Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 2


được cho mình một thế đứng vững chắc và một thế đứng với tư thế của một nhà tiểu thuyết trước những vấn đề hôm qua và hôm nay”.[17]

Trong hội thảo về tiểu thuyết Hồ Qúy Ly do Hội Nhà văn tổ chức đã có nhiều ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình [35]

Tham luận của Vũ Bão: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không đi theo vết chân đi trước. Ông rẽ trái, đạp đá tai mèo, dẫn nhân vật băng qua những miền đất mới. Ông không buông mình trôi theo dòng cháy lịch sử. Ông cắt ngang cuộc sống đầy biến động, tìm những nét tinh tế trong tính cách nhân vật, giành không gian cho nhân vật hoạt động...

Hoàng Quốc Hải nêu bật cảm tưởng về tiểu thuyết Hồ Qúy Ly: “đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết rất nghiêm túc bám sát chính sử. Văn chương mượt mà, có sức cuốn hút đọc hết hơn 800 trang vẫn muốn đọc lại”. Theo ông, “ tư tưởng chủ đề của tiểu thuyết Hồ Qúy Ly xoay quanh ba chữ “thời thiên túy” mà tác giả đã khéo léo đề cập...”. Cũng trong tham luận này, Hoàng Quốc Hải nêu ra những nguyên nhân dẫn cuốn sách đến thành công như chọn được thời điểm lịch sử, nhân vật mà mình yêu thích và nghiền ngẫm cả cuộc đời, tạo được cảm hứng tự do, gạt ra mọi ràng buộc, thể hiện tính công bằng lịch sử.

Ý kiến của Nguyên Ngọc cho rằng “lâu lắm rồi mới có một cuốn tiểu thuyết chững chạc như thế này. Chọn thời đại Hồ Qúy Ly, nhân vật Hồ Qúy Ly là đúng. Tác giả nói được nhiều điều và nói được sâu sắc bởi cách chọn này.”

Châu Diên “nêu ra ba ưu điểm của cuốn tiểu thuyết Hồ Qúy Ly: không né tránh vấn đề gay cấn, xử lí vấn đề tài tình, sự ảo tưởng tích cực của tác giả thể hiện trong tác phẩm”.

Trịnh Đình Khôi nhấn mạnh một số phẩm chất tiêu biểu: Cuốn sách rất có văn. Lâu nay ta chú ý truyện nhiều hơn văn. Vấn đề đặt ra có ý nghĩa hiện


đại... Tác phẩm giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề lịch sử mà vẫn nóng hổi ý nghĩa hiện đại: các mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, giữa giới cầm quyền và trí thức, giữa chính trị và văn học.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

Đỗ Hải Ninh đã chỉ ra: “các nhân vật, sự kiện lịch sử...không đơn nghĩa mà trở nên đa diện khi được soi chiếu từ nhiều góc độ. Nhà văn đặt nhân vật trong mối quan hệ phức tạp của gia đình và xã hội”. Thế giới trong tiểu thuyết của ông là “ con người của đời thực, con người của cuộc sống thường ngày”, “đều ở trong thế lưỡng cực, đa trị”. Tuy nhiên ở mỗi tác phẩm, nhà văn lại tập trung vào một kiểu nhân vật riêng: “Ở Hồ Qúy Ly, nhà văn chú ý đến những nhân vật có thật của lịch sử, những hình tượng đậm nét để đi đến cái phổ quát của con người. Cuộc đời các nhân vật lịch sử cũng như mỗi biến cố, sự kiện chỉ là cái chớp mắt của ngàn năm nhưng nhà văn đã lưu giữ lại những khoảnh khắc đó, tạo dựng thành hình tượng nghệ thuật giàu sức sống như Hồ Qúy Ly, Hồ Nguyên Trừng, Trần Nghệ Tôn, Trần Khát Chân,... Mẫu Thượng Ngàn lại hướng tới những nhân vật hư cấu, vô danh trong lịch sử để dệt lên bức tranh rộng lớn về văn hóa Việt”. [15]

Năm 2006 Mẫu Thượng Ngàn ra mắt bạn đọc và lập tức trở thành đối tượng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình với hàng loạt các bài viết như: Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của tác giả Trần Thị An (Tạp chí Văn học, số 6/2007); Tác giả Bùi Kim Ánh với bài viết Đạo mẫu trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn (http:nguvan.hue); Bài viết Sức quyến rũ của Mẫu Thượng Ngàn của tác giả Vũ Hà (http://hoilhpn.org.vn); Bài viết Mẫu Thượng Ngàn và nội lực văn chương của Nguyễn Xuân Khánh (trao đổi giữa Việt Báo với nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên); Bài viết Nguyễn Xuân Khánh tuổi 74 và cuốn tiểu thuyết mới (của tác giả Quỳnh Châu, http://vnca.cand.com.vn); Bài viết Nguyên lý tính mẫu trong truyền thống văn học Việt của Dương Thị Huyền

Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - 2


(http://vannghequandoi.com.vn); Bài viết Mẫu Thượng Ngàn cơ duyên của Nguyễn Xuân Khánh của Hòa Bình (http://www.vtc.vn); Bài viết Nơi bắt đầu Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh (Báo Tiền Phong cuối tuần, số 11/2007); Bài viết Một cuốn tiểu thuyết hay về văn hóa Việt của nhà văn Nguyên Ngọc (in trên Việt Báo)...

Ngay sau khi xuất bản, tiểu thuyết Đội gạo lên chùa cũng thu hút mạnh mẽ giới nghiên cứu và bạn đọc. Tháng 6 năm 2011, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học “Nguyễn Xuân Khánh đội gạo lên chùa” [19]. Nhiều nhà phê bình cũng có những tham luận tập trung vào vệc tìm hiểu vấn đề Phật giáo trong đời sống văn hóa Việt Nam đã được kiến giải trong tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tùng khai thác Cảm hứng Phật giáo [56]; nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái tìm hiểu đặc điểm đạo Phật Việt Nam ở vấn đề Tùy duyên [53]; Phạm Xuân Thạch coi tiểu thuyết này là Một tiếng gọi khẩn thiết của cái thiện [50]… Sự phân tích, đánh giá của các nhà nghiên cứu, phê bình đã cho thấy sự đón nhận trân trọng dành cho bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh.

Ngoài những bài viết ở trên, còn một số khóa luận Cử nhân, luận văn Thạc sĩ đi vào tìm hiểu đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh thông qua một hoặc cả bộ ba tác phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu chuyên sâu về tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử , văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh. Đó là khoảng trống để chúng tôi đi sâu nghiên cứu đề tài luận văn của mình. Chúng tôi xem ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước là những gợi ý quan trọng để tập trung làm rõ tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh.

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu


Lựa chọn đề tài Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử, văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh, mục đích chúng tôi muốn khái quát những đặc điểm nổi bật trong phong cách tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, cả về phương diện nội dung và nghệ thuật. Qua đó thấy được những đóng góp riêng của nhà văn ở một đề tài không mới như tiểu thuyết lịch sử.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn đặt ra nhiệm vụ tìm hiểu quan niệm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về hai yếu tố lịch sử và tiểu thuyết, cùng với sự kết hợp giữa lịch sử và văn hóa để từ đó thấy được ý nghĩa nhà văn gửi gắm trong cả ba cuốn tiểu thuyết của mình.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn tập trung làm rõ tư duy tự sự trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử, văn hóa Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh. Cụ thể là các phương diện đề tài, cảm hứng, nhân vật và nghệ thuật trần thuật.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu chính là ba cuốn tiểu thuyết Hồ Qúy Ly (NXB Phụ nữ, 2000), Mẫu Thượng Ngàn (NXB Phụ nữ, 2006) và Đội gạo lên chùa (NXB Phụ nữ, 2011) của Nguyễn Xuân Khánh. Ngoài ra, để làm nổi bật những nét mới về tư duy nghệ thuật của nhà văn, chúng tôi còn tiến hành so sánh với một số tiểu thuyết lịch sử khác.

5. Phương pháp nghiên cứu

Thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: phương pháp loại hình, phương pháp khảo sát, thống kê, phương pháp liên ngành, phương pháp phân tích, tổng hợp.


Ngoài ra, chúng tôi cũng vận dụng một số quan điểm của thi pháp học hiện đại vào việc phân tích tác phẩm để chỉ ra những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh qua bộ ba tiểu thuyết lịch sử - văn hóa.

6. Đóng góp của luận văn

Luận văn là công trình đầu tiên đi sâu nghiên cứu về tư duy tự sự của Nguyễn Xuân Khánh để thấy được đóng góp của nhà văn đối với thể loại tiểu thuyết lịch sử - văn hóa. Qua khảo sát, phân tích bộ ba trường thiên tiểu thuyết Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa, chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói khẳng định tài năng của một nhà văn - một nhà văn hóa - một nhà lịch sử Nguyễn Xuân Khánh đối với văn đàn Việt Nam đương đại.

7. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung luận văn được kết cấu gồm ba chương

- Chương 1: Giới thuyết về tư duy tự sự và tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh

- Chương 2: Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - nhìn từ phương diện đề tài, cảm hứng, nhân vật.

- Chương 3: Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - nhìn từ phương diện nghệ thuật trần thuật.


CHƯƠNG 1

GIỚI THUYẾT VỀ TƯ DUY TỰ SỰ VÀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH


1.1. Giới thuyết về tư duy tự sự

1.1.1. Khái niệm tư duy

Chúng ta đang sống ở thế kỉ XXI, “thế kỉ của vốn trí tuệ”. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, con người để thích nghi và tồn tại cần phải học rất nhiều thứ. Vậy làm sao để con người có thể làm chủ được vốn kiến thức của bản thân và chiếm lĩnh tri thức nhân loại một cách tốt nhất? Điều ấy đòi hỏi mỗi cá nhân phải nỗ lực không ngừng trong việc rèn luyện và phát triển tư duy - nguồn gốc của mọi vấn đề.

Tư duy là phạm trù triết học, chỉ những hoạt động tinh thần làm cho con người có nhận thức và ứng xử đúng đắn. Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam quan niệm: “Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt - bộ não con người. Tư duy phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, sự phán đoán, lý luận” [41]. Trong triết học duy tâm, tư duy là sản phẩm của “ý niệm tuyệt đối" với tư cách là bản năng siêu tự nhiên, độc lập, không phụ thuộc vào vật chất. Triết học duy vật biện chứng cho rằng, tư duy là một trong các đặc tính của vật chất phát triển đến trình độ tổ chức cao. Về lý thuyết, Karl Marx cho rằng: "Vận động kiểu tư duy chỉ là sự vận động của hiện thực khách quan được di chuyển vào và được cải tạo/tái tạo trong đầu óc con người dưới dạng một sự phản ánh" [42].

Tư duy là sự phát triển cấp cao của nhận thức, là kết quả của nhận thức. Xuất phát điểm của nhận thức là những cảm giác, tri giác và biểu tượng... được phản ánh từ thực tiễn khách quan với những thông tin về hình dạng, hiện tượng bên ngoài được phản ánh một cách riêng lẻ. Giai đoạn này được


gọi là tư duy cụ thể. Ở giai đoạn sau, với sự hỗ trợ của ngôn ngữ, hoạt động tư duy tiến hành các thao tác so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, khu biệt, quy nạp những thông tin đơn lẻ, gắn chúng vào mối liên hệ phổ biến, lọc bỏ những cái ngẫu nhiên, không căn bản của sự việc để tìm ra nội dung và bản chất của sự vật, hiện tượng, quy nạp nó thành những khái niệm, phạm trù, định luật... Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tư duy trừu tượng.

Có thể thấy, tư duy là sản phẩm của một cơ quan vật chất sống có tổ chức cao là bộ óc con người; được hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người. Hiện thực khách quan là đối tượng của tư duy và quyết định hoạt động tư duy của con người. Do vậy, con người tác động đến thế giới hiện thực như thế nào thì sẽ có những hình thức nhận thức như thế đó. Giữa tư duy và sự phát triển của hoạt động thực tiễn con người có sự gắn bó chặt chẽ và liên hệ biện chứng với nhau. Muốn có tư duy phải có hoạt động thực tiễn. Ngược lại, muốn hoạt động thực tiễn đạt hiệu quả cao thì phải có tư duy. Khi chỉ ra sự phát triển của tư duy phụ thuộc vào sự phát triển của thực tiễn, Ph.Ăngghen đã khẳng định: "Từ trước đến nay, khoa học tự nhiên cũng như triết học đã hoàn toàn coi thường ảnh hưởng của hoạt động con người đối với tư duy của họ. Hai môn ấy một mặt chỉ biết có tự nhiên, mặt khác, chỉ biết có tư tưởng. Nhưng chính việc người ta biến đổi tự nhiên, chứ không phải chỉ một mình giới tự nhiên, với tính cách giới tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người, và trí tuệ con người đã phát triển song song với việc người ta đã học cải biến tự nhiên" [42].

Tư duy là trình độ cao của quá trình nhận thức, là sự phản ánh khái quát, gián tiếp, tích cực và sáng tạo về thế giới. Ở giai đoạn nhận thức bằng tư duy, sự vật được phản ánh một cách gián tiếp và khái quát trong các khái niệm, phán đoán và suy lý. Xét về bản tính, tư duy là một quá trình sáng tạo. Nói đến tính sáng tạo của tư duy là nói đến sự hình thành tri thức mới về các


mối liên hệ và quan hệ, về tính quy luật khách quan chi phối sự phát triển của các sự kiện và quá trình lịch sử, về bản chất của các khách thể vi mô, cũng như về diễn biến của hiện thực. Trên con đường nhận thức chân lý, chủ thể tư duy không chỉ biết đặt ra các vấn đề mới, mà còn giải quyết chúng bằng những phương pháp thích hợp. Đồng thời, đó cũng là quá trình chủ thể tư duy huy động một cách sáng tạo vốn tri thức phong phú đã có, bao gồm cả kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp; huy động không chỉ tri thức lý luận chung, mà cả sự am hiểu cần thiết, cụ thể về những lĩnh vực "có vấn đề". Thiếu vốn tri thức phong phú của cuộc sống sẽ không có tư duy sáng tạo. Ngoài ra, trong sự sáng tạo của tư duy ở trình độ lý luận khoa học cao còn có sự tham gia tích cực của tưởng tượng và trực giác. Các tư tưởng, quan niệm, lý thuyết khoa học... do tư duy sáng tạo ra cũng như bản thân tư duy có sự biến đổi, phát triển là do thực tiễn lịch sử - xã hội quyết định. Điều này không loại bỏ tính độc lập tương đối của tư duy. Tư duy có lôgíc phát triển nội tại riêng, chịu sự chi phối của các quy luật (quy tắc, nguyên tắc) riêng.

Từ điển triết học khẳng định: " Tư duy xuất hiện trong quá trình hoạt động sản xuất xã hội của con người và đảm bảo phản ánh thực tại một cách gián tiếp, phát hiện những mối liên hệ hợp quy luật thực tại" [42]. Tư duy giúp chúng ta nhận thức các sự vật, hiện tượng trong một chỉnh thể thống nhất chứ không phải là sự hiểu biết riêng lẻ, tách rời của các yếu tố, các bộ phận của sự vật, hiện tượng. Tư duy trừu tượng là quá trình phản ánh thế giới một cách gián tiếp, khái quát nhờ ngôn ngữ. Ở đây, các từ, cụm từ hay ngôn ngữ nói chung, trong khi là hiện thực trực tiếp của tư tưởng, diễn đạt các khái niệm, phán đoán, suy lý, quy luật, lý thuyết, đã có tính chất khái quát và bao hàm cái chung. Do vậy, ngôn ngữ càng phát triển, vốn từ vựng càng phong phú thì tư duy gắn liền với nó càng linh hoạt, mềm dẻo, phản ánh càng sâu sắc, chính xác và đầy đủ các mối liên hệ đa dạng, phức tạp của thế giới.

Xem tất cả 125 trang.

Ngày đăng: 12/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí