Một Số Vấn Đề Về Tự Do Và Trách Nhiệm Đạo Đức Trong Hoạt Động Khoa Học, Công Nghệ Được Đặt Ra Hiện Nay


Chương 4

TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM ĐẠO ĐỨC TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ: MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI VIỆT NAM HIỆN NAY


Ở Việt Nam, hoạt động khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ cả về nghiên cứu lẫn ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Việt Nam là nước đi sau so với bình quân thế giới hàng thế kỷ về phát triển khoa học, công nghệ. Do vậy, nước ta cũng không tránh khỏi những vấn đề mà thế giới đã từng và hiện nay đang phải đương đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để phát triển khoa học, công nghệ, ngoài nội lực trong nước tự nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ thì do năng lực và trình độ phát triển khoa học, công nghệ còn rất hạn chế, nên phần nhiều nước ta chọn giải pháp chuyển giao, tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam theo phương châm “đi tắt đón đầu công nghệ”. Đây là điểm khác biệt của nước ta trong sự phát triển khoa học, công nghệ so với các nước có nền khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Từ việc nghiên cứu vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ, đặt ra câu hỏi: Việt Nam cần làm gì để có thể kết hợp hài hòa giữa tự do và trách nhiệm đạo đức của các chủ thể trong hoạt động khoa học, công nghệ ở Việt Nam hiện nay? Hay nói cách khác, làm thế nào để các chủ thể hoạt động khoa học, công nghệ vừa được tự do mà vẫn đầy trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành quả nghiên cứu ấy vào thực tiễn cuộc sống?

Tìm hiểu kinh nghiệm của thế giới và phần nào của chính nước ta thời gian qua trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra liên quan đến tự do và trách nhiệm đạo đức của các chủ thể trong hoạt động khoa học, công nghệ sẽ là những gợi ý cho Việt Nam ta có thể kết hợp hài hòa giữa phát triển tự do và


nâng cao trách nhiệm đạo đức cho các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực này. Có như vậy, khoa học, công nghệ nước ta mới không bị tụt hậu so với thế giới và các nước trong khu vực. Nước ta mới có thể thực hiện tốt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

4.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM ĐẠO ĐỨC TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ ĐƯỢC ĐẶT RA HIỆN NAY

4.1.1. Vấn đề đặt ra đối với các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ

Vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ và bài học đối với Việt Nam hiện nay - 16

Thứ nhất, tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ đặt ra vấn đề giới hạn của những sáng tạo khoa học, công nghệ

Xã hội càng phát triển, con người càng ý thức một cách rõ nét rằng tự do không chỉ đơn thuần là tự do bản năng “thích gì làm nấy”, mà tự do sẽ có chất lượng cao hơn khi mang trong mình sự hài hoà lợi ích giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng. Cao hơn nữa tự do như là sự phát triển hài hòa toàn diện nhân cách. Tự do của con người trong xã hội được cấu thành từ sự nhượng bớt một phần tự do của mỗi thành viên cho tha nhân. Vậy phần còn lại để làm gì? Có ý nghĩa gì? Một phần trong số đó thuộc sở hữu cá nhân anh có toàn quyền sử dụng phục vụ sự phát triển riêng mình, phần nữa là dự phòng để nhượng tiếp trong các quá trình phát triển tiếp theo. Vậy, sự phát triển của con người là quá trình nhượng bớt tự do để mở rộng tự do hay không gian phát triển của mình. Tuy nhiên, không phải ai hay quốc gia nào cũng nhận thức được điều này. Con người chỉ có thể sử dụng tự do và phát triển tự do khi có sự tương tác với người khác. Nếu không có tự do con người không thể sáng tạo ra các giá trị, nhưng tự do không có nghĩa là có thể làm mọi điều mình muốn, trong sự tương tác của con người với con người và với xã hội, tự do luôn bị ràng buộc trong nhiều mối quan hệ, mà một trong chúng là mối quan hệ với trách nhiệm. Nói cách khác điểm giới hạn của tự do trong sáng


tạo khoa học, công nghệ chính là điểm bắt đầu của trách nhiệm trước những kết quả của sự sáng tạo đó.

Lý tưởng khoa học và lý tưởng đạo đức có sự thống nhất với nhau ở các giá trị chân, thiện, mỹ - cái gì đúng thì cơ bản cũng phải là cái tốt, cái đẹp và ngược lại. Sự chế định lẫn nhau của các giá trị đó trong tiến trình phát triển của khoa học và công nghệ luôn buộc các chủ thể phải trả lời đặt ra câu hỏi: khi sáng tạo khoa học bị ràng buộc bởi các quy chuẩn đạo đức (mà những quy chuẩn này lại bị chi phối bởi lịch sử, giá trị xã hội và mức độ tri thức tại các thời điểm cụ thể) thì liệu sự tự do trong sáng tạo khoa học có bị ảnh hưởng theo chiều hướng bị giảm đi, bị thu hẹp và khi thực hiện trách nhiệm đạo đức một cách tự giác thì con người có đánh mất tự do của mình không hay lại làm cho nó gia tăng thêm? Giải quyết vấn đề này như một mâu thuẫn khách quan mà hai mặt đối lập của nó là tự do và trách nhiệm đạo đức đều có quyền tồn tại hợp pháp như nhau đòi hỏi phải nhận thức được vấn đề cơ sở đạo đức của hoạt động khoa học, công nghệ - mang tính nền tảng hơn.

Thứ hai, tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ đặt ra vấn đề cơ sở đạo đức của hoạt động khoa học, công nghệ

Thảm hoạ các nhà máy điện hạt nhân do sự bất cẩn của con người và công nghệ còn non yếu hay do tác động của thiên tai gây ra như ở Chernưbưn (Ucraina) cách đây hơn 30 năm và Fukushima (Nhật Bản) gần đây một lần nữa đặt ra câu hỏi về mối quan hệ cơ bản giữa đạo đức và sự phát triển của khoa học, công nghệ. Làm thế nào để hoạt động và sự phát triển của khoa học, công nghệ không làm phương hại đến những giá trị đạo đức nhân văn cơ bản của nhân loại (nền tảng của sự phát triển bền vững)? Đây là vấn đề đang đặt ra một cách bức thiết trong sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ trên toàn cầu.

Thực tế cho thấy, hoạt động khoa học, công nghệ đã và vẫn đang phải dựa trên nhiều cơ sở (tri thức, kinh tế, chính trị, luật pháp…, thậm chí là cả


tôn giáo nữa), trong đó có cơ sở đạo đức. Hoạt động này phải phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội và cá nhân, hướng thiện, gìn giữ cuộc sống. Theo đó tất cả những gì nâng niu, ươm mầm làm cho cuộc sống đâm chổi nảy lộc, không ngừng phát triển ra hoa kết quả thì đó là thiện, còn những gì cản trở cuộc sống, đầu độc nó, làm cho nó bị bóp nghẹt, suy thoái, chết dần, chết mòn thì đó là cái ác. Khoa học, công nghệ có cả hai khả năng đó, và chúng đều tác động rất mạnh đến đời sống của con người. Vấn đề là làm thế nào khuếch trương tối đa khả năng thứ nhất - khuyến thiện, trừ ác và hạn chế thấp nhất khả năng thứ hai - suy đồi, hủy diệt. Ở đây cần có sự lên tiếng và nhận thức sâu sắc của cộng đồng các nhà khoa học, những người làm công nghệ và nhất là các chính trị gia, những người làm chính sách, các nhà quản trị về trách nhiệm lớn lao và tự do có giới hạn của các chủ thể đó.

4.1.2. Vấn đề đặt ra đối với chủ thể quản lý hoạt động khoa học, công nghệ

Thứ nhất, vấn đề gian lận trong nghiên cứu khoa học có xu hướng gia tăng. Người làm khoa học, công nghệ có quyền sử dụng tự do của mình để khai thác thông tin, sử dụng kết quả các nghiên cứu đã được thực hiện làm tiền đề phục vụ cho nghiên cứu của mình. Đi kèm với đó là trách nhiệm đạo đức, lương tâm, danh dự, tính trung thực để luôn ý thức được kết quả có trước nào được phép sử dụng và cách thức sử dụng như thế nào? Không thể có chuyện sử dụng tự do một cách thái quá, không nghĩ gì đến trách nhiệm đạo đức của một nhà khoa học chân chính để sao chép vô tội vạ công khai hay lén lút kết quả lao động của những người khác hoặc của chính mình (tự đạo văn của mình hoặc “xào xáo” lại, “bổn cũ dùng lại”). Đây là vấn đề đụng chạm đến tiêu chuẩn đạo đức của người nghiên cứu khoa học. Từ đó đặt ra vấn đề là chủ thể quản lý các cấp từ cơ sở đến nhà nước trung ương phải ngăn ngừa, đối phó với các hình thức gian lận trong hoạt động khoa học như thế nào cho hữu


hiệu để khoa học thực sự phát triển mang lại lợi ích cho xã hội và làm sáng thêm nhân cách của nhà khoa học?

Thứ hai, nền tảng sở hữu trí tuệ trong hoạt động khoa học, công nghệ chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và không vững chắc. Trung thực và đề cao trách nhiệm đạo đức là vấn đề không chỉ cần mài sắc đối với người nghiên cứu, mà còn đối với những chủ thể sáng chế công nghệ và áp dụng vào sản xuất đời sống. Một xã hội không lấy nền tảng là sự trung thực sẽ dẫn đến muôn vàn hệ lụy: giả dối trong kinh doanh, giả dối trong chính trị, ngoại giao, xâm phạm bản quyền, ăn cắp ý tưởng, thương hiệu; thậm chí đến những vật dụng, sản phẩm hàng ngày của nền kinh tế nông nghiệp như gạo, nước mắm, rượu… người ta cũng làm giả. Điều này gây thiệt hại rất nhiều cho những người làm ăn chân chính, làm triệt tiêu các động lực sáng tạo của họ. Nhiều khi để lí giải cho sự tồn tại phổ biến của sự giả dối, thiếu trung thực, người ta thường lập luận rằng do những người cố tình làm hàng giả, hàng nhái thiếu nhân cách, thiếu tự trọng, thiếu giáo dục, tức là lại viện dẫn những luân lí, đạo đức trừu tượng... Thực ra sự thiếu trung thực có nguồn gốc chủ yếu từ lợi ích vị kỷ của con người, do đồng tiền dễ dàng kiếm được, do siêu lợi nhuận làm lóa mắt. Sự xung đột về lợi ích dẫn đến việc con người thiếu trung thực.

Thời gian qua, công tác quản lý và bảo hộ trí tuệ liên quan đến khoa học và công nghệ của Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít vấn đề cần phải được giải quyết như: số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích trong nước của Việt Nam còn rất ít. Ý thức của các chủ thể đổi mới công nghệ và ý thức nộp đơn đăng ký sáng chế của những nhà khoa học ở Việt Nam còn chưa mạnh, trình độ còn chưa cao. Vì vậy, rất cần phải có những chính sách bảo vệ những người làm việc chính đáng, trung thực có đóng góp thực sự cho xã hội phát triển công bằng, khuyến khích những chủ thể này tích cực tham gia hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ; đồng thời có những biện pháp chế tài mạnh mẽ phạt


nặng những kẻ bất chấp đạo lý và pháp luật cố tình làm ăn gian dối, ăn cắp bản quyền, vi phạm chế độ sở trí tuệ, sở hữu thương hiệu.

Thứ ba, đảm bảo thực hành dân chủ thực chất trong hoạt động khoa học, công nghệ. Để giám sát thực hiện sự công bằng và tính trung thực trong nghiên cứu, vận dụng khoa học, công nghệ, thì thiết nghĩ, nhân loại có một công cụ hữu hiệu là mở rộng dân chủ và thực hành dân chủ trong lĩnh vực này trong tất cả các khâu từ việc lựa chọn chủ thể (cá nhân hoặc tập thể) chủ trì, tham gia các đề tài, xác định tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, cho đến việc phân bổ lợi ích thu được từ kết quả và sự thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ đó. Nhiều vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực này, có thể nêu ra làm ví dụ như: hiện nay, sự thiếu dân chủ về lợi ích trong nghiên cứu khoa học còn khá phổ biến. Đó là, chính sách huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học chưa đồng bộ, chưa phát huy tác dụng nhiều. Cơ chế chi và thanh quyết toán cụ thể cho nghiên cứu khoa học còn bất hợp lý, rắc rối… Chủ nhiệm trả thù lao cho người nghiên cứu còn mang tính bình quân chủ nghĩa. Kết quả nghiên cứu đánh giá đề tài nào cũng đạt, thực thi sở hữu trí tuệ chưa nghiêm… Ngược lên trên thì có các hạn chế như nhiệm vụ nghiên cứu khoa học dự kiến chung chung, qua loa, không cấp bách, không công khai, minh bạch, lấy ý kiến hoặc thực hiện một cách hình thức trong xác định nhiệm vụ khoa học; tình trạng cũ “quan liêu bao cấp”, “cơ chế xin - cho”… trong xác định và giao nhiệm vụ khoa học; quy trình tuyển chọn, đấu thầu nhiệm vụ khoa học còn những bất cập, kẽ hở, chủ thể hầu như không có quyền tự chủ sử dụng nguồn tiền được đầu tư, cũng không có khả năng tạo kinh phí bổ sung cho nghiên cứu… Tất cả đều dễ làm nảy sinh tiêu cực. Tóm lại, dân chủ trong hoạt động khoa học, công nghệ còn mang tính hình thức rất đậm nét.


Thứ tư, sự quản lý, điều phối hoạt động khoa học, công nghệ bằng các công cụ pháp luật còn thiếu và yếu, không nhất quán và thiếu triệt để. Trong khi công cụ đạo đức (trách nhiệm) và dân chủ còn chưa phát huy đủ hiệu năng của chúng thì rõ ràng việc khắc phục và hạn chế những mặt trái của hoạt động khoa học, công nghệ trong tương quan với vấn đề tự do và trách nhiệm không thể chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi lương tri (đặc biệt là trách nhiệm) của các nhà khoa học cũng như lương tri của những con người sử dụng các thành tựu khoa học khi họ sử dụng một cách cẩu thả hoặc với mục đích ích kỷ, hoặc vô trách nhiệm gây nên những hiểm họa chung cho cộng đồng, nhân loại. Như thế, đạo đức trong bối cảnh thế giới và khoa học hiện nay cũng chỉ có mức độ thôi, nó chưa phải là công cụ vạn năng chế ngự hành vi nhân danh tự do nhưng rất thiếu trách nhiệm của con người từ mọi phương diện. Thực hiện mục đích trên còn đòi hỏi những nỗ lực và quyết tâm chung, đặc biệt là cần có những giải pháp quản lý khoa học và công nghệ một cách sáng tạo bằng các công cụ luật pháp quốc tế và quốc gia trên toàn thế giới. Trong lĩnh vực này thì luật pháp của chúng ta còn thiếu và yếu. Đó là vấn đề chúng ta phải giải quyết rốt ráo để hòa nhập cùng thế giới, đẩy mạnh sự phát triển của khoa học, công nghệ nước nhà.

4.2. BÀI HỌC ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ

4.2.1. Các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ cần xác định rõ giới hạn của những sáng tạo khoa học, công nghệ

Sự phát triển của khoa học và công nghệ rõ ràng là phải hướng tới giúp cho con người có cuộc sống tiện ích hơn, nhanh chóng đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc của mình. Khoa học và công nghệ hứa hẹn sự hiệu quả, tiết kiệm chi phí cũng như giúp mở cửa biên giới của tri thức. Song do sự tương tác mật thiết của khoa học và công nghệ với đời sống xã hội nên nó


không chỉ đơn giản mở rộng tri thức mà còn gây những ảnh hưởng to lớn ở các chiều cạnh khác nhau như kinh tế, chính trị, đạo đức, tôn giáo, thẩm mỹ... đặc biệt là khía cạnh đạo đức của sự ảnh hưởng đó đang đặt ra cho con người và xã hội những vấn đề rất cần được quan tâm, giải quyết.

Việc xác định ngưỡng của tự do trong sáng tạo khoa học vô cùng cần thiết bởi tự nó sẽ quyết định tính hướng đích của kết quả nghiên cứu. Sáng tạo là thuộc tính của lý trí, nó có liên hệ với tính khách quan (hay còn gọi là chân lý) và trong xã hội hiện đại, chân lý phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện và diễn giải của khoa học, công nghệ với niềm tin nhiều khi đến mức mù quáng về tính xác thực của các kết quả đó. Theo thước đo của khoa học, công nghệ cái có ích phải là cái mang lại lợi ích chứ không phải là cái tạo ra lợi ích từ nó. Việc không chấp nhận các kết quả gián tiếp vì khó thực chứng làm cho định hướng sáng tạo cũng bị chi phối và cái vòng tròn: khoa học - chân lý - kỹ thuật - tính toán kinh tế, khó được giải tỏa. Trong vòng tròn khép kín này, dường như không có chỗ cho sự tồn tại của những giá trị nhân văn trong quá trình phát triển. Đây chính là mặt trái hay là hạn chế của hoạt động khoa học, công nghệ và cũng chính là “cú sốc công nghệ và xã hội”. Nếu những tai họa kinh hoàng của kỷ nguyên trước gắn với một số phát minh và việc khai thác tuỳ tiện chúng trên cơ sở của những tiêu chuẩn thiển cận và ích kỷ chỉ như là những cảnh báo cho con người trước hiểm hoạ của “đàn sói kỹ thuật” thì, mặc dù còn rất non trẻ, những bóng ma khổng lồ về hiểm hoạ của sự phát triển khoa học, công nghệ trong một tự do không giới hạn đã thật cận kề với nhân loại như: sương mù điện tử, ô nhiễm tin học, rò rỉ di truyền học, cuộc chiến không gian vũ trụ, chiến tranh môi trường... Rõ ràng, khi tự do trong sáng tạo khoa học, công nghệ không được kiểm soát thì nó không chỉ là hiểm hoạ cho sự phát triển mà còn liên quan trực tiếp đến sự sống còn của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội - không gian sống cơ bản của con người. Bởi vậy, giới hạn của tự do trong sáng tạo khoa học, công nghệ chính là sự “làm chủ”

Xem tất cả 171 trang.

Ngày đăng: 10/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí