Những Con Người Có Số Phận Bất Hạnh, Khổ Đau

những bàn tay quen với cây rừng, đá suối lần đầu cầm bút cũng được tác giả miêu tả chân thực: “Tôi chấm lưỡi bút lá tre vào lọ mực xanh của Du. Cầm bút thế nào nhỉ? Tôi đang loay hoay thì bác Hiền đã kẹp bút vào tay phải của tôi, bẻ ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa giữ lấy bút. Tôi nhìn sang Du, thấy nó cầm bút tay trái. - Này, sao mày cầm bút tay trái?....Du chuyển bút sang tay phải ngay. Nhưng nó cứ lúng ta lúng túng. Nó chụm cả bốn ngón tay cầm bút…Tôi mắm môi viết một lúc xong chữ thứ nhất. Tôi liếc sang Du, thấy nó viết có vẻ khó nhọc quá. Mồm nó dẩu ra, khi thì mín vào. Hình như nó còn chảy cả nước miếng ra nữa” [36, tr.29-30]. Trong truyện, sự hồn nhiên, trong sáng của những đứa trẻ miền núi còn được thể hiện ở trí tưởng tưởng của chúng về chiếc ô tô. Đứa cho rằng ô tô bốn bánh, đứa cho rằng ô tô sáu bánh, tám bánh, rồi đường phải to gấp hai lần đường này, đứa lại cho rằng phải gấp ba, gấp bốn lần…La Quán Miên đã thể hiện được sự hồn nhiên của những em nhỏ miền núi. Trong Bạn tôi thằng Lãn-úc-ù, nhà văn viết về tình bạn trong sáng của nhân vật “tôi” và Lãn-úc-ù. Sống trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng cả Lãn và “tôi” đều vui đùa, cùng cố gắng, giúp đỡ nhau trong học tập. Người đọc không thể nào quên được hình ảnh hai đứa trẻ mỗi tối xách đèn lên trường học, cùng nhau trực nhật, cùng nhau ăn miếng cơm chấm muối vừng một cách ngon lành. Trong hoàn cảnh gian khổ, tình bạn của các em càng trở nên tươi sáng. Ngay từ lúc nhỏ, các em đã được nuôi dưỡng trong truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương; sống gần gũi, gắn bó với những dòng sông, cánh rừng, những trò chơi của tuổi thơ, với cuộc sống sinh hoạt của bản làng yêu dấu... Chính cuộc sống lành mạnh của bản làng đã góp phần tạo cho các em những phẩm chất đáng quý.

Đến với truyện và ký của La Quán Miên, độc giả có điều kiện gặp gỡ những con người miền núi hồn nhiên, mộc mạc và giàu lòng nhân ái. Phẩm chất tốt đẹp ấy tiềm tàng trong cộng đồng, từ những em nhỏ đến những người cao tuổi, từ người dân bản bình thường tới người trí thức.v.v…Khi viết về

những con người chất phác, hồn hậu đó, nhà văn đã thể hiện niềm tự hào và tình cảm ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của con người quê hương.

2.2.2. Những con người có số phận bất hạnh, khổ đau

Bên cạnh những con người có phẩm chất hiền lành, chăm chỉ, nhân ái, tình nghĩa, sáng tác của La Quán Miên còn tập trung phản ánh những số phận bất hạnh, khổ đau trong cuộc sống đời thường. Nhà văn chú ý nhiều đến số phận những người phụ nữ, những mảnh đời mồ côi: cô Tánh-ỏn (Đẻ giấu), cô Xong- phua (Chuyện cô Xong-phua), Coóng (Coóng).v.v…

Khi xã hội còn nhiều oan trái, bất công thì người phụ nữ còn chịu nhiều khổ đau hơn cả. Họ là nạn nhân trực tiếp của hủ tục, của nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì tư tưởng trọng nam, Ài-là-pỏm-pò (Đẻ giấu) dù đã có hai đứa con gái nhưng vẫn buộc vợ đẻ bằng được đứa con trai. Để che giấu việc có thai, hàng ngày đi dạy, cô Tánh-ỏn mặc váy, thắt lưng chặt đến khi sắp đẻ, cô phải nghe theo sự sắp đặt của chồng. Trên đường về quê, cô đầm đìa nước mắt, lòng cuộn xoáy như vực suối bởi nhớ con, nhớ nhà và lo lắng cho việc sinh nở sắp tới. Cô vĩnh viễn ra đi sau lần sinh cho Ài-là-pỏm-pò đứa con trai. Tánh-ỏn đã chết vì hủ tục. Giá như người chồng không buộc Tánh-ỏn sinh con trai, không che giấu việc có con thì cô đã không chết, hai đứa con đã không mồ côi mẹ.

Có khi, người phụ nữ là nạn nhân của tư tưởng thù hằn giữa các gia đình, dòng tộc. Xao Nọi (Cái chết của Xao Nọi) là con dâu đẹp người, đẹp nết nhà Vi Nhàn. Khi chồng công tác xa, cô ở nhà nuôi dạy đứa con trai và phụng dưỡng mẹ chồng chu tất đến khi bà qua đời. Nhưng vợ chồng tên Neo Má vì mối thù năm xưa với cha cô nên đã dùng những thủ đoạn nhẫn tâm, đê tiện để hãm hại cô. Lão Neo Má đã cưỡng hiếp khiến Xao Nọi có mang với hắn. Trong lúc đau đớn, sợ hãi, Xao Nọi đến cầu mong vợ lão Neo Má giúp đỡ nhưng đây là cái dịp để mụ vợ độc ác, nhẫn tâm ra tay hãm hại khiến cho Xao Nọi phải chịu cái chết đau đớn, oan ức.

Chuyện cô Xong-phua là câu chuyện về cuộc đời của người phụ nữ bất hạnh trong tình duyên và cuộc sống. Cô Xong-phua vất vả vì người chồng thường xuyên ốm đau bệnh tật, gia cảnh nghèo đói, túng bấn. Cuộc sống gia đình đều do một tay cô lo toan, gánh vác. Cô cố gắng giữ tròn bổn phận nhưng éo le thay, khát vọng bản năng vẫn âm ỉ cháy trong cô. Xong-phua nghĩ: “Chẳng lẽ cô, bản thân cô, mới đẻ một đứa con, rồi suốt đời chăm sóc một người chồng ốm liệt giường, không có quyền được hưởng hạnh phúc của người đàn bà với một người đàn ông khỏe mạnh hay sao? Cô có tội gì?...Sao cô sinh ra lại phải chịu những điều cay đắng quá thế ?” [33, tr.104]. Những suy nghĩ đó được chôn chặt trong lòng. Khi chồng chết, cô đã là người có tuổi, trải qua nhiều cay đắng: “đôi mắt cô đờ đẫn, nước mắt ráo hoảnh, mái tóc đã điểm bạc xổ tung”. Cuộc đời của cô Xong-phua có hình bóng của nhiều người phụ nữ có số phận bất hạnh, cả đời chỉ biết chịu đựng, hy sinh.

Trên các trang viết của La Quán Miên, người đọc còn gặp những số phận bất hạnh, đáng thương khác. Nhân vật Coóng (Coóng) không nhà cửa, không người thân thích, không biết quê hương bản quán, ngay cả một cái tên cũng không có:“Không ai biết Coóng là người Mường-Cuống, hay Mường-Nghình; là người bản Duộc, hay bản Quắn; là con ông Đắm, bà Đánh, hay là con của ai” [32, tr.34]. Lúc đầu, người ta gọi anh bằng cái tên do dân bản đặt cho là Ài-là (chàng trai út); sau này vì nổi tiếng trong đánh chiêng đám ma nên được gọi là Coóng. Với bản tính chăm chỉ, lại do hoàn cảnh côi cút, Coóng nhận làm thuê, làm mướn tất cả mọi việc từ gùi nước, vác củi đến làm nương, cày ruộng, đan lát…không kén chọn một việc nào. Trong bản có việc chung, anh không nề hà: mổ lợn, múc nước, nấu cháo, mời khách...Việc đánh chiêng cũng vậy. Lúc đầu bản thiếu người đánh, người ta gọi anh vào thay, anh cũng sẵn sàng, đánh nhiều thành thạo. Tiếng chiêng anh đánh, mang cả nỗi niềm tiếc thương chân thành với người đã khuất:“Tiếng chiêng mới đúng nhịp làm sao. Tiếng chuông ngân vọng tận trời, tiếng chuông u buồn, tiếc nuối” [32, tr.36]. Coóng sống hiền

lành, chăm chỉ, lương thiện, chân thật nhưng anh lại chết trong hoàn cảnh thật đáng thương. Sau một đêm rét ngọt, anh chết dưới gốc đa. Khi anh sống, dân bản thương yêu, đùm bọc; khi anh mất đi, mọi người đều thương nhớ. Nhưng có lẽ tình thương của những người cùng cảnh ngộ không đủ để thay đổi những số phận bất hạnh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Là người sống gần gũi, gắn bó với con người miền núi, La Quán Miên đã thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ tình cảm của mình với những số phận đau khổ, bất hạnh. Trên những vùng núi xa xôi, khuất nẻo, mỗi con người phải âm thầm vượt qua bao thử thách: bệnh tật, nghèo đói, hủ tục….Cùng với sự đổi thay của đất nước, nhiều người đã vươn lên, tạo lập được cuộc sống no ấm, hạnh phúc, cùng chung sức xây dựng bản làng; song có những số phận bị nỗi khổ đau, bất hạnh đè nặng suốt cả cuộc đời. Truyện của La Quán Miên viết về những số phận bất hạnh thường gợi nên bao điều day dứt trong lòng người đọc.

2.2.3. Người trí thức vùng cao giàu nhiệt huyết, khát khao vươn lên, mang lại hạnh phúc cho bản làng

Truyện và ký La Quan Miên - 9

Trước thực tế cuộc sống miền núi còn nhiều khó khăn về vật chất, tinh thần, kinh tế, văn hóa giáo dục...có những người trí thức dân tộc thiểu số giàu lòng nhiệt huyết, tận tâm và khao khát vươn lên, góp phần đổi mới quê hương. Hình ảnh của người người trí thức vùng cao - những người thầy giáo, thầy thuốc - được La Quán Miên tập trung phản ánh và ca ngợi trong các tác phẩm: Hai người trở về bản, Năm học đã qua.

Năm học đã qua là câu chuyện về các thầy giáo, cô giáo tận tâm với nghề. Bối cảnh của truyện là trường cấp I, II Chiềng Tộ trong những năm chiến tranh ác liệt. Con người được biểu dương là các thầy giáo, cô giáo yêu nghề, yêu trẻ, say mê học hỏi và cống hiến. Từ những thầy giáo lâu năm, giàu kinh nghiệm: thầy Văn Giả, thầy Mẫn tới những giáo viên trẻ mới ra trường như thầy Côn Mảy, cô giáo Ngân đều hết lòng chăm lo, dạy dỗ các em học sinh dân tộc miền núi.

Thầy Văn Giả là một hiệu trưởng nhiệt tình, tận tuỵ với công tác giáo dục của địa phương. Thầy luôn tìm cách khắc phục hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt để xây dựng nhà trường vững mạnh; phân công, chỉ đạo công việc sát sao. Người cán bộ quản lý đó có định hướng đúng đắn đối với công tác giáo dục của nhà trường và của địa phương: “Chúng ta phải xây dựng trường điển hình theo mô hình trường cấp I Cẩm Bình của Hà Tĩnh...Chúng ta phải đi vào mấy mũi nhọn: Một, xây dựng cơ sở vật chất. Nay mai không biết chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ sẽ ác liệt đến chừng nào. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải xây dựng trường tốt nhất trong hoàn cảnh đó. Hai, công tác bổ túc văn hóa. Ta phải mở cho được các lớp xóa mù; các lớp cán bộ, đoàn viên hoàn chỉnh cấp I. Ba, đưa lao động sản xuất vào trường học” [38, tr.11]. Tuy nhiên, trong quản lý, vì chủ quan, có khi ông đánh giá sai đồng nghiệp. Trong giảng dạy, vì lạc hậu về kiến thức, có khi ông ngộ nhận về năng lực của mình. Lúc cao hứng, ông say sưa giảng, không để ý đến thời gian và cũng không quan tâm đến cảm nhận của học trò. Có khi “trò cúi xuống bàn, bụm miệng cười, chảy nước mắt, nước mũi”, thầy tưởng trò khóc vì bài giảng xúc động v.v…Khi nhận ra hạn chế của mình, thầy Văn Giá đã “trải lòng” cùng đồng nghiệp và quyết định đi học đại học. Khi xây dựng nhân vật thầy Văn Giả, La Quán Miên đã tránh được cái nhìn đơn nhất, một chiều. Tác giả soi chiếu nhân vật từ nhiều góc độ: trong công tác quản lý, giảng dạy và trong đời sống hàng ngày. Phẩm chất của nhân vật cũng không “đơn phiến” mà có cả mặt tốt và mặt chưa tốt. Song phẩm chất tốt nổi trội hơn, lấn dần những điểm chưa tốt và trở thành phẩm chất tiêu biểu của nhân vật.

Thầy Mẫn “một người giáo viên dạy văn tài hoa, kiến thức sâu rộng, đọc nhiều, trí nhớ khác thường và ý chí học tập luôn được hâm nóng” [38, tr.29] cũng là một tấm gương sáng - một mẫu người trí thức vùng cao giàu lòng nhiệt huyết, khát khao vươn lên, mang lại hạnh phúc cho bản làng. Phẩm chất nổi bật của thầy giàu nhiệt huyết, yêu nghề, chủ động, sáng tạo trong công tác giảng

dạy. Đặc biệt, thầy có khả năng cảm hoá học trò bằng giọng đọc văn. Trong điều kiện thiếu sách giáo khoa và tác phẩm văn học, học sinh không đọc tác phẩm, thầy cho cả lớp đến sớm để nghe thầy đọc: “nghe thầy đọc một cách say mê, truyền cảm, những học sinh này lần đầu được tiếp xúc với trọn bộ tác phẩm nên bắt đầu hiểu tác phẩm đầy đủ hơn, bắt đầu có sự rung cảm thẩm mỹ về tác phẩm văn học” [38, tr.19]. Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy còn khiêm tốn, giản dị, tôn trọng và hết lòng vì học sinh thân yêu. Chính vì vậy, thầy được dân bản và học sinh tin yêu, quí trọng. Nhờ có thầy động viên, giúp đỡ, Côn Mảy đã vượt qua hoàn cảnh gia đình khó khăn để đi học trường sư phạm và trở thành người tiếp bước, thắp sáng những ước mơ cho tuổi thơ vùng cao.

Là một giáo viên trẻ vừa mới ra trường nhưng Côn Mảy đã sớm khẳng định được năng lực nghề nghiệp của mình. Trong cuộc sống hàng ngày, anh khiêm tốn, giản dị, quan tâm tới đồng nghiệp. Trong công việc, anh là người thẳng thắn. Trong buổi họp chuyên môn đầu tiên được tham dự, anh đã mạnh dạn trình bày suy nghĩ của mình khi tổ trưởng bộ môn phân công anh dạy lớp cuối cấp: “Tôi mới ra trường, kinh nghiệm còn ít (…). Tôi e là không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” [38, tr.23]. Anh thẳng thắn nhận xét và góp ý kiến về nhược điểm trong giờ dạy của một đồng nghiệp: “Còn trường hợp của cô Nga tổ trưởng, theo tôi là bài dạy chưa đạt. Mỗi tiết dạy kết cấu lỏng lẻo, không có trọng tâm, có chỗ sai kiến thức” [38, tr.83]. Những nhận xét, góp ý thẳng thắn đó của Côn Mảy không mang tính cá nhân mà xuất phát từ mong muốn đồng nghiệp nhận ra hạn chế, sửa chữa để có những bài giảng tốt hơn. Anh là người có khả năng, tinh thần trách nhiệm cao và có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, trong công tác chủ nhiệm. Để tạo điều kiện cho học sinh được đọc sách, anh bỏ tiền riêng gây dựng “Tủ sách Măng Rừng”. Anh hướng dẫn các em cách đọc sách, cách ghi chép sổ tay văn học. Có người cho là anh “chơi trội”, nhưng vì học sinh, anh sẵn sàng bỏ qua những dị nghị đó. Thấy học sinh phát âm sai, anh đi sâu tìm hiểu tiếng địa phương để giúp các em cách sửa lỗi.

Nghe tin Mỹ sẽ ném bom bắn phá, nhà trường phải sơ tán, Côn Mảy cùng đồng nghiệp dốc lòng, dốc sức lo dựng lớp, dựng lán cho học sinh. Anh tận tình chăm lo bồi dưỡng cho các em học sinh có năng khiếu văn học.v.v.... La Quán Miên đã mượn suy nghĩ của một nhân vật trong tác phẩm (cô giáo Ngân) để ca ngợi nhiệt tình, lòng yêu nghề, ý chí, khát vọng vươn lên của người trí thức trẻ : “Anh nung nấu ý chí sẽ học lên nữa. Mục đích sống của anh là nhận thức và truyền thụ những kiến thức cho học sinh. Cuộc đời anh như mải miết đi theo con đường hun hút, gập ghềnh, chông gai mà đầy ma lực vô tận ấy nên hầu như anh quên cả mình, quên cả những quyền lợi vật chất…” [38, tr.132].

Số nhân vật trí thức miền núi trong sáng tác của La Quán Miên chưa nhiều, cũng chưa có nhân vật nào thật “đầy đặn”, sắc nét. Song hình ảnh những người trí thức miền núi giàu nhiệt tình, tâm huyết, có khát vọng vươn lên như bác sĩ Vi Nhôn (Hai người trở về bản), thầy Văn Giả, thầy Mẫn, thầy Côn Mảy (Năm học đã qua) tiêu biểu cho sự trưởng thành của con người miền núi trong hoàn cảnh mới. Trí tuệ, công sức của họ trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế đã góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của miền núi, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước ta.

* Tiểu kết chương 2:

Gắn bó miền núi, La Quán Miên tự hào về phong cảnh thiên nhiên và phong tục truyền thống của quê hương; tự hào về những con người chung vai, chung sức xây dựng bản làng. Có điều kiện hiểu biết sâu sắc về miền núi, ông đã phản ánh sinh động cuộc sống của quê hương trong tác phẩm của mình. Qua những trang viết chân thực, cụ thể, nhà văn đã mang đến cho người đọc những hiểu biết bổ ích, lí thú về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Bên cạnh đó, La Quán Miên cũng mạnh dạn phê phán những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mê tín còn tồn tại dai dẳng trong đời sống tinh thần của đồng bào miền núi cao; bộc lộ nỗi băn khoăn, day dứt trước những vấn đề về môi trường, về lối sống, nhân cách, phẩm chất của con người trong cuộc sống hiện đại

v.v…Tuy chưa có được những tác phẩm thật dày dặn, chưa xây dựng được những nhân vật mang tính điển hình cao hoặc phản ánh những vấn đề mang tính “đột phá” về miền núi, song truyện và ký của La Quán Miên cũng đã góp phần tô đậm bức tranh chung về miền núi trong văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam; các tác phẩm của nhà văn đã góp phần tạo nên một mảng đặc biệt với sắc màu riêng trong bức tranh chung, đó là cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái và các dân tộc anh em ở khu vực Bắc Trung Bộ nước ta.

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 27/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí