Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 10


Vẻ đẹp Mẫu tính trong người đàn bà Việt còn có hấp lực kì lạ với những người ngoại xứ. Cái đẹp mê hồn toát lên từ đôi mắt, làn da, thân hình chắc lẳn hài hòa, đầy sức bật, hứa hẹn những thú vui không biết mệt mỏi. Đó cũng là lí do Philippe Messmer phải kì công để chiếm đoạt bằng được cô Mùi khi gặp cô ở đồn điền. Những hình dung ban đầu của Philippe Messmer về cô Mùi đã ám ảnh hắn suốt những ngày ở đồn điền: “Người đàn bà mặc chiếc váy đen, thân trên nửa trần, chỉ bịt phía trước ngực bằng một miếng vải hình vuông màu hồng… lộ ra tấm lưng trần trắng lẳn thật hứa hẹn… cái vuông vải màu hồng hé cho ta thấy cái bụng và phần đáy của đôi vú…” [23; tr.357, 358]. Cuộc chiếm đoạt thứ nhất khiến Philippe Messmer hả hê, sung sướng vì “cô ta dư thừa sinh lực, cô ta lắm chất đàn bà”. Nhưng quãng thời gian sau này, khi cô Mùi chấp nhận lấy ông Tây Philippe thì cô mới đích thực là một người đàn bà ào ạt sinh lực, phì nhiêu. Cái bản năng giống cái thức dậy trong cô, cô như một con người chủ động hoàn toàn, dâng hiến và điều khiển, để Philippe rên lên trong vui sướng: “Nàng bắt mất hồn ta rồi. Ta tan biến đi trong nàng rồi. Nàng đã dắt ta tới miền lạc thú mà chưa bao giờ ta biết. Ta run rẩy, ta quỳ sụp trước nàng để van xin phép lạ” [23; tr.383]. Ở một góc độ nào đó, cuộc chiếm đoạt thân xác của kẻ chinh phục Philippe lại chứng minh cho sức mạnh thuần phục của Mẫu tính, của bản năng người đàn bà, của phần âm khí trong xứ sở nhiệt đới này.

Cái đẹp đầy nhục cảm của người phụ nữ trong trang viết Nguyễn Xuân Khánh có khi biểu lộ trực tiếp, mạnh mẽ, khoáng đạt trong cuộc tình của cô Nấm với sư Vô Trần, cô Khoai với sư Độ, cô Xim với anh Hạ, cô Ngơ với anh Mường Rồ…; cũng có khi ẩn ngầm trong niềm e ấp của người con gái như Nhụ, như Huệ, như Nguyệt. Cảm giác hạnh phúc chờ đợi đến ngày hội của cô bé Nhụ với anh chàng Điều để trao cho anh những gì trinh


nguyên nhất hay cái ngượng ngùng của cô Nguyệt bên thầy giáo Hải trong cái nắm tay, cái ôm thật chặt… là những biểu hiện đẹp đẽ của tính Nữ: dịu dàng, đầy khát khao.

Nói đến vẻ đẹp tính Mẫu, không thể không kể đến sự hiện diện của những nghi thức nhập đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với hình ảnh nhân vật bà Tổ cô và cô đồng Mùi. Một năm hai lần, cô Mùi lên đền Mẫu, bắc ghế hầu thánh, những khi ấy, cô như con người khác hẳn, khác với vẻ âu sầu, hờ hững thường ngày mà tươi tắn, sinh động hẳn lên. Trong ánh đèn nến lung linh, vàng son nhấp nhánh, khói hương mù mịt, cô Mùi trở nên lẫm liệt, đầy uy quyền. Cảm giác linh thiêng, siêu thoát đã dẫn dụ con người hoàn toàn trở nên tinh khiết. Sức mạnh của đạo Mẫu, thấm nhuần trong tâm hồn của người phụ nữ, người mẹ và sức mạnh của niềm an ủi, chở che, như Đất Mẹ linh thiêng.

Trong tiểu thuyếtHồ Quý Ly, những nhân vật nữ xuất hiện thấp thoáng đằng sau chân dung các nhà chính trị tư tưởng. Vẻ đẹp của họ hiện lên trong bối cảnh không gian cung đình, quyền quý nên ít nhiều mất đi cái phồn thực, dân dã đời sống hàng ngày. Mẫu tính trong chân dung nàng Quỳnh Hoa là một vẻ đẹp mong manh với làn da trắng muốt, thon thả như một nhành hoa, mớ tóc đen dài, dầy và mượt. Cái dịu dàng đã chuyển thành sức mạnh của nỗi u sầu. Ngược lại với vẻ đẹp mang hình hài thiếu nắng trần gian, nhân vật kì nữ Thanh Mai là hiện thân sống động của cuộc sống chốn dương gian. Vẻ đẹp hoang dại của nàng như một thứ lan rừng “vốn sống trong thiên nhiên bao la, vì vậy nó phải chống với gió táp mưa sa cùng với trăm ngàn hương hoa khác, nó phải tranh sống, nó không thể chết yểu vì vậy nó phải mạnh khỏe, ngút ngát, phải tràn trề sắc hương”. Thanh Mai là biểu tượng cho tính nữ đầy nhục cảm và tràn trề sức sống, làm say đắm lòng người, làm tình yêu trong con người Hồ Nguyên Trừng bùng lên khát khao


thăng hoa và hòa quyện bên nhau. Nét đẹp tưởng như bị vùi lấp chốn cung đình nghiêm cẩn của cô cung nữ Ngọc Kiểm khi đứng trước hình hài héo mòn của ông vua trẻ Thuận Tôn, lại tự nhiên sống dậy. Niềm thương xót khiến người đàn bà mủi lòng, bản năng thương yêu khiến họ quên hết tất cả: “Thị Kiểm nóng bỏng ôm chặt lấy tấm thân gày gò, non tơ của Thuận Tôn. Còn Thuận Tôn thì đang bơi trên một dòng sông bao la, mà Thị Kiểm là một mảnh ván đôn hậu, biết an ủi, biết xoa dịu lòng chàng. Hai tấm thân non trẻ ấy đã bám vào nhau tìm về sự sống…” [22, tr.409]. Tình thương và sự tận hiến ở người con gái này hay chính sức mạnh của Mẫu đã tái sinh Thuận Tôn một lần nữa. Sức mạnh và quyền lực của Mẫu tính không có lí do nào giải thích, nó ẩn tàng trong nội lực mỗi người đàn bà, như ngọn lửa chỉ đợi bùng lên.

Trong sức sống phồn thực của người đàn bà, có vẻ đẹp nhục cảm, đằm thắm nhưng cũng không ít những bi kịch khoác lên tâm hồn họ. Ở điểm này, Nguyễn Xuân Khánh đã miêu tả và tái hiện đời sống của nhân vật nữ qua nhiều biến cố, trong những mất mát và đau khổ. Song ông cũng khẳng định rằng: Mẫu tính trong người phụ nữ, không chỉ là sự cam chịu, mà còn là niềm tin vượt lên và chiến thắng số phận. Người đàn bà góa chồng từ thuở đôi mươi, về già vẫn không một mụn con, lại mang tiếng là me Tây theo quân Pháp như cô Mùi, đã vượt lên sự bất hạnh để tìm về chốn nương nhờ nơi cửa Mẫu, nguyện thờ phụng Mẫu suốt đời, đem tài năng của mình trị bệnh, cứu người. Bà Tổ cô Vũ Thị Ngát là người phụ nữ có tấm lòng đôn hậu và nhân cách cứng cỏi, sau hai cuộc hôn nhân với người đàn ông bà hết lòng yêu kính, trân trọng, cũng bỏ lại tất cả gia sản, đồng ruộng để lên núi Mẫu, trở thành bà Tổ cô đức độ, linh thiêng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng rất chú ý khi miêu tả bi kịch của những người phụ nữ xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau. Cái bi


Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 10

kịch “vòng tròn” từ đời thím Pháo giờ thấp thoáng trong tương lai của cô Hoa, đứa con gái thông minh, lanh lẹ giữa thím Pháo và hộ Hiếu để rồi nhân vật dứt khoát bước ra khỏi kiếp làm mõ của mẹ, quyết tâm ra đi, tìm mục đích và cuộc sống cho mình. Đứa bé Nhị sinh ra trong cuộc cưỡng bức của quan Tây mắt mèo Julien với cô Nhụ không chỉ là ẩn dụ về sự áp chế của văn hóa phương Tây với xứ sở bản địa, mà sự trở về của Nhụ cùng đứa con bé bỏng còn khẳng định sức mạnh đất Mẹ là ngọn nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con người, không kẻ thù nào có thể xâm hại. Nỗi bất hạnh của cô Nguyệt khi sớm mồ côi cha mẹ, chứng kiến cái chết oanh liệt của người chồng đầu tiên - anh giáo Hải, trải qua bao biến động của thời gian, cô trở về làng Sọ, và lấy anh Hạ - một quái nhân của làng cũng là số phận của rất nhiều người phụ nữ trong bối cảnh xã hội loạn lạc. Những thân phận như cô Khoai, cô Rêu, cô Ngơ, cô Xim… là hình bóng sống động cho cuộc đời đau khổ của con người. Đằng sau những tâm hồn mất mát, chịu cay đắng ấy, là sức sống kiên cường, là nội lực vượt lên hoàn cảnh để tiếp tục tồn tại của văn hóa Việt. Tư duy tự sự của nhà văn hướng đến luận giải cội nguồn sức sống ấy.


CHƯƠNG 3

TƯ DUY TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH - NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT


3.1. Điểm nhìn trần thuật

Trong văn học, điểm nhìn được hiểu là vị trí người trần thuật quan sát, cảm thụ, miêu tả và đánh giá đối tượng. Người ta có thể nói đến điểm nhìn vật lí (không gian, thời gian); điểm nhìn tâm lí (giới tính, lứa tuổi...); trường nhìn (của tác giả hay nhân vật)... Trong tác phẩm, mỗi nhà văn có cách thiết tạo điểm nhìn riêng nhưng việc tổ chức điểm nhìn trần thuật bao giờ cũng mang tính sáng tạo cao độ. Muốn hiểu sâu sắc một tác phẩm văn xuôi, người đọc không thể không chú ý đến điểm nhìn trần thuật.

Khảo sát tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi nhận thấy nhà văn rất sáng tạo trong xây dựng điểm nhìn mà nổi bật là sử dụng linh hoạt điểm nhìn và dịch chuyển điểm nhìn từ ngoài vào trong.

3.1.1. Sử dụng linh hoạt điểm nhìn

Trong tự sự về lịch sử, việc lựa chọn lối kể chuyện từ ngôi thứ ba với điểm nhìn toàn tri là một thao tác hợp lí giúp nhà văn tái hiện và nhận thức lịch sử một cách khách quan. Khảo sát ba tiểu thuyết lịch sử, văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi nhận thấy: điểm nhìn toàn tri với ngôi kể thứ ba giữ vai trò chủ đạo. Nhưng bên cạnh đó, nhà văn còn có ý thức sử dụng linh hoạt điểm nhìn để tạo nên nhiều kênh quan sát và miêu tả nhân vật. Cụ thể: tiểu thuyết Hồ Quý Ly có 13 chương, trong đó 8 chương bắt đầu bằng ngôi kể thứ ba. Các chương còn lại người kể chuyện là Hồ Nguyên Trừng, xưng “tôi” ngôi thứ nhất. Mẫu Thượng Ngàn có 15 chương, duy nhất


chương XI – Bà ba Váy kể chuyện là điểm nhìn bên trong, đặt vào ngôi thứ nhất, bà ba Váy xưng "tôi". Còn lại 14 chương của tác phẩm được kể bằng ngôi thứ ba, nhưng điểm nhìn liên tục đặt vào sự quan sát của các nhân vật khác nhau. Đội gạo lên chùa gồm ba phần lớn: I - Trôi sông, II - Bão nổi can qua, III - Về cõi nhân gian. Mỗi phần được cấu tạo bởi các chương nhỏ: Phần I gồm 18 chương, trong đó 11 chương được kể bằng ngôi thứ ba; Phần II gồm 5 chương, trong đó 3 chương được kể bằng ngôi thứ ba; Phần III gồm 9 chương, trong đó 4 chương được kể bằng ngôi thứ ba.

Ba cuốn tiểu thuyết lịch sử, văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh có một thế giới nhân vật đông đảo, phong phú, thuộc đủ giai tầng xã hội, ở những thời đại lịch sử khác nhau nên việc tác giả sử dụng điểm nhìn toàn tri với ngôi kể thứ ba là một lựa chọn đích đáng. Bởi lẽ, toàn bộ sự kiện lịch sử trong suốt một thế kỉ với nhiều biến động cuối thời Trần, đầu triều Hồ hay những bước ngoặt lớn lao của lịch sử - xã hội Việt Nam trong cuộc xung đột, giao lưu văn hóa Đông - Tây những năm đầu thế kỉ XX và cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ sau này, nếu không có một điểm nhìn toàn tri, đồng nghĩa với việc khó có thể bao quát các chi tiết và sự kiện lịch sử - một yếu tố quan trọng tác động lên đời sống con người.

Điểm nhìn toàn tri với lợi thế người kể chuyện ở ngôi thứ ba, người quan sát và lặng lẽ chứng kiến toàn bộ sự việc sẽ đem đến cho câu chuyện giọng điệu tự nhiên và khách quan. Hơn thế nữa, ở cả ba tác phẩm (đặc biệt là Hồ Quý Ly Mẫu Thượng Ngàn), mỗi chương truyện gần như là một câu chuyện có tính độc lập tương đối về cuộc đời của nhân vật chính, vì thế giọng điệu của người kể chuyện dường như chồng chéo lên nhau. Việc tạo ra điểm nhìn toàn tri trong tiểu thuyết giúp Nguyễn Xuân Khánh gia tăng cấp độ bao quát các sự kiện lịch sử - xã hội ở nhiều thời điểm khác nhau. Nhưng thành công của nhà văn còn đặc biệt được nhấn mạnh ở chỗ, điểm nhìn toàn


tri không phải điểm nhìn duy nhất. Tác giả liên tục di chuyển và phối hợp linh hoạt các điểm nhìn. Bên cạnh điểm nhìn của người kể chuyện là điểm nhìn của các nhân vật khác, cả nhân vật chính và nhân vật phụ. Sự luân phiên và đan chéo các điểm nhìn một cách linh hoạt cũng là cơ sở quan trọng làm nên tính đối thoại, tính đa thanh trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh nói riêng, tiểu thuyết đương đại nói chung.

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, chương I và chương XIII, điểm nhìn được đặt cố định vào vị trí người kể chuyện vắng mặt, ngôi thứ ba. Bắt đầu từ chương II và một số chương còn lại (chương VI, chương XII), điểm nhìn được giao trực tiếp cho nhân vật Hồ Nguyên Trừng. Có thể nói, đây là nhân vật được giao nhiều điểm nhìn và có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ thân thiết với các nhân vật khác. Cũng ở Hồ Nguyên Trừng, điểm nhìn đồng thời dịch chuyển sang cả hai phía: bên trong và bên ngoài. Người kể chuyện xưng “tôi” - Hồ Nguyên Trừng đồng thời có mặt ở cả hai dạng thức: tôi kể chuyện chứng kiến và tôi kể chuyện về mình. Với điểm nhìn bên trong, Hồ Nguyên Trừng có cái nhìn chân thực về cuộc đời, tính cách, khát vọng, mơ ước cá nhân. Đi kèm với đó là biết bao suy tư, dằn vặt và tự thấu hiểu vai trò của mình trong mối quan hệ: cha con, anh em, vợ chồng, bạn hữu, người tri kỉ: “Trong đám cưới của tôi, tôi hiểu rằng tôi là một con mồi mà cha tôi quăng ra giữa dòng nước, họ nhà Trần như một con cá lớn đớp lấy tôi, và cha tôi cầm chiếc cần câu…” [22; tr.66]. “Những lúc như vậy, lòng tôi như bị xát muối. Tôi tủi thân, nén nỗi tức giận, dìm nó xuống đáy lòng. Có lẽ đó là lí do đầu tiên làm anh em tôi suốt đời bất hòa; đối địch nhau; thậm chí có lúc như hận thù nhau…” [22; tr.336].

Đoạn văn trên cho thấy, với vai trò tôi kể chuyện tôi chứng kiến, Hồ Nguyên Trừng có những đánh giá, nhìn nhận khách quan toàn bộ các diễn biến sự kiện lịch sử trong giai đoạn nhạy cảm cuối thời Trần, đầu thời


Hồ, gắn với tham vọng canh tân của Hồ Quý Ly, với những âm mưu quyền lực khốc liệt.

Để làm nổi bật tính cách và đời sống của nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly, bằng thủ pháp tấm gương, nhà văn chiếu rọi nhân vật trong điểm nhìn của hàng loạt nhân vật khác nhau. Trong con mắt của những kẻ cuồng tín như Hồ Hán Thương, Nguyễn Cẩn thì “Hồ Quý Ly là một con rồng nằm ngủ”; ông vua già Nghệ Tôn thì vừa tin tưởng Quý Ly, vừa thấy đó là một kẻ “mưu lược nhưng tham vọng”; chàng nho sĩ Phạm Sinh vừa ngưỡng mộ con người đại trí, vừa căm thù con người tàn bạo đến cùng cực ở Hồ Quý Ly, Sử Văn Hoa lại thẳng thắn thừa nhận: “Quý Ly là một người đầy táo bạo. Một kẻ cướp phải có gan: trên đầu nào biết có ai. Ông ta là một con người dám “trên đầu chẳng có ai” [22; tr.661]. Hồ Nguyên Trừng dường như là người thấu hiểu cha mình nhiều nhất. Ông nhìn thấy ở Quý Ly khát vọng mạnh mẽ đến tàn bạo, tham vọng mù quáng đến điên rồ và cả những nỗi cô đơn không dễ gì chia sẻ: “Người ta bảo cha anh là kẻ gian hùng. Người ta bảo ông đặt ra lắm chuyện phiền hà. Người ta bảo ông là kẻ gian thần rắp tâm… Cha ta có ảo tưởng không? Cha ta có tham vọng quá không? Nỗi bi đát, nỗi khốn cùng của cha ta chính là ở chỗ đó” [22; tr.33]. Những đánh giá từ nhiều góc độ như vậy khiến Hồ Quý Ly hiện lên không còn là một nhân vật như lịch sử đã biết, mà đó là một chân dung phức tạp, một con người bằng xương bằng thịt, có tính cách, số phận, phẩm chất và những nỗi niềm riêng.

Nhân vật Thượng tướng Trần Khát Chân hiện lên qua điểm nhìn khách quan là người anh hùng cứu nước oai phong lẫm liệt, là ngôi sao sáng của Đại Việt trong những giờ phút nguy nan, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, ở cái nhìn đầy thấu hiểu, Trần Khát Chân còn là một tính cách mâu thuẫn, vừa quý trọng Nguyên Trừng, vừa căm ghét Thái sư, vừa khẳng khái cứng cỏi,

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/08/2022