Trách Nhiệm Đạo Đức Trong Hoạt Động Khoa Học, Công Nghệ


3.2. TRÁCH NHIỆM ĐẠO ĐỨC TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ

3.2.1. Trách nhiệm đạo đức của các nhà khoa học trong nghiên cứu khoa học

- Trách nhiệm đạo đức của nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu

Nghiên cứu khoa học là một chu trình, và trách nhiệm đạo đức luôn hiện diện ở từng khâu của chu trình ấy. Nhà khoa học có trách nhiệm đạo đức là nhà khoa học đặt ra câu hỏi nghiên cứu đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức, trong quy trình làm thí nghiệm hay thu thập dữ liệu, trách nhiệm đạo đức đòi hỏi nhà nghiên cứu tuân thủ các quy tắc như tôn trọng quyền của đối tượng tham gia nghiên cứu, và trung thực như không được thay đổi và ngụy tạo dữ liệu.Trong giai đoạn công bố kết quả nghiên cứu, trách nhiệm đạo đức của nhà nghiên cứu đòi hỏi họ phải báo cáo đầy đủ và chính xác dữ liệu thu thập được, và phải tôn trọng các tiêu chuẩn về đứng tên tác giả bài báo khoa học. Có như vậy thì khoa học, cũng như văn hóa trong nghiên cứu khoa học mới có thể tồn tại được.

Trong thực tế, phần lớn nhà khoa học, cũng như tổ chức nghiên cứu khoa học đã tôn trọng và thực hiện khá tốt trách nhiệm đạo đức của mình. Điều đó được minh chứng bởi số lượng khổng lồ các nghiên cứu, phát minh, sáng chế… phục vụ cho sự phát triển của xã hội loài người trong giai đoạn hiện nay. Ngược lại, cũng không ít trường hợp trong giới nghiên cứu khoa học có tình trạng thờ ở, vô cảm, hay cố tình lờ đi trách nhiệm của mình trong nghiên cứu. Thực chất đây là tình trạng vô trách nhiệm, vi phạm các nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu.

Thực tiễn nghiên cứu khoa học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, trong khi đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh năng lực nghiên cứu, các trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu, các nước đều đang phải đương đầu với tình trạng chạy theo thành tích khoa học, thể hiện qua công bố quốc tế và


các con số thống kê mang tính hình thức. Áp lực về việc cần có những nghiên cứu được công bố, đã có tác dụng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, nhưng mặt trái của nó là biến những thước đo thành tích khoa học thành mục đích tự thân của việc nghiên cứu. Điều này dễ dàng dẫn đến tình trạng gian lận học thuật đang ngày càng phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở những nơi văn hóa nghiên cứu còn chưa trưởng thành và bệnh thành tích là một thực tế phổ biến.

Trên thế giới, phần lớn những vi phạm trong nghiên cứu xảy ra trong các bộ môn khoa học thực nghiệm như sinh học, vật lí, hóa học,… Nhưng vi phạm nhiều nhất vẫn là trong nghiên cứu y khoa. Trong bài viết “Gian lận và vi phạm đạo đức trong khoa học”, của tác giả Nguyễn Văn Tuấn (Chuyên gia nghiên cứu y khoa cao cấp Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia; Phó giáo sư, trường y, Đại học New South Wales), đăng trên trang http://vietbao.vn, ngày 09/4/2006, đã thống kê có ít nhất 10 cuốn sách bàn về vấn đề này. Một trong những trường hợp nổi tiếng được những cuốn sách đó nhắc đến là Stephen J. Breuning, người bị tòa án Mĩ kết tội là đã ngụy tạo số liệu để gây ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân tâm thần [162].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

Ở các lĩnh vực nghiên cứu khác, người ta còn biết đến những nhà nghiên cứu bậc cao, mang hàm giáo sư với học vị tiến sĩ từ các trường đại học danh tiếng nhất (như ở Mĩ) cũng vi phạm đạo đức, vô trách nhiệm với những nghiên cứu của chính mình. Bởi họ đã vi phạm một trong những nguyên tắc của trách nhiệm đạo đức trong nghiên cứu khoa học đó là “đạo văn”. Chẳng hạn, vụ một giáo sư cấp cao thuộc Đại học La Trobe (Úc) - Giáo sư Ron Wild là một nhà xã hội học, tác giả của nhiều cuốn sách và công trình khoa học, một nhân vật thuộc vào hàng “cây đa cây đề” trong chuyên ngành. Năm 1985, ông xuất bản cuốn sách “An Introduction to Sociological Perspectives”, Nhà xuất bản Allen & Unwin. Nhưng đã có rất nhiều đoạn văn trong sách được lấy từ các bài báo khoa học của các tác giả


Vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ và bài học đối với Việt Nam hiện nay - 13

khác nhưng ông không ghi nguồn hay ghi chú rõ ràng. Nhà xuất bản Allen & Unwin quyết định thu hồi cuốn sách, Đại học La Trobe mở cuộc điều tra và bắt buộc ông phải từ chức [155]. Hay, trường hợp Giáo sư Sultan - một giáo sư miễn dịch học tại trường y thuộc Đại học Harvard. Năm 2004, ông đã đạo văn từ 4 bài báo của các nhà khoa học khác, và bị phát hiện khi bài báo của ông được bình duyệt. Tuy nhiên, ở Mĩ, các trường hợp đạo văn đều được công bố và điều tra nghiêm túc. Và trường hợp của Giáo sư Sultan cũng không ngoại lệ, sau khi điều tra, ông bị cấm làm phản biện và bình duyệt các báo cáo khoa học trong vòng 3 năm…

Còn ở Việt Nam hiện nay tình trạng vi phạm các nguyên tắc trong nghiên cứu khoa học - một biểu hiện của vô trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học cũng khá phổ biến và được nhắc đến khá nhiều lần, nhiều trang báo còn dùng thuật ngữ “báo động” khi nói về vấn đề này. Chẳng hạn, một trường hợp khá hi hữu bởi sự đạo văn cực kì trắng trợn, không muốn nói là chiếm đoạt công trình khoa học vẫn được giới nghiên cứu Việt Nam nhắc đến. Năm 2000, hai tác giả nguyên là nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nhật và một tác giả người Nhật công bố bài báo có tựa đề là “Ship’s optimal autopilot with a multivariate auto-regressive exogenous model” trong hội nghị về ứng dụng tối ưu hóa tại Nga. Đến năm 2004 bài báo đó được xuất hiện trong một hội nghị cũng về ứng dụng tối ưu hóa tại Nhật nhưng với một tựa đề gần giống “An optimal ship autopilot using a multivariate auto- regressive exogenous model” với 10 tác giả từ Việt Nam. Điều khó tin là 99% câu chữ, 100% các số liệu, thậm chí hình ảnh con tàu Shioji Maru trong bài báo năm 2004 lấy nguyên vẹn từ bài báo năm 2000. Khi tác giả bài báo gốc liên lạc với các tác giả bài báo năm 2004 để tìm hiểu nguyên do thì sự việc rơi vào im lặng [155]. Trong thực tế, những trường hợp nổi tiếng như thế chỉ mới là bề ngoài, mặt nổi của vấn đề, có hàng ngàn trường hợp không


được phát hiện, hay phát hiện nhưng không được công bố ra ngoài vì một lý do nào đó.

Còn nhiều trường hợp khác về vấn đề này ở Việt Nam nhưng về cơ bản chỉ được bàn đến ở mức độ chung chung, thậm chí né tránh nói đến tên tuổi cụ thể, hoặc chưa có bằng chứng hiển nhiên. Chẳng hạn, thực trạng trong các nghiên cứu có việc “lờ” trích dẫn tài liệu.

Những trường hợp vi phạm trong khoa học, phát hiện tại các trường đại học hay trung tâm nghiên cứu nước ngoài đều được giải quyết triệt để. Ở Mĩ có cơ quan Office of Research Integrity, chuyên điều tra và giải quyết các vấn đề đạo văn và vi phạm khoa học. Ở nước ta hình như Nhà nước vẫn chưa có một chính sách để giải quyết các trường hợp đạo văn hay vi phạm đạo đức khoa học. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nước ngoài cung cấp cho chúng ta một số bài học về cách thức giải quyết vấn đề này ở nước ta. Bởi việc xử lý những hành vi vi phạm đạo đức, vô trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học là cần thiết, nhằm mục đích giáo dục và nâng cao ý thức trong nghiên cứu khoa học.

- Trách nhiệm đạo đức của nhà khoa học trước những hệ quả xấu do những nghiên cứu của họ gián tiếp gây ra

Những hậu quả do hoạt động khoa học, công nghệ hiện nay gây ra đối với cuộc sống con người như: Ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, lũ lụt, hạn hán… ngày càng trở nên trầm trọng. Đó là nỗi lo âu của toàn bộ loài người về sự hủy diệt cuộc sống do công nghệ hạt nhân nguyên tử gây ra. Đó là nạn virut máy tính thâm nhập và phá hoại an ninh quốc gia, quốc tế không dễ kiểm soát được - hậu quả của Cuộc cách mạng thông tin - công nghệ hiện đại bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX đến nay... Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Nhà khoa học có phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng và truyền bá các kết quả nghiên cứu của mình không?


Sứ mệnh của khoa học là trở thành phương tiện nắm bắt các thuộc tính, các hiện tượng và các quy luật của thế giới vật chất, để có thể điều khiển thiên nhiên vì lợi ích của con người. Nhưng sứ mệnh này của khoa học không ít khi bị bỏ qua, và hơn thế, ở thời hiện nay còn gia tăng xu hướng sử dụng các khoa học với mục đích khác, đôi khi là những mục đích tội ác. Tất cả rốt cuộc đều là kết quả tội lỗi của con người. Ai trong xã hội phải chịu trách nhiệm về sự sử dụng khoa học không vì phúc lợi của con người? Nhà khoa học, nhà công nghệ, nhà quản trị hành chính, hay các chính khách?

Ngay trong giới khoa học cũng có các quan điểm khác nhau về vấn đề trách nhiệm của nhà khoa học trước các kết quả công việc của mình. Song có thể tóm lược lại theo hai tuyến chính như sau.

Thứ nhất, phủi tay hoàn toàn trách nhiệm của các nhà khoa học về tác hại mà kỹ thuật dựa trên các thành tựu khoa học mang lại, ví dụ như sự đe dọa hủy diệt trái đất bằng vũ khí hạt nhân, sự cạn kiệt các nguồn nhiên liệu không tái tạo, sự ô nhiễm và hủy diệt thiên nhiên, sự phát triển của kỹ nghệ chiến tranh hủy diệt hàng loạt, và các hiệu quả rất tiêu cực của các tác động tâm lý lên xã hội. Trường hợp cực đại nhất thì quan điểm này cũng chỉ coi tất cả các hiện tượng nêu trên chỉ là sự lạm dụng độc ác tri thức, còn về cơ bản quan điểm này trút hết trách nhiệm sang cho các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội. Vị thế của người làm khoa học trong tổ chức khoa học và kỹ thuật hiện đại được hạ xuống tình trạng của công nhân nhà máy vốn đã bị gạt khỏi sản phẩm lao động của mình và không phải mang trách nhiệm gì về việc dùng nó. Chẳng hạn, trong lĩnh vực vật lý học, sự quan tâm của nhà vật lý học tập trung vào những hiện tượng tự nhiên. Tất cả mọi thứ trong thế giới vật lý đều diễn ra như chúng đang diễn ra, ở đây không có mục đích và hành vi. Còn đối với hành vi và mục đích của các nhà vật lý học, thì không gì khác lại là những hiện tượng vật lý. Các nhà vật lý học làm gì đó thường không phải vì những giá trị, mà chỉ để nhận thức các quy luật tự nhiên. Như


vậy, cho tới khi nhà vật lý học vẫn ở trong lĩnh vực khoa học vật lý, thì ông ta bị loại ra khỏi lĩnh vực đạo đức học. Có nghĩa là nếu nhà khoa học chỉ nghiên cứu để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thế giới của mình, các sản phẩm của sự nghiên cứu ấy không và chưa ứng dụng vào thực tiễn thì theo đó nhà khoa học cũng không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào với xã hội. Bởi vậy, Antoine Danchin, nhà khoa học người pháp, ưa thích câu nói: “Khoa học không cho phép ta quyết định chút nào về các lập trường đạo đức của ta. Nó chỉ có thể giúp ta làm sáng tỏ các ý tưởng chứ không thể định đoạt các giá trị của ta” [55, tr.243].

Thứ hai, những người chống lại quan điểm trên cho rằng, người làm khoa học phải chịu trách nhiệm về việc, kết quả lao động của họ được sử dụng làm gì, thậm chí cả khi nó gắn bó với khoa học “thuần túy”. Có thể coi ai đó là người làm khoa học không thuần túy không, nếu ngoài việc làm khoa học, họ còn là viên chức lãnh đạo quản lý của tổ chức (hội, công ty) trả tiền cho lao động của họ. Bởi ngày nay người ta trả tiền cho các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu của mình không hẳn vì nhận thức thuần túy, mà chủ yếu vì các ứng dụng thực tiễn. Sản phẩm của nhà khoa học càng có nhiều khả năng ứng dụng thực tiễn, thì tiền rót cho nghiên cứu càng hào phóng. Vì thế khẳng định rằng, nhà khoa học không quan tâm đến ứng dụng thực tiễn của nghiên cứu của mình, là dối trá. Như vậy, một khi nhà khoa học không thể thờ ơ vô cảm về các hậu quả của lao động của mình, thì ngay sự lựa chọn đề tài nghiên cứu đáp ứng nhu cầu xã hội hay yêu cầu của kẻ trả tiền, đã mang tính đạo đức rồi. Và khía cạnh đạo đức càng thể hiện rõ, thì càng ít lòng tin của nhà khoa học đối với tổ chức chi trả cho nghiên cứu của nó.

Theo chúng tôi, cả hai quan điểm trên đều quá cực đoan. Có những trường hợp các nghiên cứu có thể đe dọa trực tiếp cuộc sống hay tự do của con người, và cũng có những trường hợp (loại này nhiều hơn) các kết quả


nghiên cứu mong đợi có thể được sử dụng cả một cách thiện nguyện, lẫn một cách độc ác. Vì thế thái độ đạo đức cực đoan ở đây là không hiện thực và có khi còn gây hại. Hẳn là, có thể đòi hỏi những người làm khoa học để họ ý thức được các đe dọa nguy hiểm tiềm tàng do việc ứng dụng kết quả các nghiên cứu của họ, cũng như có thể tính đến ý đồ của các tổ chức chi tiền cho lao động của họ. Nhưng không thể kết tội các nhà khoa học vì sự lạm dụng bẩn thỉu của các tổ chức đó.

Hơn thế nữa, đòi hỏi các nhà khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản phải luôn tính đến mọi hậu quả có thể từ các kết quả nghiên cứu của họ, là điều, như đã nói ở trên, rất không hiện thực. Thêm vào đó, như đã thành thông lệ, còn một khoảng cách thời gian giữa các phát minh của họ với thời điểm chúng được ứng dụng trong thực tiễn. Hơn thế nữa, cội nguồn của các phát minh công nghệ không chỉ là khoa học cơ bản, mà còn gồm cả công nghệ trước đó. Và nếu nhà khoa học làm việc với các nghiên cứu cơ bản biết về khả năng sử dụng kết quả này hay khác cho phúc lợi con người, thì ông ta phải có trách nhiệm cảnh báo xã hội về điều đó. Nhưng thong thường đại diện giới khoa học rất ít khi tham gia vào việc ra các quyết định phát triển của khoa học, tất cả đều do các nhà quản trị hành chính và các chính khách quyết định.

Thực tế đã chứng minh, bất kể một nhà khoa học nào cũng không thể sống mà chỉ nghiên cứu, không hòa nhập vào mối quan hệ rộng rãi giữa người với người. Vậy nên, đã có hiện tượng là các nhà vật lý hạt nhân làm việc cho Mỹ phản ứng lại chính quyền thả bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagasaki. Khi bị dày vò bởi những hậu quả thảm khốc do bom nguyên tử gây ra, họ cố gắng xác định mức độ trách nhiệm của mình về những thứ đã xảy ra. Như vậy, những nhà khoa học chỉ tham gia vào quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thế giới tưởng chừng như không phải chịu trách nhiệm gì, thì hơn ai hết họ lại luôn đối diện với những lo âu, căng thẳng, day dứt của người


“mang trách nhiệm”. Bởi quan trọng hơn cả là họ quan tâm đến những hậu quả do những nghiên cứu, những phát minh của mình gây ra cho xã hội. Những trạng thái của lương tâm đầy trách nhiệm. Đó chính là trách nhiệm đạo đức của nhà nghiên cứu khoa học chân chính - những con người đã dành hết mình cho khoa học cả trong các nghiên cứu của mình, lẫn trong việc đào tạo lớp trẻ khoa học, họ là những con người đã phát triển về tinh thần và có suy nghĩ bao quát rộng lớn.

Rõ ràng, việc chế tạo bom nguyên tử không phải do những nhà nghiên cứu vật lý lý thuyết thực hiện, mà do các nhà kỹ thuật chế tạo, song bản thân các nhà vật lý hay các nhà kỹ thuật cũng không có quyền quyết định ném bom xuống hai thành phố của Nhật Bản, mà quyết định này do các chính khách chính trị đưa ra. Mặc dù vậy, lương tâm của nhà vật lý trong trường hợp này vẫn bị day dứt, lo lắng về những hậu quả do chính những nghiên cứu của mình là cội nguồn lý thuyết gây ra. Rõ ràng, ở đây không ai bắt những nhà nghiên cứu vật lý phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý hay bất kể loại trách nhiệm khách quan nào khác. Nhưng, tự bản thân họ lại không thể “chạy trốn” trách nhiệm đạo đức trong trường hợp này.

Như vậy, xét về phương diện hướng nội, các nhà khoa học trên không phải chịu trách nhiệm đạo đức về hành vi nghiên cứu của mình. Xét về phương diện hướng ngoại, các nghiên cứu của họ đều mang tính đạo đức dưới dạng tiềm năng. Những tiềm năng ấy được sử dụng ở bên ngoài bản thân các khoa học này. Vì vậy, nhà khoa học chỉ hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn nghiên cứu khoa học vẫn luôn cần quan tâm đến mặt đạo đức trên mọi phương diện.

Mục tiêu quan trọng của khoa học là nhằm mở rộng tri thức con người. Do đó, có thể xem hoạt động nghiên cứu khoa học là một việc làm mang tính xã hội, chứ không phải là một lỗ lực đi tìm sự thật trong cô đơn, lặng lẽ. Bởi mang tính xã hội, cho nên các chuẩn mực đạo đức khoa học, trong đó

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/03/2023