứng tốt nhất sự hài lòng của tổ chức và công dân đối với sự phục vụ của nền hành chính, nền công vụ

Nghị quyết số 30c/2011/NQ-CP đã xác định, một trong những mục tiêu của nền hành chính, nền công vụ đó là đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, của công dân. Trong Đề án đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) luôn có chỉ số hài lòng về công chức, bao gồm cả hài lòng về chất lượng (trình độ chuyên môn) và thái độ phục vụ của công chức. Để đạt được mục tiêu này, trong những năm qua Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng phục vụ của công chức, như: ban hành Đề án văn hóa công vụ; ban hành các bộ quy tắc ứng xử hoặc quy chế văn hóa công sở... Tuy nhiên kết quả báo cáo SIPAS 2019 cho thấy, trên thực tế có 62/63 tỉnh thành vẫn còn tình trạng công chức sách nhiễu, gây phiền hà [15; tr23].

Công chức hành chính là những người đại diện cho cơ quan QLNN, sử dụng quyền lực nhà nước để trực tiếp làm việc với tổ chức, công dân. Sự phục vụ của công chức là một trong những yếu tố tác động trực tiếp nhất cảm xúc của những người đến làm việc với cơ quan QLNN. Chính vì vậy, mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của nền hành chính, nền công vụ chỉ có thể đạt được khi chất lượng và thái độ phục vụ của đội ngũ công chức hành chính thật sự tốt. Trong quá trình xây dựng VHTN trong TTCV của công chức hành chính phải đặc biệt quan tâm tới việc hoàn thiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; hình thành nên tác phong, thái độ làm việc chuyên nghiệp, tận tụy để ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức hành chính nói riêng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của nền hành chính, nền công vụ nói chung, hướng tới đáp ứng tốt nhất sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của nền công vụ.

Xem tất cả 194 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí