thiên nhiên miền núi không chỉ đẹp vì có hoa mai, hoa mận, hoa đào - những loài hoa quen thuộc của mùa xuân - mà qua ngòi bút của nhà văn, ta còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ hương sắc của những loài hoa lạ: “Hoa boọc khíu đã nở đầy bãi, trong rừng hoang. Loại hoa nở trắng, tím từng cụm, từng cụm như bông vải. Loại hoa tinh khiết dân dã, mộc mạc, chẳng mùi thơm mà vẫn gần gũi, thân thuộc lạ thường”; “đồi gianh, đồi lau, bông nở trắng rừng bản Le, bản Luốm” (Bản nhỏ tuổi thơ) [36, tr.128]; “Đây đó, hoa boọc pháng đã nở đỏ, le lói trong rừng cây. Hoa cờ mạ cũng đã nở những chùm đầu tiên, vàng đỏ, xòe từng búp, từng búp ở trên cao. Ven rừng, rừng suối, hoa xày cảy đã buông xuống những chuỗi đầu tiên, gọi bướm đến rập rờn” [36, tr.142]. Mưa xuân giống như chiếc đũa thần kì diệu làm bừng lên sức sống của thiên nhiên:“Những đợt mưa bụi, giăng giăng trên núi, trên rừng, trong nhà, trên mái nhà. Mưa lẹt đẹt trên lá, trên cỏ. Ngoài đồng, lúa cấy đã xanh, được mưa càng xanh non, xanh thẳm…khói bếp ngày đêm vần vụ, lan tỏa trên mái nhà” [36, tr.139]. Xuân qua, hè đến, trời nắng sáng, lúa ngả sắc vàng, tiếng ve râm ran làm không gian rừng núi tưng bừng âm thanh, màu sắc: “Ngoài đồng lúa đã chớm vàng. Tiếng ve đã râm ran trong rừng núi Phá Luốm. Rồi tiếng ve lan sang rừng Pả Đông” [36, tr.142].
Trong sáng tác của Cao Duy Sơn, người ta từng gặp “bức tranh” mùa thu tràn ngập sắc vàng và hương vị cỏ cây: “Làn gió cuối thu dịu dàng lướt trên đồng cỏ đưa theo những chiếc lá vàng khô trượt đi trong không gian đầy nắng”; “trời thu yên tĩnh, một làn gió nhẹ lướt qua bãi cúc dại nở vàng khắp chân đồi, lùa quanh thung lũng một mùi hương dịu dàng hoang dã...cái hương ngầy ngậy đăng đắng đó len cả vào cánh đồng cỏ đã bắt đầu se khô” [58, tr.91]. Khung cảnh mùa thu “dịu dàng” với trời thu “yên tĩnh”, “gió nhẹ”, “cúc vàng”.v.v…khiến bức tranh của Cao Duy Sơn tổng hợp được nhiều hình ảnh, trạng thái chung của khung cảnh mùa thu miền núi phía Bắc nước ta. Cũng miêu tả mùa thu, La Quán Miên chú ý nét riêng của cảnh sắc mùa thu núi rừng miền
Tây Nghệ An với những sắc thái riêng, trạnh thái thiên nhiên có vẻ nồng đậm:“khí trời lành lạnh. Tiết trời hanh hao. Ban ngày nắng, nắng vàng, mà trong nhà, dưới bóng cây, trong hẻm núi vẫn lành lạnh. Ngày mặc áo cộc tay, lại có thể tắm suối, tắm sông, đêm phải trải đệm, đắp chăn. Sáng, chiều, mặt sông, suối, ao, hồ dâng lên một làn sương mỏng. Khói bếp lên vần vũ với khói núi. (…). Nắng vàng ấm xua tan sương khói, đẩy bầu trời lên cao vời vợi, xanh thẳm. Những cơn gió từ phía núi Pu Hém thổi tới xào xạc trong những đám lau, lành lạnh lùa trong áo…Buổi trưa nắng vàng rực ngoài đồng lúa, trên nương rẫy…” [36, tr.122]. Với một tâm hồn hết sức nhạy cảm, không gian trời đất, núi rừng ở mỗi thời điểm trong ngày đã được tác giả cảm nhận và miêu tả bằng nhiều giác quan. Nhà văn không chỉ cảm nhận bằng thị giác, thính giác mà còn cảm nhận bằng cả xúc giác, vị giác, khứu giác. Khí trời “lành lạnh”, tiết trời “hanh hao”, ngày nắng, đêm lạnh, khói bếp “vần vũ với khói núi”, bầu trời “cao vời vợi”, gió xào xạc, nắng “vàng rực” trên nương rẫy ngoài đồng…đã tạo nên bức tranh đặc trưng cho thiên nhiên vùng đất gần với “gió Lào cát trắng”.
Khi đến Nghệ An, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của động Thằm Bua thuộc xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu. Tên động được gọi theo tên cánh đồng Na Bua (ruộng sen) và bản Bua ở gần đó. La Quán Miên như một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu thắng cảnh quê hương mình: “nằm trong lòng núi đá Phá Nhảng một vách đá bằng phẳng, đứng sừng sững, hướng về phía tây. Trên vách đá, sườn núi là nơi quần cư của chim chóc, ong bướm, cây cảnh, muông thú” (Động Thằm Bua và hội xuân) [34, tr.91]. Hang ngoảnh mặt về phía Tây, trước cửa hang là “một bãi bằng trải rộng mênh mông hàng mấy chục mét vuông; phía tây bắc là “các cánh đồng Na Bua, Na Hạ…bao la bát ngát”[34, tr.94]. Trong hang lung linh vẻ đẹp tự nhiên kì thú: “khiến du khách như lạc vào cõi Mường Trời” [34, tr.95].
Qua ngòi bút La Quán Miên, không gian bản Chiêng Đôn (Bản nhỏ tuổi thơ) được miêu tả rất kỹ lưỡng, sống động với những màu sắc, âm thanh, hương vị và cũng gợi không khí về một xứ sở vừa xa xôi, bí mật lại vừa gần gũi. Bản
nhỏ chỉ có hai dãy nhà sàn làm bằng tranh tre, nứa lá, quay mặt vào nhau. Bãi Tả Huống rậm rạp với các loại cây khác nhau như: cây bớp bớp cao ngợp mắt, những bụi gai cỏ thẹn bò khắp nơi, những cây cỏ mến cao bằng cái sào, những môn cạn búp quả chín đỏ, những cây có đưa chi chít quả, những cây pô thân mền, bẹ lá rộng, sực nức mùi thơm ngai ngái. Bên dưới bản là bãi Kăng Kẹt với rừng cau, dừa, bưởi và những cây phô thẳng đuột, cao vút, cành xòe ngang, lá rộng, quả to bằng nắm tay trẻ con; những cây thị cổ thụ, vỏ xù xì; những cây lát to bằng mấy người ôm…Dòng sông Nậm Huống mang vẻ đẹp trữ tình, nên thơ, gắn bó với sinh hoạt của con người: “Con suối hiền hòa, róc rách chảy từ trên núi xuống”, “uốn mình lượn quanh bản, rồi chảy xuôi” [33, tr.5], “mùa đông, mùa xuân, nước trong vắt có thể nhìn thấy đá cuội dưới đáy…Mùa lũ nước đục ngầu. Mùa nước cạn, dòng Nậm Huống người lớn lội qua được. Người ta đắp “lỉ”, gài “đó”, gài “đăng”, hoặc “ngồi chíp” để bắt cá” [36, tr.7]. Dòng Nậm Huống còn in dấu bao kỉ niệm tuổi thơ hồn nhiên của tác giả:“thi nhau ngụp lặn, đuổi bắt nhau, khoát nước vào nhau hoặc thi lặn”. Cũng qua ngòi bút của nhà văn, phong cảnh thiên nhiên, bản làng như ôm ấp, bao bọc lấy nhau: “bản nằm dài theo chân núi đá. Núi xanh um, sương khói bảng lảng. Nhà sàn từng dãy, từng dãy, ngôi nào cũng đẹp. Xen giữa các nhà là những bóng cau, bóng dừa sai quả. Ngoài bản, phía bờ sông là một cánh đồng lúa xanh, rậm rạp che kín các bờ. Xa xa, dòng Nậm Huống chảy nặng phù sa…” [36, tr.116].
Bức tranh phong cảnh miền núi tươi đẹp như vậy xuất hiện trong nhiều tác phẩm của La Quán Miên. Người đọc có thể nhận thấy cái nhìn ấm áp và cảm quan tươi sáng của nhà văn khi quan sát, miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên. Bằng tâm hồn nhạy cảm, tình yêu quê hương và cái nhìn có nhiều khám phá, La Quán Miên đã đem đến cho bạn đọc những ấn tượng sâu đậm về thiên nhiên núi rừng quê hương.
2.1.2. Phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An
Phong tục “là những thói quen ăn sâu vào trong đời sống xã hội từ lâu đời được đại đa số mọi người thừa nhận và làm theo” [66, tr.143]. Cùng với
thời gian, phong tục tập quán đã thấm sâu vào đời sống sinh hoạt của một cộng đồng và tạo nên những giá trị văn hóa tinh thần ổn định. Nó chi phối mọi hành vi ứng xử của con người với tự nhiên, xã hội và làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện và ký La Quan Miên - 3
- Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Sáng Tác Của La Quán Miên
- Quá Trình Tiếp Xúc Với Văn Nghệ Sĩ Và Giới Nghiên Cứu, Phê Bình Văn Học
- Những Dấu Tích Lịch Sử Trên Đất Nghệ An
- Những “Va Đập” Của Đời Sống “Kinh Tế Thị Trường” Đối Với Người Dân Miền Núi
- Những Con Người Có Số Phận Bất Hạnh, Khổ Đau
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
Là người am hiểu và say mê nghiên cứu văn hóa, trân trọng, yêu mến, tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc Thái và một số dân tộc anh em khác: H’mông, Khơ mú, Ơ đu,…La Quán Miên đã có nhiều trang viết thành công về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng chung sống trên mảnh đất miền núi Nghệ An. Đó là những phong tục truyền thống: tục lệ ở rể, cưới xin, ma chay, mời chào đón khách, uống rượu thăm nhau, đi săn…và những phong tục tín ngưỡng như: lễ mừng tiếng sấm đầu năm, lễ Cắm Phạ Ky Mọc, lễ mừng cơm mới, cúng con trâu, cúng Bà Bếp…Nhà văn còn giới thiệu với bạn đọc những làn điệu dân ca Thái (Nhuôn, Lăm, Xuối), những nhạc cụ dân tộc (sáo Pì nhuôn, đàn Xí Lo, cồng chiêng)...Những phong tục tập quán của mỗi dân tộc được nhà văn tái hiện rất sâu đậm trong sáng tác của mình.
Trong giao tiếp, đồng bào Thái Nghệ An, khi có khách đến nhà, chủ nhà giơ hai tay song song ngang ngực, lắc lắc bàn tay chào và tiếp khách bằng trầu cau, rượu cần: “Bố tôi thấy khách đến cũng vào nhà trong, buộc khăn lên đầu, rồi đi ra giữa nhà giơ hai tay song song ngang ngực lắc lắc bàn tay chào…mẹ tôi cũng bước ra chào khách. Mẹ đã mặc váy áo mới đầu đội khăn đen. Hai bên chào nhau như lúc nãy, nhưng mẹ tôi nâng tay lên thấp chỉ ngang thắt lưng, lòng bàn tay ngửa ngửa” (Bản nhỏ tuổi thơ) [36, tr.42]. Như vậy, bên cạnh những điểm chung trong cách chào của người Thái thì người phụ nữ có cách chào riêng: nâng tay lên thấp chỉ ngang thắt lưng, lòng bàn tay ngửa. Khi mời ăn cơm uống rượu, chủ nhà chấp tay, đọc bài Phái Lầu (Mời rượu, đuổi tà) rồi mời mọi người ngồi vít rượu cần. Đáp lại lời mời của chủ nhà, khách thường nói lời cảm ơn chủ nhà có lòng quý khách, dọn cơm nước mời ăn uống. Đây là lời cảm ơn của nhân vật Côn Mảy đối với gia chủ: “Chúng con ra khỏi nhà,
không mang theo cơm được, lại được ăn cơm trong mâm; không mang theo chum được, lại được uống rượu, có rượu rồi, chủ nhà lại nhường cho một chum để mời hồn vía cha mẹ, tổ tiên chúng tôi đi theo. Thật là cảm ơn quá! Cảm ơn mà không biết nói sao, chỉ muốn mời bà chủ trong nhà ra uống cùng mới yên tâm được” (Năm học đã qua) [38, tr.49].
Nét văn hóa đặc sắc của người Thái còn được thể hiện ở cách mời rượu. Người Thái quan niệm: “Uống nước thấy trời trước” (tức là “ra đời trước”, “nhiều tuổi hơn” là “có kinh nghiệm hơn”) và “Uống nước thấy trời sau” (thì ngược lại) nên khi uống rượu người trong cuộc thường mời khách quí và những người có tuổi uống trước để tỏ lòng quý khách, kính trọng bề trên. Trong cuộc rượu của người Thái thường có người đong rượu (gọi là Chàm) tức là người cầm trịch, trọng tài, người phục vụ cuộc rượu và dùng “sừng trâu” để chuyền nước vào chum rượu cần, cũng là để đo lượng rượu, đo thời gian uống nhanh hay chậm để “thưởng, phạt”. Nét văn hóa này được La Quán Miên giới thiệu trong tập truyện vừa Năm học đã qua.
Theo phong tục của người Thái, người Mường, trong những cuộc vui, buồn như tết, đám cưới, đám ma…mọi người thường cùng rượu cần và đánh cồng. Đánh cồng cũng là nét văn hóa đặc sắc, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Thái. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, đặc điểm của lễ hội mà có cách đánh cồng riêng. Thông qua tiếng cồng, người đánh cồng gửi gắm cảm xúc, tình cảm, tâm trạng của mình. Tiếng cồng cũng chứa đựng tình cảm vui, buồn của những người trong cuộc. La Quán Miên miêu tả sắc thái biểu cảm của tiếng cồng và nghệ thuật đánh cồng: “Muốn vui, đánh ngược từ cồng út đến cồng mẹ. Muốn buồn, đánh xuôi từ cồng mẹ đến cồng út. Điệu buồn có cách đánh xen kẽ, biến hóa giữa thứ tự các quả trong dàn cồng. Điệu vui cũng vậy. Đệm theo cồng, có nhịp trống cái” (Năm học đã qua) [38, tr.135]. Tiếng cồng - âm điệu quen thuộc của bản làng người Thái qua tác phẩm của La Quán Miên như có sức lan tỏa rộng hơn, đến với bạn đọc gần xa.
Trong hôn nhân của người Thái, trai gái và gia đình hai bên chuẩn bị, tiến hành rất chu đáo, cẩn thận và thường trải qua các nghi lễ: lễ dạm hỏi, lễ thăm tháng, lễ xin cưới, lễ nạp đồ dẫn cưới, lễ rước dâu. Mỗi lần nhà trai sang nhà gái thường mang theo các lễ vật quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Thái: gạo nếp, cơm lam, rượu cần, bánh nếp gói lá dong, trầu cau…Ví dụ, sau lễ dạm hỏi là lễ đi thăm tháng: “Hàng tháng, họ nhà trai và mối đều đến thăm và củng cố mối quan hệ giữa hai gia đình…Họ thường thăm vào những ngày chẵn đầu tháng (tính theo lịch Thái). Khi đến họ mang theo 12 bánh nếp gói lá dong hình sừng trâu, 2 vò rượu cần nhỏ, 40 quả cau, 2 liền trầu”(Bản nhỏ tuổi thơ) [36, tr.47]. Trong lễ cưới, khi người con gái ra khỏi buồng, ông mối nói những lời ca tụng công ơn của bố mẹ cô gái và chàng rể tặng mẹ vợ những lễ vật để tỏ lòng biết ơn: “Người ta kéo chị tôi ra khỏi buồng. Ông mối nói những lời ca tụng công ơn bố mẹ tôi đã sinh thành, nuôi dưỡng chị tôi thành người, nay đi làm dâu để tạo ra nòi giống cho nhà trai. Anh rể đeo cho mẹ tôi một cái vòng cổ, một vòng tây bằng bạc sáng, biếu một đĩa trầu, một tấm vải để tỏ lòng biết ơn” [36, tr.48]. Một nghi lễ không thể thiếu trong lễ rước dâu đó là các em trai tặng tơ, vải cho chị gái để chị gái sinh được con trai, con gái. Qua đó ta thấy, người Thái rất coi trọng việc hôn nhân gia đình, họ luôn củng cố mối quan hệ giữa hai gia đình và đặc biệt rất coi trọng công lao sinh thành dưỡng dục của bố mẹ cô gái. Còn cô gái trước khi lấy chồng phải cán bông, dệt vải, thêu vải, thêu khăn, nhuộm chàm làm gối, làm nệm bông lau, làm đủ váy áo, gối đệm cho mình và tặng bố mẹ chồng, anh chị chồng…
Cũng giống như một số dân tộc thiểu số khác, trong phong tục của đồng bào Thái Nghệ An có tục ở rể. Phong tục ở rể này được La Quán Miên giới thiệu tỉ mỉ trong truyện Ở rể. Ban đầu, làm “rể quản”, chàng trai ở và ngủ ngoài sàn, trên đầu luôn buộc khăn, ngang lưng luôn đeo bao dao để sẵn sàng làm việc, vào nhà ngồi ở phía dưới, ăn cơm thì ngồi cuối mâm, ăn xong phải giơ ngang hai tay nói: “Con xin thả đũa”. Khách đến giơ hay tay ngang ngực chào,
trong bản có đám thì đi mổ lợn, mổ trâu, chẻ củi. Với người nhà vợ phải xưng hô khiêm nhường, lễ phép…Hết ba năm “rể quản”, chàng trai được làm “rể trong nhà”, bố mẹ vợ làm lễ cúng buộc vía cho con rể. Từ lúc này người con trai sẽ mang họ vợ, con cái sinh ra cũng mang họ mẹ, khi hết thời gian ở rể, mọi người sẽ mang họ nội và chàng trai mang vợ con về nhà cùng với nén bạc “gối đầu” bố mẹ vợ cho.
Ngoài ra, trong Bản nhỏ tuổi thơ, nhà văn La Quán Miên còn phản ánh tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái như: lễ mừng tiếng sấm đầu năm mong mọi điều tốt lành, may mắn sẽ đến mọi nhà và bản mường; lễ Cắm Phạ Ky Mọc tức lễ ăn chay để tỏ lòng nhớ ơn bà Nhạ Póm và anh em Chiết Chai đã có công đánh đuổi giặc Minh; lễ mừng cơm mới để mời tổ tiên về ăn cơm mới, cảm ơn trời đất, mưa thuận gió hòa, đã cho con người mùa màng bội thu; cúng Bà Bếp đã “nuôi ngọn lửa, giúp con người hàng ngày trong cuộc sống nấu ăn”, cúng con trâu và các vật nuôi trong gia đình vào ngày đầu năm mới để cảm ơn những con vật này đã giúp con người cày bừa, giúp con người có “cái ăn” hàng ngày…
Những nét đặc sắc trong văn hóa của người Thái còn được thể hiện qua văn hóa ẩm thực: bánh rêu, cá ướp chua, cá nướng, thịt trâu hun khói, rượu cần…Nếu đến Nghệ An và được thưởng thức các món ăn ở đây, chắc hẳn ta sẽ không thể quên hương vị của bánh rêu – loại bánh dân dã, được làm từ một loại rêu suối, trộn muối, xả, ớt, gói trong lá dong, lá chuối sau đó hông chín; hương vị thơm béo của món chẻo sả được làm khá cầu kì: lá môn hông chín phơi khô, trộn muối, nén vào ống nứa, để lên gác bếp, sau đó mang xuống cho vào cối giã với sả và nhân quả mạc nhau đã nướng chín. Những người yêu thích nghệ thuật ẩm thực cũng cảm thấy thích thú, tò mò về món rêu tau xào đặc sản của dòng sông Nặm Tốn. Món ăn dân dã này được làm từ loại rêu tau xào, rửa sạch, băm nhỏ, trộn muối xả, tép và cá nhỏ, gói lá chuối bằng nắm tay, hông ăn và ngây ngất trước mùi thơm ngào ngạt, nước vàng sánh như mật ong của rượu cần
miền núi. La Quán Miên rất am hiểu và miêu tả tỉ mỉ những món ăn truyền thống của đồng bào Thái.
Bên cạnh những phong tục tập quán của dân tộc Thái, La Quán Miên còn phản ánh những phong tục tập quán của dân tộc Thổ. Đối với đồng bào Thổ khi khách đến nhà, chủ nhà thường trải chiếu hoa ra sàn mời khách ngồi, sau đó mời khách uống nước chè, ăn trầu, hút thuốc.
Phong tục của người Thổ trong hôn nhân cũng thể hiện nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Cũng giống như dân tộc Thái, trai gái người Thổ có quyền tự do tìm hiểu nhau nhưng lại có những nét khác biệt. Người Thổ có tục “ngủ mái” vào dịp hội hè hay ngày tết. “Ngủ mái là một tục giao duyên, tìm hiểu, tỏ tình của trai gái Thổ. Họ có thể tự do, cởi mở nằm trò chuyện qua đêm với nhau mà không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra” [38, tr.148]. Khi trai gái đã yêu nhau, nhà trai tìm ông mối để sang nhà gái đặt vấn đề, sau đó là lễ hỏi rượu, lễ hỏi bánh, lễ trầu - lại. Sau khi lễ trầu - lại xong, con dâu tương lai đưa mũ, nón cho bố mẹ chồng; bố mẹ chồng biếu con dâu một số tiền và mời sang nhà chơi; ông mối xin nhà gái cho chàng trai đến ở rể, sau đó mới đến lễ cưới. Trước ngày cưới, nhà trai làm lễ Đưa Ơn, nạp lễ vật theo yêu cầu của nhà gái. Trong ngày cưới, khi đoàn rước dâu đến cổng nhà chàng rể thì “hai bên cổng có hai hàng người đang đứng chờ để chào dâu và họ nhà gái...Những người đón rót rượu đưa trầu mời tất cả đoàn rước dâu”. Đi đầu đoàn rước dâu là ông mối “quần trắng cạp vấn, áo dài lương đen, đầu chít khăn nhiều lớp”, tiếp đến là chàng rể, cô dâu. Cô dâu “mặc áo trắng hồ lơ, kiểu xẻ hông, có hai túi, áo ngắn lửng trên cạp váy, ống tay dài; váy chàm, dây thắt lưng xanh, lủng lẳng dây xà tích treo mấy quả lục lạc, quả táo bằng bạc”, “đội chiếc khăn vuông gấp chéo đôi, chít trên đầu, thả hai dải sau gáy, phía trước có thêu hình quả núi bằng chỉ xanh, chỉ đỏ” [38, tr.146]. Một trong những nghi lễ bắt buộc diễn ra trong lễ cưới của người Thổ là: ngay cạnh lối lên cầu thang đặt một thau nước có bỏ mấy đồng tiền lặp đáo, khi dâu rể đến chân cầu thang sẽ “cúi xuống