lấy tay vốc nước, rửa chân” với quan niệm rửa chân sạch sẽ để lên nhà, để bắt đầu một cuộc sống mới, hạnh phúc. Qua đây, chúng ta biết thêm những nét đẹp, độc đáo trong phong tục cưới xin và trang phục truyền thống của người Thổ.
Trong việc tổ chức tang ma cho người chết của người Thổ cũng có những nét khá đặc biệt: quàn xác trong nhà; đưa hồn ma dạo chơi quanh làng, đưa đi thăm những người thân quen, đưa xác đến bến nước gội đầu lần cuối cùng trước khi về thế giới bên kia. Trên đường đưa hồn ma đi chơi, các chỗ nghỉ có cuộc thi vật, múa sư tử diễn ra xung quanh cái nhà mồ: “Một cặp người lớn và một cặp trẻ con. Tiếng trống lên rộ rã. Các đô vật buộc khăn đỏ, giằng tay nhau, xoay vòng, cúi xuống, đứng thẳng lên, nhất nhất đều theo nhịp trống…làm hồn ma vui” [38, tr.154]. Khác với người Kinh, người Thổ không có tục bốc mả bởi họ quan niệm chết về với đất, cần được yên cho nên họ chỉ đi thăm mồ mả dịp gần Tết hoặc dịp đi chôn người chết, phát cây cỏ, đắp đất, thắp nhang. Bằng việc miêu tả kĩ lưỡng nhiều phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, La Quán Miên đã đem đến cho người đọc những hiểu biết mới về phong tục tập quán của người dân miền núi với nhiều nét đặc sắc và độc đáo.
Nhưng đằng sau những phong tục tập quán tốt đẹp thì nhiều tư tưởng, quan niệm lạc hậu, mê tín của người dân miền núi vẫn âm thầm, dai dẳng tồn tại, cản trở cuộc sống. Là một trí thức miền núi, có điều kiện “nhìn xa trông rộng”, La Quán Miên đã nhận thấy những mặt tồn tại đó và phản ánh trong các tác phẩm: Một cú nhảy, Đẻ giấu, Chuyện trong nhà anh Chai-tọc, Anh tôi ngày gặp lại, Người ở Then Nà xuống…Trong truyện Một cú nhảy, dù đã có năm đứa con gái nhưng nhân vật Ài-khảng-tô linh vẫn thực hiện “một cú nhảy” để có được đứa con trai nối dõi nếu không “chết vẫn không yên lòng”. Nhưng thật trớ trêu cho anh, cú nhảy đó lại là “cú nhảy trượt” để rồi kết thúc tác phẩm là hình ảnh đầy xót xa“Ài-linh nhìn sáu đứa con gái với người vợ nằm liệt giường rồi nhìn lên ngôi nhà siêu vẹo và kêu lên một tiếng rồi ôm lấy đầu” (Một cú nhảy). Chính vì chưa có đứa con trai, anh Chai-tọc (Chuyện trong
nhà anh Chai-tọc) đã đổ lỗi cho vợ không biết đẻ và lao vào con đường rượu chè, chơi bời, làm cho hạnh phúc gia đình rạn nứt. Khi người vợ sinh cho anh đứa con trai, tưởng chừng gia đình hạnh phúc, vui vẻ trở lại nhưng ngờ đâu một người phụ nữ Mường chợ bồng con trai đến và đòi tổ anh tổ chức lễ cưới. Kết quả, cả hai người phụ nữ đều ra đi và để lại cho anh hai đứa con trai trong ngôi nhà trống vắng, lạnh lẽo. Cũng chính tư tưởng cổ hủ, lạc hậu đó mà nhân vật Ài-là-pỏm-pò (Đẻ giấu) đã đẩy vợ mình đến cái chết oan uổng. Qua số phận nhân vật, La Quán Miên đã thể hiện tư tưởng phê phán quan niệm lạc hậu trong tình yêu và hôn nhân, phê phán tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người dân miền núi.
Việc lợi dụng phong tục, lòng tin của đồng bào miền núi để mưu lợi của một số thầy mo, thầy cúng cũng là điều mà La Quán Miên và nhiều nhà văn dân tộc thiểu số nghiêm khắc phê phán. Ví dụ như việc lợi dụng tục buộc vía. Buộc vía là phong tục của một số dân tộc như: Thái, Mông…Người ta làm vía khi ốm đau bệnh tật, khi đi xa trở về, làm vía khi cô gái trước khi về nhà chồng, buộc vía cho con rể, buộc vía cho khách quí…để cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với người được làm vía. Nhưng không ít người lại tin tưởng một cách mù quáng để rồi bị thầy mo, thầy cúng lợi dụng. La Quán Miên cũng quan tâm tìm hiểu và phản ánh sâu sắc tình trạng này. Không có lập trường và cả tin vào những lời bàn tán của những người xung quanh, người vợ (Anh tôi ngày gặp lại) lần lượt mời thầy mo, thầy bói về nhà cầu mong chữa khỏi bệnh cho chồng: “Con lợn tạ trong chuồng được bắt ra chọc tiết. Chum rượu trong nhà được mở ra, cắm vòi vào. Cả bản, người già, trẻ em đến chật nhà. Thầy mo mấy ngày ê a não nuột khải cúng (…). Trong chuồng còn lại con gà, con vịt cũng được bắt ra hết. Trong nhà có cái chéo, cái vò rượu nào cũng được bưng ra. Khi đã no say, thầy bói mới cúng, vái, thắp hương, xem mạch đất, hướng nhà, xem từng cái cột xà nhà…” [33, tr.14-15]. Nhưng tiền mất tật mang, bệnh tình của chồng không thuyên giảm, nhà cửa tan hoang, tiêu điều. Người mẹ (Người ở mường Then-nà xuống) cũng tin rằng việc
việc buộc vía sẽ giúp con trai mình khỏi được chứng bệnh đau đầu, ù tai, hoa mắt. Những cổ hủ, lạc hậu, mê tín đó cũng được phản ánh trong nhiều truyện ngắn khác của các nhà văn dân tộc Thái: Nỗi bực của y sĩ Pằn (Sa Phong Ba), Bốc vía (Kha Thị Thường), Xuống núi (Vi Hợi)... Sự nhẹ dạ, cả tin, tâm lí hoang mang chính là môi trường thuận lợi để những tên thầy mo như Lầu Nhia Xừ (Xuống núi), lão thầy cúng Tằng (Nỗi bực của y sĩ Pằn) dùng những thủ đoạn xảo trá, lừa mị, ra sức vơ vét, kiếm chác bất chính. Nhà có người ốm, tên thầy mo Lầu Nhia Xừ bắt giết trâu, mổ lợn, dâng bạc nén...để cúng đuổi ma. Khi không khỏi, lão phán con bệnh bị ma ám quá nặng, phải đánh vào người để con ma chạy đi. Chính sự thiếu hiểu biết, cả tin vào lời Lầu Nhia Xừ, ông Vừa Bá Lỳ đã đánh con mình đến chết. Nạn mê tín ấy cũng dễ dàng cướp đi sinh mạng của Miêng trong truyện ngắn Bốc vía (Kha Thị Thường). Sự tin tưởng mù quáng và thiếu hiểu biết, bố Miêng bất chấp những lời khuyên của dân bản đưa chị đến trạm xá tiêm thuốc. Bởi ông cho rằng: “Bỏ những cái đó vào người chỉ tổ đau, khéo lại chết, mất tiền nữa, ở nhà cúng con ma là khỏi” [70, tr.126]. Nhưng sau bao ngày cúng ma của thầy mo, Miêng vẫn ra đi. Điều khiến người đọc chú ý trong truyện ngắn này chính là tình yêu thương, lo lắng và đau xót của thằng Tun - đứa em trai Miêng. Kha Thị Thường đã để cho Tun nghi ngờ, phản kháng như bản tính của đứa trẻ con: “...lần này là lần thứ ba ảnh cúng ma cho Miêng. Nó bắt đầu nghi ngờ là không có con ma, vì càng ngày chị Miêng càng ốm nặng. (…). Thằng Tun không tin sợi chỉ đen buộc nổi hồn lìa khỏi xác. Chị Miêng nó đấy, vừa buộc xong buổi tối, sáng mai đã tắt thở. Vậy người ta bốc vía làm gì?” [70, tr.130]. Như vậy, tư tưởng bảo thủ, lạc hậu trong nếp nghĩ, cách nhìn đã và đang tồn tại trong đời sống của người dân miền núi. Đây cũng là một lực cản lớn trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi, làm sai lệch ý nghĩa tốt đẹp trong phong tục, hòng chuộc lợi cho bản thân cần phải phá bỏ. La Quán Miên và nhiều nhà văn dân tộc thiểu số đã cùng đồng bào mình tích cực nhận thức và xóa bỏ dần rào cản đó để hòa nhập vào cuộc sống mới của đất nước.
Nhờ vốn sống thực tế giàu có, phong phú, lại có quá trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, phong tục của người dân miền núi một cách công phu, La Quán Miên đã thể hiện chân thực, sinh động phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là phong tục của đồng bào dân tộc Thái. Những phong tục tập quán đó một mặt làm tăng sức hấp dẫn của tác phẩm, mặt khác nó là sự minh chứng cho sự hiểu biết sâu rộng của tác giả về đời sống văn hóa miền núi. Bên cạnh tình yêu quê hương, niềm tự hào về những phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa của người dân miền núi như: mời chào, đón khách, cưới xin, tang ma, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa ẩm thực,... nhà văn đã mạnh dạn phê phán những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ, mê tín còn tồn tại dai dẳng trong đời sống của người dân miền núi và giúp người đọc hy vọng vào sự đổi thay.
2.1.3. Những dấu tích lịch sử trên đất Nghệ An
Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta hiện nay, thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tộc người cùng chung sống như: Thái, Kinh, Thổ, Mường, Khơ mú, Ơ đu, Đan Lai, Sán Dìu…Nghệ An được mệnh danh là nơi “Địa linh nhân kiệt”; có truyền thống lịch sử, văn hóa đáng tự hào.
Với tình yêu và niềm tự hào sâu sắc về truyền thống chống giặc ngoại xâm của quê hương, La Quán Miên đã lấy những sự kiện lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo làm nguồn cảm hứng sáng tác của mình. Qua các tác phẩm: Núi Pu-chẹ, hồ Chiết-chai, Dìm quân Minh xuống dòng sông Nặm Huống, Mảnh đất mà tôi đã sống,…độc giả có dịp hiểu biết thêm về sự kiện, nhân vật và những di tích lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Như chúng ta biết, đầu thế kỉ XV, đất nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Sau khi chiếm được nước ta, chúng đổi nước ta thành quận Giao Chỉ, coi như một quận huyện của chúng. “Quân cuồng Minh” đã thực hiện âm mưu đồng hóa dân tộc ta, ra sức vơ vét của cải, bóc lột nhân dân vô cùng tàn bạo. Qua truyện ngắn Cầm Quý và Nhả Póm, ngòi bút của La Quán Miên gợi lại một thời kì đau thương của dân tộc:“Nhà Minh bắt nhân dân ta khai mỏ vàng, săn voi
Có thể bạn quan tâm!
- Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Sáng Tác Của La Quán Miên
- Quá Trình Tiếp Xúc Với Văn Nghệ Sĩ Và Giới Nghiên Cứu, Phê Bình Văn Học
- Phong Tục Tập Quán Của Đồng Bào Các Dân Tộc Thiểu Số Nghệ An
- Những “Va Đập” Của Đời Sống “Kinh Tế Thị Trường” Đối Với Người Dân Miền Núi
- Những Con Người Có Số Phận Bất Hạnh, Khổ Đau
- Người Trần Thuật Là Người Tham Gia, Chứng Kiến Các Tình Tiết, Sự Kiện
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
trắng, mò hạt trân châu, cấm dân ta nấu muối riêng, nộp cống hươu trắng, rùa chín đuôi, vượn bạch, trăn to, nơi nơi thiếu đói…” [45, tr.57], “Chúng mang khí giới, bắt bớ, đánh đập bất cứ ai chúng gặp trên đường” [46, tr.87]. Ngoài ra, chúng tiến hành bắt lính “Trong đám lính cũng có một số người Kinh, người Thái. Họ phải canh gác vòng ngoài, phải đốc thúc đi thu lâm sản, chậm trễ hoặc làm trái lệnh là Xấc Hản quát nạt, đánh đập. Có người liều trốn bị bắt chém đầu” [46, tr.88]. Dưới ách đô hộ của nhà Minh, nhân dân ta đã vùng lên đấu tranh. Lê Lợi đã tập hợp anh hùng hào kiệt bốn phương và những người yêu nước khắp nơi để tiến hành khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Khởi nghĩa Lam Sơn đã nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động khắp miền núi Thanh Hóa. Tháng 10 năm 1424, sau khi ta giành thắng lợi giòn giã trong cuộc tấn công vào đồn Đa Căng (Thọ Xuân – Thanh Hóa), nghĩa quân Lam Sơn tiến quân vào Nghệ An theo kế hoạch vạch ra trước đó. La Quán Miên đã đi sâu tìm hiểu và tái hiện tình thế, diễn biến và kết quả của cuộc khởi nghĩa trên đất Nghệ An: “nghĩa quân mai phục ở Bồ Lạp, giết chết đô ty Trần Trung và trên 2000 quân, thu hơn 100 ngựa” [45, tr.56]. Nghĩa quân cũng chủ trương phải chiếm được thành Trà Long (còn gọi là thành Trà Lân). Thành Trà Lân nằm bên bờ sông Lam nối liền miền núi rừng với vùng đồng bằng và trên đường thượng đạo chạy qua miền Tây Nghệ An, hạ được thành Trà Lân có thể khống chế cả miền núi rừng phía Tây Nghệ An từ đây uy hiếp thành Nghệ An. Thành Trà Lân là nơi tên tù trưởng Cầm Bành lập sơn trại để chống nghĩa quân Lam Sơn. Tháng 10 - 1424, quân Lam Sơn bắt đầu vây thành Trà Long, và tìm cách chiêu dụ Cầm Bành. Sau hơn hai tháng bị vây hãm, không có cứu viện, “lương thực trong thành đã cạn, quân lính hoang mang cực độ, nhiều người đã trốn ra đầu hàng nghĩa quân” [45, tr.56], Cầm Bành buộc phải đầu hàng. Những chiến công được tái hiện qua trang viết của La Quán Miên giúp người đọc cảm nhận rõ hơn khí thế chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân chúc chẻ tro bay” được Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo.
Trong cuộc chiến vô cùng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của khởi nghĩa Lam Sơn, những người con của vùng miền núi Nghệ An đã sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn làm nên chiến thắng. Đó là Cầm Quý – một tù trưởng người Thái trước đây giữ chức tri phủ châu Ngọc Ma của địch - đã đem 8.000 quân và 10 voi chiến xin tham gia cuộc khởi nghĩa. Sự kiện lịch sử này cũng được La Quán Miên phản ánh trong truyện ngắn Cầm Quý. Đây là những lời kêu gọi thiêng liêng của người tù trưởng Cầm Quý: “Hỡi nghĩa binh “áo đỏ” châu Ngọc Ma của ta! – Cầm Quý nhảy lên bờ hô lớn: Hãy chuẩn bị cho ta
8.000 quân 10 voi chiến để ta xin đi theo Lê Lợi. Từ nay ta không cần chức Tri phủ châu Ngọc Ma nữa! Hỡi các nghĩa binh mặc áo Xửa Pháng! Hãy tham gia nghĩa quân Lam Sơn để giải phóng bản mường quê hương Đại Việt của chúng ta khỏi ách áp bức của bọn Xấc Hản” [45, tr.60]. Cô gái bản bản Tín Pu (mường Khủn Tinh) bị giặc bắt lên đồn làm phục dịch đã dũng cảm, mưu trí kết hợp với một đội quân của nghĩa quân Lam Sơn tấn công tiêu diệt đồn Pu Chẻ trên núi Pu Xúng: “vào một đêm khuya tối, khi cô gái bản Le đã buộc chặt bao cho quân Minh ngủ say, thì đội quân bảy người đã bắt đầu xuất trận. Họ từ trong rừng Hẻo May bí mật tiến ra, chớp nhoáng diệt gọn cái đồn lẻ bản Đôn không cho một tên chạy thoát nên bọn giặc ở núi Pu-chẹ không hay biết gì. Sau đó, đội quân nhanh chóng vượt sông Nặm Huống, tiến lên Pu-chẹ bằng hai con đường qua bản Le, bản Luốm và núi Màng Khùng dưới sự ủng hộ của trai tráng, dân bản. Đội quân hạ gọn đồn Pu-chẹ, tiêu diệt bốn, năm chục quân Minh” [33, tr.24]. Để ghi nhớ công lao của cô gái bản Tín Pu, nhân dân đặt tên cô gái là “Nhạ Póm”. La Quán Miên sưu tầm và ghi lại những sự tích anh hùng này từ lời kể dân gian lưu truyền lâu đời trên đất Nghệ An.
Là người có vốn sống và sự am hiểu lịch sử sâu sắc, nhà văn La Quán Miên đã giới thiệu đến độc giả những dấu tích lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như: di tích Bãi Dinh, núi Pu-Chẹ, hồ Chết-Chai. Trong bài ký Một lần đến Bãi tập Lê Lợi, tác giả đã giới thiệu tỉ mỉ về di tích Bãi Dinh: “Di
tích Bãi Dinh là doanh trại của nghĩa quân Lam Sơn xây dựng nên sau trận thắng ở Bồ Đằng (Quỳ Châu) để luyện tập binh sĩ, chuẩn bị tiến về đánh trận Trà Lân (Con Cuông)”, “Bãi Dinh thuộc làng Dinh Thượng và Dinh Hạ. Bãi Dinh nằm bên đường “thượng đạo”, vốn là trạm dịch của giao thông cổ. Dinh Thượng nay còn cánh đồng gọi là Đồng Trạm (nằm bên cạnh đường 48). Lê Lợi đã đóng quân và lập doanh trại ở đây. Phía Bắc là Bãi Tập kéo dài từ cột 57 đến 59 của đường 48. Dinh Thượng còn di tích thành lũy hình thang vuông, đáy dài 290 mét, đáy ngắn 220 mét, cạnh vuông 61,5 mét. Mặt kia của thành dựa vào sườn núi, không đắp lũy. Dinh Hạ còn ngôi miếu thờ Khâm quận công là người địa phương phò tá Lê Lợi…” [33, tr.35]. Nhiều địa danh khác đã được nhà văn tìm hiểu, khám phá và truyền tải đến người đọc. Ngọn núi Pu Xúng được gọi là núi Pu Chẻ (tức núi có đồn lũy giặc). Nhân dân gọi hồ nước sâu trong rừng Hẻo May là Nóng Chết Chai (tức hồ Bảy Chàng Trai) để ghi nhớ công lao của những chàng trai theo nghĩa quân Lam Sơn đánh đồn nhà Minh trên núi Pu Chẻ. Ngày nay, vào ngày 20 tháng 8 âm lịch của người Thái, nhân dân làm lễ Cắm Phạ Ky Mọc (lễ ăn chay, ăn kiêng) để tỏ lòng nhớ ơn bà Nhạ Póm và bảy chàng trai đã có công đánh giặc Minh đem lại sự bình yên cho bản làng.v.v…
Qua các tác phẩm viết về sự kiện lịch sử và những dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vừa đậm chất ký, vừa giàu chất văn, người đọc được bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa và cảm xúc thẩm mỹ văn chương. Những truyện, ký viết về truyền thống lịch sử của La Quán Miên đã thể hiện sâu sắc tình yêu tha thiết, niềm tự hào về quê hương của nhà văn, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, ý thức dân tộc trong mỗi con người Việt Nam.
2.1.4. Một số đổi thay không thuận chiều
2.1.4.1. Tình trạng tàn phá môi trường tự nhiên
Khi tìm hiểu về hiện thực đời sống miền núi, La Quán Miên đã chú ý tới mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Trong cảm nhận của nhà văn, thiên nhiên vừa là môi trường sống, vừa là người bạn gắn bó với mỗi người
dân miền núi. Nhưng nhà văn nhận thấy một thực tế, môi trường tự nhiên đang bị con người tàn phá một cách tàn nhẫn. Qua tác phẩm, nhà văn muốn gióng lên tiếng chuông cảnh báo với mọi người. Đây là một vấn đề được rất nhiều nhà văn miền núi quan tâm phản ánh (Cao Duy Sơn, Đoàn Lư, Hà Thị Cẩm Anh, Hlinh Niê, Nông Văn Lập, Đoàn Ngọc Minh…).
Trong truyện và ký của La Quán Miên, chúng ta thấy rất rõ quan hệ giữa con người với thiên nhiên và quy luật nhân quả của mối quan hệ đó. Mặt thứ nhất của quy luật nhân quả trong quan hệ con người – tự nhiên: báo ân. Nếu con người sống hòa hợp, tôn trọng, bảo vệ môi trường tự nhiên thì sẽ được thiên nhiên che chở, nâng đỡ và cuộc sống luôn được bình an. Để thể hiện mối quan hệ đó, trong một số tác phẩm, tác giả đã nhân cách hóa những con thú hoang dã thành những nhân vật mang tình cảm, giúp đỡ hoặc báo đáp ơn nghĩa của con người. Con hổ (Tình yêu của hổ) dành tình yêu cho cô Xáo- ngam người đã từng cứu hổ bị mắc bẫy; Con lợn lòi che chở vợ chồng Ỏn Khọn trước sự tấn công của con hổ dữ (Con lợn nòi). Môtíp nhân vật thú hoang không mang bản tính hung bạo mà biết phân biệt phải trái, biết đền ơn trả nghĩa những con người tốt bụng đã từng phổ biến trong văn học Việt Nam. Truyện Con hổ có nghĩa (truyện trung đại Việt Nam) kể về bà đỡ Trần ở Đông Triều được con hổ bố tặng hơn mười lạng bạc để trả ơn đã đỡ đẻ cho hổ mẹ; tiểu thuyết Rừng thiêng (Hoàng Thế Sinh) kể chuyện con hổ thọt bất ngờ cứu thằng bé con của Đam trong cơn lũ như một sự đền đáp, trả ơn việc Đam ngăn cản không cho giết hổ năm xưa.v.v… Sự báo ân, báo oán trong các tác phẩm này tuy kỳ ảo, hoang đường nhưng lại phản ánh đúng bản chất mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Tiếp nối môtíp đó, La Quán Miên đã có những truyện ngắn hấp dẫn, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của độc giả, tiếp cận kịp thời với một vấn đề có tính thời sự của đời sống.
Ở mặt thứ hai - báo oán: nếu con người đối xử tàn nhẫn, can thiệp thô bạo vào giới tự nhiên sẽ phải chịu những hậu quả do chính bản thân mình gây