Vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế để hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp trong điều kiện ở Việt Nam - 20

- 142 -


Thực ra, từ trước khia IFRS 13 ra đời, giá trị hợp lý đã được IASB quy định sử dụng với nhiều mức độ và cách thức khác nhau trong từng chuẩn mực cụ thể. Cho đến nay, vẫn còn không ít những tranh luận xung quanh việc sử dụng giá trị hợp lý (vấn đề được tranh luận nhiều nhất là tính đáng tin cậy và phương pháp xác định giá trị hợp lý). Song, những ưu điểm của giá trị hợp lý và lợi ích của sử dụng giá trị hợp lý là không thể phủ nhận. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh sau: giá trị hợp lý phản ánh được những thay đổi của thị trường; những giả định dùng để ước tính giá trị hợp lý có thể được xác định và kiểm chứng; các mô hình định giá cho những trường hợp không có giá thị trường hiện đang phát triển và từng bước hoàn thiện.

Mặc dù còn nhiều tranh cải, “giá trị hợp lý tiếp tục được xem như là phương pháp tốt nhất hiện nay để đánh giá và báo cáo các công cụ tài chính, nó làm tăng tính minh bạch của các tác nhân thị trường lên thông tin tài chính” (Dennis Dally, 2009).

Về xu hướng sử dụng giá trị hợp lý, các hướng dẫn được quy định trong IFRS 13 và những cập nhật tại chủ đề số 820 (báo cáo số 157 trước đây của FASB) vào tháng 5/2011 đã hoàn thành một dự án lớn cải thiện IFRS và US GAAP để mang lại sự hội tụ giữa chúng. Leslie F Seidman, Chủ tịch của FASB, cho biết: “ Cập nhật này đại diện cho một bước tiến tích cực hướng tới mục tiêu chia sẻ trên toàn thế giới hội tụ các chuẩn mực kế toán. Việc thống nhất ý nghĩa của giá trị hợp lý sẽ cải thiện tính nhất quán của thông tin tài chính trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng đáp ứng yêu cầu tăng cường công bố về các giả định được sử dụng trong các phương pháp đo lường giá trị hợp lý” (IFRS, 2011b). Hiện nay, các quốc gia phát triển như Úc, Hồng Kông… đều đã ban hành và áp dụng chuẩn mực đo lường giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán của mình.

Như vậy, những ưu điểm nổi bật của giá trị hợp lý đã được bộc lộ về lý thuyết lẫn thực tiễn. Cùng với những nỗ lực của IASB và FASB và một số quốc gia trong việc thúc đẩy việc tạo lập cơ sở và ứng dụng giá trị hợp lý, có thể khẳng định, việc sử dụng giá trị hợp lý để định giá trong kế toán đang trở thành một xu hướng tất yếu hiện nay.

- 143 -


Ở Việt Nam, như đã phân tích ở mục 2.3.3.2, giá gốc được quy định là một nguyên tắc cơ bản của kế toán Việt Nam. Giá trị hợp lý hiện được quy định và sử dụng một cách rời rạc, chưa có hệ thống; chưa có một định hướng rõ ràng trong dài hạn về việc sử dụng giá trị hợp lý, cũng như thiếu hẳn các nguyên tắc và hướng dẫn về phương pháp xác định giá trị hợp lý trong đo lường các yếu tố của BCTC.

Để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế về kế toán, việc sử dụng giá trị hợp lý trong định giá là cần thiết và là xu thế tất yếu ở Việt Nam. Điều này xuất phát chủ yếu từ sức ép của yêu cầu hội nhập và cả sức ép của yêu cầu phát triển của bản thân nền kinh tế Việt Nam. Sự phát triển của bản thân nền kinh tế và yêu cầu hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu áp dụng theo thông lệ quốc tế, đối với chuẩn mực kế toán nói chung và vấn đề sử dụng giá trị hợp lý nói riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin ngày càng cao của thị trường. Việt Nam đã có hệ thống các thị trường đang phát triển, TTCK đã hình thành và phát triển hơn 13 năm và đạt được những thành tựu nhất định. Theo đề án phát triển thị trường vốn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, đến năm 2020 giá trị vốn hóa TTCK đạt 70% GDP; hành lang pháp lý cho việc doanh nghiệp Việt Nam niêm yết chứng khoán ở nước ngoài cũng được tạo lập tại Luật Chứng khoán 62/2010/QH12 và Nghị định 84/2010 NĐ-CP…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.

Tóm lại, việc sử dụng giá trị hợp lý trong định giá các yếu tố của BCTC ở Việt Nam chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn. Bên cạnh sự chưa hoàn chỉnh của một hệ thống thị trường tích cực (active market) ở Việt Nam, cũng như sự thiếu vắng các nguyên tắc và hướng dẫn về phương pháp xác định giá trị hợp lý, có lẽ, vấn đề cần phải giải quyết đầu tiên, chính là niềm tin vào sự hợp lý của giá trị hợp lý.

(b) Nguyên tắc và lộ trình sử dụng giá trị hợp lý trong định giá các yếu tố của BCTC doanh nghiệp Việt Nam

Vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế để hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp trong điều kiện ở Việt Nam - 20

Nguyên tắc

Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng giá trị hợp lý là phải phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế, và điều kiện của Việt Nam.

- 144 -


Việc sử dụng giá trị hợp lý phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm: đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo ra sự hòa hợp về các tiêu chuẩn đánh giá của Việt Nam với các tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kế toán, đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin ngày càng cao của thị trường.

Hiện nay, nền kinh tế thị trường Việt Nam, TTCKViệt Nam còn khá non trẻ, nhiều dữ liệu tham chiếu chưa có, do vậy, nếu áp dụng ngay toàn bộ theo chuẩn mực quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của thông tin được định giá theo giá trị hợp lý. Do vậy, việc sử dụng giá trị hợp lý cần tính toán phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng giai đoạn. Tuy nhiên, nếu quá chú trọng đến điều kiện áp dụng mà thận trọng quá mức sẽ dẫn đến sự nửa vời, lạc điệu trong quá trình hội nhập. Từ đó, cho thấy, việc xác định một lộ trình hợp lý cho việc áp dụng giá trị hợp lý trong định giá các yếu tố của BCTC doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Lộ trình

Lộ trình cho việc áp dụng giá trị hợp lý có thể được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2016)

Đây là giai đoạn tạo ra những điều kiện ban đầu có tính chất nền tảng để có thể áp dụng giá trị hợp lý một cách vững chắc trong định giá các yếu tố của BCTC.

- Thứ nhất, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tăng cường các hội thảo… nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về việc sử dụng giá trị hợp lý trong định giá, từ cơ quan chức năng, người làm công tác kế toán, cho đến các đối tượng sử dụng thông tin trên BCTC.

- Thứ hai, điều chỉnh Luật kế toán, Chuẩn mực chung liên quan đến định giá.

Luật Kế toán cần sửa đổi nguyên tắc giá trị tài sản được tính theo giá gốc thành nguyên tắc kết hợp giữa giá gốc với giá trị hợp lý. Tương tự, VAS 1 cũng cần phải quy định việc sử dụng kết hợp “giá trị hợp lý” cùng với “nguyên tắc giá gốc”

- Thứ ba, ban hành chuẩn mực Đo lường giá trị hợp lý (VFRS 13). Nội

- 145 -


dung chuẩn mực cần được xây dựng theo hướng tiệm cận với IFRS 13- Fair Value Measurement.

- Thứ tư, bổ sung, cập nhật, nội dung các chuẩn mực kế toán hiện hành có liên quan đến giá trị hợp lý.

Trong quá trình rà soát và điều chỉnh các chuẩn mực kế toán đã ban hành, cần bổ sung các quy định về định giá theo hướng tiếp cận các chuẩn mực kế toán quốc tế. Các quy định bổ sung cần hướng đến việc tạo lập sự thống nhất, theo đó, cần quy định trong chuẩn mực yêu cầu trình bày thông tin về giá trị hợp lý: số tiền giá trị hợp lý tại ngày cuối kỳ; xác định giá trị hợp lý (phương pháp xác định, cơ quan định giá…); những giả định và dữ liệu được sử dụng…

Giá trị hợp lý nhất thiết phải được sử dụng sau ghi nhận ban đầu đối với: bất động sản đầu tư, công cụ tài chính, hợp nhất kinh doanh; các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư vào công ty con, bởi lẻ, nếu phản ánh theo giá gốc sẽ không phản ánh được những thay đổi của thị trường, không phản ánh được lãi - lỗ chưa thực hiện vào đúng kỳ mà nó phát sinh.

Giai đoạn 2 (Từ năm 2017-2020)

Đây là giai đoạn đưa VFRS 13 vào áp dụng một cách toàn diện.

- Thứ nhất, Ban hành một số hướng dẫn về việc sử dụng VFRS 13.

Trên cơ sở VFRS 13, Bộ Tài chính ban hành quy định giải thích các cấp độ, phương pháp xác định giá trị hợp lý, quy định sự cân đối giữa các đặc tính chất lượng và các tiêu chuẩn đánh giá khi có hạn chế thông tin giữa tính thích hợp và tính đáng tin cậy.

Đây cũng là giai đoạn mà các chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính đang bắt đầu được áp dụng. Do vậy, tùy theo điều kiện thực tế, có thể quy định áp dụng giới hạn từng bước đối với một số nội dung của VFRS 13.

- Thứ hai, từng bước hoàn chỉnh một hệ thống thị trường tích cực (active market); đồng bộ và minh bạch hóa hành lang pháp lý về kinh doanh.

Thị trường tích cực là thị trường mà việc mua bán, giao dịch trên thị trường được thực hiện trên cơ sở ngang giá, người mua và người bán có thể được tìm thấy tại bất kỳ thời điểm nào, có sự tự nguyện giữa các thành viên tham gia thị trường. Thị trường hàng hóa và thị trường tài chính Việt Nam phải được xây

- 146 -


dựng ngày càng “hoạt động” để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các dữ liệu tham chiếu trong đo lường giá trị hợp lý.

(b) Định hướng một số nội dung và phương pháp đo lường giá trị hợp lý Căn cứ vào mục tiêu và phạm vi của luận án, phần này chỉ trình bày định hướng những vấn đề cơ bản về định nghĩa, nội dung và phương pháp đo lường giá trị hợp lý, trên tinh thần hòa hợp với IFRS 13- Đo lường giá trị hợp lý,

thông lệ quốc tế.

Các định nghĩa

Giá trị hợp lý (Fair value): là giá trị nhận được khi bán một tài sản hay giá trị thanh toán cho một khoản nợ phải trả trong một giao dịch có trật tự giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị.

Thị trường tích cực (Active market): là thị trường mà trong đó các giao dịch của tài sản hoặc nợ phải trả diễn ra khá thường xuyên và khối lượng giao dịch đủ để cung cấp thông tin định giá với giả định các giao dịch vẫn tiếp tục diễn ra như vậy.

Giá đầu ra (Exit price): là giá có thể nhận được khi bán tài sản hoặc phải trả để thanh toán một khoản nợ.

Giá trị sử dụng tối ưu (Highest and best use): là việc sử dụng tài sản phi tài chính bởi các thành viên thị trường để tối đa hóa giá trị của tài sản hoặc nhóm tài sản và nợ phải trả trong doanh nghiệp.

Thị trường thuận lợi nhất (Most advantageous market): thị trường có thể tối đa hóa giá trị tài sản bán được hoặc tối thiểu hóa giá trị phải trả để chuyển nhượng nợ phải trả, tính cả chi phí giao dịch và chi phí vận chuyển.

Thị trường chính (Principal market): là thị trường có khối lượng và mức độ hoạt động lớn nhất của tài sản hoặc nợ phải trả.

Các định nghĩa khác về giá mua vào, dòng tiền dự kiến, dữ liệu thị trường được xác thực, thành viên thị trường… được trình bày tại Phụ lục 16.

Các cấp độ xác định giá trị hợp lý

Các dữ liệu đầu vào sử dụng trong các kỹ thuật định giá được phân cấp theo ba cấp độ: dữ liệu đầu vào cấp độ 1; dữ liệu đầu vào cấp độ 2; dữ liệu đầu vào cấp độ 3.

- 147 -


(1) Dữ liệu đầu vào cấp độ 1

Dữ liệu đầu vào cấp độ 1 là giá niêm yết của các tài sản hay nợ phải trả (không điều chỉnh) trên các thị trường tích cực mà đơn vị có thể tiếp cận tại ngày xác định giá trị hợp lý (IASB, 2011).

Giá niêm yết trên thị trường tích cực cung cấp bằng chứng đáng tin cậy nhất của giá trị hợp lý và được sử dụng mà không cần điều chỉnh để xác định giá trị hợp lý bất cứ khi nào có sẵn.

Dữ liệu đầu vào cấp độ 1 thường có sẵn cho nhiều loại tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính, một số được trao đổi tại nhiều thị trường tích cực (ví dụ như trao đổi trên nhiều sở giao dịch). Do vậy, việc xác định dữ liệu ở cấp độ 1 cần lưu ý đến cả hai yếu tố sau:

- Thị trường chính của tài sản hoặc nợ phải trả được giao dịch, hoặc thị trường thuận lợi nhất khi không có thị trường chính;

- Doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch tài sản hoặc nợ phải trả theo mức giá thị trường tại thời điểm xác định giá trị hay không.

(2) Dữ liệu đầu vào cấp độ 2

Dữ liệu đầu vào cấp độ 2 không phải là giá niêm yết được phân loại là dữ liệu đầu vào cấp độ 1 mà là giá của tài sản hay nợ phải trả có thể quan sát được trực tiếp hoặc gián tiếp.

Nếu tài sản hoặc nợ phải trả có thời hạn xác định (theo hợp đồng), dữ liệu đầu vào cấp độ 2 cần phải quan sát được cho phần lớn toàn bộ thời hạn đó. Dữ liệu đầu vào ở cấp độ 2 chủ yếu bao gồm:

- Giá niêm yết của tài sản hoặc nợ phải trả tương tự trên thị trường tích

cực;

- Giá niêm yết của tài sản hoặc nợ phải trả giống hệt hoặc tương tự trên thị

trường không tích cực;

- Các dữ liệu không phải là giá trị niêm yết nhưng có thể quan sát được cho tài sản và nợ phải trả, chẳng hạn như: lãi suất và đường cong lãi suất thu thập được ở khoảng giá niêm yết phổ biến; biên độ rủi ro tín dụng;

(3)Dữ liệu đầu vào cấp độ 3

Dữ liệu đầu vào cấp độ 3 là dữ liệu đầu vào không quan sát được đối với

- 148 -


tài sản hoặc nợ phải trả

Dữ liệu đầu vào không quan sát sẽ được sử dụng trong việc đo lường giá trị hợp lý khi dữ liệu quan sát được là không có sẵn, áp dụng trong trường hợp có rất ít giao dịch tài sản hoặc nợ phải trả tại ngày xác định giá trị. Tuy nhiên, mục tiêu của đo lường giá trị hợp lý vẫn không đổi, giá bán ra tại ngày xác định giá trị xem xét từ khía cạnh của một thành viên thị trường đang nắm giữ tài sản hoặc nợ phải trả. Do đó, dữ liệu không quan sát được sẽ phản ánh các giả định được sử dụng bởi các thành viên thị trường khi xác định giá trị của tài sản hoặc nợ phải trả, bao gồm cả các giả định về rủi ro.

Một doanh nghiệp sẽ xây dựng các yếu tố đầu vào không quan sát được, sử dụng các thông tin sẵn có tốt nhất trong các trường hợp, có thể bao gồm dữ liệu của chính doanh nghiệp. Trong việc xây dựng các yếu tố đầu vào không quan sát được, một doanh nghiệp có thể bắt đầu với dữ liệu của chính doanh nghiệp đó, nhưng doanh nghiệp nên điều chỉnh các dữ liệu nếu các thông tin có sẵn một cách hợp lý chỉ ra rằng những thành viên thị trường khác sẽ sử dụng dữ liệu khác hoặc có yếu tố gì đó đặc biệt đối với doanh nghiệp mà không sẵn có cho những người tham gia thị trường (như khả năng hiệp trợ của doanh nghiệp) (IASB, 2011).

Các phương pháp đo lường giá trị hợp lý

Mục tiêu của đo lường giá trị hợp lý là ước lượng giá của giao dịch trật tự để bán tài sản hoặc chuyển giao nợ phải trả diễn ra giữa các thành viên thị trường tại thời điểm định giá (IASB, 2011).

Đo lường giá trị hợp lý yêu cầu xác định các vấn đề chủ yếu sau:

- Loại tài sản hoặc nợ phải trả đang được đo lường (phù hợp với doanh nghiệp tài khoản);

- Với tài sản phi tài chính, tiền đề định giá là phù hợp với đo lường (nhất quán với việc sử dụng tài sản hiệu quả và đạt giá trị cao nhất);

- Thị trường chính (thị trường thuận lợi nhất) của tài sản hoặc nợ phải trả;

- Kỹ thuật định giá thích hợp cho việc đo lường, xem xét dữ liệu sẵn có để phát triển thành dữ liệu đầu vào thể hiện được giả định của nhà đầu tư sử dụng khi định giá tài sản hoặc nợ phải trả và cấp bậc của giá trị hợp lý tương ứng với dữ liệu đầu vào được phân loại.

- 149 -


Việc áp dụng phương pháp đo lường giá trị hợp lý cần tuân theo các quy định chủ yếu sau :

- Giá trị hợp lý được xác định cho từng tài sản hoặc nợ phải trả cụ thể. Do đó, khi xác định giá trị hợp lý, doanh nghiệp cần xem xét các đặc điểm của tài sản hoặc nợ phải trả mà các thành viên thị trường cũng sẽ lưu ý đến khi định giá tài sản hoặc nợ phải trả đó tại ngày xác định giá trị hợp lý. Các đặc điểm đó có thể bao gồm: điều kiện và vị trí của tài sản; các hạn chế (nếu có) khi bán hoặc sử dụng tài sản.

- Việc xác định giá trị hợp lý giả định rằng tài sản hoặc nợ phải trả có thể trao đổi trong một giao dịch có trật tự giữa các thành viên thị trường nhằm bán tài sản hoặc chuyển giao nợ phải trả tại ngày xác định giá trị hợp lý trong các điều kiện thị trường hiện tại.

- Giá trị hợp lý là giá sẽ nhận được khi bán tài sản hoặc phải trả để chuyển nhượng một khoản nợ phải trả trong một giao dịch có trật tự tại thị trường chính (hoặc thuận lợi nhất) tại ngày xác định giá trị dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại bất kể giá có thể quan sát được hay được ước tính dựa trên một phương pháp định giá khác.

Kỹ thuật định giá

Doanh nghiệp sẽ sử dụng các kỹ thuật định giá phù hợp với hoàn cảnh và có đủ dữ liệu để có thể xác định được giá trị hợp lý, tối đa hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào quan sát được có liên quan và giảm thiểu việc sử dụng các yếu tố đầu vào không quan sát được.

Kỹ thuật định giá dùng để đo lường theo giá trị hợp lý phải được áp dụng nhất quán. Tuy nhiên, một sự thay đổi trong kỹ thuật định giá hoặc trong việc áp dụng (ví dụ như thay đổi trọng số khi áp dụng nhiều kỹ thuật định giá hoặc thay đổi mức điều chỉnh áp dụng trong mô hình định giá) là thích hợp nếu sự thay đổi này làm kết quả đo lường đưa ra giá trị là tương đương hoặc có tính đại diện hơn cho giá trị hợp lý trong các trường hợp đó. Chẳng hạn, các thị trường mới xuất hiện; nhiều thông tin mới được cung cấp; các kỹ thuật định giá được cải thiện; hoặc các điều kiện thị trường thay đổi.

Xem tất cả 248 trang.

Ngày đăng: 02/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí