thực tiễn. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, mắc bệnh độc đoán chuyên quyền, làm việc thiếu khoa học, vi phạm nghiêm trọng vấn đề dân chủ….
Vì vậy, để cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH, việc vận dụng TTHCM về ĐĐCB để nâng cao đội ngũ cán bộ trong nước là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc. Đó là lý do tác giả chọn đề tài: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ” để nghiên cứu làm luận văn Thạc sỹ của mình.
2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) là đòi hỏi khách quan cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Để bảo đảm điều đó trước hết phải tạo ra được cơ sở pháp lý bằng cách hoàn thiện chế định pháp luật CBCC; Đảng và Nhà nước ta đã xác định cơ sở chính trị của tiến trình đó là chủ nghĩa Mác-Lênin và TTHCM. Vì thế trong những năm gần đây đã có nhiều đề tài nghiên cứu TTHCM về đạo đức cán bộ và nghiên cứu vấn đề hoàn thiện pháp luật CBCC. Liên quan tới nội dung nghiên cứu của luận văn này có một số công trình sau:
- Thành Duy: Tư tưởng Hồ Chí Minh và mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, đạo đức và lợi ích công dân, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 3/1995.
- GS.TS Hoàng Thị Kim Quế có các bài: Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp pháp luật và đạo đức, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 8/2002.
- Lương Hồng Quang: Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp pháp luật và đạo đức trong quản lý xã hội, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, 2002.
- Trần Nghị: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức tại Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, 2003.
- Tác phẩm "Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do các tác giả Nguyễn Phú Trọng và Trần Xuân Sầm (Đồng chủ biên), Nhà xuất bản (Nxb) Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
- Tác phẩm "Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ" của tác giả Bùi Đình Phong, Nxb Lao động, Hà Nội, 2002.
Có thể bạn quan tâm!
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ - 1
- Khái Niệm Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Đạo Đức Cán Bộ
- Cơ Sở Hình Thành Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Đạo Đức Cán Bộ
- Tiếp Thu Tinh Hoa Tư Tưởng Đạo Đức Của Nhân Loại
Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.
- Tác phẩm "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức" các tác giả Thang Văn Phúc và Nguyễn Minh Phương (đồng chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
- Luận án tiến sĩ Luật "Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về công chức nhà nước ở nước ta", tác giả Nguyễn Văn Tâm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 1997.
- Luận văn thạc sỹ Luật “Xây dựng đạo đức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay” tác giả Nguyễn Văn Quyết, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2000.
- Luận văn Thạc sĩ Luật "Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật và vận dụng trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam", tác giả Trần Nghị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2002.
- Luận văn Thạc sĩ Luật "Hoàn thiện pháp luật về công chức hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay", tác giả Phạm Minh Triết, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2003.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN VĂN
3.1. Đối tượng: Quan điểm của Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ.
3.2. Phạm vi nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ từ đó luận giải cho việc vận dụng TTHCM về ĐĐCB trong hoàn thiện pháp luật CBCC ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (2010-2020).
4. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ CỦA LUẬN VĂN
4.1. Mục đích: Phân tích làm sáng tỏ những nội dung cơ bản trong TTHCM về đạo đức cán bộ, đề xuất quan điểm, giải pháp vận dụng TTHCM về ĐĐCB ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
4.2. Nhiệm vụ
+ Luận giải những vấn đề lý luận chung về cán bộ và TTHCM về ĐĐCB;
phân tích, làm rõ nguồn gốc, quá trình hình thành TTHCM và làm rõ nội dung cơ bản của TTHCM về ĐĐCB.
+ Phân tích thực trạng vận dụng TTHCM về ĐĐCB trong gian đoạn vừa qua.
+ Đề xuất quan điểm và giải pháp tiếp tục vận dụng TTHCM về ĐĐCB ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
5. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
5.1. Cơ sở lý luận
Luận văn được tiến hành trên cơ sở quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin và TTHCM về ĐĐCB, về nhà nước và pháp luật cũng như những quan điểm về vấn đề này trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu luận văn này, tác giả sử dụng các phương pháp như: phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic; phương pháp phân tích - tổng hợp, so sánh, tổng kết thực tiễn.
6. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI VỀ KHOA HỌC CỦA LUẬN VĂN Luận văn có những đóng góp mới về khoa học sau đây:
Một là, luận văn trình bày một cách tương đối có hệ thống nguồn gốc ra đời và quá trình phát triển của TTHCM, những nội dung cơ bản trong TTHCM về ĐĐCB.Thông qua việc phân tích, luận văn góp phần khẳng định cùng với lý luận Mác-Lênin, TTHCM về ĐĐCB đóng vai trò nền tảng trong xây dựng và hoàn thiện ĐĐCB ở nước ta hiện nay.
Hai là, luận văn chỉ ra yêu cầu khách quan của việc vận dụng TTHCM về ĐĐCB ở nước ta hiện nay.
Ba là, luận văn đề xuất quan điểm và giải pháp tiếp tục vận dụng TTHCM trong xây dựng, hoàn thiện ĐĐCB hiện nay.
7. Ý NGHĨA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN VĂN
- Luận văn góp phần cung cấp luận chứng về cơ sở lý luận và thực tiễn cho công tác xây dựng đội ngũ CBCC, viên chức của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
- Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo để nghiên cứu, giảng
dạy về nhà nước pháp luật, TTHCM, về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
8. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được chia làm 2 chương
Chương 1: Cơ sở lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ. Chương 2: Thực trạng vận dụng và giải pháp tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ ở Việt Nam hiện nay.
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁN BỘ
1.1. Khái niệm, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ
1.1.1. Khái niệm cán bộ
"Cán bộ là khái niệm chỉ những người có chức vụ, vai trò và cương vị nòng cốt trong một tổ chức, có tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức và các quan hệ trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành, góp phần định hướng sự phát triển của tổ chức" [39]. Thuật ngữ “cán bộ” được sử dụng khá lâu tại các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) và bao hàm trong phạm vi rộng những người làm việc thuộc khu vực nhà nước, các tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị-xã hội (CT- XH). Lần đầu tiên Luật CBCC năm 2008 đã làm rõ được tiêu chí xác định ai là cán bộ, ai là công chức… từ đó, đã tạo cơ sở và căn cứ để xây dựng những nội dung đổi mới và cải cách thể hiện trong Luật CBCC, nhằm giải quyết vấn đề mà thực tiễn quản lý đặt ra. Khoản 1 Điều 4 của Luật CBCC quy định cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức CT-XH ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Theo quy định này thì tiêu chí xác định cán bộ gắn với cơ chế bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ. Những người đủ các tiêu chí chung của CBCC mà được tuyển vào làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức CT-XH thông qua bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ chức danh theo nhiệm kỳ thì được xác định là cán bộ. Thực tế cho thấy, cán bộ luôn gắn liền với chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; hoạt động của họ gắn với quyền lực chính trị được nhân dân hoặc các thành viên trao cho và chịu trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc quản lý cán bộ phải thực hiện theo các văn bản pháp luật chuyên ngành tương ứng điều chỉnh hoặc theo Điều lệ [43]. Do đó, căn cứ
vào các tiêu chí do Luật CBCC quy định, những ai là cán bộ trong cơ quan của Đảng, tổ chức CT-XH sẽ được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng căn cứ Điều lệ của Đảng, của tổ chức CT-XH quy định cụ thể. Những ai là cán bộ trong cơ quan nhà nước sẽ được xác định theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Toà án nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên tiến nhất của giai cấp công nhân. TTHCM về công tác cán bộ và sử dụng cán bộ là di sản vô giá mà Bác Hồ để lại cho Đảng ta. Sinh thời, Người luôn quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo và sử dụng cán bộ. Với quan điểm con người vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng:
Một khi đã có đường lối cách mạng đúng thì cán bộ là khâu quyết định: Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Về vị trí của cán bộ, Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ là dây chuyền của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân, là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng [22, tr.26].
Như vậy, cán bộ có vị trí chủ thể của sự nghiệp cách mạng nước ta do Đảng lãnh đạo. Vị trí lãnh đạo, vị trí chủ thể của cán bộ là do Đảng, Nhà nước, đoàn thể phân công, và quyền lực của cán bộ cũng như nhiệm vụ của người cán bộ là do nhân dân giao cho.
Với ý nghĩa như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, cán bộ là lực lượng tinh tuý nhất của xã hội, có vị trí vừa tiên phong vừa là trung tâm của xã hội và có vai trò cực kỳ quan trọng của hệ thống chính trị nước ta. Đối với cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước, Người gọi đó là “công bộc”.
Trong hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến việc xây
dựng đội ngũ cán bộ để có đủ sức mạnh hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Đảng. TTHCM về đạo đức cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là đạo đức cách mạng (ĐĐCM). ĐĐCM, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là cái gì trừu tượng, cao xa mà là những điều bình thường, hết sức cụ thể, dễ hiểu, nhưng thực hiện được nó phải có ý chí rèn luyện rất cao.
Người cán bộ có ĐĐCM là người có ý thức tự phê bình và phê bình rất cao. Phê bình phải đi liền với tự phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cái căn bệnh thường thấy của cán bộ là chỉ biết phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình mình, không tự phê bình một cách thật thà, nghiêm chỉnh. Người chỉ rõ:
Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi [25, tr.290]. Người còn nói thêm: Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa [26, tr.213].
Quán triệt tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đặc biệt nhấn mạnh tới những khuynh hướng tiêu cực cần phải tránh trong việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là: “vuốt ve ca tụng”, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc lợi dụng phê bình để mạt sát, nhục mạ, xúc phạm nhau,...
Theo Người, người cán bộ có đạo đức nhưng lại phải có tài. Cán bộ chỉ có đức mà thiếu tài thì cũng chẳng khác nào “những ông bụt ngồi ở trong chùa”. “Tài”, theo TTHCM, bao gồm cả năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn. Muốn có được những năng lực đó, người cán bộ phải chịu khó học tập, rèn luyện, trước hết là học tập lý luận Mác-Lênin, sau đó phải chịu khó lăn lộn trong
thực tiễn. Bởi vì theo Người, lý luận luôn được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động.
1.1.2. Khái niệm về đạo đức cán bộ
* Khái niệm “đạo đức”: Là một hiện tượng xã hội phản ánh các mối quan hệ hiện thực bắt nguồn từ bản thân cuộc sống của con người. Đạo đức là tập hợp những quan điểm của một xã hội, của một tầng lớp xă hội, của một tập hợp người nhất định về thế giới, về cách sống. Nhờ đó con người điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội. Trong tâm lý học, đạo đức có thể được định nghĩa theo các khía cạnh sau:
Nghĩa hẹp: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội (YTXH), là tổng hợp các qui tắc, nguyên tắc, chuẩn mực xã hội nhờ nó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người, với tiến bộ xã hội trong quan hệ cá nhân - cá nhân và quan hệ cá nhân - xã hội.
Nghĩa rộng hơn: Đạo đức là toàn bộ những qui tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người với nhau trong quan hệ xã hội (QHXH) và quan hệ với tự nhiên.
Nghĩa rộng: Đạo đức là hệ thống các qui tắc, chuẩn mực biểu hiện sự tự giác trong quan hệ con người với con người, con người với cộng đồng xã hội, với tự nhiên và với cả bản thân mình.
Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc về vấn đề tốt - xấu, hơn nữa xem như là đúng-sai, được sử dụng trong 3 phạm vi: lương tâm con người, hệ thống phép tắc đạo đức và trừng phạt đôi lúc còn được gọi giá trị đạo đức; nó gắn với nền văn hóa, tôn giáo, chủ nghĩa nhân văn, triết học và những luật lệ của một xã hội về cách đối xử từ hệ thống này.
Đạo đức thuộc hình thái YTXH, là tập hợp những nguyên tắc, qui tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội [28].