Quá Trình Tiếp Xúc Với Văn Nghệ Sĩ Và Giới Nghiên Cứu, Phê Bình Văn Học

viết về những người miền núi thật thà, chất phác, hồn hậu quê hương…Tình yêu và niềm tự hào về quê hương, bản mường, niềm tự hào về truyền thống lịch sử của đất Nghệ An đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của ông.

1.2.2.4. Quá trình tiếp xúc với văn nghệ sĩ và giới nghiên cứu, phê bình văn học

Một yếu tố cũng ảnh hưởng đến con đường văn chương của La Quán Miên là môi trường văn học. Nhà văn sớm được học tập và sống trong môi trường văn học. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhà văn được những người thầy giỏi quan tâm và bồi dưỡng như: Nguyễn Bá Tường, Phạm Đức Du, Nguyễn Thế Đạt, Hồ Ngọc Mân, Thạch Quỳ…Nhà văn cho biết: “các thầy đều là những giáo viên dạy giỏi, đa tài, ham đọc sách, hiểu biết rộng, tận tình với học sinh…trong số đó, có thầy vừa là nhà giáo đồng thời là nhà thơ nổi tiếng như nhà thơ Thạch Quỳ, nhà thơ Trần Văn Khoan” (Ghi trực tiếp). Có thể ví năng khiếu văn chương của La Quán Miên giống như một hạt mầm đã gặp nơi đất tốt. Cậu học trò yêu văn chương ở ngôi trường miền núi xa xôi ngày đó may mắn được những người thầy tận tâm cổ vũ, động viên, bồi dưỡng và dìu dắt. Sau này, La Quán Miên có điều kiện đã tiếp xúc thường xuyên với các nhà văn, nhà thơ: Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Quang Huy, Bá Dũng, Triệu Nguyễn, Hồng Nhu…; có điều kiện học hỏi ở các nhà văn, nhà thơ đàn anh đó. Ngoài ra, ông được tiếp xúc và cộng tác với nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm như: PGS. Ninh Viết Giao, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, GS.TS Nguyễn Xuân Kính, PGS.TS. Nguyễn Xuân Đức, TS. Nguyên An – Nguyễn Quốc Luân... Trong quá trình tiếp xúc, nhà văn đã trao đổi, học hỏi và tiếp thu nhiều kinh nghiệm sáng tác thơ văn cũng như nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian. Môi trường văn hóa, văn học thuận lợi đã giúp ông đạt được những thành quả nhất định trong lĩnh vực sáng tác và sưu tầm, nghiên cứu.

Nguồn mạch văn hóa, văn học dân gian Thái; sự ham học hỏi và niềm say mê văn chương của nhà văn; quê hương Nghệ An giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và quá trình tiếp xúc với văn nghệ sĩ và giới nghiên cứu, phê bình văn

học là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sáng tác văn chương của nhà văn La Quán Miên. Trong đó, sự ham học hỏi và niềm say mê văn chương là yếu tố chủ quan; truyền thống của quê hương và quá trình tiếp xúc với văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu, phê bình văn học là những yếu tố khách quan. Những nguồn mạch đó đã hòa nhập trong tâm hồn La Quán Miên, tạo nên nguồn năng lượng nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

1.2.3. Khái quát sự nghiệp văn học của La Quán Miên

La Quán Miên trải nghiệm ngòi bút trên hai lĩnh vực chính: sáng tác văn học và nghiên cứu văn hóa – văn học dân gian. Từ năm 1983 tới nay, ông có 28 đầu sách được xuất bản trong đó có 4 tập thơ, 3 tập truyện và ký, 2 tập truyện vừa, 19 cuốn sách nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái và các dân tộc thiểu số khác.

1.2.3.1. Thơ

Là một người yêu thích văn chương nên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, La Quán Miên đã tập sáng tác và thường là những bài thơ dành cho lứa tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng. Đến đầu những năm 1970, La Quán Miên bắt đầu có một số bài thơ đăng trên báo và có thơ in trên các tập sáng tác do Hội Văn nghệ Nghệ An ấn hành như: Bầu trời của bé Giang - tập truyện và thơ (Nxb Nghệ An, 1972); Cây trong vườn - Tuyển tập văn học thiếu nhi Nghệ Tĩnh 1965 – 1975 (Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, 1976)…

Từ những năm 1970 trở đi, nhà giáo La Quán Miên vừa dạy học vừa sáng tác. Đến năm 1983, La Quán Miên chính thức giới thiệu tập thơ đầu tiên Anh được về thăm(in chung với các tác giả khác). Hơn 10 năm sau, ông lần lượt cho ra mắt bạn đọc các tập thơ: Bản quê yêu dấu (1996), Con đường Bản Đôn (1999) và Trong thung lũng (2002).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Cảm hứng thơ La Quán Miên được khơi nguồn từ vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng và cuộc sống, con người miền núi. Khi có giặc ngoại xâm “Người xuống núi cầm súng. Lớp lớp thành anh hùng” “Trùng trùng người ở lại. Con dao

nào cũng mài. Dây ná nào cũng căng. Cái bẫy nào cũng chăng. Mũi tên nào cũng nhọn”, họ sống nghĩa tình, mến khách, chịu thương chịu khó, dũng cảm chinh phục, cải tạo tự nhiên phục vụ sản xuất, ra sức xây dựng bản làng giàu đẹp. Đến với thơ La Quán Miên, người đọc còn biết đến những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái từ việc đón khách, ăn mặc, cách ứng xử trong cuộc sống, nói như nhà phê bình Văn Giá đó là “bức tranh phong tục bằng thơ”. Bên cạnh đó, nhà văn không khỏi băn khoăn, trăn trở trước tác hại của sự tàn phá, hủy hoại tự nhiên do con người gây ra.

Truyện và ký La Quan Miên - 5

Được nuôi dưỡng trong mạch nguồn văn hóa, văn học dân tộc, La Quán Miên có sự ảnh hưởng đậm nét của văn học dân gian ở nhiều phương diện: hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu.v.v…Trong bài Tiễn dặn người trai bản, ông sử dụng ngôn ngữ tiễn dặn, nhắn nhủ rất gần gũi với truyện thơ Tiễn dặn người yêu:

“Thấy sông đừng quên suối

Nghe nước mát chớ phụ nước trong”

Không chỉ tiếp thu ngôn ngữ truyện thơ dân gian, La Quán Miên còn vận dụng thành công tục ngữ, dân ca Thái. Trong bài Ngôi nhà sàn của tôi, ông đã mượn ý từ những câu nói dân gian Thái: “Nhím gai cắm bên ngoài, người gai mọc bên trong”, “Nước sâu đo được sóng, lòng người không đo được”, “Bụng cắm chông, miệng thoa mỡ” để diễn đạt sự nông sâu, phức tạp của lòng người:

“Ngoài miệng - đừng bôi mỡ Trong bụng đừng giấu chông”

La Quán Miên thường sử dụng các thể thơ truyền thống như: 7 chữ - 8 dòng, 7 chữ - 4 dòng, lục bát (Bắp nướng, Xá Lượng xuân về, Núi cao và bãi cỏ, Cửa Lò biển động, Đường lên xứ Quế, Guồng nước, Tình đầu...). Trong bài có sự đối xứng từng câu, từng đoạn: (Tiễn dặn người trai bản, Mẹ gặt lúa ngày xưa…). Ngôn ngữ thơ ông rất mộc mạc, giản dị; cách ví von, so sánh gần gũi với thiên nhiên.

Đọc thơ La Quán Miên, chúng ta thấy được cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống, con người cùng phong tục tập quán của đồng bào miền núi và sắc thái dân tộc Thái đậm đà trong nghệ thuật thơ.

1.2.3.2. Văn xuôi

Trước năm 1970, La Quán Miên đã tập viết truyện ngắn nhưng không gửi đăng báo và những tư liệu đó được tác giả dùng vào các sáng tác sau này. Đến năm 1980, La Quán Miên bắt đầu có truyện ngắn đăng báo. Những truyện ngắn đó sau này được tác giả tập hợp và in thành các tập: Hai người trở về bản (1996), Vùng đất hoa kờ mạ (1997), Trời đỏ (1998). Đến năm 2000, ông cho ra mắt bạn đọc tập truyện vừa Bản nhỏ tuổi thơ, tiếp đó là tập truyện vừa Năm học đã qua (2003). Ngoài ra, ông có rất nhiều truyện, ký đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương như: Báo Văn nghệ, báo Người cao tuổi, báo Lao động Nghệ An, báo Nghệ An cuối tuần, Nghệ An Dân tộc – Miền núi, Tạp chí Văn hóa các dân tộc…Hiện nhà văn còn bản thảo 2 truyện vừa, nhiều truyện ngắn, tản văn chưa in.

Trong văn xuôi, La Quán Miên có cách cảm nhận, suy nghĩ và cách phản ánh sâu sắc, chân thực về cuộc sống của các đồng bào dân tộc thiểu số. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng cho các tác phẩm văn xuôi. Tập truyện và ký Hai người trở về bản đạt Giải B Hồ Xuân Hương do Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An trao tặng năm 1997, tập truyện và ký Vùng đất hoa kờ mạ đạt Giải Khuyến khích của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 1998, truyện vừa Bản nhỏ tuổi thơ được trao Giải A Hồ Xuân Hương của Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An năm 2002 và truyện vừa Năm học đã qua giải C Hồ Xuân Hương của Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An năm 2002.

Các tập truyện và ký của nhà văn La Quán Miên được bạn đọc trân trọng đón nhận; được giới nghiên cứu, phê bình đánh giá cao. Tháng 9 năm 2013, nhà văn La Quán Miên được trao giải 3 “Cuộc thi sáng tác về Volgagrad (mở rộng về nước Nga)” nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Stalingrad 1943-2013 do

Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga và Hội người Việt Nam tại thành phố Volgograd tổ chức. Ông Châu Hồng Thủy - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga đáng giá: “Những sự kiện trong hồi ký của anh thật chi tiết, cụ thể. Văn của anh cũng giống thơ của anh, vẫn giữ vẻ mộc mạc, giản dị, có lúc thật thà, có gì kể nấy, không hề trau chuốt” [67].

1.2.3.3. Nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian

Ngoài sáng tác thơ, văn xuôi, La Quán Miên còn dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian. Chính niềm say mê, nhiệt huyết, tinh thần làm việc cẩn trọng, sau mấy chục năm ghi chép, gom nhặt, xử lí tư liệu và nghiên cứu, La Quán Miên đã cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách và bài viết nghiên cứu có giá trị.

Về nghiên cứu văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An, La Quán Miên có các công trình: Phong tục tập quán các dân tộc thiểu số Nghệ An (1997), Hang Bua – danh lam và lễ hội (1997), Tang lễ của người Thái ở Nghệ An (2010), Văn hoá Thái – Nghệ An (2011), Địa danh Thái – Nghệ An (2011), Tục lệ buộc vía người Thái ở Nghệ An ( 2011),...

Về nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu văn học dân gian Thái, La Quán Miên có các công trình: Truyện thơ và đồng dao Thái miền Tây Nghệ An (1996), Chim Yểng (truyện thơ dân gian Thái, 1997), Đám cưới trên núi (truyện cổ, sưu tầm và biên soạn, 1998), Lai Khủn Chưởng (sử thi, 2010), Tục ngữ Thái giải nghĩa (2010), Ca dao - dân ca Thái Nghệ An (2010), Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số Nghệ An (2010), Quam tạ - Câu đố Thái Nghệ An (2013), Đồng dao Thái Nghệ An (2013)…Trong đó, để ra mắt cuốn sử thi Lai Khủn Chưởng dài 3917 câu, ông đã dành 28 năm nghiên cứu, sưu tầm và dịch. Giá trị những công trình nghiên cứu, sưu tầm của ông đã được khẳng định,

nhiều cuốn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An trao giải như: Chim yểng; Ca dao Thái Nghệ An; Đám cưới truyền thống của người Thái Nghệ An; Nhuôn - làn điệu dân ca; Khủn Tưởng,

Khủn Tinh, Nàng Ni; Xuối - làn điệu dân ca Thái Nghệ An; Tục ngữ Thái giải nghĩa; Lai Khủn Chưởng...

Tìm hiểu sự nghiệp văn học của La Quán Miên, chúng ta có cơ sở để đánh giá: ông là một nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của dân tộc Thái. Qua sự nghiệp văn học của ông, người đọc nhận thấy rất rõ tình yêu văn chương và sự gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước của một người con xứ Nghệ. Hoạt động văn học của La Quán Miên đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy vốn văn hóa, văn học của đồng bào dân tộc Thái cũng như các dân tộc thiểu số Việt Nam.

* Tiểu kết chương 1:

Trong hơn nửa thế kỉ phát triển, văn xuôi dân tộc Thái thời kì hiện đại đã có những đóng góp đáng ghi nhận trong dòng văn xuôi dân tộc thiểu số nói riêng và văn học hiện đại Việt Nam nói chung. Văn xuôi dân tộc Thái đã hòa nhập vào sự phát triển chung đồng thời góp phần làm phong phú thêm nền văn học nước nhà vốn đa dạng và giàu bản sắc. Nhà văn La Quán Miên là một gương mặt tiêu biểu của văn học Thái thời kì hiện đại. Tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và niềm đam mê văn thơ đã thôi thúc La Quán Miên cầm bút. Ông đã thành công trong cả lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian. Các tác phẩm văn xuôi của ông đã mang lại cho người đọc những hiểu biết phong phú về cuộc sống và con người miền núi, góp phần vào sự phát triển của văn xuôi dân tộc Thái hiện đại.

Chương 2

CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI MIỀN NÚI

TRONG TRUYỆN VÀ KÝ CỦA LA QUÁN MIÊN


2.1. “Bức tranh” cuộc sống

2.1.1. Khung cảnh thiên nhiên mang đậm dấu ấn miền núi

Trong hành trình cuộc đời từ thời thơ ấu đến nay, trừ 5 năm học tập tại Liên Xô, La Quán Miên có thời gian gần 60 năm gắn bó với quê hương miền núi. Vì thế, với ông, thiên nhiên vừa là môi trường sống vừa là nguồn cảm hứng dồi dào trong sáng tác. Qua các tác phẩm, La Quán Miên đã mang đến cho độc giả những bức tranh phong cảnh miền núi với màu sắc, âm thanh, hương vị riêng, độc đáo nhưng vô cùng gần gũi, thân thuộc với con người. Ánh trăng, sương núi, hương rừng, tiếng suối reo, chim hót.v.v…đã đi vào trang viết của nhà văn với vẻ đẹp say đắm lòng người. Những vẻ đẹp thiên nhiên đó từng có trong trang viết của nhiều nhà văn khác khi viết về phong cảnh rẻo cao, nhưng qua cách cảm nhận và miêu tả của La Quán Miên, người đọc vẫn thấy hấp dẫn, có lẽ bởi chính cảm xúc của nhà văn thấm đẫm trong đó.

Ngòi bút La Quán Miên rất say sưa với cảnh trăng rừng và ánh nắng. Khi trăng lên, sương xuống, khung cảnh thiên nhiên núi rừng như huyền ảo, thơ mộng hơn: “Trăng non từ từ nhô lên khỏi đỉnh núi Pu Xai Lai Leng và tỏa ánh sáng xuống trong ngần. Hơi nước từ các hẻm núi bắt đầu dâng lên mịt mùng như sương, như mây khiến ánh trăng trở nên huyền ảo, đẹp lạ” (Con lợn lòi) [34, tr.64]; “Mảnh trăng non đầu tháng như cái mâm bạc ai cài lên núi đá. Sương lam buông xuống núi rừng, nương rẫy, xa xa tạo nên vẻ trầm mặc suy tư của một đêm rừng. Khói bếp, hơi núi dâng lên mờ mờ dưới ánh trăng xanh dịu. Bản nhà sàn lập lòe bếp lửa, rộn rực tiếng chày đêm. Sực nức ngọt ngào, no ấm hương lúa mới” (Câu chuyện đêm bản Pha) [33, tr.39]. Hòa vào không gian trăng thơ mộng là những hương vị, âm thanh, ngọt ngào của cuộc sống.

Đêm rừng vì thế không mang vẻ ly kỳ, bí hiểm của nơi rừng thiêng nước độc mà ai đó đã từng tưởng tượng.

Sắc nắng cũng thường tỏa sáng trên trang viết của La Quán Miên. Những ngày cuối đông, tưởng như rét mướt nhưng “nắng chói lòa trên núi Phá - hủng, Phá - nhảng…Nắng ấm hồng như bếp lửa rừng dưới cánh đồng Na-bua, Na-hạ đang cày vỡ chờ mưa xuân. Nắng như rượu cần lấp lánh vàng dưới bến nước Tả-chum. Nắng long lanh tần ngần đổ về ngã ba sông theo dòng Nặm Việt, Nặm Giải, Nặm Hạt” (Chiêng-ngam, mường đẹp) [33, tr.72]. Nắng như tấm áo choàng sưởi ấm núi rừng, ruộng đồng, nương rẫy trong những ngày cuối đông. Trong sắc nắng ấm nồng, rực rỡ nhà văn đắm say, hòa mình vào trời đất để ngắm nhìn quê hương xứ sở: “Hồn tôi đắm say cùng nắng. Tôi thả hồn bay lượn trên bầu trời đầy nắng mường Chiêng-ngam. Tôi như con chim Nộc-cốc- căm lần đầu đến bản đẹp. Con chim phượng hoàng ấy đậu chót vót trên đỉnh núi Phá-hủng say ngắm những bản Thái thanh bình (…) cho đến khi mỏi cánh mới thôi” (Chiêng-ngam, mường đẹp) [33, tr.72]. Phải là người gắn bó với quê hương xứ sở mới tinh tế cảm nhận và miêu tả sắc nắng rất riêng. Cái nắng kết đọng đầy tinh túy, dịu ngọt như một chất men nhưng cũng rất ấm nồng: “Nắng ấm hồng như bếp lửa rừng”, “Nắng như rượu cần lấp lánh vàng” và cái nắng ấy cũng mang tâm trạng như con người: “Nắng long lanh tần ngần đổ về ngã ba sông…”. Vi Hồng cũng từng say mê tả cái nắng “rạng rỡ, mát rượi” giữa cái lạnh lẽo, buốt giá của mùa đông: “Cái nắng hiện ra rạng rỡ, mát rượi, vắt ngang qua đèo. Nắng mềm mại như tấm lụa vàng khổng lồ trải bập bềnh xuống tận đáy các thung lũng và ngược các sườn non” [19, tr.88]. Có lẽ, trước khi nắng ngời trên trang sách, tâm hồn của các nhà văn miền núi đó đã ngập tràn sắc nắng. Qua những đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của ánh trăng, ánh nắng, người đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của người cầm bút.

Vẻ đẹp thiên nhiên còn được nhà văn La Quán Miên cảm nhận, miêu tả với những nét đặc trưng riêng của từng mùa trong năm. Khi tết đến xuân về,

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 27/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí