Tương Tác Giữa Các Yếu Tố Văn Hóa Truyền Thống Và Đương Đại

thuyền thông qua lễ hội còn có ý nghĩa tưởng nhớ đến trận chiến oanh liệt trên dòng sông Mang lịch sử vào mùa xuân năm 1288. Đó là điếm đặc biệt trong tương tác của văn hóa biển đến với cư dân có nguồn gốc nội đồng nơi đây.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với lễ hội các làng ven biển khác tuy nhiên lễ hội Quan Lạn lại có nhiều điểm khác biệt, tạo sức hút đặc biệt đối với mọi người dân vào mỗi dịp tháng 6. Nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức bơi chải vào dịp lễ hội như: lễ hội bơi chải Bạch Đằng, ở đảo Hà Nam,... song lại mang đậm dấu ấn nông nghiệp là cầu mùa màng tốt tươi nhưng lễ hội Quan Lạn lại diễn ra dưới hình thức là một cuộc đua tài, tái hiện dấu ấn lịch sử ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần liên quan tới các danh tướng là Trần Hưng Đạo và Trần Khánh Dư. Như vậy, lễ hội mang đậm tính lịch sử, gắn với truyền thống đánh giặc ngoại xâm giữ nước của dân tộc ta.

Điều khác biệt của lễ hội Quan Lạn là bao giờ cũng diễn ra cả ở đình, chùa, miếu, nghè. Ở đây đình cũng đóng một vai trò quan trọng. Vào hội, dân làng rước sắc phong của Trần Khánh Dư từ nghè về đình song các hoạt động chính của lễ hội lại diễn ra ở miếu Đức Ông Phạm Công Chính. Có lẽ do đặc trưng là lễ hội mang đậm dấu ấn lịch sử, đánh giặc cho nên hoạt động chủ yếu được tổ chức ở miếu Đức Ông là một trong các phó tướng của Trần Khánh Dư, người trực tiếp chiến đấu trên dòng sông Mang.

Có thể nói, cộng đồng cư dân Vân Đồn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa gắn liền với các địa điểm ghi dấu chiến công của cha ông trong lịch sử. Bằng cách tái hiện trận đánh quân thù trên sông Mang, cư dân Vân Đồn đã khéo léo kết hợp các lễ tiết gắn liền đặc điểm sinh sống và mưu sinh với biển (lễ cai đám, lễ nhận binh khí, đặc biệt là hội đua thuyền). Từ nơi thờ tự cho đến các lễ tiết đều thể hiện sự tôn kính niềm tự hào về những chiến công trong lịch sử của cha ông diễn ra trên vùng biển đảo Vân Đồn.

Như vậy, tương tác giữa các yếu tố văn hóa nội đồng và văn hóa biển thể hiện nhiều chiều trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nơi đây. Các tương tác này bắt nguồn từ lịch sử di dân của cư dân nội đồng ra định cư

tại vùng biển đảo. Với nhiều cách thức khác nhau, các tương tác này đã sản sinh ra một văn hóa có sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa nội đồng thuần túy với văn hóa biển (nơi các cư dân có nguồn gốc nội đồng dung thân). Ý nghĩa của các tương tác đó, đã tạo thành văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn - đó là văn hóa biển cận duyên.

5.2. Tương tác giữa các yếu tố văn hóa truyền thống và đương đại

Văn hóa cư dân vùng biển đảo Vân Đồn mang trong mình các yếu tố truyền thống và sự kết hợp với yếu tố đương đại. Văn hóa truyền thống là nền tảng cho văn hóa đương đại và ngược lại, văn hóa đương đại bổ sung và nâng cao giá trị văn hóa truyền thống.

Sự tương tác giữa truyền thống và hiện đại ở Vân Đồn được thể hiện thông qua cuộc sống sinh hoạt của cư dân nơi đây. Nếu như cư dân truyền thống nội đồng sinh hoạt phụ thuộc chặt chẽ vào mùa vụ nông nghiệp, các sinh hoạt thường nhật cũng như lễ tiết gắn liền với thời vụ thì cư dân biển phụ thuộc chặt chẽ vào lịch con nước đánh bắt, hay lịch của thời tiết biển,...Điều này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển dịch môi trường sinh sống. Ở các làng chài trên vịnh Bái Tử Long, ngư dân thường ăn cơm lúc 15 giờ chiều, rồi đi biển, sau đó về lại ăn cơm đêm lúc 22-23 giờ đêm. Điều này cho thấy sự thích nghi với văn hóa sinh hoạt phụ thuộc vào biển cả. Trải qua quá trình thích ứng dâu dài, ngư dân dần lấy sinh hoạt này làm quy chuẩn trong các dịp cưới xin, lễ tiết trong vùng.

Chính từ môi trường sinh hoạt liên quan chặt chẽ đến môi trường biển nên một số tập tục đã có sự biến đổi trong việc cưới và tang ma. Những biến đổi dựa trên những thay đổi về môi trường xã hội, cũng như những thay đổi lao động sản xuất. Ví như, việc cưới xin trong truyền thống của cư dân vùng biển đảo thường có màn hát đối đáp, giao duyên giữa nam và nữ, giữa nhà gái và nhà trai và của ông chánh sứ. Các nghi lễ dẫn cưới, đến ngày cưới thường kéo dài, nhiều bước và nhiều lễ. Tuy nhiên, ngày nay những nghi lễ cơ bản của ngư dân vẫn còn được lưu giữ và dần hội nhập với đời sống hiện đại. Hiện nay tục lệ cưới xin ở Vân Đồn đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

giản tiện nhiều lễ tục, hầu hết là “tiện lúc nào là cưới lúc đó” không còn tuân theo mùa cưới như trước.

Văn hóa truyền thống của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn là văn hóa làng xã của những cộng đồng khai thác biển. Ở đó họ kiếm sống từ biển, xây dựng xóm làng với những công trình văn hóa tiêu biểu của người dân nội đồng với đình, chùa, nghè, miếu cho đến những sinh hoạt văn hóa tinh thần như lễ hội, các luật tục, các kinh nghiệm trong kiếm sống hay lệ làng từ xa xưa truyền lại,... Có thể thấy rằng Vân Đồn ngày nay đã có diện mạo khác xa so với Vân Đồn trong truyền thống. Một Vân Đồn hiện đại, quy mô và hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Cùng với sự phát triển chung, Vân Đồn hiện đại bao gồm các dịch vụ du lịch, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá trải nghiệm, casino, hàng không, vận tải biển,...Tất cả những điều kể trên đều có liên hệ mật thiết với văn hóa truyền thống nơi đây. Ví như hoạt động du lịch của Vân Đồn dựa trên du lịch khám phá các giá trị văn hóa của cư dân biển đảo nơi đây. Theo đánh giá của ngành du lịch Quảng Ninh, hệ thống tour du lịch trải nghiệm xanh của Quảng Ninh ở đảo Quan Lạn và Minh Châu lấy yếu tố lịch sử văn hóa làm điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 18

Có thể thấy, các yếu tố văn hóa truyền thống của cư dân biển đảo có sự tương tác với các yếu tố văn hóa hiện đại. Các cư dân nơi đây một mặt lưu giữ những giá trị truyền thống nhưng cũng tiếp nhận những văn hóa hiện đại nhằm giản tiện các luật tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. ở chiều ngược lại, về phát triển tổng thể Vân Đồn, các giá trị văn hóa truyền thống là yếu tố cấu thành quan trọng nhằm phát triển văn hóa, du lịch của địa phương. Trong tương lai không xa, văn hóa truyền thống và hiện đại ở Vân Đồn sẽ còn có những tác động mạnh mẽ, qua lại với nhau.

5.3. Tương tác giữa các yếu tố văn hóa nội sinh và ngoại sinh

Trong bất kỳ hình thức giao lưu nào cũng phải có sự du nhập của yếu tố ngoại sinh vào văn hóa bản địa và luôn luôn xảy ra mối tương tác giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh.

Xét về mặt logic, giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh có thể xảy ra các tương tác sau đây:

Tương tác 1: Yếu tố ngoại sinh khi du nhập vào nền văn hóa bản địa thì kết hợp với yếu tố nội sinh để tạo ra các yếu tố mới, mang tính lai tạo hết sức độc đáo và lý thú. Mối tương tác kiểu này có thể coi là phổ biến nhất và tạo cho nền văn hóa bản địa đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Vân Đồn nằm trong tỉnh Quảng Ninh, là một trong những địa danh địa đầu của tổ quốc, có đường biên giới trên đất liền và cả đường biên giới trên biển. Do đó, không chỉ có dung hợp giữa các vùng văn hóa trong phạm vi lãnh thổ mà còn có sự giao thoa văn hóa vượt ra ngoài biên giới. Đó là sự tương tác với với văn hóa của người Trung Quốc.

Điểm nổi bật của văn hóa Vân Đồn là quá trình trao đổi, tiếp nhận từ văn hóa Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua tín ngưỡng của cư dân nơi đây.

Khi có dịp phỏng vấn các vị bô lão ngư dân ở Quan Lạn, họ cho biết rằng con đường biển Quảng Đông sang Việt Nam, đoạn đường gần và thuận buồm xuôi gió nhất chính là vùng biển Quảng Ninh tiếp giáp với đất Trung Quốc. Phải chăng vì yếu tố địa lý này mà quan quân dưới triều Nam Tống bại trận đã dong thuyền chạy sang Vân Đồn để tỵ nạn. “Khi đó, người dân đất Việt đã rộng lòng cưu mang họ, giúp họ ổn định cuộc sống, kiếm kế sinh nhai và sau này con cháu họ còn tham gia cùng quân dân nhà Trần chống lại quân Nguyên xâm lược” [3; tr.37]. Bộ phận người Hoa đến Quảng Ninh, có thể sau này họ lại tìm đường, theo thuyền của ngư dân trở về cố quốc hoặc tìm đến nơi khác ở Việt Nam dễ sinh sống hơn. Và cũng có thể bộ phận người Hoa đến đây số lượng không lớn, nhiều thế kỷ trôi qua họ đã bị Việt hóa thành cư dân địa phương. Có điều cần khẳng định rằng, những người Hoa đến đất Vân Đồn họ một lòng trung quân ái quốc, cái chết bi thương của mẹ con vua tạo cho họ một cảm xúc mạnh mẽ về một triều đại từng ghi dấu ấn trong lịch sử Trung Quốc, về thân phận của bậc đế vương, hoàng thái hậu trong cảnh chiến tranh, loạn lạc. Vì lẽ đó, họ đã dựng đền thờ ở đất khách quê người, lúc bấy

giờ nhỏ thôi, nhưng đó là điểm tựa tinh thần cố kết người Hoa cực chẳng đã phải rời bỏ tổ quốc sống nương nhờ nơi đất khách.

Như vậy, tục thờ Tứ vị thánh nương ở Vân Đồn ban đầu xuất phát từ chủ nghĩa nhân đạo cao cả của người Việt, chia sẻ, tưởng niệm thân phận của những người gặp bất hạnh trong cuộc đời và khi có nhân duyên vị thần đó được triều đình phong kiến trung ương quan tâm, người dân đã thiêng hóa, trao cho vị thần đó những chức năng mới xứng với tầm vóc của một vị thần giúp nước hộ dân. Đối với cư dân ở vùng Vân Đồn, sống chủ yếu bằng nghề đi biển, Tứ vị thánh nương một khi đã được người dân thiêng hóa không thể ra ngoài quy luật trở thành vị phúc thần của dân mà trước hết là vị thần phù trợ cho người đi biển là ngư dân và thương nhân để giúp họ mưu sinh, tránh được sự rủi ro, bất trắc, bất an trong cuộc sống. Có thể thấy, sự du nhập văn hóa ngoại sinh kết hợp với tâm thức dân gian nội sinh đã tạo nên quan niệm mới về Tứ vị thánh nương đối với ngư dân nhiều nơi trên đất nước ta. Không nằm ngoài quy luật đó, văn hóa dân gian ở Vân Đồn đã dung hợp và làm giàu cho văn hóa bản địa đa dạng, phong phú hơn.

Tương tác 2: Các yếu tố ngoại sinh khi du nhập vào nền văn hóa bản địa đã được chấp nhận và tồn tại song song với các yếu tố nội sinh và tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nền văn hóa đó.

Văn hóa nội sinh ở Vân Đồn được hình thành và có sự du nhập đáng kể từ yếu tố ngoại sinh từ bên ngoài khá nhiều. hai thành phần này tồn tại song song, được người dân chấp nhận và tồn tại song song cho tới tận hôm nay.

Miếu thờ ở cửa sông, cửa biển ở Vân Đồn khá nhiều. Theo thống kê của phòng văn hóa Thông tin huyện Vân Đồn hiện có khoảng 40 miếu thờ19 lớn nhỏ trên các cửa sông cửa biển. Có khi những miếu thờ này chỉ là những đống đá được xếp cẩn thận thành các ụ, có chỗ lại là những đống đá được người dân qua lại ném vào mà thành.



19Thông tin do phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Đồn cung cấp, tháng 8/2018.

Không chỉ ở các cửa sông cửa biển mới có những miếu thờ, mà một số cửa rừng ở Vân Đồn cũng có những miếu dạng này.“Rừng Miếu có cây đa rất to mà doanh trại quân đội của Lữ đoàn 242 đóng trên địa bàn cũng không dám chặt, từ khi tôi còn nhỏ đã có đống đá mà mỗi người đi qua thường ném vào thành ụ nên, dân thường hương khói trên đống đá cho đến ngày nay”20.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ ven cửa sông, cửa biển của cư dân Vân Đồn đã xuất hiện từ khá sớm. Ban đầu chỉ là nơi hương khói cho những mảnh đời bất hạnh, sau đó đã trở thành miếu thờ, đền thờ và trở thành Chùa như trường hợp chùa Cái Bầu. Có thể thấy đây là quá trình hình thành và phát triển và thích ứng với văn hóa bản địa của hệ thống miếu thờ ven biển, ven cửa sông. Qua đây cũng thể hiện tính dung hợp trong văn hóa ứng xử của cư dân nơi đây với môi trường xung quanh.

Ngay từ buổi ban đầu, người dân thờ các vị thần dân gian bản địa như thần sông thần núi, thổ công hà bá. Bên cạnh đó là thờ các đấng siêu nhiên và một hệ thống nhân thần có công với đất nước, cư dân Vân Đồn còn tín ngưỡng thờ Mẫu. Đền Cặp Tiên nằm ngay cửa ngõ Đông Xá. Ngôi đền này thờ Thánh, bên cạnh đó có cung sơn trang thờ mẫu, thờ các cô. Có những nơi Tiền Phật Hậu thánh như ở chùa Quan Lạn.

Có lẽ biển Vân Đồn có đặc trưng là gắn với những đảo núi đá bao la (trên vịnh Hạ Long), còn dọc ven biển hầu hết một bên là biển, một bên là vách núi nên thần núi và thần biển được thờ trong cùng một nơi như đảo Quan Lạn.… Sơn thần nước ta chủ yếu là hệ Tản Viên - Cao Sơn - Quý Minh. Thần Cao Sơn được người dân Quan Lạn dựng miếu phụng thờ. Tương truyền thần Cao Sơn là người giỏi thuốc, thường hiện thân làm thầy lang chữa bệnh đậu mùa cho dân, lúc sinh thời thần có hiệu là Tế Giang cư sĩ [105; tr.159].

Việc thần núi và thần biển đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn là nét văn hóa nổi bật của cư dân nơi


20Phỏng vấn ông Hồ Anh Tuấn, phó phòng Văn hóa thông tin huyện Vân Đồn, tháng 8/2018.

đây. Yếu tố môi trường văn hóa đã làm cho con người tổng hợp và linh hoạt trong sáng tạo ra văn hóa cho riêng mình.

Không chỉ vậy, thần núi Cao Sơn cũng được tích hợp vào trong hệ thống các vị thần nơi đây. Theo phong tục, ngư dân trước khi ra biển thường đến lễ tại miếu Cao Sơn, xin đài âm dương, thần cho đi thì được ngày, thần không cho đi là không được… Rõ ràng, việc thờ phụng các vị thần biển ở nơi đây là điều dễ hiểu, song trong hệ thống các vị thần ấy có sự tích hợp những nhân thần, nhiên thần gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người, sự hòa hợp giữa các yếu tố biển trời, núi nước… đã tạo nên một đời sống tâm linh vô cùng phong phú, mà mục đích cuối cùng cũng là cầu mong những chuyến ra khơi bội thu, cuộc sống tốt đẹp.

Bên cạnh đó, tục thờ bà Hang của cư dân nơi đây cũng đáng lưu ý. Tín ngưỡng phồn thực có từ thời nguyên thủy vốn là đặc trưng của văn hóa nông nghiệp để duy trì và phát triển sự sống để mùa màng tươi tốt. Nhưng ở Vân Đồn thì lại đề cao yếu tố che chở bảo vệ trước đại dương bao la nhiều nguy hiểm. Tín ngưỡng phồn thực đến nay chỉ còn tồn tại duy nhất ở tục thờ cúng trước khi nhổ neo của ngư dân Quan Lạn, đặc biệt là cư dân xóm Yến Hải.

Hơn nữa, sau khi ăn Tết, tùy từng dòng họ, từng gia đình chọn ngày, thông thường là mùng 6 hoặc mùng 8 tết làm lễ ra binh (nghi lễ ra biển) tức là ngày quay mũi thuyền đi làm ăn. Trưởng dòng họ và chủ mỗi gia đình làm lễ cúng ra binh rồi cùng chèo thuyền đi đánh cá ở những nơi đã định sẵn. Lễ cúng ra binh được người dân thực hiện ở Cao Sơn thần miếu, một số xóm lẻ tập trung ở miếu bà Hang. Vật cúng bao giờ cũng có thuyền chèo bằng vàng mã để tiến cúng các thần, thế mạng cho ngư dân, cầu mong cho sự che chở, thuận buồm xuôi gió, mong một năm mới bội thu tôm cá. Hiện nay lễ ra binh đầu năm vẫn được giữ, song với kinh nghiệm đánh bắt thì ngày ra binh có thể được lựa chọn trong nhiều ngày hơn, có những gia đình ra biển từ mùng 2 tết hoặc rất muộn, để tránh việc quá nhiều người ra biển làm biển động.

Ngoài ra, do nghề đánh cá nhiều rủi ro bất trắc, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, do đó, mùng 6 đến mùng 10 tháng giêng âm lịch, ngư dân Quan Lạn làm lễ cầu bình. Các gia đình ngư dân đi lễ ở hầu hết các đình chùa để xin sự bình yên, che chở hoặc để cầu may. Trong lễ cầu bình, các thế lực siêu nhiên thường được đề cao như Đại càn quốc gia Nam Hải, Cao Sơn thần miếu, các thánh mẫu…

Như vậy, cư dân vùng biển đảo Vân Đồn có đời sống tín ngưỡng phong phú và đa dạng. Sự phong phú này hàm chứa trong đó là những dung hợp văn hóa giữa nội đồng và hải đảo, giữa trong nước và ngoài nước, kết hợp từ tín ngưỡng bản địa dân gian với tín ngưỡng thờ nhân thần, sau đó là Phật và Mẫu. Chính sự tổng hợp nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh một cách linh hoạt đã tạo cho văn hóa cư dân Vân Đồn đa dạng nhưng thống nhất.

5.4. Kết quả rút ra từ sự tương tác các yếu tố văn hóa của cư dân biển đảo Vân Đồn

Vân Đồn là nơi có vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên con đường vành đai từ Trung Quốc xuống Đông Nam Á, là vùng tiếp giáp đồng bằng Bắc Bộ, là nơi thuận tiện giao thương đường bộ, đường biển, đường hàng không trong và ngoài nước. Từ các điều kiện đó mà Vân Đồn trở thành vùng tiếp xúc (contact zone) văn hóa trong lịch sử và cả hiện nay.

Trong lịch sử, Vân Đồn là nơi tụ cư của nhiều tầng lớp cư dân cổ. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học, cổ sinh học, nhân học,… cho thấy đã có ba nền văn hóa phát triển mang tính nối tiếp từ tiền sử đến sơ sử. Các phát hiện khảo cổ học tại các di chỉ hậu kỳ đá mới ở Ngọc Vừng, Hạ Long trong mấy thập kỷ gần đây cho thấy mật độ cư trú khá cao và ổn định của các nhóm cư dân cổ vùng duyên hải. Không chỉ tiến hành khai thác, canh tác tại chỗ, những người định cư ở đây còn tiến hành giao lưu, trao đổi với các nhóm cư dân khác ở phía Nam Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và các khu vực khác của Đông Nam Á. Điều đó cho thấy chủ nhân văn hóa Hạ Long đã có sự giao lưu, hòa hợp với cư dân và các truyền thống văn hóa khu vực trong một phổ văn

Xem tất cả 195 trang.

Ngày đăng: 24/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí