hóa rộng. Họ có một truyền thống giao lưu sớm, khá mạnh mẽ với thế giới bên ngoài. Đến thời kỳ phong kiến, thương cảng Vân Đồn là nơi phát triển thịnh vượng của giao thương với nước ngoài. Nhiều nơi ở Vân Đồn, người ta phát hiện nhiều các hiện vật sành, gốm Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. Điều này chứng tỏ nơi đây từng là nơi buôn bán, giao lưu văn hóa hết sức tấp nập từ xa xưa.
Bên cạnh đó, các tiếp xúc văn hóa liên vùng cũng phát triển mạnh mẽ trong quá trình hình thành dân cư và văn hóa khu vực. Quá trình di dân từ đất liền ra các đảo đã mang theo văn hóa nội đồng. Chính nguồn gốc là những cư dân từ nội đồng nên văn hóa còn tồn tại đình, chùa, miếu, nghè hay là đối tượng thờ cúng như Thành hoàng làng, thần Cao Sơn, Không Lộ Thiền Sư hay lễ tiết sóc vọng đều mang dáng dấp của những cư dân nông nghiệp. Bên cạnh đó, văn hóa sinh kế của người dân chủ yếu liên quan đến biển nên đối tượng phụng thờ cũng đa dạng, có nguồn gốc từ nước ngoài và cả tín ngưỡng dân gian bản địa. Chẳng hạn như tục thờ Tứ vị thánh nương có nguồn gốc từ Trung Quốc, tục thờ bà Hang, Cô bé Cửa suốt có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian cư dân ven biển. Ngoài ra, văn hóa nơi đây còn mang trong mình vai trò lịch sử, đó là dấu ấn chiến thắng dòng sông Mang của Trần Khánh Dư được thể hiện trong lễ hội Vân Đồn. Điều này cho thấy, Vân Đồn là nơi tiếp xúc, giao lưu của nhiều luồng văn hóa.
Hiện nay, Vân Đồn là nơi có tốc độ phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ, quá trình hiện đại hóa song hành với sự thay đổi về văn hóa của cư dân. Văn hóa sinh kế và tập tục của cư dân dần có sự thay đổi. Sự thay đổi dễ nhận ra là quá trình đô thị hóa trên đảo Cái Bầu và Quan Lạn và phát triển du lịch kéo theo hàng loạt các thay đổi sinh kế của cư dân. Sự xuất hiện các nghề liên quan đến du lịch, khách sạn, hướng dẫn du lịch, vận tải du lịch, dịch vụ tour,...dần thay thế cho đánh bắt, chế biến thủy hải sản đã làm cho văn hóa sinh kế nơi đây theo “hướng công nghiệp”, dần rời xa văn hóa sinh kế truyền thống gắn liền với biển. Bên cạnh đó, các tập tục gắn liền với biển cả như
phong tục cưới xin, tang ma cũng dần thay đổi, thay thế vào đó là cách làm giản tiện, gắn liền với cuộc sống hiện đại của đô thị.
Vân Đồn là không gian văn hóa đặc biệt vì đáp ứng đủ các tiêu chí của “văn hóa biển của một vùng địa lý”, ở đó không gian sống (sinh tồn), chủ thể văn hóa biển, văn hóa sinh kế, văn hóa phong tục của cư dân tương đối đặc biệt.
Không gian sống (sinh tồn) và môi trường sống: là không gian sống của người dân gắn lấy biển làm nguồn sống chính. Không gian sống của cư dân Vân Đồn bao gồm hai phần: đảo Cái Bầu (đảo lớn tiếp giáp đất liền) và phần hải đảo (đảo ngoài khơi: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Phượng Hoàng) chính vì vậy không gian sống cũng được chia thành hai loại: ven biển và hải đảo. Một không gian sống gắn liền với sinh kế với vịnh Bái Tử Long và một sinh kế gắn với Vịnh Bắc Bộ tiếp giáp với Trung Quốc và số ít gắn với ngư trường Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, nguồn gốc của các cư dân Vân Đồn là di cư từ trong nội đồng ra và không gian sống ở trên các đảo ven biển, đảo là chủ yếu. Chính vì ngư trường bao gồm ven biển và hải đảo nên không gian sống của cư dân Vân Đồn khá đa rộng: họ chủ yếu đánh bắt ven biển, một số ít ra vịnh Bắc bộ tiếp giáp với Trung Quốc hoặc xuống các ngư trường Bắc Trung Bộ nên không gian sống khá rộng. Chính vì vậy văn hóa ứng xử với không gian sống chủ yếu là ven bờ. Theo quan điểm văn hóa biển cận duyên [Ngô Đức Thịnh, 120], không gian sống này sẽ sản sinh ra văn hóa phù hợp với không gian sống. Đó là văn hóa biển ven bờ (cận duyên) là chủ yếu.
Xem xét cộng đồng ngư dân và các hình thức tổ chức xã hội với tư cách là chủ thể văn hóa biển. Ở Vân Đồn cư dân có nguồn gốc chủ yếu từ trong nội đồng có gốc từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương,... chính vì vậy mà tổ chức làng xã ở đây cũng không khác nhiều so với ở trong nội đồng. Ở đây được tổ chức làng xã thôn như trong đất liền và tập hợp ở các tụ điểm tụ cư sát biển hoặc là các làng chài ở trên các đảo ví dụ như ở Quan Lạn, Ngọc Vừng thì đều tưởng nhớ tổ tiên của họ từ Đồ Sơn (Hải Phòng) ra cư ngụ và thành xóm ấp.
Văn hóa sinh kế: Kết cấu nông nghiệp của các làng Vân Đồn không khác nhiều so với các cư dân nội đồng, ở Vân Đồn, người dân vừa làm nông nghiệp vừa vừa đánh bắt thủy hải sản để sinh sống. Những làng chài trên các đảo vẫn còn có lưu được các bản hương ước từ thời phong kiến để lại. Hệ thống tri thức bản địa của người dân Vân Đồn hơn cả một người nông dân trồng trọt ở trên đồng ruộng, ngư dân ngày này qua ngày khác vật lộn với biển cả sóng gió nên có kho tàng tri thức phong phú về về biển. Các kinh nghiệm đó không chỉ mang lại cho họ miếng cơm manh áo, mà còn cả bảo bối để vượt qua những nguy hiểm, cứu lấy tính mạng trước sự đe dọa của bão gió trên biển. Bên cạnh đó thì các tri thức dân gian về biển trong đời thường cũng được áp dụng nhiều trong cuộc sống như cách người ta lấy các sản vật từ biển để bồi bổ cho sức khỏe, những cây con ở trên rừng để làm thức ăn hằng ngày, các kinh nghiệm về sông nước dạn dày sóng gió, kinh nghiệm nhằm sinh tồn trên biển. Sinh kế còn được thể hiện tuyệt vời trong cách thức thích nghi với môi trường sống và sinh tồn. Cư dân bản địa đã chế tạo ra những chiếc mai đào sá sùng không giống bất cứ nơi đâu . Các tri thức bản địa được tận dụng tối đa nhằm khai thác nuôi trồng thủy hải sản, bảo quản chế biến thủy hải sản như phơi khô, ướp muối, làm mắm cá, nước mắm,....
Hệ thống tôn giáo tín ngưỡng và nghi lễ phong tục của cư dân Vân Đồn khá đa dạng, phong phú từ đình, đền, nghè, quán, cho đến các miếu thờ ven các cửa sông, miếu thờ ven bìa rừng,...Đối với người dân Vân Đồn, tôn giáo tín ngưỡng và nghi lễ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần. Đó là điều giải thích các điều kiện sống và lao động của họ trong môi trường biển cả, vừa yêu biển cả vừa thách thức đe dọa tính mạng của họ. Do vậy tôn giáo, tín ngưỡng là đức tin lớn của con người trước biển cả bao la hùng vĩ. Hơn thế nữa, với người dân nhất là ngư dân, tôn giáo tín ngưỡng là nhận thức của con người về thế giới biển khơi mà họ gắn bó và đương đầu. Ở Vân Đồn, hệ thống thờ Phật được phát triển rộng rãi như các chùa Cái Bầu, chùa Quan Lạn, chùa Ngọc Vừng, các chùa ở trong các làng ven biển đều giống như ở trong nội đồng.
Ngoài ra, văn hóa tín ngưỡng thờ thần cũng phát triển mạnh ở Vân Đồn. Ngoài Thành hoàng làng vua Lý Anh Tông có liên quan đến lịch sử vùng đất, các tín ngưỡng dân gian khác: thờ bà Hang, đền Cậu, thờ thần Cao sơn, Tứ Vị Thánh nương, thờ miếu ven cửa sông,...cũng được nhân dân thờ cúng. Bên cạnh đó, điểm khác với các khu các làng ven biển khác là Vân Đồn còn có hệ thống các di tích lịch sử gắn liền với các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc, các lễ hội lịch sử, lễ cầu gió, lễ cầu bình an cầu gió với mục đích là cầu cho mưa thuận gió hòa đánh bắt tôm cá bằng an ở trên biển. Cùng với các tín ngưỡng cư dân ở Vân Đồn còn bảo lưu khá nhiều nghi lễ phong tục và lễ hội trong đó liên quan đến nông nghiệp và ngư nghiệp thường đan xen với nhau. Ngoài các phong tục sinh đẻ, cưới xin, ma chay còn có các lễ tiết trong năm như Tết nguyên đán, Tết Thanh Minh, mồng 5 tháng 5, ... Ở đó, văn hóa của cư dân Vân Đồn đã được thể hiện đậm nét, vừa mang đặc điểm chung của văn hóa cư dân vùng biển đảo Bắc Bộ, vừa có những nét riêng ở Vân Đồn.
Có thể bạn quan tâm!
- Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 16
- Tương Tác Giữa Các Yếu Tố Văn Hóa Nông Nghiệp Và Văn Hóa Biển
- Tương Tác Giữa Các Yếu Tố Văn Hóa Truyền Thống Và Đương Đại
- Phan An (2012), Có Một Văn Hoá Biển Đảo Ở Việt Nam, Trong Sách Văn Hóa Biển Đảo Khánh Hòa, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội.
- Bản Đồ Hành Chính Huyện Vân Đồn Phụ Lục 2: Thống Kê Dân Số Và Lao Động Vân Đồn Phụ Lục 3: Danh Sách Phỏng Vấn
- H00: Quý Khách Ăn Trưa Tại Nhà Hàng Và Làm Thủ Tục Trả Phòng Khách Sạn Lúc 12H00..
Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.
Có thể thấy, Vân Đồn là một không gian văn hóa đặc thù của vùng Đông Bắc. Quá trình giao lưu học hỏi sáng tạo và chọn lọc đối với các vùng văn hóa khác, các văn hóa nước ngoài làm giàu cho văn hóa biển ở khu vực này. Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn mang trong mình đầy đủ các yếu tố của văn hóa biển đặc biệt nhưng cũng tích hợp truyền thống lịch sử, sự lai pha sáng tạo để trở thành một không gian văn hóa đặc thù.
Tiểu kết chương 5
Với nguồn gốc cư dân đa dạng, văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn nằm trong tương tác nhiều chiều, từ văn hóa nội đồng với văn hóa biển, văn hóa truyền thống và văn hóa đương đại, các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Điều này được thể hiện ở phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng và lễ hội. Bên cạnh đó, trong xu thế chung của sự phát triển kinh tế xã hội ở Vân Đồn, văn hóa truyền thống là nền tảng cho văn hóa đương đại và ngược lại, văn hóa đương đại bổ sung và nâng cao giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện qua các nghi lễ và không gian văn hóa hiện nay.
Vân Đồn là không gian văn hóa đặc biệt vì không gian sống của người dân gắn lấy biển làm nguồn sống chính. Chủ thể văn hóa tương đối đa thành phần nhưng chủ yếu là những cư dân từ nội đồng và có tổ chức làng xã không khác nhiều so với đồng bằng. Văn hóa sinh kế dựa chủ yếu vào biển và những tri thức liên quan để sinh tồn và phát triển. Bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ tồn tại song song với hoạt động sinh kế từ biển. Văn hóa tín ngưỡng có sự dụng hợp cao độ giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng làng, thờ nhân thần, thủy thần, sơn thần và thờ mẫu. Tất cả các yếu tố này đã tạo nên nét đặc thù về văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn mà không phải vùng miền nào cũng có được.
Sự tương tác giữa các chiều cạnh văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn đã góp phần làm rõ đặc điểm của văn hóa biển đảo nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Nó cũng chính là minh chứng cho thấy văn hóa không phải là một thực thể tĩnh mà luôn có sự biến đổi, giao thoa, tương tác, tích hợp với nhau. Văn hóa ra đời và phát triển gắn liền với những biến đổi trong đời sống vât chất - xã hội của con người và đến lượt mình, văn hóa cũng phản ánh những biến đổi đó và tác động trở lại đời sống con người, trở thành sức mạnh nội sinh trong đời sống tinh thần của con người.
KẾT LUẬN
1. Với hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa biển đảo phong phú với đặc điểm riêng có của mỗi vùng, miền. Văn hóa của cư dân mỗi vùng biển đảo đã mang đến cho nền văn hóa Việt Nam những nét đặc sắc, phản ánh muôn mặt đời sống vật chất và tinh thần của cư dân biển đảo. Do đó, văn hóa của cư dân biển đảo Việt Nam là đề tài nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học ở các góc độ nghiên cứu khác nhau như khảo cổ học, sử học, văn hóa học… Đó là nguồn tài liệu phong phú và quý giá cho tác giả luận án khi nghiên cứu về văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn. Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, nghiên cứu sinh đã đưa ra quan điểm riêng, từng bước lý giải nội hàm các khái niệm công cụ liên quan đến nội dung của luận án như văn hóa, văn hóa biển đảo, văn hóa của cư dân vùng biển đảo... Đó là cơ sở lý lý luận để luận án phân tích, triển khai các khía cạnh của văn hóa biển đảo của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn.
2. Vân Đồn là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng của vùng biển Đông Bắc nước ta; có địa - sinh thái rất đặc sắc với địa hình vừa mang yếu tố đất liền vừa có cả hải đảo. Đây cũng là một vùng biển đảo có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và phong phú đa dạng, có sự tương đồng về dân cư, về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, có sự giao thoa với văn hóa ở các vùng xung quanh. Con người xuất hiện ở khu vực này từ rất sớm, trải qua quá trình lao động và sáng tạo, cư dân vùng biển đảo Vân Đồn đã tạo nên những đặc điểm văn hóa tiêu biểu là sự phức hợp của những yếu tố văn hóa mang tính đất liền và hải đảo. Những đặc điểm văn hóa này được thể hiện qua nét đặc sắc về văn hóa của cư dân nơi đây trên các phương diện cơ bản như sinh kế và các tri thức dân gian về lao động - sản xuất; phong tục, tập quán; tôn giáo, tín ngưỡng và các lễ hội… Những phương diện đó về cơ bản đã phản ánh đầy đủ cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn. Những phương diện văn hóa của cư dân Vân Đồn được hình thành và phát
triển một cách liên tục trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, do môi trường biển ở đây khiến cho người dân bao đời đã tích luỹ được những tri thức sinh kế, phong tục tập quán, lễ hội và điều này đã được những người dân ở đây ngàn đời trải nghiệm, đúc kết và còn tiếp tục làm giàu có, phong phú thêm cho đến nay.
3. Sinh kế của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn chủ yếu dựa vào môi trường tự nhiên và các hoạt động dịch vụ. Với những cư dân làm nghề khai thác biển, sinh kế của họ gắn liền với không gian biển. Ở đó, nghề đi biển như chắn đăng, khai thác sá sùng, nghề dậu cá, dậu sam, thả bóng mực,...là những nghề khai thác thủy hải sản phổ biến của cư dân Vân Đồn. Bên cạnh đó, các nghề hỗ trợ đi biển và các nghề dịch vụ phụ trợ là sinh kế quan trọng: nghề rèn, chế biến, buôn bán sá sùng, nghề chế biến sứa xuất khẩu, nghề làm nước mắm vẫn được người dân còn được duy trì và là sinh kế của nhiều hộ gia đình.
Ngoài sinh kế truyền thống gắn liền với biển, cư dân vùng biển đảo Vân Đồn cũng đang dần chuyển dịch sang các dịch vụ du lịch như hướng dẫn viên, cho thuê lưu trú, vận tải du lịch. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân cũng phát triển nông - lâm nghiệp nhưng ở quy mô nhỏ. Sinh kế được coi là bền vững khi người dân sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, thích ứng với môi trường, đồng thời bảo đảm duy trì, phát triển được các nguồn lực trong cả hiện tại và tương lai.
4. Là những cư dân có nguồn gốc từ nội đồng, những phong tục và tín ngưỡng của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn mang nhiều yếu tố dung hợp. Từ cách ăn, ở, mặc cho đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, cư dân vùng biển đảo Vân Đồn còn thờ thành hoàng làng là Vua Lý Anh Tông, tướng quân Trần Khánh Dư, Dương Không Lộ và “Tứ vị thánh nương” là những vị thần được cư dân trên đảo truyền tụng thường chở che cho những người làm nghề biển. Bên cạnh đó, người dân còn thờ thủy thần, nhân thần, sơn thần, thờ mẫu hay những người có công với đất nước đều toát lên dáng vẻ của một làng quê vùng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, văn hóa của cư dân Vân Đồn cũng mang đặc
trưng của văn hóa biển: mưu sinh từ biển bằng các nghề đánh bắt thủy hải sản, sử dụng những sản vật từ biển để ăn, bồi bổ sức khỏe cho đến trị bệnh cho đến tín ngưỡng thờ thủy thần và các lễ hội có liên quan đến biển như lễ hội đình Quan Lạn (tháng 6 âm lịch) hàng năm. Tất cả đã tạo nên một văn hóa có sự gắn bó mật thiết với biển.
5. Qua nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy Vân Đồn là một không gian văn hóa đặc thù. Không chỉ có sự tương tác giữa các yếu tố văn hóa nội đồng và văn hóa biển, các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, các yếu tố truyền thống và hiện đại, văn hóa của cư dân vùng biển đảo nơi đây là quá trình tiếp nối - kế thừa, chọn lọc, lai pha, sáng tạo qua quá trình sinh sống gắn với biển. Với vị trí tiếp giáp với Trung Quốc, các đảo cách đất liền không quá xa (40km), là nơi thương cảng cổ từng tồn tại, là nơi diễn ra các trận đánh lịch sử, Vân Đồn đã mang trong mình một văn hóa đặc thù: văn hóa nội đồng, văn hóa biển và mang dấu ấn lịch sử sâu sắc. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vùng biển đảo địa đầu của Tổ quốc.
6. Nghiên cứu về văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn không chỉ giúp cho việc khai thác, tìm hiểu về những nét đặc sắc của văn hóa của một vùng có vị trí “tiền tiêu” ở phía Đông Bắc của Tổ quốc mà còn góp phần làm sáng tỏ hơn những đặc điểm của văn hóa biển đảo Việt Nam. Tìm hiểu về văn hóa trên phương diện này đã giúp chúng ta hiểu thêm cả về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân mỗi vùng, miền và thấy được giá trị đặc sắc của văn hóa cư dân vùng biển đảo cần được giữ gìn và phát huy để văn hóa thực sự là động lực tinh thần, là sức mạnh nội sinh của đất nước.