Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 8


cơ hội văn hiến. Dân tộc nào càng biết quý trọng đến sử, càng có nhiều cơ hội trường tồn. Thịnh đấy! Suy đấy! Chẳng vì thịnh mà kiêu, chẳng vì suy mà nản. Cứ bền lòng nhìn vào sử như tự ngắm mình trong một tấm gương. Ngắm để vẽ, để tô, để sửa, ắt khuôn mặt càng dễ ưa, dễ coi. Hồn núi ở đó, hồn sông cũng ở đó” [22; tr.42]. Là người chép sử, lại có nghề chiêm bốc, Sử Văn Hoa biết mình luôn trong tình cảnh “đùa chơi với lửa” bởi lẽ: “Ta là kẻ dùng cây bút, dùng ba tấc lưỡi để hé nhìn tương lai, để sống ở đời, để làm bạn với vua chúa. Chỉ một chữ thôi, chỉ một câu nói thôi, ta có thể làm xổng xích một bạo chúa, hoặc có khi ngăn chặn một cuộc chém giết”[22; tr.43,44]. Nhà chép sử quyết tâm không che giấu sự thật bên trong giấc mộng của ông vua già nên đã giải mã giấc mơ “hầu mõm đỏ, lầu gà trắng” vì theo ông, người gần đến cái chết (vua Nghệ Tôn) cần phải biết sự thật. Ông không đồng tình với cách làm tàn bạo, bất chấp tất cả của Hồ Quý Ly nhưng cũng cương quyết không theo lời Trần Khát Chân viết một cuốn sách bôi nhọ Thái sư. Sử Văn Hoa sẵn sàng đón nhận cái chết khi ở trong tù, ông ngày đêm viết cuốn sách mơ ước của đời mình, trong đó có chương “Minh Đạo luận” nhưng cũng rất quân tử khi nói ra sự thật trong “giấc mộng kẻ bôi vôi” của Hồ Quý Ly… Nhân vật Sử Văn Hoa mang cốt cách trí thức, tinh thần phản biện và sự mẫn cảm thời thế. Tính cách cứng cỏi, thông tuệ và thấu cả những huyền vi của tạo hóa đã giúp ông không chịu khuất phục trước bạo quyền. Không thể phủ nhận, việc xây dựng chân dung nhân vật Sử Văn Hoa triền miên trong dòng suy nghĩ, tự vấn là Nguyễn Xuân Khánh đã lồng ghép những suy tư của bản thân đối với việc minh định, nhìn nhận lịch sử: “Núi sông cũng có âm dương; một đất nước cũng có âm dương; Phật giáo và Nho giáo. Phật giáo là phần âm của hồn dân Việt. Đạo Phật giữ phần linh thiêng, phần chìm, phần lặng lẽ và thâm thúy của núi sông. Đã bao đời nay, nó vẫn ngân nga trong tiếng chuông chùa làng, lẩn khuất trong đầu ngọn tre,


dưới mái rạ, để xoa dịu, nâng đỡ hồn người dân quê trong những lúc nhiễu nhương loạn lạc… Còn Nho giáo, phần dương của núi sông, đó là phép tắc, lễ giáo, đó là cương cường xông pha, đó là mở núi lấp biển, đó là vàng son vinh quang” [22; tr.514,515]. Những trải nghiệm ấy được đúc kết từ biết bao suy tư, nghiền ngẫm của nhân vật trong suốt chiều dài thời gian lịch sử, cũng là trải nghiệm của cá nhân nhà văn khi đi tìm hiểu và đào sâu vốn văn hóa dân tộc - cội rễ của lịch sử.

Trong biến động của lịch sử, những bậc trí thức như Hồ Quý Ly, Sử Văn Hoa, Đoàn Xuân Lôi, Hồ Nguyên Trừng… là những con người biểu hiện rõ nét nhất khát vọng của họ trong các vấn đề quốc gia dân tộc. Nếu Hồ Quý Ly, ngay từ lúc làm quan Thái sư đã muốn mình làm mưa tưới mát khắp muôn nhà thì Hồ Nguyên Trừng lại mong ước trở thành “rường cột để chống đỡ xã tắc”. Dường như, Hồ Nguyên Trừng cũng là nhân vật mà tác giả gửi gắm nhiều ý tưởng, bên cạnh Hồ Quý Ly. Hoài bão làm rường cột của nước nhà song Hồ Nguyên Trừng trong hành động và suy tư vẫn là một khối mâu thuẫn lớn. Là con trai cả của Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng thấu hiểu tham vọng và chí lớn của cha nhưng ông cũng nhìn thẳng vào cục diện của tình thế lịch sử để biết rằng: “Nhà Trần hiện nay đã thối ruỗng, đáng lật đổ. Và cha là người duy nhất hiện nay có thể lật đổ nhà Trần dễ dàng. Nhưng ơn sâu của nhà Trần với muôn dân thì cha có lật đổ được không?” [22; tr.104]. Ông dứt khoát không đồng tình với những việc làm mù quáng đến tàn bạo của cha, nhưng cũng không dễ dàng thoái lui khỏi chiến trường chính sự. Chính “lũy tre, nếp nhà, mặt đất” đã níu kéo Nguyên Trừng trong giấc mơ bay như lời tiên đoán của Sử Văn Hoa, và lựa chọn cuối cùng của nhân vật vẫn là “Lặng lẽ đi về phía có tiếng trống” với mơ ước thuở bình sinh: “tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc”. Còn thượng tướng Trần Khát Chân đại diện cho những bậc tôn thất nhà Trần khư khư giữ những tư


tưởng bảo thủ một cách mù quáng. Là một trong số ít những tài năng còn lại của triều Trần, thượng tướng nhận thức rõ phải thay đổi thì mới cứu vãn tình thế nước nhà. Nhưng ông lại cực đoan duy trì ngôi báu, duy trì những giá trị cũ kĩ của triều đại đã tới hồi kết thúc. Con người như Trần Khát Chân đi ngược lại bánh xe của lịch sử cuối cùng đã phải trả giá đắt trong cuộc thảm sát ở Đốn Sơn.

Trong tiểu thuyếtMẫu Thượng Ngàn, hình ảnh các bậc trí thức mang khát vọng lịch sử cũng là một điểm sáng của tác phẩm. Đặt các nhân vật trong bối cảnh giao tranh văn hóa khốc liệt giữa phương Đông và phương Tây của buổi đầu thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Xuân Khánh đã khắc họa một số chân dung con người mang trong mình lí tưởng và khát vọng của nhân dân, của cả cộng đồng. Đó là thế hệ các nhà Nho như cụ Cử Khiêm, cụ Vũ Huy Tân, những người trí thức kiên trung, đến lúc chết vẫn quyết giữ gìn phẩm tiết. Vợ chồng cụ Cử Khiêm sẵn sàng giang tay cứu vớt những thân phận khốn cùng (cha con trưởng Cam) dù bị quy kết là kẻ che chắn cho bọn tà giáo, song cũng chính con người ấy trong cuộc dấy binh khởi nghĩa chống Pháp, đã tự tay rạch bụng mình trong bữa rượu máu của những kẻ hàng giặc. Hình ảnh cụ Vũ Huy Tân là thầy giáo dạy Nho học cho các cụ trong làng như: cụ Đồ Tiết, cụ Tú Cao, ông Phủ Lễ… và truyền lại cho thế hệ các trí thức trẻ Vũ Xuân Huy nhiệt huyết Cách mạng, vận động nhân dân lập “Tổ tương tế”, dạy chữ Quốc ngữ… là mẫu hình tiêu biểu cho lớp người trí thức mới trong buổi giao thời, mang khát vọng thức tỉnh quần chúng, giành quyền tự chủ dân tộc.

Trong Mẫu Thượng Ngàn Đội gạo lên chùa xuất hiện hình ảnh những trí thức người Pháp ở thuộc địa Đông Dương. Họ gánh trách nhiệm với Tổ quốc là đi chinh phục xứ sở An Nam, nhưng không phải ai cũng tự hào ở vị thế kẻ xâm chiếm. Ở họ toát lên cái nhìn trân trọng và yêu mến bản


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

sắc văn hóa của dân tộc da vàng. Họ mong muốn hiểu biết, đồng cảm và từ đó chia sẻ lòng ái hữu. Philippe Messmer là người Pháp, xuất thân nông dân ngoan đạo. Sự khôn ngoan và thực tế của Philippe khi đến làm chủ đồn điền xứ sở này đã giúp ông hiểu rằng: “Không có sự cai trị nào vững bền hơn sự cai trị thông qua văn hóa tôn giáo” [23; tr.316]. Cha Colombert là người cả đời chỉ chăm lo việc đạo, ông nhìn nhận người An Nam là những con người hiền hòa, chăm chỉ, thông minh và cam chịu nhất trên Trái Đất nên nguyện gắn bó với xứ sở tươi đẹp này. Đại úy Thalan trong Đội gạo lên chùa là một nhà quân sự có học và có nguyên tắc. Chứng kiến những người lính Pháp xúc phạm tới người đàn bà An Nam (cô Nguyệt), ông khẳng định: “Chúng ta là những chiến binh của nước Pháp văn minh và vinh quang. Chúng ta đem ánh sáng đến cho xứ sở này. Vậy, đối với người dân, chúng ta phải là bạn” [24; tr.37]. Cũng giống như Philippe Messmer, đại úy Thalan thấu triệt và tôn trọng văn hóa bản địa mà cội rễ là văn hóa làng xã. Ông không cho phép Tây lùn Bernard có những nhận xét kì thị và ác ý về nhà chùa, cho họ là lũ dân mê tín, vì ông hiểu: “con người có đức tin tôn giáo là những người lương thiện, đáng quý. Người Pháp muốn đứng vững trên mảnh đất này, thì phải biết trân trọng ngôi chùa” [24; tr.37]. Những nhận định và phát biểu của đại úy Thalan về chiến tranh, về tôn giáo, là tư tưởng của một bậc trí thức được thụ hưởng nền giáo dục văn minh, rất đáng được xem trọng: “Chiến tranh là tàn bạo, nhưng một dân tộc văn minh làm chiến tranh cũng phải tiến hành một cách văn minh” [24; tr.219]. Phải chăng sự trân trọng tôn giáo bản địa - đạo Phật ở một người có cha mẹ đi theo công giáo và rất hiểu đạo như đại úy Thalan có thể xuất phát từ chính căn cốt của đạo Thiên chúa, đó là lòng thương xót con người?

Có thể nói, những nhân vật trí thức mang tư tưởng thời đại, mang khát vọng lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh được miêu tả rất đa

Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 8


dạng, phong phú. Song dù ở bước ngoặt nào của lịch sử, dù đứng ở phía bên nào của cuộc chiến, họ vẫn có những mối đồng cảm chung, đó là sự đồng cảm vượt lên sự khác biệt, ước mong xã tắc vững bền, ước mong đổi mới, đem lợi ích cho cả cộng đồng.

2.3.2. Nhân vật văn hóa

Nhân vật n g ư ờ i tu hành là một thế giới rất sống động, đa dạng xuất hiện trong cả ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Xuyên suốt các tác phẩm là cảm hứng luận giải, trên hết là sự luận giải về các vấn đề: sức mạnh cá nhân trong dòng chảy lịch sử, sức mạnh của tính cộng đồng trong biến thiên xã hội, sức mạnh của tôn giáo bản địa trong bối cảnh giao lưu, tiếp xúc văn hóa Đông - Tây. Thông qua thế giới nhân vật, Nguyễn Xuân Khánh thể hiện rất rõ những tư tưởng chính yếu trong cơ tầng văn hóa

- chính trị - lịch sử Việt Nam. Đó là Nho giáo trong Hồ Quý Ly, đạo Mẫu trong Mẫu Thượng Ngàn và đạo Phật trong Đội gạo lên chùa.

Đội gạo lên chùa là tiểu thuyết mang cảm thức Phật giáo. Những triết lí căn cốt của đạo Phật được nhà văn đề cập rõ nét qua số phận các nhân vật. Trong suy tư của nhà văn, ngay từ thời điểm ra mắt tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã rất quan tâm đến tư tưởng Phật giáo (tất nhiên trong bối cảnh xã hội lịch sử triều Trần với những va chạm khốc liệt với Nho giáo). Nhà văn đề cao và xem Phật giáo là bộ phận tư tưởng căn bản nhất, nắm giữ cội nguồn và duy trì nguồn mạch của nó trong suốt chiều dài xây dựng, phát triển đất nước. Triết lí Phật giáo trong diễn ngôn của Nguyễn Xuân Khánh ở tác phẩm Đội gạo lên chùa không quá cao siêu, xa lạ mà chủ tâm đi sâu vào đời sống thường nhật, bình dị hàng ngày. Sư cụ Vô Úy trụ trì chùa Sọ, là người nhìn xa trông rộng, thấu hiểu căn tính con người và sự biến đổi của thời thế. Vì lẽ đó, ông không coi Phật giáo là một hệ thống những quan niệm cứng nhắc, mô phạm và bất biến mà chủ trương


coi Phật giáo là một lối sống tùy duyên, tùy người, tùy hoàn cảnh như lời truyền dạy của đức vua Trần Nhân Tông, sư tổ phái Thiền Tông: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Trải quan muôn vàn cay đắng của cõi trần, “nơi cửa Phật cũng không tránh khỏi bão táp mưa sa”, nhưng ở sư cụ Vô Úy là một thái độ sống không khuất phục, không sợ hãi, như chính pháp hiệu của ông. Ngay lúc bị giam cầm trong tù ngục, sư cụ Vô Úy đã dặn dò chú tiểu An, cũng là tự dặn lòng: “Sống ở cõi nhân gian, tức là sống giữa những đau khổ. Không sợ hãi mới tìm được Niết Bàn. Niết Bàn chẳng ở đâu xa. Nó ở ngay cõi trần gian này” [24, tr.204].

Tư tưởng nhập thế, coi Phật giáo là một lối sống của sư cụ Vô Úy đã thẩm thấu đến tâm hồn non nớt của chú tiểu An. Không hiếm trong tác phẩm là những trường đoạn tác giả để nhân vật thuyết giáo về tư tưởng nhập thế, tùy duyên của đạo Phật. Nhưng rao giảng mà không khô khan, cứng nhắc vì những điều sư cụ Vô Úy nói với chú tiểu, cũng là trải nghiệm từ chính gian khổ cuộc đời ông đã đi qua. Với nguyên tắc Đạo là Đời, gắn bó hữu cơ với cuộc đời, sư cụ cho rằng, người xuất gia tu hành không chỉ ở chùa mới tu mà Phật tử phải tu mọi lúc, mọi nơi: “Gặp cảnh an bình cũng tu. Gặp cảnh oan nghiệt cũng tu. Có thể nói, chính những lúc ấy mới là cơ hội để ta tìm đến chân như… Khổ cực ở đời chỉ là chứng cứ, là sự nhắc nhở cho người tu hành cái chân lí không thể chối cãi được của đức Thế Tôn rằng đã mang lấy nghiệp vào thân, con người còn chịu khổ…” [24; tr.598]. Lời nói của sư cụ Vô Úy trong những ngày cả hai thầy trò bị bắt đi cải tạo sau Cải cách ruộng đất như mang một sức mạnh diệu kì, nó xoa dịu nỗi đau khổ và giúp chú tiểu An có thêm sức chịu đựng vượt qua những ngày sóng gió.

Tư tưởng Phật giáo ở Đội gạo lên chùa có mặt trong từng lời nói, từng hành động và suy tư của các nhân vật. Không chỉ nắm giữ vai trò của tôn giáo, Phật giáo còn vươn lên trở thành một lối sống, có mặt trong tất cả mọi


người, đó là Phật tính: “Người nam sinh hoạt ở đình. Người nữ sinh hoạt ở chùa. Vì vậy, tinh thần Phật giáo thấm vào xã hội thông qua người mẹ, người vợ. Mà phụ nữ nào chẳng có gia đình và con cái. Người đàn bà ứng xử trong gia đình xã hội và dạy con cái ít nhiều theo tinh thần Phật giáo. Vậy nên mới nói, bất cứ người Việt nào cũng đều có chút Phật giáo trong người” [24; tr.255]. Những bài học đầu tiên sư cụ truyền dạy cho chú tiểu An là bài học thực hành Phật giáo trong cuộc đời: “Người chân tu phải lúc nào cũng tu. Đi cũng thiền. Ăn cũng thiền. Uống cũng thiền. Nói cũng thiền. Từng giây từng phút đều thiền” [24; tr.25]. Phật giáo có trong mỗi cuộc đời, ngân vọng qua tiếng gõ mõ đánh thức sự tốt lành, qua tiếng chuông chùa vang xa giữa làng xóm, qua sự cảm hóa thuần thục cả con vật hung tợn, là phép niệm chú để Đức Phật dẫn dắt con người qua những khổ ải cõi trần ai… Suy tư của chú tiểu An về kiếp người ở phần cuối câu chuyện, cũng là kết quả những chiêm nghiệm về lẽ đời mà tư tưởng biện chứng của Phật giáo thẩm thấu trong anh: “Kiếp người chẳng qua như những con đom đóm. Vầng trăng kia là ánh sáng của Phật, tỏa chiếu khắp nhân gian. Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng” [24; tr.866].

Nhân vật sư thúc Vô Trần cũng là con người mang trong mình nhiều Phật tính. Là con nhà giàu sống giữa phố thị ồn ào, cậu bé Trần đã cảm mến ngay khung cảnh thanh bình của ngôi chùa Ổi và tự nguyện trốn nhà, xuất gia đi tu, ngày đêm miệt mài kinh kệ, thông tuệ chữ Hán. Nhưng mười tám năm sau, trong cuộc gặp gỡ định mệnh với cô Nấm ở vườn cò, sư Vô Trần đã từ bỏ cuộc đời tu hành để hoàn tục, lập gia đình với cô Nấm và trở thành Chính ủy, phụng sự Cách mạng. Nhà sư Cách mạng kì lạ ấy đã sống một cuộc đời


tận hiến đến cùng, quyết tâm đi tu, quyết tâm hoàn tục, tưởng như mâu thuẫn vì sư là con người từ bi, còn nhà Cách mạng cần sự lạnh lùng sắt đá, nhưng sau tất cả đó vẫn là một con người có tấm lòng vì đạo, “tùy duyên”, tùy thời. Trong cách diễn giải của Nguyễn Xuân Khánh, ông không đồng nhất tất cả những quan điểm Phật giáo. Là tôn giáo đồng hành cùng con người suốt chiều dài lịch sử, ở mỗi biến cố, mỗi thời đoạn, Phật giáo lại có những biến đổi và cả hạn chế của nó. Không phủ nhận Phật giáo có ước vọng cao đẹp, hướng con người đến tính Thiện, nhưng Nguyễn Xuân Khánh cũng thẳng thắn nhìn ra những điểm phi thực tế của Phật giáo trong cuộc đời. Việc sư cụ Vô Úy thuần phục chú hổ Khoan Hòa, đặt Pháp danh cho nó là một nghĩa cử và hành động đẹp. Nhưng kết cục bi đát của con hổ lại là minh chứng cho sự bất lực trong triết lí từ bi của đạo Phật. Hay những băn khoăn của sư cụ Vô Úy trước trường hợp nhà sư Cách Mạng - người em út Vô Trần khi đứng giữa Đạo và Đời: “Hay là trong thời mạt pháp, con người chỉ như những chiếc lá để gió lốc cuốn đi. Hay là còn chưa đủ nhân duyên cho con người trụ lại, và có quá nhiều nhân duyên kéo con người trôi lăn trong trần thế?...” [24; tr.167]. Là đệ tử thuần thành, hiểu rõ những cấm kị của Phật giáo đối với kẻ tu hành nhưng chú tiểu An vẫn nhiều khi không kìm nén được cảm giác yêu đương nam nữ với Huệ: “Phật giáo có một sức hút tinh thần ghê gớm. Song đến lúc này tôi mới biết người đàn bà cũng có một sức hút ghê gớm chẳng kém” [24; tr.799]. Trong xã hội loạn lạc, Phật giáo không đủ sức lan tỏa niềm tin tuyệt đối với tất cả mọi người, như lời của ông Đoàn ủy đã tâm sự rất thật với sư cụ trong những ngày ở trại cải tạo: “Tôi sợ rằng con đường của Phật tuy vĩ đại nhưng ảo tưởng. Và nếu đi quá mức đến một giới hạn nào đó sẽ là thứ thuốc ru ngủ cho những con người tuyệt vọng” [24; tr.596]. Ngay trong thái độ giác ngộ của một số nhà sư giữa thời tao loạn, Nguyễn Xuân Khánh cũng nhìn thấy hình ảnh không

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/08/2022