Nguyễn Thế Kiệt trong Luận án phó tiến sỹ của mình với đề tài: Vai trò của những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong việc xây dựng con người mới trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam [71], trên cơ sở quan điểm mácxít về mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan với tính cách là nguyên tắc phương pháp luận nền tảng, luận án này đã luận giải vấn đề xây dựng con người Việt Nam mới. Trong đó, tác giả luận án đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đảng, nhất là đội ngũ đảng viên – với tư cách là nhân tố chủ quan có vị trí hàng đầu trong việc xây dựng con người Việt Nam mới. Theo tác giả luận án, “xây dựng con người trong hàng ngũ Đảng với tư cách là bộ phận tiên phong của toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”, là “mắt xích chủ yếu của việc xây dựng con người mới trong quảng đại quần chúng” [71, tr.5]. Có thể nói, đây là luận án có giá trị về lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu con người, cũng như việc xây dựng chiến lược phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Cuốn sách Vấn đề con người và chủ nghĩa “Lý luận không có con người” [133]. Ngoài phần nhập đề và phụ lục, cuốn sách gồm sáu chương. Đồng thời với việc phê phán chủ nghĩa lý luận không có con người của phái Althusser ở Pháp trong việc phái này cho rằng chủ nghĩa Mác là thứ lý luận không có con người (con người nói chung), tác giả cuốn sách đã luận giải sâu sắc về những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin luôn xem con người là vấn đề cơ bản và mục đích tối hậu của học thuyết này là nhằm giải phóng và phát triển con người. Vì vậy, cuốn sách là tài liệu quan trọng trong nghiên cứu về con người và phát triển con người toàn diện.
Tư tưởng triết học về con người [126], cuốn sách bao gồm 9 chương. Đây là cuốn sách thể hiện công tình nghiên cứu công phu, có hệ thống về vấn đề con người trong lịch sử tư tưởng triết học của nhân loại. Trên cơ sở luận giải các quan điểm về con người của những nhà triết học tiêu biểu của các trường phái, các nền triết học trong lịch sử, các tác giả khẳng định triết học Mác - Lênin nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung có mục đích cao nhất là khắc
phục sự tha hóa con người, giải phóng và phát triển con người. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, khoa học và cách mạng triệt để.
Cuốn sách: Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và chính sách xã hội [135] được kết cấu theo hai chương: Chương 1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người; Chương 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách xã hội. Các tác giả của công trình này đã trình bày tư tưởng của Hồ Chí Minh về con người và về chính sách xã hội trong mối quan hệ biện chứng tạo thành một chỉnh thể. Các tác giả đã luận giải những tác phẩm và những luận điểm của Hồ Chí Minh về con người; về sự yêu thương, kính trọng con người; về vai trò và vị trí của các bộ phận quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng. Trên cơ sở đó, các tác giả đã luận giải nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về các chính sách xã hội nhằm đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội với mục tiêu cao quý là làm cho mọi người dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện - cả đức và tài, có lý tưởng cách mạng.
Đặng Hữu Toàn - một trong những nhà khoa học có nhiều tâm huyết trong nghiên cứu về con người và phát triển con người Việt Nam. Trong bài “Phát triển vì con người trong quan niệm của Mác và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm mục tiêu phát triển con người ở nước ta hiện nay” [141], trên cơ sở luận giải mục tiêu tối hậu trong quan điểm của C.Mác là vì sự nghiệp giải phóng con người, tác giả đã luận giải một cách sâu sắc những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chỉ đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu phát triển con người Việt Nam. Cũng trong năm đó, trên Tạp chí Khoa học xã hội, với tiêu đề "Phát triển con người Việt Nam toàn diện với tư cách là mục tiêu, động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [142], tác giả tiếp tục khẳng định sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhằm mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện, có đủ đức và tài, có chuyên môn giỏi, có trình độ khoa, học kỹ thuật, có đạo đức và bản lĩnh chính trị...Và chính
những con người Việt Nam phát triển toàn diện đó trở thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, tác giả cũng thấy rằng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội kinh tế quốc tế cũng có nhiều mặt trái tác động đến đời sống xã hội, đặt ra nhiều thánh thức trong chiến lược phát triển con người Việt Nam. Từ nhận thức đó, tác giả đã đi tới quan điểm rằng, phát triển con người Việt Nam cần phải gắn với phát triển văn hóa, và trong bài“Gắn phát triển con người Việt Nam hiện đại với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” [143], tác giả đã khẳng định văn hóa là động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy “phát triết văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng cần phải được coi là quốc sách hàng đầu” [143, tr.9]. Và trong mối quan hệ với con người thì con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời văn hóa sẽ hướng con người đến với giá trị chân - thiện - mỹ. Do đó, “văn hóa, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không thể đứng ngoài chiến lược phát triển con người Việt Nam hiện đại” [143, tr.9]. Hơn nữa, sự phát triển con người là thước đo quan trọng hàng đầu về tính nhân văn của sự tiến bộ xã hội – điều này được tác giả luận giải trong bài “Phát triển con người - thước đo nhân văn của tiến bộ xã hội trong thời đại ngày nay và trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam” [147]. Có thể nói, những công trình khoa học này là cơ sở lý luận quan trọng cho việc nghiên cứu con người và phát triển con người toàn diện Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn đề phát triển con người toàn diện Việt Nam hiện nay - 1
- Vấn đề phát triển con người toàn diện Việt Nam hiện nay - 3
- Vấn đề phát triển con người toàn diện Việt Nam hiện nay - 4
- Phát Triển Con Người Toàn Diện – “Phát Triển Sự Phong Phú Của
Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.
Phát triển con người - từ quan niệm đến chiến lược và hành động [161] - Công trình tập hợp một số bài viết của các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có Amartya Sen - Người được nhận giải Noben về kinh tế năm 1999 nhờ đóng góp to lớn của ông trong việc nghiên cứu vấn đề đói nghèo và phát triển con người. Các tác giả đã trình bày quan điểm của mình về khái niệm con người, chiến lược phát triển con người, đồng thời đưa ra các công cụ phân tích, đánh giá trình độ phát triển con người; nguồn lực và những nhân tố tác động đến phát triển con người, và về thực trạng phát triển con người ở các nước trên thế giới. Các tác giả đã khẳng
định, việc phát triển con người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhân loại trong kỷ nguyên mới. Công trình cũng là cơ sở tham chiếu quan trọng cho vấn đề phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Về phát triển toàn diện con người thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá [48], Cuốn sách do GS,VS Phạm Minh Hạc chủ biên, đây là một công trình khoa học thể hiện sự nghiên cứu công phu của các tác giả về vấn đề phát triển con người Việt Nam theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cuốn sách được chia làm hai phần với mười hai chương nội dung. Ở phần thứ nhất của cuốn sách, các tác giả đã trình bày những cơ sở khoa học của chiến lược phát triển toàn diện con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ sở lý luận cho chiến lược phát triển con người toàn diện ở Việt Nam chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của nước ngoài về phát triển con người cũng là cơ sở quan trọng trong việc phát triển con người Việt Nam. Đông thời, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước đã trở thành cơ sở thực tiễn của chiến lược phát triển con người toàn diện ở Việt Nam. Các tác giả cũng đã đưa ra mô hình nhân cách con người Việt Nam, con người Việt Nam là “Con người có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; có ý chí kiên cường, có hoài bão lớn lao phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, có tư duy sáng tạo và có óc thực nghiệm, có kỹ năng thực hành giỏi, tay nghề cao, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao, có lòng nhân ái, tôn trọng và hợp tác được với người khác, có sức khỏe, có khả năng tự hoàn thiện không ngừng, năng động và thích ứng, có tinh thần pháp luật và có ý thức công dân, ý thức bảo vệ môi sinh, biết yêu cái đẹp” [48, tr.106-107]. Đó là mô hình gắn bó chặt chẽ giữa đức và tài trong con người. Trong phần thứ hai, các tác giả đã đưa ra định hướng chiến lược và luận giải những giải pháp cụ thể cho việc phát triển con người Việt Nam trên bốn phương diện cơ bản là đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất.
Nguyễn Hữu Công trong Luận án tiến sỹ triết học, với đề tài: Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người toàn diện [14], tác giả luận án đã trình bày trong ba chương nội dung. Chương thứ nhất, trình bày hai cơ sở lý luận cơ bản để hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và phát triển con người toàn diện. Bên cạnh việc nhấn mạnh tư tưởng của Dân tộc Việt Nam, tác giả đã khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là tiền đề lý luận cơ bản cho sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người toàn diện. Chương thứ hai, trình bày nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người toàn diện, đồng thời luận giải vai trò của các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển con người toàn diện. Theo tác giả: “Để có những con người phát triển toàn diện cho chế độ mới, xã hội cần phải tạo ra được những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phù hợp, phải tổ chức giáo dục, đào tạo, phát triển con người mọi mặt. Có như vậy, sự nghiệp đào tạo, phát triển con người toàn diện ở Việt Nam mới có thể đi tới thành công” [14, tr.128].
Triết học Mác - Lênin về con người và việc xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa [170], Cuốn sách gồm 3 chương. Trong chương 1. Những quan điểm cơ bản của triết học Mác - Lênin về con người, trên cơ sở phê phán những hạn chế và sai lầm của một số quan niệm trước Mác về con người, tác giả đã khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa Mác là bước ngoặt cách mạng trong quan niệm về con người. Các quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về bản chất con người, về con người - chủ thể sáng tạo của lịch sử và giải phóng con người được tác giả phân tích sâu sắc và đi đến khẳng định, học thuyết Mác - Lênin đã “coi con người là điểm xuất phát và sự giải phóng con người là mục tiêu cao nhất mà nhân loại cần đạt tới” [170, tr.31]; “giải phóng con người là đưa con người ra khỏi sự khép kín về đẳng cấp, địa vị, về vị trí của con người trong xã hội, là sự thừa nhận bản chất phổ biến của con người, thừa nhận bản tính loài của con người xuyên suốt sự tồn tại hiện thực của con người; làm cho lao động và hòa bình, nhân bản, nhân đạo và bình đẳng…những thuộc
tính nội tại của con người được thực hiện vững chắc ở từng con người và cả cộng đồng xã hội” [170, tr.81]. Và “con đường duy nhất để thực hiện sự giải phóng ấy là tiến hành cuộc cách mạng vô sản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” [170, tr.98].
Mấy vấn đề triết học về xã hội và phát triển con người [62], Cuốn sách được kết cấu thành hai phần chính. Phần thứ nhất với nhan đề chủ nghĩa xã hội và sự phát triển xã hội Việt Nam, được tác giả Nguyễn Văn Huyên trình bày trong mười một chương nội dung. Trong phần này, trên cơ sở cho rằng chủ nghĩa xã hội là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người, tác giả đã khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là môi trường, điều kiện để tiến tới phát triển con người Việt Nam. Phần thứ hai của cuốn sách với nhan đề lý tưởng xã hội chủ nghĩa và vấn đề phát triển con người ở Việt Nam và được trình bày trong mười chương nội dung. Tác giả cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở lý luận quan trọng cho sự nghiệp phát triển con người Việt Nam (chương 2), đồng thời tác giả đã đưa ra hướng tiếp cận mới về con người và phát triển con người, theo tác giả “quá trình tiến bộ của lịch sử vươn tới tự do - hạnh phúc, chính là quá trình giảm dần mẫu số hy sinh, chịu đựng, tăng dần tử số thưởng ngoạn, hưởng thụ cho con người. Sáng tạo, cống hiến - tạo ra văn hóa, làm phong phú thế giới xã hội bên ngoài và thưởng ngoạn, hưởng thụ - sự văn hóa bản thân, làm giàu thế giới tinh thần bên trong - đó là một trong những nội dung quan trọng nhất, cao cả nhất, tập trung nhất của đời sống con người; đó cũng chính là nội dung quan trọng nhất của mục tiêu và chiến lược phát triển con người hiện đại” [62, tr.153-154]. Từ đó tác giả cho rằng, con người hiện đại là con người phải có trí tuệ, có kỹ năng nghề nghiệp, có trình độ khoa học, kỹ thuật. Đặc biệt là phải biết sáng tạo, biết thưởng ngoạn - hưởng thụ văn hóa. Rằng văn hóa, các giá trị nhân văn và kinh tế thị trường, môi trường đô thi, văn hóa thẩm mỹ, nghệ thuật và giáo dục là những nhân tố cho sự hình thành và phát triển các phẩm chất đó của con người hiện đại.
Cuốn sách Con người và phát triển con người: trong quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen [117], do Hồ Sĩ Quý chủ biên. Cuốn sách gồm 2 phần. Phần thứ nhất: Di sản kinh điển - những tư tưởng cơ bản về con người và phát triển con người. Phần này trình bày những luận điểm về con người và phát triển con người trong quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen, tương ứng với các quan điểm đó là các trích dẫn tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về chủ đề con người, về bản chất con người, về vấn đề giải phóng con người. Phần thứ hai: Di sản kinh điển nhìn từ thời đại ngày nay - ý nghĩa thế giới quan và phương pháp luận đối với nhận thức và phát triển con người. Phần này gồm những bài viết của các tác giả, trong đó phân tích, làm sáng tỏ quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về vấn đề con người và phát triển con người. Trong bài: Học thuyết Mác về con người và giải phóng con người, PGS,TS Đặng Hữu Toàn đã khẳng định vấn đề cơ bản trong học thuyết Mác là coi “con người là điểm xuất phát và giải phóng con người là mục tiêu cao cả nhất mà nhân loại cần đạt tới” [117, tr.479]. Cuốn sách là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu cơ sở lý luận và phương pháp luận phục vụ nghiên cứu vấn đề con người và phát triển con người.
Cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh - Phương pháp luận nghiên cứu con người: Niên giám nghiên cứu [49], do GS,VS Phạm Minh Hạc chủ biên. Cuốn sách được chia làm 3 phần: Tư tưởng Hồ Chí Minh - Những vấn đề phương pháp luận; Hồ Chí Minh và sự nghiệp phát triển con người; Hồ Chí Minh với các thế hệ người Việt Nam. Đây là một công trình trình tập hợp nhiều bài viết của các tác giả và được trình bày một cách có hệ thống, phản ánh sâu rộng những tư tưởng, quan điểm và triết lý của Hồ Chí Minh về con người, bản chất con người, phương pháp luận nghiên cứu con người, sự nghiệp trồng người, và về con người phát triển toàn diện; tư tư tưởng của Hồ Chí Minh về lao đồng và người lao động, trí thức, người nghệ sỹ, người cán bộ, người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, trẻ em. Trong đó, có nhiều bài viết của những người đã nhiều lần tiếp xúc và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bài Chủ tịch
Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng và phát triển con người), Tố Hữu (bài Chủ tịch Hồ Chí Minh và con người Việt Nam), Vũ kỳ (bài chuyện Bác Hồ viết di chúc), Hoàng Tùng (bài Quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh)…và báo cáo của một số chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh như GS,VS,TSKH Nguyễn Duy Quý; GS Đặng Xuân Kỳ, đồng chí Việt Phương, GS Hồ Tôn Trinh,..; nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và phát triển con người, như GS,VS Phạm Minh Hạc; GS,TS Phan Ngọc Liên,... Chính vì vậy, cuốn sách cung cấp cho những người nghiên cứu về Hồ Chí Minh, nhất là nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và con người Việt Nam phát triển toàn diện những cơ sở lý luận, phương pháp luận và luận cứ hết sức quan trọng.
Giáo trình Con người và phát triển con người [119]. Cuốn giáo trình này được chia làm 3 phần, Phần 1. Một số vấn đề lý luận về con người và phát triển con người, luận giải quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về việc nghiên cứu con người là một khoa học. Tiếp đến làm rõ vấn đề khái niệm con người, bản chất con người, con người trong quan hệ với giới tự nhiên và vấn đề phát triển con người. Đồng thời khẳng định: “Nghiên cứu con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng, hiện đang đứng trước những nhu cầu đặc biệt cấp thiết đặt ra từ sự phát triển của bản thân khoa học và từ sự phát triển của đất nước trong tương quan chung với sự phát triển của khu vực, của thế giới và của nhân loại” [119, tr.127]. Phần 2. Trình bày một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu con người. Trong phần này, nhiều hướng nghiên cứu con người đã được tác giả đưa ra, như: nghiên cứu phát triển con người, nguồn lực con người, con người trong quan hệ với văn hóa, với môi sinh, nhân cách con người, tiềm năng con người, tài năng, danh nhân…, nghiên cứu phức hợp về con người, nghiên cứu định lượng về con người…tác giả khẳng định việc nghiên cứu con người cần phải có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều ngành khoa học, cả khoa học lý luận chung (triết học) và các khoa học chuyên biệt, mới có thể xem xét con người một cách đúng đắn, toàn diện.