Chức năng của thương nghiệp bán buôn trong phục vụ sản xuất - 10


giao dịch, hệ thống tổng kho bán buôn, hệ thống trung tâm logistics là nơi mua bán tập trung nhiều nhóm hàng. Nhà nước phải là người tiên phong, chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trung tâm giao dịch này trong một quy hoạch tổng thể thống nhất với định hướng phát triển chung của hoạt động thương mại trong cả nước. Bên cạnh đó khuyến khích các doanh nghiệp có đủ tiềm lực tham gia xây dựng và kinh doanh các tổng kho bán buôn, các trung tâm logistics bằng các ưu đãi về điều kiện đầu tư, thuế, đất đai,…

Mối liên kết dọc cũng cần được hình thành giữa nhà sản xuất, nhập khẩu- bán buôn- bán lẻ - người tiêu dùng nhằm gắn cả 2 quá trình cung ứng thiết bị, nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất với tổ chức các kênh tiêu thụ. Từ đó có thể tăng cường sự linh hoạt và liên hoàn trong hệ thống phân phối. Các kênh tiêu thụ định hướng cho sản xuất phù hợp nhu cầu tiêu dùng. Nhà sản xuất và người nhập khẩu có thể tăng cường sự kiểm soát giá cả đối với các khâu phân phối sau. Đặc biệt đối với các ngành, nhóm hàng quan trọng như sắt thép, xi măng, lương thực, phân bón, dược phẩm, hoặc đặc thù như rượu - bia, thuốc lá, chất nổ, hoá chất độc hại, có tác động lớn đến sản xuất, đời sống sức khoẻ người dân, môi trường sinh thái, cần thiết lập và phát triển mối liên kết dọc có quan hệ gắn kết chặt chẽ, ổn định ràng buộc trách nhiệm trên từng công đoạn của quá trình lưu thông. Để hình thành hệ thống kinh doanh này, cần phát huy vai trò định hướng và tổ chức thị trường của các doanh nghiệp lớn (mà nòng cốt là các doanh nghiệp Nhà nước) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia, nhằm tạo ra một thị trường ngày càng mang tính cạnh tranh.

2.3. Phát triển đa dạng các mô hình tổ chức bán buôn theo từng thị trường ngành hàng, phù hợp tính chất và trình độ sản xuất

a) Đối với hàng hoá nông sản


Xây dựng các chợ đầu mối, chợ bán buôn chuyên doanh ở vùng sản xuất nông sản tập trung nhằm tiêu thụ nông sản thông qua bán buôn để chuyển cho thị trường khu vực khác, cho cơ sở chế biến và cho xuất khẩu. Đồng thời xây dựng các kho hàng, trung tâm logistics để bảo quản và sơ chế, bao gói chung chuyển làm tăng giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao cấp được thực hiện tại các siêu thị và cho xuất khẩu. Hàng nông sản là một trong những mặt hàng chủ lực của nước ta với lượng tiêu thụ hàng năm không nhỏ, kim ngạch xuất khẩu đạt trên vài tỷ USD, tuy nhiên hiệu suất của ngành này lại không lớn. Giá trị thu lại được chưa tương xứng với công sức mà người nông dân phải bỏ ra, chủ yếu là do khâu phân phối chưa hợp lý, người nông dân thường xuyên bị các thương nhân ép giá, sản phẩm sản xuất cũng chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, hơn nữa do khâu bảo quản không tốt nên sản phẩm thường xuyên bị hư hỏng, giảm giá trị trong quá trình bảo quản và vận chuyển. Việc hình thành các chợ bán buôn đầu mối giúp người nông dân có thể bán sản phẩm của mình dễ dàng hơn ngay tại vùng sản xuất, các nhà buôn cũng thuận tiện hơn trong việc thu gom hàng, đồng thời làm gia tăng tính thị trường cho thị trường hàng nông sản. Các nhà bán buôn có thể liên hệ mật thiết hơn với nông dân sản xuất thông qua các hợp tác xã nông nghiệp nhằm định hướng ngay từ đầu cho sản xuất nông nghiệp xu hướng của thị trường, giảm thiểu tình trạng hàng hoá sản xuất không phù hợp nhu cầu của thị trường. Các chợ đầu mối, chợ chuyên doanh có thể phân thành chợ cấp vùng thuộc hạng một I và các chợ có quy mô nhỏ hơn thuộc hạng II. Trước mắt, cả nước cần tập trung xây dựng khoảng 5 đến 7 chợ cấp vùng thuộc hạng I tại các tỉnh thành như: Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Ngệ An, Hải Dương, ngoại vi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, là những nơi hàng hoá tập trung, ổn định, có vị trí và điều kiện giao thông thuận lợi, gắn liền với các đầu mối xuất khẩu. Mỗi tỉnh thành phố trực thuộc trung ương còn lại có thể xây dựng từ 1 đến 3 chợ địa phương thuộc hạng II. Tại các khu vực gần


các chợ chuyên doanh, chợ đầu mối cần xây dựng các kho bảo quản, các trung tâm logistics để bảo quản và sơ chế, chế biến hàng hoá.

b) Nhiên, nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp, sản phẩm công nghiệp Bên cạnh việc cung ứng thiết bị vật tư theo các hình thức tổ chức

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 92 trang tài liệu này.

truyền thống cần thiết lập và phát triển các trung tâm giao dịch, bán buôn, các “chợ” công nghệ, “chợ” nguyên, phụ liệu…tại các đô thị lớn, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu gắn với hoạt động xuất nhập khẩu nhằm ổn định việc cung cấp thiết bị, vật tư, nguyên, nhiên, phụ liệu cho sản xuất công nghiệp.

Đối với các chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, trung tâm giao dịch kể trên, cần căn cứ vào nhu cầu của địa bàn và khả năng phát triển, hiệu quả hoạt động để lựa chọn và tập trung củng cố, tiếp tục đầu tư nâng cấp thêm cho một số chợ, trung tâm trở thành các sàn giao dịch, các trung tâm đấu giá ứng dụng các phương thức hoạt động tiên tiến, hiện đại dựa trên cơ sở của công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

Chức năng của thương nghiệp bán buôn trong phục vụ sản xuất - 10

c) Các ngành hàng thuộc diện quan trọng đặc thù

Đối với các ngành, nhóm hàng thuộc diện quan trọng, đặc thù có tác động lớn đến đời sống dân sinh và môi trường sinh thái như sắt thép, xi măng, xăng dầu, phân bón, thuốc lá, hoá chất công nghiệp, hoá chất độc hại,…cần thiết lập một hệ thống phân phối có quan hệ chặt chẽ, ổn định, và ràng buộc trách nhiệm trên từng công đoạn của quá trình lưu thông, từ sản xuất, nhập khẩu đến bán buôn, bán lẻ, đảm bảo quản lý được giá cả, luồng hàng. Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nhóm hàng thuộc diện này phải nâng cao ý thức cộng đồng, các doanh nghiệp bán buôn không thể chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà nâng giá quá cao khi hàng khan hiếm, hoặc cung cấp không đúng đối tượng được phép kinh doanh ngành, nhóm hàng này. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải nâng cao trách nhiệm để củng cố mối liên kết dọc đồng thời ràng buộc các nhà bán buôn bằng các hợp đồng mua bán, hợp


đồng đại lý quy định chặt chẽ, rõ ràng trách nhiệm của các nhà bán buôn. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống phân phối trên cơ sở xây dựng và phát triển hệ thống tổng kho bán buôn, hệ thống trung tâm logistics, bố trí theo khu vực thị trường để tiếp nhận hàng hoá từ sản xuất, nhập khẩu và cung ứng hàng hoá cho mạng lưới bán buôn trên địa bàn.

d) Phát triển thương mại điện tử

Phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là loại hình thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp- doanh nghiệp) trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ của khoa học về công nghệ thông tin. Thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong một vài thập kỷ trở lại đây. Nó không chỉ được ứng dụng tại các vùng đô thị lớn mà ngay tại các vùng sản xuất nông nghiệp cũng có thể áp dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhà sản xuất và nhà kinh doanh thương mại, giúp các doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách về địa lý, rút ngắn thời gian cũng như chi phí giao dịch không chỉ trong nước mà trên cả phạm vi quốc tế. Với loại hình thương mại điện tử B2B, nhà sản xuất hoặc nhà bán lẻ có thể xem xét danh mục tư liệu sản xuất hay sản phẩm tiêu dùng của nhà bán buôn thông qua trang Web của nhà bán buôn, hoặc nhà bán buôn có thể xem danh mục hàng hoá của nhà sản xuất thông qua Website của nhà sản xuất, sau đó đặt hàng bằng thư điện tử. Nhà bán buôn hoặc nhà sản xuất sau khi nhận được đơn đặt hàng (thông thường chỉ vài phút sau khi đơn đặt hàng được gửi đi) tiến hành xem xét và có thể gửi hàng đi ngay lập tức. Tuy nhận thức được vai trò và xu hướng phát triển tất yếu của thương mại điện tử song các doanh nghiệp nước ta vẫn chưa có nhiều ứng dụng đối với loại hình này. Một số công ty đã xây dựng được Website nhưng chủ yêu sử dụng để quảng cáo về công ty, các nội dung trên website ít được cập nhật và hầu như chưa có hoạt động đặt hàng qua website. Việc phát triển thương mại điện tử cũng đòi hỏi các công ty có sự đầu tư nhất định cho cơ sở vật chất và công nghệ thông tin. Vì vậy hầu hết các doanh nghiệp vẫn


gặp khó khăn trong việc bắt đầu và điều hành kinh doanh qua mạng. Các cơ quan quản lý có thể phối hợp các cơ quan chuyên ngành công nghệ thông tin, hướng dẫn tập huấn cho các doanh nghiệp, giúp họ chuẩn bị các điều kiện cơ bản để xây dựng thương mại điện tử.

2.4. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các dịch vụ phụ trợ cho hoạt động kinh doanh thương mại

Hoạt động bán buôn cũng không tồn tại một cách độc lập mà gắn kết với nhiều hoạt động và dịch vụ khác như vận tải, bảo hiểm, ngân hàng,…Nhà bán buôn muốn đưa hàng hoá từ kho của nhà sản xuất về kho của mình hoặc từ kho của mình đến kho của nhà bán lẻ thì phải sử dụng đến hệ thống vận tải. Trong quá trình vận tải, bảo quản dự trữ hàng hoá, nhà bán buôn có thể gặp không ít rủi ro: bão lũ, thiên tai, mất mát do trộm cắp, hư hỏng hàng hoá,… do đó họ cần mua bảo hiểm cho hàng hoá. Trong hoạt động kinh tế hiện đại, các bên cũng không mua bán theo hình thức tiền hàng trao tay mà chủ yếu thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Các dịch vụ thanh toán tiện ích qua ngân hàng như chuyển tiền bằng điện, séc, hối phiếu, kỳ phiếu, thư tín dụng khiến cho quá trình thanh toán trong các giao dịch nhanh hơn và an toàn hơn. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn thường xuyên cung cấp tín dụng cho các thương nhân, đảm bảo đủ nguồn vốn lưu động cho kinh doanh, giúp nhà kinh doanh nhanh chóng nắm bắt và tận dụng được thời cơ.

Hiệu quả của hoạt động bán buôn rõ ràng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển của các dịch vụ phụ trợ kể trên. Khi vận tải có sự góp mặt của máy bay chuyên chở cỡ lớn, tàu biển có trọng tải lên đến vài trăm nghìn MT, hệ thống giao thông đường bộ được hoàn thiện với những con đường trên chục làn xe, tốc độ vận tải được cải thiện rõ rệt thì tốc độ lưu thông hàng hoá cũng tăng lên. Việt Nam có đường bờ biển dài 3260km, hiện có 160 bến cảng, 305 cầu cảng, tổng chiều dài tuyến biển là 36.164km với công suất bốc xếp


hàng hoá khoảng 130 triệu tấn/năm. Tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường sông và đường biển của Việt Nam năm 1990 là 132.576.300 tấn thì đến năm 1999 đã đạt 223.310.000 tấn, tăng 1,68 lần, trong đó vận tải đường bộ và đường sông chiếm tỷ trọng lên tới trên 80%20. Tuy nhiên hệ thống vận tải đường bộ vẫn chưa hoàn chỉnh, chất lượng đường nhiều nơi còn xấu, làm giảm tốc độ vận chuyển hàng hoá. Vận chuyển bằng máy bay không chiếm tỷ trọng nhiều do cước phí đắt. Đội tàu biển của nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong vận tải đường biển do đội tàu của Việt Nam còn yếu kém, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu mua hàng với điều kiện CIF và bán với điều kiện FOB. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo cần đẩy mạnh xây dựng và hiện đại hoá các cảng Cái Lân, Sài Gòn (mới), Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, xây dựng các phương án vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không nhằm gia tăng tốc độ cũng như năng lực vận tải.

Đến cuối những năm 80 mạng lưới bảo hiểm cũng đã phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước với các sản phẩm bảo hiểm phong phú và đa dạng trên thị trường. Công ty bảo hiểm Việt Nam được chuyển thành Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (gọi tắt là Bảo Việt) vào năm 1989, doanh trong năm này đạt 94 tỷ VND. Trong giai đoạn từ 1989 đến 1994 tốc độ gia tăng doanh thu là 35-40%. Tuy nhiên lĩnh vực bảo hiểm hàng hoá của các công ty bảo hiểm trong nước chưa phát triển tương xứng với tốc độ phát triển của hoạt động mua bán, tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu mua bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm nước ngoài vẫn còn cao. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong nước cần tăng cường liên kết bảo hiểm, đa dạng hoá các loại hình bảo hiểm và hoàn chỉnh cơ chế thanh toán bảo hiểm, tăng cường tính cạnh tranh đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp mua bảo hiểm.


20 Trường Đại học ngoại thương, bộ môn “Vận tải và bảo hiểm” (2005), Giáo trình Vận tải và giao nhận trong ngoại thương, NXB chính trị. trang 21


Ngành ngân hàng ở nước ta cũng có tốc độ phát triển nhanh chóng với sự góp mặt của nhiều ngân hàng liên doanh có tiềm lực lớn mạnh, phương thức kinh doanh hiện đại, dịch vụ thuận tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên dịch vụ ngân hàng là lĩnh vực mới mở cửa của nước ta vì vậy cơ chế hoạt động còn chưa ổn định, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nhưng phải đảm bảo không làm mất đi tính cạnh tranh theo các quy luật kinh tế cơ bản của thị trường. Tất cả những yếu tố đó đang tạo nên một cơ sở cho hoạt động thương mại nói chung và hoạt động bán buôn nói riêng ngày càng phát triển.

2.5. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động mua bán trong nước và xuất khẩu

Hiện nay, vai trò của nguồn nhân lực ngày càng được khẳng định trong tất cả các lĩnh vực của kinh tế xã hội kể cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Nhà nước cần khai thác tối đa các nguồn vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thương mại, đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao đội ngũ giáo viên và đổi mới giáo trình về lĩnh vực phân phối thông qua các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đào tạo về lĩnh vực này như trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại,... để đào tạo cán bộ quản trị cung vận, quản trị chuỗi cung ứng, trung tâm logistics, đào tạo các nhân viên có kỹ năng hiện đại trong các khâu bán hàng, thanh toán, nghiệp vụ kho hàng. Trong đó cần chú trọng đào tạo cán bộ quản lý và thực hiện kinh doanh. Bên cạnh việc đào tạo tập trung tại các trường đại học cần tổ chức các các lớp đào tạo ngắn hạn về kinh doanh quốc tế, thị trường quốc tế nhằm nâng cao trình độ và hiểu biết thực tế cho các cán bộ quản lý và nhân viên thừa hành trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đào tạo tại nước ngoài cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong nước, rút


ngắn khoảng cách giữa nguồn nhân lực trong nước và nguồn nhân lực quốc tế. Bên cạnh việc tăng đầu tư cho hoạt động đào tạo cán bộ tại nước ngoài từ nguồn vốn Nhà nước, cần tạo điều kiện cho các tổ chức đào tạo quốc tế hoạt động tại thị trường Việt Nam, phát triển các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học trên thế giới nhằm thúc đẩy du học tự túc và du học tại chỗ. Bên cạnh việc đào tạo cần có chế độ sử dụng và đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng làm việc tại các công ty trong nước, giảm thiểu tình trạng chảy máu chất xám như hiện nay.

Cán bộ thương nghiệp cũng cần chủ động không ngừng tự nâng cao năng lực kinh doanh của bản thân, ngoài những kiến thức thực tế từ thương trường có thể tham gia các khoá học dài hạn hoặc ngắn hạn do các trường đại học hoặc Bộ Công thương tổ chức, đặc biệt cần chú trọng việc tìm hiểu hệ thống pháp luật trong nước cũng như quốc tế. Những sinh viên hiện tại đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng cũng phải nhận thấy được tầm quan trọng của ngành kinh tế thương nghiệp, không ngừng học hỏi, nắm bắt những kiến thức cần thiết, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, có thể tham gia nghiên cứu hoặc tham gia những công việc thích hợp nhắm tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn. Như Lênin từng viết: “Trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ tổ quốc vai trò của ngành thương nghiệp càng vô cùng quan trọng. Nhưng muốn phát huy tốt nhất vai trò và sức mạnh của mình, thương nghiệp lại cần có một đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Bởi vì hoạt động thương nghiệp là một công tác khó khăn và phức tạp, nó đòi hỏi cán bộ, công nhân viên trong ngành chẳng những phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần trách nhiệm cao mà còn phải có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn vững

vàng”21.


21 VI Lênin toàn tập, tập 45. NXB Tiến Bộ, Matxcơva 1978 trang 98-99

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/04/2022