Vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ và bài học đối với Việt Nam hiện nay - 12


Đó là, môi trường sinh thái bị ô nhiễm, bị tàn phá. Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm bởi các chất hóa học, sinh học, bức xạ, tiếng ồn,… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các sinh thể sống khác. Mặc dù trước đó con người đã được cảnh báo về thảm họa sinh thái này. Đương thời, Mác cũng nhận thức được hậu quả tiêu cực của sự phát triển kỹ thuật và công nghiệp đối với môi trường sinh thái nếu hoạt động của con người trong lĩnh vực này không được kiểm soát và quản lý trên phạm vi toàn thế giới, bởi vì sự phát triển này có thể “để lại sau nó một hoang mạc” [38, tr.74]. Với khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong tay, con người đã chinh phục thiên nhiên bằng mọi giá nhằm thu lợi nhuận nhiều nhất, nhanh nhất, bất chấp những quy luật của tự nhiên. Kết quả là tự nhiên đang “trả thù” con người. Như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, lũ lụt, hạn hán… ngày càng trở nên trầm trọng.

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng trên các mặt báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Trong đó, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể dễ dàng thấy được các hình ảnh, cũng như các bài báo phản ánh về thực trạng môi trường hiện nay. Mặc dù các ban ngành, đoàn thể ra sức kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước,... nhưng có vẻ là chưa đủ để cải thiện tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Phát triển khoa học, công nghệ tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp. Nhưng theo ước tính, trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước thì có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại các đô thị, chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra


các sông, hồ tự nhiên. Ví dụ: trường hợp sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất thải ra từ nhà máy của Công ty bột ngọt Vedan suốt 14 năm liền [103]. Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung do nguồn thải lớn từ tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết, là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển này vào tháng 4 năm 2016. Theo một báo cáo chính phủ, Formosa đã sai phạm khi tự ý thay đổi sang công nghệ làm nguội than cốc ướt (wet coking). Đây là hệ thống sử dụng nước để làm mát và được xem là gây nhiều ô nhiễm hơn công nghệ khô, vì hệ thống này tạo ra nhiều khí thải và chất thải có chứa xyanua. Còn công nghệ khô (dry coking) được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy hiện đại. Công nghệ này tuy tốn kém hơn nhưng không sử dụng nước. Thời hạn dự kiến cho việc hoàn thành lắp đặt hệ thống làm nguội đạt tiêu chuẩn là ngày 30/6/2019, - vẫn theo Reuters dẫn lời Bộ Công thương Việt Nam. Theo tin Reuters ngày 23/12, khu vực miền Trung Việt Nam có thể mất cả thập kỷ để hoàn toàn hồi phục sau thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay từ tập đoàn công nghiệp Đài Loan [14]. Vấn đề ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp vi phạm luật pháp, trong đó có Luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề rất được được quan tâm.

Đó là, hậu quả tiêu cực của Cuộc cách mạng thông tin - công nghệ hiện đại bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX. Sự toàn cầu hóa công nghệ thông tin ngày nay trong thực tế đã gây không ít hậu quả tiêu cực trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó đặc biệt là lĩnh vực an ninh quốc gia, các virut máy tính có thể thâm nhập vào mạng máy tính của đối phương phá hoại bằng nhiều con đường. An ninh quốc gia bao gồm an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh quân sự, an ninh về chủ quyền biên giới, biển đảo đều bị đe dọa từ các cuộc tấn công mạng.


Ở Việt Nam, thời gian quan, tội phạm mạng máy tính cũng là vấn đề toàn xã hội quan tâm. Trang http://ictnews.vn đưa tin ngày 19/11/ 2017 với bài “Tội phạm mạng đang gia tăng tấn công, xâm nhập các mạng công nghệ thông tin trọng yếu” [82]. Ghi nhận phát biểu của Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, cùng với việc nhấn mạnh song hành cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch, tội phạm mạng đang tăng cường tấn công, xâm nhập các mạng công nghệ thông tin trọng yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước và chiến tranh mạng đã trở nên hiện hữu, vị Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cũng cho biết, trước yêu cầu đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin (xem phụ lục 1). Cũng theo trang tin trên, chỉ riêng tháng 11/2017, Trung tâm VNCERT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận 597 sự cố tấn công mạng vào các website tại Việt Nam, gồm 248 sự cố Phishing (tấn công lừa đảo), 232 sự cố Deface (tấn công thay đổi giao diện) và 117 sự cố Malware (cài mã độc) [81].

Tiếp đến là những lo ngại của con người về những hệ lụy chưa giải đáp được do Công nghệ y - sinh học gây ra. Chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI - thế kỷ được coi là kỷ nguyên của sinh học và đi liền với nó là y học. Và, cái đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết là những vấn đề có liên quan tới việc ứng dụng những thành tựu của sinh học và y học. Việc sử dụng ngày càng phổ biến những thành tựu của công nghệ sinh học vào sản xuất, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội đã và đang mang đến cho con người cả niềm vui lẫn nỗi buồn; cả những cái lợi, lẫn cái hại; cả những thành công lẫn những thách thức lớn lao, khó lường. Thực chất đó là những vấn đề nhân văn, vì chúng có quan hệ trực tiếp tới con người và số phận con người; hơn nữa, những vấn đề này động chạm tới cơ sở tồn tại của loài người như một loài sinh vật và như một cộng đồng văn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.


hóa. Chẳng hạn, khi xuất hiện các công nghệ có khả năng duy trì sự sống một cách có hiệu quả (thay tim nhân tạo, thận nhân tạo, v.v.), thì một vấn đề nảy sinh là cần kéo dài sự sống của người bệnh bao lâu, nếu người đó đã hoàn toàn mất ý thức. Vấn đề này lại càng trở nên gay gắt hơn khi xuất hiện những thành tựu của khoa cấy ghép: việc cấy ghép các bộ phận như tim, thận, v.v., được lấy từ những người cho mà cái chết của não bộ ở họ đã được xác nhận; đồng thời, khả năng cấy ghép thành công càng cao khi thời gian tính từ thời điểm tử vong càng ít. Với thành tựu này, trong dư luận xã hội đã xuất hiện mối quan ngại rằng, việc kéo dài sự sống của bệnh nhân này phải trả bằng cái giá là đẩy nhanh cái chết của bệnh nhân khác…

Vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ và bài học đối với Việt Nam hiện nay - 12

Còn một số công nghệ khác như công nghệ hạt nhân nguyên tử, công nghệ vũ trụ, công nghệ vật liệu mới… đã và đang mang đến cho con người nhiều lợi ích mới. Nhưng đồng thời cũng có biết bao tai họa đang chờ đợi phía trước mà con người chưa thể biết được.

Như vậy, những hậu quả tiêu cực và những thách thức từ các thành tựu của khoa học và công nghệ còn rất nhiều. Những gì nêu trên đây mới chỉ là những ví dụ cụ thể trong một số công nghệ điển hình hiện nay. Điều đó nói lên con người (trong đó có ở Việt Nam) chưa thể làm chủ được quá trình sử dụng công nghệ phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước. Nó cũng là giới hạn của tự do của con người trong hoạt động khoa học, công nghệ.

- Trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm đạo đức cũng là ranh giới của tự do lựa chọn trong nghiên cứu của các nhà khoa học

Hẳn không ai phủ nhận rằng, người làm khoa học chuyên nghiệp cũng như người công tác trong lĩnh vực triết học, đạo đức học, tâm lý học, mỹ học, nghệ thuật… có quyền tự do lựa chọn hướng, đề tài, nhiệm vụ trong công việc của mình, trong sự sáng tạo của mình, trong các nghiên cứu của mình. Mọi ý đồ can thiệp vào tiến trình nghiên cứu khoa học hay cấm đoán một nghiên cứu nào đó đều tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng.


Còn xa mới có thể thường xuyên đoán định trước được, kết quả khoa học sẽ mang lại gì trong tương lai, nhất là khi khai sinh, nó hiện ra quá trừu tượng lại không gắn mấy với công nghệ và đời sống thực tiễn. Như đã biết, ngay cả các lý thuyết toán cũng có thể bất ngờ được ứng dụng vào nhiều việc rất hiệu quả. Bảo vệ tư tưởng tự do trong khoa học, Fermi (nhà vật lý nguyên tử nổi tiếng người Italia) đã tuyên bố, đại ý: kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, ở mức độ nhất định tính ngẫu nhiên của hoạt động khoa học được sinh ra bởi việc mỗi nhà khoa học tự do lựa chọn đối tượng nghiên cứu riêng của mình, là đảm bảo duy nhất cho việc sẽ không có bất kỳ hướng nghiên cứu quan trọng nào bị bỏ qua.

Như vậy, nhà khoa học hoàn toàn tự do trong lựa chọn hướng nghiên cứu, nhưng đồng thời, sự tự do lựa chọn đó thực tế bị giới hạn bởi nhận thức của nhà khoa học về trách nhiệm đạo đức trước đồng loại, vì lựa chọn của mình. Trách nhiệm đó cùng với sự tác động trực tiếp hay gián tiếp (và không hiếm khi thậm chí là áp lực trực tiếp) mang tính tư tưởng hệ, chính trị, hành chính hay tài chính từ phía nhà nước hoặc xã hội, dẫn đến những hạn chế rõ ràng, đôi khi cũng rất hà khắc, đối với sự lựa chọn như thế.

Trong đời sống tâm lý của mình, con người chịu sự tác động 2 mặt như một quy luật tạo thành mâu thuẫn nan giải giữa tính phổ quát của niềm tin vào tự do ý chí (“trong mình”) và cũng tính phổ quát của sự tin vào liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng (“ngoài mình”). Theo chúng tôi, chính tính hai mặt này của tâm lý con người và cùng với những quan niệm về thiện và ác, đã chi phối đạo đức của từng nhà khoa học, mặt khác là cái gắn kết vấn đề vốn được coi là một trong những vấn đề đạo đức cơ bản và khó khăn nhất trong hoạt động khoa học: vấn đề ranh giới của tự do lựa chọn đề tài nghiên cứu và sự tự trị của nhận thức khoa học.

Trong mối quan hệ với trách nhiệm đạo đức, tự do của con người là không tuyệt đối - không ai có thể sử dụng quyền tự do của mình một cách


vô trách nhiệm, bất chấp luật lệ, quy tắc đạo đức và quyền lợi của người khác. Bởi vậy, tự do của con người trong hoạt động khoa học, công nghệ cũng bị giới hạn bởi những yếu tố thuộc về nguyên tắc của nó. Khi con người muốn tự do, trước hết phải lấy đạo đức làm căn bản, những sáng tạo trong hoạt động khoa học cũng cần phải lấy đạo đức làm căn bản, không thể sáng tạo ra những sản phẩm “khoa học” gây tổn hại đến đời sống của những người xung quanh như sử dụng vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử…

Mặt khác, trong hoạt động khoa học, công nghệ, các nghiên cứu và ứng dụng khoa học còn phải tuân theo quy luật kinh tế. Nói theo cách của các nhà kinh tế học, nghiên cứu là quá trình biến tiền thành tri thức, và ứng dụng là quá trình biến tri thức thành tiền. Hay đúng hơn, tri thức trước hết là tri thức khoa học mang tính toàn cầu, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa ngày nay. Một đơn vị thông tin, tri thức đúng đắn phản ánh trung thực thực tế khách quan sẽ mang lại lợi ích càng lớn nếu nó được truyền bá càng rộng rãi, được nhiều người tiếp nhận và sử dụng. Theo đó, tri thức là sản phẩm khác hẳn với những loại sản phẩm hữu hình khác, nó cho phép cùng một lúc nhiều người sử dụng tri thức đó. Trong ý nghĩa này, nghiên cứu khoa học không phải là một dạng của chủ nghĩa tự do tuyệt đối. Kết quả của một công trình khoa học phải thỏa mãn những lời giao ước trong hợp đồng hay những thành quả cụ thể đã được đề nghị trong một công trình nghiên cứu với “ông chủ” cung cấp kinh phí hay lương bổng. Có nghĩa là, về lợi ích, bất kể một nghiên cứu hay ứng dụng khoa học, công nghệ nào cũng phải tính đến lợi ích kinh tế ở trong đó. Anbe Einstein nhận xét rằng, hầu như mọi nhà khoa học đều hoàn toàn phải lệ thuộc về mặt kinh tế trong quan hệ với giới cầm quyền, số lượng các nhà khoa học có ý thức độc lập về trách nhiệm xã hội là quá ít ỏi tới mức họ không thể quyết định được phương hướng nghiên cứu chung [dẫn theo 38, tr.82]. Như vậy, xét về mặt


thực tiễn, trong thời đại ngày nay không hề có tự do tuyệt đối trong khoa học, công nghệ.

Xét về mặt lý thuyết, mọi nghiên cứu không chỉ nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ hàn lâm. Nhà khoa học cũng không thể đứng ngoài vòng xã hội, chỉ biết hãnh diện với số bài báo khoa học của mình. Tri thức khoa học chỉ thực sự có giá trị nhân sinh và xã hội khi được tận dụng để tạo ra vật chất, sản phẩm, đóng góp vào việc kiến thiết hạ tầng cơ sở, nâng cao mức sống người dân, nền kinh tế quốc dân và an ninh quốc phòng. Khoa học, công nghệ là nguồn vốn tinh thần và vật chất của một dân tộc, là chìa khóa của sự hùng mạnh và tương lai xán lạn của một quốc gia. Có thể nói, sẽ không có sự phát triển kinh tế nếu không có tri thức khoa học. Đồng thời, tri thức khoa học chỉ có giá trị kinh tế khi được phổ biến rộng rãi và tận dụng đúng cách. Vậy là, sự sáng tạo tự do trong khoa học dù ở phương diện lý thuyết hay thực tiễn đều bị chi phối bởi yếu tố kinh tế.

Đứng trên phạm vi toàn xã hội, giả sử có một không gian tự do tuyệt đối cho nghiên cứu và ứng dụng các thành quả khoa học trong hoạt động khoa học, công nghệ, thì xã hội rất dễ rơi vào diệt vong bởi khi đó những hậu quả do hoạt động này gây ra sẽ không một tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi họ nhân danh “tự do tuyệt đối”. Có nghĩa là, trong hoạt động khoa học, công nghệ, tự do của các tổ chức, cá nhân là thứ “tự do trong khôn khổ” - tự do trong phạm vi quy định của Luật và nghiêm khắc hơn là tự do trong khôn khổ đạo đức nghề nghiệp.

Khi mặt trái của hoạt động khoa học, công nghệ ngày càng biểu hiện rõ, người ta bắt đầu đặt ra những vấn đề đạo đức của nhà khoa học: họ được phép làm gì và không được phép làm gì? Điều này lại dẫn tới sự cần thiết phải thiết lập các cơ chế và thành lập các cơ quan quản lý về đạo đức đối với khoa học và đối với việc triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên


cứu khoa học. Ở đây sẽ nảy sinh một nan đề: một mặt, con người cần phải có tự do trong nghiên cứu khoa học và cần được khuyến khích ứng dụng các nghiên cứu đó vào phục vụ cuộc sống, vì đây là cơ sở tồn tại, nâng cao chất lượng sống của con người và còn đáp ứng niềm đam mê, khát khao nghiên cứu chính đáng của các nhà khoa học. Song mặt khác, nhà khoa học lại không được nghiên cứu mọi thứ, vì có những lĩnh vực liên quan đến sự phán xét của “Tòa án đạo đức” của sự phát triển bền vững, cho dù “Tòa án” này phụ thuộc vào điều kiện lịch sử - văn hóa của từng nước, từng cộng đồng riêng lẻ (trong việc đưa ra những quyết định pháp lý về điều gì nhà khoa học được phép làm và không được phép làm).

Vì thế, việc đặt ra vấn đề “giới hạn của tự do” trong nghiên cứu cũng như trong ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học một mặt giúp cho việc bảo tồn các giá trị đạo đức và phát triển bền vững của xã hội, nhưng mặt khác lại có thể chính là những hạn chế, cản trở sự phát triển của khoa học. Mặc dù vậy, cần phải thấy rằng, khoa học và công nghệ hiện đại trong thời đại cách mạng khoa học, công nghệ ngày nay đang phát triển thành một hệ thống có kết cấu phức tạp, đan xen, phụ thuộc chặt chẽ với nhau tới mức không thể dễ dàng loại bỏ các bộ phận khoa học, công nghệ “xấu” và giữ lại các bộ phận “tốt”, nên vẫn cần thiết phải xác định giới hạn “tự do” trong hoạt động khoa học, công nghệ.

Tóm lại, tự do trong nghiên cứu khoa học là quá trình các nhà khoa học nhận thức được các quy luật khách quan để chủ động và tích cực cải tạo xã hội phát triển. Khi khoa học, công nghệ ngày càng phát triển thì tự do đó của con người lại càng có điều kiện được nâng lên nhưng nó không đơn thuần ở lĩnh vực nhận thức sự vật, hiện tượng mà theo đó là hàng loạt những vấn đề về đạo đức được đặt ra. Do vậy, trong lĩnh vực hoạt động này, tự do của con người là tự do có giới hạn - tự do tương đối.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/03/2023