Truyền thuyết và giai thoại về các nhân vật lịch sử Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX trở về trước - 14

103

nhận: “Thương thay mấy lúc tan tành, Rồi ra Phú Quốc ẩn danh tiềm tàng. Lâm cơ túng thế phải hàng, Phép công xử tại Kiên Giang bấy chầy” [153,94].

Môtíp còn được biểu hiện với sự kiện tự nguyện chết thay. Dấu ấn sự kiện có mối liên hệ với hình ảnh Lê Lai cứu chúa trong truyền thuyết xưa, bởi với tính cách trọng nghĩa khí, người Nam Bộ xem đây là hình mẫu hun đúc chí khí anh hùng. Như Truyện về Lâm Quang Ky kể: “Lâm Quang Ky quyết tâm đứng ra chết thay cho ông Nguyễn để ông tiếp tục sống mà lập chí lớn đánh giặc. Cụ lập kế, giả dạng làm ông Nguyễn ra hàng...” (chi tiết tương truyền: dòng họ Lâm ở Vĩnh Hòa Đông vẫn còn giữ một mảnh vải là “vạt áo của Lâm Quang Ky cắt đứt khi người vợ trẻ níu áo van xin ông đừng đi nhận cái chết thay cho chủ tướng”).

Những lý do ra hàng có thể đã được hư cấu khác nhau, song điều có thể thấy, ra hàng là một sự hy sinh, một nghĩa cử của người anh hùng, đồng thời cũng thể hiện sự chiến bại của người anh hùng mang màu sắc bi tráng.

Môtíp Khước từ khuyến dụ

Môtíp có thể xuất hiện độc lập hoặc tiếp nối với Chấp nhận ra hàng. Việc kẻ thù ra sức khuyến dụ đối với những người anh hùng sa cơ cho thấy bản chất nham hiểm của chúng, bởi điều này đồng nghĩa với sự hạ bệ hoặc bôi nhọ thanh danh đối phương. Trong hoàn cảnh thử thách khắc nghiệt, người anh hùng đã tỏ rõ chí khí bằng thái độ, hành động quyết liệt.

Các nhân vật đều khảng khái từ chối khuyến dụ của kẻ thù, kiên cường giữ lòng trung thành với lá cờ đại nghĩa. Như Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự: khi bị bắt, “Giặc Pháp ra sức chiêu dụ” “nhưng ông khảng khái từ chối...”; Âu Dương Lân sa cơ, “nhưng ông vẫn khảng khái không chịu cúi đầu khuất phục...”; hay Phan Công Hớn: “Sau nhiều lần tra tấn, hàng phục ông không được, bọn giặc hết sức tức giận”, “Chúng bèn đem ông ra xử bắn ở chợ Gia Định...”...

Sự diễn biến liên tục của các môtíp đã cho thấy việc ra hàng và hàng phục là hoàn toàn khác biệt. Kẻ thù với mưu mô xảo quyệt có thể đẩy người anh hùng đến chỗ sa cơ nhưng không thể phá đổ bức tường thành của ý chí. Như về Nguyễn Trung Trực, người anh hùng An Nam trước mặt kẻ thù đã tỏ rõ chí khí “thà thác mà đặng câu địch khái”: “Đến hẹn, Nguyễn Trung Trực mặc võ phục, đeo kiếm đến trước mặt kẻ thù. Ông rút kiếm chém xuống đất, thà chịu rơi đầu chứ không chịu hàng...” (Nguyễn Trung Trực chịu thụ hình)...

Môtíp Lời nói cuối cùng

Trong tâm thức văn hóa, “lời nói là biểu tượng thuần khiết nhất, tượng trưng cho sự biểu hiện của bản thể, một bản thể tự suy nghĩ và tự thể hiện, muốn được thấu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.

104

hiểu và được giao hòa...” [23,528]. Lời nói trong những thời khắc cuối cùng chứa đựng sâu sắc những phẩm chất và giá trị của bản thể con người.

Truyền thuyết và giai thoại về các nhân vật lịch sử Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX trở về trước - 14

Môtíp được thể hiện có dấu ấn đậm nét. Về hình thức thể loại, với sự kiện lời nói cuối cùng, có sự gia tăng chất liệu ngôn từ đối thoại trong truyền thuyết.

Đây là những lời nói khảng khái tỏ rõ chính khí của nhân vật trong hoàn cảnh đối mặt với cái chết trên chiến trận khốc liệt hay nơi pháp trường đầy bi phẫn. Như truyện về Dương Văn Hạnh, khi giặc Pháp bắt và mua chuộc ông chỉ chỗ Trương Định, “ông Hạnh quyết liệt nói: “Ta thà chết chứ không để giặc bắt ông Định. Sanh vi quân, tử vi thần!...” (Sự tích Ông thần không đầu); về Nguyễn Trung Trực, khi sa vào tay giặc, bị Pháp dùng chiêu bài khuyến dụ, đã nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây!...” (Nguyễn Trung Trực chịu thụ hình)... Hay nơi pháp trường, tỏ rõ tinh thần bất khuất, cùng với lời nói khảng khái, các nhân vật đã có thái độ quyết liệt. Như Thủ khoa Huân: “Trước khi bị xử chém, bọn giặc bưng tới một mâm cơm đầy rượu thịt cho ông ăn. Ông lạnh lùng đá đổ mâm cơm...” (Thủ khoa Huân thành thần)

Lời nói cuối cùng ngắn ngủi trên pháp trường các nhân vật dành cho lời căn dặn, để tỏ chí khí hoặc trút căm hờn. Như Đỗ Tường Tự bảo vợ con: “Ta sống thì chống Pháp tới cùng đến chết mới thôi. Ta cấm tất cả con cháu, không một đứa nào được ăn cơm của Tây...”; Trịnh Viết Bàng nói: “Ta chết, hãy đem xác ta về chôn ở Ngã tư, để cho con cháu nhớ mà không theo giặc!”; ông cũng nhắn nhủ bạn đồng tâm: “ráng sức mà làm cho bằng được việc lớn”; Phan Văn Đạt: “Nhờ anh em nói lại với các bạn đồng tâm nên cố sức làm cho thành công...”; hay Trịnh Viết Bàng: “Dặn dò xong mọi việc, ông đứng dậy sửa soạn quần áo ngay ngắn, bình thản bước ra chỗ xử chém...”... Những lời gửi gắm cho thấy đến giờ phút cuối cùng các nhân vật vẫn đặt niềm tin vào đại nghiệp chưa thành, không ân hận, băn khoăn. Mặt khác, đối với kẻ thù, đây là những lời nói hiên ngang. Như Đỗ Tường Tự đã dõng dạc nói với giặc: “Hãy để cho ta thấy súng Tây trước khi chết...”...

Liên hệ truyện về Hoàng Hoa Thám, dù kẻ thù tàn độc, nghĩa quân vẫn kiên cường, bất khuất: “Có người lúc bị xử án chém còn xô tên đao phủ, không để chúng trói vào cọc; hoặc lấy khăn bịt mắt, rồi tụt chiếc khăn nhiễu đưa cho hắn rồi bảo: “Ta đưa cho ngươi để ngươi nhớ lấy ngày hôm nay…”... Hay trong truyền thuyết Trung Bộ, Hoàng Trọng Mậu đã nói với tên mật thám Pháp: “Nếu chúng mày là bọn giặc văn minh, có kính nể tao thì cho tao một phát đạn thì hơn. Đừng hỏi lôi thôi gì nữa...”. Những lời tuyên bố đanh thép trước giây phút bị hành hình của những người anh hùng chống Pháp là một minh chứng cụ thể của chủ nghĩa anh hùng của dân tộc.

105

Tình tiết Làm thơ tuyệt mệnh

Như sự đối lập giữa “máu và hoa”, nơi pháp trường đen tối đã vang lên những vần thơ tuyệt mệnh. Môtíp được thể hiện gắn với quan niệm người anh hùng là những con người ưu tú, văn võ song toàn. Điều này cũng gắn với thực tế, những thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp giương cao cờ nghĩa đánh giặc nhiều người là những trí thức yêu nước xuất thân từ văn chương cử nghiệp. Với việc tỏ rõ chính khí qua những vần thơ tuyệt mệnh, người anh hùng đã đứng cao hơn hoàn cảnh với khí phách hiên ngang. Như Nguyễn Hữu Huân: “Tương truyền, trước lúc đao phủ xử tử, ông đã viết câu đối...”; “Trước khi chết, Thống Linh điềm nhiên ngâm hai câu thơ...” (Ông Thống Linh); hay về Nguyễn Trung Trực, trong một bản kể, “tương truyền trước giờ bị hành quyết, ông còn làm bài thơ tứ tuyệt...”...

Trên bình diện văn học, đây là những truyện kể dân gian có sự gắn kết với yếu tố thơ ca bác học, tạo nên điểm giao thoa giữa hai bộ phận văn học dân tộc.

Môtíp Nguyền rủa kẻ thù

Trong truyện cổ tích, môtíp này xuất hiện khi các nhân vật thuần phác ở vào thời khắc cuối cùng tự nhận thức được mưu mô thâm độc của kẻ thù. Nó trở thành cái duy nhất để trút sự căm hờn, gắn với niềm tin vào sức mạnh có thật của “quả báo nhãn tiền”, theo tư tưởng truyền thống dân gian và tôn giáo. Như lời nguyền rủa của ông Dầu, bà Dầu đối với tội ác của vua nhà Lý (Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù thu hẹp lại), đây là tiếng căm giận muôn đời của núi sông đất trời trước cái ác đang tồn tại và sự diệt vong của nó.

Với truyền thuyết, lời nguyền rủa cũng là những tiếng căm hờn thốt lên từ sự uất hận. Như: Hồ Huân Nghiệp, sa vào tay giặc, “Ông thao thao bất tuyệt thóa mạ dã tâm của thực dân Pháp...”; Mười tám dũng sĩ của Trương Định: “Tao tiếc là không ăn được gan, uống máu mày”, “Mỗi người đều mắng Tấn một câu, trước khi bị lũ tay sai Huỳnh Công Tấn bắn chết...”; hay Phan Văn Đạt lớn tiếng mắng giặc: “Chúng mày là đồ chó lợn... Tao giận sống không nhai được thịt chúng mày, chết sẽ làm ma thần giúp nghĩa quân giết hết bọn mày cho thỏa chí...”...

Môtíp Nhân vật bị thụ hình

Về cơ sở hiện thực của sự kiện nhân vật bị thụ hình, sự bùng nổ của phong trào khởi nghĩa chống Pháp trên cả nước cuối cùng đã bị dập tắt, các lãnh tụ, chiến binh hy sinh hiên ngang trên trận địa và dũng cảm đối mặt với cái chết nơi pháp trường.

Dấu ấn môtíp được thể hiện với các dạng thức thông tin sự kiện và miêu tả diễn biến sự kiện. Dạng thức thứ nhất ghi nhận, tóm lược sự kiện. Như truyện Vàm Hổ Cứ kể: “Nghĩa quân thất trận. Quản Bạch bị giặc bắt và bị chúng đem đi hành quyết tại

106

trường án Mỹ Tho...”; hay về Đặng Khánh Tình: “Cuối cùng, Pháp xử tử chặt đầu ông tại chợ Gò Công...”... Dạng thức thứ hai phơi bày rõ hơn hành động phi nhân của kẻ thù. Như truyện Sự tích Ông thần không đầu kể: “... chúng lấy thân tre chẻ đôi kẹp vào cổ, rồi chém đầu quăng xác xuống sông...”; truyện Phan Văn Đạt lớn tiếng mắng giặc kể: “quân giặc lấy móc sắt lớn móc vào họng ông rồi treo thây ông trên cọc buồm tàu của chúng đậu tại chợ Vũng Gù (Tân An) suốt ba ngày trời...”...; hay về nghĩa binh, quần chúng giữ lòng trung nghĩa: “… bị Pháp bắt chỉ chỗ đóng quân của Bình Tây Đại nguyên soái”, Hai anh em lừa dắt chúng lội sình cả ngày mà không tìm được gì”, “giặc điên tiết xử bắn hai người...” (Thà chết chứ không phản bội)...

Đây là những hình ảnh bi tráng trong “trận chiến cuối cùng”, làm nâng cao phẩm chất người anh hùng.

Môtíp Đao phủ khiếp sợ

Môtíp biểu hiện nét đặc thù của cốt truyện. Sự kiện thể hiện gắn với một tình huống đầy kịch tính: nơi pháp trường của kẻ xâm lược, kẻ cầm đao thực thi án tử đã lạy van, tạ tội, còn người bị xử hình đối mặt với cái chết vẫn bình tĩnh, hiên ngang.

Như truyện Nguyễn Trung Trực chịu thụ hình kể: tên Bòn Tưa “bỏ đao, quỳ xuống đất lạy và xin Ông Nguyễn tha lỗi. Ông Nguyễn bảo: “Mày có lỗi gì mà xin lỗi? Mày làm theo lệnh của Lang sa mà... Nhưng nhớ chém ta một nhát cho ngọt, nếu không ta vặn họng mày !”; trong truyện Thủ khoa Huân thành thần, đao phủ là người địa phương theo giặc, “hắn lộ vẻ sợ hãi, chần chờ, không dám quơ đao. Ông nhìn hắn và nói: “Nhà ngươi có bổn phận, cứ việc thi hành, đừng để liên lụy đến mình!”. Nghe vậy, tên đao phủ mới dám ra tay. Vừa chém xong, hắn liền quỳ sụp xuống, lạy ông bốn lạy...”; hay về Phan Công Hớn: “Trước khi bị hành quyết, ông yêu cầu đao phủ cho đi một dao thật tốt...”... Sự lẫm liệt, đường hoàng của người anh hùng đã làm đao phủ khiếp sợ. Cái ác, cái hèn kém đã bị khuất phục trước sự dũng cảm, chính khí của người anh hùng.

Môtíp Sự lạ khi đầu rơi

Khái niệm “lạ” mang ý nghĩa sự dị thường, khác lạ, nhằm tô đậm sự linh thiêng về cái chết của người anh hùng. Môtíp có dấu ấn đặc biệt, với diễn biến sự kiện mang tính chất cao trào của sự kiện nhân vật bị thụ hình.

Như về Nguyễn Trung Trực, khi bị chém, “Hai tay ông nâng lấy đầu mình...”. Đặc biệt, khí thiêng người anh hùng đã dồn tụ, đến tận giây phút lìa đời, vẫn hiển hiện đôi mắt “chí nhân” trừng trị lũ cường bạo: “Đôi mắt ông trợn ngược, tròng mắt đảo qua đảo lại, chiếu thẳng vào tên đao phủ, hắn hốt hoảng...”, “bọn lính Pháp hãi hùng...” (Nguyễn Trung Trực chịu thụ hình); hay Lê Quang Quan: “Tục truyền, thủ cấp ông

107

đựng trong giỏ tre mắt vẫn mở mắt trừng trừng. Một tên tay sai buông lời giễu cợt liền bị hồn linh của ông vặn cổ...”... Sự kiện “sự lạ” còn được tiếp nối về sau. Như về Tứ Kiệt: “bọn giặc đã vùi thủ cấp Bốn Ông xuống mé rạch. Linh hồn Bốn Ông tiếp tục hiển linh gây hoả hoạn”; hay về Ông Nguyễn, sự dị thường sau đó đã khiến “Bọn Pháp vô cùng kinh sợ”...

Đây là những cái chết bình thường theo lôgíc cuộc sống, khía cạnh kỳ ảo được tô đậm là sự khác thường về cái chết. Về bản chất, nó là hồi quang của môtíp cái chết thần kỳ, trong đó, cái phi thường, kỳ vĩ trong nhận thức của nhân dân về người anh hùng chủ yếu hướng về mặt tâm linh, không mang đậm tính chất lý tưởng hóa như trong truyền thuyết cổ.

Tình tiết kẻ thù phân bua

Tình tiết lời phân bua của kẻ đi xâm lược xuất hiện chỉ một lần, song có ý nghĩa khá đặc biệt. Như truyện Thà chết chứ không phản bội kể: “Tên thiếu tá Pháp quay qua những người tham dự, mặt đỏ rần, nói: “Đấy là những người anh hùng. Ở xứ Hy Lạp, người ta có thể đúc tượng thờ những người ấy. Còn ở đây, chúng ta phải xử tử họ !”. Thực tế, hai nhân vật vô danh, hai người dân bình thường, không biết tên tuổi đã cho kẻ thù thực dân một bài học lớn, điều mà chúng đã không thể nhận thức được.

Môtíp Sự linh ứng của thiên nhiên

Môtíp xuất hiện trong đoạn vĩ thanh của truyện kể, gắn với một cảm thức về thực tại: lúc người anh hùng hy sinh, khi ấy không gian ảm đạm. Như truyện Ông Nguyễn kể: “Dạo ấy, trời Rạch Giá mưa tuôn tầm tã suốt ba ngày đêm...”; hay Ông Thống Linh: “Sau khi Thống Linh mất”, “trời đổ mưa tầm tã suốt ba ngày ba đêm...”... Ở đây, không gian trở nên linh thiêng trong mối giao hoà giữa con người, đất trời và anh linh những anh hùng “vị quốc vong thân”.

Môtíp có mối tương quan với truyền thuyết cổ, truyện Sự tích bốn đại vương họ Đinh thời Hùng vương kể: “Khi các ông mất, trời đất rung chuyển, mưa lớn, sấm rung, chớp giật ba ngày liền chưa dứt...”; Đặng tướng quân tôn thần ở Nghệ An: “Khi ông chết, trời đất tối sầm, mưa to gió lớn...”; hay khi Lê Lai hy sinh “đất thảm trời sầu, người người rơi lệ”...

Môtíp Người dân nhận hung tin

Về dấu ấn môtíp, sự kiện biểu hiện trước hết là sự phản ứng mạnh mẽ, bất ngờ của người dân khi hay tin người lãnh tụ nghĩa quân sa tay giặc. Như truyện Nguyễn Hữu Huân kể: “... dân chúng Tân An và Mỹ Tho đột nhiên kéo nhau băng đồng về chợ Mỹ Tho. Mỗi người đội trên đầu một tờ giấy bạch không có viết chữ, gọi là “trạng bạch”, đòi Pháp trả tự do cho Thủ khoa Huân”. Hành động đấu tranh không tưởng

108

nhưng đọng lại hình ảnh chính khí của người anh hùng và tấm lòng, thái độ dân chúng. Bên cạnh đó là sự thảng thốt, bàng hoàng khi nghe tin lãnh tụ nghĩa quân ra pháp trường, như một cấp độ khác của sự bất ý và đau xót. Như khi Nguyễn Trung Trực bị thụ hình, người dân khóc biệt, đau xót tiễn đưa: “Đồng bào Tà Niên” “khóc thương trải chiếu bông kín con đường Ông Nguyễn đi”, “Mọi người quỳ xuống lạy ba lạy làm lễ tạ ơn, kính dâng và tế sống ông...”; hay Âu Dương Lân bị xử tử nơi pháp trường ở Cồn Rồng, “dân chúng Định Tường thương tiếc...”...

Các biểu hiện cho thấy tình cảm sâu sắc, đồng thời còn là ý chí, niềm tin của nhân dân về người anh hùng với lịch sử chiến thắng đã làm nên sự trường tồn của dân tộc. Sự thất bại là vạn nhất.

Môtíp Tìm nhận thi hài và chôn cất, lập mộ

Môtíp biểu hiện ý nghĩa tâm linh và đạo lý truyền thống. Sự kiện thân nhân, người dân tìm nhận thi hài diễn ra nơi không gian pháp trường, tạo nên một không khí bi phẫn. Như người con gái của Thủ khoa Huân “mặc áo dài đến chỗ hành quyết để thăm chừng đầu cha. Không ngờ, một tên Pháp đã lấy đầu ông thảy trả cho cô. Cô vội vàng dùng hai tay nâng vạt áo dài hứng đầu...” (Thủ Khoa Huân thành thần); Âu Dương Lân nơi pháp trường ở Cồn Rồng, khi đao phủ xuống tay, “cô con gái chìa vạt áo lụa trắng hứng lấy đầu”...; hay với Trần Văn Thiện, người thân đau xót, uất hận: người em ráp đầu chôn, “hết sức căm thù bọn giặc nên không bao giờ cho con cái học chữ Pháp”... Sự kiện còn diễn ra bên ngoài pháp trường, như về Nguyễn Trung Trực: “Đồng bào bí mật chia nhau ngày đêm đi khắp nơi tìm xác ông...” (Ông Nguyễn)...

Về việc chôn cất, lập mộ, truyện Thủ khoa Huân kể: “Phần mộ của ông được đắp cao, trong phần đất nhà...”... Việc xác nhận sự tồn tại cũng như âm thầm, kiên trì giữ gìn các phần mộ thể hiện dấu ấn tâm linh và tấm lòng của nhân dân đối với những người anh hùng hy sinh vì nước.

Môtíp Thờ tự tại chùa, đền, miếu...

Dấu ấn môtíp được biểu hiện gắn với chuỗi sự kiện: chôn cất lập mộ, xây chùa, đền, miếu... thờ phụng. Như truyện Phan Văn Đạt kể: khi ông bị giặc hành hình, “Nhân dân khắp vùng ai nấy đều vô cùng đau xót và thương tiếc, đua nhau đốt vàng hương để cúng tế ông”; về Trương Công Luận: Dân chúng Tăng Hoa đưa xác ông về an táng ở xóm Gò và xây miếu thờ”; về Nguyễn Văn Quá: “Dân đưa xác ông Quá về an táng ở Mỹ Hạnh và sau lập miếu thờ”; hay về Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự, “dân chúng quanh chợ có lập một ngôi miếu để thờ ông...”...

Nhân dân với lòng thành kính đã nâng các nhân thần là anh hùng lịch sử lên vị trí đối tượng thờ cúng gần gũi và linh thiêng.

109

Môtíp Người dân che mắt giặc

Môtíp có mối tương quan với Thờ tự tại chùa, đền, miếu.... Đây cũng là một cuộc đối đầu gian nan của người dân đối với nhà cầm quyền thực dân, thể hiện sâu xa tấm lòng thành kính, tri ân đối với các anh hùng dân tộc.

Như về Thống Linh, “miếu thờ được nguỵ trang dưới dạng thờ Quan Công, dân gian quen gọi là chùa Ba Ông...” (Ông Thống Linh); về Đặng Khánh Tình, “Ngay trong đêm đó, nhân dân Gò Công thương cảm, dành giấy tiền vàng bạc đậy đắp xác ông. Pháp tra hỏi việc này, nhân dân bảo “Do ông trốt hốt”...”; về Dương Văn Hạnh, “Dân làng xã Lý Nhơn tìm vớt xác ông về chôn, làm mộ đá, sau xây đình thờ đặt ngay chỗ bị chém, “nhưng phải giấu tên ông mà gọi là “Ông thần không đầu”; hay về Ông Nguyễn: “10 năm sau có người tìm được đầu của ông” “đem về thờ ở đền thờ Vĩnh Huê. Về sau nhân dân rước Ông về thờ tại đình Cá Ông”; bị Pháp tra hỏi, hương cả đã trả lời: “ông Nguyễn chết vì chữ trung nên chúng tôi thờ” (Kiếm bạt Kiên Giang)...

Môtíp Hiển linh

Môtíp được biểu hiện với dấu ấn vùng đất linh thiêng. Như: “chỗ Ông Nguyễn tử tiết, đêm đêm vẫn vang lên tiếng kèn thúc quân, tiếng binh sĩ hò reo, tiếng binh khí va chạm nhau loảng xoảng. Bọn Pháp ở quanh đó không bao giờ có được giấc ngủ yên lành” (hay: một số lính mã tà trồng lên đầu mộ cây đa, thường lén bọn Pháp đến lạy van xin tha tội); về Tứ Kiệt, đến mấy mươi năm sau, “Không ngờ liên tiếp nhiều đêm, nhiều đốm lửa to đỏ rực từ mộ Bốn Ông thoát lên rồi vụt xuống các khu xóm xung quanh Quận lỵ, gây lắm trận hỏa hoạn kinh hồn”...

Đặc biệt, sự kỳ ảo được tạo nên từ sự cảm quan về sự kiện, như Nguyễn Hữu Huân kể, “Người dân ở đây giải thích “binh tướng của Trương Định hiệp cùng nghĩa quân của Thủ Khoa Huân theo ngọn bão mà đánh sập đồn Tây...”.... Đây là “ngọn bão” của khí thiêng, anh linh của các chiến binh anh dũng mãi quyết tâm trừ diệt kẻ thù.

Sự hiển linh thể hiện quan niệm những người anh hùng cứu nước chính là những người “Sống cũng đánh giặc, chết cũng đánh giặc, hồn linh theo giúp cơ binh”, cũng cho thấy sức sống bất tử của những người anh hùng.

Môtíp Lưu địa danh, câu ca, thành ngữ

Địa danh được lưu lại có thể là dấu tích một địa điểm hùng cứ hoặc nơi hoạt động kháng chiến của nhân vật lãnh tụ, tướng lĩnh nghĩa binh. Như: “nhân dân gọi vàm rạch nơi Quản Bạch lập căn cứ tiếp tục chống Pháp là Vàm Hổ Cứ”.

Dấu ấn môtíp còn gắn với chuỗi sự kiện thờ tự trong chùa, đền, miếu..., mang ý nghĩa sự ghi công, tưởng niệm về người anh hùng, như: “Nhân dân thờ cúng ông ở

110

chùa Quan Đế trong làng Mỹ Ngãi. Nhân dân còn lấy tên ông đặt cho chợ đầu làng là chợ Thống Linh” (Ông Thống Linh)...

Môtíp Lời nhắc nhở, bia truyền

Với công đức vì dân, những người anh hùng được lưu danh trên “bia miệng” muôn đời. Môtíp xuất hiện trong một số truyện với dạng thức lời kể. Như: “Cuộc khởi nghĩa của Quản Hớn bị thất bại. Quản Hớn bị bắt giết, nhưng tên tuổi ông được lưu danh muôn đời trong lịch sử, trên bia truyền” (Phan Công Hớn); “mặc dù Pháp cấm nhắc đến uy danh của ông, nhân dân mỗi khi qua vàm rạch vẫn nhớ tới Quản Bạch cùng nghĩa quân của ông và vẫn gọi nơi này là Vàm Hổ Cứ... Hay với hình thức thơ ca: “Hậu thế đến nay còn lưu truyền bài thơ ca tụng Thống Linh...” (Ông Thống Linh)....

Nhìn chung, trong tiến trình thứ ba của cốt truyện, có sự gia tăng nhóm môtíp về dân chúng. Đây chính là sức mạnh âm ỉ của lòng dân được thể hiện chân xác và cũng không kém phần bi tráng, bởi trong thế trận đối đầu không cân sức với kẻ xâm lược, người dân chỉ có tấm lòng đau xót và kiên trinh. Không gian thờ tự linh thiêng, tấm lòng son sắt của nhân dân..., trải bao năm tháng đã làm dày thêm công đức của những người anh hùng và lưu giữ khí thiêng trường tồn cùng sông núi.

Tựu trung, trong các truyện kể, những cái chết trên trận địa dữ dội hoặc nơi pháp trường đầy bi phẫn và cả kết cục “phiêu bạt nơi đâu” đều mang tính chất bi tráng. Cái chết được biểu hiện có mối liên hệ với hiện thực lịch sử đồng thời đã “ẩn chứa một ý nghĩa nhân sinh”. Theo quan niệm tôn giáo, con người sống chết có mệnh, nhưng thân mệnh của những con người xả thân vì đại nghĩa thì đã sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Đây không phải là số phận mà là hoàn cảnh thử thách với tính chất khốc liệt, để những con người ưu tú thể hiện phẩm chất và giá trị, qua đó làm nên phẩm chất, tinh hoa của dân tộc. Hình ảnh người anh hùng với sự thất bại và cái chết kiên cường đã trở thành một biểu tượng cao đẹp về người anh hùng cứu nước.

Tổng quát, hệ thống truyền thuyết về khởi nghĩa chống Pháp đã xây dựng một diện mạo chung nhất về hình tượng các nhân vật thủ lĩnh, tướng lĩnh nghĩa binh với đặc điểm về xuất thân, sức khoẻ, tài năng, thành tích chiến đấu và cả sự chiến bại… Trong đó, bên cạnh kết thúc thắng lợi, phần chung cục hầu hết kể về sự mất mát, hy sinh như một sự tất yếu, bởi nó là thực tế, là cái “bi” của hoàn cảnh lịch sử được tái hiện nhưng nó cũng chính là cái “hùng”, là dũng khí đánh giặc ngoại xâm của người anh hùng cứu nước. Nói cách khác, trong sự biểu đạt nghệ thuật của hệ thống truyền thuyết, trong lý tưởng ngợi ca sự nghiệp anh hùng, vừa có cái anh hùng cao cả vừa có sự bi thảm đau thương.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/12/2023