chợ xanh” của cả Hà Nội họp mà người Hà Nội không biết” [6,61]. Quang cảnh của chợ xanh đêm khuya cũng thêm phần tấp nập với sự xuất hiện của một số hàng quà. Ấy là hàng phở nóng nghi ngút khói trước chợ Đồng Xuân, hàng xôi, hàng bánh cuốn, hàng bánh tây chả,… Những cuộc mưu sinh, lao động không ngừng nghỉ vẫn diễn ra khiến khu vực chờ Đồng Xuân “không bao giờ lâm vào cảnh vắng lặng và tĩnh mịch”. Đó còn là hình ảnh của những người đi tuần, người đi bán vé, các bác kéo xe hay những người thích đi chơi khuya, rồi cả người đi ra từ các cao lâu, tiệm thuốc phiện,… Họ xóa tan bầu không khí yên ắng của màn đêm và từng góc phố vẫn nhộn nhịp, tấp nập tiếng bước chân đi. Quà Hà Nội lôi cuốn người ta cả ngày lẫn đêm. Hàng xôi được bày bán từ mười giờ tối đến sáng nườm nượp khách vây quanh bà cụ bán hàng hay cô hàng nước nhũn nhặn trong chiếc áo nâu cũ lúc nào cũng tất bật bởi đông khách. Tất cả tụ họp, kẻ buôn, người bán, người mua đông vui, tấp nập. Những khu chợ, phiên chợ là không gian phản ánh chân thực cuộc sống buôn bán của người Hà thành. Trong đêm khuya, Thạch Lam đã phát hiện ra một Hà Nội với “phong vị bình dân và mộc mạc”, thật giản dị, thanh bình.
Bên cạnh đó, nhịp sống người Hà Nội ngày nay mang những màu sắc rất khác biệt qua góc nhìn của M. Rama. Cuộc sống thường nhật của người dân thủ đô ngày nay cũng gắn với nhiều hoạt động buôn bán. Như tác giả đã nhận xét: “Từ thế kỉ 17 trở đi, Hà Nội biết đến với cái tên kẻ chợ, có nghĩa là cái chợ lớn”. Sự hội nhập và phát triển tạo động lực cho các hoạt động buôn bán khởi sắc. Từ đó, vị thế của những thương nhân được củng cố và nâng cao. Thương nhân ở Hà Nội bao gồm cả người người Việt và người nước ngoài. Đó là một số nhà buôn Hà Lan, Ăng lê, nhưng đông nhất vẫn là người Hoa. Khu chợ lớn nhất được xây dựng năm 1889 là chợ Đồng Xuân. M. Rama đã khẳng định:“Chợ Đồng Xuân đánh dấu một giai đoạn mới của tiêu dùng Hà Nội” [10,92].
Thành phố phát triển, các trung tâm thương mại mọc lên như nấm thay thế cho những chốn ăn chơi xưa. Hình ảnh đầu tiên về Hà Nội để lại dấu ấn sâu đậm cho những người ngoại quốc, trong đó có Rama là “cực kì hỗn loạn”. Nhà văn đã khắc họa rất chân thực cảnh tượng giao thông với “hàng nghìn xe máy lấp kín những con phố”, những hàng dây điện chằng chịt, giăng mắc quanh biển hiệu, nhà cửa, khắp các phố phường. “Hè phố trông cũng không có vẻ gì an toàn hơn” khi nó được tận dụng làm mọi việc khác với chức năng vốn có. Nơi đây diễn ra các hoạt động sinh hoạt mà lẽ ra nó chỉ nên thực hiện trong nhà như: nấu nướng, ăn uống, cọ rửa, dọn dẹp. “Những công trình xây dựng hai bên hè phố trông cũng hỗn độn không khác gì giao thông dưới lòng đường”. Tất cả những điều này xuất phát từ “những sức mạnh không thể cưỡng nổi của thị trường” [10,26]. Đằng sau các hình ảnh chân thực về nhịp sống của người dân thủ đô, tác giả bày tỏ sự lo lắng khi Hà Nội dường như đã mất đi sự thanh bình, nhưng khi bình tĩnh lại, ông lại cảm nhận thành phố còn ẩn chứ rất nhiều vẻ đáng yêu, thu hút: “người ta nhận ra rằng đồ ăn đường phố cũng tinh tế không kém đồ ăn trong nhà hàng, nếu không muốn nói là còn tinh tế hơn… chỗ ngồi ăn… là nơi bạn có thể nhìn cuộc sống được gần nhất” [10,28].
Những câu chuyện tình cũng trở nên lôi cuốn qua con mắt của M. Rama. Qua góc nhìn của ông, “người Hà Nội lúc nào cũng tất bật với chiếc xe gắn máy chạy vè vè ngoài đường”, đó là phương tiện được người dân ưa chuộng “đối với người Hà Nội thì người ta có thể làm tất cả những gì cần làm trên chiếc xe máy kia, kể cả một giấc ngủ” [10,65]. Không những thế nó còn là nơi người ta thể hiện tình cảm với nhau “những đôi tình nhân trẻ có thể tranh thủ âu yếm trên yên xe”. Nhà văn còn tinh tế khi phát hiện “chỉ cần nhìn cái cách nàng ngồi phía sau người ta cũng có thể đoán được mối quan hệ của họ đã tiến triển đến đâu” [10,66]. Tuy là một người ngoại quốc song
M. Rama lại có những góc nhìn rất tinh, rất nhạy về đời sống tình cảm của người dân thủ đô. Không chỉ bày tỏ quan điểm về những đổi thay theo xu hướng hiện đại hóa, ông còn thể hiện thái độ trân trọng những nét đẹp xưa trong đời sống tinh thần của người Hà Nội “nếu nàng là một cô gái thực sự lãng mạn, nàng sẽ muốn được chàng chở đi dạo phố trên một chiếc xe đạp cà tàng”.
Những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng không chỉ bộc lộ trong đời sống sinh hoạt thường ngày mà còn thể hiện qua các dịp lễ, Tết. Thạch Lam đã tái hiện rất chân thực Tết cổ truyền của người Hà Nội xưa với những lễ nghi, phong tục được chuẩn bị đầy đủ, bài bản. Người ta thường quan niệm Tết đến, xuân về, nhà cửa phải sạch sẽ để mọi đen đủi, bụi bẩn của năm cũ không còn. Thạch Lam đã miêu tả không khí náo nức, chuẩn bị Tết: “Không có gì vui bằng trước ngày Tết dọn dẹp để đón Tết. Nhà cửa tự nhiên có một vẻ khác hẳn, trông ngăn nắp, sạch sẽ, sáng sủa”. Ngoài tục treo chữ, người Hà Nội còn hay “bỏ tiền ra rước hai ông Tiến tài, Tiến lộc về dán vào cánh cửa, may ra hai ông có phù hộ cho mình sang năm có thêm tài, thêm lộc” hay sắm vài bức tranh con vật ngộ nghĩnh cho trẻ nhỏ. Một trong những phong tục truyền thống của ngày Tết xưa là tục trồng nêu. Đây được coi là cách đuổi ma quỷ bằng “một cành tre thật cao… đầu buộc một cái chổi phất trần… treo một bộ nhạc và khánh đất nung, mỗi khi có gió bấc thổi, cái nọ chạm cái kia leng keng cũng vui tai” [6,82]. Bởi thế mà dân gian ta vẫn hay truyền nhau câu đối ngày Tết “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Sự hiện diện của nồi bánh chưng gợi lên khung cảnh ấm áp của tình thân, sum vầy trong Tết đoàn viên. Khung cảnh gia đình vào thời khắc giao thừa dưới ngòi bút của Thạch Lam hiện lên ấm ấp: “Trên bàn thờ đèn nến sáng choang khói trầm hương lên nghi ngút, hoa đào hoa cúc lúc bấy giờ càng thơm càng đẹp hơn lên. Cả nhà rộn rịp sửa soạn cỗ bàn để cúng tổ tiên…”. Tết xưa rộn ràng với
Có thể bạn quan tâm!
- Cảm Hứng Văn Hóa Hà Nội Qua Góc Nhìn Của Thạch Lam Và Martín Rama
- Nét Đẹp Trong Văn Hóa Ẩm Thực Người Hà Nội
- Văn hóa Hà Nội qua góc nhìn của Thạch Lam và Martín Rama - 5
- Văn hóa Hà Nội qua góc nhìn của Thạch Lam và Martín Rama - 7
- Văn hóa Hà Nội qua góc nhìn của Thạch Lam và Martín Rama - 8
Xem toàn bộ 65 trang tài liệu này.
những tràng pháo trong đêm giao thừa “tiếng pháo kêu vang, xác pháo bên trong tóe ra khỏi tỏa đầy nhà, mà lạ hễ có xác pháo đỏ mùi pháo thơm thơm là ra vẻ Tết ngay lập tức. Năm mới rồi đây!” [6,85]. Một điều quan trọng trong những ngày Tết mà gia chủ nào cũng lưu tâm đó là người xông nhà, xông đất. Họ cho rằng đó sẽ là người hoặc đem lại những điều may mắn hoặc mang theo những vận xui cho đại gia đình. Dăm bảy ngày Tết người ta quanh quẩn với chuyện đi chúc tụng họ hàng, làng xóm, rồi “rượu, cỗ bàn rồi quây quần vào đánh bài: hết tam cúc lại bất, hết bất lại tam cúc…”. Hết Tết, khoảng mùng bảy tháng Giêng, người ta hạ cây nêu và “quần áo mới lại xếp vào hòm để dành đến Tết sang năm mới giở ra. Trong nhà lại lặng lẽ dần, rượu hết,… cỗ bàn hết… Cái vui của ngày Tết đã theo với xác pháo người ta quét mà đi, không trở lại cái Tết nữa” [6,89]. Không khí đông vui, tấp nập của ngày Tết dần lắng xuống nhường chỗ cho các hoạt động thường ngày.
Martín Rama lại có những góc nhìn khác so với Thạch Lam. Nếu như Thạch Lam hoài niệm về những giá trị văn hóa cổ truyền của những cái Tết xưa thì với Rama Tết của người Hà Nội ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Đã xa rồi cái Tết “đi thăm viếng lần lượt từng nhà họ hàng, được tặng những món tiền lì xì nhỏ và một ít bánh kẹo, từ nhà này qua nhà khác, giống như một cuộc hội hè miên man vậy”. Giờ đây, Tết của người Hà thành “có thể khiến người lớn kiệt sức. Cố làm cho hết những công việc của năm cũ, dọn dẹp nhà cửa để đón khách, chuẩn bị đồ ăn và quà tặng cho vô số những chuyến thăm xã giao… quá đủ để người ta thấy mình ngập lụt vì công việc trong mấy tuần liền” [10,85]. Họ có đủ mối lo trong mấy ngày Tết, đặc biệt là người phụ nữ, từ các mối quan hệ xã hội đến gia đình. Bởi thế mà “không ngạc nhiên khi mà rất nhiều người Hà Nội cảm thấy nhẹ người (và lại cần một kì nghỉ mới) ngay khi những ngày nghỉ Tết vừa qua đi” [10,86]. Cảm xúc “vui vì xác pháo để rải rác trước thềm nhà, vì rượu mùi, vì hoa cúc hay vì gió lạnh làm cho người
ta gần gũi bên ngọn lửa mà kể chuyện Tết năm ngoái, năm xưa” [6,80] đã không còn, thay vào đó là “những mệt mỏi về mặt tinh thần”.
Không chỉ nhắc đến Tết nguyên đán, M. Rama còn liệt kê hàng loạt những ngày nghỉ trong năm. Nhịp sống của người Hà Nội được tái hiện theo mùa, gắn với các dịp lễ. Đó là ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 khi bỗng nhiên “cả thành phố tràn ngập hoa tươi và những lời chúc ngọt nào, có những tấm bưu thiếp được kí tên và có cả những câu chúc được gửi đến từ một người bí mật. Không phải chỉ dành cho bạn gái hay cho những người vợ yêu dấu, ngày nay được dành cho tất cả những người phụ nữ ở quanh mình… Vào ngày đó, niềm vui trở lại, sắc đẹp được ngợi ca và khi đó mùa đông thực sự đã qua” [10,86]. Ngày Thống nhất hay còn gọi là ngày Giải phóng miền Nam 30/4, Tết Trung Thu, ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) đều là những dịp khiến phố phường thêm đông đúc, nhộn nhịp. Những dịp lễ này trước kia không được tổ chức long trọng, tưng bừng thì nay lại nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Nếu Thạch Lam tái hiện một cuộc sống đậm chất xưa trong từng căn nhà nhỏ thì
M. Rama lại diễn tả cảnh đông đúc, tấp nập của các hàng quán vỉa hè chật cứng, thành phố “lại bắt đầu thở” [10,87].
Nhịp sống người Hà Nội quanh năm rộn ràng nhưng có lẽ ấn tượng nhất là vào mùa cưới. “Khắp nơi trong thành phố, từng cặp cô dâu chú rể váy áo lộng lẫy đưa nhau đi chụp ảnh cưới, để ghi lại tình yêu và hạnh phúc của họ”. Dưới góc nhìn của Rama “mùa cưới của Hà Nội cũng lại báo hiệu một mùa đông đã đến. Điều này đồng nghĩa với việc mùa đông sẽ tới” và “một cái Tết nữa lại đang đến gần”. Qua các mùa với những ngày lễ, con người sống trong những guồng quay hối hả, tất bật. Tác giả đưa ra những cảm nhận về lối sống gấp của người Hà Nội hiện đại “chính là sự vội vã phải hoàn thành những việc còn dở dang sẽ làm người ta không có thời gian suy nghĩ quá nhiều về vòng quay của cuộc sống” [10,88]. Phải chăng, sự vội vã ấy
đang vô tình cuốn con người ta vào công cuộc lo toan, mưu sinh mà lãng quên những giá trị văn hóa tốt đẹp, bỏ qua những vẻ đẹp những đáng trân trọng của cuộc sống.
Có thể nói, nhiều thế hệ sinh sống đã góp phần làm nên phẩm chất người Hà thành. Bên cạnh đó, mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này đã tiếp nhận, sàng lọc các phẩm chất tốt đẹp đó. Cái hay, cái tốt được tạo điều kiện phát huy, cái xấu dần bị gạt bỏ, kiềm chế. Có thể thấy một trong những phẩm chất điển hình nhất của người Thăng Long - Hà Nội là chất trí tuệ, sự nhạy bén với thời cuộc. Nét đẹp văn hóa trong nhịp sống của người Hà Nội thể hiện qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đó còn là phẩm chất thanh lịch của người Tràng An, một vẻ đẹp làm nên bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Điều này được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhịp sống đô thị Hà Nội chính là lối sống được hình thành từ sự giao thoa, lan tỏa tinh hoa của cả nước. Cách sống ấy không bất biến mà luôn chuyển mình để phù hợp với thời cuộc, bổ sung, làm giàu thêm văn hóa truyền thống.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN GÓC NHÌN VĂN HÓA HÀ NỘI CỦA THẠCH LAM VÀ MARTÍN RAMA
3.1. Không gian nghệ thuật
Không gian nghệ thuật là một yếu tố quan trọng. Nó mang những đặc điểm chi phối điểm nhìn của nhà văn trong quan trình sáng tác. GS. Trần Đình Sử trong giáo trình Một số vấn đề Thi pháp học hiện đại cho rằng: “Nếu thế giới nghệ thuật là thế giới của cái nhìn và mang ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra từ trường nhìn, cách nhìn” [11,42]. Không gian nghệ thuật là mô hình thế giới của tác giả cụ thể, được biểu hiện bằng ngôn ngữ của các biểu tượng không gian.
Với tài năng và sự tinh tế trong lối viết, Thạch Lam đã đưa người đọc đến một không gian nghệ thuật đặc sắc, qua đó thể hiện rò góc nhìn văn hóa Hà Nội. Hà Nội băm mươi sáu phố phường giống như lời tâm tình, tự sự của nhà văn về những giá trị văn hóa của Hà Nội xưa. Đồng thời, từng trang văn cũng tràn ngập những cung bậc cảm xúc của người viết. Ngược dòng thời gian, tái hiện lại khung cảnh phố phường Hà Nội những năm tháng trước đây, nhà văn không chỉ cho người đọc trở về với những giá trị văn hóa cổ xưa mà còn cảm nhận được một tình yêu Hà Nội nồng nàn, thiết tha.
Không gian nghệ thuật được Thạch Lam xây dựng trong tác phẩm này chủ yếu là không gian sinh hoạt đời thường, bao gồm cả không gian rộng và không gian hẹp. Trước hết là không gian của phố phường Hà Nội với “những phố gạch thẳng và rộng rãi”, chốn ăn chơi như chợ Đồng Xuân, nơi buôn bán độc đáo của “chợ mát ban đêm”. Trong những không gian này, nhịp sống của
người Hà Nội hiện lên hối hả, tấp nập. Rama cũng có những góc nhìn tương đồng với Thạch Lam khi tái hiện phố phường Hà Nội. Ông đi sâu vào khám phá ở rất nhiều con phố của thủ đô để tái hiện lại những nét kiến trúc đặc sắc, đồng thời bày tỏ quan điểm, cảm nhận về lối sống của người dân Hà thành. Rama tìm nguồn cảm hứng từ các dãy phố buôn bán (Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc,…) đến các công trình kiến trúc công cộng lớn là những bệnh viện lớn (Việt Đức, Bạch Mai,…), các trường học (Đại học Dược, Đại học Quốc Gia, Đại học Tổng Hợp,…), vườn Bách thảo, công viên, Bảo tàng và nhiều cơ quan hành chính khác. Ông có cái nhìn bao quát về kiến trúc thủ đô, nó thể hiện sự am hiểu về không gian sống của một đô thị đang trên đà phát triển. Trong Hà Nội, một chốn rong chơi, M. Rama cũng tập trung khắc họa thành phố qua những đổi thay trong cuộc sống hiện đại đương thời. Ông đưa ra những hình ảnh chân thực về đời sống thường ngày của người dân thành thị. Không gian phố thị hiện lên có phần “hỗn loạn” bởi sự đông đúc, nhộn nhịp. “Như một dòng sông cuộn chảy, hàng nghìn xe máy lấp kín những con phố (đôi khi tràn lên cả vỉa hè) và dường như chẳng thèm quan tâm đến đèn tín hiệu hay quy tắc an toàn giao thông... Những công trình xây dựng hai bên hè phố cũng hỗn độn không khác gì giao thông dưới lòng đường” [10,26]. Để tái hiện lại không gian đời sống hiện thực mang tính toàn diện như vậy, chắc hẳn M. Rama đã phải dành nhiều thời gian di chuyển và quan sát thành phố. Từ đó, ông đưa ra những nhận xét, đánh giá rất chân thực về lối sống trong không gian đô thị của người Hà thành.
Bên cạnh những không gian bối cảnh lớn, cả hai tác giả Thạch Lam và Martín Rama đều khám phá văn hóa Hà Nội từ những góc độ nhỏ và hẹp. Điều này thể hiện qua sự xuất hiện của các không gian như “vài ngò con… ngò Phất Lộc, ngò Trung Yên…”, một cửa hàng nước trước chợ Đồng Xuân, gánh hàng của cô bán ốc, bà bán xôi,… trong Hà Nội, một chốn rong chơi hay những phòng ở khu tập thể hơn chục mét vuông, các khu thềm, ban công,